How to Train Your Dragon là bộ phim 3D thứ hai tôi được xem, phim thứ nhất là một phim gì đó chiếu ở rạp Ngọc Khánh vào thời đầu những năm 90 khi 3D lần đầu du nhập vào Việt Nam. Nếu xét về tựa phim thì có lẽ How to Train Your Dragon là phim hoạt hình có cái tựa ... chán nhất trong vòng mấy năm trở lại đây, một cái tên không hề mang tính gợi mở và khó lòng gây được hứng thú với bất cứ người yêu phim nào, chứ đừng nói là với trẻ con. Nhưng hóa ra đây lại là một phim hoạt hình xuất sắc và trọn vẹn hơn nhiều so với những siêu phẩm "đầu khủng long đuôi chuột" gần đây của Pixar. Nói là trọn vẹn vì tuy chỉ xoay quanh cuộc "luyện rộng" của chú bé Hiccup và bạn rồng Toothless, How to Train Your Dragon vẫn giữ được một cốt truyện hấp dần từ đầu đến cuối với phần mở đầu kịch tính, phần giữa cảm động với nhiều tiếng cười và đặc biệt là đoạn kết bất ngờ và sáng tạo - điều tôi không hề thấy ở Up, Wall-E hay Ratatouille. Phần tạo hình của phim tuy không quá sáng tạo và cầu kì (theo kiểu Pixar) nhưng bù lại hình ảnh những chú rồng và làng Viking được xây dựng cực kì dễ thương, gần gũi với trẻ con, và đặc biệt là tận dụng được tối đa thế mạnh của 3D để tăng hiệu quả hình ảnh. Phần nhạc tuyệt vời và hình ảnh "cực kỳ 3D" đã biến How to Train Your Dragon trở thành bộ phim không chỉ hấp dẫn với trẻ con mà có lẽ đến người lớn cũng sẽ phải "jaw-dropping" khi chứng kiến những pha bay lượn trên không của Hiccup và người bạn thân, thậm chí theo tôi những trường đoạn bay lượn đó còn đẹp và giàu cảm xúc hơn nhiều so với những cảnh tương tự trong Avatar (một bộ phim mà tôi cũng đánh giá rất cao về mặt thị giác).
Có khen cũng phải có chê, tuy nội dung phim tương đối hoàn chỉnh nhưng tôi vẫn cảm thấy gợn vì cách miêu tả "phe rồng" quá bị động trong How to Train Your Dragon, chúng chỉ được coi như những thú nuôi, hoặc cùng lắm là bạn đồng hành của Hiccup và những người Viking trong cuộc tìm diệt con rồng chúa, thậm chí ngay cả Toothless cũng chỉ được Hiccup coi là con thú cưng (pet) của mình chứ không phải một người bạn (friend) thực sự. Khi Hiccup, để bảo vệ chú rồng cưng của mình, đã phải cố gắng lắm mới thốt ra được câu "don't kill him, because he's my pet", tôi đã bị hẫng vì không nghĩ rằng một tình bạn đẹp và thân thiết đến như vậy lại chỉ được Hiccup, đúng hơn là các nhà biên kịch của phim, coi là tình cảm giữa chủ và con thú nuôi. Tính bị động của "phe rồng" còn thể hiện ở chuyện hàng ngàn vạn chú rồng với nhiều quyền năng đa dạng lại không hiểu vì lý do gì chịu khuất phục trước con rồng chúa để rồi chỉ có thể tự giải phóng được mình sau khi Hiccup đứng lên lãnh đạo. Ở đây tôi chợt nghĩ đến cái học thuyết "freedom for the world" của Hoa Kỳ - đất nước luôn nhìn các quốc gia Trung Đông, Đông Á như những đất nước "rên xiết" dưới ách thống trị của một cá nhân và người dân ở đó thì đang "ngày đêm" mong ngóng người Mỹ tới "giải phóng" họ. Tất nhiên đây chỉ là những suy luận xa vời của riêng cá nhân tôi vì How to Train Your Dragon xét cho cùng chỉ là một phim dành cho con trẻ, chẳng việc gì các đạo diễn phải lồng vào một thông điệp sặc mùi chính trị như vậy. Và với tư cách một bộ phim dành cho trẻ thơ thì How to Train Your Dragon đã hoàn thành xuất sắc sư mạng của mình và xứng đáng đứng ngang với Shrek trong "hàng danh dự" những tác phẩm xuất sắc nhất của hãng Dreamwork.
Nói thêm một chút về phần kết của phim. Phần kết của How to Train Your Dragon khiến tôi thực sự bất ngờ vì tuy nó không hoàn toàn phá bỏ truyền thống "happy ending" của phim hoạt hình Hollywood nhưng cái chân giả của Hiccup đã đem lại cho trẻ con một bài học nhẹ nhàng, thực tế nhưng lại chưa từng xuất hiện ở phim Hollywood - đó là chiến thắng, thành công luôn đi kèm với sự nỗ lực, cố gắng và cả những mất mát, hơn thế cái cách đạo diễn để Hiccup, và trước đó là Gobber (người bị cụt một chân một tay vì đánh nhau với rồng), sống vui vẻ, thoải mái và hoàn toàn tự tin với phần cơ thể thiếu hụt cũng là một sự động viên đáng giá cho những đứa trẻ ở vào hoàn cảnh như vậy. Hy vọng một ngày nào đó Hollywood cũng sẽ có những tác phẩm giúp trẻ em thực sự hiểu được nỗi đau của chiến tranh và những sự mất mát khác như Isao Takahata đã làm với Only Yesterday và đặc biệt là Grave of the Fireflies.
Ngay sau khi công chiếu Percy Jackson đã bị vùi dập thảm hại, chứng tỏ những bộ phim chuyển thể tiểu thuyết-ăn theo Harry Potter vẫn chưa thể có cơ hội thành công ở Hollywood. Và thực sự thì nội dung, diễn xuất, dàn dựng của phim cũng hoàn toàn ... xứng đáng với những lời chê bai dành cho nó. Theo tôi thì Percy Jackson tuy là phim hướng tới đối tượng teen nhưng lại có nội dung cực kì nhảm, và tệ ở chỗ là nhảm theo hướng dung tục, chưa kể phần hình ảnh bị "ridiculous hóa" với những Poseidon khổng lồ nói chuyện với thằng con Percy Jackson tí hon, anh chàng bán thần Grover ... dê đúng như bề ngoài của mình hay Pierce Brosnan trong bộ dạng ... một con ngựa (nhưng vẫn diễn như thể "I'm Bond, James Bond"!) và rất nhiều những mô-típ "nhảm" tương tự. Tuy nhiên theo ý kiến cá nhân tôi thì Percy Jackson vẫn có tính giải trí và hấp dẫn tương đối cao, nhất là với những ai từng ham mê thần thoại Hy Lạp, vì những ý tưởng "hiện đại hóa" các vị thần và truyền thuyết trong thần thoại Hy Lạp của phim đều khá độc đáo mà thú vị nhất có lẽ là hình tượng Medusa ... đeo kính đen (nhưng lại không biết dùng iPhone!). Một phim đáng tiền xem rạp nhưng cũng đáng với thang 2/5 sao.
Shutter Island làm tôi hơi bất ngờ (theo chiều hướng thất vọng) vì nó có cốt truyện khá rối và nhiều ảo giác, trái ngược với cách kể chuyện sáng sủa, rõ ràng ngay cả với những bộ phim có nội dung nhiều lớp mà Scorsese thực hiện từ đầu thập niên 2000. Có lẽ Scorsese muốn thử nghiệm với phong cách mới chăng? Nhưng tôi cho rằng đây là một trong những lý do khiến Shutter Island bị hoãn chiếu để rồi tung ra vào thời điểm khá dở dang cho cả việc kiếm giải và kiếm tiền. Kết quả thực tế đã chứng minh rằng sự lo lắng của các nhà phát hành (và bản thân Scorsese?) là đúng khi bộ phim không thực sự ăn khách và nó cũng không được giới phê bình đón nhận nồng nhiệt cho lắm.
Shutter Island được mở đầu cực kì hứa hẹn với một khung cảnh u ám, bẩn thỉu nhày nhụa (production value có lẽ là điểm cộng lớn nhất của phim - về mặt này thì Shutter Island không hề thua kém Gangs of NY, phim sử thi hoành tráng nhất của Scorsese trong vòng mấy chục năm trở lại), tôi đặc biệt thích cách Scorsese mô tả các bệnh nhân ở hòn đảo, mỗi người mỗi vẻ (ấn tượng nhất là hình ảnh thoáng qua của một bà lão gầy gò không khác gì bóng ma đang đưa ngón tay ra dấu im lặng với Teddy) nhưng sự xuất hiện của họ đều giúp hòn đảo "điên" trở nên đáng sợ, điên loạn và tàn bạo hơn - dù phim cực kì ít cảnh bạo lực. Tuy nhiên phần dẫn nhập cực hay đã không được Scorsese tận dụng khi phim dần sa đà vào việc mô tả những giằng xé nội tâm của Teddy (một cái tên hoàn toàn trái ngược với số phận và tính cách của nhân vật mang nó) khiến phim trở nên dễ đoán và đi vào lối mòn của một phim noir và psy kinh điển. Ở đây tôi đoán là Scorsese thực sự muốn quay trở lại với truyền thống phim noir có từ thời Double Indemnity của Billy Wilder nhưng "thời thế nay đã khác" và gu thưởng thức của khán giả đã không còn dành nhiều chỗ cho những bộ phim nặng nề dạng này. Phần kết phim, vốn khiến nhiều khán giả bất bình, theo tôi lại là yếu tố cứu vãn cho bộ phim nhờ sự độc đáo của nó - một câu trả lời kiêm câu hỏi, dù thích hay không thích thì chắc chắn mọi khán giả sau khi rời rạp sẽ vẫn phân vân vì câu hỏi đau đớn của Teddy: "Which would be worse, to live as a monster or to die as a good man?". Thực ra cách kết hẫng hụt này đã trở thành phong cách của Scorsese từ lâu, cả The Aviator, Gangs of NY và The Departed đều có phần kết khá "ngang" và dễ gây khó chịu với những người muốn có một cái kết gọn gàng, giải quyết mọi vấn đề. Câu hỏi ở đây chỉ là Scorsese muốn nói lên điều gì sau những cái kết dang dở ấy - hay chỉ đơn giản là ông ... không thể kết thúc nổi cho câu chuyện mình đang kể?
Có nhiều bộ phim cần thời gian để "chín" nhưng tôi không nghĩ Shutter Island có thể nằm trong số đó, đây chỉ đơn giản là một thử nghiệm "thành công một nửa" của Scorsese. Cũng đáng tiếc cho Leo khi anh đã bỏ lỡ vai lớn, có chiều sâu, nhiều đất diễn này với diễn xuất không khác gì những vai "hùng hổ" thời gian gần đây, có lẽ Leo cần một lần "lột xác" thứ ba để có thể thực sự trở thành một diễn viên lớn của Hollywood chứ không chỉ đơn giản là một ngôi sao hạng A như hiện nay. Ba sao.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire