some quotes....

I just want to tell you, I'm the one who was supposed to take care of everything. I'm the one who was supposed to make everything okay for everybody. It just didn't work out like that. And I left. I left you... And now, I'm an old broken down piece of meat... and I'm alone. And I deserve to be all alone. I just don't want you to hate me.

-Randy 'The Ram' Robinson, The Wrestler

mardi 21 janvier 2020

Ford v Ferrari (2019)


Le Mans 24 Giờ là một trong những cuộc đua danh giá nhất trên thế giới không chỉ bởi lịch sử lâu đời tới gần 100 năm, mà còn vì đây là một trường đua hết sức đặc biệt khi các đội đua phải so tài với nhau trong suốt 24 giờ đua liên tiếp vượt qua nhiều địa hình và điều kiện thời tiết khó khăn, đặc biệt là trong những chặng đua đêm. Bởi vậy mà chỉ cần một lần được đứng trên bục cao nhất của Le Mans thôi thì một tay đua cũng đã xứng đáng được liệt vào sổ vàng của làng đua thế giới, còn đội đua sở hữu chiếc xe đoạt giải cũng sẽ có quyền được ngẩng mặt tự hào sánh ngang với bất cứ ông lớn nào của ngành công nghiệp ô tô. Chính vì những lý do này mà người khổng lồ của ngành sản xuất ô tô Hoa Kỳ là hãng Ford – trong một nỗ lực làm mới hình ảnh và chiếm lại thị phần khách hàng trẻ sau nhiều năm làm ăn bết bát đã quyết định thử sức với trường đua xuyên đêm ở Le Mans. Để đạt được mục tiêu này, Phó Chủ tịch của Ford là Lee Iacocca (Jon Bernthal) đã thuyết phục ông chủ của hãng là Henry Ford II (Tracy Letts) thương thảo để mua lại hãng siêu xe Ferrari của “Bố Già đường đua” Enzo Ferrari (Remo Girone) – hãng sở hữu đội đua bá chủ đường đua Le Mans 24 Giờ trong nhiều năm nhưng lại đang rơi vào cảnh khó khăn tài chính đến mức gần phá sản. Tuy nhiên lòng tự trọng cao hơn núi của Bố Già Enzo và sự can thiệp ở những phút cuối cùng của ông lớn xe hơi Ý là Fiat đã khiến tham vọng của Ford đổ bể. 

Tự ái vì cảm giác bị Ferrari phản bội, và vẫn ấp ủ tham vọng “dời núi lấp bể” – dành chiến thắng trước Ferrari ngay trên chính Thánh địa Le Mans, Ford và Iacocca quyết định nhờ cậy tới Carroll Shelby (Matt Damon) – người từng giành chiến thắng tại Le Mans 24 Giờ năm 1959 nhưng rồi phải từ bỏ nghiệp đua vì bệnh tim đập nhanh và chuyển sang vai trò ông chủ hãng bán xe kiêm ông bầu của các đội đua xe độc lập. Nếu như Ford quan tâm tới doanh thu và danh tiếng bao nhiêu thì Shelby quan tâm tới chiến thắng ở “đường đua số 1” bấy nhiêu. Anh quyết định nhận lời thử thách của Ford với một điều kiện duy nhất, đó là được quyền lựa chọn tay lái chính cho đội đua của mình – yếu tố được Shelby coi là cốt tử cho bất cứ chiến thắng nào, đặc biệt là trên những chặng đua dài và phức tạp như ở Le Mans. Người được Carroll Shelby tin tưởng giao phó trách nhiệm này là Ken Miles (Christian Bale) – một cựu binh lái xe tăng Anh trong Chiến tranh thế giới thứ Hai trước khi di cư sang Mỹ để hành nghề thợ cơ khí ô tô kiêm tay đua nghiệp dư. Chỉ rong ruổi theo những đội đua độc lập eo hẹp về tài chính như của Shelby, Ken Miles không có nhiều cơ hội để dành chiến thắng, bởi vậy mà tình hình tài chính của gia đình nhà Miles cứ dần đi xuống trong sự lo lắng khôn nguôi của cô vợ Mollie (Caitriona Balfe) và cậu con trai Peter (Noah Jupe). Ford có rất nhiều tiền, Shelby có rất nhiều kinh nghiệm, Miles có rất nhiều tài năng. Nhưng chừng ấy cũng là chưa đủ để đội đua của Carroll Shelby đi ngay được đến bục chiến thắng cuối cùng, không chỉ vì những chiếc xe Ford sẽ phải đối đầu với những cỗ máy được chế tác tỉ mỉ chuyên dụng cho đường đua khó của hãng Ferrari, không chỉ vì Ken Miles sẽ phải đối đầu với những tay đua thượng thặng của đội đua Scuderia Ferrari như Lorenzo Bandini (Francesco Bauco), mà còn bởi ngay trong chính nội bộ, Shelby và Miles cũng sẽ phải đối đầu với những trở ngại đến từ những “ông chủ” chỉ biết tới lợi nhuận và vinh quang hào nhoáng như Ford, như Leo Beebe (Josh Lucas).

Làm thế nào để những khán giả đang ngồi trong không gian ấm cúng của rạp phim có thể cảm nhận được sự khắc nghiệt của những cuộc đua – đặc biệt là những cuộc đua xuyên đêm như Le Mans 24 Giờ? Làm sao để họ - những khán giả phần lớn chưa từng được trải nghiệm cảm giác ngồi sau vô-lăng của những chiếc xe siêu tốc có thể hiểu được cảm giác gần như không trọng lượng của những tay đua kiệt xuất như Ken Miles, như Lorenzo Bandini khi vượt qua không gian thời gian bằng những “đôi cánh” động cơ có thể vận hành tới 7000 vòng/phút? Đó là những câu hỏi khó mà các nhà làm phim không dễ gì giải đáp và cũng là lý do vì sao phần lớn các bộ phim ăn khách và được đánh giá cao về đề tài “đua xe” như loạt phim Fast & Furious, Initial D (2005), hay Speed Racer (2008) đều thường chỉ dùng các màn đua xe làm “nhân vật phụ” phục vụ cho các phân đoạn hành động của phim. Những tác phẩm “tinh tuyền” về đề tài đua xe vì thế mà có lẽ chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay, mà một ví dụ gần đây nhất là Rush (2013) của đạo diễn người Mỹ Ron Howard. Trong Rush, Howard đã khiến người xem phải dán mắt lên màn hình lớn để theo dõi cuộc đua trên đường đua F1 giữa hai huyền thoại Niki Lauda và James Hunt bằng cách kết hợp một cách tài tình những góc quay đầy cảm xúc của Anthony Dod Mantle – nhà quay phim từng giành Giải Oscar cho quay phim xuất sắc nhất cho Slumdog Millionaire (2008) với phần kĩ xảo điện ảnh miễn chê và những nốt nhạc trầm bổng hào hùng từ lâu đã là thương hiệu của riêng nhạc sĩ Hans Zimmer. Bản thân Howard và Mantle không thực sự là những “chuyên gia” của dòng phim hành động, nhưng rõ ràng tài năng trong việc đặc tả cảm xúc nhân vật – vốn là nét chủ đạo trong sự nghiệp của cả hai người, cộng thêm công nghệ kỹ xảo điện ảnh ngày một hoàn thiện đã giúp Rush giải được bài toán khó – đó là đem tới cho khán giả những cảm xúc, tình cảm ẩn sau những phút nghẹt thở trên đường đua thể thao mà không phải dùng tới những “gia vị ngoài” như các phi vụ tội ác, hay những cuộc đua trái phép. Có lẽ James Mangold đã tiếp cận Ford v Ferrari với một tâm thế tương tự, bởi thay vì những nhà quay phim đã thành danh trong dòng phim hành động, Mangold lại trung thành với nhà quay phim “ruột” của mình là Phedon Papamichael – người vốn được biết tới nhiều nhất qua các bộ phim tâm lý tình cảm và cực kỳ chậm rãi của Alexander Payne như Sideways (2004), The Descendants (2011), hay Nebraska (2013). Thử nghiệm mới nhất của Mangold và Papamichael cuối cùng đã tỏ ra hết sức thành công khi Ford v Ferrari đã đem lại cho người xem vô số những trường đoạn giàu cảm xúc, đặc biệt là những phân đoạn diễn tả cuộc đua xuyên ngày xuyên đêm của các tay lái thượng thặng trên đường đua Le Mans 24 Giờ. Có thể nói không ngoa rằng các phân đoạn đua xe, đặc biệt là những cảnh quay đêm khi Carroll Shelby và sau đó là Ken Miles phải vượt mưa gió, vượt sương mù, vượt qua nỗi sợ hãi về những hiểm nguy không thể lường trước ở các khúc cua, và trong lòng những chiếc xe đang phải gồng mình vận hành hết công suất mới chính là “nhân vật chính” của Ford v Ferrari

Tất nhiên, dù có xuất sắc đến mấy trong phân đoạn hành động nhưng nếu chỉ có một cốt truyện tầm thường thì Ford v Ferrari cũng sẽ chỉ là một tác phẩm giải trí xem một lần rồi quên giống như rất nhiều tác phẩm khác được Hollywood tung ra rạp trong các dịp nghỉ lễ. James Mangold – tác giả của một trong những bộ phim siêu anh hùng có cốt truyện đáng nhớ nhất trong những năm gần đây là Logan (2017) chắc chắn không muốn tác phẩm mới nhất của mình rơi vào lối mòn của những bộ phim thừa giải trí, thiếu nội dung như vậy khi chọn cho Ford v Ferrari hai gương mặt diễn viên thuộc hàng thực lực là Christian Bale và Matt Damon cho hai vai chính Ken Miles và Carroll Shelby. Không phụ sự tin tưởng của Mangold, Damon và đặc biệt là Bale đã đem tới cho khán giả hình ảnh đẹp của hai tay đua gạo cội – hai biểu tượng của tình yêu mãnh liệt với tốc độ. Đặc biệt Bale – ngôi sao hạng A nổi tiếng với thái độ làm việc nghiêm túc luôn cống hiến 110% tâm lực cho mọi vai diễn có lẽ sẽ khiến nhiều khán giả cảm động bởi cách anh hoá thân vào một Ken Miles chất phác trong đời thường nhưng sẵn sàng hy sinh tất cả để chạm được tới giới hạn cuối cùng của nghiệp đua xe – những vòng đua hoàn hảo perfect lap. Bale đã tái hiện một cách tuyệt hảo khí chất của Ken Miles thông qua giọng nói đặc chất gang thép khó nghe của xứ Birmingham – cái nôi của ngành công nghiệp xe hơi Anh Quốc và cặp mắt tinh anh – tài sản quý giá của bất cứ tay đua nào. Nhưng quan trọng hơn thế, Christian Bale còn giúp khán giả hiểu được tình yêu thật sự của Ken Miles dành cho đường đua – đó là tình yêu của một tay đua không coi chiến thắng là ham muốn cao nhất, mà coi việc được tham gia các đường đua khốc liệt như Le Mans 24 Giờ, tranh tài với những đối thủ xứng tầm như Lorenzo Bandini, và đạt được trạng thái thăng hoa của những vòng đua perfect lap mới là cái đích cuối cùng mà họ muốn hướng tới. 

Khác với sự chất phác của Ken Miles, Carroll Shelby của Matt Damon cũng có tình yêu tuyệt đối với đường đua nhưng lại cũng đủ lọc lõi để có thể hiểu được những ngóc ngách của cuộc chiến giành quyền lực trong các tập đoàn ô tô – “nồi cơm” chính của các đội đua, và cả những mánh khoé, chiêu trò của chính các đội đua để “ăn gian” lấy lợi thế tại đường đua – nơi chỉ một vài giây cũng đã đủ để quyết định thành bại và vinh quang cả cuộc đời. Sự xung đột giữa một bên là tình yêu chân thành dành cho tốc độ của một tay đua từng đứng trên đỉnh cao vinh quang của Le Mans 24 Giờ và một bên là đòi hỏi về sự ranh ma cần có ở một người chủ đội đua luôn phải đương đầu với những đòi hỏi vô lý của những gã lãnh đạo hợm hĩnh chỉ quan tâm tới tiền và sự hào nhoáng của chiến thắng biến Shelby, chứ không phải là Miles, mới là nhân vật có nhiều tiềm năng khai phá nhất trong Ford v Ferrari. Thật tiếc là tuy Matt Damon đã thể hiện rất tốt vai diễn này nhưng phần kịch bản tương đối mỏng dành cho việc khắc hoạ những diễn biến tâm lý của Shelby trong những khúc quanh quan trọng của đường đua và đường đời của ông, nhất là khi phải so sánh với hình ảnh tuyệt đẹp của Ken Miles, khiến khán giả phần nào đó vẫn chưa cảm thấy thật “đã” với cái tên đứng đằng sau những thành công vô tiền khoáng hậu của đội đua Shelby American. Tương tự với Carroll Shelby, phần xây dựng hình ảnh các nhân vật phụ của Ford v Ferrari cũng không để lại nhiều ấn tượng khi mà đa số các gương mặt xuất hiện trên phim đều có tính cách tương đối một chiều – hoặc là những người thuộc “phe Thiện” như hai thành viên còn lại của gia đình Miles là Mollie và cậu nhóc Peter, hoặc là những cái tên bị gắn chặt với “phe Ác” như Leo Beebe, Henry Ford II, hay thậm chí là “Bố già đường đua” Enzo Ferrari. Đặc biệt trong thời buổi mà Hollywood đang cố hết sức để loại bỏ những yếu tố bài ngoại, phân biệt chủng tộc, bất bình đẳng giới tính ra khỏi phim để có một môi trường điện ảnh “sạch” hơn thì cách thức Ford v Ferrari xây dựng những người Ý vốn luôn nhiệt thành với khát vọng chiếu đấu và chiến thắng trên những trường đua tốc độ có lẽ sẻ để lại chút gợn nào đó trong lòng người hâm mộ. Việc bớt đất diễn và giảm đầu tư cho những nhân vật phụ như Lee Iacocca hay Lorenzo Bandini tất nhiên giúp James Mangold có nhiều thời gian hơn để nêu bật thông điệp về tình yêu thật sự với bộ môn thể thao đua xe của những người như Ken Miles. Nhưng việc vắng bóng những nhân vật phụ có chất lượng cũng lại khiến Ford v Ferrari không thể trở thành một tác phẩm thự sự nặng kí vượt qua khỏi khuôn khổ của những chặng đua dài đằng đẵng của trường đua Le Mans 24 Giờ

Rush của đạo diễn Ron Howard có một cái kết mở khi Niki Lauda cuối cùng đã quyết định bỏ cuộc trong khúc đua khắc nghiệt và cũng là quan trọng nhất nhất với James Hunt. Đó là bởi không khán giả nào có thể chắc rằng Lauda đã từ bỏ cuộc đua của đời mình là để tránh khỏi những rủi ro tàn khốc đang đợi anh dưới cơn mưa như trút của đường đua Công thức 1, hay chỉ đơn giản là vì tình yêu của anh dành cho Marlene xứng đáng để trân trọng hơn là danh xưng “Vô địch thế giới”. Với Ford v Ferrari, khán giả có một phần kết tương đối trọn vẹn hơn khi mà rõ ràng cả Shelby và nhất là Miles đều muốn chia sẻ với người xem rằng họ chỉ có một tình yêu lớn duy nhất trong đời, đó là tình yêu với tốc độ, với những đường đua. Vì tình yêu cao thượng ấy, vì ước muốn đạt đến “cảnh giới” 7000 vòng một phút, họ sẵn lòng hy sinh tất cả, sẵn lòng bỏ qua những vinh quang phù phiếm, tầm thường của giải thưởng, của tiền bạc. Đó là những phẩm chất đã biến Ken Miles và Carroll Shelby trở thành những huyền thoại trong lịch sử đua xe thế giới. Và cũng chính cái chân tình dành cho môn đua xe như vậy đã giúp Ford v Ferrari thực sự trở thành một tác phẩm đáng xem đối với khán giả, đặc biệt là những khán giả có chung tình cảm đối với tốc độ như Miles và Shelby.

======

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire