some quotes....

I just want to tell you, I'm the one who was supposed to take care of everything. I'm the one who was supposed to make everything okay for everybody. It just didn't work out like that. And I left. I left you... And now, I'm an old broken down piece of meat... and I'm alone. And I deserve to be all alone. I just don't want you to hate me.

-Randy 'The Ram' Robinson, The Wrestler

mercredi 23 septembre 2009

Serpico (1973)


Cái poster rất đẹp, trông cứ như tranh pop art của Andy Warhol. Trông Al Pacino cũng "sành điệu", tóc tai rậm rì, kính cài trên đầu, không ngờ "thanh niên" này lại là "tough guy" đến thế trong phim.

Serpico là bộ phim tiểu sử về cuộc đời, nói đúng hơn là giai đoạn làm cảnh sát của Frank Serpico, một cảnh sát gốc Ý của NYPD (Lực lượng cảnh sát New York), một trong những người đầu tiên dám quay lưng lại đồng đội, đứng ra làm nhân chứng trước tòa để tố cáo sự tham nhũng một cách có hệ thống, từ trên xuống dưới, của NYPD. Ngày tốt nghiệp trường cảnh sát, Frank Serpico cũng như mọi cảnh sát trẻ khác, anh là niềm tự hào của cả gia đình, của bạn gái, anh muốn thực hiện giấc mơ từ thủa nhỏ, đó là "bắt kẻ gian". Nhưng rồi gần như ngay lập tức Frank nhận ra một sự thật đau đớn rằng nhiều khi "kẻ gian" lại chính là đồng đội của mình, những người nhận hối lộ của "kẻ gian" thực sự để thả chúng nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật, tệ hơn nữa, nhiều "kẻ gian" của lực lượng cảnh sát New York còn đứng ra thu tiền bảo kê không khác gì các băng đảng mafia ở thành phố này. Phải làm gì khi 99% người xung quanh mình là kẻ ác? Theo lẽ thông thường ngoài đời, người ta hẳn sẽ đi theo số đông nhưng Serpico thì không, anh sẵn sàng đứng về số 1% còn lại để rồi bị cho là cứng đầu, bị trù dập, bị cách ly khỏi công việc mà anh yêu thích. Serpico trở thành viên cảnh sát nguy hiểm nhất của NYPD, với cả bọn tội phạm và đồng đội, vì một lẽ đơn giản, anh là một cảnh sát liêm chính. Liêm chính, để rồi từng người bạn gái bỏ anh, để rồi mẹ anh phải trao cho đứa con cưng một quyển sổ tiết kiệm, để rồi anh mất hết bạn bè và chỉ còn là một viên cảnh sát luộm thuộm với con chó xù, người bạn duy nhất còn lại. Nhưng bất hạnh không ngăn cản được Serpico tiếp tục đấu tranh chống lại tệ tham nhũng, anh cùng đường tới mức sẵn sàng trả lời phỏng vấn báo chí, sẵn sàng hợp tác với lực lượng điều tra đặc biệt, chỉ nhằm một mục đích duy nhất, đó là quét sạch tham nhũng, giành lại môi trường làm việc cho anh và các cảnh sát liêm chính khác. Kết quả, tham nhũng có giảm nhưng chẳng thể chấm dứt, Serpico thì lãnh một viên đạn vào giữa mặt và một chức danh thanh tra bố thí. Anh đấu tranh vì cái gì?

Serpico là bộ phim hình sự mang đậm dấu ấn của thế hệ New Hollywood, đó là tinh thần phản kháng và tâm trạng thất vọng, chán chường thể hiện qua gam màu u ám của bộ phim. Frank Serpico không phải là một anh hùng, anh chỉ là con người bình thường muốn làm những việc theo anh là đúng, là cần thiết, để rồi phải vỡ mộng vì sự khắc nghiệt của xã hội, của cuộc sống. Có lẽ không ai khác ngoài Al Pacino có thể diễn thành công đến thế vai Frank Serpico, ông là người có uy lực diễn xuất (charisma) vào loại hàng đầu Hollywood, và Al Pacino đã truyền được cái uy lực đó cho nhân vật của mình để người xem luôn thấy được một Frank luôn hực lửa đấu tranh bất chấp vô số những gáo nước lạnh dội xuống từ cuộc đời. Al Pacino thành danh nhờ Francis Ford Coppola, nhưng Sidney Lumet cũng góp phần tạo dựng nên địa vị huyền thoại của Al bằng hai nhân vật, Serpico và 2 năm sau là Sonny Wortzik trong Dog Day Afternoon, một phim hình sự - bi cực kì xuất sắc khác. Xem xong Serpico tôi chợt nhận ra Russell Crowe sau này có rất nhiều điểm giống với Al Pacino, Crowe cũng là một diễn viên có uy lực cực lớn ẩn bên trong bộ dạng trầm lặng, rụt rè. Và Crowe cũng có một vai diễn gần tương tự như Serpico, đó là Jeffrey Wigand trong The Insider (một phim mà Al Pacino cũng đóng vai chính), dưới tầm một chút là vai Richie Roberts trong American Gangster. Thực tế thì những phim dựa trên người thực, việc thực như Serpico hay The Insider nếu tuân thủ theo đúng tiểu sử nhân vật thì sẽ rất khó hay ("đời không như phim"), vì thế chúng cần những diễn viên xuất sắc có thể đem chân dung thực sự của nhân vật từ trang kịch bản đến với khán giả, và may mắn là cả Al Pacino và Russell Crowe đều là những diễn viên như vậy, người ta sẽ còn nhớ rất lâu cảnh Crowe hoảng loạn che chở cho các con cũng như cảnh Al Pacino ôm mặt khóc uất ức vì ước mơ cảnh sát bị phá hủy. À cũng nói thêm là nếu phải so sánh 2 phim thì chắc chắn Serpico sẽ xếp trên vì nó chất chứa nhiều suy nghĩ về xã hội, về sự tồn tại của mỗi con người, The Insider thực ra chỉ đơn thuần là phim giải trí (khó có thể trông đợi hơn từ Michael Mann). Tại sao giờ người ta không thể cho ra đời những phim xuất sắc mang đậm tính triết lý mà vẫn hấp dẫn người xem như thời thập niên 1970, hay xã hội ổn định quá nên các đạo diễn không còn đề tài để khai thác?

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire