The Pledge có cấu trúc "ba hồi" kinh điển. Hồi một theo dạng "điều tra phá án" điển hình, một thanh tra cảnh sát già chỉ có sáu tiếng nữa là nghỉ hưu thì nhận được một vụ án hiếp giết trẻ em tàn bạo, tất nhiên ông nhận và vụ án nhanh chóng được giải quyết khi gã sát thủ ngớ ngẩn bị cảnh sát bắt và tự khai mình là kẻ giết người sau vài thủ thuật hỏi cung "nhỏ". Hồi hai bắt đầu bằng việc viên thanh tra nhận ra vụ án có chỗ uẩn khúc, kẻ giết người có thể vẫn đang nhở nhơ ngoài kia tìm kiếm nạn nhân kế tiếp, nhưng đã nghỉ hưu, lại lộ rõ vẻ mệt mỏi của một con người cô độc ở cuối đường đời, không vợ, không con, ông đành bằng lòng với những buổi câu cá một mình trên sông, giữa cảnh thiên nhiên hùng vĩ, và sau đó là đóng vai người che chở cho mẹ con cô chủ quán Lori. Mạch phim êm đềm của hồi hai kết thúc cũng là lúc hồi ba bắt đầu dồn dập khi mà kẻ thủ ác dường như đã quay lại, và nạn nhân gã chọn lần này lại chính là cô bé tóc vàng ngây thơ con gái của Lori - những người dường như là lẽ sống duy nhất còn lại của viên thanh tra già.
Với cấu trúc ba hồi rõ ràng như vậy, lại có dàn diễn viên "toàn sao" (ngay cả những diễn viên nổi tiếng như Helen Mirren cũng sẵn sàng nhận vai rất nhỏ với thời lượng lên hình chỉ khoảng 5, 10 phút), The Pledge có thể nói là một bộ phim "dễ" để làm đến nơi đến chốn. Nhưng Sean Penn chưa bao giờ chọn phim "dễ" để đạo diễn, và Jack Nicholson cũng chẳng khoái những vai "dễ" để diễn. Dưới bàn tay đạo diễn của Penn, ba hồi của The Pledge được xâu chuỗi lại bằng một sợi chỉ duy nhất - lời thề (the pledge) của viên thanh tra già trước Chúa, và trước mẹ của cô bé nạn nhân vụ án mạng đầu tiên rằng ông sẽ tìm ra thủ phạm, thủ phạm thật sự đã giết con gái bà. Nói đúng hơn thì sợi chỉ ấy có lẽ là số phận phần đời còn lại của viên thanh tra, với điểm đầu là thời khắc ông báo cho cha mẹ cô bé nạn nhân tin dữ giữa không gian náo động và hỗn loạn đầy sức sống của trại gà - cảnh quay có lẽ là ấn tượng nhất của phim, vừa có khung hình đơn giản rất đẹp kiểu điện ảnh, lại vừa khiến người xem ngạt thở vì sự tổng hòa của vụ án dã man, những bóng hình nhân vật nhỏ bé, và âm thanh xáo động khó tả. Sợi chỉ ấy tuy đôi lúc hiện ra rất mỏng manh - đặc biệt là trong những trường đoạn êm đềm của hồi hai. nhưng lại mới chính là lẽ sống của viên thanh tra, cả một đời chiến đấu chống lại lũ quỷ dữ, giờ đây nghỉ hưu ông phải tiếp tục tìm cho mình một bóng ma để theo đuổi, để thấy mình vẫn đang sống, để không rơi vào cái hố điên loạn của nỗi cô đơn và mất phương hướng đến cùng cực. Vì thế càng về cuối hồi ba, tôi càng cảm thấy lo lắng đến ngạt thở cho cái sự mỏng manh của sợi chỉ ấy, vì bàn tay đạo diễn tinh tế nhưng lạnh lùng của Penn chẳng để lộ lấy một manh mối chắc chắn nào cho thấy rằng "con quỷ" mà viên thanh tra đang tìm kiếm là có thật, hay đó chỉ là "ông phù thủy" (the Wizard) sản phẩm từ trí tưởng tượng của lũ trẻ và từ sự hoang tưởng của viên thanh tra già.
Nhân vật viên thanh tra có lẽ là một trong những vai diễn tuyệt vời nhất của Jack Nicholson mà tôi từng được xem. Đúng, Jack Nicholson cả đời nổi tiếng với tài thủ vai những nhân vật luôn đứng ở ranh giới giữa tỉnh táo và điên loạn. Nhưng trong The Pledge, ngọn lửa cá tính và cái uy lực điện ảnh thường thấy được Jack gói gọn chỉ trong vài ánh mắt, ông thậm chí còn không có quá nhiều thoại để "thể hiện" sự chênh vênh bên bờ vực điên loạn của nhân vật, nhưng thế đã là quá đủ để Jack giúp khán giả hiểu được sự hoảng loạn của viên thanh tra khi mà chẳng một ai tin vào "con quỷ" mà ông đang tìm kiếm. Có thể hình ảnh quá "bình thường" của viên thanh tra già gần hết cả bộ phim sẽ khiến nhiều khán giả cho rằng đây cũng là một vai "bình thường" của Jack, nhưng chỉ với mươi phút cuối phim, tất cả sẽ đều nhận ra rằng phía dưới cái sự "bình thường" ấy là cuộc đấu tranh tâm tưởng không ngừng của viên thanh tra để giữ lại cho mình một lẽ sống, để không trở thành một kẻ mất trí như cái cách mọi người xung quanh đánh giá ông. Tất nhiên ở đây không thể không kể tới tài nghệ đạo diễn của Penn trong việc xây dựng hình tượng nhân vật và đẩy dần xung đột trong phim lên đến đỉnh điểm một cách rất tinh tế, không phô trương nhưng rất chắc chắn và thấm thía, nhưng thực sự thì diễn xuất của Jack sẽ luôn là thứ khán giả nhớ đến đầu tiên khi nhắc đến bộ phim này. Chỉ một năm sau The Pledge, Jack vào vai một "ông già" khác trong About Schmidt của Alexander Payne (cũng là một đạo diễn cực giỏi trong việc xây dựng nhân vật và khai thác năng lực diễn xuất của diễn viên). Cũng là thể hiện một nhân vật phải "làm quen" với những khúc quanh cuối cùng của cuộc đời, nhưng tôi thích vai diễn của Jack trong The Pledge hơn nhiều vì Schmidt trong About Schmidt dễ hiểu, dễ cảm, nhưng cũng "dễ diễn" hơn nhiều (trớ trêu là vai diễn của Jack trong About Schmidt mới được đề cử Oscar). Đã 4 năm kể từ bộ phim cuối cùng của Jack (How Do You Know năm 2010) và gần 10 năm kể từ vai diễn đáng kể cuối cùng của Jack (trong The Departed năm 2006), cũng như nhiều người (có lẽ vậy) tôi rất mong được xem những vai diễn mới của Jack, nhưng ở cái tuổi 77 có lẽ Jack cũng khó tìm được cho mình một nhân vật ưng ý để thể hiện tài nghệ (và liệu ông còn cái cảm hứng diễn xuất hừng hực như trong quá khứ không?). Thôi đành bằng lòng với những bộ phim cũ của Jack, và tự an ủi rằng mình đã và đang được xem một trong những diễn viên xuất sắc nhất trong lịch sử Hollywood, đã được chứng kiến Jack thể hiện những vai diễn đa diện, nhiều màu sắc nhưng luôn khiến khán giả phải nhớ, phải suy nghĩ, như viên thanh tra trong The Pledge.
Empire Magazine gần đây đã cho đăng online một bài tổng hợp rất xuất sắc về sự nghiệp diễn xuất của Jack Nicholson thuộc loạt bài với cái tựa rất kêu là "Gods Among Us":
http://www.empireonline.com/features/empire-classic-jack-nicholson
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire