some quotes....

I just want to tell you, I'm the one who was supposed to take care of everything. I'm the one who was supposed to make everything okay for everybody. It just didn't work out like that. And I left. I left you... And now, I'm an old broken down piece of meat... and I'm alone. And I deserve to be all alone. I just don't want you to hate me.

-Randy 'The Ram' Robinson, The Wrestler

mardi 21 janvier 2020

Jojo Rabbit (2019)


Trong giai đoạn cuối Chiến tranh thế giới thứ hai, nước Đức dần trở nên kiệt quệ vì phải căng mình trên cả hai mặt trận phía Đông và phía Tây. Những thành phố nhỏ của nước Đức vì thế mà tuy chưa bị bom đạn tàn phá nhưng cũng dần cảm nhận được sự kiệt quệ của chiến tranh thông qua sự vắng mặt ngày một dài hơn, và nhiều hơn, của những gương mặt đàn ông Đức đang phải bán mạng nơi chiến trường theo tiếng gọi và mệnh lệnh của Quốc trưởng Adolf Hitler. Cha của cậu nhóc mười tuổi Johannes "Jojo" Betzler (Roman Griffin Davis) là một trong những người như thế khi phải bỏ lại con trai và người vợ xinh đẹp Rosie Betzler (Scarlett Johansson) để chiến đấu ở tận nước Ý xa xôi mà không biết ngày nào mới quay trở lại. Vắng hơi ấm của cả người cha đi xa và người mẹ quá bận bịu vì những công việc của một phụ nữ thời chiến, lại vừa mất đi người chị gái Inge vì căn bệnh cúm quái ác, Jojo chỉ còn biết tìm niềm vui với “lý tưởng” yêu thích của cậu – đó là tất cả những gì dính dáng đến Đảng Quốc xã và lãnh tụ của Đảng này “kiêm” người bạn tưởng tượng của cậu – Adolf Hitler (Taika Waititi). 

Với ước mơ trở thành “người lính” ưu tú của quân đội Đức Quốc xã trong đầu, Jojo và cậu bạn ục ịch “thân chỉ sau Hitler” Yorki (Archie Yates) gia nhập trại hè Thiếu niên Quốc xã do viên đại uý độc nhãn Klenzendorf (Sam Rockwell) làm trại chưởng. Dưới sự “dìu dắt” của Klenzendorf và những huấn luyện viên mẫn cán như “chị” Rahm (Rebel Wilson), Jojo chợt nhận ra rằng mình chỉ là một cậu nhóc thỏ đế ghét bạo lực, không dám thẳng tay chém giết theo lệnh cấp trên như một yêu cầu bắt buộc của quân đội Đức Quốc xã. Nhưng với sự động viên của người bạn tưởng tượng Adolf Hitler và “tình yêu” bất tận với Chủ nghĩa Quốc xã, Jojo “Thỏ đế” quyết tâm chứng tỏ mình vẫn là thỏ, nhưng là một chú thỏ dũng cảm bằng việc … giật lấy trái lựu đạn huấn luyện của Đại uý Klenzendorf để nếm thử cảm giác trên sa trường. Tiếc là anh hùng đâu chẳng thấy, chỉ thấy một trái lựu đạn cầm tay nổ tung ngay dưới chân Jojo và biến cậu bé trở lại thành chú thỏ thương binh khập khiễng, biến dạng mặt phải ru rú ở nhà trong lúc chúng bạn như Yorki ục ịch đang có cơ hội “cống hiến” cho tổ quốc. Nhưng chính trong những tháng ngày buồn chán ấy, Jojo mới có cơ hội phát hiện ra rằng đang trú ẩn trong căn phòng cũ của người chị đã mất Inge, là cô gái người Do Thái có tên Elsa Korr (Thomasin McKenzie). Phải xa bố và mất đi người chị thân yêu, nhưng tính ra Jojo vẫn còn hạnh phúc chán nếu so với Elsa – cô gái mới lớn nhưng đã mất đi tất cả những người thân trong gia đình trong cơn cuồng nộ của chiến dịch diệt chủng người Do Thái do chính những “thần tượng” của Jojo trong Đảng Quốc xã tiến hành. Ngay cả khi đã thoát được những chuyến tàu chết chóc đưa người Do Thái đến với các trại tập trung và được bà Rosie đồng ý che chở trong căn hộ rộng lớn của nhà Betzler, thì Elsa vẫn phải ngày đêm sống trong nỗi lo sợ bị những gã mật vụ Gestapo như đại uý Deertz (Stephen Merchant) phát hiện và treo cổ ngay giữa quảng trường như vô số những nạn nhân vô tội khác của chủ nghĩa Quốc xã. Bởi thế mà cuộc đời thật trớ trêu khi để Jojo phát hiện ra Elsa, bởi rõ ràng “lòng trung thành” với Hitler và những ngày tháng tắm mình trong luận điệu tuyên truyền bài Do Thái của Đức Quốc xã là động lực rất lớn để cậu bé khập khiễng “chỉ điểm” ngay cho mật vụ Gestapo về sự tồn tại của cô gái Do Thái. Nhưng ở thái cực ngược lại, nỗi cô đơn cùng cực của một cậu bé lớn lên giữa chiến tranh tàn khốc cùng sự hồn nhiên và tò mò của con trẻ lại khiến Jojo nhận ra rằng chỉ có ở Elsa, cậu mới có thể tìm thấy một tình bạn, một người đồng hành hiếm hoi trong thời điểm sự tàn khốc, bạo liệt của chiến tranh đang cận kề.

Jojo Rabbit là tác phẩm mới nhất của đạo diễn chuyên trị phim hài người New Zealand Taika Waititi. Với công chúng quốc tế, có lẽ Waititi được biết tới nhiều nhất qua tác phẩm được đánh giá rất cao trong loạt phim thuộc Vũ trụ siêu anh hùng Marvel là Thor: Ragnarok (2017). Tuy vậy kể cả trước khi những hình ảnh sống động, rực rỡ và phong cách tươi vui của Thor: Ragnarok chinh phục khán giả toàn thế giới, thì vị đạo diễn 44 tuổi có cha là người gốc thổ dân Māori thực ra đã gây dựng được cho mình một phong cách đặc trưng qua những bộ phim đầy ắp những chi tiết hài hước ngây thơ con trẻ, nhưng cũng lại ẩn chứa nhiều thông điệp xã hội ý nhị như What We Do in the Shadows (2014) hay Hunt for the Wilderpeople (2016). Tuy nhiên nếu so với những tác phẩm hài trước đây thì chắc chắn Jojo Rabbit là một thử thách lớn đối với Taika Waititi bởi bộ phim này động tới một đề tài rất dễ để chỉ trích nhưng cực khó để khắc hoạ một cách hài hước – đó là nạn diệt chủng người Do Thái từ góc nhìn của những người sống dưới chế độ Quốc xã. Có ông ngoại là người Nga gốc Do Thái, hẳn Taika Waititi từ lâu cũng đã muốn làm một tác phẩm về nỗi đau nhức nhối suốt gần một thế kỷ qua của người Do Thái theo cái cách Steven Spielberg đã đem tới cho công chúng Bản danh sách của Schindler (1993) hay Roman Polanski giới thiệu The Pianist (2002) cho người yêu điện ảnh. Nhưng hiếm có đạo diễn người Do Thái nào lại chọn cách khắc hoạ bị kịch lớn nhất trong lịch sử thế giới hiện đại một cách hài hước châm biếm, qua góc nhìn của một cậu bé sống theo “lý tưởng” của phe ác – Đức Quốc xã như cách Taika Waititi thực hiện với Jojo Rabbit – bộ phim do chính ông chắp bút viết kịch bản. Quả thực phần đầu của Jojo Rabbit dù rất hài hước nhưng vẫn tạo ra chút gợn trong lòng khán giả bởi họ được chọc cười bởi những hành động, câu thoại, tình huống đầy châm biếm đến từ Jojo “Thỏ đế” và những người xung quanh cậu – trong đó có rất nhiều đại diện tiêu biểu của chế độ Đức Quốc xã tàn bạo như Hitler, như Klenzendorf, như Rahm, nhưng đồng thời cũng phải đối mặt với vô số những luận điệu, tư tưởng độc hại, đen tối của chủ nghĩa Quốc xã vốn đã gây ra cái chết của hàng chục triệu người trên khắp châu Âu và ngay trong chính lòng nước Đức. Sự tương phản quá lớn giữa những tiếng cười của một bộ phim hài và bản chất tàn nhẫn vô nhân tính của một chế độ không ai có thể biện hộ có lẽ sẽ khiến nhiều khán giả cảm thấy phần nào đó mất phương hướng khi xem phần đầu của Jojo Rabbit bởi họ không hiểu truyện phim sẽ diễn tiến theo chiều hướng nào, hay đơn giản là họ nên dành tình cảm cho ai khi mà ngay chính cậu bé Jojo “Thỏ đế” cũng lại chính là “cái loa” to nhất cho những lập luận lố bịch của chủ nghĩa Quốc xã. 

Nhưng việc Taika Waititi đặt chính bản thân ông vào thế khó với cách lựa chọn đề tài và phần mở đầu gây nhiều chới với của Jojo Rabbit hoá ra lại chính là cơ hội để khán giả một lần nữa được hiểu thêm về tài năng thực sự của vị đạo diễn người New Zealand này. Bởi càng xem, họ sẽ càng nhận ra rằng Jojo Rabbit không chỉ là một tác phẩm hài thông thường, mà còn là một bộ phim được làm ra bởi một nghệ sĩ có trái tim lớn để nói lên câu truyện về số phận của những đứa trẻ sinh ra và lớn lên giữa sự tàn khốc của Chiến tranh thế giới thứ hai. Đây thực ra không hẳn là một đề tài mới, bởi điện ảnh thế giới đã chứng kiến rất nhiều tác phẩm xuất sắc khắc hoạ hình ảnh những đứa trẻ phải vật lộn tìm đường tồn tại giữa bom đạn cuộc chiến và sự tàn bạo của các bên tham chiến, nhất là Đức Quốc xã, như Idi i smotri (1985) của đạo diễn Sô viết Elem Klimov, Au revoir les enfants (1987) của Louis Malle, Mộ đom đóm (1988) của Isao Takahata, Pan's Labyrinth (2006) của Guillermo del Toro, hay gần đây là In This Corner of the World (2016) của Sunao Katabuchi. Một điểm chung của các bộ phim hết sức cảm động này là việc các đạo diễn thường nhấn rất mạnh vào sự tương phản giữa một bên là sự vô nhân tính của chiến tranh, một bên là sự ngây thơ con trẻ  và tình yêu thương vô bờ bến các em dành cho những người xung quanh kể cả ở bờ vực giữa sự sống và cái chết. Jojo Rabbit cũng là một tác phẩm như thế, bởi Waititi đã đem tới cho người xem những phút giây cảm động khi được chứng kiến sự trân quý Jojo “Thỏ đế” dành cho cậu bạn Yorki, dành cho Elsa, và đặc biệt là tình cảm của cậu đối với người mẹ Rosie xinh đẹp. Trong một năm có tới hai vai diễn “người mẹ” xuất sắc (cùng với vai Nicole Barber trong Marriage Story), Scarlett Johansson dù không có quá nhiều đất diễn trong “Jojo Rabbit” nhưng vẫn khiến khán giả chẳng thể quên diễn xuất ăn ý của cô cùng cậu bé bạn diễn nhí Roman Griffin Davis – người thủ vai Jojo “Thỏ đế”. Trong một bộ phim có rất nhiều tiếng cười, rất nhiều những cảnh quay ấn tượng, có lẽ đáng nhớ nhất với nhiều khán giả vẫn lại là cái nhìn đầy yêu thương Rosie dành cho Jojo, hay cái cách cô cẩn thận buộc dây giày cho cậu nhóc hậu đậu. Một chi tiết thú vị mà hẳn nhiều khán giả cũng sẽ nhận ra khi xem phim, đó là việc Taika Waititi đã lựa chọn Scarlett Johansson – một nữ diễn viên gốc Do Thái để vào vai một phụ nữ Đức “thứ thiệt” sống giữa lòng một nước Đức đang ở đỉnh điểm của chủ nghĩa bài Do Thái. 

Sau phần mở đầu với nhiều dấu hỏi, Jojo Rabbit hẳn sẽ khiến nhiều khán giả cảm thấy hài lòng bởi rất nhiều những tiếng cười và tình cảm mà Taika Waititi đem tới cho khán giả nhờ vào một kịch bản nhẹ nhàng nhưng không kém phần kịch tính và diễn xuất ăn ý của Johansson, Griffin Davis, và McKenzie – cô bé thủ vai Elsa. Nhưng phần kết bùng nổ của bộ phim sẽ còn khiến người xem không chỉ hài lòng mà còn thấy ngạc nhiên trước cách Waititi đột ngột thay đổi nhịp độ của bộ phim để đem tới cho khán giả một góc nhìn rất khác về bóng ma chiến tranh vốn từ đầu phim mới chỉ lẩn quất đâu đây phía sau cuộc sống tưởng chừng thanh bình hết mực của một thành phố Đức nơi hậu phương. Nhưng chiến tranh là thế, sự huỷ diệt của chiến tranh ập tới vào chính những lúc người ta không thể ngờ tới để cuốn đi mọi thứ, từ nhà cửa, tài sản, cho tới sinh mạng của những người dân vô tội. Để những bi kịch của chiến tranh không lặp lại, chỉ có một cách duy nhất là giữa người với người chúng ta có thể yêu thương, trân trọng, và mở lòng cho nhau theo cái cách Jojo “Thỏ đế” đã mở lòng đối với mọi người xung quanh cậu, kể cả với những người cậu được dạy là “kẻ thù” như Elsa. Có lẽ đó là một trong những thông điệp mà Taika Waititi muốn đem tới cho khán giả - muốn gìn giữ cuộc sống thanh bình cho những đứa trẻ như Jojo, như Yorki, như Elsa, mỗi người trong chúng ta cũng cần luôn giữ trong mình chút gì đó hồn nhiên, ngây thơ của con trẻ như chính cái cách Waititi đã thực hiện Jojo Rabbit – một tác phẩm về diệt chủng, về chiến tranh, nhưng vẫn tràn đầy sự yêu thương và trí tưởng tượng của trẻ con. 

=======

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire