some quotes....

I just want to tell you, I'm the one who was supposed to take care of everything. I'm the one who was supposed to make everything okay for everybody. It just didn't work out like that. And I left. I left you... And now, I'm an old broken down piece of meat... and I'm alone. And I deserve to be all alone. I just don't want you to hate me.

-Randy 'The Ram' Robinson, The Wrestler

mardi 3 septembre 2013

Snowpiercer (2013)


Năm nay có thể coi là một năm đáng nhớ của điện ảnh Hàn khi cùng lúc có tới 3 đạo diễn Hàn có phim tiếng Anh dạng bán-Hollywood (do các hãng phim - tuy không phải Big Six, nhưng vẫn thuộc Hollywood - phát hành) ra rạp là Park Chan-wook (Stoker), Kim Ji-woon (The Last Stand) và Bong Joon-ho (Snowpiercer). Điểm chung của Park, Kim và Bong là cả ba đều chuyên trị phim hành động dạng film noir/dark comedy có tông màu tối và phong cách rất riêng không lẫn vào đâu được. Có lẽ các hãng phim Hollywood chọn các đạo diễn có sở trường phim hành động vì dù sao với khán giả Mỹ (đối tượng chính của phim Hollywood), phim hành động vẫn là dễ hiểu, dễ cảm thụ hơn cả, chứ "nhập" những đạo diễn chuyên trị phim tâm lý kiểu Lee Chang-dong hay Kim Ki-duk về thì khả năng lỗ là cầm chắc. Trước đây Hồng Kông cũng từng rơi vào tình trạng tương tự khi mà Ngô Vũ Sâm và Từ Khắc sau khi gây dựng được tiếng tăm trong nước ngay lập tức được mời ra nước ngoài, trong khi những đạo diễn phim tâm lý nổi tiếng thời đó như Quan Cẩm Bằng hay Phương Dục Bình thì chẳng được đoái hoài. 

Trong số 3 phim kể trên thì Snowpiercer là phim ra rạp muộn nhất - tận cuối mùa phim Hè mới được công chiếu, trong khi The Last StandStoker ra rạp từ đầu năm, và cũng là phim được mong chờ nhất vì đây là phim có dàn diễn viên tiếng tăm nhất (từ "Captain America" Chris Evans, Tilda Swinton - một trong những nữ diễn viên cá tính nhất hiện nay của Hollywood, cho tới diễn viên vào tầm huyền thoại sống là John Hurt và tất nhiên là không thể thiếu diễn viên "ruột" của Bong là Song Kang-ho - một trong những diễn viên xuất sắc, nếu không nói là diễn viên xuất sắc nhất - của điện ảnh Hàn Quốc) và Bong Joon-ho cũng là đạo diễn có phong cách "dễ vào" nhất trong số 3 đạo diễn - The Host của Bong dù ra rạp từ năm 2006 nhưng đến nay vẫn là phim ăn khách nhất trong lịch sử điện ảnh Hàn. Dù chưa ra rạp quốc tế (có lẽ anh em nhà Weinstein sẽ còn ém phim này cho tới hết mùa phim Hè để tránh bom tấn, vả lại càng chiếu muộn thì khả năng góp mặt tại các giải thưởng điện ảnh đầu năm sau là càng lớn - về khoản này thì không ai ở Hollywood qua mặt được nhà Weinstein cả*) nhưng có lẽ Snowpiercer tương đối ăn khách ở Hàn Quốc, dù là phim bị rate +15 (cấm người dưới 15 tuổi) nhưng phim đã nằm rạp được hơn một tháng (kể từ đầu tháng 8) - đâm tôi dù sang Hàn muộn vẫn có dịp được xem phim.Cũng phải nói thêm là dù đây là phim Hàn chính hiệu (đạo diễn Hàn, nhà sản xuất Hàn - CJ Entertainment) nhưng phim dùng 100% tiếng Anh, kể cả các đoạn hội thoại tiếng Hàn của Song Kang-ho và Go Ah-sung cũng hoặc là được "dub" bằng máy hoặc là có "hard-sub" ngay trên phim. 

Giờ mới vào phần chính - nội dung phim. Sử dụng bối cảnh đang rất được ưa chuộng hiện nay ở Hollywood là bối cảnh hậu tận thế (post-apocalypse) và chủ nghĩa toàn trị (totalitarianism) lên ngôi, Snowpiercer nói về những hành khách trên con tàu xuyên băng "Snowpiercer" - nơi cuối cùng còn tồn tại sự sống của con người 17 năm sau khi Trái Đất bị đưa trở lại kỷ Băng Hà do sai lầm của con người vào năm 2014. Tương tự như một phim post-apocalypse khác trong mùa phim Hè năm nay là Pacific Rim, Snowpiercer vào đề rất nhanh - Bong Joon-ho chỉ dành khoảng 5 phút để nói về sự kiện năm 2014 khi con người phóng hóa chất lên bầu khí quyển để chống lại sự nóng lên toàn cầu, và rồi để lại hậu quả khôn lường là nhiệt độ Trái Đất đột ngột giảm xuống, loài người bị cái lạnh và băng giá đẩy tới bờ vực diệt vong (thật tình cờ là hôm qua tôi cũng vừa xem được ... một nửa phim An Inconvenient Truth - một trong những phim tài liệu nổi tiếng nhất về đề tài Trái Đất nóng lên). Hy vọng cuối cùng của loài người là con tàu Snowpiercer - một dạng "thuyền của Nô-ê thời hiện đại" với động cơ vĩnh cửu và đủ mọi tiện nghi để những hành khách trên con tàu này sống năm này qua tháng khác trên những tuyến đường sắt phủ băng trắng xóa xuyên lục địa. Khi mà mấy tỷ con người bị thu nhỏ lại thành một cộng đồng hành khách, thì con tàu Snowpiercer cũng trở thành một xã hội thu nhỏ - với những mâu thuẫn, bất công, khoảng cách được phóng đại nhiều lần. Ở phía đầu tàu là những hành khách "hạng nhất" giàu có, những người có đủ tiền của để mua cho một mình chỗ ngồi (thực chất là chỗ ở) tiện nghi, còn ở phía đuôi tàu là đám tù nhân và khách "hạng thường", những người phải chui rúc trên những chiếc giường tầng bẩn thỉu và tồn tại qua ngày bằng những miếng "protein tổng hợp" của Wilford - ông chủ con tàu, phân phát (về cuối phim chắc chắn nhiều khán giả sẽ phải lắc đầu lè lưỡi về câu truyện và nguồn gốc khủng khiếp của những miếng "protein tổng hợp" đen ngòm này). Phân hóa xã hội tất nhiên phải đi kèm với bạo lực, quân đội, cảnh sát. Đám đông đen đúa nơi đuôi tàu luôn phải chịu cảnh đàn áp của đội quân tay sai của những hành khách "đầu tàu" với súng ống, dùi cui, và sự lạnh lùng đến tàn bạo. Lý do cho sự phân hóa tàn nhẫn này theo Wilford - thông qua lời của mụ quản lý quái gở Mason (Tilda Swinton) là vì cũng như tự nhiên, xã hội trên con tàu phải đảm bảo sự cân bằng để tồn tại, và sự cân bằng này dựa trên những bổn phận và vị trí tự nhiên của từng cá thể trong cộng đồng - nếu như ở xã hội loài người, vị trí/bổn phẩn được xác định khi một con người sinh ra thì ở xã hội trên con tàu Snowpiercer, vị trí/bổn phẩn được xác định bằng chính tấm vé mà các hành khách cầm trên tay khi bước lên con tàu này 17 năm trước. Tất nhiên lý lẽ này khó mà được những con người đuôi tàu chấp nhận, nhất là khi họ đã phải chịu cảnh khổ sở suốt 17 năm trời và chứng kiến những người thân thiết của họ lần lượt chết dưới tay lũ quân đội tàn bạo hay con em họ bị Wilford cướp đi mà chẳng có nổi một lời giải thích. Bất công dẫn tới bạo động, và bạo động cần tới những người đủ thông minh, dám đứng đầu - đó là anh chàng râu ria Curtis (Chris Evans - phim này Evans có tạo hình bẩn thỉu, râu ria mà nếu không nhìn kỹ đôi mắt của nhân vật không ai có thể nhận ra đây chính là Captain America oai phong lẫm liệt) và ông già tật nguyền Giliam (John Hurt) với sự giúp đỡ của bố con người Hàn Minsu (Song Kang-ho) và Yona (Go Ah-sung) - những người duy nhất có khả năng mở các cánh cửa ngăn cách toa tàu. Và rồi từng toa tàu bị vượt qua, đổi lại bằng rất nhiều máu (của cả những người đầu tàu và đuôi tàu) để lộ ra những sự thật khủng khiếp về cái xã hội trên con tàu Snowpiercer, nơi học thuyết chọn lọc tự nhiên bị đẩy lên với tốc độ nhanh hơn nhiều lần, và mỗi con người cũng trở nên gai góc, bạo liệt, điên loạn hơn bất kể đó là một hành khách sung túc nơi đầu tàu hay những con người bẩn thỉu chui rúc nơi đuôi tàu. 

Snowpiercer đánh dấu một bước ngoặt lớn của Bong Joon-ho, từ những bộ phim nội địa với dàn diễn viên nội địa có quy mô nhỏ chỉ gồm vài nhân vật chính và một số nhân vật vệ tinh, Bong quay sang sử dụng một dàn diễn viên dạng cast ensemble với rất nhiều diễn viên nổi tiếng, nổi tiếng dạng "thực lực" mà nếu xử lý không khéo rất có thể phim sẽ rơi vào tình trạng "loạn vai chính" hoặc bỏ phí khả năng của diễn viên. Rất may là Bong đã vượt qua được thử thách lớn này, các nhân vật trong phim được đo ni đóng giày rất cẩn thận cho từng diễn viên sao cho không chỉ nhân vật đó, dù là nhân vật phụ, được khắc họa một cách rõ nét (một điều cực kỳ khó với cast ensemble) mà còn tận dụng được thế mạnh của từng diễn viên - nét anh hùng không thể giấu được của Chris Evans, vẻ thâm trầm của John Hurt, sự "quái" của Tilda Swinton và tất nhiên là cái "dị" tiềm ẩn của Song Kang-ho. Xem xong phim, chắc chắn khán giả sẽ vẫn nhớ từng nhân vật, dù đó chỉ là anh chàng Grey (Luke Pasqualino) giỏi võ nhưng không có một câu thoại nào hay lão họa sĩ vô danh (Clark Middleton) với những bức tranh vô giá thay thế cho hình ảnh những đứa con bị đánh cắp của hành khách đuôi tàu. Có thể nói là trừ phân đoạn cuối cùng bị làm hơi vụn, toàn bộ phim đã được Bong Joon-ho xử lý rất kỹ lưỡng để từng phút giây xuất hiện của từng nhân vật được trân trọng hết mức có thể sao cho nhân vật đó có thể "nói" lên được vị trí của mình trong phim. Tuy nhiên cũng phải nói rằng các diễn viên trong phim, ngoại trừ Tilda Swinton luôn cực kỳ xuất sắc trong mọi vai diễn, mới chỉ diễn tròn vai chứ chưa có ai thực sự nổi trội, có chăng chỉ có thể là Song Kang-ho với nét dị-mà-duyên rất riêng của mình đã ít nhiều giữ được phong độ, còn kể cả Chris Evans cũng chưa thực sự có gì đột phá ngoài những vai diễn dạng "anh hùng" khuôn mẫu từ nhiều năm qua. 

Phần xuất sắc nhất của Snowpiercer có lẽ là bối cảnh và hành động. Sở trường của Bong Joon-ho là các bối cảnh hẹp, và còn bối cảnh nào hẹp nào tốt hơn những toa tàu dài ngột ngạt khó thở của Snowpiercer để Bong thể hiện khả năng của mình.** Mỗi một toa tàu là một không gian khác nhau, thậm chí là một thế giới khác nhau - những góc cạnh của xã hội "thật" được thu nhỏ vào từng toa tàu, chắc chắn khán giả khi xem Snowpiercer sẽ thấy ngạc nhiên và thú vị khi thấy những góc cạnh của xã hội lớn được thu nhỏ lại sẽ trở nên khác biệt, tương phản với nhau đến chừng nào, mà trên hết là sự tương phản của cái đau đớn, nghèo khổ nơi đuôi tàu vào sự sung túc đến kinh ngạc nơi đầu tàu. Bối cảnh chật hẹp cũng là một "vườn ươm" rất tốt cho các pha hành động, giao đấu. Chắc chắn khi xem phim nhiều khán giả sẽ liên tưởng tới màn "cầm búa vượt hành lang" của Choi Min-sik trong Oldboy (của Park Chan-wook - cũng chính là nhà sản xuất của Snowpiercer) nhưng cách xử lý các pha hành động của Bong Joon-ho vẫn có nét riêng, đó là sự dứt khoát, táo bạo (táo bạo trong cách sắp xếp bố trí pha hành động-choreography, táo bạo trong cách xử lý số phận những nhân vật tham gia pha hành động đó - có lẽ khán giả sẽ phải nhiều phen giật mình khi xem phim vì cách xử lý này) và đặc biệt là mùi vị dark comedy rất riêng của Bong, dù là ở những cảnh máu me bạo liệt nhất. [SPOILER] Một ví dụ điển hình là phân đoạn giao đấu giữa hành khách đuôi tàu vào "đội cây búa", tuy chỉ diễn ra trên một toa tàu duy nhất nhưng môi trường hành động (sáng/tối, vũ khí sử dụng) thay đổi tới ba lần, và đúng vào thời khắc đỉnh điểm của cuộc chiến thì đột ngột cả "đội cây búa" dừng lại để ... hô "Chúc mừng năm mới" - thoạt nhìn thì tưởng rất nhảm, rất không liên quan nhưng đó lại chính là phong cách dark comedy rất riêng của Bong, trong đó những khoảng lặng (interlude) được tạo ra ngay giữa những trường đoạn cao trào nhất để cốt truyện không bị sa đà trở thành phim hành động thuần túy mà vẫn giữ cho phim màu sắc dark comedy riêng. Trừ phân đoạn cuối cùng (như đã nói ở trên là bị vụn), từng phân đoạn cho từng toa tàu đã chứng tỏ Bong là đạo diễn hết sức tài năng, tỉ mỉ, và trên hết là độc đáo - sự độc đáo riêng không thấy ở bất cứ đạo diễn Hollywood nào khác. Tất nhiên, ưu điểm đôi khi cũng có thể trở thành nhược điểm, vì liều lượng dark comedy của Snowpiercer có lẽ hơi nhiều (theo đúng phong cách phim Hàn) làm chất triết lý hiện sinh ẩn sau cái xã hội thu nhỏ của phim bị giảm đi phần nào, khiến cho phim trở nên khó xếp thể loại và làm mất phương hướng cho phần kết phim. 

Tôi đã nói tới 3 lần về phần kết phim. Có thể nói đây là phần gây lo âu nhất của Snowpiercer, vì nó làm tôi liên tưởng tới một phiên bản hành động của The Truman Show - một trong những dark comedy xuất sắc nhất thập niên 1990. Trở thành một "The Truman Show hành động" cũng có nghĩa là Snowpiercer đã thất bại trong concept làm tăng xung đột bằng cách thu nhỏ xã hội để từ đó khắc họa xã hội thông thường một cách chua cay thông qua cuộc sống trên con tàu Snowpiercer. Nếu như The Host là một monster movie pha trộn dark comedy tuyệt vời còn Mother để lại trong lòng khán giả rất nhiều suy tư về lẽ sống, về sự tồn tại của con người qua chất hiện sinh của phim, thì ở bộ phim mới nhất của mình, dù cùng sử dụng cách kết "mở" nhưng Bong Joon-ho đã hơi "mất lái" ở phần cuối khi làm khán giả phân vân không hiểu đâu là ý mà đạo diễn phim muốn nói tới và cũng chẳng biết là phải giữ lại cho mình những suy nghĩ gì sau khi xem phim. Một điểm trừ nữa của phim là phần nhạc phim chưa được "ép phê" khi chưa nêu bật được sự khác biệt giữa từng toa tàu/từng góc cạnh của xã hội dù rằng soạn nhạc cho phim là Marco Beltrami cũng là một tên tuổi của Hollywood.

Nói tóm lại thì tuy chưa vượt lên được tầm xuất sắc nhưng Snowpiercer cũng đã có thể coi là một khởi đầu thành công của Bong Joon-ho trong việc giữ được nét riêng của mình trước những yêu cầu gắt gao (về mặt thị trường và văn hóa) của Hollywood. Biết đâu trong bối cảnh một mùa phim Hè "thất bát" về mặt chất lượng như năm nay, Snowpiercer lại có cơ hội trong các giải thưởng phim cuối năm, nhất là với tài nghệ lobby siêu hạng của Harvey Weinstein.

============
On a second thought, tự dưng tôi nhận ra cách tiếp cận hay concept của Bong Joon-ho trong việc thu nhỏ xã hội vào trong con tàu Snowpiercer cũng chính là cách tiếp cận Michael Haneke sử dụng cho tuyệt phẩm The White Ribbon của ông. Đặc biệt là trong Snowpiercer, một phân đoạn khá dài được dùng để mô tả một lớp học với những đứa trẻ đáng sợ không kém gì những đứa trẻ mầm mống của chủ nghĩa phát xít trong The White Ribbon, chỉ khác là Bong vẫn bơm vào bối cảnh đáng sợ này một liều đáng kể dark comedy đâm hiệu quả, sự ám ảnh của phân đoạn này cũng phần nào đó bị giảm sút.

============
*: Vanity Fair có một bài rất hay về tài năng hô phong hoán vũ ở Hollywood của Harvey Weinstein.
**: Nếu ai từng chơi Bioshock, đặc biệt là phần mới Bioshock Infinite sẽ nhận thấy là bối cảnh steampunk của Snowpiercer khá giống với Bioshock, và thực tế là cốt truyện của cả hai cũng có phần nào đó tương đồng. 

2 commentaires:

  1. Lâu ngày mới vào lại blog của anh. Hồi trước em tưởng anh nghỉ viết rồi
    Mà anh ơi, năm vừa rồi The Thieves của Choi Dong Hoon vừa trờ thành phim ăn khách nhất lịch sử điện ảnh Hàn Quốc rồi

    RépondreSupprimer
  2. Vẫn viết em ơi, chỉ là ít thời gian để viết quá thôi :). Và The Thieves vẫn thua The Host em nhé :)

    http://www.kobis.or.kr/kobis/business/stat/boxs/findFormerBoxOfficeList.do

    RépondreSupprimer