“The first casualty of war is innocence.” (“Sự ngây thơ là nạn
nhân đầu tiên của chiến tranh.”)
“If you run, the beast will get you. If you stay, the beast
will eat you.” (“Nếu bạn bỏ chạy, con thú ấy sẽ bắt được bạn. Nếu bạn ở lại,
con thú ấy sẽ ăn thịt bạn.”)
Trên đây là hai câu dẫn đề (“tagline”) cho hai bộ phim nổi
tiếng Platoon (Trung đội, 1986) của Oliver Stone và City of God (Thành
phố của Chúa, 2002) của Fernando Meirelles. Tuy lấy bối cảnh rất khác nhau – Platoon là Chiến tranh Việt Nam còn City of God là những cuộc chiến băng đảng
ở Rio de Janeiro (Brazil), nhưng cả hai bộ phim đều kể lại những câu chuyện về
sự hủy hoại của nhân cách, của những suy nghĩ ngây thơ trong mỗi con người bởi
sức tàn phá của bạo lực, của lòng tham, của những thiếu thốn tột cùng cả về vật
chất và tinh thần. Cũng khắc họa một bi kịch tương tự như vậy, nhưng lần này là
ở một quốc gia Tây Phi xa xôi, Beasts of No Nation (Những con thú không chốn
nương thân) là một bộ phim hòa trộn cả Platoon và City of God với nhân vật
chính là những đứa trẻ (như trong City of God) bị ném vào bối cảnh chiến
tranh không giới tuyến (như trong Platoon) để rồi phải trở thành những tên
lính – những con thú khát máu.
Beasts of No Nation là câu chuyện về Agu (Abraham Attah), cậu
bé mảnh khảnh với thân hình khẳng khiu của một đứa trẻ chưa qua tuổi dậy thì và
tâm hồn vô tư, nhí nhảnh của đứa con được may mắn sinh ra trong một gia đình hạnh
phúc. Nhưng tuổi thơ của Agu nhanh chóng bị cắt đứt bởi chiến tranh, khi những
cuộc giao tranh khốc liệt giữa các phe phái khiến gia đình cậu phải ly tán, kẻ
còn, người mất, còn bản thân Agu thì rơi vào tay của gã Chỉ huy trưởng
“Commandant” (Idris Elba) và nhanh chóng trở thành một người lính giữa vô vàn
“lính trẻ em” khác trong tiểu đoàn của gã. So với những cái chết và nỗi sợ hãi
tột độ ập lên đầu Agu ngay những thời khắc đầu tiên của cuộc chiến, thì “đời
lính” trong tiểu đoàn của Chỉ huy trưởng thoạt khiến cậu bé bình tâm và nuôi lại
hy vọng tìm về với gia đình. Nhưng rồi nhanh chóng Agu nhận ra rằng cái tiểu
đoàn “lính trẻ em” mà cậu đang lạc vào luôn ẩn chứa điều gì đó bất an, và đằng
sau những những câu nói hùng hồn kích động tinh thần và phong thái dũng cảm
ngoài chiến trường, gã Chỉ huy trưởng dường như cũng che dấu một vết rách rộng
hoác trong tâm hồn. Nhưng bàng hoàng hơn đối với Agu là khi cậu bé nhận ra rằng
chính tâm hồn ngây thơ và niềm tin vào tình người, vào Chúa của cậu cũng dần bị
bạo lực và chết chóc của chiến tranh phá nát. Từ một đứa trẻ ngây thơ trong gia
đình, giờ đây Agu chỉ còn là một con thú sống theo bản năng, một con thú không
chốn nương thân.
Đạo diễn của Beasts of No Nation là Cary Joji Fukunaga,
người khởi đầu sự nghiệp điện ảnh cũng với một bộ phim về đề tài ảnh hưởng của
sự nghèo khó và tội ác lên tuổi thơ (Sin Nombre năm 2009). Tuy vậy Fukunaga
được biết tới nhiều nhất có lẽ là nhờ mùa đầu tiên của loạt phim truyền hình True Detective – loạt phim truyền hình gây tiếng vang lớn năm 2014 do
Fukunaga thực hiện lấy đề tài tội ác và diễn biến tâm lý của những người dính
dáng đến chúng. Ở Beasts of No Nation, người xem lại được thấy những thủ pháp
quen thuộc đã tạo dựng tên tuổi cho Fukunaga trong True Detective như sử dụng
tông màu hoặc ngả vàng, hoặc tương phản tạo dựng không khí trầm buồn cho phim;
dùng những cú bấm máy dài theo chân các nhân vật giúp cảnh quay có cảm giác thực
tế như phim tài liệu; và sử dụng nhiều khung hình cận cảnh và những lời kể,
thuyết minh để chia sẻ hết mức có thể với khán giả những suy nghĩ, biến động
trong tâm hồn các nhân vật của phim. Phong cách đạo diễn rất chắc tay này của
Fukunaga đã giúp Beasts of No Nation lôi cuốn hơn nhờ bố cục chặt chẽ và nhịp
phim đều đặn với những khoảng nghỉ cần thiết để khán giả kịp cảm nhận những thời
khắc cao trào của các trận chiến, của sự đối lập giữa Agu và Chỉ huy trưởng, của
sự tương phản giữa nhân tính và vô nhân tính. Bố cục chặt chẽ của phim cũng đã
giúp Beasts of No Nation khỏa lấp được phần nào khiếm khuyết của chính
Fukunaga khi xây dựng kịch bản phim, một kịch bản chưa hẳn hợp lý với phần dẫn
nhập dài quá mức cần thiết trong khi thời lượng dành để phát triển các nhân vật
đôi khi tạo cảm giác thiếu hụt. Bố cục mang chất điện ảnh của Beasts of No
Nation càng tỏ ra có hiệu quả trong việc lưu giữ cảm xúc cho khán giả khi ta
so sánh tác phẩm này với loạt phim True Detective của Fukunaga, khi sự chênh
lệch chất lượng giữa những tập đầu xuất sắc và những tập cuối lê thê khó lòng
khơi nguồn cảm xúc cho người xem từ đầu cho tới cuối của loạt phim.
Đóng góp vào thành công của Beasts of No Nation không thể
không kể tới diễn xuất xuất sắc của bộ đôi diễn viên chính Abraham Attah –
Idris Elba. Cậu bé vô danh người Ghana đã khiến khán giả phải bất ngờ khi thể
hiện hết sức thành công sự chuyển biến trong tâm hồn của Agu từ một đứa trẻ ngây
thơ, tinh nghịch tới một tên lính cằn cỗi, mất niềm tin vào cuộc sống. Bởi vậy
không ngạc nhiên khi với vai diễn này Attah đã được Ban Giám khảo Liên hoan
phim Venice trao Giải thưởng Marcello Mastroianni dành cho diễn viên mới xuất sắc
nhất – giải thưởng từng giúp những cái tên như Gael Garcia Bernal (năm 2001),
Moon So-ri (2002), và Jennifer Lawrence (2008) được công chúng biết tới. Đối
nghịch với Attah hồn nhiên, mảnh khảnh là một Idris Elba cao lớn, lọc lõi luôn
khiến người khác phải nể phục và khiếp sợ. Tạo dựng tên tuổi nhờ những vai diễn
thủ lĩnh đòi hỏi uy lực diễn xuất mạnh mẽ như vị lãnh tụ Nelson Mandela trong Mandela: Long Walk to Freedom (2013) hay viên chỉ huy Stacker Pentecost trong Pacific Rim (2013), việc thể hiện chất lãnh đạo của “Chỉ huy trưởng” là điều
hoàn toàn nằm trong khả năng của Elba. Nhưng không dừng lại ở đó, Elba còn tỏ
ra xuất sắc trong việc khắc họa những góc khuất của gã Chỉ huy trưởng với đủ cả
tham lam, độc ác, và thậm chí là những giờ phút dễ tổn thương tưởng chừng không
thể bắt gặp ở một tay chiến binh dày dặn kinh nghiệm trận mạc. Sự tương phản giữa
cái ngây thơ của Attah và kinh nghiệm tiết chế của Elba đã giúp bộ phim tái hiện
rõ ràng hơn sức tàn phá khủng khiếp của chiến tranh lên tâm hồn và nhân tính của
những người bị cuốn vào vòng xoáy đó. Xứng đáng với những lời ngợi khen còn là
dàn diễn viên phụ của Beasts of No Nation với rất nhiều diễn viên không
chuyên thủ vai những đứa trẻ-người lính trong tiểu đoàn của Chỉ huy trưởng. Tuy
không nhiều đất diễn, nhưng với những ánh mắt, cử chỉ lúc ngây thơ nồng nhiệt,
lúc hằn học lạnh lùng, những diễn viên nhí của bộ phim cũng đã hoàn thành nhiệm
vụ trong việc tạo nên một bức tranh toàn cảnh nhiều màu sắc và rất đáng nhớ về
nạn bắt trẻ em đi lính trong các cuộc xung đột ở châu Phi.
Theo tôi Beasts of No Nation là một bộ phim thành công. Có
thể kịch bản mang phong cách rất truyền thống của bộ phim không đem lại nhiều đột
phá hay bất ngờ cho khán giả. Có thể thời lượng trên hai tiếng của Beasts of
No Nation vẫn còn những giây phút trùng nhịp có cảm giác thừa thãi. Tuy nhiên
cái cách Fukunaga chăm chút cho từng khung hình, cái cách Attah và Elba nỗ lực
trong từng cảnh quay, cũng đã đủ nhắc nhớ người xem rằng ở đâu đó ở châu Phi vẫn
còn rất nhiều những bi kịch bị lãng quên của những đứa trẻ-người lính như Agu. Những
bi kịch trên phim như vậy của Agu, và thậm chí là của gã Chỉ huy trưởng, không
chỉ khiến người xem cảm nhận sâu sắc hơn về sự vô nghĩa và tàn bạo của chiến
tranh, mà còn là lời kêu gọi chúng ta – thế giới cần phải nỗ lực hơn nữa để
chúng không tái diễn với những số phận, mảnh đời khác, ở những quốc gia, thời
khắc khác.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire