some quotes....

I just want to tell you, I'm the one who was supposed to take care of everything. I'm the one who was supposed to make everything okay for everybody. It just didn't work out like that. And I left. I left you... And now, I'm an old broken down piece of meat... and I'm alone. And I deserve to be all alone. I just don't want you to hate me.

-Randy 'The Ram' Robinson, The Wrestler

vendredi 24 janvier 2020

1917 (2019)


Tháng Tư năm 1917, sau ba năm đẫm máu của cuộc Thế chiến lần thứ nhất, thế trận giữa Phe Đồng minh và Liên minh Trung tâm tại mặt trận phía Tây vẫn chưa thực sự ngã ngũ khi mà binh sĩ hai bên vẫn phải ẩn mình trong những hầm hào chật hẹp ở miền Bắc nước Pháp để tránh cái chết gần như là chắc chắn cho bất cứ ai cả gan đặt chân vào vành đai trắng giữa hai chiến tuyến no man’s land. Trong bối cảnh ấy, quân Đức – lực lượng trụ cột của Liên minh Trung tâm khiến toàn bộ Phe Đồng minh bất ngờ khi tung tin sẽ rút khỏi chiến tuyến họ đã dùng không biết bao nhiêu máu thịt để chiếm và giữ từ tay người Pháp và đồng minh của họ là người Anh. Cho rằng đây là cơ hội nghìn năm có một để giáng một đòn chí mạng vào lính Đức, tiểu đoàn 2 của Trung đoàn Devonshire dưới sự chỉ huy của đại tá Mackenzie (Benedict Cumberbatch) được lệnh cấp tốc vượt chiến tuyến để đánh chặn quân Đức đang rút lui. 

Chỉ một ngày trước kế hoạch tổng tấn công của tiểu đoàn Mackenzie, ở phía sau chiến tuyến của người Anh, tướng Erinmore (Colin Firth) lại nhận được mật báo rằng kịch bản của quân Đức chỉ là một cái bẫy để kéo 1600 lính của đại tá Mackenzie trở thành mồi ngon cho những cỗ pháo Đức đã được lên nòng chờ sẵn. Không có cách nào liên lạc với Mackenzie bởi đường dây điện thoại đã bị cắt đứt do binh lính của Trung đoàn Devonshire đã di chuyển qua chiến tuyến của người Đức và vượt quá tầm với của đường dây điện thoại giao liên. Không còn thời gian và cũng không còn giải pháp khác, tướng Erinmore buộc phải giao phó mật lệnh huỷ cuộc tấn công của tiểu đoàn Mackenzie cho hai anh chàng binh nhất Tom Blake (Dean-Charles Chapman) và Will Schofield (George MacKay) để hai người lính với khuôn mặt non choẹt này vượt qua chiến tuyến và vành đai trắng mang tới cho đại tá Mackenzie trước buổi bình minh của cuộc tấn công. Từng tham gia và thậm chí là giành được huân chương dũng cảm tại chiến trường ở Sommes – một trong những cối xay thịt khủng khiếp nhất của Thế chiến thứ nhất, Schofield hiểu hơn ai hết hiểm nguy và cái chết rình rập trong từng hố đạn pháo, từng đoạn hầm hào của vành đai trắng và tỏ rõ sự ngần ngừ khi phải nhận nhiệm vụ liều chết do tướng Erinmore giao cho. Nhưng trách nhiệm của một người bạn, một người đồng đội cũng lại khiến Schofield không thể bỏ mặc Tom Blake – người một sống hai chết vẫn quyết tâm vượt chiến tuyến bởi lý do đơn giản là ở phía bên kia, trong 1600 người lính của đại tá Mackenzie có trung uý Joseph Blake (Richard Madden), anh trai của Tom, và bằng mọi giá – kể cả chính mạng sống của mình, Tom Blake không muốn để anh trai phải rơi vào cạm bẫy giăng sẵn của kẻ thù.

Theo chia sẻ của đạo diễn người Anh Sam Mendes – đạo diễn của bộ phim giành giải Oscar American Beauty (1999) và bộ đôi phim ăn khách về điệp viên 007 Skyfall (2012) và Spectre (2015) thì ông làm 1917 là để kể lại câu chuyện chiến trường của người ông – nhà văn có tiếng Alfred Mendes về thời gian ông làm giao liên cho quân đội Anh trên những chiến trường đẫm máu của cuộc đại chiến thế giới lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại. Vốn là nhà làm phim với sở trường là các tác phẩm bi kịch – từ cuộc sống tưởng chừng đẹp đẽ nhưng ngột ngạt của một gia đình trung lưu người Mỹ trong American Beauty, cho tới con đường diệt vong của những người đã lỡ bước chân vào nghiệp băng đảng trong Road to Perdition (2002), và cả sự tan vỡ của những mỗi tình tưởng chừng không thể chia cắt trong Revolutionary Road (2008), có lẽ Sam Mendes đã tìm thấy một đề tài nữa đúng với khẩu vị của mình ở bi kịch của những người lính phải chui rúc không khác gì những con chuột cống trong những hầm hào của Mặt trận phía Tây Chiến tranh thế giới lần thứ nhất để lẩn trốn cái chết. Trong cuộc chiến hầm hào ấy, cái chết có thể đến đột ngột cho những ai dám cả gan ló đầu ra khỏi các chiến hào hay bước chân vào những vành đai trắng chằng chịt hố bom và dây thép gai, nhưng sự diệt vong cũng có thể thẩm thấu một cách từ từ qua da thịt của những người lính phải dán mình nhiều ngày, thậm chí là nhiều tháng trong không gian chật hẹp, nhớp nháp của hầm hào bên cạnh vô số chuột bọ, bệnh tật, và áp lực tâm lý nặng nề của những số phận hàng ngày phải đối mặt với cái chết. Nhưng kịch bản 1917 của Sam Mendes và nữ biên kịch trẻ Krysty Wilson-Cairns không chỉ dừng lại ở đó. Bộ phim còn là câu truyện về niềm tin, về khả năng sinh tồn, về sức sống mãnh liệt của con người và thiên nhiên trước sức tàn phá khủng khiếp của bom đạn, của ngọn lửa vô tình của chiến tranh điêu tàn. Người xem có thể cảm nhận được rõ ràng tinh thần sống của 1917 qua chuyến đi đầy hiểm nguy của hai người lính trẻ nhưng luôn giữ trong mình niềm tin tới đích Blake và Schofield. Chẳng ai có thể sống sót một khi đã đặt chân vào vành đai trắng – những sĩ quan kinh nghiệm đầy mình như trung uý Leslie (Andrew Scott) đã thẳng toẹt như vậy khi “tiểu đội hai người” xin quyền vượt chiến tuyến để thi hành nhiệm vụ cảm tử tướng Erinmore đã giao phó. Nhưng Blake và Schofield vẫn quyết tâm dấn thân vào nghĩa địa của người, ngựa, và bom mìn ấy để đi tìm sự sống cho trung uý Joseph Blake và 1599 người khác trong tiểu đoàn của đại tá Mackenzie. Và cũng chính niềm tin vào sự sống ấy đã giúp hai người lính trẻ phát hiện ra rằng họ không phải những người duy nhất tin vào sự sống – bởi đây đó trong những trang trại nham nhở vì đạn pháo, giữa những căn nhà đổ sụp vì bom mìn, phía dưới những thành phố đang ngùn ngụt cháy bởi ngọn lửa của lính Đức thì cuộc sống vẫn đang sinh sôi nảy nở với những em bé khát sữa, và cả những chú bò sữa thủng thẳng gặm cỏ bất chấp cái chết rình rập. 

Cách đây 35 năm, đạo diễn Liên Xô Elem Klimov đã đem tới cho khán giả một tác phẩm được coi là xuất sắc bậc nhất của dòng phim chiến tranh trong lịch sử điện ảnh - Idi i smotri hay Hãy đến. Tác phẩm của hãng phim danh tiếng Mosfilm là chuyến hành trình đối diện với những hậu quả khủng khiếp từ Chiến tranh thế giới lần thứ hai của cậu bé Florya. Từ chỗ là một con người, đúng hơn là một đứa bé mới lớn, cậu bị bom đạn làm cho điếc, rồi bị sự dã man của lính Đức làm cho mất nốt cái giác quan quan trọng nhất của một con người – cảm giác rằng mình tồn tại bất chấp thực tế trớ trêu rằng Florya mới chính là người sống sót duy nhất. Thật tình cờ rằng khi so sánh gương mặt con trẻ của diễn viên Aleksei Kravchenko – người được đạo diễn Klimov giao thủ vai Florya với tạo hình của Schofield qua sự thể hiện của George MacKay, người xem sẽ tìm thấy nhiều nét tương đồng. Đó cùng là những gương mặt tròn trịa không nhiều góc cạnh kiểu người hùng, đó cùng là những đôi mắt buồn đến ngơ ngác nhất là sau khi phải chứng kiến cái chết, phải đối mặt với những xác người, xác động vật chết vì chiến tranh ở mọi nơi, mọi lúc. Cũng như Elem Klimov, Sam Mendes không ngần ngại “bắt” khán giả phải cảm nhận sự chết chóc và bạo lực của chiến tranh một cách trực diện với những cảnh quay không khoan nhượng từ góc nhìn của các nhân vật trong phim của họ về cái cách con người hành hạ và huỷ diệt con người, cái cách sự khốn khổ của nạn nhân của bạo lực tột cùng đó còn tiếp tục ngay cả sau khi họ đã chết khi mà những cái xác không hồn của họ trở thành mồi ngon cho quạ, cho thú hoang, cho sự gặm nhấm từ từ nhưng vô tình của thiên nhiên. Và cũng xuất sắc như Kravchenko, MacKay đã thể hiện rất thành công sự thương tổn sâu sắc của binh nhất Schofield khi đi qua muôn mặt của chiến tranh trên con đường đi tìm sự sống cho tiểu đoàn của đại tá Mackenzie. Tất nhiên Schofield không phải cậu bé mới lớn như Florya. Anh lính trẻ từng tham chiến ở Sommes – mặt trận từng chứng kiến hơn một triệu binh sĩ của hai phía bỏ mạng chỉ trong vòng ba tháng. Anh lính trẻ cũng trải nghiệm sự sống và cái chết nơi hầm hào nhiều tới mức chai sạn, nhiều tới mức sẵn sàng đổi tấm huân chương cao quý giành được vì lòng dũng cảm ở Sommes để lấy một chai vang Pháp cho thoả cơn khát. Nhưng chỉ từng ấy thôi cũng là không đủ để chuẩn bị cho Schofield để đối mặt với vô số những chết chóc và bi kịch rải đầy trên đường thi hành nhiệm vụ cảm tử cùng người đồng đội Tom Blake. Chỉ nhờ có kinh nghiệm chiến đấu dày dạn, và nhất là nhờ vào niềm tin mãnh liệt rằng “mình có thể đi tới đích”, Schofield mới có thể lết được qua từng dặm đường của chiến tranh mà không mất đi cái cảm giác còn sống, được sống như Florya trong Idi i smotri và tạo nên một 1917 dù bi kịch nhưng vẫn nhiều niềm tin hơn, nhiều hy vọng hơn tác phẩm năm xưa của đạo diễn Elem Klimov. 

Câu truyện của Schofield và Blake trên chiến trường giúp 1917 trở thành một bộ phim hay, nhưng phần hình ảnh của tác phẩm nhờ vào sự hợp tác giữa Sam Mendes và nhà quay phim vĩ đại Roger Deakins mới biến 1917 trở thành một tuyệt phẩm. Được biên tập như một bộ phim không hề có cắt cảnh, 1917 thực chất bao gồm rất nhiều cảnh quay dài được dựng một cách khéo léo để tạo cảm giác từ đầu đến cuối Roger Deakins không hề đóng máy để chuyển cảnh mà theo sát từng bước đi của Schofield và Blake trên con đường chông gai tìm kiếm đại tá Mackenzie. 1917 sử dụng rất nhiều góc máy cận cảnh và đặc tả nhân vật để giúp khán giả có cảm giác họ cũng là một thành viên của “tiểu đội hai người” phải đối mặt với những hiểm nguy và sự tàn khốc của chiến tranh vốn là một “đặc sản” của nhà quay phim 70 tuổi người Anh – người từng giành tới 15 đề cử Oscar cho quay phim xuất sắc nhất. Bên cạnh đó, Deakins cũng xen kẽ vào đó những cảnh quay tầm trung để người xem thấy được quy mô của cuộc chiến, sự khác biệt của từng quang cảnh làng mạc, thiên nhiên, chiến trường mà Schofield và Blake đã bước qua. Điểm đáng khâm phục đối với Roger Deakins và đội ngũ kỹ thuật của 1917 là việc tuy tác phẩm chiến tranh này có rất nhiều bối cảnh cực khó, từ những hầm hào chật hẹp ướt át cho tới những đồng cỏ rộng lớn mênh mông và tất nhiên không thiếu sự gồ ghề, góc cạnh, những chướng ngại tưởng chừng không thể vượt qua điển hình cho một cuộc chiến hầm hào, nhưng tất cả cảnh quay của bộ phim dù rất dài nhưng đều tạo cảm giác mượt mà, liền mạch với chất lượng quay rất cao và chứng tỏ đoàn làm phim của 1917 đã phải bỏ rất nhiều thời gian và công sức để lên kế hoạch kỹ lưỡng cho từng cảnh quay, từng cử động của các diễn viên trước khi bắt tay vào thực hiện bộ phim dài tới 2 tiếng này. Kết quả của từ sự cố gắng của Sam Mendes, Roger Deakins và những thành viên khác trong đoàn làm phim 1917 là một tác phẩm “không cắt” hoàn toàn có thể sánh ngang với bộ phim “không cắt” xuất sắc từng giành giải Oscar Birdman (2014) của bộ đôi đạo diễn-quay phim người Mexico Alejandro G. Iñárritu và Emmanuel “Chivo” Lubezki hay những cảnh quay hành động dài hàng chục phút của Children of Men (2006) – một thành quả nghệ thuật khác của Chivo Lubezki với đạo diễn Alfonso Cuarón. Nhưng quan trọng hơn thế, sự liền mạch, và trực diện trong cách quay của 1917 giúp bộ phim truyền tải được tới khán giả một cách trọn vẹn những cung bậc tình cảm hết sức khác nhau của một người lính giữa chiến trường tàn khốc – sự ngộp thở trong hầm hào hay phía dưới mặt nước đục ngầu của những con sông hung dữ, suy nghĩ run run ngập ngừng khi phải đối mặt với cái yên lặng đến rợn người của vành đai trắng no man’s land, và cả cảm giác máu chảy rần rật trong huyết quản khi phải chạy trốn cái chết đuổi theo sau lưng – cái chết đến từ hòn tên mũi đạn chưa bao giờ biết phân biệt địch với thù. Với tài năng của Roger Deakins tỏa ra từ từng khung hình, cộng thêm xúc tác quan trọng là phần nhạc phim bi tráng của Thomas Newman – nhà soạn nhạc đã song hành với Sam Mendes kể từ thành công của bộ phim đầu tay American Beauty, có thể nói không ngoa rằng “1917” là một trong những tác phẩm hành động – sử thi xuất sắc nhất trong vòng mười năm trở lại đây của Hollywood và thậm chí có phần còn nổi trội hơn cả Dunkirk (2017) – tác phẩm lấy bối cảnh Chiến tranh thế giới thứ hai của đạo diễn Christopher Nolan vốn có rất nhiều cảnh quay xuất sắc nhưng lại sử dụng cách tiếp cận nhân vật hơi có phần quá anh hùng, quá bi kịch nếu phải so với sự gần gũi, dễ liên tưởng, dễ cảm nhận của Schofield hay Blake dưới bàn tay nhào nặn của Sam Mendes.

1917 không phải là một tác phẩm hoàn hảo. Cách xây dựng nhân vật và phong cách quay “không cắt” của bộ phim giúp 1917 có được cảm giác hết sức chân thực của một tác phẩm hiện đại về đề tài chiến tranh, nhưng kịch bản của Sam Mendes và Krysty Wilson-Cairns dường như vẫn chứa đựng một số điểm thắt, chi tiết “tình cờ” nhưng tạo cảm giác không hề ngẫu nhiên, thậm chí còn là hơi gượng ép để tạo thêm kịch tính cho một tác phẩm hành động – chiến tranh vốn đã có quá nhiều kịch tính. Những khán giả khó tính có thể coi cách xây dựng kịch bản như vậy đã phần nào đó làm hỏng ý đồ “hiện thực hóa”, “chân thực hóa” cuộc chiến của Sam Mendes đối với 1917. Nhưng nhìn ở một khía cạnh khác, kịch tính và cao trào liên tục của 1917 lại đã giúp bộ phim có được một chuyến du hành qua chiến tranh – chạy trốn cái chết hết sức đáng nhớ của các nhân vật chính. Chỉ hơn hai thập niên sau những sự kiện của 1917, châu Âu và thế giới nói chung lại phải đối diện với một cuộc đại chiến khác – Thế chiến thứ hai. Trong cuộc chiến còn tàn bạo, khốc liệt hơn cả cuộc đại chiến đầu tiên ấy, một trong những ca khúc được binh lính Anh yêu quý nhất đó là nhạc phẩm The White Cliffs of Dover (Những vách đá trắng ở Dover) qua giọng hát của Vera Lynn. Không nói tới vinh quang của cuộc chiến, không nói tới những tấm huân chương, những danh hiệu cao quý, The White Cliffs of Dover chỉ gợi những người lính Anh nhớ tới những gì quen thuộc nhất, thân thương nhất nơi quê hương, đó là những vách đá trắng ở Dover, những thung lũng đầy hoa, những đàn cừu thản nhiên gặm cỏ. 1917 cũng là một tác phẩm như thế. Bộ phim không hề tô son điểm phấn cho chiến tranh, không hề cố khắc họa những người hùng của chiến trận hay tô đậm hào quang của những cái chết trên chiến trường. Trái lại Mendes và Deakins chỉ tập trung để mô tả những góc cạnh xấu xí nhất, tàn bạo nhất của cuộc chiến và khắc họa số phận của những người bình thường nhất khi bị đặt vào những nơi hiểm nguy nhất. Nhưng kết phim 1917 vẫn cho người xem niềm tin, niềm tin rằng số phận nhân vật họ đang nín thở theo dấu từ đầu bộ phim vẫn còn le lói chút gì đó hy vọng, niềm tin rằng kể cả giữa khốc liệt của chiến trường, vẫn còn đó nhân tính, tình người. Một tác phẩm lấy đề tài chiến tranh như thấm đẫm tinh thần phản chiến và mang trong mình rất nhiều niềm tin, 1917 xứng đáng là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất của điện ảnh Hollywood năm 2019. 

========

mardi 21 janvier 2020

Joyeux Noël (2005)



Mùa Hè năm 1914, có lẽ không một người dân châu Âu nào có thể ngờ được rằng những đốm lửa xung đột ở Lục địa già này sẽ bùng cháy trở thành Chiến tranh thế giới lần thứ nhất – cuộc chiến với quy mô huỷ diệt bậc nhất mà loài người chưa từng được chứng kiến cho đến thời điểm đó. Những trận chiến hầm hào kéo dài hàng tháng, thậm chí là hàng năm của cuộc Đại chiến này đã huỷ diệt không biết bao sinh mạng người dân và binh sĩ của cả hai phe, và cũng đẩy hàng triệu số phận ở các quốc gia tham chiến vào những khúc quanh họ không thể ngờ tới. Một trong những số phận nhỏ bé như thế là Nikolaus Sprink (Benno Fürmann) – một ca sĩ opera có tiếng ở Berlin phải giã từ sự nghiệp và người vợ hiền Anna Sørensen (Diane Kruger) để lên đường ra mặt trận. Ở phía kia chiến tuyến, Đức cha Palmer (Gary Lewis) cũng quyết định rời bỏ quê hương Scotland để trở thành Cha tuyên uý giữa những chiến hào miền Bắc nước Pháp để làm chỗ dựa về mặt tinh thần cho những người lính hàng ngày phải đối mặt với cái chết như Gordon (Alex Ferns) và Jonathan (Steven Robertson). Cũng đang đối đầu với những người lính Đức để bảo vệ quê hương là viên sĩ quan người Pháp Camille René Audebert (Guillaume Canet) – người đang phải hàng ngày chiến đấu trong nỗi lo sợ cho gia đình nhỏ của anh bị bỏ lại trong một làng quê Pháp đã rơi vào vòng kiểm soát của người Đức. Nhưng trong đêm Giáng Sinh, khi tuyết rơi phủ trắng mảnh đất chết chóc nơi hàng nghìn, hàng vạn người lính đã phải bỏ mạng, nơi những người còn sống vẫn đang phải từng giờ từng phút chạy trốn cái chết đến từ súng đạn, đến từ bom mìn, đến từ góc sắc của lưỡi lê và dây thép gai, đột nhiên binh lính ở cả hai phía chiến tuyến nhận ra rằng họ vẫn khao khát được sống, khao khát được nếm lại dù chỉ một chút cái dư vị thanh bình, đầm ấm của đêm Giáng Sinh – thời khắc truyền thống của mọi người dân châu Âu để đoàn tụ với gia đình, để mong ước cho một tương lai tươi đẹp. Chính cái khát vọng chung ấy đã khiến những người như Sprink, như Đức cha Palmer, như Audebert quyết định cùng nhau tạo nên một phép lạ trong đêm Giáng Sinh – ngày duy nhất không có tiếng súng, không có hận thù giữa cuộc Đại chiến.

Là một sản phẩm hợp tác của cả ba quốc gia Anh – Đức – Pháp, bộ phim Joyeux Noël (Giáng Sinh vui vẻ) của đạo diễn người Pháp Christian Carion là tác phẩm tái hiện lại hiện tượng đặc biệt từng xảy ra ở một số mặt trận trong Chiến tranh thế giới lần thứ nhất như ở Frelinghien miền Bắc nước Pháp – đó là việc binh sĩ các bên đồng ý ngừng bắn trong đêm Giáng Sinh, thậm chí là tổ chức những hoạt động tập thể để kỷ niệm ngày Thiên Chúa giáng sinh trước khi quay về chiến hào của bên mình để tiếp tục chuỗi ngày chết chóc đẫm máu. Trong một cuộc Đại chiến nơi gần 10 triệu lính Pháp, Anh, Scotland, Đức, Nga và rất nhiều quốc gia khác phải bỏ mạng, phần lớn trong những cuộc chiến hầm hào ở Ypres, ở Somme, ở Verdun, nơi khí độc lần đầu tiên được sử dụng để “giết nhiều người nhất có thể”, nơi súng máy, xe tăng bắt đầu được sử dụng rộng rãi khiến tỉ lệ tử vong của binh lính hai bên lên tới mức khủng khiếp, thì Hưu chiến Lễ Giáng sinh quả thực là một sự kiện đặc biệt. Đặc biệt không chỉ vì sự tương phản giữa một bên là chết chóc, một bên là hoà bình – dù hết sức ngắn ngủi, mà đặc biệt còn là vì thời khắc ngừng bắn trong đêm Giáng sinh ấy còn cho thấy rằng ngay cả giữa tột đỉnh của hận thù và bạo lực, nhân tính, sự khao khát đoàn tụ, khao khát hơi ấm của gia đình vẫn có chỗ đứng trong lòng mỗi con người đang bị cuốn vào cuộc chiến bất tận ấy. Để làm nổi bật chủ đề này, đạo diễn Christian Carion đã đem tới khán giả phân đoạn mở đầu cực kỳ ấn tượng cho Joyeux Noël với giọng đọc tiếng Anh, tiếng Pháp, và tiếng Đức của ba đứa trẻ ngây thơ đang lặp lại những câu rao giảng trong sách giáo khoa của mỗi nước về một “chân lý” rằng ba dân tộc Anh, Pháp, Đức không thể cùng chung sống trên mảnh đất châu Âu và “chỉ có thể giết họ, chúng ta mới được sống”. Tiếp nối mạch phim ấy, Christian Carion và nhà quay phim Walther Vanden Ende đã khắc hoạ một cách hết sức sống động sự dữ dội nơi chiến địa của cuộc Đại chiến – nơi bất cứ bên nào “thò đầu” ra khỏi chiến hào hoặc đặt chân vào mảnh đất không người – “No Man’s Land” giữa hai chiến tuyến là coi như đã tự ký giấy khai tử cho chính mình. Tất nhiên, tất cả sự hận thù, bạo liệt, chết chóc ấy chỉ được đạo diễn Christian Carion – người đồng thời cũng là biên kịch của bộ phim sử dụng để làm nền cho trung tâm của Joyeux Noël – những thời khắc lạ lùng nhất của chiến tranh trong đêm Giáng Sinh hưu chiến, khi những người hôm qua có thể giết nhau bằng lưỡi lê, ngày mai có thể bắn tỉa nhau bằng súng trường, lại chia sẻ với nhau mảnh sô cô la, chai rượu, cùng cầu nguyện, cùng nghe thánh ca và thậm chí là cùng đá bóng và thu dọn xác chết của đồng đội. Chắc chắn với những khán giả không tìm hiểu kỹ lịch sử Chiến tranh thế giới thứ nhất, sẽ thật khó có thể tin là có những tình huống như vậy trong cái địa ngục chiến tranh hầm hào nơi miền Bắc nước Pháp, kể cả khi Joyeux Noël có cố làm khán giả an tâm ngay từ đầu phim rằng đây là một tác phẩm "dựa trên sự kiện có thực". Nhưng dù có không tin hay không thì chắc chắn khi theo dõi đêm Giáng Sinh kì lạ, và kì diệu của Joyeux Noël người xem cũng sẽ có được cảm giác thư thái, bình an – một hiệu ứng không dễ gì có được ở một tác phẩm lấy đề tài chiến tranh như bộ phim này của đạo diễn Christian Carion. 

Nói về một câu truyện rất dễ lấy lòng khán giả và có phần hình ảnh và nhạc phim xuất sắc, nhưng Joyeux Noël không hẳn là một tác phẩm hoàn hảo khi kịch bản phim vẫn còn những trường đoạn uỷ mị khá lạc lõng so với không khí của bộ phim, đồng thời diễn xuất của dàn diễn viên trong phim cũng không thực sự đáng nhớ, đặc biệt là Diane Kruger trong vai Anna Sørensen. Bởi vậy mà dù có được đề cử giải Oscar cho phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc nhất, nhưng nếu chỉ xét Joyeux Noël như một tác phẩm về đề tài chiến tranh của Pháp thì bộ phim thứ hai trong sự nghiệp của đạo diễn Christian Carion vẫn còn thua những tác phẩm xuất sắc khác ở cùng thể loại như Un long dimanche de fiançailles (2004) hay Indigènes (2006). Bóng ma lẩn khuất của những nhà chính trị tham vọng và thủ đoạn – những kẻ chỉ coi Sprink, Đức cha Palmer, hay Audebert như những con tốt thí trên ván cờ quyền lực trong cuộc Đại chiến cũng phần nào làm chất lạc quan chất chứa trong những giờ phút ngừng chiến đêm Giáng sinh nhuốm màu bi kịch. 

Nhưng sau tất cả, không ai xem Joyeux Noël để tìm hiểu bối cảnh khốc liệt của chiến trường hay những toan tính thâm hiểm của các nhà lãnh đạo châu Âu trong thời gian Chiến tranh thế giới thứ nhất. Khán giả xem Joyeux Noël là để được thấy những người lính vì niềm tin tôn giáo, vì nỗi nhớ quê hương, vì khát khao bình yên hạnh phúc đã xích lại với nhau để cùng đưa ra quyết định đình chiến. Quyết định hưu chiến dũng cảm ấy của những người lính vốn thường ngày phải đặt cả tính mạng trong tay những gã sĩ quan, tướng tá chỉ quan tâm tới mệnh lệnh, tới chiến thắng là bằng chứng cho thấy rằng ngay giữa những giờ phút đen tối nhất, những chiến địa khốc liệt nhất của cuộc Đại chiến, nhân tính vẫn còn đó trong mỗi con người và chỉ chờ đúng thời điểm để được lan toả, được kết nối, được dệt lại những mối dây tình cảm giữa người với người. Và cái thời điểm ấy chính là đêm Giáng sinh – thời khắc cuối năm khi mỗi chúng ta có dịp xích lại gần nhau để chia sẻ với nhau tình cảm, sự yêu quý, và tất nhiên là cả những bộ phim đáng thưởng thức như Joyeux Noël

=====

In the Absence (2019)


Sáng ngày 16 tháng 4 năm 2014, khi đang trên hải trình đi từ cảng Incheon tới đảo Jeju, con phà mang tên Sewol của Hàn Quốc đã bất ngờ chìm dần rồi lật úp, dẫn đến cái chết của 304 trên tổng số 476 hành khách và thuỷ thủ đoàn. Bi thảm hơn thế là việc trên con phà ngày hôm đó có tới 325 em học sinh của trường trung học phổ thông Danwon ở thành phố phía Bắc Ansan vốn được thầy hiệu phó Kang Min-kyu dẫn xuống đảo Jeju để du lịch và sinh hoạt ngoại khoá. 250 em trong số này đã bỏ mình lại biển sâu cùng chiếc phà chìm. Thầy giáo Kang nằm trong số ít những người may mắn được cứu thoát trong thảm kịch, để rồi tự tìm đường tới cái chết chỉ vài ngày sau đó. 

Những diễn biến của vụ chìm phà Sewol, cũng như phản ứng của những người trong cuộc, những ông bố bà mẹ đã mất đi đứa con yêu quý trong thảm kịch chẳng ai ngờ tới đó, và cả những người thợ lặn từng sẵn lòng lao xuống lòng biển tăm tối để vớt lên những thân xác vẫn còn mắc lại trong những khoang tàu lạnh lẽo là nội dung chính của bộ phim tài liệu ngắn In the Absence của đạo diễn người Hàn Quốc Yi Seung-Jun. Sự vô trách nhiệm đến khó tin của những người trong cuộc, đặc biệt là của lực lượng Tuần duyên và của chính Văn phòng Tổng thống Park Geun-hye cũng là những khía cạnh được khai thác trong In the Absence. Nhưng khác với một số tác phẩm tài liệu khác như The Truth Shall Not Sink with Sewol (2014) của Lee Sang-ho và Ahn Hae-ryong, hay Upside Down (2015) của Kim Dong-bin, bộ phim tài liệu dài chưa đầy 30 phút của đạo diễn họ Yi không tìm cách tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến tai nạn của con phà xấu số, hay lập luận quy trách nhiệm cho bất cứ ai. Thay vào đó, Yi Seung-Jun cố gắng sử dụng tối đa những tư liệu ông có được từ phim tư liệu về các phiên điều trần các quan chức chính phủ, các đoạn phỏng vấn những người có liên quan, và thậm chí là những đoạn phim ngắn thu lại được từ những chiếc điện thoại đã được sử dụng trên con phà Sewol vào thời điểm thảm kịch xảy ra để mô tả lại cái ngày định mệnh, và cảm xúc của những người đã phải trực tiếp hoặc gián tiếp chịu đựng những nỗi đau từ tai nạn phà Sewol một cách trực diện và chân thực nhất.

Sinh năm 1971, đạo diễn người Busan Yi Seung-Jun thuộc thế hệ trẻ Hàn Quốc trưởng thành khi đất nước này đã trở nên thịnh vượng trong những năm tháng kinh tế phát triển vượt bậc. Nhưng cũng như nhiều người Hàn Quốc khác, có lẽ Yi Seung-Jun hiểu hơn ai hết những vết thương khó lành hằn sâu trong xã hội hiện đại Hàn Quốc, trong tâm trí của từng người dân Hàn Quốc gây ra từ sự nỗ lực, cố gắng đến hết tột bực để Hàn Quốc có được “kì tích sông Hán” từ chỗ đói nghèo vươn lên thành quốc gia phát triển. Đó là một xã hội với tỉ lệ người tự tử cao hơn bất cứ quốc gia phát triển nào khác trên thế giới. Đó là một dân số ngày càng già nua, nơi những người trẻ vì sức ép công việc, vì những trầm cảm trong cuộc sống ngày càng không muốn lập gia đình, không muốn có con cái. Đó là một đất nước có tỉ lệ sinh thấp bậc nhất trên thế giới, nơi mỗi đứa trẻ sinh ra là một “cục vàng” đúng nghĩa được những ông bố, bà mẹ nuông chiều với ước mong sau này đứa bé ấy có thể làm rạng danh trong gia đình với những tấm bằng tốt nghiệp tại một đại học hàng đầu nào đó của thủ đô Seoul đông đúc. Chính hoàn cảnh kinh tế - xã hội ấy đã biến Sewol không còn là một thảm hoạ giao thông mà còn trở thành một nỗi đau đớn không thể tưởng tượng nổi của cả xã hội Hàn Quốc, của từng người dân Hàn Quốc. Cú sốc lớn đối với đất nước Hàn Quốc ấy không chỉ khiến cho hàng chục triệu người sẵn sàng đeo lên ngực mình chiếc huy hiệu hình dải ruy băng màu vàng trong nhiều tháng, nhiều năm sau khi tai nạn diễn ra với hy vọng rằng mọi thi thể nạn nhân trong chiếc phà xấu số rồi sẽ có ngày tìm được về với đất liền thân thương, mà còn thúc đẩy hàng trăm nghìn, thậm chí là hàng triệu người sẵn sàng xuống đường biểu tình đòi công lý cho những người đã khuất, đòi trả lại sự thật về một vụ tai nạn hoàn toàn có thể ngăn chặn, đòi những người chưa làm đầy đủ trách nhiệm của họ trong thảm kịch – kể cả những người đang ở đỉnh cao quyền lực như nữ tổng thống Park Geun-hye phải trả giá cho sự tắc trách đã khiến cho hàng trăm cô bé, cậu bé phải cắt ngắn cuộc đời một cách cực kì vô nghĩa. 

Phải nói rất dài về bối cảnh đất nước Hàn Quốc hiện đại, và về sự trân quý của người Hàn dành cho thế hệ trẻ, là bởi người nước ngoài nếu không quen thuộc với cái dân tộc tính ấy hẳn sẽ lấy làm ngạc nhiên về việc tại sao một đất nước từng trải qua những tai nạn giao thông với hậu quả không kém phần thảm khốc – như vụ chìm phà Seohae năm 1993 khiến 292 trong tổng số 362 hành khách phải bỏ mạng trên Hoàng Hải, hay vụ cháy tàu điện ngầm ở Daegu năm 2003 khiến 192 người chết – lại phải rung chuyển vì vụ chìm phà Sewol tới mức phải xuống đường biểu tình để đòi bằng được vị nữ tổng thống quyền lực Park Geun-hye phải từ chức, phải bị truy tố vì bị coi là đã không thực hiện được nhiệm vụ bảo vệ sinh mạng cho nhân dân Hàn Quốc. Tất cả những yếu tố đó, từ tâm hồn bị thương tổn sâu sắc của những người dân Hàn Quốc – đặc biệt là cha mẹ của các em bé thiệt mạng hay những người thợ lặn nhân hậu phải tự tay kéo từng xác người ra khỏi bóng đêm sâu thẳm của con phà đắm như Kim Gwan-Hong, cho tới sự phẫn nộ không thể dập tắt của cả xã hội Hàn Quốc trước sự vô cảm của Park Geun-hye và những người duới quyền bà đều được khắc hoạ rất rõ trong In the Absence bất chấp thời lượng không phải là dài của bộ phim. Bởi vậy mà với khán giả Hàn Quốc, có thể tác phẩm mới nhất của đạo diễn Yi Seung-Jun có thể là một tác phẩm không hề dễ xem, nhưng với người nước ngoài, có lẽ đây chính là bộ phim tài liệu phù hợp nhất để họ có thể hiểu, dù là một chút, về nỗi đau khôn nguôi của cả xã hội Hàn Quốc về những gì đã xảy ra với những hành khách của con phà Sewol xấu số. 

Từng giành giải thưởng lớn của ban giám khảo tại liên hoan phim tài liệu lớn nhất nước Mỹ DOC NYC từ năm 2018, và cả giải của World Press Photo, thậm chí là được chiếu công khai và miễn phí trên tài khoản YouTube và Vimeo của hãng Field of Vision, nhưng In the Absence chưa thực sự được nhiều công chúng biết tới khi mà số lượt xem của bộ phim sau 9 tháng công khai trên cả YouTube và Vimeo còn chưa chạm đến con số 50 nghìn – thua xa các video ca nhạc của các nhóm nhạc k-pop, hay thập chí là những đoạn video mới của những vlogger tầm trung làm về chủ đề du lịch Hàn Quốc. Nhưng để hiểu hơn đất nước Hàn Quốc, đặc biệt là tình cảm của những người dân Hàn Quốc dành cho con trẻ, và vết thương lòng chẳng thể gọi thành tên mà vụ chìm phà Sewol đã gây nên đối với mỗi tâm hồn người Hàn Quốc, thì In the Absence nên là lựa chọn đầu tiên. Không hiểu có phải vì lý do này, hay vì những câu hồi tưởng buồn đến thắt tim của người thợ lặn nhân hậu Kim Gwan-Hong về hình ảnh những chú chim nhỏ cất tiếng kêu đau đớn trong gió bão đã khiến cho Viện Hàn lâm khoa học và nghệ thuật điện ảnh Hoa Kỳ lựa chọn tác phẩm của đạo diễn Yi Seung-Jun trở thành một trong năm ứng viên cuối cùng cho hạng mục Phim tài liệu ngắn xuất sắc nhất tại giải Oscar năm nay. Nhưng vì lý do gì đi chăng nữa thì những người yêu điện ảnh và muốn tìm hiểu thêm về đất nước Hàn Quốc vẫn nên dành một lời cảm ơn chân thành cho Ban giám khảo của giải Oscar vì đã cho công chúng biết rằng, bên cạnh bộ phim giành tới 6 đề cử giải Oscar năm nay Parasite của đạo diễn Bong Joon-ho, thì vẫn còn một viên ngọc quý khác của điện ảnh Hàn Quốc xứng đáng để người xem bỏ thời gian thưởng thức – đó chính là In the Absence của Yi Seung-Jun.

=====

Judy (2019)


Những người yêu âm nhạc và điện ảnh chắc hẳn đa phần đều biết rằng Over the Rainbow luôn được đánh giá là một trong những ca khúc quan trọng nhất trong lịch sử nhạc phim và âm nhạc đại chúng nói chung của Hoa Kỳ thế kỷ 20. Là ca khúc được Harold Arlen và Yip Harburg viết riêng cho bộ phim The Wizard of Oz, Over the Rainbow là mơ ước của cô bé Dorothy – nhân vật chính của phim về một mảnh đất diệu kỳ ở “phía bên kia cầu vồng” nơi "rắc rối tan biến như những viên kẹo ngọt", nơi cô có thể thoát khỏi những rắc rối, u buồn của cuộc đời. Thành công của Over the Rainbow vì thế cũng gắn liền với chất giọng trong trẻo và sau này là cả cuộc đời của nữ diễn viên thủ vai Dorothy trong The Wizard of Oz – Judy Garland. Làm quen với sân khấu từ tuổi lên 2, được ông trùm quyền lực của hãng phim Metro-Goldwyn-Mayer là Louis B. Mayer mời ký hợp đồng độc quyền khi mới 13 tuổi, năm 17 tuổi làm cả nước Mỹ mê đắm qua vai diễn Dorothy trong The Wizard of Oz, tưởng như đường đời của cô gái nhỏ nhắn với giọng ca vàng Judy Garland sẽ chỉ là một thảm hoa hạnh phúc trong những năm tháng trưởng thành. Nhưng áp lực nặng nề trong suốt giai đoạn phải gánh trên mình cái vai “thần đồng điện ảnh” lại đã khiến cuộc đời Judy Garland trở nên bi thảm hơn bao giờ hết. Bà vẫn giữ được giọng hát tuyệt vời, vẫn mang trong mình cái duyên sân khấu không ai có thể lấy đi, nhưng ma me, sự quyến rũ của những viên thuốc ngủ và thuốc giảm cân – những “người bạn” quen thuộc của Garland từ ngày còn phải liên tục đóng phim không ngừng nghỉ dưới chế độ làm việc hà khắc của Louis B. Mayer đã biến cô bé Dorothy dễ thương trở thành một “thảm hoạ” của các ông bầu vì thường xuyên trễ giờ hoặc bỏ xuất diễn. Việc thiếu vắng hơi ấm gia đình thời niên thiếu cũng khiến Judy Garland khi trưởng thành luôn khao khát thứ tình cảm khó kiếm này tới mức đôi khi cô trao gửi niềm tin và trái tim nhầm chỗ cho những người chỉ biết lợi dụng danh tiếng của cô bé Dorothy năm nào và đẩy cô đến chỗ táng gia bại sản. Nghiện ngập, nợ nần, chẳng có nổi một chỗ dựa vững chắc trong đời tư hay công việc, những năm tháng trưởng thành của Judy Garland thật sự quá khác biệt so với những gì cô bé Dorothy năm xưa hằng mong muốn khi cất lên những câu hát thánh thót của Over the Rainbow

Judy – tác phẩm mới nhất của đạo diễn Rupert Goold là bộ phim tiểu sử về ngôi sao huyền thoại trong những năm tháng bên kia sườn dốc ấy. Đó là giai đoạn Judy Garland (Renée Zellweger) vừa phải vật lộn với chứng nghiện rượu và thuốc triền miên, vừa phải góp nhặt từng đồng trên sàn diễn để trang trải nợ nần với hy vọng giành lại được quyền nuôi hai đứa con nhỏ Lorna (Bella Ramsey) và Joey (Lewin Lloyd) từ tay người chồng cũ vốn từng một thời hỗ trợ nhiệt thành cho cô trong vai trò người quản lý Sidney Luft (Rufus Sewell). Dù vẫn sở hữu khả năng làm chủ sân khấu và đặc biệt là vẹn nguyên giọng hát trời phú, nhưng vô số bê bối lớn nhỏ bên trong và bên ngoài sân khấu khiến Judy Garland không còn được các ông chủ thính phòng tại Hoa Kỳ chào đón và phải trôi dạt sang tận nước Anh xa xôi để tìm vận may tại hộp đêm Talk of the Town của ông chủ Bernard Delfont (Michael Gambon) với hy vọng rằng công chúng Anh hoài cổ và vẫn còn chưa biết tới những tai tiếng lan tràn của bà của Hoa Kỳ sẽ vẫn tìm tới để được xem, được nghe ngôi sao họ từng hâm mộ từ những năm trước Chiến tranh thế giới. Với sự hỗ trợ tận tuỵ của cô trợ lý nghiêm cẩn người Anh Rosalyn Wilder (Jessie Buckley) và sau đó là sự xuất hiện của anh chàng người yêu kém 12 tuổi Mickey Deans (Finn Wittrock), Judy Garland dần tìm lại được sự tự tin khi đứng trước đám đông và chiếm trọn tình cảm của công chúng Anh quốc khó tính. Nhưng cũng như nỗi ám ảnh vẫn luôn đeo đuổi đến từ những lời đe doạ thấu tim can của Louis B. Mayer (Richard Cordery) “thửa” riêng cho ngôi sao nhí của hãng MGM năm nào, những rắc rối đời tư, và tất nhiên là cả bệnh tật, nghiện ngập, và các vấn đề về tâm lý khác vẫn không buông tha ngôi sao nhỏ bé và yếu đuối đã bắt đầu ở cái tuổi chớm đông của cuộc đời. Càng cố gắng, Judy Garland càng nhận ra rằng có lẽ chốn tươi đẹp “bên kia cầu vồng” chỉ mãi là một thứ gì đó bên kia bờ ảo vọng mà bà chẳng bao giờ có thể vươn tới.

Renée Zellweger từng được coi là một trong những ngôi sao hạng A của Hollywood với nhiều thành công cả ở phòng vé và các lễ trao giải nhờ vào những vai diễn đáng nhớ như Dorothy Boyd trong Jerry Maguire (1996), Bridget Jones trong loạt phim Nhật ký tiểu thư Jones (2001, 2004, 2016), Roxie Hart trong Chicago (2002), và Ruby Thewes trong Cold Mountain (2003) – bộ phim đã đem lại cho Zellweger một giải Oscar cao quý ở hạng mục Vai nữ phụ xuất sắc nhất. Tuy nhiên trong suốt hơn một thập niên vừa qua, cũng như rất nhiều ngôi sao nữ khi đã toan về già ở cái tuổi 40, 50, Zellweger dần bị báo chí và công chúng quên lãng sau nhiều bộ phim không thành công, một giai đoạn rất dài suốt 6 năm trời không xuất hiện trên màn ảnh lớn, và một khuôn mặt ngày càng biến đổi và xơ cứng. Bởi vậy mà khi có tin Renée Zellweger được đạo diễn sân khấu người Anh Rupert Goold mời vào bộ phim điện ảnh hiếm hoi của ông Judy, rất nhiều người hâm mộ đã thầm hy vọng rằng Zellweger có thể lấy lại phong độ thời những năm cuối thập niên 1990, đầu thập niên 2000 của cô qua một vai diễn nặng ký và có chiều sâu về một huyền thoại điện ảnh cũng chạc ở vào cái tuổi của cô khi được đưa lên màn ảnh lớn – Judy Garland. Và những người đặt hy vọng vào sự hồi sinh của Renée Zellweger trong vai diễn này hẳn đã hài lòng khi lại được thấy một Zellweger chưa bao giờ là ngôi sao xinh đẹp nhất nhưng lại luôn là người khéo léo nhất trong việc khắc hoạ những góc cạnh khác nhau của nhân vật. Từ những cử chỉ lúng túng, vụng về, yếu đuối đến đáng thương ngoài đời thường đến sự khéo léo, tinh tế trong từng câu hát và uy lực làm chủ mọi sân khấu lớn, cả hai gương mặt tưởng chừng hoàn toàn trái ngược của Judy Garland được Renée Zellweger thể hiện một cách hoàn hảo bất chấp việc cơ mặt xơ cứng cùng hình thể tương đối khác biệt (Zellweger cao hơn Garland tới 12 cm) là những yếu tố không dễ gì vượt qua cho một diễn viên đã lâu không có những vai diễn đỉnh cao như Zellweger. Cũng đang trải nghiệm những năm tháng khủng hoảng của tuổi 40 – giai đoạn mà chính Judy Garland đã chẳng thể vượt qua, có lẽ Renée Zellweger đã suy nghĩ rất nhiều để chắt chiu tới từng cảnh quay trong “Judy” sao cho khi nhìn vào diễn xuất của cô, khán giả sẽ có thể phần nào đó cảm nhận được những ngày tháng, những nấc thang cuối cùng trước khi bước lên Thiên Đường của Judy Garland thay vì cảm thấy khó chịu vì khuôn mặt không còn thể hiện được nhiều cung bậc cảm xúc như của Renée Zellweger. 

Thật tiếc cho Renée Zellweger là khi so sánh với nỗ lực của cô để thể hiện thành công một vai diễn nặng ký như Judy Garland thì kịch bản của Judy do Tom Edge chắp bút dựa trên vở nhạc kịch End of the Rainbow của tác giả người Anh Peter Quilter lại không thực sự quá ấn tượng. Hầu như tất cả những người có chút am hiểu về điện ảnh hay lịch sử của Hollywood đều đã biết tới cuộc đời rất nhiều bi kịch của Judy Garland, có lẽ bởi vậy mà Judy vừa cố gắng tái dựng lại được những ngày tháng buồn bã cuối đời của huyền thoại Hollywood, nhưng đồng thời cũng muốn truyền tải tới khán giả tinh thần kiên cường, lạc quan bất chấp gian khó bất hạnh của người ca sĩ nhỏ bé gần như cả đời sống dưới ánh đèn của sàn diễn. Tuy nhiên bộ phim lại không có nhiều điểm nhấn với một kịch bản tương đối chậm, truyện phim không có cao trào, và tuyến nhân vật không thực sự được chăm chút ngoại trừ nhân vật trung tâm Judy Garland. Để so sánh, La Môme (2007) của đạo diễn người Pháp Olivier Dahan cũng là một tác phẩm tiểu sử về một nữ danh ca bé nhỏ với số phận nhiều bi kịch là Édith Piaf. Cùng sở hữu nhiều trường đoạn đặc tả ngôi sao của bộ phim trên sân khấu, nhưng khác với Judy, La Môme còn dành rất nhiều thời gian để đem tới khán giả những gương mặt khác ở phía sau cánh gà, những góc khuất trong tâm hồn của nữ ca sĩ huyền thoại thông qua chính lời kể của bà, và thông qua cả tính cách, số phận của những người người Édith Piaf hết mực yêu thương. Bởi vậy mà kể cả khi đã biết rất rõ sự nghiệp và đời tư của Édith Piaf – những chi tiết vốn đã được báo chí và truyền thông khai thác triệt để, người xem vẫn thấy hào hứng với La Môme khi họ được hiểu thêm về những cái tên đã để lại dấu ấn trong cuộc đời người ca sĩ, được hoà nhịp cảm xúc với những câu hát của Piaf cùng lúc với việc dõi theo những khúc quanh trong cuộc đời bà. Judy không có được những nhân vật phụ đáng nhớ như thế, bởi những nhân vật ít nhiều có ảnh hưởng tới Judy Garland trong những năm cuối đời như hai đứa con nhỏ Lorna và Joey, hai hai người chồng một mới một cũ Mickey Deans và Sidney Luft xuất hiện hết sức nhạt nhoà không chỉ bởi một kịch bản thiếu đất diễn mà còn vì diễn xuất cũng không mấy ấn tượng của Finn Wittrock và Rufus Sewell. Ngoại trừ phân đoạn rất cảm động trong tiếng hát của Over the Rainbow ở phần cuối phim, Judy cũng không có được những phân đoạn lồng ghép nhịp nhàng các ca khúc nổi bật trong sự nghiệp của Judy Garland với những thời điểm đáng nhớ trong cuộc đời bà như cái cách Olivier Dahan đã thực hiện một cách rất tài tình cho “La Môme”. Bởi vậy mà sau khi xem xong Judy, hẳn nhiều khán giả sẽ vẫn cảm thấy tiếc nuối và thòm thèm bởi sự thiếu vắng những chi tiết “đắt”, những nhân vật đủ sức năng cho một bộ phim tiểu sử lớn đầu tiên về ngôi sao bi kịch Judy Garland. 

Là ca sĩ của nhiều ca khúc tươi vui, nhưng cuộc đời của Judy Garland, đặc biệt là những năm ở phía bên kia sườn dốc có rất nhiều nốt trầm. Dù không phải là một tác phẩm hoàn hảo, nhưng Judy đã “tròn vai” trong việc đem tới khán giả những nốt trầm ấy nhờ vào diễn xuất tuyệt vời của Renée Zellweger trong một vai diễn đánh dấu sự trở lại của ngôi sao 50 tuổi này. Và quan trọng hơn cả, Judy còn có một nốt cao mà bản thân Judy Garland vẫn luôn lưu giữ trong chiếc cổ họng thần thánh và trong cả trái tim của bà – đó là tình yêu mãnh liệt đối với khán giả, với sân khấu, với niềm tin rằng bà đã, và sẽ luôn có thể đem lại niềm vui, đem lại sự hy vọng cho những khán giả yêu quý bà. Bởi thế mà dù đã tròn nửa thế kỷ kể từ ngày bà từ giã cuộc đời trần tục để đến với chốn thần tiên xứ Oz, những câu hát thánh thót của bà vẫn là niềm động viên, vẫn là sự khích lệ cho những người yêu quý giọng hát Judy Garland rằng ở phía bên kia cầu vồng, quả thực vẫn còn rất nhiều hy vọng, rất nhiều hạnh phúc đợi chờ. 

=========

Jojo Rabbit (2019)


Trong giai đoạn cuối Chiến tranh thế giới thứ hai, nước Đức dần trở nên kiệt quệ vì phải căng mình trên cả hai mặt trận phía Đông và phía Tây. Những thành phố nhỏ của nước Đức vì thế mà tuy chưa bị bom đạn tàn phá nhưng cũng dần cảm nhận được sự kiệt quệ của chiến tranh thông qua sự vắng mặt ngày một dài hơn, và nhiều hơn, của những gương mặt đàn ông Đức đang phải bán mạng nơi chiến trường theo tiếng gọi và mệnh lệnh của Quốc trưởng Adolf Hitler. Cha của cậu nhóc mười tuổi Johannes "Jojo" Betzler (Roman Griffin Davis) là một trong những người như thế khi phải bỏ lại con trai và người vợ xinh đẹp Rosie Betzler (Scarlett Johansson) để chiến đấu ở tận nước Ý xa xôi mà không biết ngày nào mới quay trở lại. Vắng hơi ấm của cả người cha đi xa và người mẹ quá bận bịu vì những công việc của một phụ nữ thời chiến, lại vừa mất đi người chị gái Inge vì căn bệnh cúm quái ác, Jojo chỉ còn biết tìm niềm vui với “lý tưởng” yêu thích của cậu – đó là tất cả những gì dính dáng đến Đảng Quốc xã và lãnh tụ của Đảng này “kiêm” người bạn tưởng tượng của cậu – Adolf Hitler (Taika Waititi). 

Với ước mơ trở thành “người lính” ưu tú của quân đội Đức Quốc xã trong đầu, Jojo và cậu bạn ục ịch “thân chỉ sau Hitler” Yorki (Archie Yates) gia nhập trại hè Thiếu niên Quốc xã do viên đại uý độc nhãn Klenzendorf (Sam Rockwell) làm trại chưởng. Dưới sự “dìu dắt” của Klenzendorf và những huấn luyện viên mẫn cán như “chị” Rahm (Rebel Wilson), Jojo chợt nhận ra rằng mình chỉ là một cậu nhóc thỏ đế ghét bạo lực, không dám thẳng tay chém giết theo lệnh cấp trên như một yêu cầu bắt buộc của quân đội Đức Quốc xã. Nhưng với sự động viên của người bạn tưởng tượng Adolf Hitler và “tình yêu” bất tận với Chủ nghĩa Quốc xã, Jojo “Thỏ đế” quyết tâm chứng tỏ mình vẫn là thỏ, nhưng là một chú thỏ dũng cảm bằng việc … giật lấy trái lựu đạn huấn luyện của Đại uý Klenzendorf để nếm thử cảm giác trên sa trường. Tiếc là anh hùng đâu chẳng thấy, chỉ thấy một trái lựu đạn cầm tay nổ tung ngay dưới chân Jojo và biến cậu bé trở lại thành chú thỏ thương binh khập khiễng, biến dạng mặt phải ru rú ở nhà trong lúc chúng bạn như Yorki ục ịch đang có cơ hội “cống hiến” cho tổ quốc. Nhưng chính trong những tháng ngày buồn chán ấy, Jojo mới có cơ hội phát hiện ra rằng đang trú ẩn trong căn phòng cũ của người chị đã mất Inge, là cô gái người Do Thái có tên Elsa Korr (Thomasin McKenzie). Phải xa bố và mất đi người chị thân yêu, nhưng tính ra Jojo vẫn còn hạnh phúc chán nếu so với Elsa – cô gái mới lớn nhưng đã mất đi tất cả những người thân trong gia đình trong cơn cuồng nộ của chiến dịch diệt chủng người Do Thái do chính những “thần tượng” của Jojo trong Đảng Quốc xã tiến hành. Ngay cả khi đã thoát được những chuyến tàu chết chóc đưa người Do Thái đến với các trại tập trung và được bà Rosie đồng ý che chở trong căn hộ rộng lớn của nhà Betzler, thì Elsa vẫn phải ngày đêm sống trong nỗi lo sợ bị những gã mật vụ Gestapo như đại uý Deertz (Stephen Merchant) phát hiện và treo cổ ngay giữa quảng trường như vô số những nạn nhân vô tội khác của chủ nghĩa Quốc xã. Bởi thế mà cuộc đời thật trớ trêu khi để Jojo phát hiện ra Elsa, bởi rõ ràng “lòng trung thành” với Hitler và những ngày tháng tắm mình trong luận điệu tuyên truyền bài Do Thái của Đức Quốc xã là động lực rất lớn để cậu bé khập khiễng “chỉ điểm” ngay cho mật vụ Gestapo về sự tồn tại của cô gái Do Thái. Nhưng ở thái cực ngược lại, nỗi cô đơn cùng cực của một cậu bé lớn lên giữa chiến tranh tàn khốc cùng sự hồn nhiên và tò mò của con trẻ lại khiến Jojo nhận ra rằng chỉ có ở Elsa, cậu mới có thể tìm thấy một tình bạn, một người đồng hành hiếm hoi trong thời điểm sự tàn khốc, bạo liệt của chiến tranh đang cận kề.

Jojo Rabbit là tác phẩm mới nhất của đạo diễn chuyên trị phim hài người New Zealand Taika Waititi. Với công chúng quốc tế, có lẽ Waititi được biết tới nhiều nhất qua tác phẩm được đánh giá rất cao trong loạt phim thuộc Vũ trụ siêu anh hùng Marvel là Thor: Ragnarok (2017). Tuy vậy kể cả trước khi những hình ảnh sống động, rực rỡ và phong cách tươi vui của Thor: Ragnarok chinh phục khán giả toàn thế giới, thì vị đạo diễn 44 tuổi có cha là người gốc thổ dân Māori thực ra đã gây dựng được cho mình một phong cách đặc trưng qua những bộ phim đầy ắp những chi tiết hài hước ngây thơ con trẻ, nhưng cũng lại ẩn chứa nhiều thông điệp xã hội ý nhị như What We Do in the Shadows (2014) hay Hunt for the Wilderpeople (2016). Tuy nhiên nếu so với những tác phẩm hài trước đây thì chắc chắn Jojo Rabbit là một thử thách lớn đối với Taika Waititi bởi bộ phim này động tới một đề tài rất dễ để chỉ trích nhưng cực khó để khắc hoạ một cách hài hước – đó là nạn diệt chủng người Do Thái từ góc nhìn của những người sống dưới chế độ Quốc xã. Có ông ngoại là người Nga gốc Do Thái, hẳn Taika Waititi từ lâu cũng đã muốn làm một tác phẩm về nỗi đau nhức nhối suốt gần một thế kỷ qua của người Do Thái theo cái cách Steven Spielberg đã đem tới cho công chúng Bản danh sách của Schindler (1993) hay Roman Polanski giới thiệu The Pianist (2002) cho người yêu điện ảnh. Nhưng hiếm có đạo diễn người Do Thái nào lại chọn cách khắc hoạ bị kịch lớn nhất trong lịch sử thế giới hiện đại một cách hài hước châm biếm, qua góc nhìn của một cậu bé sống theo “lý tưởng” của phe ác – Đức Quốc xã như cách Taika Waititi thực hiện với Jojo Rabbit – bộ phim do chính ông chắp bút viết kịch bản. Quả thực phần đầu của Jojo Rabbit dù rất hài hước nhưng vẫn tạo ra chút gợn trong lòng khán giả bởi họ được chọc cười bởi những hành động, câu thoại, tình huống đầy châm biếm đến từ Jojo “Thỏ đế” và những người xung quanh cậu – trong đó có rất nhiều đại diện tiêu biểu của chế độ Đức Quốc xã tàn bạo như Hitler, như Klenzendorf, như Rahm, nhưng đồng thời cũng phải đối mặt với vô số những luận điệu, tư tưởng độc hại, đen tối của chủ nghĩa Quốc xã vốn đã gây ra cái chết của hàng chục triệu người trên khắp châu Âu và ngay trong chính lòng nước Đức. Sự tương phản quá lớn giữa những tiếng cười của một bộ phim hài và bản chất tàn nhẫn vô nhân tính của một chế độ không ai có thể biện hộ có lẽ sẽ khiến nhiều khán giả cảm thấy phần nào đó mất phương hướng khi xem phần đầu của Jojo Rabbit bởi họ không hiểu truyện phim sẽ diễn tiến theo chiều hướng nào, hay đơn giản là họ nên dành tình cảm cho ai khi mà ngay chính cậu bé Jojo “Thỏ đế” cũng lại chính là “cái loa” to nhất cho những lập luận lố bịch của chủ nghĩa Quốc xã. 

Nhưng việc Taika Waititi đặt chính bản thân ông vào thế khó với cách lựa chọn đề tài và phần mở đầu gây nhiều chới với của Jojo Rabbit hoá ra lại chính là cơ hội để khán giả một lần nữa được hiểu thêm về tài năng thực sự của vị đạo diễn người New Zealand này. Bởi càng xem, họ sẽ càng nhận ra rằng Jojo Rabbit không chỉ là một tác phẩm hài thông thường, mà còn là một bộ phim được làm ra bởi một nghệ sĩ có trái tim lớn để nói lên câu truyện về số phận của những đứa trẻ sinh ra và lớn lên giữa sự tàn khốc của Chiến tranh thế giới thứ hai. Đây thực ra không hẳn là một đề tài mới, bởi điện ảnh thế giới đã chứng kiến rất nhiều tác phẩm xuất sắc khắc hoạ hình ảnh những đứa trẻ phải vật lộn tìm đường tồn tại giữa bom đạn cuộc chiến và sự tàn bạo của các bên tham chiến, nhất là Đức Quốc xã, như Idi i smotri (1985) của đạo diễn Sô viết Elem Klimov, Au revoir les enfants (1987) của Louis Malle, Mộ đom đóm (1988) của Isao Takahata, Pan's Labyrinth (2006) của Guillermo del Toro, hay gần đây là In This Corner of the World (2016) của Sunao Katabuchi. Một điểm chung của các bộ phim hết sức cảm động này là việc các đạo diễn thường nhấn rất mạnh vào sự tương phản giữa một bên là sự vô nhân tính của chiến tranh, một bên là sự ngây thơ con trẻ  và tình yêu thương vô bờ bến các em dành cho những người xung quanh kể cả ở bờ vực giữa sự sống và cái chết. Jojo Rabbit cũng là một tác phẩm như thế, bởi Waititi đã đem tới cho người xem những phút giây cảm động khi được chứng kiến sự trân quý Jojo “Thỏ đế” dành cho cậu bạn Yorki, dành cho Elsa, và đặc biệt là tình cảm của cậu đối với người mẹ Rosie xinh đẹp. Trong một năm có tới hai vai diễn “người mẹ” xuất sắc (cùng với vai Nicole Barber trong Marriage Story), Scarlett Johansson dù không có quá nhiều đất diễn trong “Jojo Rabbit” nhưng vẫn khiến khán giả chẳng thể quên diễn xuất ăn ý của cô cùng cậu bé bạn diễn nhí Roman Griffin Davis – người thủ vai Jojo “Thỏ đế”. Trong một bộ phim có rất nhiều tiếng cười, rất nhiều những cảnh quay ấn tượng, có lẽ đáng nhớ nhất với nhiều khán giả vẫn lại là cái nhìn đầy yêu thương Rosie dành cho Jojo, hay cái cách cô cẩn thận buộc dây giày cho cậu nhóc hậu đậu. Một chi tiết thú vị mà hẳn nhiều khán giả cũng sẽ nhận ra khi xem phim, đó là việc Taika Waititi đã lựa chọn Scarlett Johansson – một nữ diễn viên gốc Do Thái để vào vai một phụ nữ Đức “thứ thiệt” sống giữa lòng một nước Đức đang ở đỉnh điểm của chủ nghĩa bài Do Thái. 

Sau phần mở đầu với nhiều dấu hỏi, Jojo Rabbit hẳn sẽ khiến nhiều khán giả cảm thấy hài lòng bởi rất nhiều những tiếng cười và tình cảm mà Taika Waititi đem tới cho khán giả nhờ vào một kịch bản nhẹ nhàng nhưng không kém phần kịch tính và diễn xuất ăn ý của Johansson, Griffin Davis, và McKenzie – cô bé thủ vai Elsa. Nhưng phần kết bùng nổ của bộ phim sẽ còn khiến người xem không chỉ hài lòng mà còn thấy ngạc nhiên trước cách Waititi đột ngột thay đổi nhịp độ của bộ phim để đem tới cho khán giả một góc nhìn rất khác về bóng ma chiến tranh vốn từ đầu phim mới chỉ lẩn quất đâu đây phía sau cuộc sống tưởng chừng thanh bình hết mực của một thành phố Đức nơi hậu phương. Nhưng chiến tranh là thế, sự huỷ diệt của chiến tranh ập tới vào chính những lúc người ta không thể ngờ tới để cuốn đi mọi thứ, từ nhà cửa, tài sản, cho tới sinh mạng của những người dân vô tội. Để những bi kịch của chiến tranh không lặp lại, chỉ có một cách duy nhất là giữa người với người chúng ta có thể yêu thương, trân trọng, và mở lòng cho nhau theo cái cách Jojo “Thỏ đế” đã mở lòng đối với mọi người xung quanh cậu, kể cả với những người cậu được dạy là “kẻ thù” như Elsa. Có lẽ đó là một trong những thông điệp mà Taika Waititi muốn đem tới cho khán giả - muốn gìn giữ cuộc sống thanh bình cho những đứa trẻ như Jojo, như Yorki, như Elsa, mỗi người trong chúng ta cũng cần luôn giữ trong mình chút gì đó hồn nhiên, ngây thơ của con trẻ như chính cái cách Waititi đã thực hiện Jojo Rabbit – một tác phẩm về diệt chủng, về chiến tranh, nhưng vẫn tràn đầy sự yêu thương và trí tưởng tượng của trẻ con. 

=======

The Irishman (2019)


Là một cựu binh trở về từ chiến trường Ý sau Chiến tranh thế giới lần thứ II, Frank Sheeran (Robert De Niro) chỉ có thể kiếm sống bằng cách rong ruổi với chiếc xe tải chuyên chở đồ đông lạnh ở thành phố công nghiệp đông đúc Philadelphia. Thường tranh thủ “kiếm thêm” bằng cách tuồn đồ đông lạnh cho các băng nhóm mafia, cuối cùng Frank Sheeran cũng bị bắt quả tang và phải ra hầu toà với bản án tù gần như không thể tránh khỏi. Nhưng nhờ có tinh thần mã thượng “thà đi tù chứ không khai ra đồng phạm”, Sheeran nhận được sự hỗ trợ từ tay luật sư lọc lõi Bill Bufalino (Ray Romano) để thoát tội và còn được Bill giới thiệu cho người anh họ Russell “McGee” Bufalino – một tay mafia thứ thiệt với rất nhiều quan hệ trong cả giới tội ác và các nghiệp đoàn của công nhân vốn là thế lực đáng gờm trong xã hội và chính trị Hoa Kỳ những năm giữa thế kỷ 20. Chẳng ngại ngùng bất cứ việc gì được Russell Bufalino giao, từ bảo kê cho tới giết người, tay lái xe tải gốc Ireland Frank Sheeran nhanh chóng trở thành tay anh chị cộm cán Frank “gã Ireland” Sheeran và cuối cùng được anh em nhà Bufalino giao phó cho nhiệm vụ quan trọng là làm trợ tá cho Jimmy Hoffa (Al Pacino) – chủ tịch công đoàn Teamsters. Là công đoàn có tới cả vài triệu thành viên là những tài xế lái xe đường dài – những người duy trì huyết mạch kinh tế cho toàn nước Mỹ, Jimmy Hoffa lẽ dĩ nhiên được coi là một trong những nhân vật quan trọng nhất của chính trường nước Mỹ với tài hùng biện cuốn hút người nghe và cách sống nhiệt thành, hết mình vì các “đồng chí” trong cùng nghiệp đoàn. Tất nhiên đã có quyền lực thì không thể quên kiếm tiền, Hoffa sử dụng nguồn quỹ gần như vô hạn của công đoàn Teamsters để cho chính các băng đảng mafia như băng của Bufalino vay để đổi lại lấy các khoản lãi lớn cùng sự bảo vệ của thế giới ngầm trước các đối thủ cạnh tranh trên chính trường. Sheeran chính là người được giao bảo vệ Jimmy Hoffa khỏi những mưu toan như vậy, nhưng sức cuốn hút quá lớn của Hoffa cùng những vị trí trong công đoàn Teamsters được Hoffa hứa hẹn đã biến Sheeran dần trở thành một cộng sự, một người bạn thân tín của Jimmy Hoffa. Tuy nhận được sự bảo kê đến tận răng như vậy của thế giới ngầm nhưng Jimmy Hoffa khó lòng thoát khỏi sự truy đuổi của chính chính phủ Hoa Kỳ - những người luôn nghi ngờ các phi vụ làm ăn mờ ám của Hoffa nói riêng và muốn làm giảm ảnh hưởng của các tổ chức công đoàn như Teamsters nói chung. Sức ép chính trị đã dần tạo ra những rạn nứt trong quan hệ giữa Hoffa và các băng đảng mafia của anh em nhà Bufalino hay băng của Anthony "Tony Pro" Provenzano (Stephen Graham) và đặt Frank Sheeran vào thế kẹt giữa một bên là các “đại ca”, một bên là người bạn – người đỡ đầu. Liệu Frank Sheeran có thể giải quyết được bài toán khó này? Và liệu “gã người Ireland” có liên quan gì đến sự mất tích sau đó của Jimmy Hoffa – một trong những vụ mất tích bí ẩn và khiến báo chí Hoa Kỳ tốn nhiều giấy mực nhất trong suốt nửa thế kỷ qua? Khán giả sẽ có được một câu trả lời với mức độ xác thực nhất định qua bộ phim mới nhất của đạo diễn Martin Scorsese – “The Irishman”.

Trong vài năm trở lại đây, hãng phân phối phim trực tuyến Netflix đã vấp phải khá nhiều chỉ trích đến từ giới làm phim kiểu truyền thống, trong đó có cả những tên tuổi lớn như đạo diễn Steven Spielberg hay ban tổ chức của Liên hoan phim Cannes bởi Netflix đã phần nào đó làm “tầm thường hoá” trải nghiệm điện ảnh của người xem - những người sẵn sàng vì sự tiện lợi của Netflix trên màn ảnh nhỏ mà bỏ qua việc tới rạp phim để tận hưởng chất lượng hình ảnh và âm thanh thực sự của các nhà làm phim. Nhưng nói đi cũng phải nói lại, chính nhờ có túi tiền gần như là “không đáy” cùng khả năng đem tác phẩm điện ảnh tới bất cứ khán giả nào có thể tiếp cận với Internet, Netflix đã tạo cơ hội hiếm hoi cho những bộ phim nghệ thuật tốn kém mà những hãng phim truyền thống đã không còn mặn mà bởi những tác phẩm dạng này chứa đựng những rủi ro tài chính quá cao khi phải so sánh với các bộ phim siêu anh hùng, phim “làm lại”, hay phim “phần kế tiếp”. The Irishman là một tác phẩm như thế. Dù được coi là một trong những tên tuổi lớn nhất của Hollywood trong suốt nửa thế kỷ qua, nhưng Martin Scorsese phải mất tới gần một thập niên loay hoay để tìm được nguồn tài chính cần thiết từ “bầu sữa” của Netflix để có thể chuyển thể tiểu thuyết điều tra I Heard You Paint Houses của Charles Brandt lên màn ảnh lớn. Rõ ràng với thời lượng dài tới 3 tiếng 20 phút, kinh phí lên tới trên 150 triệu đô la – ngang ngửa với một bộ phim siêu anh hùng, The Irishman khó có thể coi là một khoản đầu tư hấp dẫn cho các hãng phim kiểu truyền thống đang phải vật lộn với lượng khán giả đến rạp ngày một giảm sút. Nhưng Netflix có những tính toán riêng của họ. Họ cần hút khán giả tới trang web phân phối phim trực tuyến của mình bằng những tên tuổi lớn. Họ cũng cần những bộ phim có chất lượng thực sự để chứng tỏ rằng Netflix không chỉ là điểm đến của những loạt phim truyền hình hay những tác phẩm “đã nguội” trên thị trường. Với uy tín của một đạo diễn chưa từng xuống tay sau nửa thế kỷ làm phim của Martin Scorsese, ngòi bút xuất sắc của biên kịch Steven Zaillian – tác giả kịch bản của Schindler's List (1993) và Moneyball (2012), và đặc biệt là sự xuất hiện của bộ ba Robert De Niro – Al Pacino – Joe Pesci, The Irishman rõ ràng đã mang theo rất nhiều hy vọng của Netflix.

Nhưng Netflix hy vọng một, thì người yêu phim hy vọng mười. Bởi với The Irishman người xem lần đầu tiên được chứng kiến sự tái ngộ của bộ ba huyền thoại Scorsese – De Niro – Pesci sau đúng một phần tư thế kỷ kể từ Casino (1995). Câu truyện về tình bạn và sự phản bội, bi kịch về sự sụp đổ của những tay giang hồ tưởng chừng mã thượng nhưng chẳng thể thoát khỏi hố tràm của tội ác và bạo lực qua sự thể hiện ăn ý tới từng câu thoại, từng ánh mắt của Robert De Niro và Joe Pesci qua Casino và đặc biệt là Raging Bull (1980) và Goodfellas (1990) – hai bộ phim xuất sắc bậc nhất trong sự nghiệp đạo diễn của Martin Scorsese đã và sẽ luôn in dấu ấn đậm nét trong trí nhớ của bất cứ người xem nào có may mắn được theo dõi các tác phẩm kinh điển của dòng phim tội ác này. Không chỉ dừng lại ở đó, The Irishman còn là lần đầu tiên đạo diễn 77 tuổi người Mỹ có cơ hội hợp tác với Al Pacino – một huyền thoại khác của dòng phim tội ác và là người cùng với Scorsese, De Niro, Spielberg, Coppola làm nên làn sóng mới New Hollywood cho điện ảnh Hoa Kỳ. Và quả thực, “đội hình trong mơ” ấy đã làm khán giả hết sức thoả mãn với một tác phẩm tinh tuyền của dòng phim tội ác. Tuy Al Pacino đã 79 tuổi còn De Niro và Pesci cũng đã 76 nhưng cả ba đã cho thấy họ phần nào đó vẫn giữ được uy lực diễn xuất và cá tính riêng gần như chưa bị tuổi tác bào mòn. Joe Pesci thâm trầm đúng chất một tay mafia trong vai Russell “McGee” Bufalino, Al Pacino đầy năng lượng, nhiệt thành nhưng cũng hết sức “cứng đầu” trong vai lãnh tụ công đoàn Jimmy Hoffa, còn Robert De Niro nóng tính và bạo lực nhưng cũng hết mực trung thành và tận tâm vì bạn bè chiến hữu trong vai “gã Ireland” Frank Sheeran – cả ba không chỉ là những số phận gắn liền với thế giới ngầm của những băng đảng mafia và những công đoàn đầy thế lực nhưng cũng lắm vết chàm như Teamsters, mà còn tạo nên một bức tranh sống động về xã hội phồn vinh có nhưng tao loạn cũng nhiều của nước Mỹ thập niên 1960 và 1970. Trong số ba cái tên đã vào hàng huyền thoại này thì xuất sắc hơn cả có lẽ là Robert De Niro trong vai trung tâm của phim Frank “gã Ireland” Sheeran. Chính những lời kể không rõ bao nhiêu phần thật, bao nhiêu phần hư cấu của Sheeran đã giúp Charles Brandt viết nên cuốn sách “I Heard You Paint Houses” để giải đáp cho sự mất tích bí ẩn suốt gần nửa thế kỷ qua của Jimmy Hoffa và là nguồn cảm hứng để Robert De Niro quay trở lại với “người quen cũ” Martin Scorsese sau một phần tư thế kỷ với The Irishman. Bởi vậy không lạ khi vai Frank Sheeran được Scorsese và biên kịch Steven Zaillian đặt vào trung tâm của bộ phim. Nhưng được kịch bản chăm chút là một chuyện, thể hiện một cách thành công nhân vật có rất nhiều thái cực tình cảm đối lập – từ cầm súng giết đối thủ không ghê tay tới dõi theo đứa con gái yêu quý với ánh mắt âu lo hết mực, từ nhiệt thành ủng hộ cho từng đường đi nước bước của người “đồng chí” trong Công đoàn cho tới xuống tay hạ thủ chính người đồng chí ấy chỉ vì nhận lệnh từ một thế lực còn cao hơn cả tình bạn – mafia, lại là một câu chuyện rất khác. Và Robert De Niro đã hoàn toàn thành công trong vai diễn rất đáng nhớ này. Tuy ngôi sao lớn người Mỹ mang cả dòng máy Ireland và Ý trong người này mới dành được một đề cử giải Oscar vai nam phụ năm 2012 cho vai diễn trong Silver Linings Playbook, nhưng rõ ràng để tìm thấy một vai diễn dày dặn, để lại nhiều ấn tượng trong lòng người xem như Frank Sheeran thì người xem sẽ phải quay tận về giai đoạn những năm đầu thập niên 1990 khi Robert De Niro vẫn còn đang ở đỉnh cao của dòng phim tội ác với một loạt các vai diễn xuất sắc liên tiếp trong Goodfellas (1990), Cape Fear (1991), Casino (1995) và Heat (1995). Bằng ánh mắt biết nói, bằng giọng nói khàn đục nhưng đầy cảm xúc, bằng từng cử chỉ dứt khoát có, ngập ngừng có, Robert De Niro đã giúp khán giả thực sự hiểu được số phận của Frank Sheeran – một gã giang hồ bên ngoài thừa bạo lực nhưng bên trong rất giàu tình cảm cứ chới với chìm dần trong hố sâu của tội ác để rồi mất đi tất cả những người mà gã trân quý nhất và phải sống những ngày cuối đời trong đơn độc, tiếc nuối. Chẳng còn lại gì sau một chặng đường đời rất dài nhuốm máu của một gã mafia chuyên “sơn tường” bằng vệt máu của những nạn nhân mà gã giết hại, Frank Sheeran chỉ còn lại một nụ cười méo xệch tưởng chừng ngạo nghễ nhưng thực ra là muôn vàn cay đắng. Chứng kiến con đường tự huỷ diệt của Frank Sheeran xuyên suốt bộ phim, có lẽ không khán giả nào cảm thấy thương xót “gã Ireland” nhưng hẳn cũng sẽ không ít người cảm thấy tiếc cho gã, như cái cách người xem năm nào thấy tiếc nuối cho tay võ sĩ quyền Anh Jake LaMotta – vai diễn xuất sắc bậc nhất trong sự nghiệp của Robert De Niro và từng mang lại giải Oscar thứ hai cho ông trong Raging Bull (1980) khi Jake gào lên với bức tường câm lặng những câu hỏi không ai có thể trả lời thay gã về nguồn cơn của mọi bất hạnh trong số phận một người đàn ông chỉ biết dùng bạo lực để làm giải pháp cho mọi khúc mắc trong cuộc đời. 

Tuy không có được chiều sâu như vai Frank Sheeran của Robert De Niro nhưng Al Pacino vẫn có được chỗ đứng riêng nhờ diễn xuất giàu năng lượng tới mức khó tin ở một diễn viên gạo cội đã sắp bước sang tuổi bát thập. Uy lực chưa bao giờ giảm sút trên màn ảnh lớn cùng sự nhiệt thành trong từng cảnh quay của Al Pacino đã giúp khán giả hiểu được phần nào lý do tại sao dù vướng phải không ít bê bối và tai tiếng về những phi vụ qua lại với giới mafia nhưng Jimmy Hoffa trong thập niên 1960 vẫn quan trọng “chẳng kém gì tổng thống Mỹ” với sự ủng hộ hết mình của cả triệu công đoàn viên vốn là những tay lái xe tải rong ruổi trên mọi nẻo đường nước Mỹ của nghiệp đoàn Teamsters. Dù có thể coi là hai cực đối lập của kịch bản The Irishman nhưng sự ăn ý trong diễn xuất giữa Al Pacino và Robert De Niro đã làm bật được lên những góc cạnh khó nói trong tính cách của Frank Sheeran và Jimmy Hoffa, đồng thời tạo được điểm nhấn cần thiết để giúp khán giả hiểu hơn, cảm hơn những khúc quanh định mệnh trong số phận của hai người. Sự tung hứng nhịp nhàng trong những câu thoại, tình bạn có phần “bất bình thường” giữa Sheeran và Hoffa có lẽ cũng sẽ làm khán giả nhớ lại những pha “đối thoại trong đối đầu” kinh điển mà Al Pacino và Robert De Niro đã đem tới cho người xem trong tuyệt phẩm của thể loại hành động Heat (1995) và giúp họ quên đi rằng sau đó cả hai còn cùng diễn chung trong một tác phẩm rất dở là Righteous Kill (2008). Hơi có chút đáng tiếc là nếu so với Al Pacino và Robert De Niro thì có lẽ Joe Pesci – sau nhiều năm giã từ những vai lớn trên màn ảnh đã xuất hiện một cách tương đối lặng lẽ trong vai diễn quan trọng là tay anh chị Russell Bufalino – gã mafia được nhiều người coi là đứng đằng sau sự mất tích bí hiểm của Jimmy Hoffa năm 1975. Tất nhiên nốt trầm của Pesci cũng có cái hay riêng khi nó giúp bộ ba Pacino – De Niro – Pesci có thêm một sắc lạnh, một sự im lặng cần thiết để mô tả sự tàn nhẫn đến rợn người nhưng vẫn đầy toan tính của thế giới mafia – thứ khó lòng có thể mô tả bằng nắm đấm của Sheeran hay những bài diễn thuyết cuốn hút của Hoffa. Tuy nhiên, xem xong bộ phim dài tới hơn ba tiếng, chắc ai từng hâm mộ bộ đôi De Niro – Pesci cũng sẽ cảm thấy tiếc rằng họ đã không được chứng kiến những màn đấu khẩu nảy lửa giữa hai người, hay những pha đe doạ đến lạnh gáy điển hình của một tay anh chị mafia và cũng là “sở trường” của Joe Pesci qua những vai diễn thành công của ông, đặc biệt là vai Tommy DeVitto trong Goodfellas

Mặc dù vậy, điểm gợn lớn nhất của không chỉ Joe Pesci mà cả Al Pacino và Robert De Niro trong The Irishman là việc bộ phim sử dụng rất nhiều kỹ xảo điện ảnh (CGI) để “làm trẻ” khuôn mặt của cả ba “lão nghệ sĩ” cho phù hợp với độ tuổi của các nhân vật trên phim. Tuy không ai có thể phủ nhận rằng các nghệ sĩ và kỹ sư kĩ xảo điện ảnh của The Irishman đã hết sức thành công trong việc quay ngược đồng hồ thời gian để tạo ra những Al Pacino, Robert De Niro, và Joe Pesci của những năm 80 thế kỷ trước một cách gần như hoàn hảo, tạo sự liền mạch không gượng ép về mặt hình ảnh trong mọi trường đoạn của bộ phim rất dài này. Nhưng nếu để ý kỹ, người xem vẫn có thể nhận ra rằng khuôn mặt của cả De Niro, Pacino, và Pesci đều có chút gì đó thiếu sự sống với những cơ mặt không được tự nhiên, những nét mặt khô cứng không thể làm khán giả không đặt ra câu hỏi rằng liệu những khuôn mặt khô cứng kia (đặc biệt là trong trường hợp của Joe Pesci) có phải chính là những khuôn mặt từng bao năm cuốn hút người xem qua từng thước phim của các tác phẩm huyền thoại của Hollywood.

Kỹ xảo điện ảnh, cùng thời lượng phim rất dài có lẽ là những trở ngại chính của The Irishman khi đến với công chúng yêu thích phim nói chung. Nhưng chỉ cần có một chút kiên nhẫn trong khoảng 30 phút đầu của phim, chắc chắn bất cứ người yêu điện ảnh nào cũng sẽ nhận ra được rằng họ đang được theo dõi một tác phẩm hết sức xuất sắc về tội ác, về xã hội, về cuộc sống, về con người của nước Mỹ trong một giai đoạn rất nhiều biến động trong lịch sử hiện đại của quốc gia này. Cách kể truyện mạch lạc, không lạm dụng kỹ xảo hay những chiêu trò câu kéo bằng các nút thắt mở hay bất ngờ không cần thiết, và sự chăm chút từng ly từng tí cho các nhân vật đã giúp Martin Scorsese chứng tỏ được rằng với The Irishman, ông vẫn xứng đáng là tên tuổi “bảo chứng” tốt nhất cho những tác phẩm tinh tuyền của dòng phim tội ác Hollywood. Và tất nhiên với những người đã yêu phim Scorsese suốt nửa thế kỷ qua, thì tác phẩm mới nhất này của ông chắc chắn là một món quà khó lòng bỏ qua, bởi bộ phim không chỉ có những tên tuổi lớn nhất từng gắn liền với sự nghiệp của Martin Scorsese như Robert De Niro và Joe Pesci, mà còn vì tác phẩm này chứa đựng tất cả những đặc điểm tiêu biểu nhất trong phong cách nghệ thuật của Scorsese, từ những trường đoạn độc thoại của nhân vật chính, những cú bấm máy dài, cách mô tả bạo lực, hành động gãy gọn không màu mè giả dối, và tất nhiên là những nhân vật nhiều màu sắc, anh hùng mã thượng có, nhưng bi kịch thì cũng rất nhiều.

Rất dài, nói về cuộc đời của những tay anh chị giang hồ nước Mỹ, kể lại được những câu truyện bi tráng về tình bạn và sự phản bội, chạm tới được những đổi thay trong lịch sử của quốc gia đa chủng tộc, đa văn hoá này, có lẽ những người yêu điện ảnh sẽ nghĩ ngay đến những đặc điểm chung này giữa The Irishman và một tác phẩm xuất sắc khác của dòng phim tội ác, đó là Once Upon a Time in America (1984) – tác phẩm cuối cùng trong sự nghiệp của đạo diễn người Ý Sergio Leone. Cũng có sự xuất hiện của bộ đôi Robert De Niro – Joe Pesci, Once Upon a Time in America dù khi ra đời chẳng giành được giải thưởng nào đáng kể, cũng không thành công về mặt thương mại, nhưng mãi mãi đi vào lòng khán giả nhờ những câu truyện đầy đau xót về những số phận bị đè chặt bởi tội ác, về những tình bạn tưởng lâu bền nhưng cuối cùng vẫn bị huỷ hoại bởi lòng tham, sự mù quáng đến từ tiền tài, danh vọng, sự hèn nhát. Những ai yêu thích Once Upon a Time in America năm xưa chắc chắn cũng sẽ yêu thích The Irishman bởi sự tương đồng giữa hai bộ phim. Nhưng với cả những người yêu phim nói chung, hãy đừng bỏ qua cả hai bộ phim bởi trong xu hướng làm phim thời hiện đại, sẽ là rất khó để những tác phẩm rất dài với cách kể truyện chỉn chu, không màu mè như Once Upon a Time in America trước kia và The Irishman hiện nay có thể tồn tại giữa vô vàn những bộ phim “mỳ ăn liền” kiểu “tiền truyện”, “hậu truyện” của Hollywood. Và những tác phẩm nghiêm cẩn như thế rất cần sự ủng hộ của những khán giả yêu phim, bởi không có sự ủng hộ đó, thật khó để Netflix – dù với hầu bao lớn tới cỡ nào – có thể tiếp tục là “Mạnh Thường Quân” cho những tác phẩm nghệ thuật đang dần trở thành của hiếm trên thị trường.

========

Ford v Ferrari (2019)


Le Mans 24 Giờ là một trong những cuộc đua danh giá nhất trên thế giới không chỉ bởi lịch sử lâu đời tới gần 100 năm, mà còn vì đây là một trường đua hết sức đặc biệt khi các đội đua phải so tài với nhau trong suốt 24 giờ đua liên tiếp vượt qua nhiều địa hình và điều kiện thời tiết khó khăn, đặc biệt là trong những chặng đua đêm. Bởi vậy mà chỉ cần một lần được đứng trên bục cao nhất của Le Mans thôi thì một tay đua cũng đã xứng đáng được liệt vào sổ vàng của làng đua thế giới, còn đội đua sở hữu chiếc xe đoạt giải cũng sẽ có quyền được ngẩng mặt tự hào sánh ngang với bất cứ ông lớn nào của ngành công nghiệp ô tô. Chính vì những lý do này mà người khổng lồ của ngành sản xuất ô tô Hoa Kỳ là hãng Ford – trong một nỗ lực làm mới hình ảnh và chiếm lại thị phần khách hàng trẻ sau nhiều năm làm ăn bết bát đã quyết định thử sức với trường đua xuyên đêm ở Le Mans. Để đạt được mục tiêu này, Phó Chủ tịch của Ford là Lee Iacocca (Jon Bernthal) đã thuyết phục ông chủ của hãng là Henry Ford II (Tracy Letts) thương thảo để mua lại hãng siêu xe Ferrari của “Bố Già đường đua” Enzo Ferrari (Remo Girone) – hãng sở hữu đội đua bá chủ đường đua Le Mans 24 Giờ trong nhiều năm nhưng lại đang rơi vào cảnh khó khăn tài chính đến mức gần phá sản. Tuy nhiên lòng tự trọng cao hơn núi của Bố Già Enzo và sự can thiệp ở những phút cuối cùng của ông lớn xe hơi Ý là Fiat đã khiến tham vọng của Ford đổ bể. 

Tự ái vì cảm giác bị Ferrari phản bội, và vẫn ấp ủ tham vọng “dời núi lấp bể” – dành chiến thắng trước Ferrari ngay trên chính Thánh địa Le Mans, Ford và Iacocca quyết định nhờ cậy tới Carroll Shelby (Matt Damon) – người từng giành chiến thắng tại Le Mans 24 Giờ năm 1959 nhưng rồi phải từ bỏ nghiệp đua vì bệnh tim đập nhanh và chuyển sang vai trò ông chủ hãng bán xe kiêm ông bầu của các đội đua xe độc lập. Nếu như Ford quan tâm tới doanh thu và danh tiếng bao nhiêu thì Shelby quan tâm tới chiến thắng ở “đường đua số 1” bấy nhiêu. Anh quyết định nhận lời thử thách của Ford với một điều kiện duy nhất, đó là được quyền lựa chọn tay lái chính cho đội đua của mình – yếu tố được Shelby coi là cốt tử cho bất cứ chiến thắng nào, đặc biệt là trên những chặng đua dài và phức tạp như ở Le Mans. Người được Carroll Shelby tin tưởng giao phó trách nhiệm này là Ken Miles (Christian Bale) – một cựu binh lái xe tăng Anh trong Chiến tranh thế giới thứ Hai trước khi di cư sang Mỹ để hành nghề thợ cơ khí ô tô kiêm tay đua nghiệp dư. Chỉ rong ruổi theo những đội đua độc lập eo hẹp về tài chính như của Shelby, Ken Miles không có nhiều cơ hội để dành chiến thắng, bởi vậy mà tình hình tài chính của gia đình nhà Miles cứ dần đi xuống trong sự lo lắng khôn nguôi của cô vợ Mollie (Caitriona Balfe) và cậu con trai Peter (Noah Jupe). Ford có rất nhiều tiền, Shelby có rất nhiều kinh nghiệm, Miles có rất nhiều tài năng. Nhưng chừng ấy cũng là chưa đủ để đội đua của Carroll Shelby đi ngay được đến bục chiến thắng cuối cùng, không chỉ vì những chiếc xe Ford sẽ phải đối đầu với những cỗ máy được chế tác tỉ mỉ chuyên dụng cho đường đua khó của hãng Ferrari, không chỉ vì Ken Miles sẽ phải đối đầu với những tay đua thượng thặng của đội đua Scuderia Ferrari như Lorenzo Bandini (Francesco Bauco), mà còn bởi ngay trong chính nội bộ, Shelby và Miles cũng sẽ phải đối đầu với những trở ngại đến từ những “ông chủ” chỉ biết tới lợi nhuận và vinh quang hào nhoáng như Ford, như Leo Beebe (Josh Lucas).

Làm thế nào để những khán giả đang ngồi trong không gian ấm cúng của rạp phim có thể cảm nhận được sự khắc nghiệt của những cuộc đua – đặc biệt là những cuộc đua xuyên đêm như Le Mans 24 Giờ? Làm sao để họ - những khán giả phần lớn chưa từng được trải nghiệm cảm giác ngồi sau vô-lăng của những chiếc xe siêu tốc có thể hiểu được cảm giác gần như không trọng lượng của những tay đua kiệt xuất như Ken Miles, như Lorenzo Bandini khi vượt qua không gian thời gian bằng những “đôi cánh” động cơ có thể vận hành tới 7000 vòng/phút? Đó là những câu hỏi khó mà các nhà làm phim không dễ gì giải đáp và cũng là lý do vì sao phần lớn các bộ phim ăn khách và được đánh giá cao về đề tài “đua xe” như loạt phim Fast & Furious, Initial D (2005), hay Speed Racer (2008) đều thường chỉ dùng các màn đua xe làm “nhân vật phụ” phục vụ cho các phân đoạn hành động của phim. Những tác phẩm “tinh tuyền” về đề tài đua xe vì thế mà có lẽ chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay, mà một ví dụ gần đây nhất là Rush (2013) của đạo diễn người Mỹ Ron Howard. Trong Rush, Howard đã khiến người xem phải dán mắt lên màn hình lớn để theo dõi cuộc đua trên đường đua F1 giữa hai huyền thoại Niki Lauda và James Hunt bằng cách kết hợp một cách tài tình những góc quay đầy cảm xúc của Anthony Dod Mantle – nhà quay phim từng giành Giải Oscar cho quay phim xuất sắc nhất cho Slumdog Millionaire (2008) với phần kĩ xảo điện ảnh miễn chê và những nốt nhạc trầm bổng hào hùng từ lâu đã là thương hiệu của riêng nhạc sĩ Hans Zimmer. Bản thân Howard và Mantle không thực sự là những “chuyên gia” của dòng phim hành động, nhưng rõ ràng tài năng trong việc đặc tả cảm xúc nhân vật – vốn là nét chủ đạo trong sự nghiệp của cả hai người, cộng thêm công nghệ kỹ xảo điện ảnh ngày một hoàn thiện đã giúp Rush giải được bài toán khó – đó là đem tới cho khán giả những cảm xúc, tình cảm ẩn sau những phút nghẹt thở trên đường đua thể thao mà không phải dùng tới những “gia vị ngoài” như các phi vụ tội ác, hay những cuộc đua trái phép. Có lẽ James Mangold đã tiếp cận Ford v Ferrari với một tâm thế tương tự, bởi thay vì những nhà quay phim đã thành danh trong dòng phim hành động, Mangold lại trung thành với nhà quay phim “ruột” của mình là Phedon Papamichael – người vốn được biết tới nhiều nhất qua các bộ phim tâm lý tình cảm và cực kỳ chậm rãi của Alexander Payne như Sideways (2004), The Descendants (2011), hay Nebraska (2013). Thử nghiệm mới nhất của Mangold và Papamichael cuối cùng đã tỏ ra hết sức thành công khi Ford v Ferrari đã đem lại cho người xem vô số những trường đoạn giàu cảm xúc, đặc biệt là những phân đoạn diễn tả cuộc đua xuyên ngày xuyên đêm của các tay lái thượng thặng trên đường đua Le Mans 24 Giờ. Có thể nói không ngoa rằng các phân đoạn đua xe, đặc biệt là những cảnh quay đêm khi Carroll Shelby và sau đó là Ken Miles phải vượt mưa gió, vượt sương mù, vượt qua nỗi sợ hãi về những hiểm nguy không thể lường trước ở các khúc cua, và trong lòng những chiếc xe đang phải gồng mình vận hành hết công suất mới chính là “nhân vật chính” của Ford v Ferrari

Tất nhiên, dù có xuất sắc đến mấy trong phân đoạn hành động nhưng nếu chỉ có một cốt truyện tầm thường thì Ford v Ferrari cũng sẽ chỉ là một tác phẩm giải trí xem một lần rồi quên giống như rất nhiều tác phẩm khác được Hollywood tung ra rạp trong các dịp nghỉ lễ. James Mangold – tác giả của một trong những bộ phim siêu anh hùng có cốt truyện đáng nhớ nhất trong những năm gần đây là Logan (2017) chắc chắn không muốn tác phẩm mới nhất của mình rơi vào lối mòn của những bộ phim thừa giải trí, thiếu nội dung như vậy khi chọn cho Ford v Ferrari hai gương mặt diễn viên thuộc hàng thực lực là Christian Bale và Matt Damon cho hai vai chính Ken Miles và Carroll Shelby. Không phụ sự tin tưởng của Mangold, Damon và đặc biệt là Bale đã đem tới cho khán giả hình ảnh đẹp của hai tay đua gạo cội – hai biểu tượng của tình yêu mãnh liệt với tốc độ. Đặc biệt Bale – ngôi sao hạng A nổi tiếng với thái độ làm việc nghiêm túc luôn cống hiến 110% tâm lực cho mọi vai diễn có lẽ sẽ khiến nhiều khán giả cảm động bởi cách anh hoá thân vào một Ken Miles chất phác trong đời thường nhưng sẵn sàng hy sinh tất cả để chạm được tới giới hạn cuối cùng của nghiệp đua xe – những vòng đua hoàn hảo perfect lap. Bale đã tái hiện một cách tuyệt hảo khí chất của Ken Miles thông qua giọng nói đặc chất gang thép khó nghe của xứ Birmingham – cái nôi của ngành công nghiệp xe hơi Anh Quốc và cặp mắt tinh anh – tài sản quý giá của bất cứ tay đua nào. Nhưng quan trọng hơn thế, Christian Bale còn giúp khán giả hiểu được tình yêu thật sự của Ken Miles dành cho đường đua – đó là tình yêu của một tay đua không coi chiến thắng là ham muốn cao nhất, mà coi việc được tham gia các đường đua khốc liệt như Le Mans 24 Giờ, tranh tài với những đối thủ xứng tầm như Lorenzo Bandini, và đạt được trạng thái thăng hoa của những vòng đua perfect lap mới là cái đích cuối cùng mà họ muốn hướng tới. 

Khác với sự chất phác của Ken Miles, Carroll Shelby của Matt Damon cũng có tình yêu tuyệt đối với đường đua nhưng lại cũng đủ lọc lõi để có thể hiểu được những ngóc ngách của cuộc chiến giành quyền lực trong các tập đoàn ô tô – “nồi cơm” chính của các đội đua, và cả những mánh khoé, chiêu trò của chính các đội đua để “ăn gian” lấy lợi thế tại đường đua – nơi chỉ một vài giây cũng đã đủ để quyết định thành bại và vinh quang cả cuộc đời. Sự xung đột giữa một bên là tình yêu chân thành dành cho tốc độ của một tay đua từng đứng trên đỉnh cao vinh quang của Le Mans 24 Giờ và một bên là đòi hỏi về sự ranh ma cần có ở một người chủ đội đua luôn phải đương đầu với những đòi hỏi vô lý của những gã lãnh đạo hợm hĩnh chỉ quan tâm tới tiền và sự hào nhoáng của chiến thắng biến Shelby, chứ không phải là Miles, mới là nhân vật có nhiều tiềm năng khai phá nhất trong Ford v Ferrari. Thật tiếc là tuy Matt Damon đã thể hiện rất tốt vai diễn này nhưng phần kịch bản tương đối mỏng dành cho việc khắc hoạ những diễn biến tâm lý của Shelby trong những khúc quanh quan trọng của đường đua và đường đời của ông, nhất là khi phải so sánh với hình ảnh tuyệt đẹp của Ken Miles, khiến khán giả phần nào đó vẫn chưa cảm thấy thật “đã” với cái tên đứng đằng sau những thành công vô tiền khoáng hậu của đội đua Shelby American. Tương tự với Carroll Shelby, phần xây dựng hình ảnh các nhân vật phụ của Ford v Ferrari cũng không để lại nhiều ấn tượng khi mà đa số các gương mặt xuất hiện trên phim đều có tính cách tương đối một chiều – hoặc là những người thuộc “phe Thiện” như hai thành viên còn lại của gia đình Miles là Mollie và cậu nhóc Peter, hoặc là những cái tên bị gắn chặt với “phe Ác” như Leo Beebe, Henry Ford II, hay thậm chí là “Bố già đường đua” Enzo Ferrari. Đặc biệt trong thời buổi mà Hollywood đang cố hết sức để loại bỏ những yếu tố bài ngoại, phân biệt chủng tộc, bất bình đẳng giới tính ra khỏi phim để có một môi trường điện ảnh “sạch” hơn thì cách thức Ford v Ferrari xây dựng những người Ý vốn luôn nhiệt thành với khát vọng chiếu đấu và chiến thắng trên những trường đua tốc độ có lẽ sẻ để lại chút gợn nào đó trong lòng người hâm mộ. Việc bớt đất diễn và giảm đầu tư cho những nhân vật phụ như Lee Iacocca hay Lorenzo Bandini tất nhiên giúp James Mangold có nhiều thời gian hơn để nêu bật thông điệp về tình yêu thật sự với bộ môn thể thao đua xe của những người như Ken Miles. Nhưng việc vắng bóng những nhân vật phụ có chất lượng cũng lại khiến Ford v Ferrari không thể trở thành một tác phẩm thự sự nặng kí vượt qua khỏi khuôn khổ của những chặng đua dài đằng đẵng của trường đua Le Mans 24 Giờ

Rush của đạo diễn Ron Howard có một cái kết mở khi Niki Lauda cuối cùng đã quyết định bỏ cuộc trong khúc đua khắc nghiệt và cũng là quan trọng nhất nhất với James Hunt. Đó là bởi không khán giả nào có thể chắc rằng Lauda đã từ bỏ cuộc đua của đời mình là để tránh khỏi những rủi ro tàn khốc đang đợi anh dưới cơn mưa như trút của đường đua Công thức 1, hay chỉ đơn giản là vì tình yêu của anh dành cho Marlene xứng đáng để trân trọng hơn là danh xưng “Vô địch thế giới”. Với Ford v Ferrari, khán giả có một phần kết tương đối trọn vẹn hơn khi mà rõ ràng cả Shelby và nhất là Miles đều muốn chia sẻ với người xem rằng họ chỉ có một tình yêu lớn duy nhất trong đời, đó là tình yêu với tốc độ, với những đường đua. Vì tình yêu cao thượng ấy, vì ước muốn đạt đến “cảnh giới” 7000 vòng một phút, họ sẵn lòng hy sinh tất cả, sẵn lòng bỏ qua những vinh quang phù phiếm, tầm thường của giải thưởng, của tiền bạc. Đó là những phẩm chất đã biến Ken Miles và Carroll Shelby trở thành những huyền thoại trong lịch sử đua xe thế giới. Và cũng chính cái chân tình dành cho môn đua xe như vậy đã giúp Ford v Ferrari thực sự trở thành một tác phẩm đáng xem đối với khán giả, đặc biệt là những khán giả có chung tình cảm đối với tốc độ như Miles và Shelby.

======

Chàng dâng cá, Nàng ăn hoa! (2019)


Dù đã bước sang tuổi 34 nhưng cô tiếp viên hàng không Vân (Ngọc Anh) vẫn giữ được dáng vóc mảnh mai như một cô gái mới ở tuổi đôi mươi và nhất là vẻ đẹp mặn mà, hiền dịu thể hiện qua từng cử chỉ, lời nói. Bởi thế mà dù dành phần lớn thời gian để ruổi rong theo những chuyến bay phương xa, và ngay khi ở nhà cũng chỉ thu mình trong căn xép nhỏ cùng lũ mèo hoang, nhưng ở góc phố nghèo chẳng ai không biết tới Vân, trong đó có anh chàng đầu bếp trẻ tuổi Thăng (Lãnh Thanh). Chẳng có gì ngoài tài nghệ nấu nướng học được từ quán sushi, Thăng chỉ còn biết tìm đường tới trái tim của Vân thông qua những món ăn mà anh kì công chuẩn bị. Sơn hào hải vị phương xa có, ẩm thực đậm phương vị vùng quê Việt Nam cũng có, Thăng dần có được một vị trí trong cuộc sống và căn phòng chật chội của cô tiếp viên hàng không cô độc. Nhưng dường như những món ăn mà anh đầu bếp trẻ tuổi hào hoa dâng lên cô gái vốn chỉ quen “ăn hương ăn hoa” vẫn thiếu một cái gì đó để thực sự gắn kết tâm hồn của hai con người đã sẵn sàng trao cho nhau tất cả về mặt thể xác.

Là bộ phim mới nhất của đạo diễn Phan Đăng Di, tác phẩm dài 50 phút Chàng dâng cá, Nàng ăn hoa! nằm trong chuỗi 8 phim Câu chuyện ẩm thực (Food Lore) được kênh HBO Asia thực hiện để đem tới cho khán giả những góc nhìn mới về những món ăn đặc sắc nhất của châu Á và xoay quanh đó là cảm xúc, mảnh đời của những người dân đến từ tám mảnh đất khác nhau của châu Á. Tuy Câu chuyện ẩm thực có một “tổng đạo diễn” là nhà làm phim nổi tiếng Eric Khoo – người được coi là đã vực dậy cả nền điện ảnh Singapore, nhưng mỗi tập của loạt phim này lại là một góc nhìn, một câu chuyện hoàn toàn riêng biệt với chỉ một điểm chung đó là ẩm thực như một cái tứ để kết nối các nhân vật, để khơi gợi cho khán giả. Chàng dâng cá, Nàng ăn hoa! là tập thứ hai của Câu chuyện ẩm thực được HBO Asia đem tới công chúng, và quả thực ngay từ những khung hình đầu tiên với bối cảnh giản đơn đậm chất Sài Gòn và tông màu nhẹ nhàng dịu mắt, khán giả đã có thể nhận ra ngay cái chất Phan Đăng Di vốn đã rất quen thuộc với người yêu điện ảnh qua các tác phẩm gây nhiều tiếng vang qua Bi, đừng sợ! (2009) hay Cha và con và… (2015). Với thời lượng không dài và tuyến nhân vật cả chính lẫn phụ chưa tới hai bàn tay, bộ phim với cái tựa rất thơ này có một câu truyện hết sức đơn giản và dễ cảm nhận về tình yêu nồng nhiệt nhưng cũng ẩn chứa những trắc trở không ngờ giữa Thăng và Vân. Dù là một tác phẩm nằm trong chuỗi phim “ẩm thực” và cũng có rất nhiều cảnh quay các món ăn đẹp mắt, nhưng phần lớn thời lượng và những góc quay đẹp nhất của Chàng dâng cá, Nàng ăn hoa! được Phan Đăng Di dành để khắc hoạ vẻ đẹp một trẻ trung tràn đầy nhựa sống, một đằm thắm mặn mà của hai nhân vật chính của anh, và nhất là giúp khán giả có thể hiểu, có thể cảm được phần nào tình cảm hết sức nhiệt thành mà Vân và Thăng dành cho nhau. Một cô tiếp viên thường xuyên vắng nhà bởi những chuyến bay xa, những căn phòng chật hẹp nơi những chiếc quạt điện phải hoạt động hết công suất để tạm xua đi hơi nóng ngột ngạt, một bầu trời rất cao với rất nhiều tự do nhưng chẳng mấy ai có thể vươn tới – đó là những bối cảnh, những cái tứ mà khán giả thường thấy trong phim của Vương Gia Vệ - đạo diễn bậc thầy của vô vàn những cung bậc khác nhau của tình cảm đôi lứa. Không hiểu là vô tình hay hữu ý mà đó cũng lại là những cái tứ, những bối cảnh mà Phan Đăng Di mang đến cho khán giả trong Chàng dâng cá, Nàng ăn hoa! – một tác phẩm mượn món ăn để nói về cái cách một cặp đôi như thế, cặp đôi của Vân và Thăng, cố tìm đến với nhau, cố tìm được những nốt thật sự đồng điệu trong tâm hồn hai người. Là một đạo diễn chưa bao giờ ngại ngần sử dụng những cảnh quay “nhạy cảm” – nếu cần thiết để khắc hoạ tình cảm, sự khát khao mà các nhân vật trong phim dành cho nhau, Phan Đăng Di tất nhiên cũng không né tranh những góc quay thân mật như thế trong tác phẩm được làm để chiếu trên màn ảnh nhỏ như Chàng dâng cá, Nàng ăn hoa!. Dù theo thông tin trên báo chí những ngày vừa qua đã đề cập tới việc HBO Asia đã phải cắt một số cảnh bị coi là “quá nhạy cảm” – một thực tế mà người xem tác phẩm này ở Việt Nam hoàn toàn có thể cảm nhận được bởi những phân đoạn được biên tập tương đối hẫng hụt, nhưng kể cả với những cảnh vẫn còn được giữ lại trong phiên bản cuối cùng đến với công chúng, người xem vẫn có thể cảm nhận được rằng những góc máy mô tả Vân và Thăng môi kề môi, má áp má như vậy là hết sức cần thiết, và hết sức hiệu quả để nêu bật được những khao khát mà cặp đôi này dành cho nhau, đặc biệt là về phía Thăng – một hiệu ứng không dễ gì đạt được đối với một tác phẩm tương đối ngắn như Chàng dâng cá, Nàng ăn hoa!.

Bên cạnh truyện phim giàu cảm xúc, Chàng dâng cá, Nàng ăn hoa! còn xứng đáng được ngợi khen vì những góc máy đẹp về những khung cảnh tưởng chừng quá sức bình dị không có gì đặc biệt của mảnh đất Việt qua tài năng của nhà quay phim Phạm Quang Minh, Chỉ dài chưa đầy một tiếng đồng hồ, nhưng tác phẩm mới nhất của đạo diễn Phan Đăng Di vì thế vẫn để lại những ấn tượng nhất định trong lòng khán giả không chỉ qua những cảnh quay về các món ăn ngon, mà còn là những hình ảnh đặc biệt như con thuyền đêm mắc kẹt giữa bãi sông khô cạn. Tương tự như vậy, phần nhạc phim cũng được Phan Đăng Di nâng niu và sử dụng một cách hết sức tinh tế để không cần quá phô trương nhưng vẫn khiến người xem phải lắng nghe, phải ngẫm nghĩ dù chỉ là những câu hát nhẹ thoáng qua bờ môi của Vân từ Người ơi người ở đừng về cho tới Auld Lang Syne. Phần nghe và phần nhìn của Chàng dâng cá, Nàng ăn hoa! vì thế mà có lẽ là hơi nhỉnh hơn một chút nếu so với diễn xuất của Ngọc Anh và Lãnh Thanh trong vai Vân và Thăng, bởi cả hai đều sở hữu ngoại hình hết sức phù hợp với nhân vật cũng như có được những giờ phút thăng hoa bên nhau trên màn ảnh, nhưng vẫn có cảm giác Ngọc Anh và Lãnh Thanh vẫn còn thiếu chút gì đó để hoàn toàn nhập vai, đặc biệt là với phần thoại và đài từ còn đây đó những phút giây chưa thực sự tự nhiên để khán giả phải thốt lên “diễn mà như không diễn”. Cũng vẫn còn có chút gì đó gượng ép đó là cách Phan Đăng Di sử dụng ẩm thực, sử dụng các món ăn, sử dụng cách các nhân vật nghĩ về các món ăn để khắc hoạ tính cách và thậm chí là số phận của các nhân vật. Trong một bối cảnh khác không phải chuỗi Câu chuyện ẩm thực của Eric Khoo và với thời lượng phim dài hơn, có lẽ Phan Đăng Di sẽ còn có nhiều cơ hội hơn để đem tới cho khán giả những nốt khác trong bản tình ca vui có, buồn cũng rất nhiều giữa Vân và Thăng thay vì một phần kết khá “dị” và ít nhiều hẫng hụt. Và đạo diễn người gốc Nghệ An khi đó có lẽ cũng sẽ không phải đưa quá nhiều cảnh nấu nướng và mô tả các món ăn dù rất ngon nhưng thực ra không để lại quá nhiều ấn tượng, hay kích thích về mặt vị giác cho khán giả vào Chàng dâng cá, Nàng ăn hoa!. Nhưng dù muốn dù không, người xem, đặc biệt là người xem Việt Nam vẫn nên “cảm ơn” HBO Asia vì đã tạo điều kiện để Phan Đăng Di đem một góc nhìn rất Việt Nam về ẩm thực, một câu truyện rất Việt Nam về tình yêu đôi lứa đến với khán giả trong nước và quốc tế. Chỉ hy vọng rằng những lùm xùm về việc “cắt hay không cắt”, “cảnh nào là cảnh nóng trong phim” sẽ không làm khoả lấp đi giá trị thật sự của Chàng dâng cá, Nàng ăn hoa! – một tác phẩm điện ảnh đẹp về đất nước Việt, món ăn Việt, và tâm hồn Việt.

=====