Ikiru bắt đầu với phong cách khiến tôi liên tưởng tới Sunset Blvd. - đạo diễn tuyên án "tử hình" nhân vật chính, Kanji Watanabe, bằng căn bệnh ung thư dạ dày giai đoạn cuối. Kanji Watanabe là một công chức mẫn cán, suốt 30 năm ông làm việc không ngơi nghỉ một ngày nào ở phòng Hành chính công thành phố, nhưng với cái giấy báo tử của bác sĩ ("Bác cứ về nhà ăn món gì mình thích"), ông biết rằng mình chỉ còn sống được chưa đầy một năm nữa.
Oái oăm là khi cái chết cận kề, Watanabe mới nhận ra rằng trong suốt 30 năm trời, ông chưa bao giờ thực sự sống với đúng cái nghĩa của động từ đó. Ông chỉ ngày ngày đến công sở, đóng dấu vào công văn do cấp dưới đưa lên để chứng tỏ mình đã đọc qua, ăn một bát mì vào giờ nghỉ buổi trưa, lại đóng dấu, rồi trở về với căn phòng trống lạnh lẽo cùng bức ảnh thờ của người vợ đã qua đời từ lâu và tấm bằng khen "25 năm phục vụ" của thành phố. Watanabe tự biện hộ: "Nhưng ông sống như vậy, ở một mình gà trống nuôi con như vậy, cũng chỉ là vì tương lai của cậu con trai duy nhất!", một lời biện hộ chỉ càng khiến ông đau khổ hơn bao giờ hết khi mà con trai của ông đã lấy vợ và quên sạch tình cảm cha con trước kia, giờ anh ta chỉ còn biết tới vợ và món tiền hưu trí mà ông Watanabe đã dành dụm được sau bấy nhiêu năm. Watanabe bàng hoàng nhận ra rằng mình thực sự là một "Xác ướp" - biệt danh mà cô gái trẻ nhân viên cấp dưới đặt cho ông, Watanabe thậm chí không thể tự tử, không thể chết vì ông chưa bao giờ sống trong suốt quãng đời nhạt nhẽo của mình.
Vậy thế nào là "sống"? Watanabe tìm câu trả lời bằng cách tung tiền vào những cuộc vui nơi quán rượu, tiệm trà, vũ trường thoát y, nhưng lời giải đáp thực sự cho câu hỏi của ông hóa ra lại nằm ở cô nhân viên trẻ trung, đầy sức sống và ham sống bằng mọi giá. Cô đã làm cho Watanabe nhận ra rằng cuộc sống, dù chỉ kéo dài một ngày, một tháng hay một năm, cũng là vô giá khi con người ta biết cố gắng hết sức để đạt được những mục đích có ý nghĩa mà mình mong muốn. Và Watanabe được tái sinh lần thứ hai trong đời, ông bắt đầu thực sự sống trong tiếng hát "Happy Birthday" của một nhóm học sinh dành cho nhau, nhưng thực ra là của đạo diễn Akira Kurosawa dành cho nhân vật của mình.
Watanabe đã sống như thế nào trong những tháng ngày cuối cùng ấy? Akira Kurosawa chỉ cho người xem biết lờ mờ thông qua cuộc cãi vã của đám đồng nghiệp trong đám tang của ông, một ngày sau khi Watanabe qua đời trên một chiếc xích đu giữa trời tuyết trong công viên nhỏ mà ông đã dành hết tâm huyết để nó được xây dựng. Công viên "của Watanabe" được xây dựng trên một bãi bùn lầy mà người dân đã muốn xóa sổ nó để thay thế bằng một sân chơi cho trẻ con từ lâu, nhưng khi họ tới tòa thị chính để đề nghị thì họ nhận được câu trả lời:
Xây công viên => Việc của phòng Công viên => liên quan đến vệ sinh => Việc của phòng Y tế => Việc của phòng Vệ sinh => Việc của phòng Vệ sinh môi trường => Việc của phòng Phòng dịch => Việc của phòng Bệnh truyền nhiễm => bãi lầy có nước thải => Việc của phòng Thoát nước => bãi lầy trước có một con đường chạy qua => Việc của phòng Giao thông => Chờ đợi quyết định của phòng Quy hoạch => liên quan tới phòng Tái quy hoạch khu phố => bãi lầy có nước => liên quan tới phòng Phòng cháy chữa cháy => xây sân chơi cho trẻ em => việc của phòng Chăm sóc trẻ em => liên hệ với tổ trưởng khu phố => liên hệ với Phó thị trưởng => giới thiệu sang phòng Hành chính công => giới thiệu sang phòng Thiết kế,....
Với cái mê cung hành chính không có lối thoát này thì chắc chắn những người dân chẳng bao giờ có thể thực hiện nguyện vọng của mình nếu không có sự hiện diện của Watanabe, một con ốc mẫn cán từng lặng lẽ nằm yên suốt 30 năm trong cái bộ máy đồ sộ nhưng vô hồn và vô tích sự ấy. Bằng sức mạnh tinh thần của một con người mới tìm lại được mục đích sống, Watanabe đã dồn hết tâm sức để tới từng mắt xích trong mê cung hành chính, van nài từng cái "xác ướp" như ông một thời, để họ "động đậy" khởi động dự án công viên. Cuối cùng thì cái công viên nhỏ bé nhưng có ích ấy cũng được hoàn thành, ấy vậy mà trong ngày khánh thành Watanabe chẳng có tên trong bài diễn văn của ngài Phó thị trưởng, ngay đến trong bữa ăn sau đám tang, hầu như tất cả đồng nghiệp của ông cũng không thừa nhận rằng Watanabe có công đầu trong việc xây dựng nó. Thậm chí họ còn tranh cãi nhau vì không thể hiểu nổi tại sao cái "Xác ướp" ấy lại "sống dậy" để sống trong quãng thời gian cuối cùng của cuộc đời? Hiểu làm sao được khi chính bản thân từng người trong số đồng nghiệp của Watanabe cũng là một "xác ướp", và cái chết hay những tháng ngày ý nghĩa cuối cùng của Watanabe cũng chẳng thể khiến những "xác ướp" ấy thay đổi cách sống, đúng hơn là cách tồn tại của họ. May ra, chỉ có chúng ta, những người xem cuộc đời của Watanabe ở góc nhìn thứ ba, có thể cảm nhận được chút gì đó từ những câu hát da diết mà Watanabe ngâm nga trong những giây phút cuối cùng trên chiếc xích đu: "Cuộc đời ngắn ngủi, hãy yêu đi hỡi những tâm hồn tinh khiết, trước khi cái màu đỏ trẻ trung, phai tàn trên đôi môi của bạn. Trước khi những đam mê dào dạt, nguội đi trong lòng bạn. Hỡi những người không biết tới ngày mai."
Ikiru ra đời trong hoàn cảnh nước Nhật bắt đầu tái sinh từ tro tàn của cuộc chiến, Akira Kurosawa làm bộ phim này vào giai đoạn rực rỡ nhất trong sự nghiệp của ông, 1 năm sau Rashomon và 2 năm trước Bảy samurai. Không được triển khai bằng phong cách dữ dội như hai tác phẩm nổi tiếng thế giới từ rất sớm kia, Akira Kurosawa chọn cho Ikiru một nhịp phim chậm rãi khi mà mọi xung đột, căng thẳng đều chỉ là những đợt sóng ngầm trong tâm hồn mỗi nhân vật. Vì thế thay vì một Toshiro Mifune bạo liệt, bùng nổ, Akira đã chọn Takashi Shimura, một diễn viên "ruột" khác của ông, cho vai Kanji Watanabe. Shimura không có được cái thần thái ấn tượng như Mifune nhưng lại biết cách diễn sao cho khán giả cảm nhận được tâm sự ẩn sau cái vẻ bình thường, thậm chí là hơi thụ động, kiểu Á Đông của ông. Và có lẽ ông đã dồn tất cả những gì tinh túy nhất trong tài nghệ diễn xuất của mình cho vai Kanji Watanabe này. Với rất nhiều cú may quay cận cảnh mà tiêu điểm duy nhất chỉ là khuôn mặt đầy khắc khổ của Watanabe, Shimura đã truyền cho khán giả đủ mọi cung bậc cảm xúc khác nhau, từ hoảng loạn sợ hãi khi nghe một bệnh nhân mô tả triệu chứng của căn bệnh quái ác, tới đau đớn tột cùng vì sự bất hiếu của con trai hay hạnh phúc vì tìm lại được lẽ sống đã mất và cuối cùng là sự thanh thản của một người sắp chết, nhưng đã được sống trong những tháng ngày cuối cùng. Cũng như chính Watanabe trong phim, Shimura đã tận dụng tới từng thời khắc xuất hiện trên khung hình của ông để biến câu chuyện bình thường về một người đàn ông bình thường trở thành một tác phẩm khiến khán giả xúc động sâu sắc đến vậy.
Ikiru có nghĩa là Sống, một cái tiêu đề đủ để nói lên nội dung chính của bộ phim - Thế nào là sống và thế nào là không sống? Bằng cách dẫn chuyện cảm động và tinh tế, chẳng cần tới những câu thoại to tát hoa mỹ, Akira Kurosawa đã khiến người xem sau khi chứng kiến những tháng ngày cuối của của Kanji Watanabe phải tự đặt cho mình câu hỏi, liệu ta có là "xác ướp"? Trong phim, sau khi suy luận được rằng Watanabe đã biết mình bị ung thư giai đoạn cuối trước khi bắt tay vào vận động xây công viên, nhiều đồng nghiệp của ông đã chép miệng: "Trong hoàn cảnh ấy thì tôi cũng làm được như thế!", ngay lập tức một người cấp dưới của Watanabe, người lặng lẽ ngồi ngoài cuộc tranh luận vô bổ lên tiếng: "Nhưng chúng ta ai chẳng có thể chết một cách bất ngờ?!" Đúng như vậy, biện minh cho lý do mình là "xác ướp" luôn dễ hơn rất nhiều so với việc thực sự sống, thực sự làm được những việc có ích cho cuộc đời. Xem Ikiru, tôi có cảm giác như đang đọc một truyện ngụ ngôn hay một vở kịch của Shakespeare được lồng trong cái vỏ hiện đại của nghệ thuật thứ bảy vì bộ phim thực sự giản dị với những quy luật, những câu hỏi đã có từ muôn đời. Tôi tin là cũng như truyện ngụ ngôn, như Shakespeare, Ikiru sẽ còn giá trị lâu dài vì chừng nào còn "xác ướp", chừng đó còn cần có những câu chuyện về "xác ướp" và cách thoát khỏi vỏ bọc đó. (Ikiru được Akira Kurosawa sáng tác dựa theo truyện vừa Cái chết của Ivan Ilyich của Lev Tonstoi nhưng Cái chết của Ivan Ilyich có màu sắc u ám hơn nhiều và vì thế khó tiếp cận hơn, so sánh vui thì có thể nói Ikiru là "trung bình cộng" của Cái chết của Ivan Ilyich và truyện ngắn Viên mõ tòa (L'Huissier) của Marcel Aymé.)
Bài hát được nói tới trong phim (Gondola no Uta)