some quotes....

I just want to tell you, I'm the one who was supposed to take care of everything. I'm the one who was supposed to make everything okay for everybody. It just didn't work out like that. And I left. I left you... And now, I'm an old broken down piece of meat... and I'm alone. And I deserve to be all alone. I just don't want you to hate me.

-Randy 'The Ram' Robinson, The Wrestler

mercredi 31 décembre 2014

The Kingdom of Dreams and Madness (2013)






"The Kingdom of Dreams and Madness" là phim tài liệu của một nữ đạo diễn - Mami Sunada về Hayao Miyazaki và hãng Ghibli lấy bối cảnh là quá trình Miyazaki làm bộ phim hoạt hình cuối cùng của ông - "The Wind Rises". Phim được quay trong thời gian rất dài nhưng được biên tập rất tốt, hạn chế tối đa thuyết minh (voice-over) mà chủ yếu kể chuyện thông qua chính lời của Miyazaki và hình ảnh ông cần mẫn vẽ từng khung hình cho bộ phim mới. Điểm hay của phim là tuy nói về Miyazaki và về Ghibli nhưng phim gần như không dùng một trích đoạn hoạt hình nào, trừ một phân đoạn ngắn (và được làm tuyệt vời!) ở cuối phim để minh họa cho câu chuyện của Miyazaki, dù thế nhưng người xem vẫn cảm nhận được vì đâu mà phim của Miyazaki có được cái nét riêng biệt, vì sao phim của ông có được những hình ảnh tưởng tượng bay bổng nhưng luôn kèm theo những câu chuyện hết sức gần gũi, thực tế và nhân văn như vậy. Xem xong phim tôi thấy có một số điểm đáng chú ý là:
- Miyazaki thực sự là người ham công tiếc việc, ông tự tay vẽ toàn bộ storyboard cho phim và vẽ luôn cả những cảnh chính của phim. Có lẽ vì thế mà ông muốn dừng lại hẳn sau "The Wind Rises" vì mỗi một bộ phim là một lần ông hao tổn sức lực, và niềm hứng thú làm phim - mặc dù ông là người sống giản dị, cực kì chăm chút cho sức khỏe bản thân. 
- Miyazaki không "đáng yêu" như các nhân vật hoạt hình của ông. Ông nghiêm khắc với bản thân và với những người xung quanh, họa sĩ làm việc cho Ghibli thường rơi vào trạng thái kính trọng tài năng của Miyazaki nhưng cũng "sợ" ông vì Miyazaki có đòi hỏi rất cao, và người càng giỏi thì ông lại càng có yêu cầu cao. Kể cả những nhân viên cũ của ông nay đã thành danh như Hideaki Anno (đạo diễn "Neon Genesis Evangelion" và là người lồng tiếng cho vai nam chính của "The Wind Rises") khi gặp lại "sếp" cũ cũng vẫn sợ Miyazaki như sợ cọp.
- Dù là bậc đàn anh của Miyazaki và là đồng sáng lập hãng Ghibli nhưng Takahata luôn khiến Miyazaki và Toshio Suzuki (nhà sản xuất chính của Ghibli) phải vò đầu bứt tai vì phong cách làm phim chậm rãi của ông. Chẳng ai có thể biết bao giờ Takahata sẽ hoàn thành phim của mình, và thậm chí là ông có muốn hoàn thành nó không nữa. Bộ phim cuối cùng của Takahata - "The Tale of the Princess Kaguya" được ông làm ròng rã suốt 7 năm trời từ 2006 đến tận 2013 mới công chiếu, trong thời gian đó Yoshiaki Nishimura, nhà sản xuất chính của phim, đã kịp lấy vợ và có hai đứa con, đứa đầu đã kịp đi học tiểu học. Sự khác biệt giữa Takahata và Miyazaki lớn tới mức hai người có thể được coi là hai nửa đối nghịch sáng-tối, hiện đại-truyền thống, nhanh-chậm của Ghibli, quan hệ giữa hai người vì thế cũng mang cả hai màu yêu-ghét (love-hate) - ngày nào Miyazaki cũng phải nhắc đến Paku-san (cách cả hãng Ghibli kính trọng gọi Takahata), nhưng cứ hôm trước khen hết lời Takahata thì hôm sau thể nào Miyazaki cũng lại phải kêu ca về sự "lề mề" của người đạo diễn thân thiết.


mardi 16 décembre 2014

Nhất cá nhân đích võ lâm (2014)


Bản thân Nhất cá nhân đích võ lâm (Kung Fu Jungle) thì không có gì đáng nói vì phim có kịch bản rời rạc, diễn xuất dưới mức trung bình (trừ Vương Bảo Cường, một diễn viên "thực lực" vào loại hàng đầu của điện ảnh Trung Quốc hiện nay), các pha giao đấu không có gì mới mẻ nếu như so với Sát phá lang của chính Chân Tử Đan (dù Hồng Kim Bảo cũng có mặt trong phim đó nhưng Chân mới là chỉ đạo hành động) cách đây gần 10 năm (2005), thậm chí là còn tệ hơn vì công đoạn dựng phim dùng quá nhiều jump cut làm cảnh quay trở nên rối một cách không cần thiết (nói là không cần thiết vì Chân Tử Đan là võ sư thứ thật và các pha hành động của anh hoàn toàn không đáng bị "làm màu" bằng jump cut như vậy). Khi mới xem trailer của phim tôi đã hy vọng phim sẽ là một tác phẩm pha trộn phong cách hành động "kiểu MMA" như Sát phá lang với nội dung điều tra phá án "kiểu" Võ hiệp (hai phim nổi bật của Chân Tử Đan trong tầm mười năm trở lại đây, bên cạnh loạt phim Diệp Vấn), nhưng hóa ra phim chỉ ở tầm dưới mức trung bình như Đạo hỏa tuyến (Flash Point - một phim đáng quên của Chân Tử Đan theo kiểu "ăn theo" SPL). Chi tiết hấp dẫn nhất của phim (theo tôi) chỉ là những khoảnh khắc khi tôi được thấy những gương mặt, bộ phim huyền thoại như Khương Đại Vệ, Túy quyền, Thất kiếm xuất hiện chớp nhoáng trên màn hình. Tất cả các chi tiết nhỏ này hóa ra lại được tổng hợp thành phần xuất sắc nhất của phim ... nằm ở ending credits với sự xuất hiện của một loạt tên tuổi của làng điện ảnh Hồng Kông với nhiều tên tuổi gạo cội (một số tên tuổi "ít" gạo cội hơn thì lại rất quen thuộc với những ai hay xem phim của Chân Tử Đan) và kết thúc ấn tượng với khuôn mặt của "bố già" điện ảnh Hồng Kông là Trâu Văn Hoài (người sáng lập hãng phim Gia Hòa). Thực ra ngay nội dung của phim cũng cho thấy sự trân trọng của những người làm phim đối với dòng phim kiếm hiệp với việc đặt những triết lý võ lâm vào bối cảnh hiện đại (Đả lôi đài-Gallants từng thực hiện rất thành công ý tưởng này), tuy nhiên kịch bản phim khá dở cùng diễn xuất tồi của dàn diễn viên (tất nhiên không thể hy vọng gì nhiều vào Chân Tử Đan ở mặt này, nhưng một đạo diễn tốt hoàn toàn có khả năng khỏa lấp điểm yếu của các diễn viên bằng cách quay, dựng, tạo hình nhân vật - như cách Trần Khả Tân đã làm với Võ Hiệp) nên thông điệp đẹp của bộ phim đã không được bộc lộ một cách đầy đủ nhất.

Tất nhiên không có câu hỏi nào là ... google không thể trả lời, kể cả danh sách những khuôn mặt xuất hiện trong đoạn ending credit. Dưới đây là link youtube và danh sách ấy.

http://www.youtube.com/watch?v=mysnipV36IE


- Áp phích phim Đường Sơn đại huynh-The Big Boss của Lý Tiểu Long
- Lưu Vỹ Cường (đạo diễn Vô gián đạo)
- Trâu Liên Hữu (trợ lý quay phim Diệp Vấn 2-Ip Man 2, Dương Gia Tướng-Saving General Yang)
- Từ Tiểu Minh (CEO hãng Anh Hoàng, nhà sản xuất của Twins MissionCân tung - Eyes in the Sky)
- Trịnh Bảo Thụy (đạo diễn Dog Bite Dog, Shamo)
- Lâm Châu (gaffer)
- Quách Tử Kiện (đạo diễn Đả lôi đài-Gallants)
- Ngô Tư Viễn (nhà sản xuất của Hoàng Phi Hồng IV/V-Once upon a Time in China)
- Chương Quốc Minh (đạo diễn Man on the Brink)
- Dương Tinh Tinh (diễn viên, trợ lý chỉ đạo hành động cho Bạch phát ma nữ truyện-The Bride with White Hair, Tân Lộc Đỉnh Ký-Royal Tramp)
- La Lễ Hiền (chỉ đạo hành động của Liệt hỏa chiến xa-Full Throttle)
- Generic có tên Lâm Siêu Hiền (đạo diễn Dã thú hình cảnh-Beast Cops Kích chiến-Unbeatable)
- Ngô Lý Lộ (phục trang cho các phim của Trần Khả Tân như Kim chi ngọc diệp-He's a Woman, She's a Man)
- Trương Đồng Tổ (đạo diễn Phì long công phu tinh-The Incredible Kung Fu Master của Hồng Kim Bảo)
- Áp phích phim Tân Thục Sơn kiếm hiệp-Zu Warriors from the Magic Mountain của Từ Khắc
- Khương Đại Vệ (có lẽ không cần chú thích)
- Túy quyền-The Drunken Master với Thành Long và huyền thoại Viên Tiểu Điền (cha của Viên Hòa Bình)
- Mạch Quốc Cường (chỉ đạo nghệ thuật cho Diệp Vấn 1/2)
- Thích Diên Năng (Tuyệt đỉnh công phu-Kung Fu Hustle, Diệp Vấn)
- Phàn Thiếu Hoàng (Lực vương-Riki-Oh: The Story of Ricky, Diệp Vấn 1/2)
- Dụ Kháng (Băng phong hiệp-Iceman)
- Quách Văn Kì (trợ lý đạo diễn cho Thập nguyệt vây thành-Bodyguards and Assassins)
- Hoàng Phong Cường (đạo diễn Tổ trọng án-Crime Story)
- Kim Bồi Đạt (soạn nhạc cho các phim của Trần Khả Tân như Đầu danh trạng-The Warlords, Võ Hiệp-Wu Xia, 8 lần giành Giải thưởng điện ảnh Hồng Kông cho nhạc phim)
- Mạnh Hải (diễn viên, chỉ đạo hành động cho Tân Thục Sơn kiếm hiệp, Hoàng gia sư tỉ-Yes, Madam)
- Trương Văn Bảo (quay phim cho Thiến nữ u hồn-A Chinese Ghost Story, Nguyễn Linh Ngọc-Centre Stage)
- Hoàng Vĩnh Hằng (quay phim cho các phim của Từ Khắc như Đao mã đán-Peking Opera Blue)
- Dương Phán Phán (Túy quyền)
- Áp phích Độc thủ đại hiệp-One Armed-Swordsman
- Viên Tường Nhân (Độc thủ đại hiệp, diễn viên, chỉ đạo hành động cho Hoàng Phi Hồng)
- Lý Đạt Siêu (chỉ đạo hành động cho Thập nguyệt vây thành)
- Trần Chí Đạo (hiệu quả hình ảnh cho Thiết thính phong vân III-Overhead 3)
- Lương Tiểu Hùng (diễn viên, chỉ đạo hành động của Song long hội-Twin Dragons)
- Bey Logan (diễn viên, chuyên gia về điện ảnh Hồng Kông)
- Tiền Vĩnh Lệ (âm thanh)
- Hoàng Vỹ Huy (chỉ đạo hành động cho Vô gián đạo III)
- Tăng Cảnh Tường (âm thanh cho Diệp Vấn)
- Mark Philip Garbario (hóa trang)
- Diêu Văn Cơ
- Chu Thục Tuệ (Thần tham-Mad Detective)
- Thất kiếm-Seven Swords với huyền thoại Lưu Gia Lương (đạo diễn Thiếu Lâm tam thập lục phòng-The 36th Chamber of Shaolin)
- Đổng Vĩ (huyền thoại chỉ đạo hành động, chỉ đạo hành động của Bản sắc anh hùng-A Better Tomorrow)
- Nguyên Bân (chỉ đạo hành động của Tân Long môn khách sạn-New Dragon Gate Inn, Tiếu ngạo giang hồ II: Đông Phương Bất Bại-Swordsman II)
- Huân Gia Trân (nhà sản xuất của Viva Erotica, Diệp Vấn: Chung cực nhất chiến-Ip Man: The Final Fight)
- Lâm Địch An (diễn viên, chỉ đạo hành động cho Người trong giang hồ-Young and Dangerous, Xích Bích-Red Cliff)
- Trần Hội Nghị (đạo diễn Crazy Safari, chỉ đạo hành động Tỉnh cảnh kỳ binh-Long Arm of the Law)
- Tư Đồ Tuệ Chức (biên kịch Thiến nữ u hồn III)
- Trần Thục Hiền (biên kịch Đào tả-A Simple Life)
- Lưu Hạo Lương (biên kịch Tam quốc chí: Kiến long tá giáp-Three Kingdoms: Resurrection of the Dragon)
- Chân Tử Đan
- Trâu Văn Hoài ("bố già" của điện ảnh Hồng Kông, người sáng lập hãng Gia Hòa-Golden Harvest, nhà sản xuất của Đường Sơn đại huynh)

dimanche 14 décembre 2014

The Tale of the Princess Kaguya (2013)






Đã mười bốn năm kể từ My Neighbours the Yamadas (1999) người hâm mộ mới lại được xem một phim mới của Isao Takahata - The Tale of the Princess Kaguya - dù không mong muốn chút nào nhưng tôi đoán đây có lẽ cũng sẽ là bộ phim cuối cùng trong sự nghiệp của Takahata, năm nay ông đã 79 tuổi, quá trình nhiều năm trời hao tổn tâm sức và tiền bạc (hình như đây là bộ phim tốn kém nhất của Ghibli, đắt gấp rưỡi The Wind Rises trong khi doanh thu chỉ chưa được một phần mười) có lẽ chẳng dành cho cái tuổi gần đất xa trời của ông. Xem phim tôi cũng hiểu thêm vì sao đây được đánh giá là một thất bại nặng nề về mặt tài chính của Ghibli tới mức hãng phải tính toán tới việc ngừng làm phim mới để tái cơ cấu - phim rất dài (gần hai tiếng rưỡi), (hình như) được vẽ chủ yếu bằng tay với phong cách thô mộc và tông màu sáp rất khó cho đồ họa vi tính (tôi nghĩ vậy), đề tài phim rất rất khó ăn khách vì bối cảnh truyền thống kiểu Nhật, kịch bản phức tạp, không nhiều chất giải trí (nhất là so với hai bộ phim giải trí gần đây nhất của Isao Takahata là Pom Poko My Neighbours the Yamadas) và gần như tuyệt đối không dành cho trẻ con ("khách hàng chính" của phim hoạt hình), ngoại trừ mươi phút đầu phim. Mười bốn năm công sức của Isao Takahata, cả tương lai kinh doanh của Ghibli, liệu có đáng không cho một The Tale of the Princess Kaguya?

Theo tôi là xứng đáng.

Ai đã từng đọc Doraemon thì chắc chắn đều thấy quen thuộc với Nàng tiên trong ống tre (Taketori monogatari), kịch bản The Tale of the Princess Kaguya của Takahata có thể coi là một chuyển thể điện ảnh gần như nguyên vẹn của truyện cổ tích này. Cô bé Kaguya sinh ra từ ống tre được đôi vợ chồng ông lão đốn tre nuôi nấng với hy vọng một ngày kia cô sẽ trở thành một công chúa thật sự, được sống cuộc đời hạnh phúc vương giả bên một vương tôn hoàng tử nào đó của triều đình. Nhưng Kaguya chẳng muốn những lồng vàng cũi ngọc ấy, cô bé sinh ra từ thiên nhiên, lớn lên giữa thiên nhiên, và cô chỉ muốn sống tự do, tự tại như sâu bọ muông thú trong rừng, sống cuộc sống giản dị, chất phác như những người bạn thơ ấu nghèo nhưng hồn nhiên, yêu đời của cô bé. Xuyên suốt bộ phim, người xem được chứng kiến một Kaguya lớn dần và đổi thay theo năm tháng, từ một Kaguya bé bỏng đáng yêu với những bước chập chững trong rừng tre tới những trò đuổi bắt con trẻ thời thơ ấu, tới một Kaguya trưởng thành, xinh xắn, nhưng chẳng còn có thể hồn nhiên khi phải đứng trước lựa chọn giữa trách nhiệm báo hiếu vợ chồng ông lão đốn tre và cuộc sống tự do với những người bạn chốn rừng cũ. Kịch bản truyền thống, cách kể chuyện cũng truyền thống, nhưng The Tale of the Princess Kaguya vẫn cho thấy một Isao Takahata bậc thầy của phong cách hiện thực huyền ảo. Nếu như "nửa kia" của Ghibli - Hayao Miyazaki nổi tiếng khắp thế giới như "thầy phù thủy" của nghệ thuật hoạt hình với trí tưởng tượng và sức sáng tạo tuyệt vời thì Isao Takahata lại gắn liền sự nghiệp của mình với việc mô tả đất nước Nhật Bản và con người Nhật Bản qua lăng kính thực tại huyền ảo. Nếu như Grave of the Fireflies là câu chuyện đau đớn nhưng đậm chất nhân văn của hai đứa bé Nhật tìm cách thoát ly thực tại giữa khói lửa chiến tranh, Pom Poko là hình ảnh một nước Nhật đổi thay và những hệ lụy của nó đối với truyền thống và môi trường thông qua cuộc sống của lũ "hồ li" (hay tanuki "thành tinh), thì The Tale of the Princess Kaguya là những suy nghĩ mang chất hiện sinh về cuộc sống được đặt trong bối cảnh một câu chuyện cổ tích truyền thống Nhật Bản. Tất nhiên có thể Isao Takahata cũng chẳng mưu cầu những thứ triết lý phức tạp như tôi đang cố "gán" cho các bộ phim của ông, có thể ông chỉ muốn đưa tới khán giả những lát cắt về con người, về cuộc sống Nhật một cách chân thực, nhân văn nhất (và mang màu sắc hài hước, khi có thể) như ông đã rất thành công với Only Yesterday My Neighbours the Yamadas (hay trước đó khá lâu là Jarinko Chie). Nhưng dù có suy nghĩ theo cách nào thì khi xem The Tale of the Princess Kaguya, khán giả chắc chắn sẽ cảm nhận được sự trân trọng của Isao Takahata dành cho chính họ thông qua những nét vẽ tuyệt vời về thiên nhiên và con người Nhật Bản, thông qua cách minh họa giản dị nhưng hết sức tinh tế những biến đổi và giằng xé nội tâm của Kaguya, thông qua những nốt nhạc đượm màu truyền thống và hết sức xúc động của Joe Hisaishi để miêu tả tình yêu tự do của Kaguya và nỗi đau của cô khi chẳng thể có được nó.

Tiếp xúc với phim Ghibli khi đã "lớn" nên nhiều lúc với tôi, phim của Isao Takahata với cái chất sáng tạo rất riêng và màu sắc hiện thực huyền ảo lại hấp dẫn hơn cả những bộ phim đậm chất sử thi của Hayao Miyazaki (tất nhiên "hơn" theo cái thang điểm 9,5 so với 10 mà thôi). Vì thế khi biết tin The Tale of the Princess Kaguya sắp được công chiếu tôi đã rất rất mong mình được ra tận rạp để xem bộ phim này để có được trải nghiệm như tôi đã có với The Wind Rises. Tiếc là chờ mãi phim không ra rạp ở Hàn Quốc, và cũng bặt tăm trên các trang torrent. Quả thực phim rất khó ăn khách, những phút đầu vui tươi của The Tale of the Princess Kaguya chẳng thể khỏa lấp một thực tế rằng phần đầu của phim dù tươi sáng nhưng lại không hấp dẫn và tạo được ra kịch tính (hoặc thể hiện "tiềm năng" tạo ra kịch tính) để lôi cuốn người xem tới nửa sau của bộ phim. Nhưng một khi đã chăm chú và in dấu trong đầu hình ảnh thay đổi từng ngày của Kaguya, người xem sẽ dần bị thu hút bởi những xung đột ngày càng lớn lên trong nội tâm Kaguya cũng như giữa cô đối với tình yêu thương con nhiều phần mù quáng của ông lão đốn tre và sự khao khát đầy toan tính của lũ vương giả cầu hôn. Như mọi bộ phim hay, những thời khắc tuyệt vời nhất của The Tale of the Princess Kaguya nằm ở những phút cuối của bộ phim, khi tình cảm giữa con người với con người, giữa Kaguya với những người thân yêu của cô, với cuộc sống, với thiên nhiên xung quanh cô thể hiện rõ nét hơn bao giờ hết. Tuy kết thúc bằng những hình ảnh hết sức huyền ảo nhưng phần cuối của The Tale of the Princess Kaguya lại gợi tôi nhớ tới Only Yesterday - bộ phim có lẽ là giản dị và chân thành nhất của Isao Takahata với cái triết lý cũng giản dị không kém - những con người, thứ đáng trân trọng nhất, đáng yêu quý nhất chính là những con người, những tình cảm luôn ở bên ta, luôn sẵn sàng đến với ta bất kể không gian, thời gian. Tất nhiên, The Tale of the Princess Kaguya cũng sẽ còn được nhớ tới bởi phong cách vẽ và màu sắc giản dị nhưng hết sức ấn tượng và lôi cuốn - thoạt đầu tôi tưởng phim sẽ được vẽ theo phong cách tối giản kể cả về màu sắc và chi tiết như My Neighbours the Yamadas, nhưng hóa ra đây lại là một bộ phim rộng lớn, đa sắc và ấn tượng hơn rất nhiều về mặt hình ảnh, bởi cái không gian rộng lớn của thiên nhiên Nhật Bản (My Neighbours the Yamadas có bối cảnh giới hạn trong gia đình và thành phố hiện đại) đã được Takahata minh họa tuyệt vời qua tông màu không quá rực rỡ nhưng rất ấm áp và những nét vẽ không quá đi sâu vào chi tiết nhưng vẫn đủ độ khơi gợi để người xem cảm nhận được về hình ảnh nhân vật, về vẻ đẹp thiên nhiên mà đạo diễn muốn truyền tải. Cũng cần nói thêm là tôi nói đây là một bộ phim giản dị không có nghĩa nó là một tác phẩm nghệ thuật đơn giản, ngược lại phong cách vẽ của The Tale of the Princess Kaguya là hết sức tinh tế và phim cũng được dựng hết sức sáng tạo, một ví dụ điển hình là cảnh cô bé Kaguya chạy một mạch từ cung điện về lại ngôi nhà xưa cũ, mỗi một bước chạy của cô bé người ta thấy cảnh vật cũng nhạt nhòa dần tới mức trừu tượng như trannh của J.M.W. Turner. 

Thật khó để nói một The Tale of the Princess Kaguya giản dị có phải là bộ phim hoàn hảo "năm sao" hay là khúc vĩ thanh cuối đời của Isao Takahata hay không, nhưng cũng như cảm xúc đã có khi xem The Wind Rises, tôi thấy trân trọng và may mắn khi được xem bộ phim này. Trân trọng vì xem phim mà như thấy lại được bao nhiêu hình ảnh xúc động, đáng nhớ của những bộ phim Isao Takahata mà tôi đã từng được xem, may mắn vì thấy mình cảm được bộ phim, thấm được chút gì đó cái thông điệp nhân văn mà Takahata muốn truyền tải. Thật kì lạ, Hayao Miyazaki với The Wind Rises, và giờ đây là Isao Takahata với The Tale of the Princess Kaguya, dường như cả hai đều muốn chia tay những khán giả hết mực yêu quý họ suốt bao nhiêu năm cùng với một thông điệp hết sức đơn giản - dù nó ẩn chứa vô vàn thời khắc khó khăn và bất hạnh, hãy vẫn cứ yêu cuộc sống hết mức khi bạn còn có thể. Xin cảm ơn ông, Isao Takahata, vì The Tale of the Princess Kaguya, và vì tất cả. 

dimanche 7 décembre 2014

Nightcrawler (2014)






Cái poster sặc sỡ kiểu thập niên 1980 này làm tôi liên tưởng đến poster Inherent Vice của Paul Thomas Anderson - một trong những phim tôi mong chờ nhất năm nay. Tiếc là Nightcrawler không được "sặc sỡ" như cái poster của nó, hầu như mọi cảnh quay ngoại cảnh của phim đều diễn ra vào buổi tối hoặc trong không gian tối tăm chật hẹp của phòng dựng đài truyền hình địa phương (đúng như cái tên của bộ phim - Nightcrawler - Kẻ ăn đêm (?) ), "ban ngày" của bộ phim chủ yếu diễn ra trong căn phòng trống hoác của Lou Bloom (Jake Gyllenhaal), nhân vật chính của phim. Truyện phim được xây dựng xung quanh cuộc đời "ăn đêm" của Lou Bloom, từ một gã ăn trộm phế liệu xây dựng đến "giám đốc" "hãng cung cấp tin tức" mà thực chất chỉ là một gã chuyên săn lùng các cảnh máu me giật gân xảy ra trên đường phố Los Angeles buổi đêm để bán cho các kênh thời sự "lá cải" phát vào sáng sớm ngày hôm sau. Lou Bloom có lẽ một trong những nhân vật-vô nhân tính nhất mà tôi từng được chứng kiến trên màn ảnh - máu lạnh, hoàn toàn lãnh cảm với cảm xúc của người xung quanh và nỗi đau của những nạn nhân mà Lou quay trên đường phố, tuyệt đối không bày tỏ một sở thích, tình cảm nào mang tính "con người". Lou làm tôi nhớ tới vai Patrick Bateman của Christian Bale trong American Psycho, cũng là típ nhân vật vô nhân tính, khốc liệt, tàn bạo. Tuy nhiên ở Patrick Bateman tôi còn thấy chút màu sắc, cho dù là rất nhợt nhạt, của một gã tội phạm tàn bạo với những sở thích quái đản, còn ở Lou Bloom tôi chẳng thấy gì ngoài một bộ máy mang da thịt con người - "người" mà những lời nói thốt ra từ mồm gã hoàn toàn là những gì cóp nhặt được từ những thứ gã đọc đâu đó, "người" mà căn hộ trống hoác, không mang chút cá tính, chút hơi người nào của gã không hề đem lại cho người xem cảm giác đây là một căn hộ-có người ở. Xem Lou Bloom, người ta thấy toát lên ở gã cái cảm giác ám ảnh kinh dị như khi đang xem những con ma trong phim kinh dị Nhật Bản, những tội ác Lou gây ra, trực tiếp hay gián tiếp, thực ra không phải quá "tàn bạo" nhưng lại toát lên sự vô nhân tính đến kinh ngạc. Có lẽ một đề cử Oscar đã chắc chắn nằm trong tay Jake Gyllenhaal với vai diễn này, Jake đã chuyển hóa hoàn toàn từ hình mẫu của những nhân vật luôn có chút gì yếu đuối trong tâm hồn (Jake có một cặp mắt "trời phú" cho việc diễn xuất) thành một gã người máy sắt đá vô cảm, cặp mắt nổi tiếng của Jake cũng được anh phù phép để biến thành một cặp mắt lồi ám ảnh, cặp mắt hoặc sục sạo tìm kiếm những gì đen tối nhất trong bóng đêm Los Angeles, hoặc tròng trọc vào người đối diện để tìm ra những góc tối trong tâm hồn họ. Có lẽ từ nay nếu có cuộc bình chọn nào cho "bộ phim xuất sắc nhất về Thần Chết", tôi sẽ không do dự điền tên "nightcrawler" Lou Bloom vào đó.

Jake vô cùng xuất sắc, nhưng tôi khó có thể coi Nightcrawler là một bộ phim xuất sắc. Xuyên suốt bộ phim người ta không thấy được sự phát triển về mặt tính cách, hình ảnh của các nhân vật trong phim - Lou Bloom vẫn luôn là gã vô nhân tính từ đầu phim tới cuối phim trong khi các nhân vật phụ khác gần như không có đất diễn hoặc không được kịch bản "quan tâm" phát triển, kể cả những vai nhiều tiềm năng như vai "khách hàng" của Lou - trưởng ban thời sự Nina Romina (Rene Russo). Có cảm giác những nhân vật phụ trong phim chỉ xuất hiện để làm nền cho Lou, để người xem thấy rõ hơn cái sự vô nhân tính của Lou. Ngay cả cái thông điệp ngầm (theo tôi là như vậy) về mặt trái của truyền thông "lá cải" hiện đại và về sự tham lam, tàn bạo của xã hội hiện đại cũng không được làm rõ vì người xem gần như không thể cảm nhận được sự ảnh hưởng của môi trường xung quanh lên con người Lou. Bởi thế mà bộ phim dù xem rất hấp dẫn nhưng lại chỉ đem đến cho người xem cảm giác ghê sợ trước sự vô nhân tính của Lou chứ khó lòng cuốn hút được họ với những câu chuyện xảy ra trên đường phố - kể cả trường đoạn cao trào kịch tính nhất ở cuối phim có lẽ cũng không làm mấy ai phải ngạc nhiên "nhảy ra khỏi ghế" bởi "với Lou đó là điều tất yếu". Viết tới đây tôi mới nhận ra rằng để viết nên một kịch bản hấp dẫn, cân bằng quả thực rất khó - nhân vật Lou được xây dựng với một phong cách, hình ảnh rất riêng - một gã vô nhân tính đến cùng cực - nhưng chính cái "khung" riêng biệt ấy lại làm khó cho chính việc viết kịch bản phim trong việc "bơm" cảm xúc và kịch tính vào đó. Dù sao ta cũng nên trân trọng nỗ lực của đội ngũ làm phim trong việc giữ cho bộ phim được nhất quán về phong cách và nhân vật từ đầu tới cuối (đã có rất nhiều bộ phim khởi đầu vô cùng xuất sắc nhưng lại kết thúc kiểu "đầu voi đuôi chuột" như Law Abiding Citizen). Nhưng tôi mong là vai Lou sẽ không đem lại Oscar cho Jake, nhân vật này quá "một màu" và với tài năng diễn xuất như thế này thì Jake thừa đủ khả năng giành Oscar với một vai diễn nhiều "màu sắc" hơn.*

 *: Đang đọc Colorless Tsukuru Tazaki and His Years of Pilgrimage của Murakami nên tôi bị ám ảnh với chuyện "không màu" và "nhiều màu".

vendredi 5 décembre 2014

Life Itself (2014)


Đây là bộ phim được làm để chuyển thể hồi ký của Roger Ebert Life Itself thành phim tài liệu nhưng do Roger mất đột ngột khi phim vẫn đang quay nên bộ phim cuối cùng dành hẳn một nửa để nói về những suy nghĩ của Roger ở phần cuối cuộc đời. Bao nhiêu năm đọc review của Roger và thấy hẫng hụt lớn khi ông đột ngột qua đời, thực ra tôi mong muốn được xem một bộ phim tài liệu về cách nhìn của Roger đối với điện ảnh, đối với việc phê bình phim nhiều hơn là một bộ phim tài liệu về cuộc đời ông. Tiếc là Life Itself chủ yếu cho người ta thấy một Roger yêu cuộc đời, yêu vợ, và yêu công việc - những suy nghĩ về điện ảnh, về phim, về phê bình phim chủ yếu lại đến từ những nhà phê bình khác như A.O. Scott của NYTimes hay Richard Corliss của Time, trong đó nhiều bình luận thậm chí là hơi mang tính chỉ trích phong cách "bình dân"/"xã hội hóa" của Roger như việc ông biến phê bình phim thành một "talk show" truyền hình với Gene Siskel. Có lẽ mục tiêu chính của đạo diễn Steve James (người được chính Roger đưa tới công chúng thông qua việc ca ngợi suốt bao năm "siêu phẩm" tài liệu của James là Hoop Dreams) cũng chỉ là khắc họa con người Roger, vì như chính Roger đã trả lời James trong một email - mọi người hoàn toàn có thể tìm thấy những suy nghĩ của ông về điện ảnh qua hồi ký Life Itself. Phim có rất nhiều cảnh quay cảm động - những lời nói yêu thương của Roger và vợ ông, Chaz Ebert, dành cho nhau, những trường đoạn mô tả cuộc sống khó khăn của một Roger-không hàm khi ông được cho y tá cho "ăn" một cách hết sức đau đớn bằng cách sục trực tiếp ống chứa dung dịch "thức ăn" vào dạ dày của ông. Cảm động không kém là những tình cảm của các nhà làm phim dành cho Roger - Scorsese mắt long lanh khi nhắc lại Roger đã "cứu sống" ông như thế nào vào những năm đầu thập niên 1980 khi đạo diễn đang chìm trong ma túy và cô độc, Herzog tự hào kể lại bộ phim tài liệu ông làm dành tặng cho Roger bằng cách đi đến tận cùng Thế giới - Nam Cực để quay mình về phía nhà phê bình phim đã bảo vệ ông suốt bao năm với một cái nghiêng mình. Có thể nói đây là một bộ phim hết sức trọn vẹn về mặt cảm xúc và hẳn Roger ở phía bên kia Thế giới cũng hài lòng vì bộ phim đã khắc họa được nhiệt huyết và tình yêu cuộc sống của ông một cách chân thực và gần gũi nhất có thể. Chỉ tiếc là phim chưa khắc họa thật rõ nét tình yêu phim của Roger, và triết lý của ông khi xem phim, có lẽ ta phải chờ tới một bộ phim tài liệu khác - tôi đặt hy vọng vào Scorsese và Herzog.

jeudi 20 novembre 2014

Interstellar (2014)





Do not go gentle into that good night,
Old age should burn and rave at close of day;
Rage, rage against the dying of the light. 

Interstellar dài 3 tiếng, và hầu như cả bộ phim đều xoay quanh cái tứ thơ này của bài thơ "Do Not Go Gentle into that Good Night" (bài diễn văn của "Tổng thống Mỹ" Whitmore trong "Independence Day", bài diễn văn vào loại hay nhất của Hollywood mà gần đây "Pacific Rim" cũng cố gắng tái lập, có dùng một câu cũng lấy từ cái tứ này - We will not go quietly into the night) - một cuộc hành trình vào bóng tối sâu thẳm và tĩnh lặng của vũ trụ để tìm lấy sự sống cho loài người. Bộ phim lấy bối cảnh một Trái Đất đang chết dần chết mòn, nơi quân sự hay tiến bộ về khoa học công nghệ chẳng còn ý nghĩa gì khi mà thứ nuôi sống con người - lương thực ngày một cạn kiệt. "Mankind was born on Earth. It was never meant to die here." - Loài Người sinh ra trên Trái Đất nhưng không có nghĩa là số mệnh chúng ta phải chấm dứt ở nơi đây - Cooper (Matthew McConaughey) đã nói như vậy trước khi bắt đầu chuyến hành trình vào vũ trụ để tìm lấy lối thoát cho Loài Người, mà thực chất là tìm lấy sự sống cho gia đình nhỏ bé của anh. Cooper ra đi với niềm tin vững chắc rằng một ngày kia anh sẽ quay trở lại với cô con gái Murph bé bỏng và thông minh - chính phát hiện của Murph về thông điệp từ "bóng ma" của cô bé đã đưa Cooper đến với NASA, nơi giáo sư Brand và những chuyên gia còn sót lại đã thuyết phục thành công Cooper đi qua wormhole để đến đầu kia của vũ trụ kiểm chứng những hành tinh có thể là "Trái Đất mới" cho con người. Tất nhiên bóng tối của vũ trụ không chỉ chứa đựng những wormhole hay "Trái Đất mới", nó còn chứa đựng vô số những bí ẩn và bất trắc đối với đoàn du hành, kể cả bất trắc đến từ tâm tưởng của những con người cô độc phải sống và tồn tại trong không gian khác biệt hoàn toàn nơi họ được sinh ra và lớn lên - Trái Đất. Nhưng Cooper vẫn giữ vững niềm tin vào một "Trái Đất mới" cho Loài Người, cho con gái anh, và anh cũng tin rằng một ngày kia mình có thể quay trở lại để không phụ lời hứa với Murph của anh.

Nói ngắn gọn, Interstellar Inception phiên bản vũ trụ. Cuộc hành trình của Cooper và bạn đồng hành vào vũ trụ gần như phản chiếu lại cuộc hành trình vào những giấc mơ của Cobb (Leonardo DiCaprio) - cả Cooper và Cobb đều là những chuyên gia lão luyện trong cuộc hành trình vào không gian và không tưởng, nhưng thứ giữ họ lại với hiện thực, với niềm tin vào đích đến cuối cùng lại là mối dây gắn bó về mặt tình cảm với những người họ yêu quý (sợi dây tình cảm giữa Cooper và Murph thậm chí còn đóng vai trò chủ chốt để kết nối và giải thích cho truyện phim của Interstellar). Yếu tố tình cảm (love) có vị trí trung tâm trong Interstellar - bộ phim có lẽ là ít chất "hành động" nhất của Nolan kể từ Insomnia cách đây 12 năm. Hồi một của bộ phim chủ yếu xoay quanh những xung đột về cảm xúc để tạo dựng tính cách cho nhân vật cũng như bối cảnh cho cuộc hành trình, và vì thế có tiết tấu khá chậm, khó xem, ngoại trừ những cảnh quay hiếm hoi về thiên nhiên bao la rộng lớn nhưng cũng mỏng manh của Trái Đất (đây là phim đầu tiên của Nolan tôi được xem trong rạp IMAX - loại công nghệ mà chính Nolan là người đã đưa nó lên một tầm mới với The Dark Knight Inception). Hồi hai của phim có nhiều chất hành động hơn, nhưng có thể thấy rõ ảnh hưởng của 2001: A Space Odyssey đối với Interstellar trong phần này với nhịp phim chậm, những đoạn đối thoại giữa Cooper và những robot trợ tá, các trường đoạn tĩnh lặng không dùng nhạc nền mô tả sự nhỏ bé của con tàu du hành giữa khoảng không rộng lớn của vũ trụ - cảnh quay mô tả sự nhỏ bé đến lặng người của con tàu của Cooper khi đi qua vành đai khổng lồ của sao Thổ có lẽ là một trong những cảnh ấn tượng nhất của Interstellar. Hồi ba của bộ phim - lời giải thích cho mọi câu hỏi thực tế lại là câu hỏi lớn nhất của phim, tôi không rõ Nolan muốn tạo dựng một cái kết ngỏ và đau đớn như Inception hay dùng cách kết trọn vẹn nhưng ít nhiều vô lý và thất vọng như trong The Prestige - có lẽ mỗi người xem sẽ có cho riêng mình một cách giải thích khác nhau về hồi kết này.

Theo tôi, Interstellar là một bộ phim rất tốt nhưng có lẽ chưa đạt được đến tầm khiến người ta phải ngưỡng mộ như Inception (tôi xem xong phim với không nhiều suy nghĩ đọng lại, khác hẳn với thời xem Inception - xem xong mà vừa thấy sung sướng vì một bộ phim hay, vừa thấy nhiều câu hỏi để mình phải suy nghĩ - tất nhiên nhiều câu hỏi cũng là vì Nolan đã cố đẩy mức độ phức tạp của Inception lên mức cao nhất có thể - điều mà nhiều người mê phim không hẳn đã ưa thích, và có lẽ cũng không phải là điều Nolan muốn lặp lại với Interstellar). Kể cả nội dung khoa học về thiên văn/vũ trụ học của bộ phim cũng không hẳn là thứ mới mẻ đối với những ai đã đọc những tác phẩm khoa học thường thức về đề tài này như Lược sử thời gian của Stephen Hawking. Một điểm yếu khác của phim đó là một dàn nhân vật thiếu tính cách - ngoại trừ Cooper, các nhân vật còn lại xuất hiện ít nhiều mờ nhạt, thiếu điểm nhấn hoặc thậm chí là "chỉ để cho có" mặc dù họ hoàn toàn xứng đáng được mô tả rõ hơn, đẹp hơn thế, đặc biệt là những nhân vật có mối dây tình cảm với Cooper như người bạn đồng hành xinh đẹp của anh Brand (Anne Hathaway) và kể cả cô con gái Murph (đứa con trai của anh - Tom, thậm chí có thể xếp vào dạng nhân vật "chỉ để cho có"). Kịch bản yếu về mặt nhân vật dẫn đến một hệ quả khác là dàn diễn viên dù toàn ngôi sao có nội lực như Hathaway, Chastain, và SPOILER Matt Damon cũng không có nhiều đất diễn, có chăng chỉ ánh mắt hoang hoải của Brand (Anne Hathaway) là để lại chút gì đó trong lòng khán giả. Kể cả trung tâm của bộ phim - Matthew McConaughey với vai Cooper cũng không hẳn đã có một vai diễn xuất sắc, người xem khó mà cảm nhận được những xung đột tình cảm ngổn ngang trong lòng anh (trừ cảnh quay ngắn khi Cooper ngoảnh đầu lái xe giã biệt gia đình trong nước mắt, đây có lẽ là cảnh duy nhất McConaughey thể hiện đúng cái chất "McConaughey" của mình) cũng như lòng tin sắt đá của anh trên con đường tìm "Trái Đất mới" - điều mà DiCaprio đã thể hiện hết sức thành công trong Inception. Rất may là nhà quay phim van Hoytema (người quay hai tuyệt phẩm về mặt hình ảnh là Let the Right One in Tinker, Tailor, Soldier, Spy) và nhà soạn nhạc Hans Zimmer đã cứu vãn lại được phần nào về mặt cảm xúc cho phim với những cảnh quay đặc tả vũ trụ rất đẹp và nhạc phim pha trộn cổ điển và nhạc điển tử hết sức xuất sắc. Bởi thế nên Interstellar vẫn là một bộ phim "đáng đồng tiền bát gạo" và đứng ở "chiếu trên" trong loạt phim bom tấn năm nay (dựa vào trailer thì tôi hy vọng The Hobbits sẽ làm tốt hơn Interstellar để tránh cho Hollywood một năm thất bát phim bom tấn). Tuy nhiên có lẽ tôi sẽ phải chờ những tác phẩm tiếp theo của Nolan để được xem một "Inception mới" gây kinh ngạc và khiến người xem phải ghi nhớ. Tin mừng là Nolan làm phim vẫn chắc tay, không bị sa đà vào tiểu tiết hay cliché, điều ông cần có lẽ chỉ là một kịch bản tốt hơn.


samedi 25 octobre 2014

Diệp Vấn - Chung cực nhất chiến (2013)


Tên tiếng Anh và tên gốc tiếng Trung của phim là rất giống nhau, Ip Man - The Final Fight hay Diệp Vấn - Chung cực nhất chiến.

Lên mạng tìm áp phích phim thấy toàn áp phích kiểu "anh hùng" lấy nửa người Diệp Vấn nhìn xa xăm thủ thế, nghe chừng không đúng với tinh thần của phim lắm, cuối cùng lại thấy cái áp phích này đẹp hơn nhiều, trầm mặc như phim, Diệp Vấn cũng nhỏ bé, lặng lẽ như trong phim, có điều là ánh sáng của áp phích này được làm ... đẹp hơn phim khá nhiều. Phim có lẽ được quay dạng kĩ thuật số chứ không dùng phim nhựa vì màu nhìn sắc và sáng, nhưng "chất lượng" ánh sáng và quay phim trong phim khiến phim trông như phim làm để chiếu truyền hình chứ không phải phim để chiếu rạp lớn dù bối cảnh phim, phục trang, trang phục của phim được làm rất tốt, rất thật, đây có lẽ là điều đáng tiếc nhất của phim.

Kể từ khi Diệp Vấn của Chân Tử Đan thành công vang dội năm 2008, một loạt phim xoay quanh cuộc đời Diệp Vấn ra đời, hầu hết đều tập trung mô tả Diệp Vấn như một Nhất đại tông sư (tên phim của Vương Gia Vệ về Diệp Vấn). Ngoại trừ chính Nhất đại tông sư của Vương Gia Vệ nằm ở một đẳng cấp khác hẳn khi không hẳn tập trung hoàn toàn vào Diệp Vấn mà tập trung vào những triết lý của võ thuật Trung Hoa gắn với những biến loạn lịch sử và phẩm chất của người Hoa (thật may phim này tôi được xem ở rạp, với phụ đề bằng tiếng Việt được dịch cực kì xuất sắc, chứ nếu phải xem bằng phụ đề tiếng Anh chắc chắn tôi sẽ không thể cảm nhận được hết ý nghĩa của Nhất đại tông sư, quả thực ngôn ngữ đôi khi cũng là rào cản không thể vượt qua đối với văn hóa), các bộ phim còn lại-kể cả Diệp Vấn năm 2008 đều đưa ra hình ảnh Diệp Vấn thâm trầm nhưng hết sức hào sảng, anh hùng, và tất nhiên là võ thuật tuyệt đỉnh, không hiểu một phần nguyên nhân cho cách xây dựng nhân vật này là để làm nổi bật hơn ... Lý Tiểu Long khi có một người thầy như Diệp Vấn hay không? Nếu đúng là như thế thì thật đáng tiếc cho hình ảnh của Diệp Vấn, nhất là khi kể cả tới nay nhiều khi người ta vẫn giới thiệu Diệp Vấn đầu tiên với tư cách là "thầy của Lý Tiểu Long" hơn là người đứng đầu cả môn phái Vịnh Xuân "tinh tuyền".  Chung cực nhất chiến tiếp cận Diệp Vấn theo hướng ngược lại 180 độ, một Diệp Vấn-người thường, một võ sư ít nói, sống trầm lặng trong những năm tháng sôi động nhất của hòn đảo Hồng Kông. 

Cách tiếp cận của bộ phim, chính xác hơn là cách tiếp cận của đạo diễn Khâu Lễ Đào chắc chắn sẽ khiến người hâm mộ phim võ thuật "kiểu Diệp Vấn" thấy chưng hửng, vì phim khá ít cảnh quay giao đấu, lại càng ít những trường đoạn Diệp Vấn "thể hiện" công phu thượng thăng của ông. Dù chẳng có nhu cầu xem Diệp Vấn thể hiện cho lắm (nói thực là tôi không khoái mấy phim về Diệp Vấn của Chân Tử Đan), nhưng tôi cũng ... chưng hửng vì truyện phim diễn tiến rất chậm rãi, ít kịch tính, kể cả những trường đoạn cao trào giao đấu cũng không khiến nhịp phim nhanh hơn hay kịch tính hơn. Về phần nhân vật, những nhân vật "phụ" của phim tuy có tính cách riêng nhưng đến cuối cùng lại chẳng để lại chút gì trong lòng khán giả, khi mà họ cứ bước vào rồi bước ra khỏi cuộc đời Diệp Vấn một cách bình thường "như cuộc đời vẫn thế", những câu chuyện về họ cũng như thế mà kết thúc dở chừng, dù chúng đủ chất liệu và xứng đảng được phát triển hơn thế. 

Nhưng xem rồi, nghĩ lại, tôi lại thấy có lẽ đấy mới là ý nghĩa của bộ phim, ý nghĩa của cuộc đời Diệp Vấn. Cuộc đời mỗi con người thật nhỏ bé, chỉ có triết lý võ học, ý nghĩa của những đường quyền Vịnh Xuân là còn mãi, rồi một ngày người ta có thể quên Diệp Vấn, và có lẽ ông cũng chẳng màng việc ấy, nhưng chắc chắn ông muốn rằng cái tinh túy của đường quyền nắm đấm sẽ được những thế hệ sau nắm giữ, tập luyện và hiểu từ trong tim. Vì thế mà trong phim, khi Lý Tiểu Long đề cập đến việc "phát dương quang đại" cho Vịnh Xuân, mắt Diệp Vấn sáng hẳn lên nhưng đến khi đệ tử nổi tiếng nhất của ông đề cập đến việc "quay phim", "kiếm tiền", cặp mắt ấy lại trở về với vẻ trầm mặc vốn có. Chỉ một chút thay đổi nhỏ, nhưng cũng đủ để thấy Diệp Vấn yêu quý võ học tới mức nào (tất nhiên ở đây phải kể tới diễn xuất tuyệt vời của Huỳnh Thu Sinh). Bộ phim có rất nhiều câu chuyện bỏ ngỏ [SPOILER!], tại sao Diện Vấn và vợ ông Trương Vĩnh Thành (Viên Vịnh Nghi) lại trở nên xa cách để rồi chẳng bao giờ còn gặp lại được nhau? tại sao Diệp Vấn không đáp lại mà cũng chẳng từ chối tình cảm của cô gái "xướng ca vô loài" Trân Ni (Chu Sở Sở) dành cho ông? Rút cục Đặng Thanh (Trần Tiểu Xuân) là người tốt hay người xấu? Chỉ có một điều rõ ràng, đó là hình ảnh của Diệp Vấn, một con người lặng lẽ, yêu quý võ học và học trò của ông hơn hết thảy, chỉ có như vậy, một Diệp Vấn bình thường, nhỏ bé giữa xã hội Hồng Kông thay đổi từng ngày, lớn lên từng ngày. Thật tiếc là phim được quay hơi "thường", quá nhiều voice-over, nhiều trường đoạn được dựng khá "truyền hình" và dàn diễn viên phụ chẳng để lại nhiều ấn tượng, nếu không có lẽ người xem sẽ còn ấn tượng hơn nữa với phim, và phim cũng sẽ có chỗ đứng vững chắc hơn về lâu về dài. Nhưng có lẽ cũng chẳng nên mong đợi quá nhiều, hãy cứ giản dị mà đón nhận những bối cảnh hết sức chân thực về Hồng Kông thập niên 1950 và 1960, hãy cứ giản dị mà đón nhận cách kể chuyện hết sức đặc sắc qua những món ăn, cách truyền hơi thở của sự đổi thay, hơi thở của tình người vào những "cơm đĩa", những "cặp lồng" của một thời đã qua, giản dị như cái cách mà Diệp Vấn nhẹ nhàng đón nhận những khó khăn đầy rẫy của cuộc đời.

vendredi 29 août 2014

The Pledge (2001)





The Pledge có cấu trúc "ba hồi" kinh điển. Hồi một theo dạng "điều tra phá án" điển hình, một thanh tra cảnh sát già chỉ có sáu tiếng nữa là nghỉ hưu thì nhận được một vụ án hiếp giết trẻ em tàn bạo, tất nhiên ông nhận và vụ án nhanh chóng được giải quyết khi gã sát thủ ngớ ngẩn bị cảnh sát bắt và tự khai mình là kẻ giết người sau vài thủ thuật hỏi cung "nhỏ". Hồi hai bắt đầu bằng việc viên thanh tra nhận ra vụ án có chỗ uẩn khúc, kẻ giết người có thể vẫn đang nhở nhơ ngoài kia tìm kiếm nạn nhân kế tiếp, nhưng đã nghỉ hưu, lại lộ rõ vẻ mệt mỏi của một con người cô độc ở cuối đường đời, không vợ, không con, ông đành bằng lòng với những buổi câu cá một mình trên sông, giữa cảnh thiên nhiên hùng vĩ, và sau đó là đóng vai người che chở cho mẹ con cô chủ quán Lori. Mạch phim êm đềm của hồi hai kết thúc cũng là lúc hồi ba bắt đầu dồn dập khi mà kẻ thủ ác dường như đã quay lại, và nạn nhân gã chọn lần này lại chính là cô bé tóc vàng ngây thơ con gái của Lori - những người dường như là lẽ sống duy nhất còn lại của viên thanh tra già.

Với cấu trúc ba hồi rõ ràng như vậy, lại có dàn diễn viên "toàn sao" (ngay cả những diễn viên nổi tiếng như Helen Mirren cũng sẵn sàng nhận vai rất nhỏ với thời lượng lên hình chỉ khoảng 5, 10 phút), The Pledge có thể nói là một bộ phim "dễ" để làm đến nơi đến chốn. Nhưng Sean Penn chưa bao giờ chọn phim "dễ" để đạo diễn, và Jack Nicholson cũng chẳng khoái những vai "dễ" để diễn. Dưới bàn tay đạo diễn của Penn, ba hồi của The Pledge được xâu chuỗi lại bằng một sợi chỉ duy nhất - lời thề (the pledge) của viên thanh tra già trước Chúa, và trước mẹ của cô bé nạn nhân vụ án mạng đầu tiên rằng ông sẽ tìm ra thủ phạm, thủ phạm thật sự đã giết con gái bà. Nói đúng hơn thì sợi chỉ ấy có lẽ là số phận phần đời còn lại của viên thanh tra, với điểm đầu là thời khắc ông báo cho cha mẹ cô bé nạn nhân tin dữ giữa không gian náo động và hỗn loạn đầy sức sống của trại gà - cảnh quay có lẽ là ấn tượng nhất của phim, vừa có khung hình đơn giản rất đẹp kiểu điện ảnh, lại vừa khiến người xem ngạt thở vì sự tổng hòa của vụ án dã man, những bóng hình nhân vật nhỏ bé, và âm thanh xáo động khó tả. Sợi chỉ ấy tuy đôi lúc hiện ra rất mỏng manh - đặc biệt là trong những trường đoạn êm đềm của hồi hai. nhưng lại mới chính là lẽ sống của viên thanh tra, cả một đời chiến đấu chống lại lũ quỷ dữ, giờ đây nghỉ hưu ông phải tiếp tục tìm cho mình một bóng ma để theo đuổi, để thấy mình vẫn đang sống, để không rơi vào cái hố điên loạn của nỗi cô đơn và mất phương hướng đến cùng cực. Vì thế càng về cuối hồi ba, tôi càng cảm thấy lo lắng đến ngạt thở cho cái sự mỏng manh của sợi chỉ ấy, vì bàn tay đạo diễn tinh tế nhưng lạnh lùng của Penn chẳng để lộ lấy một manh mối chắc chắn nào cho thấy rằng "con quỷ" mà viên thanh tra đang tìm kiếm là có thật, hay đó chỉ là "ông phù thủy" (the Wizard) sản phẩm từ trí tưởng tượng của lũ trẻ và từ sự hoang tưởng của viên thanh tra già. 

Nhân vật viên thanh tra có lẽ là một trong những vai diễn tuyệt vời nhất của Jack Nicholson mà tôi từng được xem. Đúng, Jack Nicholson cả đời nổi tiếng với tài thủ vai những nhân vật luôn đứng ở ranh giới giữa tỉnh táo và điên loạn. Nhưng trong The Pledge, ngọn lửa cá tính và cái uy lực điện ảnh thường thấy được Jack gói gọn chỉ trong vài ánh mắt, ông thậm chí còn không có quá nhiều thoại để "thể hiện" sự chênh vênh bên bờ vực điên loạn của nhân vật, nhưng thế đã là quá đủ để Jack giúp khán giả hiểu được sự hoảng loạn của viên thanh tra khi mà chẳng một ai tin vào "con quỷ" mà ông đang tìm kiếm. Có thể hình ảnh quá "bình thường" của viên thanh tra già gần hết cả bộ phim sẽ khiến nhiều khán giả cho rằng đây cũng là một vai "bình thường" của Jack, nhưng chỉ với mươi phút cuối phim, tất cả sẽ đều nhận ra rằng phía dưới cái sự "bình thường" ấy là cuộc đấu tranh tâm tưởng không ngừng của viên thanh tra để giữ lại cho mình một lẽ sống, để không trở thành một kẻ mất trí như cái cách mọi người xung quanh đánh giá ông. Tất nhiên ở đây không thể không kể tới tài nghệ đạo diễn của Penn trong việc xây dựng hình tượng nhân vật và đẩy dần xung đột trong phim lên đến đỉnh điểm một cách rất tinh tế, không phô trương nhưng rất chắc chắn và thấm thía, nhưng thực sự thì diễn xuất của Jack sẽ luôn là thứ khán giả nhớ đến đầu tiên khi nhắc đến bộ phim này. Chỉ một năm sau The Pledge, Jack vào vai một "ông già" khác trong About Schmidt của Alexander Payne (cũng là một đạo diễn cực giỏi trong việc xây dựng nhân vật và khai thác năng lực diễn xuất của diễn viên). Cũng là thể hiện một nhân vật phải "làm quen" với những khúc quanh cuối cùng của cuộc đời, nhưng tôi thích vai diễn của Jack trong The Pledge hơn nhiều vì Schmidt trong About Schmidt dễ hiểu, dễ cảm, nhưng cũng "dễ diễn" hơn nhiều (trớ trêu là vai diễn của Jack trong About Schmidt mới được đề cử Oscar). Đã 4 năm kể từ bộ phim cuối cùng của Jack (How Do You Know năm 2010) và gần 10 năm kể từ vai diễn đáng kể cuối cùng của Jack (trong The Departed năm 2006), cũng như nhiều người (có lẽ vậy) tôi rất mong được xem những vai diễn mới của Jack, nhưng ở cái tuổi 77 có lẽ Jack cũng khó tìm được cho mình một nhân vật ưng ý để thể hiện tài nghệ (và liệu ông còn cái cảm hứng diễn xuất hừng hực như trong quá khứ không?). Thôi đành bằng lòng với những bộ phim cũ của Jack, và tự an ủi rằng mình đã và đang được xem một trong những diễn viên xuất sắc nhất trong lịch sử Hollywood, đã được chứng kiến Jack thể hiện những vai diễn đa diện, nhiều màu sắc nhưng luôn khiến khán giả phải nhớ, phải suy nghĩ, như viên thanh tra trong The Pledge.

Empire Magazine gần đây đã cho đăng online một bài tổng hợp rất xuất sắc về sự nghiệp diễn xuất của Jack Nicholson thuộc loạt bài với cái tựa rất kêu là "Gods Among Us":

http://www.empireonline.com/features/empire-classic-jack-nicholson






samedi 16 août 2014

One sentence reviews (4)

Phần 2
Phần 3

Không phải 100% review dưới đây tôi viết sau khi xem phim lần đầu, một số là của những phim tôi xem từ lâu nhưng "chợt" nhớ ra vì nghe thấy nhạc phim đâu đó, hoặc vì trùng với tâm trạng của tôi lúc đó.



01. The Hobbit: An Unexpected Journey (2012): 3.5/5
The film still manages to capture the epic ambiance of “The Lord of the Rings” trilogy (the New Zealand scenery setting is just speechlessly magnificent) but one cannot rise any deep feeling from such background without a solid plot and compelling story, which The Hobbit definitely does not possess. The shallow composition of "the Team" (90% dwarves) does not help either, the characters are all the same and lack the depth (and backing history) to be believable in the eyes of the audience. Even the main characters are thinly built due to the fragmented and incoherent story/journey, a fact that makes the film even less attractive. The three parts should have been compressed into two, even one, the greed (of both money and creativity) really kills this first entry of the trilogy. One more thing, the action sequence with the Goblins is actually quite similar to the action sequence in King Kong, one more minus point.

02. Les Misérables (2012): 5/5
The film has its own share of weak points - next-to-none transition, very poor long shots - especially the barricade sequence, interrupted and slow opening. But the rest is just emotionally amazing - the cast is pitch perfect (although Russell Crowe seems to be not really at ease with his role), the close-up shots are heart-breaking, the music is superb. Mr. Tom Hooper really mastered this musical by excluding any unnecessary "dancing" (appears far too much in Hollywood musical) and focusing on the build-up of emotions and feelings. The musical itself is already lack of deep emotion (due to the frequent interruption of singing and dancing), a musical adapted from a huge popular novel and theatrical work is even less able to get the emotion from spectators (how can they when the ending is already well-known?). But “Les Misérables” just wonderfully takes their heart away by stunning performance of ALL the cast (especially Anne Hathaway and Samantha Barks) and the wonderful, wonderful music. 5 stars for a flawed film, yes, that the way cinema is, it is all about emotion and feeling.

03. Jiro Dreams of Sushi (2012): 4/5
The portray of Jiro sensei and his (actually, his group)'s superb art of sushi making is sincere, calm (in comparing with the determination of such "shokunin" like Jiro sensei) but no less intriguing (especially on the quest for creating good sushi). However the underlined message is somehow confusing and the focus is not as clear as the title. Still, the documentary is really interesting to watch and deserves compliment for being able to translate the uttermost calmness of sushi, and Japanese people, to the world through the simple but beautiful cinematic language.

04. The Amazing Spider-Man (2012): 4/5
Amazingly good for a coming-of-age film. Despite the not-so-impressive final showdown and the conventional plot (can't help, since the film has to stay put with the half-century-old concept of Spider-Man), the film is still worth watching for its compelling acting (Garfield & Stone are pitch-perfect for their roles), eye-catching 3D effect and the enjoyable non-twist-and-turn story. The surprisingly bright ending is also a plus (a “500 Day of Summer”-type of ending), and the "uprising scene" of the ordinary New York crane workers is truly emotional and surprising for such a superhero film.

05. The Guard (2011): 4/5
Un héro très discret - A very quiet hero, that's how you can find calmness among arms and blood.

06. Colombiana (2011): 3/5
For guilty pleasure, this film has done its work: Simple plot, checked; hot chics, checked; cool hero, checked; “revenge is a dish best served cold”, checked; evil villain, checked - what could you expect more?

07. Life of Pi (2012): 4.5/5
Visually heart-breaking! The photography of the film is so good that it dwarfs Hollywood "epic" films of these days by a whole kilometre. The storytelling is quite simple, yet contains full of surprises that re-enforce the storyline and keep audience in their sit for the whole 2 hours. The only minus point of this film might be the immensely strong vision can easily be cut off without the 3D and wide-screen effects.

08. War Horse (2011): 3.5/5
Long and somehow tiring film. The cinematography is illustrious, the reuniting scene is absolutely heart-breaking, but the slow tempo (for a war film) and the just-above-average story and acting did damage the wholesomeness of the film.

09. Lincoln (2012): 3.5/5
Daniel Day-Lewis is just mesmerizing as Lincoln (he should really campaign for a political position!), a fact which is quite understandable since the subtleness, intelligence, wisdom and underlying energy of The Greatest US President indeed suit the charisma of Daniel Day-Lewis very well. It will be very unsurprising if Daniel becomes the first actor with 3 Oscars for leading role with this remarkable achievement. The film in a whole, though, is slow, quite unattractive and even lack the usual awesomeness of Spielberg. Several scenes are moving enough to catch the emotion of spectators, but the overuse of rhetoric language (which is really, really difficult to understand, let alone FEEL), the seemingly wise but finally ill-advised intention (of Spielberg or his writer?) to (almost) totally avoid the tragic on-going war except for its shadowing consequences to the debate at Capitol Hill, and the tiring story-telling (similar to War Horse) keep Lincoln as just a political biography and a little bit lower than a real biopic/epic film, which Steven Spielberg really aimed to, I suppose. It will be a disappointment if this film can win Oscar for best picture over Life of Pi.

10. Django Unchained (2012): 4/5
Technically flawless (in a Quentin Tarantino's point of view), super fascinating to watch, especially when considering the most conventional plot that Quentin's ever used, and of course (still) full of bloody surprises that no one can envision. Yet, the film somehow lacks the necessary passion to become a Quentin's opus - the cast is far less impressive in comparison with “Inglourious Basterds” (poor Leonardo, still not able to find the role of his career) except for the always exceptional Christopher Waltz, even the characters are less colourful than “normal” (aka. super interesting) Quentin's characters, the conventional plot with quite loose and slow opening could not help either. Also, the film is specifically Spaghetti-Western homage, so spectators without such kind of background will find the ultra-violent and bloody nature of this film quite irrelevant, even ridiculous. Still, maybe all these criticisms exist only because the expectation and the “normal” quality of Quentin's work are too high, this film is still amazingly entertaining. One more thing, this is the first time Quentin, the king of close-up and medium shot, deals with such many long shots with the enormous American nature as background, and he did them very well, the exhilarating feeling watching those scenes are on the same level as with Coen Brothers' “True Grit”. Funnily enough, this Western cowboy film, in many scenes, seems to be more a Coen Brothers' than a Tarantino's :)).

11. Silver Linings Playbook (2012): 4/5
A film utterly delightful to watch, which, strangely enough, reminds me of “When Harry Met Sally”. THIS is the film to bright up your mood after a bad day, but THIS is not the film deserving THAT many Oscar nominations (hat off to Harvey Weinstein, who one more time proves to the world that his genius lobbying can do anything with the nomination process). Why? Simply because the "crazy" pretext and the madness background of the film were not fully utilized, thus the connection between the hilarious opening and the heart-warming ending is just next to none. However, Jennifer Lawrence is really superb with the acting and her attractive sensual appearance is indeed a germ for Hollywood nowadays. Jennifer, welcome to the world of "movie star"!

12. The Grandmaster (Nhất đại tông sư, 2013): 4.5/5
The most understandable Wong Kar-wai so far, yet, all the melancholic ingredients à-la-Wong Kar-wai are still there, which make watching the film a real pleasure for his fans (like me) who have been waiting for almost 10 years for the authentic Wong Kar-wai be back.

13. Journey To The West (Tây Du: Hàng ma thiên, 2014): 4/5
The opening sequence was so strong and sudden that the rest was dwarfed for good.... The gory ambience and dirty setting remind me so much of Chow's “The Mad Monk”, which has a surprisingly similar plot and underlined philosophy, but the lack of Chow himself really leaves a big hole on the film. Chow, we miss you, the real you...

14. The Truman Show (1998): 5/5
My official in-flight film - watched this at least 3 times when I was "up in the air", and will still watch if it is shown. Nothing can soothe your confined situation, physically and mentally, better than this wonderful mixture of deeply original concept, down-to-earth yet charming characters, and many surprises throughout the film, sometime heart-warming, other time heart-breaking. The ending seems to be lousy but it only heightens the film's message to us about our boring, uninteresting lives, which are no better than the caged life of Mr. Truman, the only True Man among us.

15. Kon Tiki (2013): 3/5
The film falls far below my expectation, which consists of many years imagining about every single page of the book (written by Thor Heyerdahl himself) that I have read for many times since childhood. Despite a strong beginning, the film is really mute and lack of any excitement due to a disoriented storyline - what is the real driving force of the plot? The desire to prove himself, to surpass all difficulties of Thor? The complex interaction and inner struggle of the Kon-Tiki team in such claustrophobic and dead-or-alive condition of the raft? The joy of discovering the immerse beauty of nature, of ocean? How can the spectators realize and feel such plot when even the director and the writer themselves apparently could not make it clear? Quite a disappointment for an Oscar-nominated film, especially when I have been waiting so long for the day when my favourite book of childhood is brought to the big screen.

16. Almost Famous (2000): 5/5
One of my all-time favs, and one of the most upbeat and hear-warming films I've seen. The moment when Penny, sweeping away her tears, heart-brokenly smiled and walked away from the bitter truth (that Willam flapped to her face) will always be "a moment to remember" of the 2000s cinema.

17. Oblivion (2013): 4/5
Considering the thin and dangerous post-apocalyptic pretext (which makes any sci-fi film trapped among cliché and/or cheesy minor details), “Oblivion” is really well-executed thanks to a pragmatic director, who is wise enough to avoid the cheesy traps like "romantic affairs between the last standings" or "existentialism reflecting through the forgetfulness, blah blah blah" and to focus instead on making the film "make sense" (logic) and "raise emotion" (affection). The first act (or leading/intro part) seems to be long and a little bit boring, but it should be so that the weak background of "apocalyptic thing" can be reasonably developed, the emotions (of characters, and of spectators) can be built up for the climax, and the visual stunning aspect of the film can be shown off to sci-fi lovers (the apocalyptic environment "à-la-Planet of the Apes" is really convincing). The second and the third acts could not really achieve the necessary climax (given the context of the film, this is almost impossible), but the likeable-yet-charismatic Tom Cruise, alongside with his two impressive "concubines" (Kurylenko is only above average, but Riseborough did an amazing job) did deliver the film to the very end, and did it really well. And even if they could not, “Oblivion” would not be considered "oblivious" due to the superb visual and score. The major deficiency of this film might be its lack-of-climax plot, especially the deaths, which would have been executed much better given the tiny number of characters and the excellent contexts that led to their deaths. This film makes me remember of “Thor”, which is also a film with minimal and lousy story yet well executed thanks to the director and the cast. The only difference between these two is that “Oblivion” is much better - a truly dedicated film for the sci-fi genre (curiously enough, “Thor” has much higher score here in Rotten Tomatoes :)) ).

18. Wreck-it Ralph (2012): 3.5/5
A neatly-made animation with entertaining plot, "à-la-Disney" cute main characters (the supporting ones and the villain are just, as a typical Hollywood animation, thinly made), interesting concept (the sequels are surely to come in the following years). But, originality is no where to find, in term of both character development and visualization, the lack of the more-famous arcades/NES/Atari video-game characters like Mario is also disturbing (Disney is unable to secure the right to use them? or they just don't want to use? - since Hollywood always, from one film to another, tries to downgrade the significance and superiority of those Japanese "anime" characters - Astroboy, Goku,... to cite a few). The film would have been much more original, and paid a good homage to the long-gone era of arcades, if only the director/writer could use a less cheerful but more nostalgic story to back the development of characters, but this is a Disney film (!), so such expectation is just unrealistic. (Note: Is this a hidden message from Disney in this film supporting the current "invasion-for-democracy" policy of the "bad guy at outside but good guy at heart" US?)

19. The Master (2012): 4.5/5
Why my beloved PTA becomes more and more brutal? After “There Will Be Blood”, another epic oeuvre of PTA about an iconic era that helped shaping the modern American society - with the characters so raw they can suck all happiness out of the audience. Alcoholism, delusion, fanatic religions, rotting social relations (kinship/friendship/love), the ugly aspects of American society (and any modern society), which normally hide deep under the fancy surface of prosperity, or religious dedication, are dug out and depicted through utterly brutal and complex characters. In fact, PTA's characters in this film are so complex that they actually show nothing about their really "character" to spectators, and leave them, after the screen already turns off, in a state of opaqueness, wondering about who they (the characters) really are, what they really think, and why PTA wants to create such characters. In a way, this issue makes this film less enjoyable than the dark, yet somehow twinkling, “Magnolia” (which so far is my PTA's fav), but such rawness makes the film deserved to be watched and re-watched to have a deeper insight on what are the things that built up the American modern identity, just like “There Will Be Blood”. Besides, the cast/cinematographer/score composer of this film can also be considered Master, which is rare in these fast-food days of Hollywood. Joanquin Phoenix - welcome back to your real domain, please continue to shine as an actor rather than to hide as a rapper. And those who watched the film already will surely keep in mind for a long time the genius PTA's scene when the famous photo "They Are Coming" (or the "model with/without clothes" photo) of Helmut Newton is recreated into big screen in a most original way to imply the idea of the film on peeling off the superficial skin of the American society.

20. The Wolf Children (Okami kodomo no ame to yuki, 2012): 4/5
Never before the werewolf subject is approached with such ease that can only come from a brilliant director like Mamoru Hosoda who has dealt with many fictional subjects (time travel? artificial society?) and yet presented them in a very down-to-earth way that is both simple to digest and delightful to enjoy. The story of Ame and Yuki is far less complex than his previous “The Girl Who Leapt through Time” and “Summer War”, but the light-hearted story-telling, friendly characters and breath-taking visual (especially the natural sequences) did great job to compensate the conventional, non-twist-and-turn plot. This is not a film about struggle, about the hardness of life, it is all about love, compassion, and understanding, just like the ever-shining smile on the face of Hana, one of the best character Hosoda has ever created.

21. The Descendants (2011): 5/5
If “Sideways” is all about finding your own family, then “The Descendants” can be called “Sideways Part II: Finding Back Your Family”. A “standardized” Hollywood family drama at its very best: witty script (with a lot of somewhat cliché quotes, though), charming characters (especially the naughty kids), complicated situation and satisfying ending - but still possesses the essence of Alexander Payne: a lousy appearance and manner are utilized to cover an endearing and deeply human heart and soul, which are constantly searching for the very meaning of one's life: family.

22. Iron Man 3 (2013): 3.5/5
Should have been 4 stars if it were an authentic 3D film (I watched this in IMAX3D), the post-production-converted 3D of this film is really unconvincing, just like any other 3D-converted film. Similar to “The Avengers”, “Iron Man 3” is really interesting, clear-cut with minimal plot (minimal, not minimalist!), simple story (to focus the audiences' attention on the technology and visual effect show-off - which was already proven as a good choice by “Avatar” and “The Avengers”), and a lot of Robert Downey Jr.'s slick fun. Yet, if “The Avengers” is a super-heroic superhero film, “Iron Man 3” is more like a rom-com superhero film, with quite high dose of Stark-Potts relationship (which is not bad, but not interesting either), very diminished "evil plan" (which does has bright twist-and-turn but is lack of any depth or conclusive ending - which makes it even more disappointing - similar to “The Avengers”), weak supporting characters (the little boy is fun to watch, but is not convincing at all), and above all an apparent superficiality that really damages the quality of story-telling - the new trend of superhero films is always somehow related to the internal struggle of the superhero (the kind of "to be or not to be") - but this film did not even care about that popular (and agreeable) trend, it was all about having fun and entertainment - just like a Hollywood McDonald! This is really disappointing because the twist-and-turn regarding The Mandarin is really surprising, political correct and involving, which could be easily developed into something substantial with another more-serious film makers.

23. Jack Reacher (2012): 3/5
The opening is very promising for a detective film with enough dose of thrill, devilish antagonist, and of course a mysterious detective (Tom Cruise is as dependable as ever). However, the rest is disappointing due to the shallow story (the brilliant "evil plot" at the beginning was recklessly developed into a ridiculous easy revelation at the end), the weak supporting characters, and the definite lack of "ambiance" (the "mysterious" detective and his arch-enemy turned out to be not really mysterious at all!). The most disastrous decision of the director/writer might be the revelation of à-la-“ABC Murder” plot from the very beginning, which made the film much less interesting to guess (and to watch). Rosamund Pike might have one of the most beautiful and cinematic faces I have ever seen, what a pity that she only possesses a mediocre level of facial acting skill, which will never be able to elevate her to the rank of A-level stars. Coincidentally enough, she already played another beautiful-but-forgettable legal employee in “Fracture”, which also had a promising opening but finally ended up at nowhere. Tom Cruise, you deserve a better director and better script than this.

24. Raging Bull (1980): 5/5
Once watch “Raging Bull”, you will forever remember “Raging Bull”. Only a glimpse of Robert De Niro talking to the mirror "I could have been a contender", only some notes from the tragically beautifully composition by Mascagni, those are more than enough to bring tears to anyone that once loved, and still loves the tragic fall of the ever proud and arrogant Jake La Motta.

25. Lost in Time (Vong bất liễu, 2003): 3.5/5
Accidentally switched the audio stream to Mandarin dub, and realized that the lousy Mainland dubber already killed half of the film's emotion by her lack of husky voice - or the distinctive "Cecilia's voice". Despite all the crazy scandals, or her up-and-downs in the career, Cecilia really possesses an incomparable charm among her generation (of Hong Kong actresses), which can be proved by this film. From the very first film (“King of Comedy”), Cecilia already showed that she could be at her best with characters that try to cover their fragility and loneliness by strong-will and reckless behaviour. And maybe she needs that kind of role again (and such good director like Derek Yee) to revive her career, a chance that she deserves because that is also a chance for the Hong Kong cinema to get back its treasure - one of the most original actresses in recent years.

26. Fast and Furious 6 (2013): 4/5
The acting is lame, especially Michelle Rodriguez who really makes audience confused about what she feel and think throughout the film (and Mr Dwayne Johnson, true to his nickname "The Rock", is really "stone" through and through). The "melo" sequences are cheesy, the middle part of the film is a little bit low-key (in comparison with the rest), and the choreography (or editing?) of some action sequences is either interruptive or too fast to follow. BUT, the film in a whole is beautifully made, grandiose, and beyond expectation (given the already excellent "they've got a tank" trailer). The racing/action sequences are entertaining, involving and, incredibly enough, believable despite the fact that the director will surely get an F in physics for defying gravity and all natural laws. The editing is quick, strong, and very effective in keeping the fast tempo of the film (Mr Bay should learn from this film for his next “Transformer”), although the effect could have been even more effective with a better soundtrack (the film's background music is not as epic as the film itself). Regarding the cast, Vin Diesel is as awesome as ever, the female cast is deeply strong and convincing (except Rodriguez, who is given a somewhat awkward role), the male cast is funny and complementary (to their female partners), and the villains are well-made (although their "ending" is a little bit messy and lousily developed). Besides, the film paid a nice homage to the series with an outstanding opening credit and warm ending, as well as opened a bright future for the series with a little surprise at the ending credit. It is really hard to keep the identity of such pure action series, but “Fast 6” did it wisely and entertainingly. I generally enjoy (good) action films, but this time I not only enjoy but also respect the film, because it deserves that. Oh, and IMAX, I love you for enhancing the visual and sound effects to their best!

27. Le Dernier Métro (1980): 4/5
Listening to the dreamy melody of "Mon amant de Saint-Jean" and watching the supremely elegant face of Catherine Deneuve are more than enough to bring back Paris to anyone who loves this bizarre, heart-broken, yet enormously charming city.

28. The Professor and His Beloved Equation (Hakase no aishita sûshiki, 2006): 4/5
The beauty of this film lies on the faithful adaptation by the director (and the writer) of the wonderful book by Yoko Ogawa. The simple and charming storytelling of the book was entirely transferred into the film, so were the affecting relationship between the characters, and the love between them and mathematics. Mathematics is often regarded as an emotionless and alienated subject, yet, this film proves that mathematics can be loved, and should be loved, since it is the gift from the nature for the sake of our enlightenment.

29. Armageddon (1998): 2/5
Known "I Don't Want to Miss a Thing" for a very long time, but this is the first time I watched the film. The first one-third of the film (the introduction/recruitment à-la-“Seven Samurai”) is actually engaging enough with an adequate amount of fun, quick editing, and interesting premises for character development. However the latter two-third, especially when the characters are "un in the space", is simply a total disaster, through and through. As bad as a Michael Bay's film can go, the film is full of cheesy dialogue, cheesy images, cheesy characters, and of course cheesy (and bored-to-death) plot. I tended to write more criticism about the film, but given the utterly bad quality of this film, it will be only a waste of my time. Simply put, even on the Armageddon day and having no other film to watch, I will not watch this horrible “Armageddon” again.

30. Lan Kwai Fong 2 (Lan Quế Phường 2, 2012): 1.5/5
One and a half stars for the amount of "exposure" (including the "surprise" appearance of Sola Aoi), zero star for everything else.

31. Now You See Me (2013): 3.5/5
Not as bad as I imagined (and as the ridiculously low score on Rotten Tomatoes), and not as, predictably, good as the trailer either. Due to the not-so-good reputation of Louis Leterrier, I did absolutely not expect a film that could maximize the wonderful premise of the trailer, but it turned out that Leterrier did handle the material quite well with up tempo, quick editing, excellent cinematography, and solid cast. The first quarter (including the introduction of characters and the "first act") is really entertaining and tightly plotted, but the remaining is a little bit tiring (it would be very hard to find a screenplay that can balance such extraordinary premise and the "revelation") and full of plot-holes, while the lame ending nearly ridicules the film in a whole (the fake emotional tension and, later, affection, between the two detectives is simply an ill-advised plot detail - they should have been treated in the way the two main magicians are treated). However, such films that try to mix the magic tricks and reality into one believable plot often fail to deliver a satisfactory ending (even the great “The Prestige” and “The Illusionist” have quite disappointing ending), therefore “Now You See Me” should be viewed in a whole - which is an interesting, involving, and solid film of the action genre, at least it is much more successful than the terrible “Law Abiding Citizen” (which also had a very promising trailer). Small lesson learned: If Morgan Freeman does not play a God-like or father-like character, the film will not really bad, but not so good either (see “Wanted”).

32. Pee Mak Phrakanong (2013): 3.5/5
The shallow script is somehow compensated by the fine mixture of horror, romance, and (dirty) comedy. Still, the quite innovative idea of the film should have been developed into more details instead of abruptly finishing with such Korean-ish ending.

33. Kung Fu Hustle (Tuyệt đỉnh công phu, 2005): 5/5
Some said this film is somehow weaker than “Shaolin Soccer” in term of originality. I agree. But every single time watching this film, even only a portion of it, still brings me joy, pleasure, and emotions. That is how “Kung Fu Hustle” works, on three layers to be exact. The first layer of joy is for the ordinary viewer who has no idea about what is a Stephen Chow's film or what it is all about the Hong Kong cinema, since the film itself is a magnificent piece of over-the-top CGI that could jolt anyone, even my father who did not know this is a Chinese or HK film. Thanks to this layer (which the previous films of Chow often ignored) that “Kung Fu Hustle” was a huge success to the general audience, even the Americans who would be absolutely unable to understand the essence of the Chow's style of storytelling. The second layer of pleasure is dedicated to the avid fans of Hong Kong cinema and Chinese wuxia genre (literature and cinema in a whole) who will hundred percent go crazy about the tons of homage to the wuxia world, from the idiosyncratic characters of Jin Yong, to the crazy martial styles in the old Shaw Brothers films or the outdated TVB wuxia series, and of course the appearance of the kung fu legends of Hong Kong cinema who reinvented their roles in the most hilarious yet fully righteous way. The final layer, the emotional one, is reserved for the lifetime crazy fans of Stephen Chow, including myself, who can simply recall the Chow's identity from every single details of the film, who would cry their eyes out thinking about why Chow does not want to bring us HIS films any more, who still find joy in the new “Journey to the West” but somehow feel a deepen hole in their love to cinema thinking back about how excellent Chow was in the 1995 version. Suddenly I think about how similar Chow and Quentin Tarantino are, in term of originality, in term of their love to cinema, and in the amount of joy that they have brought to cinephiles around the world. Too bad that Quentin still makes films, good films that is, while Chow is simply nowhere to find...

34. Nuovo Cinema Paradiso (1988): 5/5
“Cinema Paradiso” is one of those rare films that once you watch, you will never ever forget. You will never forget the tender melody echoing from the utterly beautiful soul of Ennio Morricone, you will never forget the gentle touches by Giuseppe Tornatore on the stories of the broken hearts, on the childhood dreams that never come true, on the sincere love to cinema, on a tiny little Italian town with a tiny cinema house, on the clumsy yet utterly beautiful Italian character, and of course you will never forget the shiny smiles of the little Salvatore and the broken-hearted and nostalgic tears of the same Salvatore, but in an adult form. Watching, no, tasting Cinema Paradiso is like you taste something strangely sweet that makes you remember the candies of your forgotten childhood, that makes you remember how dreamy you once were, that makes you regret the dreams so beautiful that you never dared to realize. Yes, Cinema Paradiso is a paradise, a lost paradise of the past.

35. Drug War (Độc chiến, 2013): 4/5
A proof for the fine film making of Master To, who can cover up the not-so-subtle characters and background stories by fast-pace plot, terrific setting (the "coincident car crash" at the end seems incongruous but that is the "To-ish" style), trademark gunplay of Master To, and of course fine acting from the two leading actors. In waiting for the next master work of Master To, “Drug War” is more than enough to satisfy the thirst of To's avid fans, like me.

36. Redemption (2013): 2/5
One word: Lame. The film had a lot of (pretentious) storylines but nothing was dug deep enough, only some melancholic but cheesy details floating around with full of clichés tried to explain the weird behaviours and psychology of the characters, in vain. The inability of Jason "Stath" to act emotionally could not help either, especially when the writer and director themselves could not decide which is the main plot of the film instead of confusing (themselves and their audience) the whole time with useless background stories. The melancholy and loneliness of the film's characters recalled a very good recent film - “Drive”, which was, alas, much more successful by focusing on DESCRIBING the identity of its characters through a single consistent plot rather than trying to EXPLAIN such identity through chaotic storylines. And that makes a whole difference between them two.

37. Cold War (Hàn chiến, 2012): 3.5/5
The production value of this film was top-notch and at a Hollywood-level with an always-shining, neat, clean, and minimalist setting (which, ironically enough, distances the film from the real life of the crowded and humanly chaotic Hong Kong). The opening sequence was also strong, fast-paced, effective and gave out a lot of good pretext for a good, if not excellent, Hong Kong "cop-movie" "à-la-Infernal Affairs" with full of internal conflicts (between greed and righteousness, between professionalism and paternal love, and of course between the police in the light and the "evil force" in the dark). However, the middle part of the film missed the tight control of the opening while the ending was confusing and pretentious. It seems that the directors were so self-confident that they forgot to develop the excellent pretexts from the beginning and only focused on keeping the "clean" setting of the film intact by procedural plot-twists, which was not really efficient due to the lack of connection between the (quite inhuman) characters with the audience.

38. Skyfall (2012): 3/5
Suspicion confirmed: I could not, and will not enjoy Mr. Bond's stories, even this "most successful" one. Except for some fun homages about the old Bond films and the excellent production value, “Skyfall” fell behind with weak villain, shallow storylines, and failed attempts to make 007 more "human" with melancholic background stories. In my opinion, 007 concept has been already too dated to revived, renewed, reboot, or whatever the "re-" is.

39. A Good Day to Die Hard (2013): 0.5/5
Depicting Russia like a salvage hole full of wild and stupid pigs? - NOT in my watchlist then. It's funny how Rotten Tomatoes does not accept zero-star rating.

40. Pacific Rim (2013): 3.5/5
The "mecha"s are simply awesome, full of steampunk details "à-la-del Toro", but the lame story almost and the sub-par cast almost bring the film down to the B category. It seems that a fine mixture between sophisticated tech. and simple yet concrete storyline like Avatar is still a challenge to Hollywood. Still, the well-meaning robots have made Pacific Rim at least ten time better than the nonsensical Transformers.