Dạo này thấy mọi người xôn xao vì vụ em Huyền Chíp,
một bên nghi ngờ thì cho rằng em ấy dối trá, "chém gió" về chuyện "đi
25 nước với 700 đô", một bên ủng hộ thì cho rằng quan trọng là em ấy đã
đi, đã trải nghiệm, còn em ấy đi bằng cách nào là chuyện thứ yếu. Tôi
thì không quan tâm lắm, vì sách thì mình cũng chẳng mua chẳng đọc, em ấy
có nói thật hay nói dối cũng chả ảnh hưởng gì đến mình. Nhưng đọc tranh
luận của mọi người cũng thấy có chút liên quan, đó là về chuyện "đi để
làm gì?". Do đặc thù công việc và cũng do ... may mắn nên tôi cũng có cơ
hội đi một số nước, kể cả nước "độc" như Israel "của em Huyền Chíp".
Nhưng do bản tính ... lười, nên tôi không thích đi lang bạt "trải nghiệm
cuộc sống", tôi chỉ muốn vác balo đi thật chậm hoặc chui vào từng ngóc
ngách bảo tàng, nghĩa trang để cảm nhận cái không khí, cái mùi vị văn
hóa và bề dày lịch sử của nơi mình đến. Vì sở thích hơi kỳ dị như vậy,
và vì "số phận" (nơi tôi chú ý đầu tiên ở các thành phố lớn thường là
cái ... nghĩa trang!) nên tôi thường đi lang thang một mình, và thành
thực mà nói tôi cũng muốn đi một mình hơn, bớt những câu nói chuyện,
thêm những giờ phút tĩnh lặng suy nghĩ về không gian xung quanh mình, về
âm hưởng thời gian, lịch sử của những công trình kiến trúc mà tôi đi
qua. Mỗi một chuyến đi như thế là một kỷ niệm sâu sắc trong tôi, sâu sắc
không phải ở chỗ tôi có thể nhớ được từng chi tiết đường phố, từng câu
chuyện lịch sử đã nghe, mà ở chỗ nó đem lại cho tôi một cảm xúc riêng,
thứ cảm xúc chỉ có thể gắn với địa danh đó. Như Brugge của Bỉ với tôi là
cảm giác thanh bình, yên ả và lặng lẽ của một "Venice phương Bắc" với
những tòa nhà nhỏ bé nhưng hết sức thanh lịch, như Firenze của Ý với tôi
là sự bất ngờ và ngạc nhiên của một thành phố nhỏ bé nhưng chứa đựng vô
vàn những dấu ấn của thời gian trên từng góc phố, từng cây cầu, như
Moskva của Nga với tôi là cảm giác thân thương khi được trở về với những
ký ức cũ, những giấc mơ, hình ảnh tưởng tượng thủa nhỏ qua trang sách
Cầu vồng. Vì lẽ ấy nên tôi rất không thích những thành phố không có bản
sắc - như Seoul, vốn được xây lại hoàn toàn sau chiến tranh, cuộc chiến
tàn khốc đã hủy hoại tất cả vết tích lịch sử nguyên gốc của thành phố -
giờ đây với tôi Seoul chỉ là một thành phố hiện đại đang cố chứng minh
bề dày văn hóa của mình qua những tòa nhà, những chi tiết quy hoạch
hoành tráng nhưng thiếu chiều sâu (giống các nhóm nhạc xinh đẹp nhảy
giỏi mỗi tội hát không hay của K-pop).
Tất nhiên những người khác cũng sẽ có những giấc mơ, những ý định khác khi thực hiện chuyến đi của mình. Hình tôi đưa lên đầu bài này là poster phim Kon-Tiki, phim "bom tấn" của điện ảnh Na Uy năm 2012 và là ứng viên vòng cuối của Giải Oscar cho phim tiếng nước ngoài (nhưng thua một phim xuất sắc hơn rất nhiều là Amour của Michael Haneke). Kon-Tiki dựa trên câu chuyện có thật là chuyến hành trình vượt Thái Bình Dương trên chiếc bè Kon-Tiki của Thor Heyerdahl năm 1947. Hoàn toàn không sử dụng động cơ hoặc phương tiện hiện đại nào, chiếc bè gỗ của Thor Heyerdahl đã vượt qua gần 7000 km trong 101 ngày để chinh phục Thái Bình Dương - vốn là đại dương không hề "thái bình" chút nào. Thực hiện chuyến đi "điên dồ" như thế, tất nhiên Thor Heyerdahl cũng có mục đích của mình - đó là chứng minh khả năng vượt biển của thổ dân châu Mỹ ngày xưa, chứng minh rằng nhờ cái tài vượt biển bằng những chiếc bè mỏng manh ấy, thổ dân châu Mỹ đã đặt chân đến các hòn đảo ở phía bên kia của Thái Bình Dương và là tổ tiên của cư dân những hòn đảo này. Thor Heyerdahl thành công, ông đưa được chiếc bè Kon-Tiki từ bên này sang bên kia Thái Bình Dương, và dựa vào đó để viết nên quyển sách du hành hết sức hấp dẫn. Ngày bé tôi rất rất thích quyển sách này của Thor Heyerdahl, vì nó tràn đầy tinh thần lạc quan, tràn đầy những chi tiết sinh động và lý thú về chuyến đi trên biển như ... loài cá nào nướng lên ngon nhất, hay tại sao giông bão lại không thể quật đổ chiếc bè mỏng manh như vậy. Thời đó cứ mỗi lần đọc sách xong (tất nhiên tôi đọc đi đọc lại quyển này nhiều lần) tôi lại ước có ngày mình được đi lênh đênh trên biển như Thor Heyerdahl. Có điều là tôi thời đó, cũng như Thor Heyerdahl ngày đặt chân lên con bè, không biết rằng rút cục giả thuyết nhân chủng học của Thor Heyerdahl thực ra ... không đúng, vì tổ tiên của người dân trên các hòn đảo Thái Bình Dương là người châu Á di cư chứ không phải thổ dân châu Mỹ. Nhưng đúng hay sai cũng chẳng quan trọng đối với Thor Heyerdahl - người đã dám nghĩ, dám đi, và đã thực hiện thành công giấc mơ của mình, cũng chẳng hề gì nốt với tôi - người chỉ cần giữ được những giấc mơ, kỷ niệm đẹp ngày bé về chiếc bè Kon-Tiki.
Nói ngoài lề dài dòng là vậy vì tôi chẳng có gì nhiều để nói về Kon-Tiki - phim. Xứng đáng là tác phẩm đắt giá nhất trong lịch sử điện ảnh Na Uy, Kon-Tiki có phần kĩ xảo rất tốt, các bối cảnh được làm chu đáo với chất lượng không kém gì phim Hollywood. Nhưng về nội dung thì phim phần nào đó làm tôi thất vọng. Phần đầu của phim - nói về những gian lao của Thor Heyerdahl trong quá trình đi thuyết phục giới khoa học tin vào giả thuyết nhân chủng học của mình và thuyết phục các nhà tài trợ mở ví cho dự án điên dồ của ông (đúng ra là "anh" vì khi đó Thor Heyerdahl mới có 33 tuổi) - được làm thực sự tốt, thực sự cảm động khi nói lên được sự khủng hoảng về niềm tin, về lẽ sống của cả Thor và những người bạn đồng hành tương lai của anh - những người hoặc là những anh hùng ... chẳng biết làm gì sau một cuộc chiến dài đằng đẵng (Chiến tranh thế giới thứ hai), hoặc chỉ đơn giản là một kỹ sư cố sống qua ngày đoạn tháng ở mảnh đất New York xa lạ bằng nghề buôn đồ điện tử. Hình ảnh của Thor được khắc họa đặc biệt xuất sắc ở phần đầu này, vừa là người đàn ông với đôi mắt sáng và niềm tin không gì lay chuyển vào giả thuyết của mình, vừa là một thanh niên đứng giữa sự ngờ vực của người đời và ánh mắt mỏi mòn của người vợ ở quê hương Na Uy xa xôi. Với rất nhiều bối cảnh ngột ngạt của những tòa nhà chọc trời và những ánh mắt vô cảm, với tông màu buồn bã của những trận mưa hay mùa Đông New York, phần đầu đã làm rất tốt công việc tạo tiền đề để nhân vật Thor Heyerdahl và những người bạn của anh bung ra sống, phiêu lưu, khám phá biển khơi vô tận trên con tàu Kon-Tiki. Nhưng rất tiếc là phần chính của phim - chuyến hải trình, thay vì khai thác những chi tiết hào hứng lý thú và đầy tính tương phản được mô tả trong cuốn sách của Thor Heyerdahl, lại tiếp tục phân tích tâm lý nhân vật, sự khủng hoảng niềm tin, niềm vui, nỗi buồn, những bước đi tìm lại lẽ sống của mỗi người trên khoảng không chật hẹp của chiếc bè. Tất nhiên thủ pháp điện ảnh này có thể sẽ thành công với nhiều bộ phim - nhưng không phải là với Kon-Tiki, bởi người xem muốn chứng kiến, muốn cảm nhận cuộc du hành thật sự trên biển khơi kia, cuộc du hành có một không hai với rất nhiều mạo hiểm nhưng cũng rất nhiều niềm tin, thay vì cuộc du hành "nội tâm" của mỗi nhân vật - vốn có thể tìm thấy trong rất rất nhiều bộ phim khác. Phần kết của phim - cuộc "đổ bộ" của chiếc bè lên những hòn đảo Thái Bình Dương - vì thế cũng trở nên kém hấp dẫn vì người xem đã quá mệt mỏi với chuyến đi dài và không lấy gì làm hấp dẫn của những tâm hồn trên chiếc bè Kon-Tiki. Tôi đã phải chờ rất lâu mới được chứng kiến tác phẩm yêu thích của mình được đưa lên màn ảnh lớn, nhưng rất tiếc bộ phim đã không đưa được cái tinh thần lạc quan-chinh phục của quyển sách, của Thor Heyerdahl tới người xem. Có lẽ sau khi xem phim sẽ chẳng mấy người nảy sinh được cảm hứng leo lên một chiếc bè để đi thật xa, để chứng minh bản thân, để cảm thấy tuổi trẻ không phí hoài vô ích. Đây mới là thất bại lớn nhất của bộ phim này.