The World's End là phần cuối cùng của bộ ba phim "kem Cornetto" - bộ ba phim hài thuộc loại xuất sắc nhất của điện ảnh Anh đầu thế kỷ 21 - của đạo diễn Edgar Wright và bộ đôi Simon Pegg-Nick Frost. Nói là "kem Cornetto" vì mỗi phim trong bộ ba (trước The World's End là Shaun of the Dead năm 2004 và Hot Fuzz năm 2007) đều có hình ảnh của một màu kem Cornetto khác nhau cũng như mang một "vị kem" khác nhau - Shaun of the Dead là phim zombie, Hot Fuzz là phim cảnh sát, và cuối cùng The World's End là phim khoa học giả tưởng kiểu "ngày tận thế".
The World's End là một trong những phim tôi mong đợi nhất năm nay, lý do đơn giản vì hai phần trước của "kem Cornetto" là hai trong số những phim hài đương đại tôi thích nhất. Tôi thích phim hài kiểu Anh, nó mang chút gì đó dí dỏm, chua cay, gây cười dựa vào những tình huống hoặc câu thoại ẩn dụ mà người xem phải suy nghĩ mới cười được. Đây là phong cách khác hẳn với đa số phim hài Mỹ thời gian gần đây (hài của Judd Apatow, hài kiểu The Hangovers hay Bridgemaids) vốn dựa rất nhiều vào hài hình thể, những chi tiết hài hơi tục hoặc cách diễn, tình tiết kiểu "thô thiển" (đến ngay cả diễn viên vào loại "uyên bác" như Nathalie Portman đóng hài cũng phải vào những vai kiểu thô thiển, quả là khó chấp nhận). Tôi còn thích phim "kem Cornetto" vì nó gợi nhớ đến những tác phẩm của Châu Tinh Trì - diễn viên tôi yêu thích (và yêu quý) nhất. Phim "kem Cornetto" thường lấy bối cảnh là các dòng phim ăn khách, nhiều "fan ruột", có sức sống dài lâu của Hollywood (phim zombie, phim cảnh sát, phim giả tưởng) để kể những câu chuyện tương đối đơn giản nhưng xúc động (và hài hước, tất nhiên) về tình bạn, tinh thần lạc quan yêu đời của cặp đôi Pegg-Frost với rất nhiều chi tiết ngạc nhiên nhỏ nhỏ nhưng sáng tạo, gợi nhớ (pay homage) tới những bộ phim kinh điển của dòng phim mà nó (phim "kem Cornetto") nói tới. Làm một phép đơn giản thì cặp Pegg-Frost của "kem Cornetto" chính là cặp Châu Tinh Tinh-chú Đạt (Ngô Mạnh Đạt) của phim Châu Tinh Trì, Shaun of the Dead với phim zombie là Out of the Dark với phim "cương thi" (dù chất lượng thì phải so sánh với Đội bóng Thiếu Lâm - vì theo tôi Shaun of the Dead là tác phẩm xuất sắc nhất của bộ ba "kem Cornetto"), còn cả Hot Fuzz và Fight Back to School đều gợi nhớ tới dòng phim cảnh sát. Xem phim "kem Cornetto", cũng như xem phim Châu Tinh Trì, luôn đem lại cho tôi cảm giác rất sung sướng vì không chỉ được thưởng thức một bộ phim hay, hài hước, mà còn được nhớ lại rất nhiều những bộ phim hay, đáng nhớ khác của quá khứ. Dù vậy, có vẻ phim "kem Cornetto" không được lòng công chúng Mỹ cho lắm, cả ba phim chỉ kiếm tiền ở mức vừa phải - doanh thu chỉ ở mức phim độc lập của Hollywood, và kể cả một phim Hollywood nhưng mang "vị kem Cornetto" là Paul (có sự tham gia của cả Pegg và Frost) cũng không hẳn thành công, dù khẩu vị hài đậm chất Anh đã được sửa cho "thô" hơn theo kiểu Mỹ.
Bối cảnh mới (phim khoa học giả tưởng, với "người ngoài hành tinh" và robot tạo hình "cũ kỹ" kiểu The Day the Earth Stood Still), nhân vật mới (lần này "kem Cornetto" có sự xuất hiện của dàn diễn viên tiếng tăm nhất, từ "bác sĩ Watson" Martin Freeman cho tới "Bond's girl" Rosamund Pike), nhưng The World's End vẫn trung thành với cách tiếp cận quen thuộc của bộ ba phim "kem Cornetto". Gary "the" King (Simon Pegg), một tay nghiện rượu hạng nặng, quyết định tìm lại những người bạn cũ của mình là doanh nhân thành đạt Andy (Nick Frost - trong một vai diễn đổi chỗ với Simon Pegg của hai phim trước), "người đàn ông của gia đình" Peter (Eddie Marsan), cò bất động sản Oliver "O-Man" (Martin Freeman) và thầu xây dựng Steven (Paddy Considine). Năm người đàn ông ở tuổi trung niên với những công việc khác nhau, những số phận khác nhau, và những cuộc đời khác nhau, nhưng hai mươi năm trước họ từng là năm "chàng lính Ngự lâm" sát cánh bên nhau trong cuộc chinh phục ... 12 quán bar ở thành phố nhỏ bé Newton Haven với mục tiêu đơn giản - mỗi quán bar, một cốc bia. Mục tiêu tưởng chừng đơn giản nhưng năm người đã không đạt được, cuộc vui dang dở, để rồi hai chục năm sau Gary, trong những giờ phút tỉnh táo hiếm hoi của đời mình, quyết tâm làm lại bằng được với những người bạn cũ. Nhưng Newton Haven của 20 năm trước đã không còn, thay vào đó là một Newton Haven với ... toàn người ngoài hành tinh, tuy có bộ dạng con người nhưng không có trí nhớ - hoặc đúng hơn là có trí nhớ được lưu theo kiểu lựa chọn ("selective memory"), không có linh hồn, không có cả dòng máu chảy trong người - thay vào đó là một thứ chất lỏng màu xanh rất kiểu phim khoa học giả tưởng của thời xưa cũ. Muốn uống đủ 12 cốc bia, Gary và những người bạn phải vượt qua sự cản trở của lũ người ngoài hành tinh quái dị với tham vọng chiếm lĩnh địa cầu và linh hồn của loài người - bao gồm cả "năm chàng lính Ngực lâm", nhưng những thử thách ở Newton Haven cũng là cơ hội để Gary và các bạn tìm lại chính mình, tìm lại tình bạn tưởng chừng đã mất ở những thời khắc cuối cùng của một Trái Đất hiện đại (The World's End vừa là tên quán bar cuối cùng trong chuỗi 12 quán, vừa để chỉ cái kết của phim).
Thành thực mà nói thì tôi không đủ trình độ để phân tích sâu The World's End, vì phim này gợi nhớ tới dòng phim khoa học giả tưởng "đời cũ" những năm 1950, 1960 - những phim mà tôi chưa bao giờ có cơ hội xem. Nhưng nhìn chung, The World's End vẫn giữ được phong độ của Shaun of the Dead và Hot Fuzz, tuy là phần mở đầu của phim khá chậm và hơi "buồn ngủ". Do có cốt truyện và tuyến nhân vật phức tạp hơn hai phần trước (có tới 5 nhân vật thay vì 2 nhân vật chính, đả động tới cả quá khứ-hiện tại đan xen thay vì đi ngay vào đề) nên The World's End khởi động khá chậm để dành thời gian giới thiệu nhân vật và bối cảnh phim. Nhưng nhịp độ của phim dần được đẩy lên cao qua từng bối cảnh (là các quán bar - 12 quán có lẽ là ... hơi nhiều nên một số bối cảnh/quán bar không được giới thiệu kỹ gây chút gì đó hẫng hụt cho người xem) lên đến đỉnh điểm là quán The World's End. Nếu ai đã từng xem phim "kem Cornetto" thì sẽ thấy rất quen thuộc với phong cách hành động của phim - giao chiến trong quán bar với nhạc nền hoành tráng (tuy không được "cảm xúc dâng trào" như trường đoạn "Don't Stop Me Now" của Shaun of the Dead), các pha đuổi bắt nhảy qua hàng rào, cắt cảnh nhanh, đột ngột, những bất ngờ nho nhỏ rải rác từ đầu tới cuối phim. Nhưng cái đáng nói ở đây là cách Edgar Wright lồng những trường đoạn suy tư hết sức cảm động vào giữa những pha hài hước và hành động của phim một cách rất ngọt, nhẹ nhàng, sâu sắc, nhưng lại không phá hỏng nhịp phim hay khiến phim trở nên sến hay não nề (cũng phải nói thêm là hàm lượng hài của phim là thấp hơn tương đối so với Shaun of the Dead hay Hot Fuzz). Xét cho cùng, những nhân vật của "kem Cornetto" là những con người thất bại - những "đứa trẻ to xác" vô lo vô nghĩ về cuộc đời, những người đàn ông ... vô trách nhiệm, chỉ yêu quý sự tự do với khẩu hiệu ... "It's our basic human right to be fucked-up" và vì thế bỏ phí cả cuộc đời để mơ tưởng về những giấc mơ thời trai trẻ vốn chẳng bao giờ trở thành hiện thực. Nhưng những nhân vật ấy vẫn được khán giả hết sức yêu quý vì họ đem lại cho điện ảnh một cái nhìn lạc quan về cuộc đời, kể cả trong những giờ phút lo âu, hiểm nguy nhất, vì họ tượng trưng cho tình bạn vô tư của tuổi trẻ - tình bạn trường tồn bất kể thời gian, bất kể những thất bại, sai lầm của cuộc đời mỗi người. Trong The World's End, mùi vị đầy chất suy tư này của "kem Cornetto" được nhấn mạnh hơn cả, với một cái kết mất mát-nhưng vui vẻ kiểu Shaun of the Dead, với những giọt nước mắt, những lời thú nhận đắng lòng của Pegg, của Frost. Mùi vị này khiến cho người xem nhận ra rằng bộ ba "kem Cornetto" rút cuộc cũng chỉ là một câu chuyện về những giấc mơ chẳng bao giờ thành hiện thực, về những thất bại mà đời người ai cũng gặp phải, nhưng được kể với một cái nhìn lạc quan, cái nhìn luôn ẩn chứa tình cảm bạn bè chân thành hết mực. Đến đây tự dưng tôi lại nhớ đến cảnh Tôn Ngộ Không (Châu Tinh Trì) mỉm cười quay lưng cất bước trong đoạn kết của A Chinese Odyssey Part 2, một nụ cười có lẽ là chua chát nhất trong cả sự nghiệp dài của họ Châu, nhưng không vì thế mà mất đi cái tính lạc quan thường trực trong mỗi cử chỉ, mỗi ánh mắt của vua hài Hồng Kông.
Nhìn chung theo tôi The World's End chưa xuất sắc bằng Shaun of the Dead (phim đầu tiên của một bộ ba thường được nhớ tới nhất vì tính độc đáo, bất ngờ của nó) nhưng đã là quá hoàn chỉnh để kết thúc bộ ba "kem Cornetto" bằng một nốt cao tươi tắn, lạc quan, giữ được cái tinh thần chung của hai tác phẩm trước nó. Và như thế cũng là đủ để người yêu phim có được một bộ ba phim hài xuất sắc để tìm thấy những phút giây vui vẻ, tích cực trong những thời khắc buồn bã của cuộc đời mà ai cũng có.
Coi đoạn thị trấn Newton Haven nhớ phim về người ngoài tinh của Luis de Funès ghê. Đoạn thằng mập Nick làm thanh niên nghiêm túc boss lớn trong corporate thấy tức cười gì đâu :))
RépondreSupprimerHehe tại mình quen nhìn chú béo đóng vai ngớ ngẩn rồi, ai dè phim này lại là anti-typecast. Vừa xem This Is the End xong, pretext cũng tựa tựa nhưng mà xử lý kiểu thô lỗ, xem không chán nhưng cũng không thể mê nổi.
RépondreSupprimer