Như rất nhiều đứa trẻ sinh ra
ở vùng nông thôn rộng lớn và nghèo khó của Ấn Độ những năm 1980, cậu bé Saroo
(Sunny Pawar) chưa bao giờ được hưởng cảm giác no đủ khi mẹ cậu phải một mình
gánh vác ba đứa con nheo nhóc bằng nghề khuân vác trong các mỏ đá ở ngoại vi
thành phố miền Trung Khandwa. Cùng cậu anh Guddu (Abhishek Bharate), Saroo phải
rong ruổi theo những cung đường sắt dài vô tận để ăn trộm than từ những chuyến
tàu hàng nhằm đổi lấy chút sữa đỡ đần người mẹ gầy guộc. Cuộc sống vất vả là thế,
nhưng Saroo chưa bao giờ thấy buồn, bởi cậu có tình thương yêu của mẹ, của anh
trai, cậu có cả thiên nhiên rộng lớn và đa dạng của Ấn Độ là bè bạn, và thứ duy
nhất cậu thèm muốn mà chẳng thể có được chỉ là những chiếc bánh rán jalebi vàng
óng ở chợ.
Sống bám vào những chuyến
tàu, cuộc đời của cậu bé 5 tuổi Saroo cũng thay đổi hoàn toàn vì một chuyến
tàu. Chờ anh trai đi kiếm ăn trên sân ga khuya, Saroo ngủ quên trên một toa tàu
vắng mà không biết rằng con tàu không người đó sẽ đưa cậu vượt qua cả chiều
ngang của tiểu lục địa Ấn Độ với điểm đến cuối cùng là thành phố biển miền Đông
Calcutta. Bỗng dưng bị số phận đưa đẩy tới một thành phố xa lạ, nơi người dân
thậm chí còn chẳng sử dụng thứ ngôn ngữ nơi quê nhà, Saroo buộc phải một mình đối
mặt với muôn vàn khó khăn, từ những cơn đói triền miên, đến nỗi nhớ mẹ, nhớ anh
trai da diết, và thậm chí là cả hiểm họa thường trực từ những kẻ mặt người dạ
thú muốn lạm dụng các đứa trẻ ngây thơ như cậu. Tất nhiên giữa đô thành đông
đúc Calcutta vẫn có những tấm lòng nhân hậu muốn giúp Saroo tìm về với gia
đình, nhưng tất cả những gì cậu có thể mô tả cho họ là tên người anh trai –
Guddu và tên ngôi làng nghèo của cậu bé – “Ginestlay” – một cái tên chẳng thể
tìm thấy ở bất cứ nơi đâu trên bản đồ Ấn Độ.
Vận may cuối cùng đến với Saroo
khi cậu cùng một đứa bé lang thang khác là Mantosh (Keshav Jadhav) được cặp vợ
chồng người Úc Sue (Nicole Kidman) và John Brierley (David Wenham) nhận nuôi. Từ
Calcutta tới hòn đảo xa xôi Tasmania, Saroo Brierley (Dev Patel) lớn lên trong
tình thương yêu hết mực của Sue và John với ký ức tuổi thơ dần phai nhòa tới mức
cậu chẳng còn thể nói được thứ tiếng mẹ đẻ Hindi. Nhưng nỗi nhớ mẹ, nhớ anh
trai Guddu thì vẫn còn nguyên vẹn trong trái tim Saroo. Với sự động viên của cô
bạn gái Lucy (Rooney Mara) và sức mạnh công nghệ của phần mềm bản đồ Google
Earth, Saroo quyết tâm lần theo những mảnh vụn còn lại của cung đường định mệnh
năm xưa với hy vọng sẽ tìm thấy mẹ, tìm thấy anh trai, tìm thấy quê hương một lần
nữa.
Lion là bộ phim điện ảnh đầu
tay của đạo diễn người Úc Garth Davis dựa trên sự kiện có thật về chặng đường
gian nan tìm lại gia đình sau 20 năm của Saroo Brierley. Từng gây xôn xao dư luận
ở cả Úc và Ấn Độ năm 2011, hành trình trở về của Saroo vừa là câu truyện cảm động
về tình cảm gia đình, vừa là một bài học đậm chất nhân văn về sự sẻ chia, về
tình yêu thương vượt qua ranh giới về địa lý, về sắc tộc. Dưới ngòi bút của nhà
biên kịch người Úc có tiếng Luke Davies, kịch bản của Lion, đặc biệt là ở nửa
đầu tác phẩm, đã thành công trong việc tái hiện lại những cảm xúc và giá trị
tình người này, khi sự lạc quan một cách ngây thơ và tình yêu vô hạn dành cho mẹ,
cho anh trai, cho thiên nhiên cuộc sống của Saroo luôn đóng vai trò chủ đạo vượt
lên trên những hiểm nguy rình rập của một xã hội Ấn Độ còn nhiều khốn khó. Cũng
ở nửa đầu của Lion, nhịp phim nhanh, dồn dập theo từng bước chạy của Saroo
cùng bối cảnh đa dạng, nhiều màu sắc của đất nước Ấn Độ chắc chắn sẽ khiến nhiều
khán giả nhớ tới tác phẩm từng giành giải Oscar cho phim xuất sắc nhất Slumdog
Millionaire (2008) của đạo diễn Danny Boyle – tác phẩm đã giới thiệu chính
ngôi sao của Lion là Dev Patel với người xem toàn thế giới. Cũng dành được
nhiều lời ngợi khen từ khán giả và giới phê bình, cũng như được đề cử ở hạng mục
phim xuất sắc nhất tại giải Oscar năm nay, nhưng có lẽ Lion khó lòng lập lại
được kỳ tích 10 năm trước của tác phẩm cùng đề tài Slumdog, bởi nửa sau của bộ
phim có nhịp độ khá chậm với bối cảnh và truyện phim bị giới hạn trong khuôn khổ
gia đình nhà Brierley vốn hoàn toàn tương phản với sự bao la rộng lớn của đất
nước Ấn Độ ở nửa đầu phim. Vẫn biết rằng những dằn vặt tâm lý vì quá khứ tổn
thương như của Saroo là một chất liệu quen thuộc của các tác phẩm điện ảnh,
nhưng sự trầm lắng và thiếu kịch tính của nửa sau Lion đã phần nào làm ảnh hưởng
tới mạch cảm xúc của khán giả được gây dựng từ đầu phim. Việc bộ phim quá tập
trung vào việc mô tả diễn biến tâm trạng của Saroo cũng khiến các nhân vật có số
phận rất đáng chú ý khác như mẹ đẻ và cha mẹ nuôi của anh không được chú trọng
đúng mức dù tình thương yêu vô bờ bến của họ dành cho con trai có vai trò hết sức
quan trọng trong cuộc đời của Saroo.
Truyện phim không thực sự trọn
vẹn của Lion cũng phần nào đó làm ảnh hưởng tới chất lượng diễn xuất của dàn
diễn viên trong phim bởi ngoại trừ vai Saroo của Dev Patel và diễn viên nhí
Sunny Pawar, dàn diễn viên phụ của phim với những tên tuổi đáng chú ý như
Nicole Kidman hay Rooney Mara không có nhiều đất để thể hiện khả năng của họ. Ngay
đối với Dev Patel, dù sự xuất sắc của anh trong Lion đã được tưởng thưởng bằng
đề cử Oscar đầu tiên trong sự nghiệp, thì trạng thái trầm cảm xuyên suốt nửa cuối
bộ phim của Saroo cũng giới hạn ít nhiều các cung bậc cảm xúc của nhân vật mà
anh hoàn toàn có khả năng thể hiện. Tương tự như Dev Patel, nhà quay phim Greig
Fraser dù hết sức thành công với các bối cảnh rộng lớn, nhiều màu sắc và ánh
sáng về thiên nhiên và con người Ấn Độ ở nửa đầu của Lion cũng bị hạn chế phần
nào ở nửa sau khi các bối cảnh của phim phần lớn diễn ra trong căn hộ chật hẹp
của gia đình nhà Brierley. Vẫn biết rằng sự tương phản về mặt hình ảnh này là rất
cần thiết để phản chiếu trạng thái cảm xúc của nhân vật, nhưng nó cũng tước đi
của Lion cơ hội mô tả vẻ đẹp của mảnh đất và đặc biệt là con người Ấn Độ. Bởi
vậy mà bộ phim trở nên yếu thế nếu so sánh với Slumdog Millionaire.
Chứng kiến cuộc hành trình đáng kinh ngạc của
Saroo vượt qua khoảng cách về không gian, về thời gian, về định kiến để tìm thấy,
và tìm lại tình cảm đích thực đối với những người thân thiết, hẳn nhiều khán giả
sẽ nhận ra rằng chẳng có biên giới địa lý nào có thể ngăn cản con người đến với
nhau một khi họ đã dành cho nhau sự yêu thương, trân trọng. Bởi thế mà tuy vẫn
còn những khiếm khuyết, nhưng chỉ với thông điệp giản dị mà nhân văn này thôi, Lion cũng đã rất xứng đáng được coi là một trong những bộ phim về gia đình
đáng nhớ nhất của năm 2016.
====
Bản đã được biên tập trên Zing.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire