Trong khoảng một thập kỉ trở lại đây, quốc gia Trung Đông
Iran thường được báo chí quốc tế nhắc tới qua những bất ổn và xích mích về mặt
tôn giáo, chính trị với các quốc gia láng giềng và với cường quốc bên kia bờ đại
dương Hoa Kỳ. Nhưng có lẽ không nhiều người biết rằng Iran là một quốc gia rất
trẻ với trên một nửa dân số dưới 35 tuổi, trong đó đa phần là những người có học
thức, yêu khoa học, yêu nghệ thuật, và tất nhiên là yêu thích văn hóa của các
quốc gia trên thế giới, kể cả của quốc gia “thù địch” Hoa Kỳ. Cặp vợ chồng Emad
(Shahab Hosseini) và Rana (Taraneh Alidoosti) là một đại diện tiêu biểu như thế
của xã hội Iran hiện đại. Ban ngày Emad là thầy giáo văn học được học sinh yêu
quý tại một trường phổ thông, nhưng mỗi khi thành phố lên đèn là anh lại cùng
cô vợ xinh đẹp Rana đắm mình trong những vai diễn trên sân khấu kịch nói. Là vợ
chồng ngoài đời, Emad và Rana cũng là vợ chồng trên sàn diễn, hai người thủ vai
Willy Loman và Linda Loman trong vở kịch Death of a Salesman (Cái chết của
người chào hàng) của nhà biên kịch Mỹ Arthur Miller – một trong những vở kịch
đáng nhớ nhất của nền sân khấu Hoa Kỳ thế kỷ 20. Bận bịu đến mức chẳng kịp có
con cái, cuộc sống của Emad và Rana tưởng chừng cứ trôi đi nhẹ nhàng như thế giữa
một đất nước Iran còn khó khăn nhưng luôn giàu sức sống. Nhưng mọi thứ bắt đầu
đảo lộn khi khu chung cư của Emad và Rana bỗng dưng rung chuyển giữa đêm khuya
buộc hai vợ chồng phải tìm nơi khác trú ngụ. Thật may cho hai vợ chồng là người
bạn diễn Babak (Babak Karimi) ngỏ lời cho Emad và Rana đến ở tạm căn hộ gác mái
mới bỏ trống của Babak. Rộng rãi, tràn đầy không khí và ánh sáng, căn hộ của
Babak khiến Emad và Rana hài lòng từ cái nhìn đầu tiên, cho dù họ phải leo
thang bộ lên tầng thượng, vì khu chung cư chẳng có thang máy, trong cái nhìn dè
dặt và có vẻ khe khắt từ những người láng giềng. Rắc rối nhỏ cuối cùng của hai
vợ chồng là việc người đàn bà thuê căn hộ trước họ ngày này qua tháng khác khất
lần việc thu dọn đống đồ đạc của bà ta để Emad và Rana có thể hoàn toàn thoải
mái trong nơi ở mới. Nhưng hai vợ chồng chẳng thể ngờ được rằng chính đống đồ đạc
cũ kỹ, cũng những mối quan hệ phức tạp của người đàn bà rắc rối kia lại chính
là con dao cắt đứt những chuỗi ngày thảnh thơi giàu chất nghệ sĩ của hai người.
The Salesman là
tác phẩm mới nhất của đạo diễn Asghar Farhadi – người đem về cho Iran giải
Oscar cho phim nói tiếng nước ngoài đầu tiên với A Separation (2011). Nếu
như A Separation là cảnh đời của một
gia đình trung lưu Iran dù yêu thương nhau hết mực nhưng vẫn trên bờ vực tan vỡ
vì những khác biệt về suy nghĩ và cách sống, thì The Salesman là cũng là câu
chuyện về một mái nhà hạnh phúc bắt đầu rạn nứt chỉ vì những mâu thuẫn tâm lý
nhỏ nhoi tưởng chừng không đáng kể. Không chỉ trùng lặp với vở kịch nổi tiếng của
Arthur Miller về cái tên, diễn tiến truyện phim của The Salesman cũng được phản
ánh qua chính những trích đoạn của vở “kịch trong phim” Death of a Salesman
qua sự thể hiện không ai khác ngoài vợ chồng Emad-Rana và bạn diễn của hai người.
Nếu như “Death of a Salesman” động chạm tới những suy nghĩ của con người Mỹ hiện
đại – những người phải sống, và tồn tại trong áp lực và ảo ảnh của “giấc mơ Mỹ”,
thì The Salesman lại là một tác phẩm xoáy sâu vào những nghịch lý trớ trêu của
xã hội Iran đương đại – một xã hội vừa khuyến khích tình yêu nghệ thuật, tình
yêu tự do, nhưng cũng lại chứa đựng vô số những định kiến về tôn giáo, về truyền
thống có tác động mạnh mẽ tới tâm lý và số phận của mỗi người dân sống trên đất
nước Trung Đông này, bất kể xuất thân và hoàn cảnh sống khác nhau của họ. Điều
đáng ngạc nhiên là tuy lấy bối cảnh của hai đất nước hết sức khác nhau về mặt
con người, lịch sử, văn hóa, thậm chí còn là hai đất nước được coi là “thù địch”
của nhau suốt từ thập niên 1970 đến nay, nhưng The Salesman và Death of a
Salesman lại có nhiều điểm tương đồng tới kỳ lạ. Đó là sự giống nhau về lòng tốt
giữa người với người, về tình thương yêu vợ chồng vốn là nền tảng của gia đình
trong bất cứ xã hội nào. Nhưng đó cũng là sự hiện diện của truyền thống gia trưởng
ở cả hai xã hội, của sự hà khắc, và những lời nói dối của các ông chồng chỉ để
thỏa mãn mầm mống của sự sĩ diện và lòng ích kỷ bên trong họ. Thành công này của
đạo diễn Asghar Farhadi trong
việc truyền tải mượt mà, trung thực, và sâu sắc những thông điệp và ý nghĩa từ
một vở kịch kinh điển của sân khấu Mỹ vào bối cảnh hết sức đặc trưng của xã hội
Iran hiện đại có lẽ sẽ làm nhiều người yêu điện ảnh nhớ tới những bộ phim kinh
điển của đạo diễn người Nhật Akira Kurosawa về lịch sử nước Nhật nhưng lại sử dụng
cốt truyện là các tác phẩm của kịch tác gia người Anh Shakespeare.
Lấy cảm hứng từ Death of a Salesman và chứa đựng nhiều yếu
tố tương tự với vở kịch Mỹ, nhưng The Salesman của Asghar Farhadi còn đem lại cho người xem những
góc nhìn rất khác biệt và đặc trưng của đất nước Iran hiện đại. Tương tự như A
Separation, ở The Salesman khán giả còn có thể cảm nhận được dòng mâu thuẫn
âm ỉ chảy ngầm trong lòng xã hội Iran giữa người giàu và người nghèo, giữa tầng
lớp trí thức như vợ chồng Emad-Rana và những người dân lao động, và giữa những
con người cũ kỹ hết mực sùng đạo và giới trẻ tự do không muốn bị ràng buộc bởi
những định kiến đạo Hồi. Nếu như cách xử lý tình huống ở A Separation dù rất
quyết liệt nhưng phần nào đó vẫn còn đậm dư vị nhân văn của tình cảm giữa người
và người, thì nhịp phim dồn dập với kịch tính được đẩy lên đến đỉnh điểm ở The
Salesman khiến bộ phim vừa có cảm giác như một chuyến tàu lượn siêu tốc đến
nghẹt thở về tâm trạng của các nhân vật, vừa là thông điệp mạnh mẽ của Farhadi về sự khủng hoảng niềm tin
và sức tàn phá khủng khiếp của định kiến xã hội đối với mỗi con người Iran hiện
đại. Ở đây, một lần nữa tài năng của Asghar Farhadi cần được ghi nhận khi hầu hết những chi tiết và nội
dung bạo liệt nhất của phim đều được ẩn sau những cảnh quay dang dở hay những
đoạn đối thoại bỏ ngỏ, qua đó người xem có thể tự xâu chuỗi những ẩn ý của bộ
phim mà không hề có cảm giác họ bị áp đặt phải xem, phải hiểu thông điệp của đạo
diễn.
Góp công lớn vào sức truyền tải mạnh mẽ của The Salesman tất
nhiên phải kể tới tài năng của dàn diễn viên trong phim. Không chỉ có bộ đôi thủ
vai vợ chồng Emad-Rana là Shahab Hosseini và Taraneh Alidoosti, những diễn viên
đã có tiếng tăm ở tầm quốc tế (Shahab Hosseini từng có vai diễn hết sức ấn tượng
trong A Separation), mà các diễn viên phụ như Babak Karimi hay Farid Sajjadi
Hosseini đều thể hiện một cách xuất sắc các vai diễn có bề ngoài tưởng chừng
bình thường không có gì đáng chú ý nhưng lại có diễn biến nội tâm hết sức phức
tạp với đủ mọi cung bậc cảm xúc. Gây ấn tượng nhất trong số các diễn viên của
phim có lẽ không ai khác ngoài Taraneh Alidoosti, người vừa khiến các phim có sự
xuất hiện của cô sáng bừng với vẻ đẹp mong manh hiếm có, nhưng cũng lại chính
là người kéo tâm trạng của khán giả trùng xuống bằng ánh mắt sâu thẳm đượm buồn.
Được đánh giá là một trong những nữ diễn viên tài năng nhất của Iran, Taraneh
Alidoosti đã không phụ sự tin tưởng của đạo diễn Asghar Farhadi khi vai diễn lặng lẽ, không
nhiều thoại của cô thực ra lại nói được lên rất nhiều, từ tình yêu, niềm tin tới
sự tuyệt vọng, từ niềm vui cho tới thương tổn tận cùng về mặt thể xác và tinh
thần, trong năm 2016 có lẽ hiếm có nhân vật nào gây được ấn tượng sâu sắc như vai
Rana qua tài thể hiện của Taraneh Alidoosti.
Trong vài tháng trở lại đây The Salesman đột
nhiên gây được sự chú ý từ báo giới, không chỉ vì đây là một bộ phim của Iran –
đất nước từng bị tổng thống Mỹ xếp vào “Trục ma quỷ” cách đây không lâu, mà còn
vì việc đội ngũ làm phim, bao gồm cả đạo diễn Asghar Farhadi và
nữ diễn viên Taraneh Alidoosti quyết định không tới Hollywood dự lễ trao giải
Oscar (trong đó The Salesman được đề cử ở hạng mục Phim nói tiếng nước ngoài
xuất sắc nhất) để phản đối lệnh cấm người nhập cư từ 7 quốc gia Hồi giáo, bao gồm
cả Iran, của tổng thống Mỹ Donald Trump. Việc The Salesman vượt qua ứng cử
viên hàng đầu của hạng mục này là bộ phim Đức Toni Erdmann để giành tượng
vàng Oscar lại càng khiến nhiều người cho rằng tác phẩm này đã phần nào được Viện
Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh Hoa Kỳ ưu ái vì bối cảnh chính trị xoay
quanh bộ phim. Những người đưa ra nhận xét như vậy hoàn toàn có cơ sở bởi tiếng
nói chủ đạo ở Hollywood là tiếng nói thiên tả ủng hộ dân chủ, và hiện rất nhiều
thành viên của Viện Hàn lâm cũng đang tham gia nhiệt tình vào việc chỉ trích những
chính sách gây tranh cãi của Donald Trump, bao gồm cả chính sách cấm người nhập
cư. Tuy nhiên, việc chỉ dựa vào bối cảnh chính trị để đánh giá chất lượng của The Salesman là một đánh giá hết sức sai lầm. Bởi The Salesman hoàn toàn
không phải một bộ phim về đề tài chính trị, hay được làm ra bởi những toan tính
chính trị. Bộ phim động chạm tới những suy nghĩ, tâm tư, và xung đột hiện diện ở
bất cứ xã hội, bất cứ nền văn hóa nào một khi chủ nghĩa gia trưởng, sự mất lòng
tin vào các thể chế xã hội vẫn còn hoành hành. Hơn thế nữa, The Salesman còn
là thông điệp hết sức ý nhị về sợi dây liên hệ vô hình về mặt văn hóa giữa hai
quốc gia “thù địch”, khi mà những diễn viên Iran trong khuôn khổ đạo đức của Hồi
giáo vẫn thỏa sức nhập tâm vào những nhân vật Mỹ được dựng nên từ ngòi bút của
một tác giả Mỹ gốc Do Thái, khi mà hai vợ chồng trẻ Emad và Rana cũng thích mỳ ống,
thích pizza chẳng khác bất cứ gia đình người Mỹ nào, và khi mà một cậu bé đáng
yêu người Iran thốt lên rằng nhân vật hoạt hình cậu yêu thích nhất chính là SpongeBob
SquarePants – một sản phẩm “Made in America”. Suy nghĩ bảo thủ, chịu ảnh hưởng
của định kiến xã hội, đã khiến Emad và Rana ngày một xa nhau. Những toan tính
ích kỷ của các chính trị gia – những người chẳng quan tâm gì hơn ngoài những lá
phiếu của cử tri, đã biến hai đất nước gần gũi về mặt suy nghĩ trở thành hai quốc
gia thù địch. Là một tác phẩm vừa khắc họa được những số phận riêng, lại vừa đề
cập tới được những câu hỏi mang tính phổ quát như vậy, The Salesman hoàn toàn
xứng đáng với những danh hiệu mà bộ phim đã giành được.
=====
Bài đã biên tập trên Zing.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire