some quotes....

I just want to tell you, I'm the one who was supposed to take care of everything. I'm the one who was supposed to make everything okay for everybody. It just didn't work out like that. And I left. I left you... And now, I'm an old broken down piece of meat... and I'm alone. And I deserve to be all alone. I just don't want you to hate me.

-Randy 'The Ram' Robinson, The Wrestler

samedi 19 décembre 2009

Die Welle (2008)


Rainer Wenger là một giáo viên trung học phổ thông trẻ, yêu đời, yêu nhạc rock và có một cô người yêu kiêm đồng nghiệp dễ thương. Cuộc sống yên ả của anh bắt đầu thay đổi khi Wenger được phân công giảng bài Chế độ chuyên chế (autocracy) cho môn Chính trị vốn luôn ám ảnh học sinh bởi sự nhàm chán và tẻ ngắt. Để thay đổi phong cách, Wenger quyết định cho học trò của mình thực hành luôn mô hình Chuyên chế trong lớp học, anh đề nghị học sinh gọi mình là "Ông/Ngài Wenger" (Herr Wenger) thay vì cái tên Rainer thân mật, những đặc điểm khác của một nhà nước chuyên chế như đồng phục (sơ mi trắng), kỷ luật, trật tự hay tính tập thể đều được mang ra thử nghiệm. Sáng kiến của Wenger thành công đến không ngờ khi lũ học trò của anh, vốn đã quá chán ngán với cuộc sống thường nhật không thể thỏa mãn trí óc mới lớn của các em, cảm thấy cực kì hứng thú với "Nhà nước của Ngài Wenger" và bắt đầu dồn toàn tâm toàn ý để củng cố cho mô hình ấy. Và rồi cái gì đến cũng phải đến, một mô hình chuyên chế, dù là ở quy mô tế bào như "Nhà nước của Ngài Wenger" cũng tiến tới chỗ biến dạng khỏi mục đích tốt đẹp ban đầu của nó, nhất là khi người lãnh đạo mô hình - Wenger, lại không lường trước được hậu quả từ "sáng kiến" của anh, trong khi cái thế hệ nòng cốt của mô hình lại là thanh niên mới lớn - lứa tuổi nổi loạn và sẵn sàng làm tất cả mọi thứ để bảo vệ cái mà các em cho là lý tưởng của mình.

Có thể nói Die Welle là một phim sư phạm hoàn hảo về nguyên nhân và tác hại của chế độ chuyên chế. Bằng một ví dụ cực kì đơn giản, gần gũi là một lớp học bình thường với những cô cậu thanh niên hết sức bình thường với đủ cả những giây phút sáng suốt và vô số thời khắc khác nổi loạn, Die Welle đã cho người xem thấy được cả mầm mồng, cách thức lây lan và tác hại khôn lường của một mô hình chuyên chế: Khi một tầng lớp hoặc một xã hội cảm thấy mất phương hướng về lý tưởng sống, mất niềm tin vào môi trường sống xung quanh của họ, thì chỉ cần một người lãnh đạo có khả năng, cả cái tầng lớp, cái xã hội ấy sẽ hòa nhịp để tạo thành một đợt sóng (die welle) rồi lớn dần thành cơn sóng thần cuốn phăng đi tất cả. Bộ phim cho ta thấy mối nguy hiểm tiềm tàng của một chế độ phát xít mới khi mà mầm mống của nó luôn luôn hiện hữu trong một tầng lớp mất phương hướng và khao khát lý tưởng như thanh niên mới lớn. Và cái mầm mống ấy càng có khả năng nảy mầm thành cây độc khi mà xã hội, hay cụ thể là bố mẹ lại bỏ mặc các em "tự lớn", tự đối phó với những bế tắc về suy nghĩ, về cách nhìn cuộc sống.

Nếu khắt khe thì người xem vẫn có thể chê Die Welle vì tính "kịch" của bộ phim khá cao bất chấp việc dàn diễn viên, đặc biệt là các diễn viên trẻ thủ vai học trò, của phim diễn rất tự nhiên và nhập vai, nhưng khó có thể trách được đạo diễn trong trường hợp này vì muốn truyền tải cái "thí nghiệm" của Wenger thì không còn cách nào khác đạo diễn phải "bắt" đa số các nhân vật trong lớp học phải biến thành "người tượng", không có quan điểm và phản ứng riêng trước sự hình thành của die welle trong khi đáng ra đặc điểm nổi bật nhất của giới trẻ phải là sự phản kháng, chống đối (anarchy - vô chính phủ). Die Welle quả xứng đáng được sinh ra trong lòng nước Đức, "tổ quốc" của chế độ chuyên chế cao độ bậc nhất - Đức Quốc Xã và cũng là quốc gia chịu thương tổn nặng nề nhất từ chế độ này. Die Welle đề cập tới Đức Quốc Xã thông qua những hình ảnh ẩn dụ hết sức tài tình, mà không tài tình sao được khi một lớp học hết sức bình thường lại có thể trở thành tấm gương phản chiếu trung thực những gì đã xảy ra trong xã hội Đức giai đoạn giữa hai cuộc thế chiến. Tôi còn hết sức hài lòng vì Die Welle không hề động tới Holocaust - thứ chủ đề "bắt buộc" trong mọi phim Hollywood nói về, hoặc động tới Đức Quốc Xã, vì thực chất Diệt trừ Do Thái chỉ là một bộ phận cấu thành nên học thuyết (doctrine) của nhà nước Đức Quốc Xã chứ chưa bao giờ là giáo điều (dogma) của chế độ này. Theo tôi, Die Welle xứng đáng được đưa vào bất cứ chương trình học phổ thông nào về lịch sử hoặc chính trị vì sự chính xác, dễ hiểu và gần gũi với học sinh của nó - muốn để "làn sóng" không biến thành cơn sóng thần hủy diệt, hãy cho mỗi tế bào cấu thành của làn sóng đó thấy được cái cách làn sóng dị dạng thành sóng thần thế nào.

Nói thêm là nhạc phim rất hay và hợp với không khí phim, toàn nhạc rock.


Ending theme

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire