Một phim về tòa án chính hiệu theo kiểu 12 Angry Men, cũng nói về một bồi thẩm đoàn (jury) và cách họ đi tới quyết định cuối cùng trong một vụ án liên quan tới ngành công nghiệp súng đạn của Mỹ, nhưng khác là 12 Angry Men đề cập tới đấu tranh nội bộ giữa các bồi thẩm viên (juror) trong khi Runaway Jury đề cập tới sự tác động từ bên ngoài, đúng hơn là từ phe nguyên cáo và phe bị cáo đối với bồi thẩm đoàn để họ đưa ra quyết định có lợi cho mình.
Runaway Jury có nửa đầu phim khá xuất sắc với nhịp phim nhanh, nhiều chi tiết thông minh đậm chất phim tòa án và đặc biệt là diễn xuất ấn tượng của Gene Hackman trong vai Rankin Fitch, chuyên gia cố vấn về bồi thẩm đoàn và là người nhận tiền của bên bị (ngành công nghiệp súng đạn) với nhiệm vụ tác động để bồi thẩm đoàn ra quyết định có lợi cho bên bị. Một Rankin Fitch thông minh, sắc sảo, lạnh lùng và tàn nhẫn được Hackman diễn hết sức thành công với hai cảnh ấn tượng là cảnh Fitch đưa ra nhận xét về các ứng cử viên cho bồi thẩm đoàn và cảnh Fitch cùng Marlee (Rachel Weisz xinh đẹp) ngã giá. Vai Fitch khiến tôi liên tưởng tới vai tay cảnh sát trưởng mà Hackman từng đóng thành công trong Unforgiven. Thật ngạc nhiên là người bạn thân từ ngày mới vào nghề của Hackman, một huyền thoại điện ảnh khác của Hollywood - Dustin Hoffman lại nhận và đóng một vai hết sức mờ nhạt không để lại chút ấn tượng nào - Wendall Rohr, luật sư của bên nguyên. Vai "chính nhất" của phim - Nicholas Easter, bồi thẩm viên và là người có khả năng tác động tới quyết định cuối cùng của bồi thẩm đoàn, được giao cho John Cusack, trông Cusack thông minh, cách diễn của anh cũng tự nhiên và sáng sủa nhưng không hiểu sao vai Easter vẫn không để lại nhiều ấn tượng, có lẽ một phần vì bề ngoài quá hiền lành của Cusack.
Đáng ra Runaway Jury có thể trở thành một phim hay nếu phần kết của phim cũng được làm tốt như phần đầu. Cảnh hạ màn của phim có độ bất ngờ và kịch tính không cao cùng nhịp độ tương đối chậm đã làm phim mất khá nhiều điểm. Xem xong phim có lẽ người ta chỉ nhớ nhất ánh mắt sắc sảo của Hackman khi "lựa chọn" bồi thẩm viên. Tất nhiên đây vẫn là một phim giải trí tốt và là một tác phẩm chắc tay của dòng phim tòa án vốn khó cho ra đời phim xuất sắc này.
Lần đầu tiên được thấy Michael Caine đóng một phim hành động, nhưng hóa ra phong thái của ông cũng không khác nhiều so với The Quiet American. Harry Brown có cốt truyện khá giống với Gran Torino, cũng nói về một "lão già gân" (Harry Brown) quyết định ra tay "hành hiệp" trừ bỏ lũ côn đồ đã gây ra cái chết của người bạn thân thiết của ông cùng nỗi hoảng sợ trong cả khu tập thể nghèo ở ngoại ô London. Nhưng khác với Gran Torino, Harry Brown có không khí căng thẳng, tăm tối và sực mùi bạo lực hơn nhiều, bộ phim rất gần gũi với phong cách phim tội ác của Anh vốn mang màu sắc hiện thực cao độ, vừa tàn bạo, vừa bẩn thỉu với những nhân vật gần gũi với đời thường thay vì type anh hùng, siêu anh hùng như trong phim Hollywood. Tuy nhiên dường như quá chú trọng đến việc mô tả tác động của xã hội hỗn loạn đến từng cá nhân như Brown, nữ thanh tra Frampton (Emily Mortimer) mà phim bỏ lơi mất phần điều tra-hành động đáng ra phải là trọng tâm, vì vậy nội dung Harry Brown trở nên nặng nề, nặng nề trong từng chi tiết, từng nhân vật và càng về cuối càng tăm tối với một phần kết bất ngờ thì ít mà căng thẳng nặng nề thì quá nhiều. Điểm sáng của phim có lẽ là diễn xuất rất tốt của Michael Caine trong vai Harry Brown (dù sao cũng là một vai lạ so với phong cách gần đây của ông) và đặc biệt là của Emily Mortimer trong vai nữ thanh tra Frampton. Tuy hơi vô lý (nữ thanh tra mà yếu đuối thế?!) nhưng thực sự cách diễn của Mortimer đã biến Frampton trở thành con người mỏng manh nhất trong bối cảnh hỗn loạn của vùng ngoại ô London, hình ảnh nữ thanh tra yếu đuối từ hình dáng nhỏ bé cho tới ánh mắt buồn bã và bất lực trước cái ác có lẽ mới là hình ảnh ấn tượng nhất của phim. Một phim noir không tồi nhưng hơi thiếu chất giải trí.
Bộ phim kể về những thăng trầm trong giai đoạn đầu sự nghiệp của Brian Clough - một trong những huấn luyện viên nổi tiếng nhất thế kỷ 20 ở Anh. Phim đã "điện ảnh hóa" khá nhiều chi tiết trong cuộc đời thật của Clough vì vậy nếu ai đã biết về tiểu sử của Clough sẽ bị hẫng khi xem phim (và ngược lại). Phim được xây dựng theo kiểu Frost/Nixon của năm ngoái, vẫn với diễn xuất ấn tượng của Michael Sheen, lần này có thêm sự trợ giúp của một diễn viên rất đáng mến (cả về bề ngoài và diễn xuất) của điện ảnh Anh là Timothy Spall (mà chắc nhiều người chỉ biết tới qua vai diễn "đáng ghét" Peter Pettigrew trong loạt Harry Potter). Phim xem hay theo kiểu The Queen, tức là khiến khán giả có cảm giác như xem một bộ phim tài liệu với những chi tiết gần gũi với đời thường, nhưng nhược điểm của những phim kiểu này là kịch tính ít khi được đẩy lên tối đa, xung đột chủ yếu ẩn phía sau khuôn mặt, cử chỉ của các diễn viên vì vậy khán giả đôi khi sẽ cảm thấy phim bị trùng và thiếu tính giải trí cần thiết. The Damned United được quay đẹp, dù tông màu của phim khá u ám nhưng phong cảnh nước Anh (vốn xù xì như chính thứ bóng đá thô ráp thời thập niên 1970) lên phim vẫn rất ấn tượng và hợp với chủ đề của phim. Hơi tiếc là phim chủ yếu tập trung vào khắc họa tâm trạng của Brian Clough vì vậy những người hâm mộ bóng đá sẽ không được chứng kiến những pha bóng kịch tính, những trận đấu kinh điển vốn là thứ "lẽ ra có thì tốt hơn" trong một phim thể thao thế này.
Notingham Forest kể từ khi đó về sau là chìm luôn, chìm tuốt dưới hạng 2-3 gì đó :)). Hồi đó chơi game FIFA năm nào có mấy đội classic, có đủ mấy đội này hết. Đội Hamburg SV lúc đó có Hrubesch với Felix Magath mà cũng thua luôn Notingham :D. Hình như đến năm 82-83 Kenny Daglish chuyển qua Liverpool đá cặp với Kevin Keegan. Mấy năm trước 1985 quả là bóng đá Anh nắm đầu châu Âu.
RépondreSupprimer"Thà một phút huy hoàng rồi chợt tắt.
RépondreSupprimerCòn hơn buồn le lói suốt trăm năm"
Thời đó đúng là Anh thống trị châu Âu, về sau thì tịt ngỏm luôn 20 năm :)). Cái phim này xem hay, nhắng mà vẫn cảm động, mỗi tội là phét nhiều quá, đâm đến lúc mình đi tìm hiểu thông tin về các nhân vật ở ngoài đời thì mới thấy hẫng vì nó khác nhau xa quá :))