Với những khán giả yêu điện ảnh thế giới nói chung, chiến thắng ngày vang dội của đạo diễn Bong Joon-ho và bộ phim mới nhất của ông Ký sinh trùng trong Lễ trao giải Oscar lần thứ 92 ngày hôm qua với 4 tượng vàng, trong đó có tượng vàng quan trọng nhất ở hạng mục Phim hay nhất chắc chắn là một tin vui không chỉ vì Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật điện ảnh Hoa Kỳ đã vinh danh cách làm phim thông minh, phi truyền thống theo màu sắc rất Hàn Quốc thay vì lựa chọn thông thường với các bộ phim sử thi về chiến tranh, về xã hội, về lịch sử nước Mỹ như 1917, Marriage Story, hay The Irishman. Nhưng với đất nước Hàn Quốc, có lẽ đây là một thời khắc lịch sử mà không chỉ giới điện ảnh, mà cả xã hội Hàn Quốc đã mong chờ từ rất lâu sau vô số những nỗ lực vượt bậc từ kinh tế tới văn hoá. Dù Samsung từ lâu đã sánh vai với Apple trong thị trường hàng tiêu dùng điện tử, những chiếc xe Hyundai hay Kia đang lăn bánh ngày một nhiều trên mọi nẻo đường từ châu Âu tới nước Mỹ, nhưng cả giới lãnh đạo và người dân Hàn Quốc từ rất lâu vẫn tin rằng đất nước Hàn Quốc chỉ có thể thực sự sánh vai cùng các cường quốc trong khu vực – đặc biệt là với người hàng xóm Nhật Bản khi mà nền văn hoá, những giá trị truyền thống của đất nước này được thế giới biết đến, tôn trọng, và yêu thích.
Trong lĩnh vực âm nhạc, tham vọng này của Hàn Quốc được thể hiện rất rõ qua việc xuất khẩu dòng nhạc k-pop với những giai điệu bắt tay và các nhóm nam, nhóm nữ có vẻ ngoài cũng như kỹ năng nhảy hoàn hảo. Sau gần một phần tư thế kỷ, chiến lược dài hạn này của Hàn Quốc đã giúp “Làn sóng Hàn” hay “Hàn lưu” (Hallyu) có được vị trí vững chắc ở khắp khu vực Đông Á, Đông Nam Á và Trung Cận Đông. Tưởng như ca khúc Gangnam Style của Psy đã là đỉnh cao của Hallyu khi trong một thời gian ngắn trở thành ca khúc nổi bật nhất Internet với cả tỷ lượt xem trên YouTube. Nhưng kể từ khi nhóm nhạc nam BTS công phá thành công thị trường Hoa Kỳ từ khoảng 3 năm trở lại đây, thì k-pop từ một thể loại nhạc chỉ chiếm thiểu số nay mới thực sự có được chỗ đứng vững chắc ở các thị trường lớn của Mỹ - Âu với rất nhiều cái tên thường xuyên xuất hiện trên truyền hình Hoa Kỳ hay bán sạch vé ở các đêm nhạc tổ chức tại sân vận động với hàng vạn người xem như BTS, Blackpink, NCT 127.
Nhưng k-pop xét cho cùng với người dân Hàn Quốc chỉ là nhạc giải trí thuần tuý. Ngay ở chính Hàn Quốc thì các ngôi sao k-pop cũng không hẳn đã được người dân Hàn Quốc nâng niu như những ngôi sao opera và nhạc cổ điển như Jo Sumi, Kun-Woo Paik và chỉ đến khi BTS gây dựng được tên tuổi tại thị trường Hoa Kỳ thì cả chính phủ và người dân Hàn Quốc mới thực sự nhận ra rằng hoá ra k-pop hoàn toàn có khả năng đem quyền lực mềm của đất nước này lan toả đến mọi ngóc ngách của thế giới. Nhưng với một quốc gia coi trọng danh hiệu và thể diện như Hàn Quốc, thì thành công của BTS với giới trẻ toàn cầu chưa hẳn đã là đủ bởi họ chưa đem về được cho đất nước này những giải thưởng tầm cỡ như Giải Grammy trong âm nhạc hay giải Man Booker Quốc tế trong văn học – giải thưởng mà nữ nhà văn được Hàn Quốc coi là “quốc bảo” Han Kang đã giành được vào năm 2016. Điện ảnh chính là lĩnh vực người Hàn đặt rất nhiều niềm tin trong vòng ba thập niên qua trong khía cạnh này, đặc biệt là từ khi Oldboy của đạo diễn Park Chan-wook giành được Giải thưởng lớn – giải thưởng cao quý thứ hai của Liên hoan phim Cannes năm 2003. Nhưng trong suốt gần hai thập niên kể từ sau thành công của Oldboy, điện ảnh Hàn ở tầm quốc tế cũng chỉ có được một số thành tựu trong việc “xuất khẩu” các đạo diễn hàng đầu của họ sang Hollywood như Park Chan-wook, Bong Joon-ho, hay Kim Jee-woon với các sản phẩm dù không thất bại nhưng cũng không đạt được quá nhiều tiếng vang. Đỉnh cao nhất trong các nỗ lực của các nhà làm phim Hàn có lẽ là giải Sư tử vàng – giải cao quý nhất tại Liên hoan phim Venice của đạo diễn Kim Ki-duk cho bộ phim Pietà. Tuy nhiên với tính cách không được lòng người Hàn, lại là tác giả của nhiều bộ phim gây tranh cãi, trong đó có Pietà, chẳng mấy người Hàn Quốc cảm thấy vui vì chiến thắng của đạo diễn dị nhân Kim Ki-duk.
“Ký sinh trùng” là một trường hợp rất khác. Đạo diễn Bong Joon-ho và nam diễn viên chính của phim Song Kang-ho từ lâu đã được coi là đạo diễn và diễn viên “quốc dân” của người Hàn với rất nhiều những bộ phim ăn khách như The Host (2006). Phim của Bong, do Song đóng chính luôn được lòng người Hàn vì đậm chất Hàn Quốc, nói rất nhiều về lịch sử, văn hoá, và những khía cạnh sâu thẳm trong lòng người dân đất nước này với các tác phẩm xuất sắc như Memories of Murder (2003), The Host và Mother (2009). Ký sinh trùng – một bộ phim đặc chất Bong Joon-ho đã làm nên lịch sử khi giành cả giải Cành cọ vàng đầu tiên cho Hàn Quốc tại Liên hoan phim Cannes và bây giờ là giải Phim hay nhất tại giải Oscar – chiến thắng đầu tiên của một bộ phim nói tiếng nước ngoài trong lịch sử 92 năm của giải thưởng này - kỳ tích mà chưa một cường quốc điện ảnh Á Đông hay châu Âu nào làm được, kể cả người hàng xóm Nhật Bản.
Người Hàn Quốc hẳn đang rất tự hào vì Ký sinh trùng. Không chỉ bởi tác phẩm này đã giới thiệu được chất Hàn Quốc đậm đặc trong điện ảnh đến với công chúng thế giới để họ không chỉ yêu thích mà còn thấy trân trọng. Hơn thế, tượng vàng Oscar này của Ký sinh trùng đã tiếp thêm cho Hàn Quốc niềm tin rằng họ thực sự đã sánh vai được với các cường quốc văn hoá khác trên thế giới, và Làn sóng Hàn – quyền lực mềm của đất nước Hàn Quốc sẽ không chỉ là một hiện tượng nhất thời mà sẽ có chỗ đứng vững bền trong đời sống tinh thần của người dân nhiều nước – điều mà khi bắt đầu dân chủ hoá những năm đầu thập niên 1980 những người Hàn Quốc lạc quan nhất có lẽ cũng không thể nghĩ tới.
=========
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire