some quotes....

I just want to tell you, I'm the one who was supposed to take care of everything. I'm the one who was supposed to make everything okay for everybody. It just didn't work out like that. And I left. I left you... And now, I'm an old broken down piece of meat... and I'm alone. And I deserve to be all alone. I just don't want you to hate me.

-Randy 'The Ram' Robinson, The Wrestler

dimanche 26 février 2017

Toni Erdmann (2016)


Ở vào cái tuổi xế chiều, thay vì quây quần bên con cháu, ông giáo dạy nhạc Winfried Conradi (Peter Simonischek) sống cô đơn trong căn nhà bừa bộn bên chú chó già Willi và trái tim bệnh tật. Ly dị vợ, con gái luôn bận bịu công việc ở nước ngoài, không còn nhiều học trò đến học đàn, ông lão Winfried chỉ còn niềm vui duy nhất là lắp bộ hàm vẩu ông luôn thủ sẵn trong túi để chọc cười mọi người bằng những câu nói đùa chẳng ai hưởng ứng. Một sáng thức giấc giữa khu vườn cạnh nhà, Winfried phát hiện ra chú chó Willi ông hết mực yêu quý đã qua đời. Bên mình chẳng còn ai, Winfried quyết định xách vali từ Đức sang Rumani thăm cô con gái Ines (Sandra Hüller) đang làm tư vấn tại Bucharest. Chuyến thăm đường đột của ông bố đã đặt Ines vào tình huống khó xử khi cô đang phải đau đầu giải quyết yêu cầu của vị khách hàng khó tính Henneberg (Michael Wittenborn) trong việc tái cơ cấu và sa thải công nhân người Rumani khỏi các dự án khai thác dầu mỏ ở quốc gia kém phát triển bậc nhất châu Âu này. Về phần mình, Winfriend không chỉ khám phá ra một đất nước Rumani của sự phân cách đến cùng cực giữa người giàu và người nghèo, ông còn chợt nhận ra rằng cuộc sống của cô con gái yêu Ines thực ra chẳng hạnh phúc hơn cuộc đời cô đơn của ông là bao khi cô phải sống giữa một thành phố xa lạ trong áp lực thường trực của công việc và sự thờ ơ của những người “bạn” vốn chỉ có thể chia sẻ với Ines những câu chuyện phiếm bên bàn rượu. Quyết tâm thay đổi cuộc sống ảm đạm của con gái, Winfried lắp bộ hàm vẩu quen thuộc và mái tóc giả bù xù để biến mình thành “chuyên gia khai vấn cách sống” Toni Erdmann – người luôn theo bám Ines mọi nơi, mọi lúc với những trò đùa vô duyên đúng chất Winfried. Nhưng càng cố gắng bao nhiêu thì Winfried/Toni Erdmann càng chỉ làm lnes thêm căng thẳng và tức giận vì sự vụng về của ông bố và khoảng cách quá lớn về tuổi tác, suy nghĩ, và cách sống giữa hai bố con. Thứ duy nhất còn giữ hai người lại gần nhau là tình cảm bố con và những mảnh vụn ký ức về gia đình nhà Conradi, nhưng liệu thế có là đủ để Winfried níu kéo lại người thân duy nhất trong cuộc đời ông và để Ines thoát khỏi vực thẳm của công việc và cuộc sống đoạ đầy ở Bucharest?

Toni Erdmann của nữ đạo diễn người Đức Maren Ade là một trong những tác phẩm điện ảnh được đánh giá cao nhất của điện ảnh châu Âu năm 2016, và ngắn gọn mà nói thì bộ phim hoàn toàn xứng đáng với vô số giải thưởng và đề cử trong mùa giải thưởng điện ảnh 2016-2017. Được lấy cảm hứng từ chính người bố của đạo diễn Ade, bộ phim bi-hài kịch của Đức này thực sự là đại diện cho xã hội hiện đại châu Âu nói chung, trong thời điểm vị trí của gia đình cũng như các giá trị truyền thống như tình bạn, tình yêu đang dần phai nhoà trước sức ép của công việc, tham vọng thăng tiến, và những nhu cầu vật chất của cuộc sống gấp gáp thế kỷ 21. Bối cảnh chính của Toni Erdmann – thủ đô Bucharest của Rumani là nơi khán giả có thể chứng kiến rõ ràng sự đối đầu giữa cái cũ và cái mới ấy, bởi ở đó các toà nhà chung cư sang trọng tồn tại song song cùng những khu ổ chuột nhếch nhác bẩn thỉu, bởi ở đó người ngoại quốc giàu có như Ines hoàn toàn có thể sống một cách thoải mái sung túc bên cạnh những người Rumani nhân hậu nhưng nghèo khó và luôn phải đối mặt với nguy cơ mất việc. Điểm khác biệt của kịch bản Toni Erdmann là việc Maren Ade không hề tận dụng bối cảnh giàu kịch tính này của bộ phim để đẩy nhanh nhịp phim bằng những bi kịch hay số phận khác biệt, trái lại xuyên suốt bộ phim, Ade lại lựa chọn cho tác phẩm của mình nhịp phim tương đối chậm rãi để các nhân vật của bà có cơ hội bộc lộ dần dần những góc khuất bên trong con người họ. Bởi thế mà khi xem đến hết phim, chắc chắn người xem sẽ có một cái nhìn khác hẳn về từng nhân vật trong phim, từ cha con nhà Conradi cho tới những nhân vật phụ tưởng chừng chẳng có nhiều tiếng nói như cô trợ lý người địa phương Anca (Ingrid Bisu) của Ines. Tuy có nhịp phim chậm và thời lượng khá dài tới 162 phút, nhưng Toni Erdmann vẫn hết sức cuốn hút nhờ sự cân bằng giữa bi kịch và xung đột của các nhân vật với những chi tiết hài hước đến từ Winfried/Toni Erdmann và sự tương tác của ông với những con người Rumani chân thành, nhân hậu. Maren Ade thực sự là ngôi sao sáng nhất của Toni Erdmann khi bà không chỉ xây dựng được một bộ phim có kết cấu chắc chắn, dễ hiểu với tuyến nhân vật đặc sắc, bà còn đưa vào tác phẩm nhiều lớp lang này những chi tiết biểu tượng và các thông điệp ngầm về triết lý sống mà nếu không chú ý, khán giả sẽ dễ dàng bỏ qua.

Với một kịch bản pha trộn cả chất bi và hài như Toni Erdmann, dàn diễn viên chính của phim có trách nhiệm rất lớn trong việc giữ cho mạch phim không bị đứt đoạn bởi những pha hài quá lố hay sự uỷ mị không cần thiết. Peter Simonischek trong vai quan trọng nhất của phim Winfried/Toni Erdmann đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ này khi sự vụng về và vẻ ngoài luộm thuộm của ông dễ dàng làm người xem phải phì cười, nhưng họ cũng hoàn toàn có thể cảm nhận được nỗi buồn và nỗi cô đơn sâu thẳm ẩn giấu bên trong ông lão to lớn, kiệm lời này. Không hề kém cạnh Simonischek, Sandra Hüller cũng hết sức thành công trong một vai diễn đòi hỏi sự kiềm chế rất lớn về mặt cảm xúc như Ines Corandi. Tuy có vẻ ngoài hiện đại và tác phong hết sức năng động, nhưng Hüller đem lại cho khán giả một cảm giác bất an về một quả bom tinh thần nổ chậm bên trong Ines – một cảm giác hoàn toàn trái ngược với sự vững chắc, bình thản có được từ ông giáo già Winfried “chẳng có tham vọng gì với cuộc sống”. Sự phối hợp nhịp nhàng giữa Simonischek và Hüller, đặc biệt trong nửa cuối của phim, thực sự đã biến Toni Erdmann trở thành một bức tranh chân thực về quan hệ gia đình trong xã hội hiện đại mà hẳn nhiều người xem sẽ phải giật mình khi so sánh bức tranh đó với cuộc sống của chính họ.

Một trong những phân đoạn đáng nhớ nhất của Toni Erdmann là khi Winfried đệm đàn để Ines hát ca khúc nổi tiếng của nữ danh ca Whitney Houston Greatest Love Of All. Không sở hữu một giọng hát quá xuất sắc, nhưng Ines vẫn khiến các khán giả bất đắc dĩ của cô phải trầm trồ vì tiếng hát buồn bã như xuất phát từ sâu thẳm tâm can của cô. Cô lặng lẽ bỏ ra ngoài sau khi kết thúc câu cuối cùng của bài hát – “And if, by chance, that special place. That you've been dreaming of. Leads you to a lonely place. Find your strength in love” (“Nếu như chẳng may giấc mơ của bạn lại dẫn tới một nơi trốn cô đơn, hãy tìm thấy sức mạnh trong tình yêu”). Có lẽ đó cũng là thông điệp của Toni Erdmann dành cho con gái, dành cho khán giả - cuộc sống chẳng hề dễ dàng, nhưng ít nhất hãy cố tìm lấy cho mình chút niềm vui, hay tình yêu nào từ đó. Không có nhân vật “chính diện” hay “phản diện”, cũng chẳng cố gắng áp đặt một bài học cuộc sống nhất định nào đó cho người xem, nhưng cách tiếp cận nhẹ nhàng và nhân văn của Maren Ade đối với một đề tài gai góc, khó nhằn như sự tan vỡ của mô hình gia đình truyền thống và cuộc tìm kiếm trong tuyệt vọng niềm vui cuộc sống đã giúp “Toni Erdmann” vừa tránh được lối mòn giáo điều của nhiều bộ phim bi kịch lấy bối cảnh cuộc sống hiện đại, vừa giúp khán giả tĩnh tâm, bình thản hơn khi nhìn lại cuộc sống của chính họ.


====

Bản đã biên tập trên Zing.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire