Những người yêu âm nhạc và điện ảnh chắc hẳn đa phần đều biết rằng Over the Rainbow luôn được đánh giá là một trong những ca khúc quan trọng nhất trong lịch sử nhạc phim và âm nhạc đại chúng nói chung của Hoa Kỳ thế kỷ 20. Là ca khúc được Harold Arlen và Yip Harburg viết riêng cho bộ phim The Wizard of Oz, Over the Rainbow là mơ ước của cô bé Dorothy – nhân vật chính của phim về một mảnh đất diệu kỳ ở “phía bên kia cầu vồng” nơi "rắc rối tan biến như những viên kẹo ngọt", nơi cô có thể thoát khỏi những rắc rối, u buồn của cuộc đời. Thành công của Over the Rainbow vì thế cũng gắn liền với chất giọng trong trẻo và sau này là cả cuộc đời của nữ diễn viên thủ vai Dorothy trong The Wizard of Oz – Judy Garland. Làm quen với sân khấu từ tuổi lên 2, được ông trùm quyền lực của hãng phim Metro-Goldwyn-Mayer là Louis B. Mayer mời ký hợp đồng độc quyền khi mới 13 tuổi, năm 17 tuổi làm cả nước Mỹ mê đắm qua vai diễn Dorothy trong The Wizard of Oz, tưởng như đường đời của cô gái nhỏ nhắn với giọng ca vàng Judy Garland sẽ chỉ là một thảm hoa hạnh phúc trong những năm tháng trưởng thành. Nhưng áp lực nặng nề trong suốt giai đoạn phải gánh trên mình cái vai “thần đồng điện ảnh” lại đã khiến cuộc đời Judy Garland trở nên bi thảm hơn bao giờ hết. Bà vẫn giữ được giọng hát tuyệt vời, vẫn mang trong mình cái duyên sân khấu không ai có thể lấy đi, nhưng ma me, sự quyến rũ của những viên thuốc ngủ và thuốc giảm cân – những “người bạn” quen thuộc của Garland từ ngày còn phải liên tục đóng phim không ngừng nghỉ dưới chế độ làm việc hà khắc của Louis B. Mayer đã biến cô bé Dorothy dễ thương trở thành một “thảm hoạ” của các ông bầu vì thường xuyên trễ giờ hoặc bỏ xuất diễn. Việc thiếu vắng hơi ấm gia đình thời niên thiếu cũng khiến Judy Garland khi trưởng thành luôn khao khát thứ tình cảm khó kiếm này tới mức đôi khi cô trao gửi niềm tin và trái tim nhầm chỗ cho những người chỉ biết lợi dụng danh tiếng của cô bé Dorothy năm nào và đẩy cô đến chỗ táng gia bại sản. Nghiện ngập, nợ nần, chẳng có nổi một chỗ dựa vững chắc trong đời tư hay công việc, những năm tháng trưởng thành của Judy Garland thật sự quá khác biệt so với những gì cô bé Dorothy năm xưa hằng mong muốn khi cất lên những câu hát thánh thót của Over the Rainbow.
Judy – tác phẩm mới nhất của đạo diễn Rupert Goold là bộ phim tiểu sử về ngôi sao huyền thoại trong những năm tháng bên kia sườn dốc ấy. Đó là giai đoạn Judy Garland (Renée Zellweger) vừa phải vật lộn với chứng nghiện rượu và thuốc triền miên, vừa phải góp nhặt từng đồng trên sàn diễn để trang trải nợ nần với hy vọng giành lại được quyền nuôi hai đứa con nhỏ Lorna (Bella Ramsey) và Joey (Lewin Lloyd) từ tay người chồng cũ vốn từng một thời hỗ trợ nhiệt thành cho cô trong vai trò người quản lý Sidney Luft (Rufus Sewell). Dù vẫn sở hữu khả năng làm chủ sân khấu và đặc biệt là vẹn nguyên giọng hát trời phú, nhưng vô số bê bối lớn nhỏ bên trong và bên ngoài sân khấu khiến Judy Garland không còn được các ông chủ thính phòng tại Hoa Kỳ chào đón và phải trôi dạt sang tận nước Anh xa xôi để tìm vận may tại hộp đêm Talk of the Town của ông chủ Bernard Delfont (Michael Gambon) với hy vọng rằng công chúng Anh hoài cổ và vẫn còn chưa biết tới những tai tiếng lan tràn của bà của Hoa Kỳ sẽ vẫn tìm tới để được xem, được nghe ngôi sao họ từng hâm mộ từ những năm trước Chiến tranh thế giới. Với sự hỗ trợ tận tuỵ của cô trợ lý nghiêm cẩn người Anh Rosalyn Wilder (Jessie Buckley) và sau đó là sự xuất hiện của anh chàng người yêu kém 12 tuổi Mickey Deans (Finn Wittrock), Judy Garland dần tìm lại được sự tự tin khi đứng trước đám đông và chiếm trọn tình cảm của công chúng Anh quốc khó tính. Nhưng cũng như nỗi ám ảnh vẫn luôn đeo đuổi đến từ những lời đe doạ thấu tim can của Louis B. Mayer (Richard Cordery) “thửa” riêng cho ngôi sao nhí của hãng MGM năm nào, những rắc rối đời tư, và tất nhiên là cả bệnh tật, nghiện ngập, và các vấn đề về tâm lý khác vẫn không buông tha ngôi sao nhỏ bé và yếu đuối đã bắt đầu ở cái tuổi chớm đông của cuộc đời. Càng cố gắng, Judy Garland càng nhận ra rằng có lẽ chốn tươi đẹp “bên kia cầu vồng” chỉ mãi là một thứ gì đó bên kia bờ ảo vọng mà bà chẳng bao giờ có thể vươn tới.
Renée Zellweger từng được coi là một trong những ngôi sao hạng A của Hollywood với nhiều thành công cả ở phòng vé và các lễ trao giải nhờ vào những vai diễn đáng nhớ như Dorothy Boyd trong Jerry Maguire (1996), Bridget Jones trong loạt phim Nhật ký tiểu thư Jones (2001, 2004, 2016), Roxie Hart trong Chicago (2002), và Ruby Thewes trong Cold Mountain (2003) – bộ phim đã đem lại cho Zellweger một giải Oscar cao quý ở hạng mục Vai nữ phụ xuất sắc nhất. Tuy nhiên trong suốt hơn một thập niên vừa qua, cũng như rất nhiều ngôi sao nữ khi đã toan về già ở cái tuổi 40, 50, Zellweger dần bị báo chí và công chúng quên lãng sau nhiều bộ phim không thành công, một giai đoạn rất dài suốt 6 năm trời không xuất hiện trên màn ảnh lớn, và một khuôn mặt ngày càng biến đổi và xơ cứng. Bởi vậy mà khi có tin Renée Zellweger được đạo diễn sân khấu người Anh Rupert Goold mời vào bộ phim điện ảnh hiếm hoi của ông Judy, rất nhiều người hâm mộ đã thầm hy vọng rằng Zellweger có thể lấy lại phong độ thời những năm cuối thập niên 1990, đầu thập niên 2000 của cô qua một vai diễn nặng ký và có chiều sâu về một huyền thoại điện ảnh cũng chạc ở vào cái tuổi của cô khi được đưa lên màn ảnh lớn – Judy Garland. Và những người đặt hy vọng vào sự hồi sinh của Renée Zellweger trong vai diễn này hẳn đã hài lòng khi lại được thấy một Zellweger chưa bao giờ là ngôi sao xinh đẹp nhất nhưng lại luôn là người khéo léo nhất trong việc khắc hoạ những góc cạnh khác nhau của nhân vật. Từ những cử chỉ lúng túng, vụng về, yếu đuối đến đáng thương ngoài đời thường đến sự khéo léo, tinh tế trong từng câu hát và uy lực làm chủ mọi sân khấu lớn, cả hai gương mặt tưởng chừng hoàn toàn trái ngược của Judy Garland được Renée Zellweger thể hiện một cách hoàn hảo bất chấp việc cơ mặt xơ cứng cùng hình thể tương đối khác biệt (Zellweger cao hơn Garland tới 12 cm) là những yếu tố không dễ gì vượt qua cho một diễn viên đã lâu không có những vai diễn đỉnh cao như Zellweger. Cũng đang trải nghiệm những năm tháng khủng hoảng của tuổi 40 – giai đoạn mà chính Judy Garland đã chẳng thể vượt qua, có lẽ Renée Zellweger đã suy nghĩ rất nhiều để chắt chiu tới từng cảnh quay trong “Judy” sao cho khi nhìn vào diễn xuất của cô, khán giả sẽ có thể phần nào đó cảm nhận được những ngày tháng, những nấc thang cuối cùng trước khi bước lên Thiên Đường của Judy Garland thay vì cảm thấy khó chịu vì khuôn mặt không còn thể hiện được nhiều cung bậc cảm xúc như của Renée Zellweger.
Thật tiếc cho Renée Zellweger là khi so sánh với nỗ lực của cô để thể hiện thành công một vai diễn nặng ký như Judy Garland thì kịch bản của Judy do Tom Edge chắp bút dựa trên vở nhạc kịch End of the Rainbow của tác giả người Anh Peter Quilter lại không thực sự quá ấn tượng. Hầu như tất cả những người có chút am hiểu về điện ảnh hay lịch sử của Hollywood đều đã biết tới cuộc đời rất nhiều bi kịch của Judy Garland, có lẽ bởi vậy mà Judy vừa cố gắng tái dựng lại được những ngày tháng buồn bã cuối đời của huyền thoại Hollywood, nhưng đồng thời cũng muốn truyền tải tới khán giả tinh thần kiên cường, lạc quan bất chấp gian khó bất hạnh của người ca sĩ nhỏ bé gần như cả đời sống dưới ánh đèn của sàn diễn. Tuy nhiên bộ phim lại không có nhiều điểm nhấn với một kịch bản tương đối chậm, truyện phim không có cao trào, và tuyến nhân vật không thực sự được chăm chút ngoại trừ nhân vật trung tâm Judy Garland. Để so sánh, La Môme (2007) của đạo diễn người Pháp Olivier Dahan cũng là một tác phẩm tiểu sử về một nữ danh ca bé nhỏ với số phận nhiều bi kịch là Édith Piaf. Cùng sở hữu nhiều trường đoạn đặc tả ngôi sao của bộ phim trên sân khấu, nhưng khác với Judy, La Môme còn dành rất nhiều thời gian để đem tới khán giả những gương mặt khác ở phía sau cánh gà, những góc khuất trong tâm hồn của nữ ca sĩ huyền thoại thông qua chính lời kể của bà, và thông qua cả tính cách, số phận của những người người Édith Piaf hết mực yêu thương. Bởi vậy mà kể cả khi đã biết rất rõ sự nghiệp và đời tư của Édith Piaf – những chi tiết vốn đã được báo chí và truyền thông khai thác triệt để, người xem vẫn thấy hào hứng với La Môme khi họ được hiểu thêm về những cái tên đã để lại dấu ấn trong cuộc đời người ca sĩ, được hoà nhịp cảm xúc với những câu hát của Piaf cùng lúc với việc dõi theo những khúc quanh trong cuộc đời bà. Judy không có được những nhân vật phụ đáng nhớ như thế, bởi những nhân vật ít nhiều có ảnh hưởng tới Judy Garland trong những năm cuối đời như hai đứa con nhỏ Lorna và Joey, hai hai người chồng một mới một cũ Mickey Deans và Sidney Luft xuất hiện hết sức nhạt nhoà không chỉ bởi một kịch bản thiếu đất diễn mà còn vì diễn xuất cũng không mấy ấn tượng của Finn Wittrock và Rufus Sewell. Ngoại trừ phân đoạn rất cảm động trong tiếng hát của Over the Rainbow ở phần cuối phim, Judy cũng không có được những phân đoạn lồng ghép nhịp nhàng các ca khúc nổi bật trong sự nghiệp của Judy Garland với những thời điểm đáng nhớ trong cuộc đời bà như cái cách Olivier Dahan đã thực hiện một cách rất tài tình cho “La Môme”. Bởi vậy mà sau khi xem xong Judy, hẳn nhiều khán giả sẽ vẫn cảm thấy tiếc nuối và thòm thèm bởi sự thiếu vắng những chi tiết “đắt”, những nhân vật đủ sức năng cho một bộ phim tiểu sử lớn đầu tiên về ngôi sao bi kịch Judy Garland.
Là ca sĩ của nhiều ca khúc tươi vui, nhưng cuộc đời của Judy Garland, đặc biệt là những năm ở phía bên kia sườn dốc có rất nhiều nốt trầm. Dù không phải là một tác phẩm hoàn hảo, nhưng Judy đã “tròn vai” trong việc đem tới khán giả những nốt trầm ấy nhờ vào diễn xuất tuyệt vời của Renée Zellweger trong một vai diễn đánh dấu sự trở lại của ngôi sao 50 tuổi này. Và quan trọng hơn cả, Judy còn có một nốt cao mà bản thân Judy Garland vẫn luôn lưu giữ trong chiếc cổ họng thần thánh và trong cả trái tim của bà – đó là tình yêu mãnh liệt đối với khán giả, với sân khấu, với niềm tin rằng bà đã, và sẽ luôn có thể đem lại niềm vui, đem lại sự hy vọng cho những khán giả yêu quý bà. Bởi thế mà dù đã tròn nửa thế kỷ kể từ ngày bà từ giã cuộc đời trần tục để đến với chốn thần tiên xứ Oz, những câu hát thánh thót của bà vẫn là niềm động viên, vẫn là sự khích lệ cho những người yêu quý giọng hát Judy Garland rằng ở phía bên kia cầu vồng, quả thực vẫn còn rất nhiều hy vọng, rất nhiều hạnh phúc đợi chờ.
=========
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire