some quotes....

I just want to tell you, I'm the one who was supposed to take care of everything. I'm the one who was supposed to make everything okay for everybody. It just didn't work out like that. And I left. I left you... And now, I'm an old broken down piece of meat... and I'm alone. And I deserve to be all alone. I just don't want you to hate me.

-Randy 'The Ram' Robinson, The Wrestler

dimanche 24 décembre 2017

Call Me by Your Name (2017)


Gia đình giáo sư khảo cổ gốc Do Thái Perlman (Michael Stuhlbarg) sở hữu một căn biệt thự tuyệt đẹp ở vùng đồng quê nước Ý, nơi ông nghiên cứu những di vật và phế tích của nền văn minh Hy Lạp-La Mã và tận hưởng cuộc sống an nhàn bên người vợ Annella (Amira Casar) và cậu con trai 17 tuổi Elio (Timothée Chalamet). Báu vật của ông bà Perlman – Elio là cậu nhóc mới lớn không chỉ được mọi người yêu quý vì tài năng âm nhạc, vì sở thích đọc sách đến mê mỏi, mà còn sở hữu vẻ đẹp mỏng manh, đầy chất nội tâm gợi nhớ đến những bức tượng thành hình dưới bàn tay của các nghệ nhân Hy Lạp thời cổ đại. Có lẽ tuổi mới lớn của Elio sẽ tiếp tục êm đềm và yên bình như những thị trấn cổ kính của nước Ý nếu không có sự xuất hiện giữa mùa hè Địa Trung Hải của Oliver (Armie Hammer), anh chàng sinh viên người Mỹ vạm vỡ, đẹp trai cũng mang trong mình dòng máu Do Thái. Được giáo sư Perlman mời tới biệt thự của ông để trợ giúp việc nghiên cứu, Oliver nhanh chóng gây ấn tượng và chiếm được tình cảm từ vợ chồng ông giáo sư, từ những cô bạn gái cũng đang tuổi mới lớn của Elio, và cuối cùng là từ chính Elio vì sự tự nhiên, chủ động đầy chất “Mỹ”. Một đang ở cái tuổi vô lo vô nghĩ, một đang đau đầu với những câu hỏi về sự nghiệp, về việc lập gia đình. Một sống nội tâm, khép kín, lãng đãng với những nốt nhạc, đoạn thơ, một trưởng thành, quảng giao, chủ động trong việc làm quen, thu hút cảm tình của mọi người. Một mang vẻ đẹp mềm mại có phần nữ tính của đàn ông Địa Trung Hải, một toát ra vẻ đàn ông mạnh mẽ gây ấn tượng từ cái nhìn đầu tiên đặc trưng cho xứ cờ hoa. Elio và Oliver dường như là hai mảnh ghép với hình dạng hoàn toàn khác nhau, nhưng trong mùa hè rực rỡ của nước Ý đầu thập niên 1980 ấy, họ lại chợt nhận ra rằng đó là hai mảnh ghép vừa khớp trong cuộc đời của mỗi người.

Người chắp bút chuyển thể tiểu thuyết Call Me by Your Name của nhà văn Mỹ André Aciman thành kịch bản điện ảnh là nhà làm phim 89 tuổi James Ivory – người đồng thời đảm nhiệm vai trò sản xuất của bộ phim. Với nhiều khán giả trẻ có lẽ cái tên James Ivory không thực sự gây nhiều ấn tượng, nhưng với người yêu điện ảnh giai đoạn thập niên 1980 và 1990 thì chắc chắn bộ ba Ismail Merchant - James Ivory - Ruth Prawer Jhabvala sẽ gợi nhớ cho họ nhiều kỉ niệm điện ảnh đáng nhớ. Là bởi bộ ba nhà sản xuất-đạo diễn-biên kịch này của hãng phim lừng danh một thủa Merchant Ivory Productions chính là tác giả của những bộ phim xuất sắc lấy đề tài tình cảm lãng mạn trong khung cảnh lịch sử như A Room with a View (1985), Howards End (1992), hay The Remains of the Day (1993). Lấy bối cảnh là miền đồng quê và những thị trấn châu Âu cổ kính, các sản phẩm điện ảnh của Merchant Ivory Productions thường lôi cuốn khán giả bằng truyện phim đầy cảm xúc, phảng phất hơi hướng hoài cổ, và các nhân vật dù hạnh phúc hay đau khổ vẫn luôn giữ được cốt cách thanh lịch. Merchant qua đời năm 2005, tám năm sau đó đến lượt nữ biên kịch Jhabvala, tưởng chừng chỉ một mình James Ivory vốn cũng đã ở cái tuổi gần đất xa trời sẽ chẳng thể tiếp tục phong cách rất đặc trưng của Merchant Ivory Productions. Bởi vậy, Call Me by Your Name quả thực là một bất ngờ thú vị cho giới mộ điệu điện ảnh nói chung, và cho những người từng yêu thích phim của hãng Merchant Ivory Productions nói riêng, khi tác phẩm do James Ivory chắp bút này đã lại một lần nữa khiến người xem phải mê đắm với không gian lãng mạn, hoài cổ của miền quê nước Ý đầu những năm 1980 và những nhân vật thanh lịch, phóng khoáng nhưng không kém phần sâu sắc. 

Gây ngạc nhiên trong việc lưu giữ hơi thở cổ kính, lịch lãm theo phong cách Merchant Ivory Productions, nhưng Call Me by Your Name vẫn giữ được sự tươi mới, đột phá trong cách xử lý đề tài truyền thống của điện ảnh – khao khát tình cảm trong tâm hồn mỗi người. Thành công này của Call Me by Your Name tất nhiên phần lớn xuất phát từ tài năng của đạo diễn bộ phim – nhà làm phim người Ý Luca Guadagnino. Đạo diễn Guadagnino coi Call Me by Your Name là tác phẩm mới nhất trong bộ ba phim mô tả mong muốn được yêu thương của mỗi người sau I Am Love (2010) và A Bigger Splash (2015). Tiếp nối thành công lớn về mặt nghệ thuật của I Am Love và A Bigger Splash trong việc đặc tả những con người đang mong mỏi được cho, và nhận tình cảm ẩn sâu trong tâm hồn họ, Call Me by Your Name đã đem đến cho người xem chân dung hết sức chân thật và cảm động của hai người trẻ đang ngập ngừng tìm đến với nhau với đầy khao khát tình yêu nhưng cũng ẩn giấu những lo sợ, rụt rè trước định kiến của xã hội, trước những hoài nghi có thể có từ chính những người thân thiết xung quanh họ. Không chỉ xuất sắc trong việc khắc hoạ cá tính, suy tư, tình cảm của Elio và Oliver, đạo diễn Guadagnino còn khiến người xem phải ngả mũ vì cách kể chuyện mộc mạc, hé lộ từng chi tiết trong tính cách nhân vật cùng tương tác giữa họ một cách chậm rãi nhưng vẫn đầy lôi cuốn và bất ngờ. Hơn thế nữa, tuy Call Me by Your Name là câu chuyện mối tình đầu của Elio với Oliver, nhưng đạo diễn người Ý không vì thế mà lãng quên những nhân vật phụ của phim – những người thân thiết của Elio và góp phần tạo nên tính cách, cuộc đời của chính cậu nhóc đang tuổi mới lớn này như ông bà Perlman hay cô bạn gái Marzia (Esther Garrel). Thậm chí nhân vật trung tâm của phân đoạn có lẽ là xuất sắc nhất, cảm động nhất, đi vào lòng người nhất của Call Me by Your Name – một bộ phim đầy ắp những phân đoạn cảm động lại được đạo diễn Guadagnino dành cho một trong số những nhân vật phụ ấy thay vì Elio hay Oliver. Góp phần vào hiệu quả cảm xúc của phim cũng phải kể tới sự đóng góp của nhà quay phim người Thái Lan Sayombhu Mukdeeprom – tác giả phần hình ảnh của bộ phim Thái từng giành giải Cành cọ vàng Uncle Boonmee Who Can Recall His Past Lives, và đặc biệt là của nhạc sĩ-ca sĩ Sufjan Stevens – người đã hỗ trợ Guadagnino thổi hơi thở hoài cổ, lãng đãng của thập niên 1970, 1980 vào Call Me by Your Name qua phần nhạc phim pha trộn giữa nhạc cổ điển và các bản nhạc đương đại. 

Sau thành công sớm qua vai diễn phụ trong The Social Network (2009), Armie Hammer được coi là một trong những tên tuổi triển vọng của điện ảnh Hollywood với tài năng diễn xuất được thừa nhận và vẻ ngoài đẹp trai hết sức ăn hình. Tuy vậy, suốt những năm sau đó Hammer luôn phải loay hoay tìm chỗ đứng cho mình với không nhiều vai diễn đáng nhớ và cả những thất bại lớn như vai diễn trong bộ phim thua lỗ kỉ lục The Lone Ranger (2013). Với vai diễn Oliver trong Call Me by Your Name, cuối cùng Armie Hammer đã lại có thể chinh phục khán giả và giới phê bình khó tính bằng diễn xuất đầy cảm xúc và đa diện, vừa mạnh mẽ, vừa rụt rè mong manh. Hammer xuất sắc, nhưng phát hiện mới Timothée Chalamet có lẽ còn gây ấn tượng nhiều hơn bằng một vai diễn với chiều sâu tâm hồn đáng nể với biến hoá cảm xúc khó lường đúng với hình tượng của một cậu nhóc 17 tuổi. Chứng kiến diễn xuất phóng khoáng nhưng cũng đầy ẩn ức của Chalamet trong vai Elio, chắc chắn nhiều khán giả sẽ tìm thấy một phần nào đó của chính họ khi ở vào độ tuổi ẩm ương như cậu thiếu niên đẹp trai giữa mùa hè nước Ý. Và tất nhiên, sau khi xem xong Call Me by Your Name, khán giả sẽ chẳng thể quên được hai gương mặt ấm áp, nồng hậu của Michael Stuhlbarg và Amira Casar trong vai bố mẹ của Elio. Với riêng diễn viên tài năng Stuhlbarg, có lẽ là không ngoa khi cho rằng đây là diễn xuất ấn tượng nhất của anh kể từ A Serious Man (2009) – vai diễn từng đem lại nhiều giải thưởng và đề cử cho nam diễn viên có đôi mắt hút hồn người xem này.

Việc khắc hoạ những mối tình đồng tính trên màn ảnh lớn luôn ít nhiều khiến khán giả phải xì xào, đặc biệt là khi một nửa của mối tình ấy lại chỉ là một cậu nhóc mới lớn còn chưa bước qua ngưỡng vị thành niên như Elio. Vì vậy, thật ngạc nhiên khi Call Me by Your Name lại chẳng khiến người xem cảm thấy phải băn khoăn, suy nghĩ vì những cung bậc cảm xúc của hai nhân vật nam chính được lột tả hết sức chân thực xuyên suốt bộ phim. Có lẽ thành công này xuất phát từ cách kể chuyện nhẹ nhàng, dung dị của đạo diễn Guadagnino và biên kịch Ivory, hoặc từ diễn xuất có hồn của Hammer và Chalamet. Nhưng có lẽ sự lôi cuốn của phim còn xuất phát từ một lý do đơn giản hơn thế, đó là vì thông điệp phổ quát nhưng cũng lại dễ đi vào lòng người của bộ phim – người ta chỉ sống một lần trên đời, bởi vậy hãy dành tuổi trẻ để yêu và sống hết mình trước khi thời khắc ấy trôi qua và mãi mãi không trở lại. Với thông điệp đầy ý nghĩa ấy, dù chưa chắc có thể chiến thắng tại các giải thưởng lớn, nhưng chắc chắn Call Me by Your Name sẽ được coi là một trong những tác phẩm điện ảnh đáng nhớ nhất của năm 2017.

===


Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire