some quotes....

I just want to tell you, I'm the one who was supposed to take care of everything. I'm the one who was supposed to make everything okay for everybody. It just didn't work out like that. And I left. I left you... And now, I'm an old broken down piece of meat... and I'm alone. And I deserve to be all alone. I just don't want you to hate me.

-Randy 'The Ram' Robinson, The Wrestler

lundi 10 février 2020

The Two Popes (2019)


Là một quốc gia với diện tích vỏn vẹn 44 héc ta và dân số 1000 người, nhưng Vatican trong suốt chiều dài lịch sử của mình lại luôn được coi là một trong những tiếng nói quan trọng nhất của nền chính trị thế giới với tầm tác động vươn đến mọi quốc gia, châu lục, mọi ngõ ngách của xã hội hiện đại. Đó là bởi đây là nơi đặt trụ sở của Toà thánh Vatican – trái tim của Giáo hội Công giáo La Mã và là nơi đặt niềm tin của trên một tỷ tín đồ Công giáo vốn chiếm tới một phần sáu dân số thế giới. Cũng vì thế mà Giáo hoàng – người đứng đầu Toà thánh Vatican và Giáo hội Công giáo La Mã cũng đương nhiên được coi là một trong những nhân vật quyền lực nhất thế giới, là gương mặt được hàng trăm triệu, thậm chí là cả tỷ người hướng đến với hy vọng được dẫn dắt, soi sáng trong cuộc sống tinh thần trong một xã hội hiện đại vốn ngày càng thiếu đi niềm tin và vẫn còn quá nhiều đói nghèo, bi kịch. Để thực hiện trách nhiệm dẫn dắt tín đồ theo tiếng gọi của Chúa Trời như vậy, thông thường một vị Giáo hoàng sau khi được bầu tại cuộc mật nghị của các Hồng y sẽ tại vị cho đến cuối đời như cái cách Giáo hoàng John Paul II đã đứng đầu Toà thánh trong suốt 26 năm trước khi qua đời năm 2005. Tuy nhiên cho tới năm 2013, người kế nhiệm của Giáo hoàng John Paul II là Giáo hoàng Benedict XVI đã khiến cả Giáo hội Công giáo La Mã và thế giới nói chung bất ngờ khi tuyên bố từ bỏ vị trí người đứng đầu của Toà thánh Vatican – một quyết định mà sau gần tám thế kỷ của lịch sử Công giáo người ta mới lại được chứng kiến. 

Từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, tín đồ Công giáo và cả thế giới lại phải nhận thêm một bất ngờ khác khi biết tin mật nghị của các Hồng y được tổ chức sau khi Giáo hoàng Benedict XVI từ chức lại lựa chọn Đức Hồng y Jorge Mario Bergoglio trở thành người kế nhiệm với danh hiệu Giáo hoàng Francis. Lấy cái tên Francis từ để vinh danh Thánh Francis thành Assisi – vị thánh của người nghèo, Giáo hoàng Francis không chỉ là người Nam Mỹ đầu tiên đạt tới được ngôi vị cao nhất trong Giáo hội Công giáo La Mã mà còn sở hữu tính cách và phong thái hoàn toàn trái ngược với vị tiền nhiệm gốc Đức Benedict XVI. Một bên là tính cách Đức, một bên là tâm hồn Latinh của một người con đất nước Argentina, nếu Hồng y Joseph Aloisius Ratzinger – tên thật của Giáo hoàng Benedict XVI nghiêm cẩn, bảo thủ, trọng nghi lễ bao nhiêu thì Hồng y Bergolio lại nồng nhiệt, khao khát sự đổi mới, và coi trọng sự giản dị đến mức xơ xài bấy nhiêu. Điểm chung duy nhất của cả hai có lẽ chỉ là tình yêu đối với niềm tin Công giáo, và trách nhiệm đã – trong trường hợp của Giáo hoàng Benedict XVI, và đang – trong trường hợp của Giáo hoàng đương nhiệm Francis trong việc dẫn dắt hơn một tỉ tín đồ Công giáo và là chỗ dựa tinh thần cho họ trong bất cứ hoàn cảnh nào.

Tại sao  Giáo hoàng Benedict XVI lại từ chức? Liệu Hồng y Ratzinger khi từ đỉnh cao trở về nghỉ hưu có nghĩ ngợi gì khi mà các Hồng y khác lại lựa chọn một người khác biệt hoàn toàn như Giáo hoàng Francis để làm người kế nhiệm cho ông? Và liệu hai vị Giáo hoàng còn có điểm chung nào khác, hay những xung đột về mặt tính cách sẽ mãi đẩy họ rời xa nhau bất chấp niềm tin chung của cả hai người? Đó là nội dung chính của tác phẩm The Two Popes – bộ phim mới nhất của đạo diễn người Brazil Fernando Meirelles. Lấy bối cảnh chính là Cung điện Castel Gandolfo – dinh thự mùa hè của các Giáo hoàng và Nhà nguyện Sistine của Toà thánh Vatican trong những ngày Hè nóng bỏng của năm 2012 khi Giáo hoàng Benedict XVI đang vấp phải vô số khó khăn về sức khoẻ và rắc rối đến từ các bê bối của cộng sự thân tín tới mức phải cân nhắc quyết định từ chức, The Two Popes xoay quanh những buổi đối thoại về giáo lý và chuyện đời của Giáo hoàng Benedict XVI (Anthony Hopkins) và Đức Hồng y Bergoglio (Jonathan Pryce) – người bay từ Argentina tới Vatican chỉ với nguyện vọng được Giáo hoàng chấp thuận đơn xin nghỉ hưu mà không ngờ rằng vị lãnh đạo tối cao của mình còn có một ý định rất khác khi gọi ông tới Toà thành.

Thực ra nếu không xem The Two Popes thì khán giả nói chung cũng hẳn đã rất quen thuộc với hình ảnh một Giáo hoàng Francis giản dị trong ăn mặc và phong thái nhưng hết sức cấp tiến trong cách nghĩ và phát ngôn với rất nhiều những tuyên bố thẳng thắn vốn hiếm khi gặp ở Toà thánh Vatican – nơi luôn cố gắng giữ khoảng cách nhất định với các sự kiện chính trị, hay các trào lưu xã hội đương đại. Giáo hoàng Francis không ngại bày tỏ quan điểm ủng hộ toàn cầu hoá, ủng hộ cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, ủng hộ việc chấp thuận dân di cư từ nước nghèo sang nước giàu, và cũng sẵn sàng phản đối các lãnh đạo muốn lèo lái quốc gia của họ theo chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa bảo hộ. Và dù đã rút lui vào hậu trường đã được 7 năm kể từ ngày từ chức Giáo hoàng, nhưng Đức Hồng y Ratzinger – hay Giáo hoàng Benedict XVI ngày còn tại vị hẳn vẫn để lại ấn tượng với những ai hay theo dõi thời sự về quan điểm hết sức bảo thủ trong mọi vấn đề liên quan đến Công giáo hay Toà thánh. Vừa là ánh sáng soi đường cho cả tỷ giáo dân Công giáo, vừa là đích ngắm của vô số hãng truyền thông và thậm chí là báo chí lá cải trong tư cách một “người của công chúng”, tất nhiên người dân ở bất cứ quốc gia nào trên thế giới đều ít nhiều biết tới những góc cạnh này trong cuộc đời và tính cách của hai vị Giáo hoàng. Tuy nhiên, có lẽ không nhiều người biết về quá khứ đau thương của Giáo hoàng Francis những ngày Đức cha Jorge Mario Bergoglio còn đang là một giáo sĩ Dòng Tên sống trong một xã hội Argentina đang rên xiết dưới gót giày bạo tàn của chế độ độc tài quân sự. Và hẳn cũng không mấy ai từng được nghe những nốt đàn réo rắt của Giáo hoàng Benedict XVI – người tuy có thể không biết gì về văn hoá đương đại, về Beatles, về Yellow Submarine, nhưng lại tinh thông hiếm ai bằng về khả năng tiếng Latinh và những ngón đàn dương cầm cổ điển. Những gương mặt rất khác ấy của hai người đàn ông gần với Chúa Trời hơn bất cứ tín đồ Công giáo cũng được khắc hoạ rất rõ trong The Two Popes – một tác phẩm không chỉ đơn thuần là những cuộc đối thoại đầy triết lý của hai vị Giáo hoàng. Với sự cộng tác của nhà biên kịch xuất sắc Anthony McCarten, Fernando Meirelles đã chứng tỏ rằng sau những thất bại liên tiếp của Blindness (2008) và 360 (2011), ông vẫn còn nguyên vẹn khả năng xử lý những đề tài dù rất khác nhau nhưng đều hết sức phức tạp, đậm chất thực tế gai góc như tác phẩm đã đưa tên tuổi ông đến với thế giới là Cidade de Deus (2002) và sau đó là The Constant Gardener (2005). Nhưng bối cảnh nhuốm màu bạo lực và bi thương của Cidade de Deus với những vụ đấu súng đẫm máu giữa các băng đảng đường phố ở Brazil, và của The Constant Gardener về một Lục địa Đen đầy rẫy tội ác rõ ràng là mảnh đất màu mỡ cho Meirelles đẩy kịch tính và mức độ hấp dẫn của phim vượt quá cả sự mong đợi của khán giả. The Two Popes không có được cái may mắn đó khi bộ phim này có thể tóm gọn chỉ trong một câu rất ngắn – cuộc đối thoại về đức tin của hai người già. Nhưng chính bằng việc đưa vào cuộc nói chuyện những mảnh ghép tưởng chừng rời rạc nhưng mang tính kết nối rất lớn để làm bật lên cả chất đạo và đời của cuộc đối thoại giữa Giáo hoàng Benedict XVI và Đức Hồng y Bergoglio mà The Two Popes không chỉ cung cấp cho khán giả thêm rất nhiều câu truyện ít được biết tới về hai nhân vật vốn đã quá nổi tiếng với công chúng, mà còn giúp người xem có thêm được sự hứng thú khi được theo dõi hai vị lãnh tụ tối cao của tôn giáo có số lượng tín đồ đông nhất thế giới nói chuyện về Chúa nhưng qua đó vẫn bộc lộ được họ là những người bình thường, với những suy tư, mong muốn, thậm chí là những nỗi buồn hết sức đời thường. 

Dù Fernando Meirelles hoàn toàn xứng đáng với những lời khen về tài năng biến một “cuộc nói chuyện của hai ông già” trở thành The Two Popes hấp dẫn từ đầu tới cuối, nhưng sau khi xem phim có lẽ một số khán giả vẫn sẽ cảm thấy đôi phần thất vọng bởi đạo diễn người Brazil chọn cách tiếp cận khá an toàn khi mô tả hai vị Giáo hoàng, đặc biệt là đối với Đức Hồng y Bergoglio hay Giáo hoàng Francis sau này. Đó là vì ngay cả khi so sánh với hình ảnh của một vị Giáo hoàng khác của phim – Giáo hoàng Benedict XVI thì Đức Hồng y Bergoglio của The Two Popes hiện ra hết sức thánh thiện và cao quý vượt mức của bất cứ người bình thường nào. Có thể Fernando Meirelles chỉ đơn thuần là tôn trọng sự thật khi khắc hoạ chân dung Giáo hoàng Francis. Nhưng bởi The Two Popes vẫn né tránh những chủ đề gai góc nhất liên quan tới Giáo hội Công giáo như nạn ấu dâm của giáo sĩ Công giáo, hay tệ tham nhũng từng một thời lan tràn trong lòng Vatican, và cả xu hướng suy giảm niềm tin đối với Công giáo nói riêng và tôn giáo nói chung của dân chúng các nước phát triển, nên người xem vẫn khó có thể cảm thấy chắc chắn rằng hình ảnh của Đức Hồng y Bergoglio – Giáo hoàng Francis họ đang được chiêm ngưỡng trên màn hình lớn kia có thực sự phản ánh được suy nghĩ thâm trầm và cá tính phức tạp của một người đứng đầu tôn giáo đông tín đồ nhất thế giới hay không.

Ấn tượng lớn nhất của The Two Popes để lại trong lòng khán giả có lẽ chính là sự ăn ý đến hoàn hảo trong diễn xuất của hai diễn viên gạo cội được Fernando Meirelles mời đảm nhận hai vai chính của phim, đó là Jonathan Pryce trong vai Đức Hồng y Jorge Mario Bergoglio và Anthony Hopkins trong vai Giáo hoàng Benedict XVI. Trong một tác phẩm có nhịp điệu chậm rãi và không quá nhiều kịch tính, Pryce và Hopkins đã thể hiện một cách hết sức xuất sắc sự thanh thản nhưng thâm trầm đặc trưng của những vị lãnh tụ tôn giáo – những người hiểu hơn ai hết sức mạnh của Chúa Trời trong việc soi sáng đưa đường cho tín đồ của Người, và cũng đồng thời là những học giả uyên bác về thần học, về triết học, về vốn sống và nhân sinh quan vốn chỉ có thể có được khi đã đi hết phần lớn cuộc đời để trải nghiệm. Với đài từ rất đẹp và cặp mắt biết nói, nam diễn viên 72 tuổi người xứ Wales Jonathan Pryce chắc chắn sẽ làm chính Giáo hoàng Francis phải tự hào vì đã bằng tài năng diễn xuất của mình giới thiệu được đến với công chúng một Đức Hồng y Bergoglio có cuộc đời đầy sự kiện và chưa bao giờ hết tâm tư vì số phận của những người nghèo khổ, của những tín đồ Công giáo đang ngày ngày hướng về phía ông để tìm kiếm cơ hội lắng nghe những lời khuyên nhủ, những chia sẻ chân tình có sức mạnh giúp họ gượng đứng dậy để đi về phía trước. Phải vào vai một nhân vật có cá tính trầm buồn tới mức hiếm khi thể hiện tình cảm ra mặt là Giáo hoàng Benedict XVI, nhưng huyền thoại điện ảnh 82 tuổi Anthony Hopkins – một đồng hương người xứ Wales của Jonathan Pryce cũng đã hết sức thành công trong việc tạo dựng nên hình ảnh một vị Giáo hoàng bảo thủ, truyền thống nhưng thực ra vẫn ẩn chứa trong lòng rất nhiều tâm trạng, nhất nhiều suy nghĩ tưởng chừng không thể sẻ chia với ai khác ngoài Chúa Trời. 

Không phải là một tác phẩm hoàn hào và cũng không thực sự dễ xem đối với những khán giả muốn tìm kiếm cho mình những phút giây giật gân hồi hộp để giải trí, nhưng The Two Popes chắc chắn sẽ vẫn có những khán giả trung thành của riêng mình. Bởi bộ phim mới nhất của đạo diễn Fernando Meirelles có thể coi như một khoảng lặng cần thiết giữa dòng đời tấp nập để khán giả được dừng lại và cảm nhận nhân sinh quan, thế giới quan, và cả những suy nghĩ, tâm thế về niềm tin tôn giáo, niềm tin vào con người của hai cái tên đã và đang là ngọn đuốc soi lối cho hàng triệu người trên khắp thế giới.

=======

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire