Bốn anh chàng đến Las Vegas để ăn bachelor party trước khi một anh "lên đường" cưới vợ. Sáng hôm sau ba anh tỉnh giấc và phát hiện ra rằng anh chàng thứ tư, "chú rể", đã biến mất, thay vào đó là một ... con hổ trong nhà vệ sinh và một đứa bé trong tủ quần áo. Hoàn toàn không nhớ được bất cứ chi tiết nào của buổi tối hôm trước, ba anh chàng buộc phải tìm manh mối từ ... những thương tích trên người họ để tìm ra bằng được "chú rể" khi mà lễ cưới đã cận kề.
Tiêu đề phim, The Hangover, được dịch lại ở Pháp thành ... một cái tiêu đề tiếng Anh khác - Very Bad Trip (Pháp rất hay có tiết mục dịch tên phim từ tiếng Anh sang ... tiếng Anh, thật khó hiểu, ví dụ The Boat That Rocked được dịch thành Good Morning England). Với phần cốt truyện sáng tạo như ở trên, The Hangover đã đưa người xem từ trận cười này đến trận cười khác trong cuộc "điều tra" của ba nhân vật chính, ưu điểm của phim là những chi tiết hài hước được xây dựng khá bất ngờ và tinh tế chứ không theo trường phái hài nhảm như các phim gần đây của nhóm the Apatow. Một điểm tôi rất thích ở The Hangover đó là tính chặt chẽ của kịch bản, các câu thoại và chi tiết hài tưởng như bâng quơ nhưng thực ra lại có tính gắn kết rất cao, ví dụ đầu phim Phil đưa ra vài câu bình luận châm biếm cái ví "nữ tính" của Alan, tưởng như đó chỉ là một chi tiết chọc cười đơn giản nhưng hóa ra về sau cái ví đó lại trở thành yếu tố rất quan trọng ảnh hưởng đến cuộc điều tra của ba người. Bộ ba diễn viên chính của phim, Bradley Cooper, Ed Helms và Zach Galifianakis, cũng góp phần lớn cho sự thành công của phim nhờ diễn xuất tương phản rất đặc sắc - Cooper "cool guy" đẹp trai và chịu chơi, Helms "the dentist" nghiêm chỉnh nhưng nhát gan còn Galifianakis "the fat boy" thật thà pha chút ngớ ngẩn. The Hangover còn có một diễn viên khác khiến tôi chú ý, đó là Heather Graham, người thủ vai "gái nhảy" Jade, mới ngày nào còn thấy Graham tươi trẻ trượt patin trong Boogies Nights, hơn chục năm sau cô đã già đi rõ, quả thực tuổi đời diễn của các nữ diễn viên Hollywood ngắn hơn nhiều so với các đồng nghiệp nam của họ cũng là có nguyên do cả.
Đạo diễn Todd Phillips đã có một lựa chọn đúng khi phát triển The Hangover theo hướng một phim hài "tinh tuyền" thay vì tham lam lồng ghép triết lý này nọ vào phim, "triết lý" duy nhất của phim có lẽ là quy luật Nhân-quả - chỉ cần có "lòng thành" làm việc tốt là sẽ "cầu được ước thấy". Kịch bản đơn giản nhưng hiệu quả đã giúp The Hangover đã thực sự trở thành một tác phẩm hài vượt trội so với các "bạn đồng niên" của nó ở Hollywood, đã lâu rồi khán giả mới lại được xem một phim hài mà họ có thể cười thoái mái chứ không phải nhăn mặt vì những pha hài thô tục. Tôi chỉ hơi phân vân vì cách Todd Phillips khắc họa tình bạn ba người trong phim, không ấn tượng và cảm động chút nào, nhưng dù sao thì The Hangover vẫn là một phim hài hết sức đáng xem, nhất là với những ai cần kiếm chút cảm giác dễ chịu trong cuộc sống.
Một phim hài thâm thúy (black comedy) đúng kiểu Anh đây ... không buồn cười lắm mặc dù cách xây dựng và xử lý tình huống của phim cũng khá đặc sắc. Phần cuối của phim xây dựng theo tôi là không thuyết phục lắm và còn "sến" quá mức cần thiết của một black comedy đúng nghĩa. Có lẽ tôi không có duyên với Frank Oz, The Score của Oz tôi cũng không thấy hay. Dù sao nếu chỉ có nhu cầu tìm một phim hài hước không nhảm thì Death at a Funeral cũng hoàn toàn đáp ứng được. (không hiểu sao tôi cứ nhầm cái tiêu đề phim này thành After the Funeral của Agatha Christie)
Một đạo diễn tôi "không có duyên" nữa - Stephen Daldry, ngay cả Billy Elliot - phim được đánh giá cao nhất của Daldry tôi cũng không thấy hấp dẫn lắm ngoại trừ diễn xuất tuyệt vời của Julie Walters (Molly Weasley của Harry Potter) và cô bé Nicola Blackwell (trong vai Debbie, con gái của Mrs. Georgia). Thực ra phim có rất nhiều khoảnh khắc xúc động và hài hước nhưng cách dựng hơi mang tính musical (phim ca nhạc) của Billy Elliot khiến tôi cứ cảm thấy chút gì đó "sạn sạn" khi xem phim (tôi vốn ghét musical). Một điểm tôi thích ở Billy Elliot là cách Daldry lồng "cuộc phiêu lưu" của cậu bé Billy với môn ballet một cách rất tài tình trong khung cảnh căng thẳng, bùng nổ của vùng mỏ nơi thợ mỏ và cảnh sát Anh lúc nào cũng hằm hè và chỉ trực lao vào tấn công đối thủ, một khung cảnh như vậy lại trở thành cái nền hết sức tự nhiên cho âm nhạc và những điệu nhảy tài tình của Billy là điều không phải đạo diễn nào cũng làm được. Có lẽ phim này sẽ hợp hơn với các bạn/chị/em gái.
Nhất quyết không được xem black comedy remake (nghĩa đen) của Mỹ của phim Death at a funeral nhé :)). Chỉ cần coi trailer cũng thấy nó tệ hại hơn rất nhiều nét duyên dáng của bản original. Frank Oz còn voice-over một nhân vật nổi tiếng của điện ảnh - Master Yoda của loạt Star Wars.
RépondreSupprimerFunny and relax I see in this film. :))
The Hangover thì quá hay rồi. Cách kết hợp 3 người bạn trong phim không hay vì họ thật ra đâu phải là bạn. Họ chỉ là unlikely trip partner. Nhưng cách thể hiện mối quan hệ giữa Cooper và Helms ở đoạn cả 3 ra quyết định then chốt cũng tốt đấy chứ.
Hehe tui đợt viết mấy cái review phim hài này toàn là đang ở giai đoạn depress kinh khủng, nên có khi chả cười được. Công nhận là "relax" là từ đúng nhất để miêu tả cái phim này. Mà thấy Ebert chấm bản remake cũng cao phết đấy chứ, hóa ra phim lại chán à. Dạo này Ebert có vẻ dễ tính hơn hẳn với phim hài, cái Hot Tub Time Machine còn được bác khen. Mà Sirius xem cái Hot Tub đấy chưa, tui xem trailer thì đoán đoán là nó cũng sẽ đi theo hướng The Hangover, không rõ thực hư thế nào.
RépondreSupprimerPhanxine nói tui là Hot tub là Hangover của năm nay. Nhưng chưa xem được, chắc chờ download :D Ebert chấm điểm thì siêu chán.
RépondreSupprimerNăm nay phim phỏng còn chán hơn năm ngoái :(! Hollywood 2 năm qua càng ngày càng đi xuống, thiếu blockbuster hay, thiếu phim indie đột phá, năm nay mà Inception của Nolan cũng dở nốt thì quả không còn gì để xem.
RépondreSupprimerNói chuyện chấm điểm, Ebert vừa chấm The Karate Kid 3/12 kìa, wow.
RépondreSupprimer