some quotes....

I just want to tell you, I'm the one who was supposed to take care of everything. I'm the one who was supposed to make everything okay for everybody. It just didn't work out like that. And I left. I left you... And now, I'm an old broken down piece of meat... and I'm alone. And I deserve to be all alone. I just don't want you to hate me.

-Randy 'The Ram' Robinson, The Wrestler

dimanche 27 juin 2010

20 films for our fathers

Nhân dịp ngày của cha.


01. Ikiru (Akira Kurosawa, IMDb: 8.2, Trailer)
- Nói tới Akira Kurosawa người ta thường nghĩ ngay tới những tác phẩm dữ dội, bạo liệt kinh điển như Seven Samurai hay Rashomon mà đôi khi quên mất rằng ông còn để cho đời một nốt trầm sâu lắng nhưng vững bền qua năm tháng là Ikiru. Bộ phim nói về một người cha kiểu Nhật đúng nghĩa - người hy sinh tất cả cho con cái tới mức quên đi rằng bản thân ông vẫn có một cuộc đời riêng, vẫn cần được
sống chứ không chỉ đơn thuần là tồn tại. "Mình đã hy sinh điều gì cho người đã hy sinh cả cuộc đời vì mình?", đó có lẽ sẽ là câu hỏi của nhiều người làm con sau khi xem Ikiru.


02. My Neighbour Totoro (Hayao Miyazaki, IMDb: 8.1, Trailer)
- Bộ phim đáng yêu nhất trong sự nghiệp của Miyazaki - My Neighbour Totoro xoay quanh cuộc sống của ba cha con trong sự thiếu vắng bóng hình của người mẹ vốn đang phải nằm viện. Tràn ngập những hình ảnh dễ thương của chú yêu quái "tốt bụng" Totoro, con mèo-xe bus và đặc biệt là tình cảm ấm áp của cha dành cho con gái, của con gái dành cho mẹ, bộ phim như một lời nhắc nhở rằng "
Chẳng nơi đâu dễ chịu và bình yên như ở giữa gia đình (và ... trên bụng chú Totoro)".


03. Sympathy for Mr. Vengeance (Park Chan-wook, IMDb: 7.8, Trailer)
- Là tác phẩm mở đầu của bộ ba "
trả thù", Sympathy for Mr. Vengeance là bức tranh u tối, đau đớn về một thứ tưởng chừng luôn tốt đẹp và trong sáng - tình phụ tử. Để trả thù cho đứa con bị bắt cóc, người cha sẵn sàng làm mọi việc, vượt qua mọi giới hạn, vứt bỏ lòng cảm thông, tất cả chỉ vì đứa con yêu quý.


04. In the Name of the Father (Jim Sheridan, IMDb: 8.0, Trailer)
- Tù tội là môi trường để con người bộc lộ những gì xấu xa nhất, nhưng với In the Name of the Father, tù tội lại là nơi để người ta khai quật nên những gì lấp lánh nhất, tinh túy nhất của tình cảm con người. Chỉ xem bộ phim này thôi người ta cũng sẽ hiểu được sức mạnh tinh thần của tình cha con lớn tới nhường nào.


05. Looking for Eric (Ken Loach, IMDb: 7.3, Trailer)
- Ken Loach là "ông vua" của những bộ phim giản dị, các tác phẩm của ông thường xoay quanh cuộc đời, tình cảm của những con người hết sức bình thường và nhỏ bé trong xã hội. Nhưng dù "bình thường" đến đâu thì tình cảm cha con trong họ vẫn có nét gì đó hết sức đặc biệt, trong Looking for Eric, khán giả được chứng kiến tình yêu mộc mạc của Eric, một nhân viên bưu tá nghèo ở ngoại ô Manchester, với hai đứa con riêng, với vợ cũ và cả với bóng đá. Eric luôn tự hào vì cái triết lý "người ta có thể thay đổi tất cả, trừ câu lạc bộ yêu thích", còn sau khi xem xong khán giả hẳn sẽ thấy rằng cái "câu lạc bộ yêu thích" ở đây của Eric còn bao gồm cả những cầu thủ đặc biệt - vợ và con gái của ông.


06. Finding Nemo (Andrew Stanton, IMDb: 8.2, Trailer)
- Một ví dụ tiêu biểu và vui nhộn của Pixar trong dòng phim gia đình (mà tác phẩm xuất sắc nhất có lẽ là The Incredibles). Finding Nemo có lẽ là câu trả lời dễ "thấm" nhất dành cho các cô bé, cậu bé khi cha chúng được đặt câu hỏi "Bố có yêu con không?".


07. I Am Sam (Jessie Nelson, IMDb: 7.3, Trailer)
- Liệu một người thiểu năng trí tuệ có thể có những tình cảm như người "bình thường"? Câu trả lời của I Am Sam là "Có, thậm chí là còn sâu sắc hơn nhiều lần". Sam, một ông bố-không bao giờ lớn, sẵn sàng làm mọi thứ, chứng tỏ mọi điều với quan tòa chỉ để được giữ lại đứa con thân yêu bên mình. Người ta thường nhắc tới những "tình yêu vượt qua mọi khoảng cách", nhưng với I Am Sam thì câu nói đó phải chuyển thành "tình yêu (con cái) bất chấp giới hạn về nhận thức", có lẽ bởi tình cha con đã trở thành một phần tất yếu của tiềm thức mỗi con người.


08. Big Fish (Tim Burton, IMDb: 8.1, Trailer)
- Với Big Fish, Tim Burton đã khẳng định tài năng của mình trong việc sử dụng những khuôn hình ma mị, kì ảo để đề cập tới những tình cảm giản dị, cơ bản nhất của mỗi con người. Bộ phim đầy những hình ảnh ẩn dụ kì ảo này hóa ra lại là câu chuyện nhẹ nhàng, sâu sắc về tình cảm cha con, về những ước mơ, hoài bão của người cha mà đôi khi đứa con chẳng bao giờ quan tâm tới. "Con cá mất là con cá to", nhưng qua Big Fish Tim Burton muốn những đứa con nhận ra rằng có một con cá rất lớn mà ta luôn cần gìn giữ trước khi nó tuột khỏi tầm tay - đó là tình cảm cha con, tình cảm gia đình.


09. There Was a Father (Yasujiro Ozu, IMDb: 7.7, Trailer)
- Cả cuộc đời mình Ozu chỉ làm phim xoay quanh chủ đề gia đình. Vì thế lẽ dĩ nhiên người đạo diễn cần mẫn ấy đã cho ra đời rất nhiều tuyệt phẩm về tình cha con, từ bộ phim câm I Was Born, But... tới đỉnh cao Tokyo Story và đến tận bộ phim cuối cùng An Autumn Afternoon. Thật khó để nói bộ phim nào là hay nhất về tình cha con, nhưng có lẽ bộ phim đậm chất Ozu nhất


10. Father and Daughter (Michael Dudok de Wit, IMDb: 7.9, Full movie)
- "
Simple is the best" có lẽ là câu nhận xét hay nhất cho bộ phim của đạo diễn Michael Dudok de Wit. Dài vỏn vẹn tám phút rưỡi, chỉ sử dụng những nét vẽ phác đen trắng cùng nhạc nền lặp đi lặp lại là bản Valurile Dunarii, Father and Daughter đã mang lại cho khán giả những giờ phút cảm động nhất về tình cảm cha con, thứ tình cảm không bao giờ đổi thay bất kể tuổi tác, bất kể núi đổi sông dời.


11. The Son's Room (Nanni Moretti, IMDb: 7.3, Trailer)
- Sau khi xem xong bộ phim từng giành giải Cành cọ vàng này, hẳn nhiều khán giả sẽ liên tưởng tới bài hát nổi tiếng của Eric Clapton - Tears in Heaven, bởi cả hai đều đề cập tới những suy nghĩ, những nỗi đau của người cha vì cái chết của đứa con trai yêu quý. Xót xa, ám ảnh, The Son's Room dõi theo cuộc sống của gia đình Giovanni sau khi con trai ông đột ngột qua đời, tuy thế điểm xuyết trong phim người ta vẫn được chứng kiến những thời khắc kí ức đẹp đẽ, thanh thản mà hình ảnh cả gia đình Giovanni hát vang trong chiếc xe nhỏ có lẽ sẽ là một trong những cảnh phim đẹp nhất của điện ảnh thế giới về tình cảm gia đình.


12. Le premier jour du reste de ta vie (Rémi Bezançon, IMDb: 7.6, Trailer)
- "Ngày đầu tiên của phần đời còn lại", bộ phim với cái tên gợi mở này là bức tranh đủ sắc màu về một gia đình điển hình kiểu Pháp - một gia đình chứa đầy những xung đột, rắc rối nhưng cũng lại tràn ngập những phút giây tình cảm thân thương "đúng kiểu Pháp" của các thành viên trong gia đình. Một ông bố làm nghề lái taxi quèn, nghiện thuốc lá nặng, "bất tài" từ nhỏ sẽ yêu thương các con của mình theo kiểu nào? Một cô gái nổi loạn, thù ghét cả gia đình rồi sẽ bộc lộ tình cảm thật cho cha mẹ ra sao? Le premier jour du reste de ta vie đưa ra những câu trả lời bình dị, rất bình dị như chính vị trí của gia đình trong mỗi con người - luôn ở đó, bên ta suốt cuộc đời.


13. Léon (Luc Besson, IMDb: 8.6, Trailer)
- Thực tế Léon chẳng phải cha của Mathilda, Mathilda cũng chẳng bao giờ nhận Léon làm bố. Nhưng số phận đã đưa hai con người cô độc ấy đến với nhau và hình thành giữa Léon và Mathilda một thứ tình cảm cha con đặc biệt, thứ tình cảm đã vun tưới cho tâm hồn của gã sát thủ máu lạnh và đem lại cho cô bé Mathilda niềm vui nhỏ nhoi mà em chưa bao giờ có trong đời.


14. The Wrestler (Darren Aronofsky, IMDb: 8.2, Trailer)
- The Wrestler hoàn toàn có thể đổi tên thành "The Loser" vì bộ phim chính là chân dung về một con người thất bại, hào quang tắt ngấm, gia đình tan vỡ, nhưng điều duy nhất mà ông muốn níu kéo chỉ là tình cảm cha con với đứa con gái vốn từ mặt cha đã lâu. Như con bù nhìn rơm căng mình ra chống lại gió bão trong vô vọng, "The Loser" vẫn cứ chiến đấu để giành lại những thứ ông đã mất, một cuộc chiến có lẽ chẳng bao giờ có ngày khải hoàn, nhưng đó là cuộc chiến mà ông vẫn phải cố gắng đến giờ phút cuối cùng vì một lẽ-"The Loser" có thể sống thiếu vinh quang, sống trong nghèo đói, nhưng ông vẫn cần được làm công việc mình yêu thích, vẫn cần có con gái để yêu thương và được yêu thương.


15. Million Dollar Baby (Clint Eastwood, IMDb: 8.2, Trailer)
- Tình cha con đôi khi không xuất phát từ mối quan hệ máu mủ ruột thịt, trong Million Dollar Baby, đó là tình cha con giữa một huấn luyện viên già thất bại cùng cô võ sĩ học trò "ruột" của ông. Một già, một trẻ, một dày dạn kinh nghiệm, một chỉ có niềm tin sắt đá, cả hai gắn kết với nhau bởi tình yêu với môn quyền Anh và bởi những khó khăn, nhọc nhằn trong chặng đường đi tới vinh quang.


16. The Godfather (Francis Ford Coppola, IMDb: 9.2, Trailer)
- Rất nhiều nhà phê bình điện ảnh, và bản thân Coppola, đã nhận xét rằng bộ phim hình sự vĩ đại nhất mọi thời-The Godfather, đầu tiên và trên hết lại là một bộ phim về gia đình, về tình cảm anh em, vợ chồng, chủ tớ và trên hết là cha-con. Không ai có thể tha thứ cho bố con nhà Corleone về những tội ác mà họ đã gây ra, nhưng cũng không ai có thể làm ngơ trước sự quan tâm kín đáo, sâu sắc, tình yêu thương và nhất là sự hy sinh mà cha con mafia dành cho nhau, điều mà có lẽ hiếm gia đình "tay sạch" nào có thể làm được.


17. After This Our Exile (Đàm Gia Minh, IMDb: 6.8, Trailer)
- Thực ra dòng phim cha con của điện ảnh Trung Quốc-Hồng Kông còn rất nhiều tác phẩm đáng chú ý khác như Together của Trần Khải Ca hay Riding Alone for Thousands of Miles của Trương Nghệ Mưu, tất cả đều mang "mùi vị" phương Đông không thể lẫn với những bộ phim Hollywood cho dù cùng nói về tình phụ tử (tên gốc của After this Our Exile là "Phụ tử tình"). After This Our Exile nói về cuộc sống khó khăn của hai bố con với giấc mơ đổi đời ở nước ngoài, một mô-típ cũ kĩ nhưng với cách xử lý nhẹ nhàng của Đàm Gia Minh và diễn xuất tuyệt vời của Quách Phú Thành và Gouw Ian Iskandar đã giúp After This Our Exile trở thành bộ phim thành công nhất tại Giải thưởng Điện ảnh Hồng Kông năm 2007, một kết quả mà bất cứ ai đã từng xem bộ phim này cũng sẽ phải đồng tình.


18. Mystic River (Clint Eastwood, IMDb: 8.0, Trailer)
- Một người cha sẽ làm gì khi đứa con gái yêu quý bị sát hại? BẤT CỨ ĐIỀU GÌ, đó là câu trả lời của Mystic River. Cùng lấy một cái tứ như Taken nhưng Mystic River bí hiểm hơn, nặng nề hơn và cay đắng hơn nhiều lần, có lẽ vì thế mà khán giả mới có thể cảm nhận được hết nỗi đau của một người cha trước sự mất mát khủng khiếp nhất trong đời.


19. Kramer vs. Kramer (Robert Benton, IMDb: 7.7, Trailer)
- Kramer vs. Kramer là một bộ phim vui tươi hiếm hoi gây tiếng vang trong cái thập niên thống trị bởi những bộ phim u ám của Hollywood. Vui tươi vì một lẽ rất đơn giản - bộ phim nói về tình cha con của hai bố con "lạc mẹ" nhà Kramer. Thiếu vắng người phụ nữ trong gia đình, cha con Kramer gặp vô vàn khó khăn từ những thứ nhỏ nhất như ... tráng trứng cho tới những việc "to tát" như vụ kiện "đòi con" của bà Kramer. Thứ duy nhất giúp hai cha con vượt qua mọi trở ngại để tiếp tục gắn bó với nhau, tất nhiên không gì khác, là tình cha con.


20. Magnolia (Paul Thomas Anderson, IMDb: 8.0, Trailer)
- Cuộc đời chẳng phải lúc nào cũng mang màu hồng, tình cha con cũng vậy. Magnolia của Paul Thomas Anderson là bộ phim về những mối quan hệ cha con đổ vỡ, những rạn nứt không thể hàn gắn, những vết thương lòng không bao giờ nguôi ngoai của những đứa con vì cách cư xử của người cha. Nhưng có lẽ khán giả cần những bộ phim như thế để học cách tha thứ, tha thứ để giữ lấy thứ tình cảm quý giá nhất trong cuộc đời.

lundi 14 juin 2010

100 Best Films of World Cinema


Ảnh: Cate Blanchett trong Elizabeth, không liên quan đến nội dung bài.

Chọn phim hay để xem luôn là một việc khó khăn, đặc biệt là những phim không do Hollywood sản xuất hoặc/và không sử dụng tiếng Anh. Vì vậy cách lựa chọn sáng suốt nhất là tham khảo danh sách kiểu "phim hay nhất", "top 100 phim",... mà các tạp chí đưa ra. Tờ Empire mới lập một danh sách phim nước ngoài (aka. không nói tiếng Anh) hay nhất trong lịch sử điện ảnh, tuy không thể làm hài lòng tất cả mọi người nhưng theo tôi danh sách này có giá trị tham khảo rất tốt, đúng với tính chất của Empire là một tờ báo hướng tới số đông độc (và khán) giả. Và đây là danh sách cụ thể:

100. Night Watch (Nga, 2004) - Timur Bekmambetov
099. Iron Monkey (Hồng Kông, 1993) - Viên Hòa Bình
098. Ran (Nhật Bản, 1985) - Akira Kurosawa
097. Farewell My Concubine (Trung Quốc, 1993) - Trần Khải Ca
096. Delicatessen (Pháp, 1991) - Jean-Pierre Jeunet, Marc Caro
095. Way of the Dragon (Hồng Kông, 1972) - Lý Tiểu Long
094. Yeelen (Mali, 1987) - Souleymane Cisse
093. The Fourth Man (Hà Lan, 1983) - Paul Verhoeven
092. Ghost in the Shell (Nhật Bản, 1995) - Mamoru Oshii
091. Goodbye Lenin (Đức, 2003) - Wolfgang Becker
090. Rififi (Pháp, 1955) - Jules Dassin
089. Loves of a Blonde (Tiệp Khắc, 1965) - Milos Forman
088. Leningrad Cowboys (Phần Lan, 1989) - Aki Kaurismäki
087. Andrei Rublev (Liên Xô, 1966) - Andrei Tarkovsky
086. Run Lola Run (Đức, 1998) - Tom Tykwer
085. Il Conformista (Ý, 1970) - Bernardo Bertolucci
084. Orphée (Pháp, 1950) - Jean Cocteau
083. Touki Bouki (Sénégal, 1974) - Ousmane Sembene
082. Battle Royale (Nhật Bản, 2000) - Kinji Fukasaku
081. The Host (Hàn Quốc, 2006) - Bong Joon-Ho
080. Mother India (Ấn Độ, 1957) - Mehboob Khan
079. Bande à part (Pháp, 1964) - Jean-Luc Godard
078. Women on the Verge of a Nervous Breakdown (Tây Ban Nha, 1988) - Pedro Almodóvar
077. House of Flying Daggers (Trung Quốc, 2004) - Trương Nghệ Mưu
076. The Idiots (Đan Mạch, 1998) - Lars Von Trier
075. A bout de souffle (Pháp, 1960) - Jean-Luc Godard
074. Devdas (Ấn Độ, 2002) - Sanjay Leela Bhansali
073. Caché (Pháp-Áo, 2005) - Michael Haneke
072. Ten Canoes (Úc, 2006) - Rolf de Heer, Peter Djigirr
071. Personna (Thụy Điển, 1966) - Ingmar Bergman
070. Hard Boiled (Hồng Kông, 1992) - Ngô Vũ Sâm
069. Ringu (Nhật Bản, 1988) - Hideo Nakata
068. Solaris (Liên Xô, 1972) - Andrei Tarkovsky
067. The Vanishing (Hà Lan, 1988) - George Sluizer
066. Crouching Tiger, Hidden Dragon (Trung Quốc, 2000) - Lý An
065. Un chien andalou (Pháp-Tây Ban Nha, 1929) - Luis Buñuel
064. Wings of Desire (Đức, 1987) - Wim Wenders
063. Un prophète (Pháp, 2009) - Jacques Audiard
062. 8 1/2 (Ý, 1963) - Federico Fellini
061. Knife in the Water (Ba Lan, 1962) - Roman Polanski
060. Jean de Florette / Manon des Sources (Pháp, 1986) - Claude Berri
059. Heimat (Đức, 1985) - Edgar Reitz
058. Persepolis (Iran, 2007) - Vincent Paronnaud, Marjane Satrapi
057. Central do Brasil (Brasil, 1998) - Walter Salles
056. Belle de jour (Pháp, 1967) - Luis Buñuel
055. Lagaan (Ấn Độ, 2001) - Ashutosh Gowariker
054. Festen (Đan Mạch, 1998) - Thomas Vinterberg
053. All About My Mother (Tây Ban Nha, 1999) - Pedro Almodóvar
052. Xala (Sénégal, 1973) - Djibril Diop Mambéty
051. Akira (Nhật Bản, 1988) - Katsuhiro Otomo
050. Closely Observed Trains (Tiệp Khắc, 1966) - Jiri Menzel
049. Les vacances de M. Hulot (Pháp, 1953) - Jacques Tati
048. Downfall (Đức, 2004) - Oliver Hirschbiegel
047. 10 (Iran, 2002) - Abbas Kiarostami
046. Jules et Jim (Pháp, 1962) - Francois Truffaut
045. Suspiria (Ý, 1977) - Dario Argento
044. Ikiru (Nhật Bản, 1952) - Akira Kurosawa
043. Cyrano de Bergerac (Pháp, 1990) - Jean-Paul Rappeneau
042. In The Mood For Love (Hồng Kông, 2000) - Vương Gia Vệ
041. My Neighbour Totoro (Nhật Bản, 1988) - Hayao Miyazaki
040. L’Avventura (Ý, 1960) - Michelangelo Antonioni
039. Le Samourai (Pháp, 1967) - Jean-Pierre Melville
038. Ashes And Diamonds (Ba Lan, 1958) - Andrzej Wajda
037. Rome Open City (Ý, 1945) - Roberto Rossellini
036. Dekalog (Ba Lan, 1988) - Krzysztof Kieslowski
035. La Grande illusion (Pháp, 1937) - Jean Renoir
034. Waltz With Bashir (Israel, 2008) - Ari Folman
033. M (Đức, 1931) - Fritz Lang
032. La Haine (Pháp, 1995) - Mathieu Kassovitz
031. Godzilla (Nhật Bản, 1954) - Ishiro Honda
030. Infernal Affairs (Hồng Kông, 2002) - Lưu Vỹ Cường, Mạch Triệu Huy
029. Les quatre cents coups (Pháp, 1959) - Francois Truffaut
028. Raise The Red Lantern (Trung Quốc, 1991) - Trương Nghệ Mưu
027. Cinema Paradiso (Ý, 1988) - Giuseppe Tornatore
026. La Belle et la Bête (Pháp, 1946) - Jean Cocteau
025. Das Boot (Đức, 1981) - Wolfgang Petersen
024. Come and See (Liên Xô, 19) - Elem Klimov
023. Spirit of the Beehive (Tây Ban Nha, 1973) - Victor Erice
022. Rashomon (Nhật Bản, 1950) - Akira Kurosawa
021. Nosferatu (Đức, 1922) - F.W. Murnau
020. Y Tu Mama Tambien (Mexico, 2001) - Alfonso Cuarón
019. Aguirre, Wrath of God (Đức, 1972) - Werner Herzog
018. Oldboy (Hàn Quốc, 2003) - Park Chan-wook
017. The Apu Trilogy (Ấn Độ, 1955) - Satyajit Ray
016. Tokyo Story (Nhật Bản, 1953) - Yasujiro Ozu
015. Let The Right One In (Thụy Điển, 2008) - Tomas Alfredson
014. Three Colours Trilogy (Pháp-Ba Lan, 1994) - Krzysztof Kieslowski
013. La Règle du jeu (Pháp, 1939) - Jean Renoir
012. Metropolis (Đức, 1927) - Fritz Lang
011. La Dolce Vita (Ý, 1960) - Federico Fellini
010. Spirited Away (Nhật Bản, 2001) - Hayao Miyazaki
009. Le salaire de la peur (Pháp, 1953) - Henri-Georges Clouzot
008. The Seventh Seal (Thụy Điển, 1957) - Ingmar Bergman
007. City of God (Brasil, 2002) - Fernando Meirelles, Katia Lund
006. Battle of Algiers (Pháp, 1966) - Gillo Pontecorvo
005. Pan's Labyrinth (Tây Ban Nha, 2006) - Guillermo del Toro
004. Bicycle Thieves (Ý, 1948) - Vittorio Da Sica
003. Battleship Potemkin (Liên Xô, 1925) - Sergei Eisenstein
002. Amélie (Pháp, 2000) - Jean-Pierre Jeunet
001. Seven Samurai (Nhật Bản, 1954) - Akira Kurosawa

Edge of Darkness (2010), Zombieland (2009), Crazy Heart (2009)


Một bộ phim không quá xuất sắc nhưng dễ xem, có thể so sánh với Taken của năm ngoái. Cũng như Taken, Edge of Darkness nói về một ông bố vì con gái mà sẵn sàng làm mọi thứ, hy sinh tất cả, chỉ khác là trong Taken ông bố chiến đấu vì sự sống của con mình còn trong Edge of Darkness ông chiến đấu để trả thù cho mạng sống đã bị cướp đi của con gái. Nếu như Taken có tính giải trí cao nhờ những pha hành động diễn ra liên tục, nhanh, gọn theo kiểu Bourne thì Edge of Darkness có màu sắc noir hơn với một ông bố đã mất hết tất cả ngoại trừ ý muốn trả thù cho con - Mel Gibson đóng rất tốt vai này. Edge of Darkness có "bộ sậu" gần như lặp lại của The Departed từ nhà sản xuất, biên kịch, nhạc sĩ đến ... Ray Winstone, bộ đôi Gibson và Winstone đóng khá ăn ý và "cool" đúng chất phim hành động. Phim có khá nhiều điểm không hợp lý (có lẽ vì việc chuyển thể 6 tập phim truyền hình xuống một phim điện ảnh không phải điều dễ) nhưng cái kết bạo liệt của phim cùng cách miêu tả hết sức cảm động tình cha con của Mel Gibson (cô bé trong phim rất xinh và dễ thương, còn cô gái lớn thì trông ấn tượng vì rất giống Carey Mulligan của An Education) vẫn giúp Edge of Darkness sánh được với Taken của năm trước, hay tóm gọn là một phim xem được cho những người hâm mộ phim hành động (và Mel Gibson).


Một phim zombie-hài xem khá hấp dẫn tuy nhiên có lẽ vẫn chưa sánh được với Shaun of the Dead, Abigail Breslin tiếp tục chứng tỏ rằng em ... khó có khả năng thành công khi "là người lớn" được.


Một bộ phim gần như tương tự The Wrestler của năm ngoái, từ tuyến nhân vật đến cốt truyện, chỉ có phần kết hơi khác. Nhìn tổng thể thì Crazy Heart không hay và giàu cảm xúc bằng The Wrestler vì các nhân vật được xây dựng ít kịch tính hơn và thế giới nhạc đồng quê hẳn cũng không thể so sánh về mức độ bạo liệt với thế giới của dân vật biểu diễn. Ngay cả diễn xuất của Jeff Bridges theo tôi cũng không ấn tượng bằng Mickey Rourke năm ngoái, nhưng trớ trêu là rất có thể năm nay Bridges sẽ giật Oscar và chiến thắng Colin Firth trong vai một anh giáo gay - ngược với năm ngoái khi võ sĩ Rourke phải tay trắng trước anh chính trị gia gay Sean Penn.

dimanche 6 juin 2010

Troy (2004)


Không thể tin được đạo diễn của phim này từng cho ra đời một tuyệt tác như Das Boot. Troy là bộ phim có ... nhiều nhân vật đáng ghét nhất mà tôi từng xem, toàn bộ các nhân vật từ tuyến chính cho tới tuyến phụ đều hoặc đáng ghét thực sự, hoặc khiến người xem bực mình vì cách xây dựng nửa vời, 5 phút trước là người xấu - 5 phút sau đã là người tốt của đạo diễn, tính toàn phim có lẽ chỉ có mình Odyssée do Sean Bean đóng là khiến khán giả tương đối dễ chịu bởi nét tinh quái và am hiểu thời cuộc của con người thông minh nhất Hy Lạp này, nhưng ngay đến Odyssée cũng bị biến thành một vị chủ tướng nhát gan, run sợ trước Hector trong trận đánh úp của quân Troie lên bãi biển của quân Hy Lạp, thật không thể hiểu nổi? Các pha song đấu của phim cũng bị biên đạo quá dở, đặc biệt là pha song đấu "đinh" giữa Hector và Achilles, không có nổi một mảng miếng nào khiến người xem phải thán phục về hai vị anh hùng lừng danh nhất của hai bên này. Đương nhiên nhân vật mờ nhạt thì không thể có một nội dung hay, Troy khiến người xem bất ngờ vì sự ... vô nghĩa của nó, hay đúng hơn là sự bất nhất về nội dung của phim, đạo diễn muốn nói gì qua bộ phim này, sự vô nghĩa của chiến tranh, tình yêu mạnh hơn cái chết, tinh thần mã thượng,...? Chỉ có chính ông may ra mới trả lời được câu hỏi này vì tất cả những nội dung trên đều đoạn đậm, đoạn nhạt với tổng thể là mơ hồ và vì thế trở thành vô vị với người xem. Tóm tắt cuối cùng dành cho Troy có lẽ chỉ là: Một bộ phim dở.

The Hangover (2009), Death at a Funeral (2007), Billy Elliot (2000)


Bốn anh chàng đến Las Vegas để ăn bachelor party trước khi một anh "lên đường" cưới vợ. Sáng hôm sau ba anh tỉnh giấc và phát hiện ra rằng anh chàng thứ tư, "chú rể", đã biến mất, thay vào đó là một ... con hổ trong nhà vệ sinh và một đứa bé trong tủ quần áo. Hoàn toàn không nhớ được bất cứ chi tiết nào của buổi tối hôm trước, ba anh chàng buộc phải tìm manh mối từ ... những thương tích trên người họ để tìm ra bằng được "chú rể" khi mà lễ cưới đã cận kề.

Tiêu đề phim, The Hangover, được dịch lại ở Pháp thành ... một cái tiêu đề tiếng Anh khác - Very Bad Trip (Pháp rất hay có tiết mục dịch tên phim từ tiếng Anh sang ... tiếng Anh, thật khó hiểu, ví dụ The Boat That Rocked được dịch thành Good Morning England). Với phần cốt truyện sáng tạo như ở trên, The Hangover đã đưa người xem từ trận cười này đến trận cười khác trong cuộc "điều tra" của ba nhân vật chính, ưu điểm của phim là những chi tiết hài hước được xây dựng khá bất ngờ và tinh tế chứ không theo trường phái hài nhảm như các phim gần đây của nhóm the Apatow. Một điểm tôi rất thích ở The Hangover đó là tính chặt chẽ của kịch bản, các câu thoại và chi tiết hài tưởng như bâng quơ nhưng thực ra lại có tính gắn kết rất cao, ví dụ đầu phim Phil đưa ra vài câu bình luận châm biếm cái ví "nữ tính" của Alan, tưởng như đó chỉ là một chi tiết chọc cười đơn giản nhưng hóa ra về sau cái ví đó lại trở thành yếu tố rất quan trọng ảnh hưởng đến cuộc điều tra của ba người. Bộ ba diễn viên chính của phim, Bradley Cooper, Ed Helms và Zach Galifianakis, cũng góp phần lớn cho sự thành công của phim nhờ diễn xuất tương phản rất đặc sắc - Cooper "cool guy" đẹp trai và chịu chơi, Helms "the dentist" nghiêm chỉnh nhưng nhát gan còn Galifianakis "the fat boy" thật thà pha chút ngớ ngẩn. The Hangover còn có một diễn viên khác khiến tôi chú ý, đó là Heather Graham, người thủ vai "gái nhảy" Jade, mới ngày nào còn thấy Graham tươi trẻ trượt patin trong Boogies Nights, hơn chục năm sau cô đã già đi rõ, quả thực tuổi đời diễn của các nữ diễn viên Hollywood ngắn hơn nhiều so với các đồng nghiệp nam của họ cũng là có nguyên do cả.

Đạo diễn Todd Phillips đã có một lựa chọn đúng khi phát triển The Hangover theo hướng một phim hài "tinh tuyền" thay vì tham lam lồng ghép triết lý này nọ vào phim, "triết lý" duy nhất của phim có lẽ là quy luật Nhân-quả - chỉ cần có "lòng thành" làm việc tốt là sẽ "cầu được ước thấy". Kịch bản đơn giản nhưng hiệu quả đã giúp The Hangover đã thực sự trở thành một tác phẩm hài vượt trội so với các "bạn đồng niên" của nó ở Hollywood, đã lâu rồi khán giả mới lại được xem một phim hài mà họ có thể cười thoái mái chứ không phải nhăn mặt vì những pha hài thô tục. Tôi chỉ hơi phân vân vì cách Todd Phillips khắc họa tình bạn ba người trong phim, không ấn tượng và cảm động chút nào, nhưng dù sao thì The Hangover vẫn là một phim hài hết sức đáng xem, nhất là với những ai cần kiếm chút cảm giác dễ chịu trong cuộc sống.


Một phim hài thâm thúy (black comedy) đúng kiểu Anh đây ... không buồn cười lắm mặc dù cách xây dựng và xử lý tình huống của phim cũng khá đặc sắc. Phần cuối của phim xây dựng theo tôi là không thuyết phục lắm và còn "sến" quá mức cần thiết của một black comedy đúng nghĩa. Có lẽ tôi không có duyên với Frank Oz, The Score của Oz tôi cũng không thấy hay. Dù sao nếu chỉ có nhu cầu tìm một phim hài hước không nhảm thì Death at a Funeral cũng hoàn toàn đáp ứng được. (không hiểu sao tôi cứ nhầm cái tiêu đề phim này thành After the Funeral của Agatha Christie)


Một đạo diễn tôi "không có duyên" nữa - Stephen Daldry, ngay cả Billy Elliot - phim được đánh giá cao nhất của Daldry tôi cũng không thấy hấp dẫn lắm ngoại trừ diễn xuất tuyệt vời của Julie Walters (Molly Weasley của Harry Potter) và cô bé Nicola Blackwell (trong vai Debbie, con gái của Mrs. Georgia). Thực ra phim có rất nhiều khoảnh khắc xúc động và hài hước nhưng cách dựng hơi mang tính musical (phim ca nhạc) của Billy Elliot khiến tôi cứ cảm thấy chút gì đó "sạn sạn" khi xem phim (tôi vốn ghét musical). Một điểm tôi thích ở Billy Elliot là cách Daldry lồng "cuộc phiêu lưu" của cậu bé Billy với môn ballet một cách rất tài tình trong khung cảnh căng thẳng, bùng nổ của vùng mỏ nơi thợ mỏ và cảnh sát Anh lúc nào cũng hằm hè và chỉ trực lao vào tấn công đối thủ, một khung cảnh như vậy lại trở thành cái nền hết sức tự nhiên cho âm nhạc và những điệu nhảy tài tình của Billy là điều không phải đạo diễn nào cũng làm được. Có lẽ phim này sẽ hợp hơn với các bạn/chị/em gái.

mardi 1 juin 2010

Fehér tenyér (2006)


Fehér tenyér (Bàn tay trắng - chỉ bàn tay của những vận động viên thể dục dụng cụ luôn phủ đầy bụi phấn trắng) là bộ phim đại diện cho Hungary ở Oscar 2006, phim không lọt được đến vòng 5 phim ứng cử, và có lọt vào thì có lẽ cũng sẽ thua Das Leben der Anderen của Đức (một phim hay và quan trọng là "hợp gu" với Hollywood).

Dongo (Zoltán Miklós Hajdu) là một thần đồng thể dục dụng cụ - môn thể thao là niềm tự hào hiếm hoi của đất nước Hungary đang oằn mình trong khó khăn kinh tế và xã hội vào đầu những năm 1980. Tất nhiên chỉ tài năng thôi là không đủ, Dongo được, đúng hơn là "phải", tôi luyện trong trường năng khiếu thể thao ở Debrecen, nơi cậu và các bạn phải luyện tập hết sức vất vả theo giáo án và chiếc roi của ông thầy nghiêm khắc. 20 năm sau người ta gặp lại Dongo, nay đã là một vận động viên giải nghệ, ở thành phố nhỏ và lạnh lẽo Calgary của Canada. Tại đây Dongo bắt đầu một sự nghiệp mới, nghiệp huấn luyện viên thể dục dụng cụ, với việc huấn luyện Kyle Manjak (Kyle Shewfelt - vận động viên mang về cho Canada huy chương vàng thể dục nghệ thuật đầu tiên trong lịch sử tham gia Olympic vào năm 2004), cũng là một thần đồng thể dục dụng cụ của Canada nhưng đồng thời là cậu thanh niên hết sức ngỗ ngược mà không huấn luyện viên nào "trị" nổi. Điều gì đã khiến Dongo phải từ bỏ quê hương Hungary để sang mảnh đất Canada xa xôi và lạnh lẽo, và liệu anh có thể truyền tình yêu và ý chí khổ luyện trong môn thể dục dụng cụ cho người học trò ngang ngược của mình? Bằng cách lồng xen kẽ hai câu chuyện về Dongo "của những năm 1980" và Dongo "của những năm 2000", bộ phim dần phác họa nên hình ảnh của một Dongo tài năng, yêu thích thực sự môn thể thao mình theo đuổi, nhưng đồng thời cũng canh cánh tâm trạng bức bối như con chim bồ câu không thể tìm thấy trời xanh khi mà cuộc sống của cậu luôn chịu sự kìm kẹp của bố mẹ, của thầy giáo, những người chỉ quan tâm tới huy chương, tới bằng khen và không hề để ý tới việc bản thân Dongo cũng cần phải có một tuổi thơ của riêng mình.

Thể thao luôn mà một mảnh đất màu mỡ cho những phim bi như Fehér tenyér, tuy nhiên theo tôi thì bộ phim này đã chưa khai thác được hết thế mạnh của một môn thể thao vừa mang tính nghệ thuật rất cao lại vừa đòi hỏi thể lực và nghị lực phi thường như thể dục dụng cụ/thể dục nghệ thuật. Tuy đã cố miêu tả một "Hungary xã hội chủ nghĩa" khốn khổ với những con người khắc nghiệt theo kiểu cộng sản nhưng chất bi kịch của phim cũng chẳng vì thế mà cao hơn, trái lại cốt truyện của Fehér tenyér chẳng có lấy một điểm nhấn nào đã khiến phim trở thành một tác phẩm tiểu sử mang tính "kể lể" bằng hình ảnh nhiều hơn là xây dựng nên cuộc sống, suy nghĩ của Dongo thông qua những biến cố trong đời anh. Vì thế sau 90 phút khán giả vẫn cảm thấy hụt hẫng với phần kết dang dở của phim và chẳng hiểu rút cục bộ phim thực sự muốn nói tới điều gì. Bên cạnh kịch bản không vững tay thì phần hình ảnh của Fehér tenyér cũng không khiến tôi hài lòng, ngoại trừ một số góc quay hẹp mang tính biểu tượng cao (đặc biệt là trường đoạn cậu bé Dongo leo lên mái nhà để rồi trở thành một con người khác) thì có thể nói phim được quay không "đẹp", gam màu xám với những không gian hẹp chiếm ưu thế chủ đạo khiến bộ phim càng có vẻ gì đó bí bách, mệt mỏi (tuy có thể đó là ý đồ của đạo diễn). Fehér tenyér làm tôi nghĩ tới một Frozen River, một phim có kinh phí cực thấp của Mỹ cũng có phần hình ảnh mờ xỉn nhưng cả bộ phim vẫn "sáng" nhờ nội dung giàu kịch tính và nhân văn (là những thứ mà Fehér tenyér không có). Ngay cả hình ảnh những đoạn biểu diễn, thi đấu thể dục dụng cụ cũng không được khai thác một cách triệt để khi mà các góc quay quá "thực" theo kiểu phim tài liệu, biên tập yếu (gần như không có quay chậm và cắt cảnh ở nhiều góc quay khác nhau) và nhạc thiếu "ép phê" khiến khán giả chỉ cảm nhận được phần cơ bắp, độ vất vả của môn thể thao này mà không thấy được nét đẹp và cái nền nghệ thuật của thể dục dụng cụ.

Bộ phim này tôi đi xem nhân dịp Tuần lễ phim châu Âu tại Hà Nội, xin hai vé mà cuối cùng không rủ được ai đành phải đi một mình với tâm trạng ... tiếc cái vé thừa. Thật "may" là xem xong phim thì thấy nhẹ nhõm hơn hẳn vì phim dở thế này mà bắt thêm một người khác nữa "chịu đựng" cùng thì thật quá tội. Hai sao.