Nhẩn nha xem phim dự thi Cannes năm nay, sao thấy toàn phim hay ghê gớm vậy ta! Vậy mà không hiểu tại sao năm nay các bác Pháp lại có vẻ ỉu xìu với chất lượng liên hoan phim, lạ lùng thật?!
Đối với dòng phim hành động Hồng Kông thì có lẽ Ngô Vũ Sâm có vai trò trụ cột và khai sáng tương tự như Kim Dung đối với truyện chưởng, và thực tế thì phong cách xây dựng nhân vật và cốt truyện của Ngô Vũ Sâm cũng có cái gì đó hoa mỹ, vừa anh hùng kiểu "Đại Hán",
Thủy hử vừa mang chút "ẩm ướt" kiểu
Hồng lâu mộng,
Tây sương ký tựa như tiểu thuyết thời đầu của Kim Dung (trừ
Tiếu ngạo giang hồ, và tất nhiên
Lộc đỉnh ký). Việc những
A Better Tomorrow,
The Killer hay
Hard Boiled của Ngô quá ... hay và kinh điển đã làm khó cho các đạo diễn phim hành động thế hệ sau trong việc lấp khoảng trống của Ngô sau khi ông sang Hollywood vì làm giống "sư phụ" sẽ bị chê là bắt chước trong khi xây dựng những nhân vật khiến cho khán giả
idolize hoặc đẩy cao kịch tính và độ phức tạp của các bộ phim hành động lên trên tầm Ngô Vũ Sâm là điều gần như không thể. Kết quả tất yếu là phim hành động Hồng Kông lâm vào khủng hoảng sáng tạo, kéo luôn theo nó là cả nền điện ảnh Hồng Kông trong khoảng thời gian giữa thập niên 1990.
Nói một cách "kiếm hiệp" thì trong lúc "quần hùng" hoang mang, lòng người ly tán thì một cao thủ trẻ tuổi đã xuất hiện, đó là Đỗ Kỳ Phong. Đỗ là một đạo diễn điêu luyện của thể loại phim hành động, điêu luyện theo kiểu ... Ngô Vũ Sâm, bằng chứng là các bộ phim xuất sắc thời kỳ đầu của Đỗ như
Breaking News,
The Heroic Trio đều đậm chất hoành tráng với những nhân vật theo kiểu anh hùng truyền thống như Ngô Vũ Sâm. Nhưng Đỗ nhanh chóng nhận ra rằng nếu mình chỉ là cái bóng của Ngô tiên sinh thì tên tuổi của ông sẽ "sớm nở chóng tàn" như Lâm Linh Đồng (
Prison on Fire) hay Đường Quý Lễ (
Police Story 3). Nhưng phải thay đổi thế nào?
Thực tế đạo diễn đầu tiên cố gắng thoát khỏi phong cách hành động "kiểu Ngô Vũ Sâm" chính là ... Vương Gia Vệ. Bộ phim đầu tay của ông,
As Tears Go By (tên tiếng Trung của phim này cũng hay,
Vượng Giác Tạp Môn hay
Nàng Carmen xứ Vượng Giác) cho thấy ảnh hưởng "nặng nề" của Ngô Vũ Sâm nhưng đồng thời cũng mang những nét rất riêng về cách nhấn mạnh vào chiều sâu tâm lý của nhân vật cùng những xung đột nội tâm bên trong các anh hùng (điều mà Ngô ít khi dành đất trong phim của mình để miêu tả). Nhưng bộ phim đầu tay này của Vương thực sự không phải một tác phẩm thành công, đó có lẽ cũng là một điều may mắn cho điện ảnh Hồng Kông vì "nhờ" có thất bại này mà Vương Gia Vệ mới quyết tâm dựa vào những thế mạnh của mình để tách ra đi riêng một con đường của những
Days of Being Wild,
Chungking Express sau này.
Quay trở lại với Đỗ Kỳ Phong, ông cũng cố gắng thay đổi hình tượng anh hùng "kiểu Ngô Vũ Sâm" bằng cách phá tung nhân vật và lắp lại theo một cách đặc biệt nhất thông qua những chi tiết hành động theo kiểu thông minh chứ không còn máu lửa hoành tráng như Ngô. Ví dụ trong
Running Out of Time, thành công đầu tiên của đạo diễn theo "phong cách mới", nhân vật anh hùng của Đỗ là một kẻ trộm ... sắp chết (Lưu Đức Hoa - vai diễn "tử tế" đầu tiên của ngôi sao này) và cố dành chút thời gian còn lại để thực hiện một phi vụ cuối cùng trong hoàn cảnh "mèo đuổi chuột" với một viên thanh tra cảnh sát tài năng nhưng luôn bị ám ảnh với công việc (Lưu Thanh Vân - diễn viên ruột của Đỗ). Hoàn toàn không có những pha bắn giết hoành tráng, thay vào đó là các pha
heist thông minh theo kiểu Hollywood nhưng mang màu sắc rất riêng nhờ hai nhân vật chính "nửa chính nửa tà" rất đặc sắc. Hướng đi thứ hai của Đỗ là xây dựng những tình huống dở khóc dở cười để đẩy nhân vật của mình vào đó và buộc họ hành động (đương nhiên - đây là phim hành động) đồng thời bộc lộ tính cách thật của mình. Đó là chủ đề chính của
The Mission, ra đời cùng năm với
Running Out of Time, tác phẩm nói về một băng sát thủ siêu hạng (do toàn diễn viên ruột của Đỗ thủ vai: Hoàng Thu Sinh, Lâm Tuyết, Ngô Chấn Vũ) lâm vào cảnh trớ trêu khi ông chủ ra lệnh họ phải hạ sát một thành viên trong nhóm.
The Mission không chỉ đặc sắc về nội dung và cách xây dựng nhân vật đa diện, đây còn là tác phẩm đầu tiên được Đỗ Kỳ Phong chăm chút cho từng cảnh quay hành động sao cho tính thẩm mỹ của từng pha bắn giết được nhấn mạnh, các nhân vật của Đỗ cầm súng, bắn súng như thể họ đang ... múa, đẹp mắt, tinh giản và mang tính tượng hình rất cao. Sự thông minh của Đỗ Kỳ Phong đã giúp ông dần trở thành một Cổ Long của phim hành động Hồng Kông với đầy đủ tư cách để "một mình một chiếu" với các bộ phim hành động "trừu tượng", tinh tế, y hệt cái cách Cổ Long khiến người khác phải nhớ đến mình như một "Cổ Long" chứ không phải như một "tác giả đàn em của Kim Dung".
Kể từ cuối thập niên 1990 thì Đỗ Kỳ Phong đã thực sự trở thành trụ cột mới của làng phim giải trí Hồng Kông, ông làm phim rất nhanh, một số "không ra gì" nhưng vẫn có rất nhiều tác phẩm giá trị, đáng khâm phục là Đỗ thành công cả ở phim hài tình cảm (
Needing You,
Yesterday Once More), cả ở phim bi (
Running on Karma) và thậm chí còn là bậc thầy mới của phim xã hội đen Hồng Kông với bộ đôi
Election và
Election 2. Nhưng đam mê thật sự của Đỗ vẫn là phim hành động,
PTU,
Mad Detective,
Exiled (phần tiếp theo của
The Mission, và thành công không kém), đều chứng tỏ xu hướng của Đỗ là dần gọt bỏ những chi tiết theo kiểu truyền thống của phim hành động để trừu tượng hóa từ nội dung phim cho đến từng cảnh đấu súng trong phim. Có lẽ vì đã tạo dựng được vị thế của mình nên Đỗ Kỳ Phong mới dám mạo hiểm như vậy, vì cách làm phi truyền thống và phá vỡ kết cấu thông thường của phim hành động của ông chắc chắn sẽ làm phim mất nhiều fan hâm mộ phim hành động "tinh tuyền", lại một lần nữa ta thấy sự phản chiếu đối với Cổ Long, ai từng đọc Cổ Long hẳn sẽ thuộc hai thái cực riêng rẽ, một cực ghét và một cực thích cách hành văn cộc lốc, cách xây dựng nhân vật trừu tượng tới mức phi thực tế của Cổ Long. Càng về sau Đỗ Kỳ Phong càng dần bỏ qua cách xây dựng cốt truyện chặt chẽ của phim hành động truyền thống (anh hùng => bị ghen ghét => bị vùi dập => đường cùng => vượt qua => anh hùng), ông thường nới lỏng đường dây dẫn truyện (
narrative), thay vào đó Đỗ chú trọng vào từng chi tiết nhỏ, gọt giũa sao cho chúng có vẻ ngoài mang tính thẩm mỹ cao nhất có thể, từng nhân vật cũng được đạo diễn trừu tượng hóa, họ không còn là những anh hùng bằng xương bằng thịt mà dần trở thành những
David của Michelangelo - những nhân vật khiến người xem ấn tượng vì vẻ ngoài, cách cư xử đặc biệt của họ chứ không còn vì họ "là anh hùng" hay "giống thật". Có thể so sánh ngay
Exiled với tiền thân của nó,
The Mission.
Exiled là đoạn tiếp theo của
The Mission khi nhóm sát thủ tái hợp sau thời gian dài ly tán, họ ít cười, ít nói và mất dần đi cái vẻ gần gũi thời kỳ đầu (Hoàng Thu Sinh diễn rất đạt vai này) nhưng vẫn khiến người xem phải chăm chút nhìn cách họ vượt qua khỏi những tình huống ngặt nghèo bằng những pha đấu súng đẹp ... như tranh trừu tượng của Matisse. Đỗ Kỳ Phong hứng thú với cách làm phim này tới mức ông cho ra đời hẳn một bộ phim chỉ chuyên về những cảnh hành động đẹp mắt, đó là
Sparrow, một bộ phim về trộm cắp đơn thuần (không có bắn giết) nhưng lại giúp Đỗ tận dụng được tối đa trí tưởng tượng của ông trong việc dàn dựng những pha "đấu trộm cắp".
Cách làm phim hành động ... kiểu nghệ thuật khiến Đỗ Kỳ Phong trở thành đạo diễn yêu thích của người Pháp, ông thường xuyên là khách quen của LHP Cannes dù phim hành động chưa bao giờ được coi trọng ở liên hoanthiên về phim nghệ thuật này. Người Pháp yêu thích Đỗ Kỳ Phong tới mức họ quyết định bỏ tiền để Đỗ làm phim theo ý thích, đó là
Vengeance, bộ phim với sự góp mặt của hai ngôi sao người Pháp Johnny Hallyday và Sylvie Testud.
Vengeance kể về cuộc trả thù của François Costello (Johnny Hallyday) cho con gái (Sylvie Testud), người đã mất cả chồng, hai đứa con và trở thành bại liệt suốt đời vì ba kẻ sát thủ lạ mặt. Đỗ Kỳ Phong xây dựng nhân vật này là dựa theo nhân vật ngôi sao của
Le Samouraï, tác phẩm hành động đã đưa Alain Delon lên hàng thần tượng của nước Pháp vào cuối thập niên 1960, đáng ra Delon mới là người được chọn vào vai Costello trong phim này nhưng chắc "lão ngôi sao" đã quá già và xuống sắc để vào một vai đòi hỏi thần khí của một "sát thủ" như
Vengeance, kết quả là Hallyday-ngôi sao nhạc rock... vừa nghỉ hưu của Pháp được mời thế chỗ, thực tế thì Hallyday và Delon trông cũng khá giống nhau, tất nhiên Delon trông thanh lịch hơn còn Hallyday trông "ngầu" hơn. Giờ là thập niên 2000, 40 năm đã trôi qua và tất nhiên Costello không còn là Costello của
Le Samouraï nữa, ông bị một viên đạn găm trong đầu xóa dần đi kí ức và để trả thù ông buộc phải dùng máy ảnh tự động chụp từng cảnh cần nhớ và sao đó ghi chú thêm phía dưới (tất nhiên đoạn này sẽ làm mọi người nghĩ ngay đến
Memento của Chris Nolan, nhưng cách sử dụng yếu tố "mất trí nhớ" của Đỗ khác hơn nhiều). Một cách tình cờ Costello có được sự giúp đỡ của bộ ba tay sát thủ (... vẫn là nhóm sát thủ của
The Mission,
Exiled, có khác chăng là lần này chỉ có 3 người, do Hoàng Thu Sinh, Lâm Tuyết và Lâm Gia Đồng đóng) những người mà Costello quen khi ông chứng kiến bọn họ đang ... làm ăn (=giết người) ở phòng khách sạn bên cạnh. Và "nhóm bộ tứ" của
The Mission, Exiled lại được tái lập khi Costello tiết lộ rằng bản thân ông cũng là một tay súng cừ. Đúng như "thương hiệu" của mình, nhóm sát thủ nhanh chóng tìm ra được những kẻ cừu thù của Costello và hạ sát chúng. Nhưng lại một lần nữa, nhóm rơi vào tình trạng dở khóc dở cười khi hóa ra đó chính là thuộc hạ của ông trùm (vẫn như mọi khi, do Nhậm Đạt Hoa thủ vai), và giết thuộc hạ đồng nghĩa với việc tuyên chiến với ông trùm hùng mạnh. Chưa dừng lại ở đó, chứng mất trí của Costello ngày càng nặng nề và ông khiến những người bạn sát thủ không biết nên cười hay nên khóc khi tuyên bố rằng ông chẳng còn nhớ chút gì về chuyện phải trả thù. Bốn người nay chỉ còn ba, họ sẽ đối mặt ra sao với ông trùm vốn có đám thuộc hạ đông đảo gấp bội? Và còn Costello, liệu cuộc đời của ông già này có còn ý nghĩa khi mà đến mục đích sống duy nhất của ông - trả thù, cũng đã tuột mất khỏi trí nhớ?
Bộ phim có tiêu đề là
Vengeance - trả thù và đường dây dẫn dắt chính của phim cũng xoay quanh cuộc trả thù của Costello. Nhưng đúng với phong cách của mình, Đỗ Kỳ Phong không bám chặt vào cốt truyện này, thay vào đó ông tập trung sức sáng tạo, đặc biệt là những sáng tạo về mặt thị giác, cho từng đoạn riêng lẻ, vì thế nếu ai không quen xem phim của Đỗ có lẽ sẽ khó lòng thích sự lỏng lẻo của
Vengeance. Nhưng nếu thích rồi thì vấn đề lại khác.
Vengeance tập trung tất cả những gì tinh túy nhất trong kĩ thuật trừu tượng hóa phim hành động của Đỗ Kỳ Phong, đoạn nhóm sát thủ của Costello chờ đợi những kẻ cừu thù chia tay gia đình được Đỗ làm đẹp hệt như một trận quyết đấu trong truyện Cổ Long (như cái cách Tây Môn Súy Tuyết vẫn chờ đợi địch thủ), mà đấy chỉ là một trong số rất nhiều trường đoạn hành động đẹp của
Vengeance, những ai đã yêu thích phim của Đỗ chắc chắn sẽ phải phấn khích khi liên tục được chứng kiến những pha chạy trốn trong mưa, bắn súng giữa trời đất rộng lớn với gió thổi, giấy báo bay tơi bời, hoảng loạn trong rừng ô (tương tự như
Sparrow),... Có cảm giác Đỗ Kỳ Phong làm bộ phim này với mục đích tối thượng là thỏa mãn sức sáng tạo của mình trong việc phá cách phim hành động, và kết quả là những người hâm mộ của ông được hưởng lợi với một bộ phim đẹp, ấn tượng mà vẫn gợi được những triết lý cơ bản về tình bạn, tinh thần mã thượng và lòng trung thành (những chủ đề khán giả hay bắt gặp trong phim của Đỗ). Một bộ phim "tinh tuyền" của "Cổ Long phim hành động".