some quotes....

I just want to tell you, I'm the one who was supposed to take care of everything. I'm the one who was supposed to make everything okay for everybody. It just didn't work out like that. And I left. I left you... And now, I'm an old broken down piece of meat... and I'm alone. And I deserve to be all alone. I just don't want you to hate me.

-Randy 'The Ram' Robinson, The Wrestler

vendredi 17 juin 2016

The Hateful Eight (2015)



The Hateful Eight (Tám kẻ căm hờn) là bộ phim điện ảnh thứ tám của đạo diễn Quentin Tarantino, người từng tuyên bố sẽ chỉ làm đúng 10 bộ phim trước khi từ giã sự nghiệp. Đây có lẽ cũng là tác phẩm gặp nhiều rắc rối nhất của Tarantino, từ việc kịch bản phim bị lộ trong quá trình chuẩn bị sản xuất, cho tới việc phim bị nghiệp đoàn cảnh sát Mỹ kêu gọi tẩy chay với lý do Tarantino tham gia biểu tình chống việc cảnh sát bắn người bừa bãi, hay gần đây là tiết lộ của đạo diễn về việc hãng Disney đã cố tình đẩy The Hateful Eight ra khỏi rạp để dành chỗ chiếu cho Star Wars: The Force Awakens. Nhưng dù có phải là bộ phim gần cuối sự nghiệp của đạo diễn hay là tác phẩm gặp nhiều rắc rối hay không thì The Hateful Eight vẫn là bộ phim rất đáng chú ý bởi tài năng và sự khác biệt của Tarantino luôn đưa tới cho công chúng những tác phẩm đáng nhớ. 


Được chia thành 6 Hồi riêng biệt, The Hateful Eight mở đầu với chiếc xe sáu ngựa kéo của tay chủ O.B. (James Parks) đang phi vun vút trên con đường phủ đầy tuyết trắng xứ Wyoming hướng về phía thị trấn Red Rock để tránh cơn bão tuyết giận dữ đang chực ập tới. Trong toa xe ngựa là John Ruth (Kurt Russell), tên tuổi lão luyện trong việc săn tội phạm bị truy nã đem về lĩnh thưởng, và “món hàng” mới nhất của lão – Daisy Domergue (Jennifer Jason Leigh), một phụ nữ với vẻ ngoài điên dại và món tiền thưởng cả chục nghìn đô la treo trên đầu vì án giết người. Trên đường tới Red Rock, Ruth và Dormegue gặp hai hành khách bất đắc dĩ khác là Marquis Warren (Samuel L. Jackson), một cựu nô lệ và sĩ quan Liên bang trong cuộc Nội chiến Mỹ nay đổi nghề bắt tội phạm giống như Ruth, và Chris Mannix (Walton Goggins), gã cao bồi gốc miền Nam có bố từng tham chiến trong phe Liên hiệp thua trận chuẩn bị tới Red Rock để nhậm chức cảnh sát trưởng. Không thể chạy thoát trận bão tuyết, đoàn người đành phải dừng chân tại nhà trọ Minnie’s Haberdashery. Tại đây họ gặp Bob (Demian Bichir), một người Mexico được bà chủ nhà trọ nhờ trông hộ quán trong thời gian bà đi vắng, cùng ba người khách trọ đã có mặt ở đó từ trước là Oswaldo Mobray (Tim Roth), Joe Gage (Michael Madsen), và Sandy Smithers (Bruce Dern). Theo lời tự giới thiệu của ba người thì Mobray là một tay đao phủ người Anh đến Red Rock để hành nghề theo yêu cầu của cảnh sát, Gage là một gã chăn bò quay về Wyoming thăm mẹ, còn Smithers là một viên tướng cũ của quân đội Liên minh miền Nam tới Wyoming để thăm mộ đứa con trai đã chết. Trận bão tuyết khiến tất cả khách trọ phải chôn chân trong căn nhà trọ sập xệ. Chính bối cảnh ngột ngạt ấy đã làm nảy sinh những câu hỏi về lai lịch thật sự của các khách trọ và liệu chăng họ có ý đồ gì với “món hàng” đầy giá trị mà John Ruth quyết tâm đưa bằng được về Red Rock để đưa lên giá treo cổ.   


Đối với nhiều người hâm mộ và giới phê bình điện ảnh, mỗi một bộ phim mới của Quentin Tarantino ra rạp thường được coi là một sự kiện, bởi các bộ phim của ông luôn đem lại cho họ những nhân vật đáng nhớ nhờ hình tượng, tính cách và các câu thoại hết sức khác biệt. Từ “Mr. Blonde” và “Mr. Orange” trong Reservoir Dogs (1992), tới Vincent và Jules trong Pulp Fiction (1994), “Cô Dâu” trong Kill Bill (2003), hay gần đây là Đại tá Hans Landa và Bác sĩ King Schultz trong Inglourious Basterds (2009) và Django Unchained (2012) – bộ đôi nhân vật đã đem lại cho Christoph Waltz hai giải Oscar vai nam phụ. Với bối cảnh cố định như một vở kịch nói và đất diễn chia đều cho các nhân vật, có lẽ tham vọng của Quentin Tarantino qua The Hateful Eight là in dấu của cả tám nhân vật của phim vào tâm trí khán giả. Đúng như cái tên của bộ phim, cả tám nhân vật của phim đều mang trong mình sự giận dữ và những nỗi hằn thù (“hateful”), nhưng mỗi người mỗi vẻ, họ sở hữu khí chất, tính cách và lịch sử riêng biệt. Đó là Thiếu tá Marquis Warren xuất thân nô lệ nhưng lại mang phong thái chỉ huy và toan tính nhất trong Bộ Tám với hình ảnh hoàn toàn đối nghịch Chris Mannix “Cảnh sát trưởng” (“The Sheriff”), kẻ tự nhận là cảnh sát trưởng sắp nhận chức của thị trấn Red Rock nhưng lại lộ rõ sự ngây ngô, hèn nhát, phân biệt chủng tộc ngay từ lúc gã xuất hiện ở Hồi 2. Đó là một Oswaldo Mobray “Nhỏ bé” (“The Little Man”) tỏ vẻ lịch lãm kiểu Anh nhưng lại luôn sẵn lòng khơi mào cho các cuộc đối thoại, và ở phía ngược lại là Joe Gage “Chăn bò” (“The Cow Puncher”) thô kệch nhưng thâm trầm, lặng lẽ ít nói. Đó là Bob “Người Mexico” (“The Mexican”) nhanh nhẹn hồ hởi trong vai trò chủ nhà trọ, một hình ảnh hoàn toàn tương phản với Sanford Smithers “Tướng Liên hiệp” (“The Confederate General”) bất động, lọt thỏm trong chiếc ghế xô-pha tránh xa mọi cuộc nói chuyện. Và ở trung tâm của Bộ Tám là chuyên gia săn tội phạm lĩnh thưởng John Ruth “Người treo cổ” (“The Hangman”) ương ngạnh, đa nghi với mọi âm mưu cướp đi món “tiền thưởng sống” của lão – Daisy Domergue, người phụ nữ duy nhất trong căn nhà trọ với nụ cười man dại và khuôn mặt ướt máu gợi nhớ hình ảnh của Quỷ Xa-tăng. Được thể hiện bởi dàn diễn viên hết sức nhập vai với nhiều tên tuổi gạo cội của điện ảnh Hollywood, cả tám nhân vật chính của The Hateful Eight đều để lại dấu ấn nhất định, đặc biệt là vai Daisy Domergue của Jennifer Jason Leigh và Chris Mannix của Walton Goggins. Nếu như sự man dại trong cử chỉ nhưng bí ẩn trong lời nói của mụ tù nhân Daisy làm người xem rùng mình trước nhân tố chính gây nên sự hận thù của các vị khách trọ, thì sự biến đổi khôn lường về tính cách và hình ảnh của Chris Mannix lại khiến khán giả phải đi từ ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác. Tuy vậy, tham vọng xây dựng nhân vật của Quentin Tarantino có lẽ đã không thực sự thành công với các vai diễn của Tim Roth (Mobray), Michael Madsen (Gage), hay Bruce Dern (Smithers) khi các nhân vật này không để lại nhiều ấn tượng về sự khác biệt. Ngay đối với Samuel L. Jackson – diễn viên quen thuộc trong các bộ phim của Quentin Tarantino, vai diễn Marquis Warren của ông tuy vẫn toát lên uy lực diễn xuất thường thấy nhưng cũng không chứa đựng nhiều điểm mới mẻ ngoài một vài đoạn thoại đắt giá, đặc biệt là mẩu đối thoại căng thẳng tới nghẹt thở giữa Warren và Smithers. Nói một cách ngắn gọn thì dàn diễn viên của The Hateful Eight có chất lượng diễn xuất chắc chắn và đồng đều hơn rất nhiều nếu phải so sánh với dàn diễn viên trong tác phẩm gần đây nhất của Tarantino là Django Unchained hay với Bộ Tám đầu tiên của Quentin Tarantino trong Reservoir Dogs. Tuy nhiên, sự thiếu vắng những nét cá tính và đặc điểm nhân vật thực sự nổi trội đã khiến bộ phim chưa tạo được những nhân vật “đinh” sánh ngang được với Jules của Pulp Fiction hay Đại tá Hans Landa của Inglourious Basterds.


Một trong những điểm sáng nhất của The Hateful Eight có lẽ là kịch bản của bộ phim. Tuy chính Django Unchained đã đem lại cho Quentin Tarantino giải Oscar thứ hai trong sự nghiệp cho kịch bản xuất sắc nhất, nhưng đây có lẽ lại là kịch bản phim đơn tuyến và ít phức tạp nhất trong số các tác phẩm của Quentin Tarantino kể cả về mặt cốt truyện và nhân vật, đặc biệt là khi so sánh với Pulp Fiction, Inglourious Basterds, hay kể cả bộ phim đầu tay của Tarantino Reservoir Dogs. Sự đơn tuyến này đã không được lặp lại ở tác phẩm mới nhất đạo diễn. Quay trở lại với cấu trúc tinh gọn của Reservoir Dogs, The Hateful Eight có số lượng nhân vật không lớn và bối cảnh chật hẹp với gần như toàn bộ thời lượng phim diễn ra chỉ trong chiếc xe ngựa bốn chỗ và sau đó là căn phòng trọ của Minnie's Haberdashery. Tuy vậy, đúng như cái tên của nó (Minnie's Haberdashery có thể tạm dịch là Tiệm kim chỉ của Minnie – bà chủ nhà trọ), căn phòng trọ chật hẹp ấy lại được chứng kiến vô số câu chuyện đan xen nhau với tuyến nhân vật được xây dựng hết sức dày dặn, nhiều màu sắc, và tất nhiên là ẩn chứa vô số bất ngờ theo phong cách các tiểu thuyết trinh thám của Agatha Christie như And Then There Were None hay Murder on the Orient Express. Không hổ danh là một trong những tác giả kịch bản xuất sắc và đặc biệt nhất của Hollywood, Quentin Tarantino đã sắp xếp tất cả những lớp truyện và chi tiết phức tạp ấy theo một bố cục hết sức chặt chẽ, dễ theo dõi, vừa đủ phức tạp để buộc khán giả phải tập trung theo dõi từ đầu tới cuối (một điều không hề đơn giản với một tác phẩm dài tới gần 3 tiếng cho bản chiếu rạp thông thường và trên 3 tiếng cho bản đặc biệt) nhưng cũng không quá rối rắm tới mức khiến khán giả không thể nắm bắt được nội dung tác phẩm. Một trong những thế mạnh giúp tạo nên phong cách rất riêng cho các tác phẩm của Quentin Tarantino đó là cấu trúc phi tuyến tính của cốt truyện, theo đó bộ phim được kể lại theo nhiều phân đoạn không theo thứ tự thời gian, và khán giả chỉ có thể ghép lại những mảnh ghép tưởng chừng rời rạc ấy bởi những nhân vật và chi tiết kịch bản mang tính kết nối để tạo nên một bức tranh ghép hoàn chỉnh cho riêng mình. Cách thức kể truyện này của Quentin Tarantino khiến các bộ phim của ông trở nên cực kì hấp dẫn và xứng đáng được thưởng thức nhiều lần, bởi cứ sau mỗi lần xem lại là khán giả lại có thể khám phá thêm những tình tiết mang tính móc nối mới, hay vị trí trong bức tranh toàn cảnh bộ phim của những chi tiết tưởng chừng vô nghĩa trong lần xem đầu tiên. The Hateful Eight chứa đựng rất nhiều mối liên hệ ngầm dạng này. Một ví dụ là chi tiết chiếc cửa mất chốt của căn phòng trọ được lặp đi lặp lại suốt từ đầu phim nhưng chỉ tới Hồi 5 người xem mới nhận ra rằng tình tiết tưởng chừng vô nghĩa đó thực ra lại đóng vai trò rất quan trọng trong việc xác định nguồn gốc thật sự của các vị khách trọ. Hay chỉ một câu nói tưởng chừng bâng quơ của John “The Hangman” Ruth khi ngã xe ở cuối Hồi 1 lại được tái hiện ở hồi cuối cùng của bộ phim theo một cách thức hết sức bất ngờ nhưng cũng hợp lý với diễn tiến của câu chuyện. Với một đạo diễn hoặc biên kịch non tay, việc các chi tiết quan trọng mang tính kết nối nằm rải rác khắp các mảnh ghép của bộ phim có thể gây ra sự nhàm chán và phân tâm cho khán giả, đặc biệt là ở phần mào đầu tác phẩm. Tuy nhiên Quentin Tarantino chưa bao giờ bị đánh giá là một tác giả non tay kiểu như vậy ngay từ những kịch bản đầu tiên trong sự nghiệp như Reservoir Dogs hay True Romance (1993). Ngay từ những phút đầu tiên, chiếc xe sáu ngựa kéo của The Hateful Eight đã cuốn khán giả theo các câu chuyện phiếm nhưng lại hàm chứa rất nhiều chi tiết đắt giá giúp tạo dựng hình ảnh của cả tám nhân vật. Cùng với đó là nhịp phim được đẩy nhanh dần qua từng Hồi, từ Hồi 1 nhẹ nhàng tới Hồi 6 dồn dập cao trào giúp khán giả luôn giữ được sự hưng phấn cần thiết. Thành công này của The Hateful Eight, ngoài kịch bản và bàn tay đạo diễn xuất sắc của Quentin Tarantino, còn là nhờ phần dựng phim mượt mà và hợp lý của Fred Raskin, người đã dần chứng tỏ được rằng anh hoàn toàn có thể tiếp bước Sally Menke, người cộng sự thân thiết và tài năng của Tarantino, trong việc giúp đạo diễn kết nối các mảnh ghép điện ảnh.   


Khi nhắc tới The Hateful Eight người ta cũng không thể không đề cập đến việc bộ phim sử dụng khổ 70 mm thay vì khổ 35 mm như các tác phẩm điện ảnh thông thường và vì thế có độ phân giải cao hơn rõ rệt. Trong thời buổi các máy quay kĩ thuật số dần thấy thế các máy quay dùng phim nhựa truyền thống, Quentin Tarantino giải thích cho lựa chọn này của mình như một tuyên ngôn nghệ thuật về tình yêu của đạo diễn đối với điện ảnh nói chung và phim nhựa nói riêng. Theo Tarantino, ông quyết tâm thực hiện The Hateful Eight với khổ phim 70 mm, bất chấp thực tế rằng số lượng rạp phim còn trang bị hệ thống chiếu phù hợp cho khổ phim này là không nhiều, sau khi chứng kiến sự thành công của đạo diễn cùng lứa Paul Thomas Anderson với việc quay và chiếu bộ phim xuất sắc The Master (2012) bằng khổ phim này. Lựa chọn này của Tarantino, cộng với tài nghệ của nhà quay phim từng ba lần đoạt giải Oscar Robert Richardson, đã tỏ ra đặc biệt hiệu quả với các cảnh quay ngoại cảnh với tuyết trắng mênh mông ở nửa đầu của phim. Những cảnh quay đặc tả thiên nhiên lạnh lẽo với những ngọn núi và con đường phủ đầy tuyết xứ Wyoming đã thực sự đem lại cho The Hateful Eight một khẩu vị mới mẻ, đặc biệt là đối với khán giả yêu phim Tarantino bởi các tác phẩm của ông thường có phần lớn thời lượng phim được quay nội cảnh trong không gian hẹp. Ngoài hiệu ứng về mặt thị giác, thiên nhiên băng giá của bộ phim cũng góp phần tạo không khí lạnh lẽo cho bộ phim ẩn chứa rất nhiều toan tính độc ác này, còn sự thay đổi đột ngột của cảnh quan trước và trong cơn bão tuyết cũng chính là hình ảnh phản chiếu cho diễn tiến bất ngờ của câu chuyện diễn ra bên trong căn phòng trọ ấm cúng. Bên cạnh khổ phim lạ, Quentin Tarantino còn kỳ công mời huyền thoại người Ý Ennio Morricone viết nhạc cho bộ phim của mình. Là một trong những thần tượng lớn nhất của Tarantino, tên tuổi nhà soạn nhạc Ennio Morricone gắn liền với rất nhiều tác phẩm điện ảnh có nhạc phim thuộc vào hàng kinh điển của điện ảnh thế giới như Once Upon a Time in America (1984), The Mission (1986), hay Cinema Paradiso (1988). Quan trọng hơn thế, Morricone còn chính là nhà soạn nhạc cho những bộ phim cao bồi miền Tây kiểu Ý của đạo diễn Sergio Leone mà ngày nay vẫn được coi là khuôn thước mẫu mực cho dòng phim này như The Good, the Bad and the Ugly (1966) hay Once Upon a Time in the West (1968). Không phụ sự trông đợi của khán giả, nhà soạn nhạc người Ý đã thực sự khơi dậy lại được cái chất hào sảng trộn lẫn bi ai của dòng phim cao bồi cổ điển vào The Hateful Eight qua những nốt nhạc thiết tha, truyền cảm. Chính nhờ phần nhạc của Morricone mà những cảnh “đinh” của bộ phim như cảnh Bob và Mannix lội tuyết đóng cọc giữa cơn bão trắng xóa đã thực sự để lại trong lòng khán giả nhiều dư vị đẹp. 


Xuất thân từ một nhân viên cho thuê băng đĩa và một tay làm phim không chuyên, mỗi bộ phim với Quentin Tarantino là một cuộc chơi của ông, là cách ông chia sẻ tình yêu điện ảnh vô bờ bến của ông đến với khán giả. Có thể coi mỗi bộ phim của đạo diễn này là một nồi lẩu thập cẩm với gia vị là những dòng phim hoặc tác giả yêu thích của Tarantino, từ các tác phẩm lấy đề tài cao bồi miền Tây nước Mỹ của Sergio Leone, những bộ phim “exploitation” (dòng phim kinh phí thấp, tập trung câu kéo khán giả bằng các đề tài giật gân với nhiều hình ảnh bạo lực, khêu gợi) thời thập niên 1970, cho tới dòng phim kiếm sĩ samurai của Nhật Bản hay thậm chí là các tác phẩm võ thuật của điện ảnh Hồng Kông. Điểm chung của các dòng phim này, và cũng là của các bộ phim của Tarantino, là sự gai góc, không tránh né các đề tài nhạy cảm như phân biệt chủng tộc, tội ác, và bạo lực. Bởi vậy mà Quentin Tarantino thường xuyên bị chỉ trích vì nồng độ bạo lực, máu me, và các từ ngữ mang màu sắc phân biệt chủng tộc đậm đặc trong các tác phẩm của ông. Không phải ngoại lệ, The Hateful Eight cũng tràn ngập các cảnh bạo lực và những từ ngữ nhạy cảm khi xuyên xuốt bộ phim người xem được chứng kiến rất nhiều cảnh máu chảy đầu rơi với đại diện là khuôn mặt dính đầy máu me từ đầu chí cuối của nhân vật Daisy Domergue. Bên cạnh đó, các từ ngữ miệt thị đối với người da đen cũng thường xuyên nằm trên cửa miệng các nhân vật trong phim, đặc biệt là những nhân vật có gốc gác miền Nam nước Mỹ nơi chủ nghĩa phân biệt chủng tộc còn lan tràn thời đó như Chris Mannix hay Sandy Smithers. Nhưng đề cập tới bạo lực không có nghĩa là cổ súy cho bạo lực, sử dụng các câu thoại có từ ngữ miệt thị không có nghĩa là cổ súy cho chủ nghĩa phân biệt chủng tộc. Quentin Tarantino luôn khẳng định rằng lựa chọn phong cách đó của mình hoàn toàn là để phục vụ mục đích nghệ thuật của ông, đó là để tỏ sự trân trọng đối với những dòng phim đặc sắc, những nét văn hóa riêng vốn đã trở thành một bộ phận không thể tách rời của xã hội và lịch sử đương đại nước Mỹ. Ý đồ vị nghệ thuật này của Tarantino được phản ánh rất rõ trong “The Hateful Eight”, khi sự sự thừa mứa máu me thực ra lại đem lại cho bộ phim chất trào phúng chế giễu xu hướng bạo lực của chính các nhân vật trong phim, còn các câu nói phân biệt chủng tộc lại chỉ giúp nêu bật hơn bối cảnh lịch sử của tác phẩm ở giai đoạn ngay sau Nội chiến Hoa Kỳ, khi mà chiến tranh và chết chóc vẫn chưa thể xóa nhòa tư tưởng khinh miệt người da đen vẫn còn lan tràn trong số đông người dân miền Nam nước Mỹ. Về khía cạnh này, có thể coi The Hateful Eight như “phần tiếp theo” của Django Unchained, theo đó “Unchained” (“thoát khỏi xiềng xích”) đề cập tới bối cảnh và lý do đã dẫn tới cuộc Nội chiến Hoa Kỳ giúp giải phóng gông cùm cho những người nô lệ miền Nam, còn “Hateful” (“căm thù”) mô tả vết thương chưa lành của cuộc chiến ấy và tàn dư của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, vốn vẫn còn tồn tại cho tới ngày hôm nay trên nước Mỹ. 


Trong thời đại Hollywood đang ngập tràn những bộ phim chuyển thể từ tiểu thuyết hay truyện tranh, các tác phẩm làm lại (“remake”), những phần tiếp (“sequel”), thì chính các bộ phim nguyên gốc của Quentin Tarantino, được dựng nên từ kịch bản do chính tay đạo diễn chấp bút, cũng lại không thoát khỏi những lời chỉ trích về sự bắt chước, sự vay mượn hoặc lặp lại các chi tiết đã có trong các tác phẩm điện ảnh ra đời trước đó. Nhưng có lẽ ai đưa ra những lời chỉ trích như vậy đã quên đi một thực tế rằng một đặc tính quan trọng của nghệ thuật, trong đó có điện ảnh, đó là sự tiếp nối – theo đó các nghệ sĩ đi sau thừa hưởng, chắt lọc những gì tinh túy nhất của thế hệ trước để rồi bằng chính sự sáng tạo của mình tạo ra những tác phẩm nguyên bản, không thể trộn lẫn đóng góp vào tiến trình vận động chung của nghệ thuật. Đúng, The Hateful Eight” mang trong mình rất nhiều âm hưởng của dòng phim cao bồi miền Tây nước Mỹ hay các loạt phim truyền hình thời thập niên 1960 và 1970 lấy bối cảnh là vùng đất này. Tuy nhiên, với một kịch bản hết sức chặt chẽ nhưng không kém phần sáng tạo, cộng với chất lượng kỹ thuật tuyệt hảo và dàn diễn viên nhập vai, thực sự bộ phim mới nhất của Quentin Tarantino đã đem đến cho người xem một tác phẩm điện ảnh nguyên gốc, một món ăn tinh thần lý thú trong những ngày cuối cùng của năm 2015, và tất nhiên, một trong những tác phẩm điện ảnh xuất sắc nhất trong năm nay của điện ảnh Hollywood.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire