some quotes....

I just want to tell you, I'm the one who was supposed to take care of everything. I'm the one who was supposed to make everything okay for everybody. It just didn't work out like that. And I left. I left you... And now, I'm an old broken down piece of meat... and I'm alone. And I deserve to be all alone. I just don't want you to hate me.

-Randy 'The Ram' Robinson, The Wrestler

mardi 1 juin 2010

Fehér tenyér (2006)


Fehér tenyér (Bàn tay trắng - chỉ bàn tay của những vận động viên thể dục dụng cụ luôn phủ đầy bụi phấn trắng) là bộ phim đại diện cho Hungary ở Oscar 2006, phim không lọt được đến vòng 5 phim ứng cử, và có lọt vào thì có lẽ cũng sẽ thua Das Leben der Anderen của Đức (một phim hay và quan trọng là "hợp gu" với Hollywood).

Dongo (Zoltán Miklós Hajdu) là một thần đồng thể dục dụng cụ - môn thể thao là niềm tự hào hiếm hoi của đất nước Hungary đang oằn mình trong khó khăn kinh tế và xã hội vào đầu những năm 1980. Tất nhiên chỉ tài năng thôi là không đủ, Dongo được, đúng hơn là "phải", tôi luyện trong trường năng khiếu thể thao ở Debrecen, nơi cậu và các bạn phải luyện tập hết sức vất vả theo giáo án và chiếc roi của ông thầy nghiêm khắc. 20 năm sau người ta gặp lại Dongo, nay đã là một vận động viên giải nghệ, ở thành phố nhỏ và lạnh lẽo Calgary của Canada. Tại đây Dongo bắt đầu một sự nghiệp mới, nghiệp huấn luyện viên thể dục dụng cụ, với việc huấn luyện Kyle Manjak (Kyle Shewfelt - vận động viên mang về cho Canada huy chương vàng thể dục nghệ thuật đầu tiên trong lịch sử tham gia Olympic vào năm 2004), cũng là một thần đồng thể dục dụng cụ của Canada nhưng đồng thời là cậu thanh niên hết sức ngỗ ngược mà không huấn luyện viên nào "trị" nổi. Điều gì đã khiến Dongo phải từ bỏ quê hương Hungary để sang mảnh đất Canada xa xôi và lạnh lẽo, và liệu anh có thể truyền tình yêu và ý chí khổ luyện trong môn thể dục dụng cụ cho người học trò ngang ngược của mình? Bằng cách lồng xen kẽ hai câu chuyện về Dongo "của những năm 1980" và Dongo "của những năm 2000", bộ phim dần phác họa nên hình ảnh của một Dongo tài năng, yêu thích thực sự môn thể thao mình theo đuổi, nhưng đồng thời cũng canh cánh tâm trạng bức bối như con chim bồ câu không thể tìm thấy trời xanh khi mà cuộc sống của cậu luôn chịu sự kìm kẹp của bố mẹ, của thầy giáo, những người chỉ quan tâm tới huy chương, tới bằng khen và không hề để ý tới việc bản thân Dongo cũng cần phải có một tuổi thơ của riêng mình.

Thể thao luôn mà một mảnh đất màu mỡ cho những phim bi như Fehér tenyér, tuy nhiên theo tôi thì bộ phim này đã chưa khai thác được hết thế mạnh của một môn thể thao vừa mang tính nghệ thuật rất cao lại vừa đòi hỏi thể lực và nghị lực phi thường như thể dục dụng cụ/thể dục nghệ thuật. Tuy đã cố miêu tả một "Hungary xã hội chủ nghĩa" khốn khổ với những con người khắc nghiệt theo kiểu cộng sản nhưng chất bi kịch của phim cũng chẳng vì thế mà cao hơn, trái lại cốt truyện của Fehér tenyér chẳng có lấy một điểm nhấn nào đã khiến phim trở thành một tác phẩm tiểu sử mang tính "kể lể" bằng hình ảnh nhiều hơn là xây dựng nên cuộc sống, suy nghĩ của Dongo thông qua những biến cố trong đời anh. Vì thế sau 90 phút khán giả vẫn cảm thấy hụt hẫng với phần kết dang dở của phim và chẳng hiểu rút cục bộ phim thực sự muốn nói tới điều gì. Bên cạnh kịch bản không vững tay thì phần hình ảnh của Fehér tenyér cũng không khiến tôi hài lòng, ngoại trừ một số góc quay hẹp mang tính biểu tượng cao (đặc biệt là trường đoạn cậu bé Dongo leo lên mái nhà để rồi trở thành một con người khác) thì có thể nói phim được quay không "đẹp", gam màu xám với những không gian hẹp chiếm ưu thế chủ đạo khiến bộ phim càng có vẻ gì đó bí bách, mệt mỏi (tuy có thể đó là ý đồ của đạo diễn). Fehér tenyér làm tôi nghĩ tới một Frozen River, một phim có kinh phí cực thấp của Mỹ cũng có phần hình ảnh mờ xỉn nhưng cả bộ phim vẫn "sáng" nhờ nội dung giàu kịch tính và nhân văn (là những thứ mà Fehér tenyér không có). Ngay cả hình ảnh những đoạn biểu diễn, thi đấu thể dục dụng cụ cũng không được khai thác một cách triệt để khi mà các góc quay quá "thực" theo kiểu phim tài liệu, biên tập yếu (gần như không có quay chậm và cắt cảnh ở nhiều góc quay khác nhau) và nhạc thiếu "ép phê" khiến khán giả chỉ cảm nhận được phần cơ bắp, độ vất vả của môn thể thao này mà không thấy được nét đẹp và cái nền nghệ thuật của thể dục dụng cụ.

Bộ phim này tôi đi xem nhân dịp Tuần lễ phim châu Âu tại Hà Nội, xin hai vé mà cuối cùng không rủ được ai đành phải đi một mình với tâm trạng ... tiếc cái vé thừa. Thật "may" là xem xong phim thì thấy nhẹ nhõm hơn hẳn vì phim dở thế này mà bắt thêm một người khác nữa "chịu đựng" cùng thì thật quá tội. Hai sao.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire