some quotes....

I just want to tell you, I'm the one who was supposed to take care of everything. I'm the one who was supposed to make everything okay for everybody. It just didn't work out like that. And I left. I left you... And now, I'm an old broken down piece of meat... and I'm alone. And I deserve to be all alone. I just don't want you to hate me.

-Randy 'The Ram' Robinson, The Wrestler

vendredi 30 mars 2018

Ready Player One (2018)


Biến đổi khí hậu, gia tăng dân số quá mức, bất công xã hội, ô nhiễm môi trường. Oằn mình gánh chịu những thảm họa do con người gây ra này, Trái Đất những năm giữa thế kỷ 21 đã không còn thực sự là nơi đáng sống khi con người phải sống chui rúc trong các khu ổ chuột chật hẹp hoặc các khu chung cư cao tầng được dựng nên từ những cabin xe bán tải. Để thoát khỏi thực tại mệt mỏi và bi quan ấy, phần đông dân số Trái Đất kiếm tìm niềm vui trên OASIS – một thế giới ảo nơi chúng ta có thể trở thành bất cứ ai, làm bất cứ điều gì gì, và đi đến bất cứ nơi đâu trí tưởng tượng có thể chạm tới. Không gian thực tế ảo của OASIS được chuyên gia máy tính James Halliday (Mark Rylance) sáng tạo ra với rất nhiều thế giới ảo và các nhân vật ảo lấy cảm hứng từ các tác phẩm điện ảnh và trò chơi điện tử nổi bật của văn hóa đại chúng Mỹ những năm 1980. Trước khi qua đời, Halliday có để lại di chúc rằng ông đã giấu ba chiếc chìa khóa ảo bên trong OASIS, và bất cứ ai có thể tìm thấy đủ ba chiếc chìa khóa này sẽ trở thành chủ nhân mới của thế giới ảo, đồng nghĩa với việc người đó sẽ trở thành chủ nhân cuộc sống tinh thần của người dân toàn thế giới. Lời giải cho bài toán vô cùng hóc búa này của James Halliday chỉ đến khi cậu nhóc 18 tuổi Wade Watts (Tye Sheridan) với biệt danh Parzival trong OASIS hóa giải thành công con đường tới kho báu thứ nhất – chiếc chìa khóa đồng nhờ vào tài năng, niềm đam mê tìm hiểu cuộc đời của James Halliday, và tất nhiên là cả chút may mắn. Nhưng để tìm thấy hai kho báu còn lại – chiếc chìa khóa ngọc, và chìa khóa pha lê, Parzival cần tới sự trợ giúp của những người bạn còn lại trong nhóm “High Five” là Samantha Cook (Olivia Cooke) – hay Art3mis trên OASIS, Helen (Lena Waithe) – hay Aech trên OASIS, và hai anh em Daito (Win Morisaki) – Sho (Philip Zhao), bởi theo sát phía sau Parzival là ông chủ của công ty công nghệ I.O.I Nolan Sorrento (Ben Mendelsohn) với tham vọng chiếm đoạt OASIS bằng mọi giá. 

Trước tiên có thể khẳng định rằng Ready Player One là một tác phẩm xuất sắc về mặt hình ảnh. Vốn là đạo diễn đi tiên phong ở Hollywood suốt từ thập niên 1970 cho tới nay về mặt sử dụng kĩ xảo hình ảnh và đồ họa vi tính với các tác phẩm đáng nhớ như Jaws (1975), Raiders of the Lost Ark (1981), Jurassic Park (1993), A.I. Artificial Intelligence (2001), Steven Spielberg là lựa chọn không thể hợp lý hơn cho một tác phẩm đòi hỏi rất cao về phần nhìn như Ready Player One. Không phụ sự tin tưởng của hãng Warner Bros., Spielberg đã đem đến cho người yêu điện ảnh một Ready Player One ngập tràn kĩ xảo điện ảnh thượng hạng với những đại cảnh giả tưởng như các cuộc đua, trận chiến với cả trăm nhân vật quen thuộc trong phim ảnh và trò chơi điện tử. Từ King Kong cho đến Người khổng lồ sắt (The Iron Giant), từ Ninja Rùa (Teenage Mutant Ninja Turtles) cho đến nữ xạ thủ Tracer trong game Overwatch, người xem chắc chắn sẽ đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác khi nhận ra những nhân vật, chi tiết trong các bộ phim hay game họ yêu thích được trải đều từ những cảnh quay mở đầu cho đến tận những giờ phút cuối cùng của Ready Player One. Có đôi chút đáng tiếc là bộ phim hoàn toàn vắng bóng các nhân vật của Nintendo – người khổng lồ trong lĩnh vực trò chơi điện tử của Nhật Bản là và là công ty giúp ngành công nghiệp này lấy lại chỗ đứng trong lòng công chúng nửa sau thập niên 1980, nhưng khán giả cũng vẫn nên cảm thấy may mắn vì việc bộ phim này là một sản phẩm của tập đoàn giải trí Warner Bros. đã giúp đội ngũ làm phim đưa được rất nhiều các nhân vật nổi tiếng của điện ảnh, hoạt hình, và trò chơi điện tử vốn thuộc bản quyền của chính hãng Warner Bros. vào Ready Player One.

Điều đáng nói là có rất nhiều phân đoạn hành động phức tạp với tốc độ nhanh, nhiều nhân vật, chi tiết và kĩ xảo nhưng Ready Player One không hề tạo cảm giác rối rắm, mù mịt như các tập gần đây trong loạt phim Transformers của Michael Bay, trái lại đạo diễn Spielberg vẫn đem đến cho các khung hình của ông độ tập trung nhất định để khán giả vừa có thể thưởng thức các cảnh quay hoành tráng, siêu thực, mà vẫn bám theo được từng bước đi và diễn biến tâm lý của Wade Watts / Parzival và những người bạn trong chuyến du hành tìm kho báu nơi thế giới ảo. Ngay cả những phân đoạn về thế giới thực của “Ready Player One” tuy không đáng chú ý lắm về mặt nội dung nhưng cũng vẫn gây ấn tượng cho khán giả nhờ các bối cảnh vừa phảng phất chất khoa học giả tưởng của tương lai gần, vừa nhạt nhòa, chật hẹp, và u tối như một lời cảnh báo về hậu quả chúng ta sẽ phải gánh chịu nếu xã hội và môi trường tiếp tục bị tàn phá bởi lòng tham con người. Chất giả tưởng nhuốm màu bi quan của Ready Player One chắc chắn sẽ khiến nhiều khán giả nhớ đến bộ đôi phim khoa học giả tưởng xuất sắc của Steven Spielberg những năm đầu thiên niên kỷ mới là A.I. Artificial IntelligenceMinority Report (2002). Tuy chưa thể sánh được với hai tác phẩm này về mặt nội dung, nhưng về mặt hình ảnh và chất giải trí thì Ready Player One không hề thua kém, thậm chí còn có phần nhỉnh hơn trong mắt khán giả trẻ. Thành công về khía cạnh này của Ready Player One cho thấy rằng Hollywood và khán giả thực sự vẫn cần tới Steven Spielberg và những bộ phim bom tấn kích thích thị giác và trí tưởng tượng của ông.
 
Xuất bản lần đầu năm 2011, tiểu thuyết Ready Player One được độc giả Hoa Kỳ đón nhận nồng nhiệt vì tác giả Ernest Cline đã đem đến cho họ một thế giới ảo vừa đậm chất khoa học viễn tưởng lại vừa chứa đựng rất nhiều những hoài niệm về văn hóa và xã hội Mỹ những năm bình yên của thập niên 1980. Tuy nhiên, Ready Player One lại không thực sự được giới phê bình đánh giá cao vì tác phẩm có tuyến nhân vật tương đối mỏng, bố cục rời rạc, và dựa quá nhiều vào việc nhắc nhớ người đọc về văn hóa đại chúng những năm 1980 với nhiều đoạn văn trùng lặp thay vì tập trung trau chuốt chất lượng câu chữ. Chính vì những khiếm khuyết cố hữu này mà tuy công chúng tỏ ra khá hào hứng khi Steven Spielberg nhận lời chuyển thể Read Player One lên màn ảnh lớn, nhưng đa phần báo giới và ngay cả những người yêu thích tiểu thuyết gốc của nhà văn Ernest Cline đều tỏ thái độ dè dặt, thậm chí là hoài nghi về khả năng Spielberg có thể tạo nên một bộ phim trung thành về mặt hình ảnh nhưng vượt trội về mặt nội dung khi so với truyện gốc. Có lẽ cũng vì hiểu được những điểm yếu về mặt nội dung và cấu trúc của Ready Player One mà chính Cline, cùng sự cộng tác của Zak Penn – người chắp bút cho phần cốt truyện của các bộ phim siêu anh hùng xuất sắc như X2The Avengers, đã thay đổi khá nhiều chi tiết của tiểu thuyết gốc trong kịch bản chuyển thể cho bộ phim của Steven Spielberg. Nếu so với nguyên tác văn học, Ready Player One – bản điện ảnh có cấu trúc đơn giản, gọn gàng hơn rất nhiều với các cuộc săn tìm kho báu được rút gọn, thậm chí là làm mới hoàn toàn. Đây là một lựa chọn hết sức hợp lý của bộ đôi biên kịch Cline-Penn và đạo diễn Spielberg vì nếu so với các cuộc săn tìm kho báu trong tiểu thuyết Read Player One vốn hết sức phức tạp và khó hiểu với những độc giả không quen thuộc với các bộ phim hay trò chơi điện tử của thập niên 1980, thì cuộc đua “tử thần” và chuyến phiêu lưu giải câu đố thứ hai của bản điện ảnh – những chi tiết hoàn toàn mới của bộ phim chuyển thể là dễ dàng cảm nhận hơn rất nhiều đối với người xem và cũng là mảnh đất màu mỡ để Spielberg chứng tỏ rằng ông vẫn là một trong những đạo diễn hàng đầu Hollywood về mặt hình ảnh. Không chỉ đơn giản hóa các cuộc săn tìm kho báu – vốn là cao điểm kịch tính của Ready Player One, Ernest Cline và Zak Penn cũng đưa vào bản điện ảnh nhiều chi tiết mới vừa để làm trọn vẹn hơn các nhân vật như Samantha Cook / Art3mis hay Daito và cũng để bộ phim trở nên gần gũi hơn với các khán giả trẻ thế hệ 9X, 0X vốn không mấy quen thuộc với những sản phẩm văn hóa thời cha mẹ họ như máy chơi game Atari hay các bộ phim về tuổi mới lớn do Matthew Broderick thủ vai chính những năm giữa thập niên 1980. Tuy nhiên, những thêm thắt mới này cũng không hoàn toàn thành công khi những thay đổi lớn về mặt nội dung, đặc biệt ở cuộc săn tìm kho báu thứ hai, tuy hấp dẫn nhưng lại khiến cấu trúc của bộ phim trở nên rời rạc, còn việc đưa những nhân vật, chi tiết của các tác phẩm điện ảnh và trò chơi điện tử vốn vẫn đang được ưa chuộng vào một tác phẩm vốn chỉ hướng tới văn hóa đại chúng thập niên 1980 cũng làm mất đi phần nào chất hoài cổ vốn là thế mạnh của tiểu thuyết Ready Player One.
 
Một điểm yếu khác của tiểu thuyết “Ready Player One” mà phiên bản điện ảnh chưa thể khắc phục là tuyến nhân vật không mấy ấn tượng. Ngoại trừ Samantha Cook / Art3mis qua diễn xuất chững chạc của Olivia Cooke – nữ diễn viên trẻ đang lên sau thành công của Me and Earl and the Dying Girl (2015), thì bốn thành viên còn lại của nhóm bạn “High Five”, kể cả Tye Sheridan vốn rất nhiều đất diễn với vai Wade Watts / Parzival, đều không để lại dấu ấn nào trên màn ảnh với số phận, tính cách nhạt nhòa và diễn xuất khá gượng gạo. Các nhân vật “người lớn” trong phim như ông chủ tịch gian xảo Nolan Sorrento của I.O.I hay “ông tổ” của mạng OASIS James Halliday thậm chí còn trở nên kém ấn tượng hơn trong phiên bản điện ảnh bởi các tuyến truyện phụ liên quan đến các nhân vật này bị cắt bớt để dành chỗ cho các đại cảnh hoành tráng – trung tâm thực sự của bộ phim. Không sở hữu những nhân vật đáng nhớ, Ready Player One bởi thế cũng chỉ có thể được coi là một tác phẩm trung bình khá về mặt nội dung bất chấp việc Steven Spielberg cố gắng tạo thêm chiều sâu cho bộ phim thông qua các mẩu đối thoại hay các bài diễn văn mang tính triết lý. Ở đây, người hâm mộ tiểu thuyết Ready Player One cũng có thể “trách” Steven Spielberg ở một điểm khác là việc ông lựa chọn các diễn viên trẻ quá “đẹp” để vào vai nhóm bạn “High Five” bởi một trong những điểm đáng trân trọng nhất của bộ truyện gốc là việc các nhân vật chính như Samantha Cook / Art3mis hay Wade Watts / Parzival cũng chỉ là những cô nhóc cậu nhóc với vô số khiếm khuyết về ngoại hình và tính cách vốn ai cũng từng trải qua ở cái tuổi mới lớn. Người xem Ready Player One chắc chắn sẽ phải ghen tị với người đọc “Ready Player One” bởi họ chẳng thể tìm thấy sự gần gũi này khi nhìn vào những gương mặt và thể hình đẹp đậm chất điện ảnh của Olivia Cooke hay Tye Sheridan. Việc Spielberg loại bỏ gần như hoàn toàn các yếu tố bi kịch vốn có vai trò rất quan trọng trong việc tạo cảm xúc cho tiểu thuyết Ready Player One cũng khiến bộ phim mới nhất của ông khó lòng tạo dựng được mối liên hệ về mặt tình cảm với khán giả.

Tuy vẫn còn nhiều khiếm khuyết về mặt nội dung nhưng chỉ xét riêng về phần nhìn thôi thì Ready Player One vẫn là một bộ phim giải trí đáng đồng tiền bát gạo đối với khán giả nói chung và với người yêu phim của đạo diễn Steven Spielberg nói riêng. Và kể cả với những người hâm mộ tiểu thuyết gốc, Ready Player One – bản điện ảnh dù không chuyển thể hoàn hảo tác phẩm của Ernest Cline vẫn là một bộ phim dễ chịu với tinh thần trẻ trung pha chút hoài cổ man mác. Đi xem phim giữa mùa xuân hoa nở, còn gì thích hợp hơn một tác phẩm về những người trẻ, và những tâm hồn trẻ như Ready Player One?

=====

90th Academy Awards




(Bài viết trước lễ trao giải)

Lễ trao giải thưởng điện ảnh danh giá nhất năm – giải Oscar của Viện Hàn lâm khoa học và nghệ thuật điện ảnh Hoa Kỳ (AMPAS) sẽ được tổ chức vào Chủ nhật mùng 4 tháng 3 tới đây tại Nhà hát Dolby, Hollywood. Đó chắc chắn sẽ là một đêm trao giải đáng chú ý không chỉ bởi không khí khá căng thẳng của nước Mỹ sau một năm chứng kiến nhiều bất ổn về chính trị và xã hội, mà còn vì những vụ bê bối tình dục trong lòng Hollywood liên tục bị đưa ra ánh sáng trong những tháng cuối năm 2017. Nhiều khả năng những câu chuyện của năm cũ sẽ được nhắc tới trong lễ trao giải lần thứ 90 này của AMPAS, nhưng với người yêu điện ảnh thì cuộc đua tới những tượng vàng Oscar có lẽ mới là điều họ quan tâm nhiều hơn cả, nhất là khi cho tới tận thời điểm này khi hầu hết các giải thưởng điện ảnh của năm đã được trao thì cuộc đua ở một số hạng mục quan trọng của giải Oscar vẫn còn đang hết sức quyết liệt.

Một trong những hạng mục vẫn còn chưa ngã ngũ như vậy, và cũng là hạng mục giải thưởng quan trọng nhất của giải Oscar đó là giải cho phim hay nhất. Khác với các hạng mục khác của giải Oscar vốn chỉ có 5 ứng cử viên, hạng mục phim hay nhất có tới 9 ứng cử viên là những tác phẩm điện ảnh mang màu sắc rất khác nhau, từ đề tài hài-rùng rợn như Get Out của đạo diễn Jordan Peele, tình cảm-siêu thực như The Shape of Water của Guillermo del Toro, cho tới lịch sử-chiến tranh như siêu phẩm Dunkirk của Christopher Nolan, hay Darkest Hour của Joe Wright, The Post của cây đại thụ Steven Spielberg, từ phim lấy bối cảnh châu Âu hoài cổ như Phantom Thread của Paul Thomas Anderson hay Call Me by Your Name của Luca Guadagnino cho tới phim nói về xã hội nước Mỹ hiện đại như Three Billboards Outside Ebbing, Missouri của Martin McDonagh và Lady Bird của Greta Gerwig. Trong số 9 tác phẩm điện ảnh nổi bật của năm 2017 này, The Shape of Water của đạo diễn người Mexico Guillermo del Toro hiện đang được coi là ứng viên nặng kí nhất cho giải Oscar phim hay nhất sau khi liên tiếp chiến thắng tại các giải thưởng quan trọng của hiệp hội đạo diễn (DGA) và nhà sản xuất phim (PGA) Hoa Kỳ. Theo trang thống kê FiveThirtyEight, The Shape of Water hiện đã có tổng cộng 248 điểm trong mùa giải thưởng điện ảnh 2017-2018, tức là cao hơn gần gấp đôi số điểm Moonlight – tác phẩm chiến thắng giải Oscar phim hay nhất năm ngoái đã giành được trong suốt mùa giải thưởng 2016-2017 (131 điểm). Tuy nhiên, bên cạnh tác phẩm lãng mạn của del Toro thì bộ phim nói về các vấn đề xã hội nóng bỏng của nước Mỹ hiện đại Three Billboards Outside Ebbing, Missouri cũng đã có số điểm giải thưởng cao hơn Moonlight với 158 điểm, trong đó phải kể tới hai chiến thắng rất quan trọng trước chính The Shape of Water tại giải Quả cầu vàng cho phim chính kịch xuất sắc nhất và giải của Viện hàn lâm điện ảnh và truyền hình Anh Quốc (BAFTA) cho phim hay nhất. Bởi vậy, khoảng cách gần 100 điểm vẫn chưa thể đảm bảo cho The Shape of Water vượt qua Three Billboards Outside Ebbing, Missouri tại đêm trao giải 4 tháng 3 tới đây, nhất là khi chỉ vừa năm ngoái thôi chính Moonlight dù thua điểm suốt mùa giải thưởng nhưng đã vượt qua La La Land ở những phút cuối cùng một cách ngoạn mục để giành tượng vàng Oscar cho phim hay nhất. Bên cạnh đó, trong một mùa giải thưởng nhiều phim hay nhưng không có phim thực sự vượt trội như năm nay thì “30 vẫn chưa phải là Tết” và không ai có thể loại bỏ hoàn toàn khả năng chiến thắng của Lady Bird – bộ phim đậm chất nữ quyền của một đạo diễn nữ, Get Out – tác phẩm châm biếm về thói phân biệt chủng tộc của một đạo diễn da màu, hay Dunkirk – bộ phim khơi gợi lòng yêu tổ quốc của một trong những đạo diễn được yêu thích nhất ở Hollywood. 

Nếu có thất bại ở hạng mục phim hay nhất thì đạo diễn The Shape of Water Guillermo del Toro vẫn có thể tự an ủi rằng ông gần như chắc chắn sẽ giành tượng vàng Oscar cho đạo diễn xuất sắc nhất. Liên tục được vinh danh tại giải Quả cầu vàng, BAFTA, và DAG, Guillermo del Toro đã có tới 280 điểm và đã nắm trong tay tới 90% cơ hội trở thành người cuối cùng trong “bộ ba người bạn” đạo diễn Mexico (cùng với Alejandro González Iñárritu và Alfonso Cuarón) đăng quang tại hạng mục này của giải Oscar. Bởi vậy, dù cũng chưa từng một lần giành giải Oscar cho đạo diễn xuất sắc nhất như del Toro nhưng các ứng viên còn lại là Christopher Nolan (Dunkirk, 84 điểm), Jordan Peele (Get Out, 48 điểm), Greta Gerwig (Lady Bird, 43 điểm), và Paul Thomas Anderson (Phantom Thread, 0 điểm) chẳng còn nhiều hy vọng ở hạng mục quan trọng này. 

Trong một năm chứng kiến rất nhiều tác phẩm xuất sắc trong đó đạo diễn đảm nhiệm luôn vai trò biên kịch phim, Jordan Peele – đạo diễn và tác giả kịch bản của Get Out đang được coi là có cơ hội nhỉnh hơn cả ở hạng mục kịch bản gốc xuất sắc nhất. Kịch bản vừa kịch tính, vừa châm biếm nhiều thói xấu của xã hội nước Mỹ ngày nay của Peele có khả năng sẽ giúp ngôi sao 39 tuổi xuất thân từ sân khấu hài này vượt qua cặp vợ chồng Emily V. Gordon và Kumail Nanjiani của The Big Sick, Martin McDonagh, và các đối thủ khác của anh ở hạng mục đạo diễn là Guillermo del Toro và Greta Gerwig để được vinh danh vào tối Chủ Nhật sắp tới. Điều đặc biệt là ở hạng mục kịch bản chuyển thể xuất sắc nhất, ứng viên nặng kí nhất lại là một nhà biên kịch hơn Jordan Peele tới 50 tuổi, đó là James Ivory – người đã chuyển thể cực kì xuất sắc tiểu thuyết Call Me by Your Name của nhà văn André Aciman lên màn ảnh lớn. Cơ hội chiến thắng của Ivory ở hạng mục này thậm chí còn cao hơn Peele bởi các đối thủ của ông như Scott Neustadter và Michael H. Weber (The Disaster Artist), Scott Frank, James Mangold và Michael Green (Logan), Aaron Sorkin (Molly’s Game), Virgil Williams và Dee Rees (Mudbound) không thực sự được đánh giá quá cao. 

Khác với hạng mục phim hay nhất, cuộc đua ở hạng mục nam diễn viên và nữ diễn viên chính xuất sắc nhất của giải Oscar năm nay có thể coi là gần như đã ngã ngũ khi Gary Oldman và Frances McDormand đã nắm tới 90% cơ hội chiến thắng. Với vai diễn thủ tướng Anh Winston Churchill trong Darkest Hour, nam diễn viên gạo cội Gary Oldman đã giành hầu như mọi giải thưởng diễn xuất quan trọng của năm 2017, bao gồm cả giải Quả cầu vàng, BAFTA, và giải của hiệp hội diễn viên điện ảnh (SAG) và đến nay đã thu về tới 271 điểm giải thưởng theo thống kê của trang FiveThirtyEight – vượt rất xa số điểm của các nam diễn viên đang cạnh tranh với Oldman tượng vàng Oscar từ các ngôi sao mới như Timothée Chalamet của Call Me by Your Name (88 điểm), Daniel Kaluuya của Get Out (44 điểm) cho đến cả các diễn viên gạo cội từng giành nhiều chiến thắng tại giải Oscar như Denzel Washington (33 điểm), và Daniel Day-Lewis của Phantom Thread (32 điểm). Về phía hạng mục giải Oscar cho nữ diễn viên chính xuất sắc nhất, Frances McDormand với vai diễn bà mẹ mất con trong Three Billboards Outside Ebbing, Missouri cũng bỏ xa các đối thủ còn lại trên đường đua tới tượng vàng để băng về đích sau các chiến thắng liên tiếp tại giải BAFTA và SAG. Gần như chắc chắn Saoirse Ronan (Lady Bird, 73 điểm), Sally Hawkins (The Shape of Water, 65 điểm), hay Margot Robbie (I, Tonya, 48 điểm) sẽ phải ngậm ngùi chờ cơ hội chạm tay vào tượng vàng đầu tiên của các cô trong tương lai khi mà Frances McDormand đã có tới 249 điểm giải thưởng trong tay. Nếu giành tượng vàng năm nay, Frances McDormand sẽ san bằng thành tích với huyền thoại Meryl Streep – người cũng được đề cử tại hạng mục nữ diễn viên chính năm nay, đó là hai lần giành chiến thắng tại hạng mục này.

Tại các hạng mục diễn viên phụ, tình hình chỉ rõ ràng ở phía các nữ diễn viên khi vai diễn bà mẹ quái tính trong I, Tonya đã đem về cho Allison Janney tới 228 điểm giải thưởng, bao gồm toàn bộ các chiến thắng tại giải Quả cầu vàng, BAFTA, và SAG. Từng được coi là đối thủ xứng tầm với Janney trên đường đua tới giải Oscar cho nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất nhưng Laurie Metcalf (Lady Bird) đã tụt lại xa phía sau với chỉ 57 điểm, không nhỉnh hơn là bao so với 3 ứng viên còn lại của hạng mục này là Mary J. Blige (Mudbound, 36 điểm), Octavia Spencer (The Shape of Water, 27 điểm), và Lesley Manville (Phantom Thread, 13 điểm). Về phía nam, ai sẽ là người giành tượng vàng Oscar cho giải nam diễn viên phụ xuất sắc nhất lại là một câu hỏi khó trả lời hơn, bởi tuy bạn diễn của Frances McDormand trong Three Billboards Outside Ebbing, Missouri là Sam Rockwell đã có trong tay tới 190 điểm và nhiều giải thưởng tiền Oscar quan trọng như Quả cầu vàng, BAFTA, SAG, nhưng Willem Dafoe (The Florida Project) được xem là vẫn có khả năng gây bất ngờ với 96 điểm. Tất nhiên với ba ứng viên còn lại ở hạng mục này với số điểm giải thưởng chưa đầy 30 là Richard Jenkins (The Shape of Water, 28 điểm), Woody Harrelson (Three Billboards Outside Ebbing, Missouri, 22 điểm), và Christopher Plummer (All the Money in the World, 16 điểm) thì tượng vàng Oscar năm nay rõ ràng đã nằm ngoài tầm với. 

Hạng mục dễ đoán định nhất của giải Oscar năm nay có lẽ thuộc về hạng mục phim hoạt hình xuất sắc nhất khi bộ phim lấy bối cảnh Mexico của hãng Pixar là Coco đã có trong tay tới 677 điểm giải thưởng trong mùa giải 2017-2018 và không để lọt một tia hi vọng nào cho các đối thủ còn lại là Loving Vincent (57 điểm), The Breadwinner (52 điểm), The Boss Baby (47 điểm), và Ferdinand (28 điểm). Ở chiều ngược lại, hạng mục được trang FiveThirtyEight xếp loại khó đoán nhất là giải Oscar cho phim tài liệu xuất sắc nhất bởi dù rất nhiều người yêu điện ảnh mong muốn nữ đạo diễn 89 tuổi người Pháp Agnès Varda có được tượng vàng Oscar đầu tiên với Faces Places, nhưng tác phẩm vạch trần tệ doping thể thao ở Nga Icarus, bộ phim về giới tài chính Abacus: Small Enough to Jail, bức tranh trần trụi về cuộc chiến đẫm máu ở Syria Last Men in Aleppo, và tác phẩm điều tra Strong Island vẫn được coi là có cơ hội tương đương trong đêm trao giải ngày 4 tháng 3 tới đây. Khó đoán không kém trong lễ trao giải lần thứ 90 sắp tới là hạng mục phim ngoại ngữ xuất sắc nhất, khi ứng viên hàng đầu The Square của Thuỵ Điển dù từng giành được Giải Cành cọ vàng danh giá nhưng cũng không quá vượt trội về cơ hội chiến thắng nếu so với các ứng viên còn lại đến từ Chile (A Fantastic Woman), Nga (Loveless), Hungary (On Body and Soul), và Li Băng (The Insult). 

Cuối cùng, với nhiều người hâm mộ thì thời khắc họ chờ đợi nhất lại là thời điểm công bố giải Oscar cho quay phim xuất sắc nhất, bởi sau 13 lần đề cử mà chưa từng một lần chiến thắng thì không ai xứng đáng bước lên bục vinh quang hơn Roger Deakins (Blade Runner 2049). Nhà quay phim 68 tuổi người Anh hiện cũng đang được coi là người có nhiều cơ hội nhất ở hạng mục này vì ông đã vượt qua Hoyte van Hoytema (Dunkirk), Dan Laustsen (The Shape of Water), Rachel Morrison (Mudbound), Alexis Zabe (The Florida Project), và Bruno Delbonnel (Darkest Hour) ở gần như toàn bộ các giải thưởng tiền Oscar. Và tất nhiên, hãy chúc cho hãng kiểm toán PwC không “nhầm giải thưởng”như lễ trao giải năm ngoái để các nghệ sĩ và người hâm mộ có một đêm giải thưởng trọn vẹn nhất.

Frances McDormand


Khi nhắc tới các ngôi sao nữ tiêu biểu cho Hollywood, người yêu điện ảnh thường sẽ liên tưởng ngay đến những gương mặt cân đối, yêu kiều, cuốn hút khán giả ngay từ cái nhìn đầu tiên. Đại diện cho vẻ đẹp hết sức điện ảnh đó có thể là những tên tuổi đã được coi là huyền thoại đã khuất của Hollywood như diễn viên người Thụy Điển Ingrid Bergman, có thể là những ngôi sao gạo cội nhưng vẫn đang tỏa sáng trên màn ảnh lớn như Helen Mirren, và có thể cũng là Viola Davis – gương mặt tiêu biểu của những diễn viên da màu vốn đang ngày có chỗ đứng vững chắc trong nền điện ảnh Mỹ. Không chỉ xinh đẹp, Bergman, Mirren, và Davis còn được tuyệt đối tôn trọng ở Hollywood với tài năng diễn xuất đã được kiểm chứng bằng danh xưng “Ba đỉnh cao của diễn xuất” (“Triple Crown of Acting”). Danh xưng không chính thức nhưng hết sức cao quý nào được giới làm phim nước Mỹ dùng để gọi những diễn viên đã chiến thắng tại cả ba giải thưởng diễn xuất cao quý nhất dành cho giới diễn viên điện ảnh, sân khấu, và truyền hình, đó là giải Oscar, giải Emmy, và giải Tony. Nếu làm phép quy nạp từ ba nữ diễn viên kể trên, hay từ những ngôi sao nữ khác từng giành cả “Ba đỉnh cao” như Anne Bancroft, Jessica Lange, chắc nhiều người sẽ cho rằng để vươn tới “Ba đỉnh cao” các nữ diễn viên không chỉ cần tài năng vượt trội, mà còn phải có vẻ đẹp trời phú. Nhưng nếu suy luận như vậy thì họ đã nhầm, bởi có một nữ diễn viên cũng giành được cả “Ba đỉnh cao” nhưng trong suốt cả sự nghiệp chưa bao giờ được ca ngợi về sự xinh đẹp bên ngoài, đó là Frances “Fran” McDormand – nữ diễn viên từng năm lần được đề cử ở giải Oscar hạng mục diễn xuất, trong đó bà đã mang về cho mình một tượng vàng Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất nhờ vai diễn viên cảnh sát thông minh và cương nghị  Marge Gunderson trong Fargo (1997).

Sẽ là không quá khi cho rằng McDormand có vẻ ngoài tương đối khắc khổ hoàn toàn tương phản với nét đẹp Hollywood của đa phần các ngôi sao nữ trên màn ảnh lớn. Nét khắc khổ đó phần nào nói lên xuất thân không hề dễ dàng của nữ diễn viên đã 60 tuổi này (bà sinh năm 1957), khi bà bị cho đi làm con nuôi khi mới lên một tuổi rưỡi và trải qua suốt tuổi thơ ấu rong ruổi trên những thị trấn nhỏ miền Trung nước Mỹ cùng gia đình người cha nuôi vốn là một mục sư Tin Lành. Nhưng cuộc sống nhiều xáo trộn không hề làm Frances McDormand mất đi tình yêu với nghiệp diễn xuất – vốn là một nghề đòi hỏi sự tập trung kiên trì, nỗ lực hết mình, và cả một chút may mắn. Hai phẩm chất đầu tiên được McDormand nhanh chóng chứng tỏ khi ở tuổi 25 bà đã kịp tốt nghiệp Trường kịch nghệ Yale danh tiếng. Chỉ hai năm sau đó, yếu tố cần thiết thứ ba cho một diễn viên – sự may mắn cũng đến với Frances McDormand khi bà được lựa chọn cho vai nữ chính trong Blood Simple (1984), bộ phim đầu tay của hai anh em đạo diễn khi đó cũng đang mới bước chân vào làng điện ảnh nước Mỹ - Joel và Ethan Coen. Tuy không phải là một thành công vang dội về mặt thương mại, nhưng Blood Simple đã giúp anh em nhà Coen có được một bàn đạp vững chắc cho sự nghiệp đầy vinh quang của họ sau này. Và với riêng McDormand, bà không chỉ có được một vai diễn để chứng tỏ tài năng diễn xuất, mà còn tìm được cho mình người bạn đời cho tới tận ngày hôm nay – Joel Coen.

Có một sự thật khắc nghiệt ở Hollywood mà các nữ diễn viên thường xuyên phải đối mặt trong sự nghiệp của họ, đó là việc họ dễ dàng được trao cơ hội tỏa sáng khi còn rất trẻ, để rồi phải chứng kiến sự nghiệp dần lụi tàn theo bề dày tuổi đời và tuổi nghề. Những sự nghiệp như sao băng rực sáng một lần rồi lịm tắt của các nữ diễn viên phần đông là xinh đẹp ấy đơn giản là vì các nhà sản xuất, đạo diễn cần tới vẻ đẹp thanh xuân rực rỡ và phong cách diễn xuất ngây thơ, trong trẻo của họ để thu hút khán giả, và khi nét xuân thì đã chẳng còn thì trong con mắt giới làm phim Mỹ vốn đa phần là nam giới các nữ diễn viên ấy chỉ còn là những nhân vật phụ đang bước dần về phía cuối hoàng hôn của đại lộ danh vọng Hollywood. Không hiểu có phải vì được đánh giá là “kém xinh” ngay từ ngày còn trẻ, hay vì sự hỗ trợ nhiệt thành của anh em nhà Coen – bộ đôi đạo diễn hàng đầu Hollywood qua những vai diễn được viết riêng cho mình, mà Frances McDormand lại có ba thập niên diễn xuất khá đặc biệt khi bà chỉ thực sự được công chúng biết tới khi đã bỏ lại sau lưng tuổi xuân nhưng kể từ đó luôn luôn giữ được chỗ đứng nhất định kể cả khi đã bước vào tuổi lục thập. Theo chính lời giải thích của McDormand thì bà có được một sự nghiệp lâu bền đến vậy có lẽ là vì các nhà làm phim Hollywood vẫn cần các nữ diễn viên thể hiện các nhân vật “bình thường” để giúp “làm nền” cho những nữ diễn viên xinh đẹp hay các ngôi sao thủ vai anh hùng vốn luôn được đặt ở trung tâm các tác phẩm điện ảnh của họ. Quả thực có tới ba trong số 5 lần được đề cử giải Oscar của Frances McDormand là cho các vai diễn phụ của bà – trong Mississippi Burning (1989), Almost Famous (2001), và North Country (2006). Ngay cả vai diễn trong Fargo vốn được anh em nhà Coen đo ni đóng giày cho chính McDormand và sau đó đem lại cho bà giải Oscar đầu tiên ở hạng mục nữ diễn viên chính xuất sắc nhất, Frances McDormand chưa hẳn đã có nhiều đất diễn như các bạn diễn nam William H. Macy và Steve Buscemi. Không có nhiều đất diễn, không được đánh giá cao về ngoại hình, vũ khí duy nhất mà McDormand có được là khả năng hóa thân vào các nhân vật “bình thường” của bà để đem lại cho các nhân vật đó chiều sâu về tâm trạng, về tính cách vượt ra ngoài khuôn khổ kịch bản phim. Ví dụ điển hình cho một nhân vật “kiểu McDormand” như vậy chính là vai viên cảnh sát Marge Gunderson trong “Fargo”. Không cần tới những phân đoạn kịch tính, chẳng cần sử dụng cách diễn thậm xưng nhiều thoại, Marge Gunderson chất phác nhưng thông minh hết mực của Frances McDormand vẫn làm khán giả thấy ấm lòng giữa bối cảnh giá lạnh và những nhân vật nam đầy mưu ma chước quỷ của Fargo bởi họ vẫn có thể tìm được giá trị nhân văn từ tấm lòng tận tụy hết mực vì công việc, vì con người của Marge. Cũng nhờ vào tài năng của McDormand mà bà mẹ xót con Elaine Miller từ một nhân vật một chiều và lạc lõng trong sự trẻ trung, giàu chất âm nhạc của Almost Famous đã trở thành chỗ tựa vững chắc về mặt tinh thần cho nhân vật chính của phim William Miller (Patrick Fugit) và cho cả chính khán giả khi họ cảm thấy chới với với những giấc mơ nghệ thuật chẳng bao giờ thành hiện thực.

Một khi tài năng đã được khẳng định trong những vai phụ “bình thường” và ở vào cái tuổi mà vẻ đẹp bên ngoài không còn là yếu tố quan trọng thì sự nghiệp điện ảnh của Frances McDormand cứ thế cất cánh với các vai phụ nổi bật trong North Country (2006) hay Burn After Reading (2009) dù bà chẳng bao giờ bận tâm tới việc quảng bá cho hình ảnh bản thân, thậm chí là gần như lảng tránh các cuộc phỏng vấn với báo chí vốn được coi là không thể thiếu để giúp các diễn viên được công chúng nhớ tới. Nếu như trên sân khấu kịch McDormand từ lâu đã được biết tới qua các vai nữ trung tâm như Stella Kowalski trong vở kịch kinh điển A Streetcar Named Desire thì trên màn ảnh truyền hình và điện ảnh bà cũng dần được tin tưởng giao các vai diễn chính nặng kí như vai Olive Kitteridge trong loạt phim truyền hình cùng tên năm 2014 của hãng HBO, hay vai bà mẹ mất con Mildred Hayes trong bộ phim hình sự Three Billboards Outside Ebbing, Missouri của đạo diễn Martin McDonagh. Chính vai diễn Olive Kitteridge đã đem lại cho McDormand giải thưởng Emmy quan trọng để chinh phục đỉnh cao cuối cùng trong “Ba đỉnh cao của diễn xuất”, còn hình ảnh bà mẹ tuyệt vọng đi tìm công lý Mildred Hayes qua sự thể hiện của McDormand đơn giản đã thổi bay khán giả vì tình mẫu tử và chiều sâu tâm hồn khó nhân vật nào có thể sánh nổi trong năm điện ảnh 2017. Ở cả hai vai diễn này, Frances McDormand đã tái khẳng định rằng tài năng diễn xuất của bà có sức mạnh hơn bất cứ sự xinh đẹp bên ngoài nào trong việc chinh phục khán giả. 

Sau một năm đầy biến động vì vô số các vụ bê bối tình dục mà nạn nhân đa phần là các nữ diễn viên trẻ mới vào nghề, giới làm phim Hollywood đang loay hoay tìm một hướng đi mới bình đẳng hơn, trong sạch hơn, nơi nữ giới không còn là những “bình hoa di động” được giao vai chỉ vì họ xinh đẹp. Ở khúc quanh này, có lẽ không ai khác mà chính Frances McDormand với sự nghiệp lâu dài và thành công sẽ chính là tấm gương tốt nhất cho các nữ diễn viên trẻ và cho cả những nhà làm phim Hollywood. Với các nữ diễn viên, đó là vì họ hoàn toàn có thể tự tin rằng một khi có tài năng thực sự và cố gắng hết mình, họ sẽ như McDormand luôn tìm được vai diễn phù hợp cho dù đã đi qua những năm tháng thanh xuân tuổi trẻ. Và với những nhà làm phim Hollywood, đó là vì họ sẽ thấy rằng không phải nét đẹp hời hợt đến từ những “bình hoa di động”, mà chính chiều sâu tâm hồn của các nhân vật nhờ vào diễn xuất tinh tế của các nữ diễn viên thực lực như Frances McDormand mới là yếu tố chắc chắn giúp cho các tác phẩm của họ thành công. Vậy thì lẽ gì mà giới làm phim Mỹ và thế giới hãy không tôn vinh Frances McDormand như hình ảnh tiêu biểu cho một Hollywood mới tốt đẹp hơn, chân thực hơn?
=====

samedi 17 mars 2018

Three Amigos






Three Amigos (“Ba người bạn”) là tựa đề bộ phim hài hước năm 1986 của đạo diễn John Landis về ba người bạn diễn viên bỗng trở thành những người hùng bất đắc dĩ của một làng quê Mexico nghèo trước sự đe dọa của nạn cướp bóc. Dù không ăn khách và cũng không hẳn được giới phê bình đánh giá cao nhưng Three Amigos vẫn có chỗ đứng riêng trong dòng phim hài Hollywood thập niên 1980 nhờ sự hiện diện của bộ ba nam diễn viên hài đang ở đỉnh cao sự nghiệp vào thời điểm đó là Steve Martin, Chevy Chase, và Martin Short. Hơn 30 năm đã trôi qua, Martin, Chase, và Short đã không còn là cái tên quen thuộc với người xem thế hệ mới, và Three Amigos ngày nay lại được nhắc tới như là biệt danh của bộ ba đạo diễn người Mexico đang làm mưa làm gió ở Hollywood một thập niên trở lại đây bao gồm Alfonso Cuarón, Alejandro González Iñárritu và Guillermo del Toro. Cùng gây dựng danh tiếng trong giai đoạn những năm cuối thập niên 1980 và đầu thập niên 1990 bằng những bộ phim Mexico đậm chất Mỹ La-tinh,  Cuarón, Iñárritu, và del Toro bằng tài năng và sức sáng tạo không ngừng nghỉ đã chinh phục Hollywood và khán giả thế giới bằng những bộ phim thành công vang dội cả về chất lượng nghệ thuật và doanh thu thương mại. Trong thời điểm mà người Mexico ở Hoa Kỳ, đặc biệt là người Mexico nhập cư trái phép đang bị một bộ phận dân chúng Mỹ và thậm chí là tổng thống mới của quốc gia này chỉ trích vì cho rằng họ đã làm tổn hại cho xã hội và nền kinh tế Mỹ thì sự thành công của “Ba người bạn” của điện ảnh Mexico ở Hollywood đã và đang được coi là một trong những niềm động viên khích lệ người Mỹ gốc Mexico nói riêng và người Mỹ nhập cư nói riêng vươn lên tìm thấy thành công trong tổ quốc mới của họ.

Khởi đầu muộn hơn cả nhưng đạt được nhiều thành công nhất trong “Ba người bạn” có lẽ là đạo diễn 54 tuổi Alejandro González Iñárritu. Bắt đầu sự nghiệp bằng nghề dẫn chương trình phát thanh từ năm 1984, Iñárritu phải lăn lộn nhiều năm trong nghề làm phim quảng cáo, phim ngắn, và phim truyền hình trước khi bắt tay vào thực hiện bộ phim điện ảnh dài đầu tay Amores perros (2000). Kể về ba mảnh đời rất khác nhau nhưng đều chan chứa nỗi buồn và mất mát trong một xã hội Mexico còn quá nhiều bất công và bạo lực, Amores perros lập tức chiếm được cảm tình của khán giả vì sự pha trộn thành công giữa hình ảnh chân thực đến bạo liệt của xã hội Mexico với tâm hồn lãng mạn, nhạy cảm của những người dân nơi đây. Được trao giải thưởng cao quý Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất của Viện Hàn lâm nghệ thuật điện ảnh và truyền hình Anh quốc (BAFTA) và nhận đề cử Oscar đầu tiên ở cùng hạng mục cho tác phẩm đầu tay này, Alejandro González Iñárritu lập tức chuyển hướng sang Hollywood để thực hiện hai tác phẩm tiếp theo của “Bộ ba phim về cái chết” là 21 Grams (2003) và Babel (2006). Cùng nói về nhiều mảnh đời khác nhau được kết nối bởi trải nghiệm về sự chết chóc, 21 GramsBabel tiếp nối phong cách vừa hiện thực gai góc vừa nhấn mạnh vào giá trị tình người của Amores perros và đều thành công cả về mặt nghệ thuật và thương mại. “Bộ ba phim về cái chết” cũng giúp Alejandro González Iñárritu chứng tỏ ông là một đạo diễn hết sức mát tay trong việc lựa chọn diễn viên phù hợp với vai diễn vì đây là ba tác phẩm có lượng nhân vật lớn với tuyến truyện dàn trải, và những quyết định của Iñárritu khi mời các tên tuổi mới nổi có, gạo cội có vào vai những nhân vật không hề dễ đóng của ông đều tỏ ra hết sức chính xác. Nếu như Amores perros giới thiệu cho điện ảnh thế giới một gương mặt mới hết sức tài năng là nam diễn viên người Mexico Gael García Bernal, thì 21 Grams đã giúp Naomi Watts thực sự chứng tỏ mình không chỉ là một gương mặt đẹp của Hollywood, còn Babel đã sở hữu tới hai đề cử ở hạng mục nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất tại giải Oscar cho hai cái tên khá mới mẻ ở tầm quốc tế là Adriana Barraza và Rinko Kikuchi. Sau một loạt thành công ở Hollywood, Alejandro González Iñárritu quay trở lại Mexico để thực hiện Biutiful – tác phẩm đầu tiên của ông chỉ tập trung vào duy nhất một nhân vật chính là người đàn ông đang cận kề cái chết Uxbal. Tiếp tục là một thành công về mặt nghệ thuật, Biutiful không chỉ giúp Iñárritu có được đề cử Oscar thứ hai ở hạng mục phim nói tiếng nước ngoài hay nhất, mà còn đem lại cho nam diễn viên gạo cội người Tây Ban Nha Javier Bardem vai diễn được coi là đáng nhớ nhất trong sự nghiệp dù trước đó anh đã từng giành giải Oscar nam diễn viên phụ xuất sắc nhất cho vai diễn kẻ giết người hàng loạt Anton Chigurh trong No Country for Old Men. Tiếp nối thành công của bộ phim-chân dung nhân vật này, trong hai năm 2014 và 2015 Alejandro González Iñárritu cho ra đời liên tiếp hai bộ phim cũng nói về cuộc vật lộn vì sự sinh tồn theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng của hai nhân vật là những người đàn ông cô độc – Birdman or (The Unexpected Virtue of Ignorance)The Revenant. Có lẽ trong lịch sử điện ảnh Hollywood kể từ thập niên 1980 trở lại đây, khó có đạo diễn nào có hai năm thành công như Iñárritu trong giai đoạn 2014-2015 này khi mà cả hai tác phẩm này đều đem lại giải Oscar đạo diễn xuất sắc nhất cho nhà làm phim người Mexico giúp ông trở thành một trong ba đạo diễn trong lịch sử Hollywood (cùng với hai huyền thoại John Ford và Joseph L. Mankiewicz) và là người đầu tiên sau 65 năm có hai chiến thắng liên tiếp tại hạng mục cao quý này của giải Oscar. Bộ phim lấy bối cảnh sân khấu kịch nói Birdman còn đem lại cho Iñárritu hai giải Oscar khác ở hạng mục phim hay nhất và kịch bản gốc xuất sắc nhất, còn tác phẩm dữ dội The Revenant đã đem lại cho ngôi sao tài năng Leonardo DiCaprio tượng vàng Oscar đầu tiên sau rất nhiều năm chờ đợi với vô số đề cử thất bại. Bởi vậy dù trong tương lai Iñárritu có lựa chọn đề tài nào hay phong cách gì, các diễn viên có cơ hội được cộng tác với ông cũng có thể chắc chắn một điều rằng họ sẽ có cơ hội có được những vai diễn đáng nhớ trong đời.

Nhà quay phim được Alejandro González Iñárritu tin tưởng giao phụ trách phần hình ảnh của cả BirdmanThe Revenant là Emmanuel “Chivo” Lubezki. Và nếu như Iñárritu giành cả hai giải Oscar đạo diễn xuất sắc nhất cho hai bộ phim này thì nhà quay phim người Mexico cũng không hề kém cạnh khi đem về tượng vàng Oscar hạng mục quay phim xuất sắc nhất từ cả hai bộ phim có phong cách quay hết sức khác nhau này. Hai giải Oscar này đã giúp “Chivo” Lubezki trở thành nhà quay phim đầu tiên trong lịch sử giải Oscar có ba chiến thắng liên tiếp tại hạng mục quay phim xuất sắc nhất, bởi ngay trước đó ông cũng giành giải Oscar cho phần hình ảnh đỉnh cao trong Gravity (2013). Đạo diễn của Gravity không phải ai khác chính là cộng sự thân thiết nhất của “Chivo” Lubezki và là cái tên thứ hai trong “Ba người bạn” – đạo diễn 56 tuổi Alfonso Cuarón. Dù chỉ hơn Iñárritu hai tuổi và cũng xuất thân từ các tác phẩm truyền hình nhưng Cuarón làm phim điện ảnh và thành danh sớm hơn người bạn của mình khá nhiều. Bắt tay vào làm phim điện ảnh từ năm 1991 ở Mexico với Sólo con tu pareja, khả năng xử lý kịch bản tinh tế và đặc biệt là sự sáng tạo về mặt hình ảnh và bối cảnh của Alfonso Cuarón nhanh chóng được các hãng phim Mỹ mời đạo diễn hai bộ phim với kinh phí cỡ trung bình là A Little Princess (1995) và Great Expectations (1998). Nhưng khác với thành công tức thời và liên tục của Iñárritu, hai tác phẩm “chào sân” Hollywood của Alfonso Cuarón không thực sự gây được tiếng vang và đạo diễn người Mexico quyết định quay trở về nguồn cội Mexico để đưa kịch bản do chính ông và người em trai Carlos Cuarón chắp bút là Y Tu Mamá También (2001) lên màn ảnh lớn. Nói về cuộc hành trình suốt dọc chiều dài đất nước Mexico của hai chàng trai mới lớn và một người phụ nữ dày dặn kinh nghiệm trường đời, Y Tu Mamá También trở thành một trong những tác phẩm đáng nhớ nhất của điện ảnh thế giới những năm đầu thiên niên kỉ mới với cách xây dựng nhân vật chân thành, cảm động, nhân văn trong bối cảnh một đất nước Mexico dù không hoàn hảo nhưng ẩn chứa rất nhiều nét đẹp. Tự tin với thành công của Y Tu Mamá También, Alfonso Cuarón nhận lời quay lại Hollywood để thực hiện bộ phim rất được mong đợi vào thời điểm đó là Harry Potter and the Prisoner of Azkaban (2004). Chuyển thể từ phần ba bộ tiểu thuyết ăn khách hàng đầu mọi thời đại “Harry Potter”, Cuarón chịu sức ép không nhỏ từ người hâm mộ và từ thành công thương mại của chuyển thể phần một và hai của “Harry Potter” do Chris Columbus thực hiện. Tuy Harry Potter and the Prisoner of Azkaban được coi là thành công về mặt thương mại và được giới phê bình ca ngợi vì phần hình ảnh có phong cách rất riêng, Alfonso Cuarón lại không được cộng đồng hâm mộ trẻ tuổi của “Harry Potter” ủng hộ vì cho rằng ông đã tạo nên không khí u ám quá khác biệt so với hai phần phim trước đó. Không nản chí vì những lời chỉ trích, Alfonso Cuarón nhanh chóng bắt tay vào dự án phức tạp nhất trong sự nghiệp của ông cho đến thời điểm đó – đó là chuyển thể tiểu thuyết giả tưởng xuất sắc The Children of Men của nữ nhà văn P. D. James lên màn ảnh lớn. Mô tả xã hội loài người đang cận kề bờ vực diệt vong vì không phụ nữ nào còn khả năng sinh đẻ, Children of Men ngay sau khi công chiếu năm 2006 đã khiến người yêu điện ảnh phải ngỡ ngàng vì phần bối cảnh và quay phim hết sức xuất sắc với những cú bấm máy liên tục không nghỉ dài tới vài phút. Bộ đôi Cuarón-Lubezki từng thể nghiệm các cú bấm máy dài trong các bộ phim trước đó của đạo diễn người Mexico, nhưng phải chờ đến Children of Men các trường đoạn dài này mới thực sự gây ấn tượng lớn vì bối cảnh phức tạp và cách thức thực hiện chi tiết, mượt mà đến gần như hoàn hảo. Tuy không giành được giải Oscar nào từ Children of Men nhưng những kinh nghiệm và thành công từ bộ phim này cùng 7 năm thai nghén đã giúp Alfonso Cuarón có được thành công xứng đáng với tài năng của ông qua bộ phim Gravity (2013). Lấy bối cảnh các trạm không gian trên vũ trụ, Gravity đã đem lại cho người xem những cảnh quay mãn nhãn đẹp chưa từng thấy về chủ đề thám hiểm không gian, và đem lại cho Cuarón và Lubezki hai giải Oscar đầu tiên ở hạng mục đạo diễn và quay phim xuất sắc nhất. Còn giành thêm một tượng vàng Oscar khác cho Biên tập phim xuất sắc nhất, Alfonso Cuarón trở thành niềm tự hào mới của điện ảnh Mexico khi là người đầu tiên trong “Ba người bạn” có tượng vàng Oscar. Sau những thành công liên tiếp ở Hollywood, Cuarón đã một lần nữa quay trở lại Mexico để thực hiện bộ phim lấy bối cảnh thủ đô Mexico City có tựa đề Roma. Dự kiến ra mắt công chúng trong năm 2018, nhiều người đã hy vọng rằng Alfonso Cuarón sẽ lại đem tới cho khán giả một bữa tiệc thị giác bằng những cảnh quay sáng tạo.

Trước khi cùng nhau gây dựng danh tiếng ở Hollywood, năm 1986 Alfonso Cuarón và “Chivo” Lubezki từng tham gia sản xuất loạt phim khoa học giả tưởng của truyền hình Mexico La hora marcada. Một trong các nhà làm phim được Cuarón và Lubezki mời thực hiện một số tập của La hora marcada là đạo diễn khi đó còn vô danh vốn được biết đến nhiều hơn qua nghề thiết kế kĩ xảo hình ảnh có tên Guillermo del Toro. Có lẽ vào thời điểm đó không nhiều người Mexico có thể đoán được rằng đó chính là cái tên thứ ba trong “Ba người bạn” sau này sẽ làm rạng danh điện ảnh đất nước Trung Mỹ này. Có thế mạnh vượt trội về mặt hình ảnh và kĩ xảo, del Toro nhanh chóng bắt tay vào làm bộ phim kinh dị Cronos (1993). Thất bại về mặt thương mại ở Mexico nhưng tạo hình vô cùng sáng tạo của các con quái vật trong Cronos đã đem lại cho Guillermo del Toro những lời ngợi khen từ giới phê bình và cơ hội tới Hollywood đạo diễn bộ phim chào sân điện ảnh Mỹ Mimic (1997). Dù vẫn phát huy được thế mạnh về mặt hình ảnh của đạo diễn người Mexico nhưng Mimic lại là một thất bại thương mại khác của del Toro và thôi thúc ông quay trở lại quê hương thực hiện tác phẩm tiếp theo The Devil's Backbone (2001). Ham mê đeo đuổi những con quái vật với ngoại hình khác lạ, Guillermo del Toro như cá gặp nước khi ông được Hollywood mời đạo diễn liên tiếp ba bộ phim về đề tài siêu anh hùng chuyển thể từ truyện tranh Mỹ là Blade II (2002), Hellboy (2004), và Hellboy II: The Golden Army (2008). Khi so sánh với dòng phim siêu anh hùng nói chung, đây không phải ba tác phẩm quá thành công về mặt thương mại nhưng cả ba đều tạo được chỗ đứng riêng về mặt hình ảnh với tạo hình và phát triển tính cách các nhân vật quái nhân và quái vật hết sức độc đáo. Vốn là một đạo diễn với sức làm việc đáng nể, xen kẽ giữa hai phần của Hellboy Guillermo del Toro vẫn kịp giới thiệu đến khán giả Pan's Labyrinth – một trong những tác phẩm được đánh giá cao nhất trong sự nghiệp đạo diễn 53 tuổi này. Lấy bối cảnh cuộc nội chiến Tây Ban Nha với những nhân vật nửa phần thực, nửa phần giả tưởng, Pan's Labyrinth không chỉ khiến khán giả say đắm với những con quái vật kì quặc lẩn khuất đâu đây giữa cuộc sống loài người mà còn làm họ phải quặn lòng vì câu truyện lãng mạn, buồn bã, nhưng hết sức nhân văn của các nhân vật trong phim. Tuy Guillermo del Toro trượt mất giải Oscar phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc nhất vào tay đạo diễn người Đức  Florian Henckel von Donnersmarck của The Lives of Others nhưng Pan's Labyrinth vẫn đem về tượng vàng Oscar ở các hạng mục thiết kế mỹ thuật, hóa trang, và nhất là tượng vàng Oscar hạng mục quay phim xuất sắc nhất cho nhà quay phim đồng hương và là cộng sự thân thiết của del Toro là Guillermo Navarro. Nhưng trong khi hai cái tên còn lại trong số “Ba người bạn” đã bắt đầu liên tiếp chiến thắng tại các giải thưởng điện ảnh lớn, trong đó có giải Oscar, thì Guillermo del Toro dường như lại vẫn chỉ bằng lòng với những bộ phim nơi ông có thể phát huy niềm đam mê với những con quái vật và những hình ảnh sáng tạo. Đó có thể là một tác phẩm bom tấn rất ăn khách về đề tài người máy đại chiến quái vật như Pacific Rim (2013), đó cũng lại có thể là một tác phẩm nhỏ hơn về đề tài lãng mạn pha chút ma quái như Crimson Peak (2015). Bởi vậy mà Guillermo del Toro nhanh chóng trở thành người “kém thành công nhất” trong số “Ba người bạn” về mặt giải thưởng, dù có lẽ ông mới là người được đông đảo người xem biết tới nhiều nhất qua các bộ phim luôn làm thỏa mãn công chúng về mặt thị giác. Một tin vui cho người yêu del Toro là dường như cái dớp trắng tay tại các giải thưởng điện ảnh lớn của đạo diễn người Mexico đã chấm dứt sau khi ông cho ra đời tác phẩm mới nhất The Shape of Water (2017). Nói về mối tình kì dị giữa một cô gái câm và chàng người cá trong bối cảnh nước Mỹ những thập niên sau Chiến tranh thế giới thứ hai, The Shape of Water không chỉ tiếp tục được đánh giá cao về mặt hình ảnh như mọi bộ phim khác của Guillermo del Toro mà còn tiếp nối được thế mạnh về cốt truyện lãng mạn, dung dị, dễ cảm nhận của Pan's Labyrinth. Chân cứng đá mềm, nỗ lực bền bỉ suốt một phần tư thế kỷ sáng tạo ra những con quái vật vừa kì dị vừa gần gũi của Guillermo del Toro cuối cùng đã được ghi nhận khi ông giành chiến thắng tại gần như toàn bộ các giải thưởng cho đao diễn trong mùa giải thưởng điện ảnh 2017-2018 với The Shape of Water. Trong số đó tất nhiên có giải thưởng quan trọng nhất – giải Oscar cho phim hay nhất và đạo diễn xuất sắc. Như vậy là cuối cùng del Toro đã biến “Ba người bạn” thực sự trở thành “Bộ ba vàng Oscar” của điện ảnh Mexico và thế giới, đồng thời chứng minh cho những người làm phim vẫn còn đang bền bỉ theo đuổi phong cách, giấc mơ của họ rằng hãy cứ cố gắng làm phim bằng cả trái tim và sức sáng tạo, bởi một ngày kia họ sẽ được tưởng thưởng bằng tình yêu của khán giả, và nếu may mắn, bằng những giải thưởng điện ảnh danh giá.

======

Annihilation (2018)






Lena (Natalie Portman) từng có một cuộc sống khiến nhiều người phải mơ ước. Thành đạt trong công việc với vị trí giáo sư ngành sinh học tế bào tại đại học danh tiếng John Hopkins, Lena còn có người chồng Kane (Oscar Isaac) luôn hết mực yêu thương, quan tâm đến cô dù anh lính đặc nhiệm đôi khi phải xa vợ vì những điệp vụ bí mật ở các vùng đất không tên. Trong một điệp vụ bí ẩn như thế đột nhiên Kane biến mất không một dấu tích và để lại Lena héo mòn trong những ngày tháng chờ đợi trong vô vọng. Tưởng chừng Lena đã mãi mãi mất đi người chồng yêu quý thì sau một năm Kane bất ngờ quay trở lại dù anh không thể giải thích mình đã ở đâu và quay trở lại với cô bằng phép nhiệm màu nào. Lena chỉ có được phần nào câu trả lời cho sự biến mất và trở về đầy bí ẩn của Kane khi cả hai vợ chồng bị quân đội đưa xuống một căn cứ quân sự ở miền Nam nước Mỹ, nơi Kane được giao nhiệm vụ cuối cùng trước khi anh mất tích.

Tiếp xúc với tiến sĩ tâm lý Ventress (Jennifer Jason Leigh), Lena được biết rằng căn cứ quân sự này được dựng nên trong nỗ lực của chính phủ Mỹ tìm ra nguồn gốc và ngăn cản sự mở rộng của quầng ánh sáng bí hiểm “The Shimmer”. Được phát hiện lần đầu tại một ngọn hải đăng ở duyên hải miền Nam nước Mỹ ba năm trước đây, quầng sáng bí hiểm này dần lặng lẽ lan sâu vào đất liền và tuy không ra sự tàn phá hữu hình nào nhưng “The Shimmer” lại nuốt chửng tất cả các đoàn thám hiểm được chính phủ cử vào để nghiên cứu nguồn gốc của nó. Kane là thành viên của một biệt đội như thế, và anh là người duy nhất thoát khỏi “The Shimmer” để quay về với cuộc sống, với Lena dù phải đổ bệnh liệt giường và chẳng còn giữ lại chút trí nhớ nào về những chuyện đã xảy ra trong quá trình ra đi và trở về đầy gian nan ấy. Không thể yên lòng khi chưa tìm ra sự thật về chuyến đi định mệnh của Kane, Lena quyết định gia nhập đoàn thám hiểm cuối cùng vào tâm “The Shimmer” do chính của nữ tiến sĩ Ventress dẫn đầu. Và cùng những người phụ nữ đồng hành khác là tiến sĩ vật lý Josie Radek (Tessa Thompson), chuyên gia y tế Anya Thorensen (Gina Rodriguez), và nhà địa chất Cass Sheppard (Tuva Novotny), Lena nhanh chóng nhận ra rằng ở đằng sau bức màn ánh sáng bí hiểm kia, “The Shimmer” là một thế giới hoàn toàn khác biệt với những tạo vật kì lạ không thể tìm thấy ở bất cứ nơi nào khác trên Trái Đất.

Được chuyển thể từ tiểu thuyết khoa học giả tưởng cùng tên của nhà văn Jeff VanderMeer, Annihilation là bộ phim mới nhất của nhà làm phim người Anh Alex Garland. Nhắc tới Garland, hẳn nhiều người sẽ nhớ ngay đến các bộ phim khoa học giả tưởng do ông chắp bút kịch bản như 28 Days Later (2002), Sunshine (2007), Never Let Me Go (2010), và tất nhiên là Ex Machina – một trong những tác phẩm điện ảnh đáng nhớ nhất của năm 2015 và là bộ phim đầu tiên Garland đảm nhiệm cả hai vai trò đạo diễn và biên kịch. Đem lại cho Alex Garland đề cử giải Oscar đầu tiên ở hạng mục kịch bản gốc xuất sắc nhất, Ex Machina là câu truyện đậm chất hiện sinh về cô người máy Ava (Alicia Vikander) và những nỗ lực thoát khỏi “đấng Tạo hoá” Nathan Bateman (Oscar Isaac) của cô để thực sự được trở thành “Người”. Không chỉ có điểm chung với Ex Machina ở sự hiện diện của nam diễn viên xuất sắc Oscar Isaac, Annihilation cũng chia sẻ với bộ phim về người máy của Alex Garland những trăn trở, suy tư đầy triết lý về vị trí của mỗi con người trong vũ trụ bao la, về giá trị của sự tồn tại ngắn ngủi được Tạo hoá ban cho chúng ta. Có lẽ vì để tiếp nối dòng suy nghĩ rất riêng này của Garland mà kịch bản của Annihilation chủ yếu dựa vào cái tứ về cuộc hành trình tìm sự thật trong “The Shimmer” của tiểu thuyết gốc chứ không hoàn toàn bám vào từng chi tiết mà nhà văn Jeff VanderMeer đem vào bộ truyện của ông bất chấp việc tác phẩm này từng giành rất nhiều giải thưởng quan trọng của dòng văn học giả tưởng như Giải Nebula cho tiểu thuyết xuất sắc nhất. Nhưng người hâm mộ tiểu thuyết Annihilation cũng không nên vì sự khác biệt này mà thất vọng với chuyển thể điện ảnh của Alex Garland, bởi nhà làm phim người Anh đã một lần nữa chứng tỏ được khả năng của ông với một kịch bản chặt chẽ, gọn gàng, vừa chứng đựng nhiều câu hỏi mở buộc khán giả phải suy nghĩ, nhưng cũng đủ hấp dẫn, đặc biệt là ở nửa sau bộ phim, để lôi cuốn họ ngồi lại tới những giờ phút cuối cùng.

Có một chi tiết khá đặc biệt xoay quanh Annihilation là việc tuy tác phẩm mới nhất của Alex Garland được thực hiện với kinh phí không hề nhỏ - khoảng 50 triệu đô la Mỹ, nhưng ông lớn Paramount Pictures sau khi xem xét kết quả chiếu thử không mấy khả quan của bộ phim này đã quyết định nhượng lại phần lớn quyền phát hành Annihilation cho hãng chiếu phim trực tuyến Netflix. Lấy lý do bộ phim quá “phức tạp”, quá “triết lý”, khó lòng ăn khách nếu được công chiếu rộng rãi ngoài rạp, quyết định này của hãng phát hành Paramount Pictures đã tước đi của Alex Garland cơ hội đem đến cho công chúng trải nghiệm điện ảnh thực sự của Annihilation trên màn ảnh lớn. Quả thực dù là một tác phẩm khoa học giả tưởng pha chất kinh dị nhưng Annihilation có nhịp phim khá chậm, đặc biệt là ở nửa đầu bộ phim, và cấu trúc không dễ nắm bắt khi pha trộn cả những yếu tố của một cốt truyện phi tuyến tính và sự hiện diện của những “nhân chứng không đáng tin” – một thủ pháp quen thuộc của những tác phẩm mang màu sắc trinh thám như Rashômon (1950) hay The Usual Suspects (1995). Tuy vậy, việc không tập trung vào những chi tiết ly kì, giật gân lại là lựa chọn hoàn toàn có chủ đích của Alex Garland khi chính nhịp độ chậm rãi cùng những góc quay khá đơn giản tới mức tạo cảm giác “lười biếng” của Annihilation giúp khán giả có thời gian chuẩn bị để đối diện với thế giới kỳ lạ của “The Shimmer”, giúp họ đặt mình vào vị trí của Lena, của Ventress, của Josie, của Cass để tự đặt ra những câu hỏi về sự tồn tại thực sự của các nhân vật, về mối liên hệ giữa những tạo vật đầy kì quặc phía sau quầng sáng bí ẩn của “The Shimmer” với những sự vật, hiện tượng vốn vẫn tồn tại hàng ngày trong cuộc sống của chúng ta. Bởi thế mà nếu như “The Shimmer” có thể coi là chiếc lăng kính phản chiếu thế giới dưới một góc nhìn rất dị biệt, nhiều màu sắc, thì Annihilation cũng có thể coi là một chiếc lăng kính giúp người xem có những giờ phút chiêm nghiệm lại thế giới quan của họ, suy ngẫm về những khía cạnh, màu sắc khác nhau của những khái niệm trước nay chúng ta chỉ coi là có một màu duy nhất.

Tất nhiên, dù có nội dung hết sức dày dặn, đa nghĩa, và đặc biệt lôi cuốn về mặt hình ảnh, nhưng Annihilation chưa phải một tác phẩm hoàn hảo. Bên cạnh phần mở đầu không thực sự lôi cuốn, một điểm yếu khác của bộ phim là việc dàn diễn viên của Annihilation dù toàn những tên tuổi được đánh giá rất cao như Jennifer Jason Leigh, Natalie Portman, hay Oscar Isaac lại không để lại nhiều ấn tượng về mặt diễn xuất. Cách diễn tương đối khô cứng, đôi chỗ tạo cảm giác máy móc trong Annihilation của các diễn viên từng giành nhiều giải thưởng điện ảnh này khó lòng khiến họ có được chỗ đứng trong lòng khán giả sau khi bộ phim kết thúc. Tuy vậy, chúng ta cũng cần nhớ rằng Annihilation chứa đựng những lựa chọn điện ảnh hoàn toàn có chủ đích của Alex Garland về mặt kịch bản và thực hiện, bởi vậy biết đâu rằng cách diễn khô cứng của mỗi diễn viên trong phim cùng cách xây dựng từng nhân vật không thực sự có chiều sâu cũng lại có sự liên hệ trực tiếp tới nội dung của phim, đặc biệt là với đoạn kết.

Chắc chắn mỗi người xem sẽ có cách giải thích riêng của họ cho phần kết của Annhilation, đó có thể là những liên hệ tới thuyết luân hồi của Phật giáo, đó có thể là suy nghĩ về cách thức con người đã lạm dụng và tàn phá thiên nhiên mà không nghĩ tới sự còn mất của chính loài người trong tương lai, hoặc đó có thể chỉ đơn giản là những suy tư về sự mỏng manh của cuộc sống khi phải đương đầu với những thử thách lớn lao như bệnh tật, như tình cảm ngày một lụi tàn giữa người với người. Nhưng đó lại chính là vẻ đẹp của Annihilation, và chính là điều khiến khán giả phải cảm thấy vui mừng khi bộ phim được phát hành thông qua hãng Netflix, bởi nhờ vào công nghệ của người khổng lồ trực tuyến này mà chúng ta sẽ có thể xem lại bộ phim mới nhất của đạo diễn Alex Garland nhiều lần để tìm ra những màu sắc mới, những ý nghĩa mới của bộ phim đậm triết lý này.
=====

lundi 5 mars 2018

Phantom Thread (2017)






Thủ đô nước Anh Luân Đôn những năm sau chiến tranh thế giới thứ hai vẫn là một đô thành cổ kính với vẻ đẹp quý tộc, đài các và những con người hết mực thanh lịch, hết mực trân trọng vẻ đẹp truyền thống. Đại diện tiêu biểu nhất cho tính cách người Luân Đôn những năm 1950 ấy là nhà tạo mẫu nổi tiếng Reynolds Woodcock (Daniel Day-Lewis) – tác giả của vô số những bộ váy đẹp tới ngột thở và là niềm mơ ước của không chỉ giới quý tộc Anh mà cả những công nương, công chúa từ các hoàng gia châu Âu khác. Thừa hưởng từ người mẹ quá cố tình yêu thời trang và sự chăm chút cho từng đường kim mũi chỉ ngay từ tuổi niên thiếu, Woodcock luôn đem đến cho khách hàng của ông những bộ váy vừa sang trọng một cách cổ điển, vừa đủ tinh tế để tôn lên vẻ đẹp riêng của người khoác lên mình bộ váy đó. Để có được những sản phẩm thời trang đầy chất nghệ thuật ấy, Reynolds Woodcock chọn cho mình một cuộc sống đẹp nhưng nhiều phần đơn độc. Ông dành phần lớn thời gian thu mình trong không gian sáng tạo và phó mặc việc quản lý nhà mốt Woodcock lẫn cuộc đời riêng của chính ông cho người thân duy nhất là bà chị gái Cyril (Lesley Manville). Nhưng dù có muốn tách mình khỏi cuộc sống trần tục đến mấy thì Woodcock vẫn cần có những nàng thơ trong đời – những cô gái trẻ với dáng hình cân đối có thể giúp ông ướm thử những ý tưởng sáng tạo trước khi đem chúng đến với khách hàng. Tất nhiên rất nhiều cô gái trẻ khó lòng cưỡng lại lời mời gọi trở thành nàng thơ trong nhà mốt Woodcock, không chỉ bởi tài năng và sự nổi tiếng của nhà tạo mốt hàng đầu Luân Đôn, mà còn vì ông thực sự là một người đàn ông tế nhị, và chu đáo với phụ nữ. Nhưng rồi họ nhanh chóng nhận ra rằng Woodcock trân trọng các nàng thơ của ông theo cái cách những người thợ may chăm chút cho các ma-nơ-canh bằng gỗ của họ - sự trân trọng hoàn toàn mang tính chất nghề nghiệp lạnh lẽo và hoàn toàn thiếu vắng tình cảm yêu thương giữa con người với con người. Hơn thế nữa, bà chị gái khó tính Cyril Woodcock cũng luôn sẵn lòng giúp Reynolds loại bỏ những nàng thơ như Johanna (Camilla Rutherford) khi họ có ý muốn vượt khỏi ranh giới nghề nghiệp ấy để lại gần hơn với tâm hồn tinh tế của bậc thầy thời trang. Một trong những cô gái trẻ đã phải lòng Reynolds Woodcock như vậy là cô hầu bàn Alma Elson (Vicky Krieps). Yêu Reynolds ngay từ cái nhìn đầu tiên, Alma nhanh chóng nhận lời trở thành nàng thơ mới nhất của nhà mốt Woodcock để được sống bên ông, để được ông hàng ngày khoác lên cơ thể cân đối của cô những bộ váy giúp tôn lên vẻ đẹp ngây thơ đến nao lòng của Alma. Nhưng khác với những nàng thơ “cũ” của Reynolds, Alma quyết tâm dùng tình cảm và sự mạnh mẽ của cô để tìm ra con đường đi vào trái tim của nhà tạo mẫu bất chấp cái nhìn dò xét của bà Cyril và quyết tâm hi sinh cả đời cô độc vì nghệ thuật của chính Reynolds Woodcock. Liệu Alma có trở thành một nạn nhân “mới” trên bước đường sáng tạo của Reynolds? Hay tình yêu mãnh liệt của cô sẽ giúp Elma mở được cánh cửa tâm hồn đóng chặt của nhà tạo mẫu danh tiếng?

Phantom Thread là bộ phim mới nhất của Paul Thomas Anderson – một trong những đạo diễn có phong cách riêng biệt nhất của Hollywood đương đại. Tính cho đến trước tác phẩm về thế giới thời trang này thì đạo diễn 47 tuổi Anderson đã cho ra đời 7 bộ phim khác nhau về bối cảnh, cốt truyện, và thể loại nhưng luôn có sức hút rất riêng nhờ tuyến nhân vật luôn sở hữu tính cách độc đáo, cấu trúc phim mở với phần kết thường chứa đựng những câu hỏi chưa lời giải đáp, và những bi kịch cá nhân được khai thác một cách hết sức nhân văn, thấm thía. Với truyện phim chủ yếu diễn ra trong không gian chật hẹp của nhà mốt Woodcock hay căn biệt thự chốn đồng quê của nhà tạo mẫu, và chỉ xoay quanh bộ ba Reynolds, Cyril, và Elma, Phantom Thread có thể coi là một trong những kịch bản giới hạn nhất về mặt bối cảnh và tuyến nhân vật của Paul Thomas Anderson – người luôn chắp bút cho tất cả các bộ phim ông đạo diễn. Nhưng sự hạn chế về mặt không gian và nhân vật như vậy không hề làm ảnh hưởng tới chất lượng nghệ thuật hay chất Paul Thomas Anderson của bộ phim, bởi ở Phantom Thread người xem vẫn được chứng kiến cách đạo diễn người Mỹ khắc họa hết sức sống động và tinh tế cách những tâm hồn đồng điệu tìm đến với nhau, hay sự biến đổi tâm lý bên trong những con người tưởng chừng lạnh lùng nhưng lại vô cùng nhạy cảm và dễ bị tổn thương vì sự cô độc. Trong thế hệ đạo diễn cùng thời ở Hollywood thì có lẽ khó ai có thể vượt qua được Paul Thomas Anderson về khía cạnh phân tích tâm lý nhân vật. Bất kể đó là những tác phẩm có rất nhiều số phận như Boogie Nights (1997), Magnolia (1999), The Master (2012) hay chỉ tập trung vào một vài nhân vật như Punch-Drunk Love (2002), There Will Be Blood (2007), Paul Thomas Anderson đều khiến khán giả phải rung động vì cách ông bóc tách từng lớp tâm hồn của mỗi nhân vật, gợi mở cho người xem những bi kịch trong tim các nhân vật đó qua những chi tiết, tuyến truyện lúc nhẹ nhàng, lúc bạo liệt nhưng luôn mang giá trị nhân văn gần gũi với khán giả. Với Phantom Thread, người xem lại một lần nữa có được may mắn ấy khi họ được Paul Thomas Anderson đem đến từng góc cạnh trong tâm hồn đẹp đẽ nhưng đầy phức tạp của Reynolds và Elma và những sợi chỉ tình cảm vô hình dần kết nối hai số phận rất khác biệt này. Theo từng nốt nhạc tuyệt phẩm của Jonny Greenwood – thành viên nhóm nhạc rock nổi tiếng Radiohead và là nhà soạn nhạc quen thuộc trong các bộ phim của Paul Thomas Anderson, tính cách và suy nghĩ của Reynolds và Elma dần biến đổi trước mắt khán giả bởi sự xuất hiện của những xung đột giữa sự hy sinh và lòng ích kỉ, giữa tình yêu cô độc với nghệ thuật, nghề nghiệp và khao khát được sẻ chia những khoảnh khắc hạnh phúc với người mình yêu. Phantom Thread là tác phẩm đầu tiên của Paul Thomas Anderson sau 7 bộ phim đậm chất Mỹ lấy bối cảnh nước Anh và các nhân vật người Anh, và chắc chắn những người dân của xứ đảo sương mù nổi tiếng với tính cách lạnh lùng cao ngạo nhưng tinh tế “phớt Ăng-lê” sẽ rất hài lòng khi thấy Paul Thomas Anderson xử lý những xung đột tình cảm như vậy một cách nhẹ nhàng, tế nhị, vừa đủ để gợi mở cho khán giả chứ không đầy ắp thoại và những cảm xúc sôi động “kiểu Mỹ”.

Một bộ phim tinh tế như Phantom Thread tất nhiên cần tới những diễn viên đủ nhạy cảm và tài năng để đưa cảm xúc, suy nghĩ của các nhân vật tới khán giả mà không cần phải dùng tới quá nhiều thoại hoặc cách diễn thậm xưng. Bộ ba được Paul Thomas Anderson trao niềm tin trong Phantom Thread là hai diễn viên gạo cội người Anh Daniel Day-Lewis và Lesley Manville và gương mặt mới người Luxembourg Vicky Krieps với vai diễn “chào sân” Hollywood. Đặc biệt sự hiện diện của Daniel Day-Lewis trong Phantom Thread thậm chí là đề tài được nhiều người quan tâm hơn việc một đạo diễn nổi tiếng như Anderson có tác phẩm mới đầu tiên sau 3 năm, bởi ngôi sao từng giành tới 3 tượng vàng Oscar cho vai nam chính xuất sắc nhất đã tuyên bố rằng đây sẽ là bộ phim cuối cùng trước khi ông giải nghệ điện ảnh. Day-Lewis được coi là một diễn viên cực kì kén phim vì ông luôn phải bỏ hết tâm sức và trí tuệ để hoàn toàn nhập vai vào từng nhân vật – ông chỉ có vỏn vẹn 7 vai diễn trên màn ảnh lớn trong vòng 20 năm qua với phần nhiều trong số đó được đánh giá là những vai diễn xuất sắc, thậm chí được xếp vào hàng kinh điển như trong Gangs of New York (2002), There Will Be Blood, hay Lincoln (2012). Bởi vậy người xem đã hết sức mong đợi Phantom Thread để được chứng kiến Daniel Day-Lewis cúi chào khán giả lần cuối với một vai diễn như thế nào. Quả thực, với vai diễn Reynolds Woodcock, Day-Lewis đã đáp lại sự kì vọng của khán giả và niềm tin của Anderson – đạo diễn bộ phim đem lại giải Oscar thứ hai cho ông là There Will Be Blood. Khác hẳn với vai diễn Daniel Plainview bùng nổ và bạo liệt trong There Will Be Blood, Reynolds Woodcock qua diễn xuất của Daniel Day-Lewis lại là hiện thân của sự tinh tế và tâm hồn yêu cái đẹp kiểu Anh khi mà ngay từ những giây phút đầu tiên của Phantom Thread, Day-Lewis đã khiến khán giả phải nín thở vì những cử chỉ và lời nói vô cùng nhẹ nhàng, ý nhị nhưng luôn chứa đựng ý nguyện sắt đá hy sinh tất cả vì nghệ thuật của Reynolds. Và cùng với sự tiến triển của truyện phim, sự sắt đá trong tâm hồn đó của Reynolds Woodcock được Daniel Day-Lewis dần biến đổi thành những giờ phút mỏng manh trong tâm hồn chỉ bằng ánh mắt biết nói, chỉ bằng sự im lặng đầy do dự đến từ kĩ năng diễn xuất khó ai sánh bằng của ngôi sao hàng đầu Hollywood. Nếu so với những nhân vật có sẵn sức nặng của lịch sử mà Daniel Day-Lewis từng hóa thân như Christy Brown trong My Left Foot (1989), Bill Đồ Tể trong Gangs of New York, Daniel Plainview trong There Will Be Blood, hay tổng thống Lincoln trong Lincoln thì rõ ràng một nhà tạo mẫu với tính cách có phần kì dị như Reynolds Woodcock khó có thể sánh được về mặt tạo ấn tượng đối với khán giả. Nhưng với kịch bản xuất sắc của Paul Thomas Anderson và diễn xuất đã đến tầm tuyệt phẩm của Daniel Day-Lewis, ngay cả những người xem bình thường nhất cũng có thể tìm thấy một phần tâm hồn mình khi chứng kiến Reynolds Woodcock loay hoay trong cuộc tìm kiếm hạnh phúc đích thực trong cuộc đời ông, nhất là sau khi bức tường lạnh lùng bao quanh trái tim của nhà tạo mẫu dần tan chảy trước tình cảm nồng nhiệt của cô gái trẻ Alma. Thật khó có thể nói rằng Day-Lewis có cơ hội giành tượng vàng Oscar thứ 4 trong sự nghiệp khi mà hạng mục vai nam chính trong mùa giải thưởng điện ảnh năm nay chứng kiến sự thống trị gần như là tuyệt đối của Gary Oldman với vai diễn thủ tướng Winston Churchill trong Darkest Hour. Nhưng nếu như Daniel Day-Lewis vẫn quyết tâm từ giã nghiệp diễn viên điện ảnh như ông đã nói, thì Reynolds Woodcock hoàn toàn xứng đáng là vai diễn khép lại một trong những sự nghiệp xuất sắc nhất trong lịch sử Hollywood của Day-Lewis bởi ở vai diễn này người xem có thể cảm nhận được tất cả sự nhạy cảm, tinh tế, và nhập vai đến quên mình vốn đã làm nên thương hiệu của ngôi sao đã đến tuổi lục thập người Anh này.

Nếu như những lời khen cho Daniel Day-Lewis có thể coi là “đương nhiên” bởi tài năng đã được kiểm chứng của ông, thì khán giả cũng nên dành sự trân trọng cho Lesley Manville và đặc biệt là Vicky Krieps vì hai nữ diễn viên này vẫn tìm được chỗ đứng trong bộ phim với những vai diễn xuất sắc không hề bị phủ bóng bởi sức hút điện ảnh mãnh liệt của Day-Lewis. Trong tiếng Anh, cụm từ stiff upper lip (“môi trên không mấp máy”)  thường được dùng để ví von cho tính cách “phớt Ăng-lê” của người dân xứ đảo sương mù – luôn kiên định và không biểu lộ cảm xúc ra bên ngoài dù trong bất cứ tình huống nào. Qua sự thể hiện của Manville, Cyril Woodcock có lẽ chính là một trong những hiện thân xuất sắc nhất của stiff upper lip trên màn ảnh lớn vài năm trở lại đây khi mà bà chị khó tính của Reynolds Woodcock không chỉ là cái neo với thực tại cho nhà tạo mẫu vốn luôn bay bổng với những hình vẽ và chi tiết, mà Cyril còn chính là chỗ dựa về mặt tinh thần cho Reynolds trong những phút yếu lòng. Tuy không thực sự là một gương mặt quen thuộc ở Hollywood nhưng Lesley Manville được coi là một trong những tên tuổi lớn trong giới diễn xuất điện ảnh và sân khấu của Anh, vì vậy sự xuất sắc của bà trong vai Cyril Woodcock cũng đã nằm trong dự đoán của báo giới và người yêu điện ảnh. Bởi vậy ngạc nhiên lớn nhất của Phantom Thread có lẽ là sự xuất hiện của cái tên mới Vicky Krieps trong vai Alma Elson. Không hề lép vế trước tên tuổi của Day-Lewis với nhân vật giàu chiều sâu Reynolds Woodcock, cô gái trẻ Alma của Krieps nhanh chóng chiếm được cảm tình từ khán giả nhờ vẻ đẹp ngây thơ, khỏe khoắn ở phần đầu phim, rồi từ đó khiến họ đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác với sự biến đổi đầy ấn tượng về tính cách, về những câu thoại và cử chỉ thông minh đến từ “nàng thơ” mới nhất của nhà mốt Woodcock. Sự chủ động, nhiệt thành trong tình yêu của Alma đã bổ sung một cách hoàn hảo cho sự bị động, do dự, và thu mình của Reynolds để làm nên một bức tranh sống động về tình yêu, về cách thức những con người đang yêu tìm đến với nhau qua những sợi chỉ vô hình của sự đồng điệu. Một Reynolds tinh tế và dị biệt, một Cyril lạnh lùng và quyết đoán, một Alma sôi nổi, nhiệt thành, chỉ ba nhân vật đó thôi cũng đã giúp Phantom Thread sở hữu tuyến nhân vật xuất sắc bậc nhất trong số các tác phẩm điện ảnh của Hollywood năm 2017, và hoàn toàn có thể sánh ngang với những bộ phim với tuyến nhân vật hết sức dày dặn khác của Paul Thomas Anderson như Boogie Nights, Magnolia, hay The Master.
 
Phantom Thread là một tác phẩm điện ảnh đẹp. Bộ phim đẹp vì những bộ váy tuyệt hảo gợi nhớ về cái chất quý tộc vốn đã phai nhạt rất nhiều trong những năm 1950 ở nước Anh. Bộ phim đẹp vì phần nhạc phim lôi cuốn của Jonny Greenwood và những góc quay đặc tả các góc cạnh ấn tượng của từng nhân vật do chính Paul Thomas Anderson góp tay thực hiện. Nhưng trên hết, bộ phim đẹp vì những nhân vật với tính cách đặc sắc, vì những sợi chỉ tình cảm vô hình kết nối họ thông qua nỗi sợ sự cô đơn, thông qua lòng khát khao được yêu, được ở bên người mình yêu. Và xin khán giả hãy đừng quên rằng, khi xem bộ phim đẹp ấy, họ cũng đã được chứng kiến vai diễn cúi chào màn ảnh lớn lần cuối cùng của Daniel Day-Lewis – một trong những tên tuổi lớn nhất và xuất sắc nhất của điện ảnh Hollywood.

======

Bản đã biên tập trên Zing.