some quotes....

I just want to tell you, I'm the one who was supposed to take care of everything. I'm the one who was supposed to make everything okay for everybody. It just didn't work out like that. And I left. I left you... And now, I'm an old broken down piece of meat... and I'm alone. And I deserve to be all alone. I just don't want you to hate me.

-Randy 'The Ram' Robinson, The Wrestler

samedi 23 janvier 2010

New York, I Love You (2009)


Phim không được hay như tôi mong đợi (đồng nghĩa với việc không so sánh được với Paris, Je t'aime) nhưng cũng không đến nỗi tệ, vẫn có nhiều khoảnh khắc thú vị và dễ chịu.

New York, I Love You được làm theo phong cách Paris, Je t'aime, có nghĩa là 10 đạo diễn sẽ có 10 phút để thể nghiệm ý tưởng của mình về thành phố New York thông qua những số phận khác nhau của con người New York. Khác với Paris, Je t'aime có 18 đoạn phim riêng biệt ứng với 18 (trên tổng số 20) quận của Paris, New York, I Love You cố hòa 10 đoạn phim thành một tổng thể thông qua việc cho những nhân vật của đoạn phim này giao cắt với nhân vật của đoạn phim khác và chia mảnh các đoạn phim rồi trộn với nhau - một cố gắng ... không thành công lắm vì đây ... không phải là Love Actually (một phim có kịch bản đồng nhất với mục đích để các tuyến nhân vật kết nối được với nhau) mà chỉ là các mảnh phim lẻ, với cách thực hiện và ý nghĩa hoàn toàn khác nhau. Dàn diễn viên và đạo diễn của New York, I Love You cũng không được "hoành tráng" như Paris, Je t'aime, chủ yếu là các đạo diễn trẻ, thậm chí có người chỉ mới "vào nghề" đạo diễn như Natalie Portman. Tiếc (lại một cái tiếc nữa) là trẻ không đồng nghĩa với đột phá, nội dung của New York, I Love You chủ yếu hướng tới một feel-good movie chứ không có chất thể nghiệm và mang cá tính cao như Paris, Je t'aime. Vì vậy khán giả muốn không thất vọng với bộ phim này thì tốt nhất nên chuẩn bị tinh thần để xem một feel-good movie chứ không nên đòi hỏi những gì phức tạp, nặng chất triết lý.

Bây giờ đề cập tới mỗi đoạn phim. Khương Văn - ngôi sao ngày nào của Người Bắc Kinh ở New York được giao đoạn phim mở đầu, thông minh, ý nhị nhưng không nhiều ấn tượng. Tiếp đến là đoạn phim của Mira Nair, một nữ đạo diễn Ấn Độ, một đoạn phim hơi gượng ép về ý tưởng tôn giáo thành ra khó hiểu và khó cảm, Natalie Portman đóng chính đoạn phim này, đầu cô trọc lốc (không biết có phải cạo thật như thời đóng V for Vendetta không?) nhưng ấn tượng thua xa đoạn phim cô đóng trong Paris, Je t'aime. Shunji Iwai của All About Lily Chou-Chou là điểm sáng đầu tiên với đoạn phim rất ... O.Henry về một anh chàng nhạc sĩ (Orlando Bloom) "phải lòng" một giọng nói dễ thương qua điện thoại, đây là một đoạn phim hết sức dễ chịu với cảnh cuối khá teen nhưng độc đáo theo kiểu cổ điển. Đoạn của Yvan Attal (chồng của Charlotte Gainsbourg) là đoạn phim nhiều "sao" nhất (Ethan Hawk, Robin Wright Penn, Chris Cooper và Maggie Q), đây là đoạn ... hỗn độn nhất vì nó tổng hợp cả những thời khắc lãng mạn, tục, quái quái (đặc biệt là vai anh nhà văn mở mồm ra là tán gái do Hawk thủ vai) đâm khiến người xem hấy hay hay nhưng cũng ... chẳng hiểu đạo diễn ngụ ý gì. Brett Ratner, vốn "chuyên trị" blockbuster và phim hành động, lại là tác giả của đoạn phim teen nhất nói về một cậu chàng ngố trong ngày prom, một đoạn phim dễ xem, vui, với sự góp mặt của James Caan luôn mồm văng tục như thời Bố già.

Allen Hughes, đạo diễn của bom tấn năm nay The Book of Eli, là tác giả của đoạn phim hỗn loạn về mặt hình ảnh và ý nghĩa nhất, đoạn phim là những dòng suy nghĩ của hai nhân vật (Bradley Cooper và Drea de Matteo) trên đường tới chỗ hẹn găp nhau xen lẫn bằng những cảnh ân ái giữa hai người, xem xong chỉ có thể dùng hai từ: khó hiểu. Shekhar Kapur, đạo diễn của loạt Elizabeth, cho ra đời một đoạn phim mang đậm dấu ấn cá nhân với những góc quay và cách sử dụng tông màu trắng rất ấn tượng, đây cũng có lẽ là đoạn phim có dàn diễn viên đạt nhất - Shia LaBoeuf (trong một vai kiểu "thằng gù Nhà thờ Đức Bà", rất khác kiểu so với các vai LaBoeuf hay đóng), Julie Christie (trong vai một ca sĩ-đã không còn hát nữa, vai này giao cho Julie Andrews, một giọng ca vàng bị mất giọng thật, thì chắc còn hợp nữa) và John Hurt (aka. The Elephant Man), tuy thời gian xuất hiện không nhiều nhưng cả ba đều toát ra vẻ ấn tượng (và mong manh) tách biệt hẳn so với phần còn lại của phim. Phần trông có vẻ dễ thương nhưng kì thực lại chán nhất do không ai khác ngoài Natalie Portman thực hiện, đoạn phim là cuộc dạo chơi ở Central Park của một bé gái cùng anh nghệ sĩ múa kiêm "vú em" (manny!), hình ảnh của đoạn phim tươi sáng nhưng chẳng bộc lộ được nhiều ý nghĩa (hoặc quá khó hiểu so với khán giả bình thường như tôi). Fatih Akin, đạo diễn bạo liệt của Head-on, thực hiện đoạn phim có màu sắc u ám nhất phim, một đoạn phim rất gợi liên tưởng tới Chiếc lá cuối cùng của O.Henry với một bác họa sĩ già dù lâm bệnh nặng vẫn cố thuyết phục cô gái người Hoa trẻ trung với đôi môi tuyệt đẹp (còn ai khác ngoài Thư Kỳ) làm mẫu cho mình, đây cũng là một đoạn phim khó hiểu nhưng gần gũi nhất với ý đồ của New York, I Love You - mỗi đoạn phim là một truyện ngắn nói về một khuôn mặt của New York. Joshua Marston, đạo diễn của Maria Full of Grace, có ý tưởng độc đáo (so với phim này, chứ so với Paris, Je t'aime thì bình thường) về cuộc trò chuyện của một cặp vợ chồng già (Eli Wallach aka. "the Ugly" - 93 tuổi và Cloris Leachman - 83 tuổi) trong ngày kỉ niệm lần thứ 63 đám cưới của hai người, một đoạn phim về "tình già" xem khá xúc động, nhưng cảm xúc đọng lại sau khi xem không nhiều. Điểm nối giữa các đoạn phim là một cô gái ít nói lặng lẽ cầm máy quay ghi lại muôn mặt cuộc sống New York để làm triển lãm riêng, đoạn này do Randy Balsmeyer thực hiện và như đã nói ở trên là một cách kết nối hơi gượng ép cho New York, I Love You.

Tóm lại thì New York, I Love You chỉ có thể làm thỏa mãn người xem với tư cách một feel-good movie chứ không nói lên được điều gì về thành phố New York và tình yêu với thành phố có vẻ ngoài xù xì này. Với những ai muốn tìm cảm giác về một New York thực sự, (hình như) lời khuyên chung cho họ là Manhattan của Woody Allen. (Cuối phim có hint là "phần tiếp theo" sẽ là Roma của Ý, hy vọng là quay về thành phố vĩnh cửu sẽ giúp các đạo diễn có cảm hứng sáng tác hơn - nhưng trên IMDb lại thấy phần tiếp theo sẽ làm ở ... Thượng Hải, thế thì nản rồi!)

Vì rất thích mấy poster của Paris, Je t'aime nên tôi cũng ít nhiều trông đợi vào sự độc đáo của poster New York, I Love You, rút cục thì poster không đẹp và đặc sắc lắm, và cũng nhận ra thêm một điều là hóa ra New York không có nhiều "điểm nhận dạng" như Paris, quanh đi quẩn lại cũng chỉ có Tượng nữ thần Tự do hay Cầu Brooklyn.

So với Paris, Je t'aime:


6 commentaires:

  1. Biased quá nha. Thấy phim này cũng đâu đến nỗi tệ :P Nhưng công nhận so với Paris thì thua xa. Thích đoạn 2 vợ chồng già (ặc, phải chăng mình cũng già rùi :(( ). Đoạn có Shia thì quay đẹp quá nhưng lại khó hiểu thật.

    RépondreSupprimer
  2. Haha, phải thích mấy đoạn "teen teen" như đoạn chú bé và cô bé đi prom giống tôi đi cho nó mới trẻ được :D!

    RépondreSupprimer
  3. doan cua Natalie Portman thi do la nguoi cha chu dau phai manny! Chi la cac ba trong cong vien tuong do la manny thoi.

    Toi thich segment Tinh gia nhat, tuy do cung la segment hinh anh NY xau nhat.

    RépondreSupprimer
  4. Tui không tin chú nghệ sĩ múa là cha đâu, phim chỉ đưa ra vài cái hint còn xét đoán quan hệ thế nào là tùy vào người xem, mà hint đoạn đó thì lại lửng lơ quá.

    Đoạn Tình già xem qua thì thấy hay nhưng không đọng lại nhiều, để so sánh thì Eternal Sunshine of the Spotless Mind cũng dùng bối cảnh khô khốc như thế: bãi biển lạnh lẽo, bê tông, sắt thép, nhưng cảm giác của người xem về NY trong phim khi xuất hiện đôi tình nhân vẫn thấy lãng mạn và đẹp đấy chứ.

    RépondreSupprimer
  5. rõ ràng khi cha nghệ sĩ kết thúc vở múa, cô bé ấy kêu Daddy đó chứ.

    RépondreSupprimer
  6. Ừ bạn nói tui mới nhớ, lúc viết bỏ qua vì sợ spoil, lúc sau thì ... quên luôn chi tiết này :D! Xem lại vẫn thấy khó mà cảm được tình cảm giữa cái đôi này, cảm giác anh nghệ sĩ múa như một người đơn độc dành tình cảm cho cô bé gái hơn.

    RépondreSupprimer