some quotes....

I just want to tell you, I'm the one who was supposed to take care of everything. I'm the one who was supposed to make everything okay for everybody. It just didn't work out like that. And I left. I left you... And now, I'm an old broken down piece of meat... and I'm alone. And I deserve to be all alone. I just don't want you to hate me.

-Randy 'The Ram' Robinson, The Wrestler

mardi 22 janvier 2013

Life of Pi (2012)



Thật khó để bình luận Life of Pi khi chưa đọc qua tiểu thuyết gốc, và thật không may là tôi nằm trong số đó. Nhưng đi thì vẫn cứ muốn đi, vì đã ấp ủ đi xem IMAX từ lâu, và một bộ phim được gần như toàn bộ giới phê bình phim, trong đó có hải đăng Roger Ebert, đánh giá rất rất cao về mặt hình ảnh như Life of Pi thì hẳn sẽ không làm tôi thấy phí khoản tiền vé 3D IMAX gấp đúng 2 lần giá vé thường.

Dù có nhiều tầng ý nghĩa và từng được coi là không thể chuyển thể thành phim - unfilmable, nhưng qua tay của Lý An và biên kịch David Magee, Life of Pi trở nên rất dễ theo dõi, kể cả với những người chưa từng đọc tiểu thuyết gốc như tôi. Piscine Patel hay "Pi" lớn lên giữa vườn thú của gia đình ở Pondichéry, Ấn Độ với câu hỏi thường trực trong đầu - Chúa là ai? Chúa có ý nghĩa thế nào với cuộc đời của cậu? Đúng như cái tên dài bất tận của mình (3,1415....), Pi tìm mọi cách để giải đáp cho câu hỏi của mình và tìm ra ý nghĩa chân thực của cuộc đời, cái ý nghĩa mà cậu chưa thể tìm thấy trong một gia đình pha trộn giữa lý tính khoa học tuyệt đối của ông bố và niềm tin tôn giáo bất diệt của bà mẹ. Cuộc sống bình yên của Pi trở nên xáo trộn khi cả gia đình cậu phải di cư sang Canada, mang theo cả bầy thú, để rồi gặp nạn giữa biển ở nơi sâu thẳm nhất của quả Địa Cầu - Vực Marianna. Kịp bám vào chiếc xuồng cứu sinh, Pi sống sót, nhưng những ngày tháng lênh đênh trên biển của cậu còn là chuỗi ngày đấu tranh sinh tồn khắc nghiệt hơn nhiều, khi đồng hành với cậu trên chiếc xuồng nhỏ là một con hổ dữ có tên Richard Parker. Bộ phim mở đầu bằng cảnh một Pi Patel trưởng thành đang hồi tưởng lại quá khứ, vậy nên khán giả đã biết được kết cục của câu chuyện, nhưng làm thế nào để Pi vượt qua chuỗi ngày tuyệt vọng trên biển, chiến thắng được con hổ dữ thì lại là một câu chuyện dài, một câu chuyện siêu thực.

Một trong những đặc điểm của người Trung Quốc là khả năng giữ gìn bản sắc ở mức tuyệt đối. Nhờ nền tảng văn hóa, lịch sử, tín ngưỡng sâu đậm mà dân tộc Trung Hoa dù trong hoàn cảnh nào cũng không bị đồng hóa, thậm chí họ còn đồng hóa ngược những người thống trị mình (trong trường hợp nhà Nguyên và nhà Thanh). Có lẽ bởi vậy mà đạo diễn người Hoa dù đi đâu cũng mang theo mình những nét rất riêng (tiêu biểu là Ngô Vũ Sâm), và vì thế thông thường họ ... không thể thành công ở bình diện quốc tế vì không có khả năng "quốc tế hóa" ngôn ngữ điện ảnh của mình. TRỪ một người - Lý An. Phim của Lý An cực kì đa dạng, mang nhiều bối cảnh văn hóa đặc thù khác nhau, từ tình phụ tử truyền thống kiểu Hoa trong Ẩm thực nam nữ đến không khí Anh kiểu "Jane Austen" trong Sense and Sensibility hay hơi thở lạnh lẽo miền Tây nước Mỹ trong Brokeback Mountain. Tài năng của Lý An thể hiện ở chỗ dù trong môi trường nào, phim của ông cũng "ra chất", dù chẳng bao giờ sử dụng kịch bản quá bạo liệt nhưng vẫn để lại chút gì đó trong lòng khán giả, kể cả về nội dung, kể cả về cái không khí, hơi thở nhẹ nhàng của bối cảnh phim. Life of Pi cũng không nằm ngoài số đó, phim được đặt trong cái nền văn hóa khá dị biệt, một phần lý trí-hiện đại kiểu Pháp (Pondichéry là thuộc địa của Pháp tại Ấn Độ trong nhiều năm), một phần truyền thống dị biệt kiểu Ấn, và một phần nữa vô cùng vĩ đại và hoang sơ - của thiên nhiên, của mặt biển. Thật tiếc tôi chưa đọc tiểu thuyết nên không hiểu Life of Pi từng được coi là unfilmable vì lý do gì, nhưng cách kể chuyện của Lý An quả thực vẫn dung dị, dễ hiểu như vậy, và ẩn đằng sau cũng lại vẫn là vô số câu hỏi đặt ra cho khán giả, như cái cách mặt biển phẳng lặng ẩn chứa biết bao loài sinh vật và bão tố trong lòng. Phần lớn bối cảnh của phim diễn ra trong một không gian rất đặc thù - con thuyền chật hẹp với chỉ hai nhân vật (một nhân vật thậm chí còn không ... có thoại vì hổ hẳn nhiên không biết nói) được đặt giữa không gian bao la, tuyệt đẹp và khôn lường của biển cả. Lý An đã rất khéo léo xử lý bối cảnh đặc thù này của Life of Pi để vừa làm bật lên cái ngột ngạt, khắc nghiệt của cuộc chiến sinh tồn trên con thuyền nhỏ, vừa đem đến cho khán giả một không gian bao la thoáng đãng của biển-trời. So sánh hơi khập khiễng nhưng xem Life of Pi tôi lại nghĩ tới Cast Away, không rõ có phải vì Tom Hanks quá xuất sắc trong Cast Away không (và vì thế làm lu mờ mọi yếu tố khác của phim) mà tôi cảm giác Robert Zemeckis hoàn toàn dưới tầm Lý An nếu so về khả năng tận dụng bối cảnh phim. Một điểm xuất sắc khác của phim là những yếu tố bất ngờ được trải đều trong phim, từ phút đầu tiên tới phút cuối cùng, đặc biệt đoạn kết của phim hẳn làm nhiều người (những người chưa đọc tiểu thuyết) phải sửng sốt và lật lại cả bộ phim (như cái cách Atonement đã làm được). Nhờ những bất ngờ, từ nhỏ nhỏ như chất hung bạo không hề thay đổi của con hổ Richard Parker đến bất ngờ choáng ngợp như hòn đảo kỳ lạ của loài meerkat, mạch phim của Life of Pi trở nên rất mạch lạc, lôi cuốn khán giả nhưng không bị sa đà vào những tình tiết bi lụy quá mức. Đây có lẽ là một năm đáng mừng của người xem phim "thông thường" vì có rất nhiều những bộ phim xuất sắc được dựng nên từ những kịch bản rất truyền thống dễ hiểu (conventional), từ Life of Pi cho tới Tarantino (vâng, đến Tarantino cũng làm phim "dễ hiểu"!) với Django Unchained.

Ca ngợi lên, ca ngợi xuống, thì trải nghiệm tuyệt vời nhất với Life of Pi vẫn nằm ở phần hình ảnh và kỹ xảo của phim. Thật tiếc (lại thật tiếc!) là tôi chưa được xem Avatar để có sự so sánh, nhưng quả thực xem Life of Pi với định dạng màn hình cong IMAX là vô cùng đáng đồng tiền bát gạo. Cả hiệu ứng 3D và sự hùng vĩ, hoành tráng của thiên nhiên đều được Lý An đẩy lên tới mức xuất sắc. Nếu như những hình ảnh 3D ấn tượng nhất của phim nằm ở ngay ... đoạn mở đầu với vườn thú nhà Patel, thì những cảnh quay hoành tráng theo kiểu phim tài liệu màn ảnh rộng được trải dài suốt phim. Chính cái sự thiếu tinh tế vốn có của bối cảnh chật hẹp nơi con xuồng cứu sinh đã tạo điều kiện để Lý An phát huy hết con mắt điện ảnh của ông với vô số bối cảnh tuyệt đẹp và ấn tượng của mặt biển bao la, từ cảnh quay ngược từ dưới biển cậu bé Pi trôi nổi giữa biển khơi với con tàu đang chìm dần phía xa (gợi nhớ đến cảnh mở đầu của Sunset Boulevard?) đến cảnh quay con xuồng bé nhỏ từ trên xuống với vô vàn sinh vật biển vây quanh (giống hệt với bìa của tiểu thuyết gốc!) cho tới những cảnh quay hết sức giản dị - mặt biển phẳng lặng không một gợn sóng, có thể là màu đen của màn đêm, màu hổ phách của hoàng hôn hay màu xanh thẳm đúng chất biển cả, nhưng trên cái khung cảnh đó chỉ có duy nhất một con xuồng bé nhỏ, với hai sinh linh gắn kết bởi hy vọng sinh tồn và sự cô độc. Tất cả đều được Lý An khắc họa vô cùng đẹp, choáng ngợp và lôi cuối, đủ để khán giả cảm thấy mình nhỏ bé giữa thiên nhiên bao la, nhưng cũng đủ để họ thấy yêu quý hơn thiên nhiên, biển cả với những vẻ đẹp hết sức bất ngờ mà có lẽ đời người chẳng mấy ai có đủ may mắn (hoặc bất hạnh) để chứng kiến - bản thân tôi cũng rất muốn được một lần chứng kiến cảnh cả mặt biển rực sáng bởi những con sứa và sinh vật phù du, nhưng để rơi vào cảnh đắm tàu rồi mới được chứng kiến cảnh đó thì có lẽ là ... hơi quá sức. Hòn đảo kỳ lạ của loài meerkat cũng là một điểm nhấn của phim, chỉ có thể nhận xét là Lý An đã dựng quá xuất sắc bối cảnh này, tự nhiên, sống động, chân thật đến mức có lẽ không một khán giả nào (chưa đọc tiểu thuyết) khi mới xem lại không tin là hòn đảo như thế có thật.Nghĩ đi nghĩ lại thì giờ Hollywood có quá nhiều phim "hoành tráng", nhưng bối cảnh hoành tráng mà lại thực sự tự nhiên, giản dị như của Life of Pi thì liệu có nổi mấy phim?

Năm nay Life of Pi được coi là ứng viên nặng ký cho giải Oscar. Theo cách thống kê thông thường (nặng ký cho Oscar phim hay nhất = có đề cử cho cả phim, đạo diễn, biên kịch, biên tập) thì rõ ràng Life of PiLincoln sẽ là hai đối thủ xứng tầm ở lễ trao giải lần thứ 85 (tôi đã xem Silver Linings Playbook, một phim rất hay nhưng chưa ngang tầm với hai ông lớn này). Tôi hy vọng Life of Pi sẽ thắng giải, vì Oscar cần một tác phẩm nhẹ nhàng và tươi sáng thế này.

(Phim này tôi ch chấm 4(.13) sao vì tôi tin là nếu tước đi định dạng 3D, tước đi màn ảnh rộng thì phim sẽ giảm đi ít nhiều tính hấp dẫn)

(Vừa ngồi viết review Life of Pi vừa cắm tai nghe OST của phim Pi's Lullaby, tự dưng lại thấy khoan khoái như đang xem lại mặt biển mênh mông trong phim)

12 commentaires:

  1. Ấy đang ở HQ thế đi xem phim thì có phụ đề tiếng Anh hay xem bằng tiếng Hàn :D
    Tớ cũng muốn thỉnh thoảng ra rạp xem nhưng rạp bên này chỉ toàn tiếng Ý, thành ra toàn phải chấp nhận xem trên laptop :-<

    K Thủy

    RépondreSupprimer
  2. Bọn nó chỉ phụ đề tiếng Hàn thôi, còn thoại vẫn tiếng Anh nên vẫn ok T ạ :D. Xem IMAX sướng thật, xứng đáng đồng tiền bát gạo :p. Ở châu Âu thì công nhận là toàn dubbing, hồi tớ ở Pháp hình như cũng chưa bao giờ được đi xem phim bằng tiếng Anh thì phải :(.

    RépondreSupprimer
  3. Trời ấy nghe được phim hoàn toàn tiếng Anh à. Tớ thì chịu, xem phim vẫn phải có phụ đề :P
    K Thủy

    RépondreSupprimer

  4. Tài năng của Lý An thì quá rõ ràng rồi, nhưng không hiểu sao em vẫn thấy phim của ông này hơi sên sến, thậm chí có phần hơi nữ tính kiểu Á, dù bố cục phim từ đầu đến cuối được set up khá chặt chẽ, hợp lý. Brokeback Mountain đoạn kết sến không mê nổi:D Lust, Caution cũng thế. Chắc vì kịch bản chuyển thể toàn là tác phẩm của mấy bác gái :D

    Giữa “Lincoln” và “Life of Pi” (đã xem cả hai), em đoán kiểu biopic cổ điển sặc mùi chính trị như “Lincoln” hợp nhãn các bác chấm Oscar hơn. Chưa kể Daniel Day Lewis diễn xuất sắc.

    RépondreSupprimer
  5. Phim này công nhận hơi sến :), nhưng thế mới là chất của Lý An, như anh nói trong cái review ở trên đấy, họ Lý thích cái gì đó nhẹ nhàng, xử lý tình huống vì thế cũng hơi sến, thế nên anh mới rất không thích Ngọa hổ tàng long, mặc dù rất nhiều người đánh giá cao phim đó (vì anh quá quen với cái bạo liệt của Từ Khắc, Viên Hòa Bình rồi). Anh chưa xem Lincoln nhưng anh cũng nghĩ cửa thắng của Lincoln cao hơn vì kịch bản của Life of Pi tinh tế nhưng không kiểu nhấn nhá ấn tượng như Lincoln được (Steven Spielberg thì awesomeness bao giờ chả đặt lên hàng đầu :p), chính vì thế anh mới kết cái review này bằng câu Oscar cần cái gì đấy nhẹ nhàng tươi sáng tí, suốt ngày biopic với political drama xem mệt lắm :D

    RépondreSupprimer
    Réponses
    1. "Lincoln" nói thật làm em suýt ngủ mấy nần niền, mặc dù có một số đoạn xúc động phết, awesomeness thì nhiều, nhưng tình tiết phim lại quá dễ đoán (cũng là hạn chế chung của thể loại biopic) thành ra nhàm.
      Mà kể cả cái hạng mục Best Picture có rơi vào "Life of Pi" thì Daniel Day Lewis kiểu gì chả hốt 1 quả Oscar nữa. He totally deserves it! Em thích mấy trò dọn mình cho vai diễn rất quái đản của anh ý. Chả hiểu lần này anh ý đã làm gì để chuẩn bị cho vai Lincoln.

      Supprimer
    2. Kì này chắc phim cúng cụ aka Lincoln đoạt hết mấy giải chính rồi. DDL thành công với vai Lincoln có lẽ là nói đúng giọng của Lincoln. Riêng điều này thôi đã thấy DDL xuất sắc rồi, chưa kể tới diễn xuất.

      Supprimer
  6. @Thủy: Tất nhiên có phụ đề thì vẫn hơn nhưng không có phụ đề thì cũng phải chấp nhận ấy ạ =)), nói thế thôi trừ phương ngữ ở Anh (Manchester, Scotland) còn lại thì nghe cũng tương đối rõ :p

    RépondreSupprimer
  7. Bạn Grenoille đổi background được ko? Nền đen chữ trắng lóa mắt quá :D

    RépondreSupprimer
  8. Thực tế là, Lý An không phải là người Trung Quốc và cũng không nhận mình là Chinese.
    Ổng là người Đài Loan sống nhiều năm ở Mỹ. Bạn có thể nhìn người Hoa như nhau và nghĩ văn hóa như nhau, nhưng đa phần dân Đài Loan, Hong Kong... đều khẳng định mình là người ĐL, HK... và cảm thấy khó chịu, bị xúc phạm khi bị ghép chung là Chinese.

    RépondreSupprimer
  9. @Siriusstar: Long time no see :). Mình lười quá, để hôm nào tìm cái theme nào đấy cho sáng sủa hơn, cái này là lấy từ lúc mình đang bị depressed nên trông nó cũng hơi bị depressed.

    @Bạn ở trên: Mình dùng từ "người Hoa" liệu có chuẩn hơn không :). Mình không rõ ở HK thế nào chứ người Đài Loan mình tiếp xúc (mình sang Đài rồi) thì mình gọi họ là Taiwanese hay Chinese đều không vấn đề gì vì Chinese đâu chỉ dùng để chỉ người Đại lục đâu. Đang hy vọng có dịp sang Hồng Kông và Mỹ để kiểm chứng xem cộng đồng người Hoa ở hải ngoại có phân chia không :)

    RépondreSupprimer
  10. Very long, indeed. Been busy with family stuff. Mà để nền này nằm xem ipad buổi tối cũng được :))

    RépondreSupprimer