some quotes....

I just want to tell you, I'm the one who was supposed to take care of everything. I'm the one who was supposed to make everything okay for everybody. It just didn't work out like that. And I left. I left you... And now, I'm an old broken down piece of meat... and I'm alone. And I deserve to be all alone. I just don't want you to hate me.

-Randy 'The Ram' Robinson, The Wrestler

dimanche 10 janvier 2010

Watchmen (2009)


Chất lượng phim này chỉ đáng hai sao, cho thêm một sao vì đoạn prelude và nhạc phim xuất sắc.

Thực ra bản tôi xem là bản Ultimate Cut dài cỡ 210 phút (so với bản chiếu rạp là 162 phút) nên nhận xét có thể không chính xác cho bản chiếu rạp, nhưng vì (nghe nói) bản Ultimate Cut còn ... hay hơn bản chiếu rạp thì chứng tỏ bản chiếu rạp thực sự dở và việc phim không ăn khách (185 triệu USD doanh thu - so với 130 triệu USD tiền sản xuất, chưa kể tiền quảng cáo chắc cũng phải chừng ấy). Điều khiến tôi ngạc nhiên đầu tiên là mức độ bạo lực vượt trội của Watchmen, phim bạo lực hơn rất nhiều so với các phim siêu anh hùng tôi từng xem, ấy vậy mà cũng chỉ bị gắn mác R như hầu hết phim hành động thông thường thay vì mác NC-17 mà nó xứng đáng phải nhận vì vô số cảnh đầu rơi máu chảy như trong truyện (vốn bê bết máu me ở mức độ chỉ dành cho người lớn), thậm chí là còn hơn truyện, vì truyện chỉ là cảnh tĩnh, còn phim thì đặc tả, nhấn mạnh các cảnh đó bằng đủ mọi kĩ xảo quay và kĩ xảo vi tính.

Điểm chê đầu tiên của Watchmen là chất lượng dàn diễn viên quá tệ. Việc đạo diễn của phim sử dụng shot-for-shot adaptation (truyện dùng tranh nào thì phim dựng lại y hệt tranh đó) không thể biện minh nổi cho diễn xuất cứng đờ của cả ensemble cast. Trừ Dr. Manhattan (do Billy Crudup từng rất tuyệt vời trong Almost Famous thủ vai) bị hạn chế diễn xuất mặt và cơ thể bởi CGI thì các diễn viên còn lại khóc đấy, cười đấy, ra vẻ thịnh nộ đấy nhưng họ hoàn toàn không bộc lộ được sự khác biệt của những siêu anh hùng "kiểu phản anh hùng" mà Moore đã dày công xây dựng, cộng thêm kịch bản vụn vặt (sẽ nói sau) của phim, diễn xuất của dàn diễn viên ít tên tuổi (và chắc chắn vẫn sẽ ít tên tuổi sau phim) đã biến Watchmen trở thành một vở kịch chiếu trên màn ảnh lớn với chất lượng điện ảnh khó có thể chấp nhận được. Kém nhất trong dàn ensemble cast của phim có lẽ là Nite Owl (Patrick Wilson của Little Chidren) với cách diễn "lờ đờ" hiếm có, lờ đờ từ những tình huống lờ đờ đầu phim và ngay cả những cảnh đòi hỏi cảm xúc, cử động mặt cuối phim Nite Owl vẫn ... cứ lờ đờ. 2 nhân vật được trông chờ nhất của Watchmen là The Comedian (Jeffrey Morgan) và Rorschach (Jackie Haley, bạn diễn của Wilson trong Little Chidren và từng được đề cử Oscar cho vai này) cũng không gây được ấn tượng lớn, cảnh "giàu tình người" nhất của truyện (và đáng ra là của phim) - cảnh The Comedian nói chuyện với con gái Silk Spectre (Malin Akerman) bị Jeffrey Morgan bỏ lỡ một cách đáng tiếc vì cách diễn nửa vời, Jackie Haley thì khá hơn (có lẽ là khá nhất phim) khi cảnh đối đầu cuối cùng giữa Rorschach và Dr. Manhattan được anh (ông?) xử lý khá tốt và gợi lên được phần nào cái phẩm chất cương trực (never compromise) trước cái ác đến cực đoan của Rorschach. Nhìn tổng thể thì không một diễn viên nào của Watchmen để lại được nhiều ấn tượng trong người xem - điều tối quan trọng cho phim siêu anh hùng và phim shot-for-shot adaptation như thế này.

Điểm yếu thứ hai của phim và là điểm yếu chí tử khiến phim thua thiệt khi công chiếu đó là phần kịch bản, một kịch bản vụn vặt, rời rạc và khó hiểu với đại đa số người xem bình thường - tôi nói trên quan điểm của một người đã đọc truyện và có chút ít nền tảng kiến thức để hiểu Moore định ám chỉ cái gì và chịu ảnh hưởng từ cái gì khi sáng tác truyện. Và thực ra ai muốn tìm hiểu kĩ hơn về Watchmen cũng có thể đọc bài viết cực tốt về truyện trên wikipedia (và bản dịch tiếng Việt tương đương). Theo tôi Zack Snyder đã sai lầm khi muốn biến Watchmen trở thành một thành công kiểu 300 thứ hai, vì nếu như 300 lấy bối cảnh lịch sử với cốt truyện tương đối đơn giản (có nghĩa là xuyên tạc lịch sử rất nhiều để độc giả/khán giả Mỹ có thể hiểu dễ dàng như ăn McDonald) thì Watchmen mang tính đương đại (contemporary) rất lớn với nhiều tầng ý nghĩa khác nhau để ám chỉ về một giai đoạn lịch sử nhất định của Chiến tranh Lạnh - từ giữa thập niên 1960 đến giữa thập niên 1980 (giai đoạn Moore lấy cảm hứng rất nhiều để sáng tác) vì vậy nếu bê nguyên nội dung đó vào một bộ phim của những năm cuối cùng của thập niên 2000 thì khán giả chắc chắn sẽ cảm thấy xa lạ - có thể họ hiểu tư tưởng của Moore nhưng họ không còn thấy đáng quan tâm nữa vì nó đã thuộc về thì quá khứ gần (nếu quá khứ xa thì mức độ quan tâm sẽ lại cao hơn) trong khi thế giới nói chung cùng quan niệm sống của số đông xã hội đã thay đổi quá nhiều. Một ví dụ cụ thể là chủ nghĩa hư vô (nihilism) và mối ám ảnh của chủ nghĩa toàn trị (totalitarianism) vốn tràn ngập trong các bộ phim thời thập niên 1970, 1980 như Blade Runner, Brazil thì đã gần như biến mất khỏi các bộ phim (được gọi là hay) của thập niên 2000, thực tế đó khiến những câu rao giảng đậm mùi nihilism của Dr. Manhattan hay The Comedian trở nên vô cùng lạc lõng và xa lạ với khán giả hiện đại. Nói tới chi tiết này thì tôi tin là các nhà làm phim khi chiếu Watchmen đã hy vọng rằng bộ phim sẽ lợi dụng được đà ăn khách của các phim siêu anh hùng-kiêm phổ biến triết lý (mà tôi nói vui là pop phi - triết học đại chúng - thứ triết mà các siêu anh hùng nói thành câu, giải thích từng chữ để khán giả có thể nắm bắt) như Spider-Man 3 và đặc biệt là The Dark Knight để kéo khán giả tới rạp, có biết đâu là thứ triết lý trong Watchmen tuy cũng gần gũi với pop phi đấy nhưng lại hoàn toàn không dễ hiểu như The Dark Knight và đòi hỏi khán giả phải đặt mình vào bối cảnh căng thẳng của Chiến tranh Lạnh mới có thể cảm nhận được (một điều "xa xỉ" đối với công chúng của những phim siêu anh hùng - vốn chủ yếu bỏ tiền ra để được hưởng cảm giác thư giãn, thoải mái khi xem phim). Như đã nói ở trên, nếu như việc shot-for-shot adaptation của 300 diễn ra suôn sẻ vì cốt truyện đồng nhất, không dài, ít chi tiết, tính hình tượng cao thì chuyển thể điện ảnh của Watchmen đã băm vụn bộ truyện tranh thành những trường đoạn ngắn xem rời thì hay nhưng ghép lại thì thành vô cùng rời rạc và thiếu sự liên kết (vốn là những đoạn truyện-chữ rất dài ngăn cách giữa các chương của bộ truyện tranh). Việc bộ truyện Watchmen thiên về xung đột nội tâm chứ thiếu các cao trào về hành động hay các nút thắt mở của một phim điều tra (vài ba twist của Watchmen thực sự không quá bất ngờ hoặc khó đoán) càng khiến nó khó chuyển thể được thành một bộ phim hành động hấp dẫn. Kết quả là Zack Snyder phải dựa rất nhiều vào dăm ba pha hành động lẻ tẻ của phim để giúp phim có điểm nhấn - với kết quả là khán giả chỉ thấy Watchmen thêm phần máu me bạo lực chứ chẳng thu nhận được gì về sự căng thẳng, sức ép nặng nề bên trong từng nhân vật siêu anh hùng và toàn xã hội trong truyện.

Ở đây tôi tự dưng nhớ tới 20th Century Boys, một manga cực kì, phải nhấn mạnh là cực kì, xuất sắc của Naoki Urasawa cũng mang đầy tính phản anh hùng (anti-hero hay deconstructionism) với bối cảnh xã hội suy sụp như Watchmen. 20th Century Boys mới sáng tác gần đây (từ năm 2000) và nó xuất sắc không thua kém gì bộ truyện trước đó của Urasawa là Monster với một cốt truyện ly kì, hấp dẫn, sáng sủa, phản ánh được xã hội đương thời và vẫn mang được màu sắc u uất, hoài niệm rất riêng của tác giả. Chất lượng vượt trội của 20th Century Boys được chứng minh bằng việc nó đoạt cả hai giải manga hay nhất (không phân hạng mục) của hai nhà xuất bản hàng đầu Nhật Bản là Shogakukan (hãng xuất bản 20 Century Boys) và Kodansha (hãng ... đối thủ cạnh tranh của Shogakukan!). Năm nay 20th Century Boys cũng được chuyển thể, và đáng tiếc chuyển thể điện ảnh của bộ truyện này, dù rất tốn kém, cũng có chất lượng chẳng ra sao và nhanh chóng rơi vào quên lãng như rất nhiều bộ manga xuất sắc khác mà Nhật tự chuyển thể. Tất nhiên tôi chẳng hy vọng rằng Hollywood có thể "làm khá hơn" sau khi chứng kiến vô số thất bại thảm hại (có khi là thất bại một cách cố ý) của những Blood: The Last Vampire, Dragonball Evolution hay AstroBoy. Nhưng vẫn có chút gì đó tiếc nuối khi cái sự hypebuzz dành cho Watchmen lại lớn hơn 20th Century Boys nhiều lần đến thế, trong khi bộ manga Nhật mới là tác phẩm gần gũi và dễ tiếp nhận hơn nhiều lần đối với khán giả đương đại. Triết lý trong 20th Century Boys cũng được diễn giải rất bình dị, sâu sắc thông qua những chi tiết truyện chứ không phải bằng cách nói "bô bô" ra mồm tới mức thô thiển như "trường phái" pop phi của truyện tranh Mỹ và phim siêu anh hùng Hollywood.

===

Chê nhiều rồi thì cũng phải khen, điểm sáng đầu tiên của Watchmen là phần nhạc phim cực hay, rất bám sát nội dung và bối cảnh bộ truyện (thập niên 1980) đồng thời cũng bổ sung được rất nhiều về mặt cảm xúc và hơi thở của thời đại cho những cảnh phim mà chúng làm nhạc nền (âm nhạc rõ ràng có giá trị bền vững hơn nhiều so với điện ảnh hay truyện tranh?). Watchmen có rất nhiều trường đoạn mà nhạc phim hay và ấn tượng giúp tô đậm hơn rất nhiều nội dung phim, tiêu biểu là đoạn prelude đầu phim (sẽ còn nói ở phần sau) với The Times They Are a-Changin' của Bob Dylan, trường đoạn đám tang trong mưa với The Sound of Silence của Simon & Garfunkel, trường đoạn máy bay trực thăng bắn phá với (tất nhiên) Ride of the Valkyries của Wagner (một sự phản chiếu từ Apocalypse Now của Francis Ford Coppola) hay trường đoạn những giờ phút cuối cùng của Hollis Mason với (tất nhiên một lần nữa) Requiem của Mozart. Một trường đoạn đáng chú ý của Watchmen (so với chất lượng thường thường bậc trung của phim) là cảnh ân ái giữa Silk Spectre và Nite Owl cũng được lồng một cách rất tài tỉnh bản Hallelujah của Leonard Cohen. Phần nhạc phim làm tốt đã kéo lại nhiều ấn tượng cho phim, đặc biệt là với những khán giả không quen thuộc với bộ truyện hoặc không khí xã hội thời Chiến tranh Lạnh.

Điểm nhấn thứ hai của Watchmen là phần prelude đầu phim được làm cực tốt, ngắn gọn, hấp dẫn, độc đáo và truyền tải được nhiều thông tin. Nếu như độc giả của bộ truyện Watchmen được cung cấp thông tin cực kì chi tiết về bối cảnh xã hội của bộ truyện (nửa thực tế, nửa hư cấu) cùng thân thế của những siêu anh hùng thông qua các truyện-chữ dạng "hồ sơ", "bài báo", "thư cá nhân" (mà thời gian đọc chúng còn tốn hơn nhiều so với thời gian đọc truyện) thì đương nhiên khán giả của bộ phim Watchmen không thể có thời gian để nghe "kể lể" chi tiết tới như vậy. Để giải quyết khó khăn này Zack Snyder đã sáng tạo ra một đoạn phim giới thiệu ngắn gồm những giờ phút đáng nhớ của lịch sử nước Mỹ "trong Watchmen" cùng các nhân vật siêu anh hùng, chúng vừa cô đọng về mặt thông tin, vừa ấn tượng đến không ngờ vì gợi nhớ tới rất nhiều hình ảnh ấn tượng trong suốt quãng thời gian từ thập niên 1940 cho tới thập niên 1980 của lịch sử nước Mỹ, có thể kể ra:
* Cảnh đầu tiên của đoạn prelude là cảnh ... bố mẹ Batman bị tấn công nhưng không bị giết vì lần này đã có ... một siêu anh hùng của nhóm Minutemen đứng ra bảo vệ (cũng hàm ý rằng sẽ chẳng có một Batman ra đời - mặc dù trên tường vẫn có đầy poster về Batman).
* Hình ảnh chiếc máy bay Enola Gay chở bom nguyên tử ném xuống Hiroshima. Chữ Enola Gay đã được thay bằng hình ảnh của Miss Jupiter, một trong các siêu anh hùng và là mẹ của Silk Spectre.
* Bức ảnh V-J day in Times Square miêu tả nụ hôn kết thúc chiến tranh (thế giới thứ hai) ở quảng trường Thời đại New York. Hình ảnh anh lính thủy được Zack Snyder thay thế một cách rất sáng tạo thành nữ siêu anh hùng Sihouette, một siêu anh hùng đồng tính (lesbian) hiếm hoi của truyện tranh Mỹ.
* Bức tranh Bữa ăn tối cuối cùng của Leonardo da Vinci với các vị Thánh Công giáo được thay thế bằng nhóm Minutemen. Vị trí của Chúa được dành cho Miss Jupiter còn vị trí của Judas Iscariot thì (đương nhiên) được dành cho The Comedian.
* Tất nhiên, nói về lịch sử cận đại Mỹ thì kiểu gì cũng có vụ ám sát JFK. Điều thú vị là Zack Snyder đã để chính The Comedian là người kết liễu John Kennedy. Làn khói "đáng ngờ" trong những bức ảnh chụp về vụ ám sát cũng được Snyder giải thích đơn giản bằng ... điếu xì gà của The Comedian.
* Vụ tự thiêu của hòa thượng Thích Quảng Đức được nhắc tới qua chiếc tivi đen trắng trong bối cảnh ... vợ chồng Miss Jupiter đang cãi nhau. Vụ tự thiêu này đánh dấu cho quá trình leo thang của chiến tranh ở Việt Nam với sự nhúng tay càng ngày càng sâu của nước Mỹ. Ở đây đạo diễn đã mắc một lỗi về lịch sử khi sự kiện JFK bị ám sát (tháng 11 năm 1963) lại được nhắc đến trước vụ tự thiêu của hòa thượng Thích Quảng Đức (tháng 6 năm 1963).
* Hình ảnh lãnh đạo Liên Xô và Fidel Castro chứng kiến diễu hành trên Quảng trường Đỏ với các đầu đạn hạt nhân diễu qua. Có lẽ đạo diễn muốn ám chỉ tới vụ khủng hoảng tên lửa ở Cuba và đánh dấu sự leo thang về vũ khí hạt nhân trong Chiến tranh Lạnh, nhưng lại thêm một lỗi nữa vì vụ này diễn ra năm 1962 tức là trước cái chết của JFK năm 1963.
* Bức ảnh Flower Child do Marc Riboud chụp năm 1967 miêu tả cảnh cô nữ sinh trung học Jan Rose Kasmir cầm bông hoa trước hàng lưỡi lê của lực lượng Vệ binh quốc gia (National Guard) Hoa Kỳ. Bức ảnh này đáng nhớ vì nó biểu trưng cho phong trào phản chiến (chống chiến tranh Việt Nam) thời cuối thập niên 1960, đầu thập niên 1970 ở Mỹ. Trong phim thì bông hoa (và cô nữ sinh) bị bắn không thương tiếc, có lẽ là để ám chỉ tới vụ giết chóc ở Đại học Kent năm 1970 khi Vệ binh quốc gia bắn chết 4 sinh viên biểu tình chống chiến tranh.
* Bức ảnh Nite Owl theo phong cách pop art của Andy Warhol "nhại" theo phong cách vẽ tranh độc đáo của "ông vua pop art" này mà tiêu biểu là bức Marilyn Diptych vẽ Marilyn Monroe. Đứng bên cạnh Andy Warhol là Truman Capote, nhà văn nổi tiếng có cuộc đời gắn bó khá nhiều với Warhol.
* Tất nhiên nói tới lịch sử Mỹ thì Mỹ bao giờ cũng phải lôi sự kiện Neil Amstrong đặt chân xuống Mặt Trăng năm 1969 (một sự kiện hoàn toàn không có nhiều ý nghĩa thực tế về mặt khoa học và bị cố thổi phồng để che lấp những thành tựu về hàng không vũ trụ của Liên Xô - vốn đến giờ vẫn là xương sống cho trạm vũ trụ quốc tế ISS). Điểm khác biệt trong "lịch sử Watchmen" là Neil Amstrong khi cắm cờ thì Dr. Manhattan đã đứng đó từ lâu. Câu "Good luck, Mr. Gorsky" có thể tìm thấy ý nghĩa (khá buồn cười) trên wikipedia.
* Hình ảnh "ông chủ" Ozymandias đứng trước Studio 54, một biểu tượng của văn hóa disco thập niên 1970. Sau lưng Ozymandias khán giả có thể thấy những tên tuổi lớn của văn hóa Mỹ khi đó là David Bowie, Mick Jagger và Village People.
* Hình ảnh Nixon trúng cử nhiệm kỳ tổng thống Hoa Kỳ thứ 3, đồng nghĩa với việc thể chế dân chủ ở Mỹ (mà biểu tượng là việc tổng thống bị giới hạn 2 nhiệm kỳ) bị phá bỏ. Bên cạnh chiếc tivi thông báo tin bầu cử là một chiếc khác có hình ảnh chiếc Đồng hồ ngày tận thế - biểu tượng của căng thẳng hạt nhân thời Chiến tranh Lạnh.


2 commentaires:

  1. Chết, thế ra mình giới thiệu nhầm phim cho bạn Gre coi hả :))...đúng là dàn cast tệ quá. Thích cái không khí mà phim dựng lên những năm Cold War Nuclear Crisis....âm nhạc thì tốt hơn.

    RépondreSupprimer
  2. Có lẽ cũng tại tui có định kiến với anh đạo diễn (ghét 300 thậm tệ mà :D) nên mới không thích phong cách của Watchmen, chứ chuyển thể từ truyện tranh thì thế này là trung thực lắm rồi, nhưng tui vẫn thích kiểu chuyển thể như V for Ven hơn, xem nó còn đậm chất điện ảnh.

    RépondreSupprimer