some quotes....

I just want to tell you, I'm the one who was supposed to take care of everything. I'm the one who was supposed to make everything okay for everybody. It just didn't work out like that. And I left. I left you... And now, I'm an old broken down piece of meat... and I'm alone. And I deserve to be all alone. I just don't want you to hate me.

-Randy 'The Ram' Robinson, The Wrestler

jeudi 28 décembre 2017

I, Tonya (2017)


Trong số các môn thể thao thuộc hệ thống Thế vận hội, trượt băng nghệ thuật luôn có chỗ đứng riêng trong lòng khán giả bởi chất thanh nhã pha chút quý tộc với các vận động viên ăn vận đẹp đẽ như các chàng hoàng tử, công chúa vừa bước ra từ truyện cổ tích cùng các bài biểu diễn vừa phức tạp, vừa duyên dáng trong tiếng nhạc cổ điển. Vì vậy mà năm 1994 những người yêu trượt băng nghệ thuật Hoa Kỳ đã thực sự choáng váng khi tất cả các hãng truyền thông và báo lớn của nước này đưa tin chồng cũ của Tonya Harding – một trong những nữ vận động viên trượt băng nghệ thuật sáng giá nhất nước Mỹ thời điểm đó đã thuê kẻ xấu đánh gẫy chân đối thủ của vợ cũ tại giải vô địch trượt băng Hoa Kỳ sắp diễn ra là Nancy Kerrigan, người đồng thời cũng là đồng đội của Harding tại đội tuyển quốc gia Mỹ tranh tài tại Thế vận hội mùa đông. Từ đỉnh cao khi được khán giả của bộ môn trượt băng khắp nước Mỹ hâm mộ cuồng nhiệt vì những cú nhảy xoay ba vòng trên không (“triple axel”) độc nhất vô nhị, Tonya Harding nhanh chóng rơi xuống vực sâu của búa rìu dư luận vì cô bị nghi là đồng loã tiếp tay cho người chồng cũ Jeff Gillooly, hoặc ít ra cũng là nhắm mắt làm ngơ trước âm mưu ghê tởm và phi thể thao nhằm loại bỏ đối thủ Nancy Kerrigan khỏi cuộc đua tới một chỗ dự tranh Thế vận hội mùa đông 1994 tại Lillehammer, Na Uy. Chính thức bị toà án kết tội bao che cho chồng phạm tội không lâu sau đó, Tonya Harding không chỉ phải nhận án tù treo và phạt tiền, cô còn bị loại bỏ vĩnh viễn khỏi làng trượt băng nghệ thuật chuyên nghiệp Hoa Kỳ, và có lẽ đau đớn hơn cả là cái tên Tonya Harding đối với người yêu thể thao từ thời điểm đó trở đi đã trở nên đồng nghĩa với những toan tính phi thể thao, với âm mưu làm vấy bẩn một trong những bộ môn thanh nhã, cao quý nhất của thể thao thế giới. 

Hơn hai thập niên sau ngày cái tên Tonya Harding mãi mãi đi vào sổ đen của bộ môn trượt băng nghệ thuật, đạo diễn người Úc Craig Gillespie đã đem đến cho khán giả một góc nhìn mới về cuộc đời Harding và những sự kiện đã dẫn đến hành động bạo lực vô tiền khoáng hậu đối với Nancy Kerrigan năm nào qua bộ phim I, Tonya. Có thể coi là một tác phẩm tiểu sử về Tonya Harding, I, Tonya khắc hoạ lại cuộc hành trình đầy gian nan đến với trượt băng nghệ thuật của Harding qua lời kể của chính Tonya (Margot Robbie) và những người có dính líu đến cuộc đời cô như bà mẹ khắc nghiệt LaVona (Allison Janney), anh chồng cũ với máu bạo lực Jeff (Sebastian Stan) và tay đồng loã ngớ ngẩn Shawn Eckhardt (Paul Walter Hauser), huấn luyện viên trượt băng Diane Rawlinson (Julianne Nicholson), và nhà sản xuất của kênh tin tức lá cải (Bobby Cannavale). Tuy I, Tonya tiếp cận cuộc đời của ngôi sao sân băng một thời theo phong cách hài chua cay (“black comedy”) với vô số những chi tiết mâu thuẫn qua lời kể không thực sự đáng tin của các nhân chứng của cuộc đời Tonya Harding và của chính cô, nhưng qua tác phẩm này, người xem cũng có thể phần nào hình dung được cuộc sống khổ đau và những nhân tố đã tạo nên tính cách và số phận của Tonya Harding. Có một tuổi thơ chẳng mấy êm đẹp bên bà mẹ sẵn sàng hy sinh từng xu cóp nhặt được qua nghề hầu bàn để con gái có thể theo học trượt băng nhưng kèm theo đó là sự hà khắc đến tàn nhẫn vì kì vọng vào tương lai của con, Tonya sớm hình thành trong mình một cá tính mạnh mẽ, nổi loạn, và bùng nổ trái ngược hẳn với những phẩm chất thường được coi trọng của môn trượt băng như sự đằm thắm, dịu dàng, quý phái. Cộng thêm ngoại hình chẳng lấy gì làm bắt mắt với mái tóc xoăn bù xù, căn bệnh hen suyễn kinh niên, và xuất thân nghèo khó tới mức chẳng phải biểu diễn trong những bộ quần áo tự may vá, Tonya Harding nghiễm nhiên trở thành đứa con ghẻ của làng trượt băng Hoa Kỳ bất chấp tài năng thiên phú và nỗ lực luyện tập không kể ngày đêm của cô gái trẻ. Chẳng giám khảo nào muốn một gương mặt “nhà quê” như Tonya trở thành đại diện cho cộng đồng trượt băng nghệ thuật đầy lịch lãm của nước Mỹ, bởi vậy sau nhiều thất bại, cô chỉ được đứng lên bục vinh quang trong giải vô địch trượt băng Hoa Kỳ khi thể hiện một động tác cực khó về mặt kỹ thuật mà trước đó chưa từng có nữ vận động viên nào thực hiện thành công trong các giải thi đấu chuyên nghiệp của Mỹ - cú nhảy xoay ba vòng trên không (“triple axel”). Vấp phải nhiều khó khăn trong việc chứng tỏ tên tuổi trên sân băng, Tonya còn có một cuộc sống riêng trắc trở hơn nhiều lần khi Jeff Gillooly - người chồng cô hết mực yêu thương và chung sống từ năm mới 19 tuổi lại mang trong mình dòng máu vũ phu. Những trận đòn triền miên của Jeff cuối cùng đã khiến Tonya phải đệ đơn ly dị ra toà nhưng rồi cũng chẳng thể thoát nổi vòng tay của gã đàn ông dẻo mồm mà cô đã chót trao tình yêu lớn đầu đời. Dù có khó khăn đến mấy trên sân băng hay đau đớn đến mấy dưới những cú tát như trời giáng của Jeff, nhưng Tonya Harding vẫn luôn cố gắng vượt qua bởi cuộc đời cô gắn liền với sân băng, gắn liền với những cuộc thi đấu và ước mơ về một tấm huy chương Thế vận hội mùa Đông. Như ngọn lửa mong manh giữa băng giá, giấc mơ đó của Tonya càng ngày càng trở nên xa vời với sự xuất hiện của những đối thủ như Nancy Kerrigan – nguyên cớ của âm mưu ngu ngốc của Jeff và gã bạn ngờ ngệch luôn tự xưng là “vệ sĩ của Tonya” Shawn Eckhardt.

Nếu chỉ dựa trên duy nhất nội dung của I, Tonya, khán giả cũng hoàn toàn có thể đánh giá rằng đây là một bộ phim hài chua cay hết sức sáng tạo với nhịp phim hấp dẫn, cốt truyện mạch lạc dễ hiểu bất chấp việc tác phẩm có nhiều tuyến nhân vật và lời kể xung đột lẫn nhau. Không chỉ giúp khán giả cười ra nước mắt vì vụ án hành hung hết sức ngớ ngẩn đối với Nancy Kerrigan của gã chồng cũ của Tonya, đạo diễn người Úc Craig Gillespie còn khiến người xem cảm thấy giật mình chua xót trước tuổi thơ chan chứa nỗi buồn của Tonya Harding và hết bất công này đến khó khăn khác mà cô vấp phải trên đường đời. Năm 2007, Gillespie từng gây dấu ấn với Lars and the Real Girl – một tác phẩm hết sức nhân văn mô tả tình cảm và nỗi cô đơn của anh chàng tỉnh lẻ kì dị Lars Lindstrom (Ryan Gosling). 10 năm sau đó, ông cùng nhà biên kịch Steven Rogers đã lại đem tới cho khán giả một nhân vật tỉnh lẻ cũng hết sức cô đơn và hết mực mong muốn được yêu thương khác – Tonya Harding. Tất nhiên nhiều khán giả có thể cho rằng vì bộ phim dựa trên các cuộc phỏng vấn của những người trong cuộc như Tonya, như Jeff, như LaVona, chẳng ai có thể chắc I, Tonya là một chân dung chân thật về nữ vận động viên tai tiếng bậc nhất trong lịch sử trượt băng nghệ thuật Hoa Kỳ, thậm chí họ có thể nghi ngờ rằng việc Gillespie khắc hoạ một Tonya Harding với vô số những tổn thương về thể chất và tinh thần như trên phim chỉ là cách để biện minh cho hành động bao che tội phạm của Tonya, hay giảm bớt tai tiếng về sự thiếu tinh thần thể thao mã thượng mà cô từng nhiều lần thể hiện trong và ngoài sân băng. Nhưng nếu xem qua những đoạn phim tư liệu về các cuộc thi đấu có sự xuất hiện của Tonya Harding – vốn được Craig Gillespie tái hiện lại chính xác đến từng khung hình, và tham khảo tiểu sử cuộc đời của Tonya – vốn chứa đựng những chi tiết còn gây sốc hơn nhiều lần về những khổ đau mà cô phải gánh chịu trước và sau vụ bê bối Tonya-Nancy, khán giả chắc chắn sẽ phải thừa nhận rằng I, Tonya quả thực là bộ phim quá xuất sắc trong việc dựng nên một chân dung nhiều chiều của một nhân vật bị nhìn nhận hoàn toàn một chiều suốt hai thập niên qua. Phải chăng chúng ta đã quá ngây thơ khi chỉ tin vào những chi tiết giật gân trên báo chí hay các kênh truyền hình lá cải để dựng nên bức chân dung một chiều đen tối đó của Tonya Harding? Phải chăng Tonya đã đúng khi kết tội một cách đau xót rằng chính người hâm mộ, chính những khán giả của các kênh tin tức lá cải chuyên khai thác những điểm tối, những chi tiết đời tư của Tonya bằng mọi giá cũng phải chịu trách nhiệm với bà LaVona, với Jeff, với Shawn về cuộc đời đen đủi của cô?

Sau khi xem xong I, Tonya, hẳn nhiều người sẽ phải ồ lên thán phục tài năng diễn xuất của Margot Robbie trong vai trung tâm của bộ phim – Tonya Harding. Nữ diễn viên đồng hương của đạo diễn Craig Gillespie không phải là cái tên xa lạ ở Hollywood khi vẻ gợi cảm, quyến rũ của cô được coi là một phần không thể thiếu của các bộ phim lớn như The Wolf of Wall Street (2013), The Legend of Tarzan (2016), và Suicide Squad (2016). Nhưng với I, Tonya, Robbie đã dũng cảm vứt bỏ hình tượng gợi cảm quen thuộc của cô để vào vai một cô gái trẻ quê mùa, cục mịch, tài năng trên sân băng nhưng cũng vô cùng xốc nổi trong quan hệ với những người xung quanh. Cuộc đời đầy biến động của Tonya Harding là mảnh đất màu mỡ cho bất cứ diễn viên nào muốn thể hiện năng lực diễn xuất thực sự, và Margot Robbie đã không phụ sự tin tưởng của đạo diễn Gillespie khi cô khắc hoạ hết sức thành công sự lạc lõng cả về bề ngoài và tính cách của Tonya nếu so với những vận động viên thanh nhã theo đúng truyền thống của môn trượt băng. Nhân vật Tonya Harding của Margot Robbie vừa có chất “điên” của một cô gái trẻ phải kiên cường lớn lên trong sự tàn nhẫn của người mẹ ruột và những buổi tập trên sân băng, vừa ngập tràn nỗi cô đơn trong sâu thẳm tâm hồn khi yêu thương mà chẳng mấy khi được đáp lại – một tình yêu nhiều lúc đơn phương với những người thân thiết và cả vẻ đẹp, vinh quanh trên sân đấu của bộ môn trượt băng nghệ thuật. Đặc biệt ở nửa cuối của bộ phim, khi gánh nặng từ những căng thẳng trên sân băng và bất đồng trong đời tư dần đè nặng lên đôi vai của Tonya, Margot Robbie đã thể hiện một cách xuất sắc từng nét mặt, từng cử chỉ, từng biến đổi về mặt tâm lý của nữ vận động viên người Mỹ đang trượt dần xuống vòng xoáy của vực thẳm thất bại. Sự ăn ý giữa Robbie và Sebastian Stan (người thủ vai anh chồng Jeff) và đặc biệt là Allison Janney trong vai bà LaVona cũng góp phần rất lớn vào sự sống động của bộ phim, và tạo cho I, Tonya một tuyến nhân vật phụ dày dặn với đời sống, tính cách riêng thay vì chỉ mang chức năng làm nền cho nhân vật chính Tonya Harding. Tất nhiên phần lớn những động tác trượt khó của Tonya Harding trong phim được các vận động viên trượt băng chuyên nghiệp thực hiện thay cho Margot Robbie, nhưng cô vẫn hoàn toàn xứng đáng với một lời khen ngợi vì những pha biểu diễn có phần ngắn ngủi nhưng rất thuyết phục với sự giúp đỡ của biên đạo nổi tiếng Sarah Kawahara – người từng hỗ trợ về mặt kỹ thuật trượt băng cho các bộ phim đáng chú ý về môn thể thao này như Blades of Glory (2007).

Phải khẳng định là dù có xuất sắc đến mấy thì I, Tonya cũng chẳng bao giờ có thể giúp Tonya Harding lấy lại những gì đã mất. Cô mãi mãi là đứa con ghẻ của làng trượt băng nghệ thuật Hoa Kỳ, không bao giờ còn có thể kiếm tìm vinh quang và tiền bạc bằng những cú nhảy xoay ba vòng trên không. Với nhiều người, Tonya cũng mãi mãi là cái tên gắn với những âm mưu hèn hạ, bỉ ổi, phi thể thao của những vận động viên hèn nhát không dám so tài trên sân đấu mà phải viện tới cách triệt hạ sau lưng đối thủ. Nhưng với sự trân trọng của đạo diễn Craig Gillespie và diễn xuất đáng ngợi khen của Margot Robbie, ít ra Tonya Harding cũng có thể an tâm rằng trong số các khán giả có cơ hội được xem bộ phim này, sẽ có nhiều người kiếm tìm lại những đoạn băng tư liệu cũ kỹ về những pha biểu diễn đẹp đẽ của cô, sẽ có những khán giả lên mạng đọc tiểu sử của Tonya để khám phá thêm về xuất thân phức tạp và cuộc đời đầy chông gai của nữ vận động viên một thời số một nước Mỹ này. Có thể họ sẽ vẫn không tha thứ cho những lầm lỗi năm xưa của Tonya Harding, nhưng ít nhất bằng cách ấy họ sẽ có được một hình ảnh đầy đủ hơn về Tonya nếu so với những chân dung hoàn toàn một chiều trên báo chí lá cải. Và có một điều Tonya Harding có thể chắc chắn, đó là chẳng khán giả nào sau khi xem xong phim sẽ quên được pha biểu diễn kì diệu xoay ba vòng trên không của cô – một động tác khó tới mức cho tới nay chỉ mới có tám nữ vận động viên trên thế giới từng thực hiện thành công cú xoay này trong các cuộc thi quốc tế. Có lẽ đó cũng có thể coi là một tấm huy chương an ủi cho giấc mơ dang dở với môn trượt băng nghệ thuật của Tonya Harding – một bi kịch hiện đại của thể thao thế giới.

====

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire