some quotes....

I just want to tell you, I'm the one who was supposed to take care of everything. I'm the one who was supposed to make everything okay for everybody. It just didn't work out like that. And I left. I left you... And now, I'm an old broken down piece of meat... and I'm alone. And I deserve to be all alone. I just don't want you to hate me.

-Randy 'The Ram' Robinson, The Wrestler

mercredi 23 février 2022

Licorice Pizza (2021)


Hiếm khi trong vòng có mấy tháng mà được xem liền hai phim cảm động như mấy tháng gần đây. Đó là Drive My Car - có lẽ là phim đầu tiên làm được "ra chất" Haruki Murakami mà tôi từng được xem, và bây giờ là Licorice Pizza. Tôi hâm mộ Paul Thomas Anderson (PTA) đã từ rất lâu, từ thời Magnolia còn được chiếu đi chiếu lại tới vài lần trên sóng VTV, và sau đó là xem Boogie Nights mượn từ thư viện rất lớn của cái thành phố rất nhỏ nơi tôi coi là chỗ trú chân yêu quý nhất trong những năm ở Pháp. Ngoại trừ Hard Eight (tôi vẫn chưa có cơ hội xem) và Punch-Drunk Love (tôi không quá thích phim này, không rõ vì phim không gây ấn tượng với tôi hay vì tôi thực sự không đánh giá cao Adam Sandler và đến giờ vẫn nghĩ anh này đóng phim này ổn nhưng với một diễn viên có năng lực hơn, chắc chắn vai sẽ còn hay hơn nhiều), các phim sau này của PTA tôi đều cố gắng tìm xem ngay sau khi phim ra mắt, There Will Be Blood, The Master, Inherent Vice, Phantom Thread. Nhìn chung các bộ phim này xem vẫn thích, bởi PTA làm phim rất chuẩn chỉnh, luôn có dấu ấn riêng trong từng câu thoại và nhân vật (cũng là dễ hiểu bởi PTA luôn tự viết kịch bản, tự sản xuất, và gần đây còn tự quay luôn), phim xem luôn có cảm giác rất chắc tay bởi PTA luôn biết rõ mình muốn gì, truyền tải gì đến khán giả, điều chỉnh nhịp độ phim và số phận nhân vật một cách tự nhiên không chút gượng gạo. Nhưng cảm giác ấm áp, xúc động như thời xem Magnolia hay Boogie Nights không còn, có lẽ vì các phim sau này của PTA bạo liệt quá, thiếu tình người quá. Các nhân vật của PTA luôn dị, nhưng giai đoạn sau có cảm giác PTA đẩy độ dị, độ quái trong nhân vật của ông lên mức cực đoan, vì vậy khán giả không còn cảm thấy sự gần gũi, "liên hệ được" với các nhân vật này như các nhân vật dù rất quái, xấu xí có, đẹp đẽ có, nhưng luôn có cảm giác là những "con người thật". Thật may Licorice Pizza đã đem lại cảm giác gần gũi, nhẹ nhàng năm xưa đến cho người yêu phim PTA lâu năm như tôi. Hai nhân vật chính của phim (và cả dàn nhân vật phụ) dù chẳng ai là hoàn hảo, thậm chí phần xấu xí đôi khi còn lấn át. Các bạn reddit khen nức nở phim này vì tạo hình nhân vật rất gần gũi, không hề long lanh giả tạo "đẹp quá mức bình thường/cần thiết" như đa phần phim Hollywood - nhưng theo tôi là suy nghĩ, tính cách của các nhân vật này mới là điều đáng trân trọng ở tài viết kịch bản và đạo diễn của PTA bởi không một ai trong số các nhân vật này có cảm giác "kịch" dù phim có cốt truyện chứa đựng nhiều phân đoạn "rất kịch (tính)". Phần đầu của phim - khi hai nhân vật này bắt đầu "tán tỉnh" nhau xem thực sự rất hay và cảm động, cảm động theo kiểu được chứng kiến một tình yêu chớm nở giữa hai tâm hồn (có vẻ) ngây thơ theo cái cách tự nhiên nhất, vui buồn đủ cả. Sau vô số những bộ phim nặng nề, lên gân của Hollywood những năm "woke era/cancel culture" và giữa hai năm có lẽ là bi thảm nhất của thế giới vì đại dịch, vì chiến tranh, vì nguy cơ chiến tranh (tôi xem phim này vừa đúng ngày Putin ra quyết định công nhận Luhansk và Donetsk), sự tươi mới, nhẹ nhàng, chân thành của phần đầu Licorice Pizza quả thực là thứ rất rất quý giá như một liều thuốc làm dịu tinh thần và tâm hồn hữu ích. Phần sau của phim tuy không "vui" bằng nhưng lại là nơi để khán giả được chứng kiến tài năng của PTA trong việc đưa đẩy nhịp phim lúc nhanh, lúc chậm bằng những câu truyện tưởng như chẳng có gì liên quan - thậm chí là khiến khán giả khó ở vì họ chẳng thể đoán nổi hai nhân vật chính của phim người nào "tốt", người nào "xấu, người nào "đúng", người nào "sai" như những bộ phim "thông thường" khác nhưng thực tế là hết sức cần thiết để khán giả thấy được biến đổi tâm lý của một câu nhóc 15, 16 tuổi vừa muốn cưa đổ "người trong mộng" vừa muốn thể hiện bản chất cứng đầu "ta là một, là riêng, là tất cả" của cái tuổi mới vừa xong dậy thì, và của một cô gái chẳng rõ 25, 28, hay 20 tuổi chẳng rõ mình muốn tương lai là gì, muốn điều gì ở người mình yêu, và có thể làm gì để thể hiện tình yêu của mình. Phim của PTA thường có những đoạn hài hước (chủ yếu để làm rõ cái "dị" của các nhân vật trong phim) nhưng xem thấy vui, thấy thư thái như Licorice Pizza thì có lẽ chẳng có phim nào, may ra phần nào thì là Boogie Nights - một tác phẩm thực tế là phim bi (như đã nói ở trên, tôi không thực sự ấn tượng với Punch-Drunk Love). Phim xem vui, nhưng cũng cảm động vì sự chân thành trong tình cảm và suy nghĩ của cặp đôi nhân vật chính, cũng như vì được chứng kiến cả hai phải "già đi" vì những biến cố dù nhỏ trong cuộc sống, bởi chỉ có chạy cho bớt "non nớt" (phim này các trường đoạn chạy có lẽ còn nhiều hơn các phần Nhiệm vụ bất khả thi của Tom Cruise) thì bộ đôi này mới có thể "ngộ" ra được là liệu họ có thực sự cần nhau. Đọc reddit thấy nhiều bạn chê phần kết của phim, cho là phá hỏng tư tưởng "giác ngộ" hai nhân vật có được sau những biến cố (đặc biệt là pha lái xe không xăng đi ngược hút chết), rồi còn cho là quá dị, chẳng hiểu thêm vào để làm gì. Tôi lại nghĩ khác, Magnolia kết phim bằng cơn mưa ếch, vậy chẳng có lý gì Licorice Pizza lại không thể kết bằng cảnh phim đầu hư ảo và nhiều phần hạnh phúc như thế. Thực sự tôi rất mong PTA có thể dành Oscar cho phim này, nhưng với việc The Power of the Dog, và thậm chí là cả Drive My Car đang dẫn đầu mùa giải thưởng thì cơ hội cho PTA có lẽ không còn nhiều. Thôi, không có giải PTA có lẽ sẽ không buồn nhiều (kiểu gì rồi giải cũng sẽ đến với người xứng đáng) vì đã cho ra đời một tác phẩm thực sự gây xúc động thế này. Dưới đây là tease poster của Licorice Pizza, tôi thực sự thích vì cảnh chụp này rất có ý nghĩa và thực sự phản ánh được tinh thần của phim dù trông thoạt nhìn rất đơn giản.



Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire