“Điều gì đọng lại trong kí ức ta khi trí nhớ đã phai tàn?” –
Câu hỏi mang đầy tính hiện sinh này là một trong những chủ đề yêu thích của điện
ảnh thế giới với những bộ phim xuất sắc như Eternal Sunshine of the Spotless
Mind, Memento, hay The Man Without a Past. Cũng đi tìm lời đáp cho câu hỏi
ấy, bộ phim The Professor’s Beloved Equation của đạo diễn Takashi Koizumi, một
chuyển thể điện ảnh của tiểu thuyết The Housekeeper and the Professor, lại
khai thác một khía cạnh tưởng như khô khan và ít khi được nhắc tới trên màn ảnh
lớn – tình yêu với Toán học và việc dạy Toán học.
Nhân vật chính của The Professor’s Beloved Equation là vị
giáo sư già ẩn danh (Akira Terao), người từng được coi là một ngôi sao sáng của
ngành lý thuyết số Nhật Bản. Sau một tai nạn giao thông ở tuổi 47, Giáo sư chỉ
còn có thể ghi nhớ “hiện tại” trong vòng 80 phút trước khi những thông tin này
bị xóa sạch khi bộ nhớ của Giáo sư quay lại thời điểm trước khi tai nạn xảy ra.
Bởi thế, Giáo sư mãi trở thành con người của quá khứ - không có hiện tại, không
có tương lai. Đồng hành với Giáo sư chỉ còn lại tình yêu với Toán học, với đội
bóng chày Hanshin Tigers, và nỗi khắc khoải với những kí ức vốn đã dừng lại ở
cái tuổi 47. Để chăm lo cho vị Giáo sư luôn sống với quá khứ ấy, cô gái trẻ Kyoko
(Eri Fukatsu) được thuê làm người giúp việc trong căn nhà nhỏ nơi góc vườn của
ông. Trái ngược với Giáo sư, mọi lo toan, suy nghĩ của bà mẹ đơn thân Kyoko gắn
liền với hiện tại, nhất là với đứa con trai bé bỏng, tinh nghịch của cô (Takanari
Saito). Câu chuyện của bộ phim được kể lại qua lời của cậu nhóc ấy – người lớn
lên với cái biệt danh đáng yêu “Căn bậc hai” do Giáo sư đặt, và cả tình yêu với
Toán học do ông truyền thụ, để rồi chính cậu trở thành một thầy giáo đưa niềm
đam mê với khoa học ấy đến với những thế hệ học sinh mới.
Đúng như cái tên của mình – “Công thức yêu thích của Giáo
sư”, phần lớn thời lượng của bộ phim tập trung mô tả ham mê bất tận của Giáo sư
đối với những con số. Có lẽ chính cái tình yêu với những con số, vốn ánh lên
trong cặp mắt sáng ngời của Giáo sư, đã giúp ông tiếp tục sống, tiếp tục làm
Toán, bất chấp cuộc sống cô độc không có bạn bè, không có hiện tại. Nhưng sự xuất
hiện của Kyoko và “Căn bậc hai” đã buộc ông phải tìm lời giải cho một bài toán
mới khó khăn không kém – làm thế nào để kết nối với hai con người hết mực yêu
quý ông với cái trí nhớ chỉ kéo dài 80 phút. “Công thức” cho bài toán ấy chính
là cái cách ông truyền tải “món quà của Tạo hóa” – những con số đến với Kyoko
và “Căn bậc hai”. Với nhiệt huyết và niềm đam mê tràn đầy, vị giáo sư già đã biến
hai con người xa lạ trở thành những “tín đồ” nhiệt thành của Toán học, và hơn
thế, kéo chính ông lại gần với thực tại bằng sợi dây tình người giữa ông và mẹ
con Kyoko. Câu chuyện giản dị nhưng sâu sắc này đã được truyền tải rất hiệu quả
bởi khả năng diễn xuất và sự ăn ý của bộ ba Akira Terao, Eri Fukatsu, và cậu bé
Takanari Saito. Terao già dặn, hóm hỉnh, Fukatsu nhanh nhẹn, nhiệt thành, Saito
hồn nhiên, dễ thương, mỗi người mỗi vẻ đã giúp bộ phim giữ được sự sống động và
tươi mới bất chấp bối cảnh và kịch bản tương đối đơn giản, không nhiều cao trào
của phim.
Chuyển thể gần như nguyên vẹn từ cuốn tiểu thuyết hết sức ăn
khách của nữ nhà văn Yoko Ogawa, The Professor’s Beloved Equation đã giữ được
cách giải thích hết sức trong sáng, dễ hiểu và thú vị của tác phẩm gốc về những
khái niệm Số học không phải ai cũng biết, cũng nắm vững như “số bạn bè”, “số
hoàn chỉnh”. Bên cạnh điểm sáng đó, bộ phim còn đem lại cho khán giả cảm giác
nhẹ nhõm với những nhân vật có phong thái sống hết sức lạc quan, tích cực, và
cách giải quyết tình huống nhẹ nhàng đậm chất nhân văn. Bởi thế, tuy nhịp phim
có đôi lúc đứt đoạn và kịch bản phim có lẽ không được chắc tay như những bộ
phim về khoa học hoặc nghề giáo khác như Good Will Hunting hay Dead Poets
Society, gam màu tươi sáng của The Professor’s Beloved Equation lại giữ cho
bộ phim một vẻ duyên dáng riêng. Quan trọng hơn cả, bộ phim đã cho thấy rằng bất
cứ ai, từ những đứa trẻ ham chơi như “Căn bậc hai” hay những phụ nữ luôn bận bịu
với công việc nội trợ như Kyoko, cũng có thể yêu thích, đam mê Toán học – thứ
khoa học “khó gần, khó hiểu”, nếu như họ có được một Người thầy đam mê, nhiệt
huyết, yêu khoa học, yêu học trò như Giáo sư.
Tại Giải thưởng Nobel năm 2015, có tới hai nhà khoa học Nhật
được vinh danh, góp phần đưa Nhật Bản trở thành quốc gia có số giải Nobel về
khoa học nhiều thứ hai trong thế kỷ 21, chỉ sau Hoa Kỳ. Với những câu chuyện
như của “Căn bậc hai” và Giáo sư trong The Professor’s Beloved Equation, hay
như của cô bé Totto-chan và Thầy Kobayashi trong Totto-chan: Cô bé bên cửa sổ,
có lẽ ta có thể hiểu được một phần nào lý do của những thành công đó. Hãy trân
trọng tri thức và sáng tạo, hãy trân trọng những người Thầy yêu nghề đang miệt
mài truyền lửa đam mê khoa học.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire