some quotes....

I just want to tell you, I'm the one who was supposed to take care of everything. I'm the one who was supposed to make everything okay for everybody. It just didn't work out like that. And I left. I left you... And now, I'm an old broken down piece of meat... and I'm alone. And I deserve to be all alone. I just don't want you to hate me.

-Randy 'The Ram' Robinson, The Wrestler

lundi 9 septembre 2013

The Wind Rises (2013)




Tôi là người rất hâm mộ phim của Miyazaki, vì vậy khi The Wind Rises ra rạp Hàn Quốc, dù phim được chiếu dạng nguyên bản (tiếng Nhật) có phụ đề (tiếng Hàn) - hai thứ tiếng mà tôi mù tịt (!), tôi vẫn quyết tâm đi xem, đi xem để thí nghiệm xem cái lập luận "điện ảnh là ngôn ngữ phổ quát" có đúng không, và nhất là đi xem để trải nghiệm cảm giác được ngồi trong rạp phim thật để thưởng thức một bộ phim của đạo diễn mà tôi yêu thích.

The Wind Rises được mở đầu bằng một câu thơ của nhà thơ Pháp Paul Valéry:

"Le vent se lève!... Il faut tenter de vivre!"
(Gió nổi lên kìa! Hãy gắng lấy mà sống!)

Đây chính là tựa đề của The Wind Rises và gói gọn trong câu thơ nhẹ nhàng này cũng là cả nội dung của bộ phim - một tác phẩm "hoạt hình người lớn" nói về nỗ lực sống, nỗ lực vươn tới ước mơ của cả đời người giữa buổi tao loạn của xã hội bởi những hiểm họa thiên nhiên và hiểm họa do chính con người tạo ra. 

(Ghi chú: Do tôi xem phim "mù" - hoàn toàn không hiểu thoại tiếng Nhật-phụ đề Hàn nên phần tóm tắt có dựa thêm vào Wikipedia, vốn đang sở hữu một tóm tắt rất hay của The Wind Rises. Do cốt truyện cũng không phải khó đoán, nên tôi sẽ tóm tắt toàn bộ, tức là có cả SPOILER về kết phim.)

Nhân vật chính của The Wind Rises là Jiro, một chàng trai Nhật Bản sinh ra vào buổi giao thời của nước Nhật cũ và nước Nhật mới với niềm yêu thích khoảng không vô tận. Thời thơ ấu của Jiro gắn liền với những giấc mơ được lái máy bay chinh phục bầu trời và vượt qua những không gian cũ kỹ của nước Nhật. Nhưng chiếc máy bay trong mơ của Jiro thường bị những chiếc máy bay chiến đấu gớm ghiếc mang hình thập tự sắt (biểu tượng của quân đội Đức quốc xã) phá hỏng, còn giấc mơ chinh phục bầu trời của cậu cũng gặp phải một trở ngại không thể vượt qua khác - Jiro bị cận nặng và hiển nhiên là không thể trở thành phi công. Nhưng cảm hứng từ Caproni, một kỹ sư hàng không người Ý với vẻ ngoài bảnh bao lãng tử và những thiết kế không kém phần phóng túng (trông tạo hình của Caproni trong phim này như "phiên bản người" của chàng phi công Porco Rosso trong bộ phim cùng tên của Miyazaki), đã đem lại cho Jiro một giấc mơ chinh phục bầu trời thậm chí còn đẹp hơn - đó là tự tay thiết kế ra những chiếc máy bay cho nước Nhật. Vượt qua cơn đại địa chấn phá hủy cả thành phố Tokyo năm 1923, vượt qua những khó khăn trong cuộc sống của một sinh viên kỹ thuật trên mảnh đất đang phải gồng mình phục hồi sau trận động đất, Jiro cuối cùng đã đạt được ước mơ của anh là trở thành một kỹ sư thiết kế máy bay chiến đấu, đồng thời anh cũng tìm thấy được một nửa trái tim của mình - Naoko, một cô gái bé nhỏ, yếu đuối, nhưng luôn hết mực xinh tươi, hết mực yêu đời.

Trở thành kỹ sư thiết kế hàng không chỉ là bước đầu tiên trên con đường chinh phục khoảng không của Jiro. Con đường ấy còn vô số chông gai, thử thách, những vụ bay thử thất bại, những thiết kế tưởng như hoàn hảo nhưng lại nhanh chóng trở thành những khung xương tan nát chỉ sau vài lần tăng tốc, những bí kíp kỹ thuật tưởng như chỉ người Đức mới có thể đạt tới, và cả căn bệnh ho lao gặm nhấm sự sống của Naoko - người mà Jiro yêu quý nhất. Nhưng chẳng gì mạnh hơn được niềm tin, chẳng gì mạnh hơn được tinh thần hy sinh của con người Nhật Bản nhỏ bé, Jiro hy sinh tất cả tuổi trẻ và sức lực để hoàn thiện thiết kế máy bay chiến đấu, Naoko hy sinh hạnh phúc ngắn ngủi của bản thân để quay lưng bước đi giúp người chồng mới cưới tập trung thực hiện ước mơ thủa bé. Và rồi thiết kế của Jiro cũng bay cao vượt qua mọi thử thách của khoảng không, đó chính là chiếc Mitsubishi A5M - tiền thân của chiếc Mitsubishi A6M 'Zero' - chiến đấu cơ xuất sắc nhất trong Chiến tranh thế giới thứ hai. 

Ngọn gió cuộc đời vẫn tiếp tục thổi. Chiến tranh tất nhiên chẳng thể đem lại hạnh phúc cho ai, những thiết kế thân yêu của Jiro sớm trở thành đống tro tàn trong thất bại của Đế quốc Nhật Bản, chỉ còn mình anh bước đi trong sự nuối tiếc và nỗi cô đơn khi mà Naoko đã đi xa mãi. Nhưng trong giấc mơ của mình, Jiro lại thấy Caproni và Naoko ở bên, động viên anh hãy tiếp tục sống, sống tiếp với giấc mơ dang dở, sống tiếp với niềm tin mà Naoko đã đặt trọn cho anh, bởi, gió vẫn thổi, và con người vẫn phải gắng mà tiếp tục sống, tiếp tục mơ ước.

Có thể nói The Wind Rises là bộ phim hoạt hình-dành-cho-người-lớn thực sự đầu tiên của Miyazaki. Mặc dù từ lâu chính Miyazaki đã tâm sự rằng ông chẳng còn thể giữ được cái hồn nhiên, trong trẻo như thời của Totoro, nhưng các bộ phim của ông (đặc biệt là tác phẩm gần đây nhất - Ponyo) vẫn được sáng tác với đối tượng khán giả chính là trẻ em dù cho những thông điệp "người lớn" về môi trường, về lẽ sống đã dần được lồng đâu đó trong Mononoke hay Chihiro. Nhưng The Wind Rises là một bộ phim khác hẳn. Xét trên khía cạnh nào đó, đây có thể coi là phiên bản "người lớn" của Kiki - nhưng với nhân vật chính là nam (lần đầu tiên kể từ Nausicaa cách đây 20 năm Miyazaki "cho" nhân vật chính là nam!), cũng là những bỡ ngỡ vào đời, cũng là những trăn trở để thực hiện giấc mơ thủa nhỏ. Nhưng lần đầu tiên khán giả của Miyazaki được thấy người đạo diễn yêu quý của mình đề cập tới tình yêu, một tình yêu thật sự với những ánh mắt, nụ cười đắm đuối, những nụ hôn nồng cháy, những giây phút hạnh phúc nhỏ bé đến xao lòng, và tất nhiên là cả những hy sinh, những mất mát lớn lao có, nhỏ bé giản dị có, mà ai đã hoặc đang yêu đều từng gặp trong đời. Đúng với chất Miyazaki, tình yêu giữa Jiro và Naoko được xây dựng một cách rất giản dị, chẳng có nút thắt mở, chẳng có những khúc quanh không ai ngờ tới, chỉ có những khoảnh khắc lặng lẽ nhưng cảm động của tình yêu được đặt trong những bối cảnh hoặc là thiên nhiên bao la rộng lớn với rất nhiều mảng màu sáng, hoặc là những góc phòng chật hẹp nhưng ấm cúng với tông màu trầm. Ngay cả những nỗ lực đạt tới ước mơ của Jiro cũng được xây dựng một cách đơn giản - chiến tranh là một mảnh đất màu mỡ cho các cao trào, những bi kịch đau thương tột độ, nhưng Miyazaki hoàn toàn bỏ qua những cách xử lý kịch bản thường gặp đó, ông chỉ tập trung trau chuốt cho hình ảnh của Jiro - từ một cậu bé ngây thơ tới một người đàn ông kiên nghị với con đường đã chọn, một người đàn ông dù gặp phải vô vàn khó khăn trên đường đời với nhiều lần vấp ngã nhưng vẫn luôn đứng lên một cách tự tin để tiếp tục bước tới. Thật lạ là cách tạo hình của Jiro rất giống với cách tạo hình của ông bố trong Totoro, còn em gái của anh lại được khắc họa giống hệt với hình ảnh của bé Mei cũng trong Totoro, một điểm trùng lặp có vẻ "ngược đời" khi Totoro luôn được coi là tác phẩm trong sáng nhất của Miyazaki. Nhưng khi nhìn lại, người xem sẽ nhận ra rằng cái phong thái bình thản, tin tưởng của Jiro cũng phản chiếu hình ảnh của ông bố bé Mei trong Totoro. Thật tiếc, Naoko đã rời khỏi cuộc đời Jiro mãi mãi, nếu không những "fan cuồng" của Miyazaki như tôi hoàn toàn có lý do để liên tưởng tới chuyện Totoro chính là bối cảnh sau chiến tranh của The Wind Rises, khi mà Jiro phải một tay chăm sóc hai đứa nhỏ để Naoko dưỡng bệnh. Nhưng chiến tranh chẳng bao giờ đem lại một cái kết đơn giản và hạnh phúc như thế...


Với nhiều người, có lẽ The Wind Rises sẽ không đem lại nhiều ngạc nhiên thú vị kiểu Chihiro, Howl, Mononoke hay những giây phút đáng yêu kiểu Ponyo, nhưng với riêng mình tôi đã cảm thấy quá thỏa mãn với những khung hình khắc họa quang cảnh thiên nhiên hùng vĩ tuyệt đẹp của Nhật Bản, những con tàu đi trên thảo nguyên phía trên là mây trắng, những cánh buồm in bóng trên mặt biển bao la, rồi cả những cảnh đời tấp nập trong một Tokyo của cũ-mới đan xen. Với một cốt truyện chặt chẽ và trọn vẹn hơn hẳn Porco Rosso, có lẽ Miyazaki cũng đã phần nào cảm thấy thỏa mãn với giấc mơ chinh phục khoảng không của ông qua The Wind Rises, khi mà bầu trời và những chiếc máy bay đủ mọi hình dáng được dành một phần lớn thời lượng của phim. Trong thời buổi "máy vẽ" như hiện nay, những chuyến bay, những đám mây, những màu sắc của bầu trời khắc họa trong The Wind Rises đem lại cho người xem cảm giác họ đang được xem những bức tranh màu nước với rất nhiều tâm hồn của người vẽ thay vì những kỹ xảo tinh vi nhưng vô hồn của máy tính. Và được xem những "bức tranh" ấy trên màn hình lớn của rạp chiếu lại càng cảm động hơn nữa - nhất là đối với tôi, một người hâm mộ phim của Miyazaki đã lâu nhưng chưa từng được xem rạp bất cứ phim nào của ông. Một niềm xúc động nho nhỏ khác nữa khi xem The Wind Rises đó là tôi lại được nghe phần nhạc phim có phong cách nhẹ nhàng, tinh tế, thủ thỉ như kể chuyện của Joe Hisaishi - nhà soạn nhạc "ruột" của Miyazaki, tôi vẫn ước được một lần ngồi Budokan nghe hòa nhạc của Joe Hisaishi - một mong ước có lẽ là hơi xa vời, nhưng ngồi rạp xem phim và nghe nhạc của Joe Hisaishi cũng đủ là một điều gì đó đáng nhớ.

Có tin nói Miyazaki coi The Wind Rises là bộ phim cuối cùng của mình. Với một đạo diễn "mới" 72 tuổi (vẫn là "trẻ" so với tuổi trung bình của người Nhật) và đã từng tuyên bố "giải nghệ" sau Ponyo thì có lẽ mọi người cũng chưa nên buồn vì phải xa Miyazaki. Nhưng sau khi xem The Wind Rises, tôi lại cảm thấy có lẽ cái tin "giải nghệ" kia cũng đáng tin phần nào. Bởi với một bộ phim mang phong cách khác hẳn, với những luồng suy tư khác hẳn như bộ phim này, có lẽ Miyazaki đã muốn nói nốt những gì ông còn giữ lại trong lòng, thỏa mãn nốt cái giấc mơ sáng tạo với khoảng không của ông, để rồi kết thúc ngỏ với một câu nói mang đầy tính tự sự - "Gió vẫn thổi". Trong hội họa, họa sĩ tôi yêu thích nhất là một người Nga có tên Isaac Levitan, một "chuyên gia" vẽ trời và nước. Bức tranh cuối cùng của ông có tên "Hồ/Nước Nga" - một bức tranh thiên nhiên hết sức giản dị với bầu trời rộng lớn và những đám mây xốp ngả ánh hoàng hôn. The Wind Rises cũng giản dị như thế, cũng chỉ là một bức tranh về niềm tin, về giấc mơ của con người được đặt trong bối cảnh thiên nhiên với rất nhiều bầu trời và rất nhiều mặt nước. Nếu đây là tác phẩm cuối cùng của Miyazaki, thì có lẽ ta cũng nên cảm thấy vui vì đạo diễn đã để lại cho người hâm mộ mình một lời ngỏ giản dị và đáng nhớ đến vậy.

=====

Sau khi xem phim tôi nhận ra một điều nho nhỏ, không rõ có phải ẩn ý của Hayao Miyazaki thật hay chỉ là sự suy diễn quá mức của tôi. Đó là những trường đoạn có sự xuất hiện của Naoko luôn gắn với những con tàu hỏa cũ kĩ, xù xì màu tối và thường được lọt thỏm giữa mảng xanh bạt ngạt của thiên nhiên nước Nhật, trong khi đó Jiro là đồng nghĩa với máy bay, với khoảng không cao rộng, với những mảng màu thật sáng, với trời và mây. Phải chăng cái cách Naoko lặng lẽ lùi vào bóng tối, để rồi Jiro, sau hết thất bại này đến thất bại khác, vươn lên chinh phục bầu trời cũng chính là sự thay thế của máy bay đối với tàu hỏa, sự thay thế của cái mới, cái tân tiến-và nhiều khi chứa đầy hiểm nguy đối với cái cũ, mộc mạc, giản dị.

=====
Tự dưng tôi lại thấy buồn khi nghĩ tới Satoshi Kon - một đạo diễn phim hoạt hình Nhật Bản khác mà tôi cũng rất rất hâm mộ. Kon mất quá sớm, có lẽ nếu còn sống, còn thời gian để trải nghiệm, ông cũng sẽ đem lại cho người hâm mộ như tôi những cảm xúc hoàn toàn khác biệt như cách Miyazaki tạo ra bất ngờ The Wind Rises cho khán giả hâm mộ phim của ông.

====
Trong trả lời phỏng vấn trước thềm lễ trao giải Oscar, Toshio Suzuki, nhà sản xuất của The Wind Rises cũng đã kể lại rằng Miyazaki khi làm phim để ý rất nhiều tới việc dựng bối cảnh thiên nhiên và mây trời cho phim, bản thân ông đã quan sát mây, đặc biệt là mây chiều lúc hoàng hôn rất nhiều để vẽ bối cảnh cho phim, và ông cũng đề nghị các hoạ sĩ bối cảnh nghiên cứu tranh của Levitan để dựng bối cảnh cho phim - Như vậy là nhận xét của tôi về sự tương đồng giữa "bức tranh" The Wind Rises và tranh của Levitan hoá ra lại có cơ sở thật.

http://www.youtube.com/watch?v=Retti0LEr_A#t=1h41m


Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire