Trong suốt thập niên 2000, khi nhắc tới Danh sách 10 tội phạm
bị truy nã gắt gao nhất của Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI), người ta thường
nghĩ ngay tới Osama Bin Laden – kẻ chủ mưu vụ Khủng bố 11 tháng 9 nhằm vào nước
Mỹ. Bin Laden được đưa vào danh sách này năm 1999 và bị xóa tên năm 2011 khi gã
bị đặc nhiệm Mỹ tiêu diệt tại Pakistan sau một chiến dịch dài hơi thu hút sự
chú ý của Thế giới. Cùng được đưa vào danh sách trên của FBI năm 1999 như Bin
Laden trước khi bị xóa tên, lại một sự trùng hợp khác, vào năm 2011 khi bị FBI
bắt ở tuổi 81 là Jimmy “Whitey” Bulger. Không gây ra những vụ khủng bố khiến
hàng nghìn người thiệt mạng, nhưng tay trùm băng đảng Bulger cũng khiến cả nước
Mỹ phải rùng mình với danh sách tội ác dài dằng dặc, từ chủ mưu giết hàng chục
người, tới buôn ma tuý, trộm cướp, và thậm chí là cả cung cấp vũ khí cho phong
trào đòi ly khai ở Bắc Ireland. Tính cách tàn bạo của Bulger và lý do tại sao
FBI lại dung túng cho gã hoành hành ở Boston suốt hơn hai mươi năm chính là nội
dung của bộ phim tiểu sử Black Mass, tác phẩm mới nhất của đạo diễn Scott
Cooper.
“Black Mass” hay “Lễ đen” là một khái niệm dùng để chỉ các
buổi lễ phản Thánh của những người thờ quỷ Satan. Và quả thực hình ảnh của
Bulger (Johnny Depp) được khắc hoạ trong phim cũng có thể coi là hiện thân của
một con quỷ dữ giữa đời thực. Tất nhiên vẫn có những khoảnh khắc hiếm hoi khán
giả được thấy bộ mặt nhân tính của “Whitey” khi gã lặng ngắm đứa con trai yêu
quý say ngủ, hay khi “Whitey” cố gượng cơn buồn ngủ để ngồi chơi bài với bà mẹ
già. Nhưng phần lớn thời lượng của Black Mass được dành cho những nhát xẻng
Bulger đào cho nấm mồ của chính gã, với những tội ác nối tiếp tội ác, án mạng nối
tiếp án mạng. Lạnh lùng, tàn bạo, những cũng hết sức lọc lõi, quỷ quyệt, mọi
hành động của Bulger đều xuất phát từ lòng tham không đáy đối với tiền bạc và
quyền lực, và từ bản tính đa nghi của một gã “bố già” sẵn sàng xuống tay mọi
lúc, mọi nơi để bịt mọi đầu mối có thể khiến gã phải đối diện với công lý.
Ca tụng Satan trong những buổi “Lễ đen” là những người thờ
phụng quỷ dữ, và trợ giúp Bulger xây nên đế chế tội ác ở Boston là đám đàn em mang
trong mình dòng máu lạnh sát thủ. Rất nhiều trong số đó sinh ra, lớn lên cùng
“Whitey” ở khu phố nghèo phía Nam Boston, bởi thế chúng đặt tình huynh đệ lên
hàng đầu và sẵn sàng tuân lệnh “Whitey” một cách vô điều kiện, chúng sẵn sàng
trừng phạt bất cứ ai khiến “Whitey” gai mắt, kể cả những người thân thiết. Hơn
tất cả, chính cái nghĩa khí huynh đệ mù quáng này đã biến Boston trở thành
vương quốc tội ác của riêng Bulger, khi mà người đứng đầu chính quyền Boston lại
chính là Billy Bulger (Benedict Cumberbatch) – em ruột của “Whitey”, còn đặc vụ
FBI phụ trách ngăn chặn các hoạt động tội ác ở đây là John Connolly (Joel
Edgerton) – bạn thiếu thời của gã. Nếu như Billy – một tay chính trị gia lọc
lõi, đủ khôn ngoan để nhắm mắt làm ngơ trước những hoạt động của anh trai nhưng
không trực tiếp nhúng tay vào giúp gã, thì Connolly lại mù quáng tới mức trao cả
Boston cho “Whitey”, sẵn sàng tiết lộ cho “người bạn thủa thơ ấu” tên tuổi những
người chỉ điểm cho FBI về các hoạt động
tội ác của băng “Whitey” chỉ để đổi lấy niềm tin rằng “Whitey” sẽ giúp
FBI diệt trừ nạn mafia gốc Ý ở đây. Bởi thế, khi xem Black Mass, khán giả có
cảm giác “Whitey” là bóng đen phủ bóng cả bộ phim, còn chính những con chiên thờ
quỷ như Connolly mới chính là những tiêu điểm của câu chuyện – những kẻ lữ hành
trên con đường diệt vong để đối lấy niềm tin mù quáng vào con quỷ “Whitey”
Bulger.
Black Mass không phải là thử nghiệm đầu tiên của Hollywood
trong việc đưa Bulger lên màn ảnh lớn. Khán giả có thể phần nào thấy được hình ảnh
gã “Bố già Boston” điên khùng, tàn bạo với cái đầu hói qua vai diễn của Jack
Nicholson trong bộ phim đoạt giải Oscar “The Departed” của đạo diễn Martin
Scorsese –vai diễn được xây dựng một phần dựa trên cuộc đời tội phạm của
“Whitey” Bulger. Tuy nhiên Black Mass là bộ phim dạng tiểu sử đầu tiên tập
trung mô tả những sự kiện xoay quanh cuộc đời tội ác của Bulger khi mà sự kiện
gã bị FBI bắt sau hàng chục năm chạy trốn vẫn còn nóng hổi. Bởi thế Johnny
Depp, người được lựa chọn cho vai “Whitey” Bulger trước cả khi Scott Cooper ngồi
vào ghế đạo diễn bộ phim, trở thành tâm điểm chú ý của dư luận, một phần vì độ
nổi bật của cái tên Bulger, và một phần quan trọng vì đã lâu Depp chưa có vai
diễn nào thực sự thành công. Từng là ngôi sao tài năng và hút khách bậc nhất
Hollywood, suốt gần mười năm qua Depp bị đóng khung với các vai diễn lập dị hơi
có chút điên khùng, đặc biệt là trong các bộ phim của đạo diễn “ruột” của anh
là Tim Burton, vốn dần bị đánh giá là nhàm chán và thiếu sáng tạo. Ngay đối với
những nhân vật mang màu sắc nghiêm túc hơn như trong Transcendence, vai diễn
của Johnny Depp cũng không được đánh giá cao, thậm chí còn bị coi là “thuốc độc
phòng vé”. Nhưng với Black Mass, Depp đã đập tan mọi nghi ngờ về khả năng diễn
xuất chưa bao giờ mất của anh với một Bulger quỷ dữ cả về ngoại hình và hành động,
mà chỉ sự xuất hiện của gã trên khung hình thôi cũng đủ khiến khán giả cảm thấy
gai người. Tuy rằng kịch bản tương đối mỏng không cho phép Depp tạo nên một
hình ảnh có chiều sâu về “Whitey”, diễn xuất nhập vai và tạo hình chân thực của
anh (hình ảnh của Depp trong Black Mass gần như trùng khớp với những bức hình
hiếm hoi về Bulger được giới thiệu ở cuối phim) ít nhất đã giúp khán giả hiểu
được tại sao FBI lại xếp gã ngang hàng với Bin Laden trong danh sách truy nã. Kịch
bản thiếu đất cho việc phát triển tính cách của nhân vật cũng khiến những người
còn lại trong dàn diễn viên của Black Mass, với những cái tên nổi bật như
Cumberbatch, Rory Cochrane (vai Stephen Flemmi, tay chân của “Whitey”), Dakota
Johnson (vai Lindsey, vợ của ông trùm), hay Kevin Bacon (vai Charles McGuire, đặc
vụ FBI), không có nhiều cơ hội tỏa sáng. Vai diễn đáng nhớ nhất trong phim, bên
cạnh Bulger của Johnny Depp, có lẽ là nhân vật đặc vụ Connolly của Joel
Edgerton. Sự mù quáng đến tột độ của Connolly trước những tội ác vô nhân tính của
Bulger đã được Edgerton thể hiện hết sức thành công qua bề ngoài ngày một phù
phiếm của viên đặc vụ, qua từng cử chỉ thân mật Connolly dành cho “Whitey”, và
qua những lời bào chữa không tưởng của ông ta trước những tố cáo rõ ràng về hoạt
động tội phạm của “người anh em” Bulger.
Thiếu một kịch bản dày dặn có lẽ là điều đáng tiếc nhất của Black Mass, bởi một đạo diễn rất giỏi phim tiểu sử như Scott Cooper (người từng
giúp diễn viên gạo cội Jeff Bridges có giải Oscar diễn xuất đầu tiên với Crazy
Heart năm 2009) hoàn toàn đủ khả năng để biến những cuộc đời đầy ắp sự kiện của
Bulger, của Connolly, trở thành một tác phẩm điện ảnh thực sự sống động. Black
Mass gợi người xem nhớ tới những bộ phim tinh tuyền về các băng đảng tội phạm
Mỹ của Martin Scorsese như Goodfellas hay Casino, với tình huynh đệ đi đôi
với lừa lọc xảo trá, với rất nhiều bạo lực, với những nhân vật tự đào mồ chôn
mình, và tất nhiên, với rất nhiều đối thoại và những phút “kể chuyện” của các
nhân vật. Nhưng khác với những bộ phim của Scorsese, phần dựng phim của Black
Mass khá rời rạc và thiếu cao trào. Do đó khán giả khó lòng tạo dựng được sự gắn
bó với số phận của các nhân vật trên phim, có chăng chỉ là chút cảm xúc với những
giây phút hiếm hoi của tình người trên phim. Tuy vậy, những cảm xúc đó quá ngắn
ngủi để khán giả có thể lưu lại sau khi xem xong phim, bất kể sự trợ giúp của
phần nhạc phim hết sức xuất sắc của Junkie XL.
Một bộ phim chưa thực sự “tới” về chân dung của gã tội phạm
khét tiếng như Bulger, Black Mass dù sao cũng là một tác phẩm hấp dẫn của
dòng phim tội ác, đặc biệt là với những khán giả chưa từng nghe tới cái tên
“Whitey” Bulger. Ít nhất là với bộ phim này, những người yêu phim cũng đã có thể
hy vọng rằng Johnny Depp vẫn còn nguyên khả năng và tình yêu diễn xuất. Depp,
xin chào mừng anh trở lại.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire