some quotes....

I just want to tell you, I'm the one who was supposed to take care of everything. I'm the one who was supposed to make everything okay for everybody. It just didn't work out like that. And I left. I left you... And now, I'm an old broken down piece of meat... and I'm alone. And I deserve to be all alone. I just don't want you to hate me.

-Randy 'The Ram' Robinson, The Wrestler

jeudi 28 décembre 2017

I, Tonya (2017)


Trong số các môn thể thao thuộc hệ thống Thế vận hội, trượt băng nghệ thuật luôn có chỗ đứng riêng trong lòng khán giả bởi chất thanh nhã pha chút quý tộc với các vận động viên ăn vận đẹp đẽ như các chàng hoàng tử, công chúa vừa bước ra từ truyện cổ tích cùng các bài biểu diễn vừa phức tạp, vừa duyên dáng trong tiếng nhạc cổ điển. Vì vậy mà năm 1994 những người yêu trượt băng nghệ thuật Hoa Kỳ đã thực sự choáng váng khi tất cả các hãng truyền thông và báo lớn của nước này đưa tin chồng cũ của Tonya Harding – một trong những nữ vận động viên trượt băng nghệ thuật sáng giá nhất nước Mỹ thời điểm đó đã thuê kẻ xấu đánh gẫy chân đối thủ của vợ cũ tại giải vô địch trượt băng Hoa Kỳ sắp diễn ra là Nancy Kerrigan, người đồng thời cũng là đồng đội của Harding tại đội tuyển quốc gia Mỹ tranh tài tại Thế vận hội mùa đông. Từ đỉnh cao khi được khán giả của bộ môn trượt băng khắp nước Mỹ hâm mộ cuồng nhiệt vì những cú nhảy xoay ba vòng trên không (“triple axel”) độc nhất vô nhị, Tonya Harding nhanh chóng rơi xuống vực sâu của búa rìu dư luận vì cô bị nghi là đồng loã tiếp tay cho người chồng cũ Jeff Gillooly, hoặc ít ra cũng là nhắm mắt làm ngơ trước âm mưu ghê tởm và phi thể thao nhằm loại bỏ đối thủ Nancy Kerrigan khỏi cuộc đua tới một chỗ dự tranh Thế vận hội mùa đông 1994 tại Lillehammer, Na Uy. Chính thức bị toà án kết tội bao che cho chồng phạm tội không lâu sau đó, Tonya Harding không chỉ phải nhận án tù treo và phạt tiền, cô còn bị loại bỏ vĩnh viễn khỏi làng trượt băng nghệ thuật chuyên nghiệp Hoa Kỳ, và có lẽ đau đớn hơn cả là cái tên Tonya Harding đối với người yêu thể thao từ thời điểm đó trở đi đã trở nên đồng nghĩa với những toan tính phi thể thao, với âm mưu làm vấy bẩn một trong những bộ môn thanh nhã, cao quý nhất của thể thao thế giới. 

Hơn hai thập niên sau ngày cái tên Tonya Harding mãi mãi đi vào sổ đen của bộ môn trượt băng nghệ thuật, đạo diễn người Úc Craig Gillespie đã đem đến cho khán giả một góc nhìn mới về cuộc đời Harding và những sự kiện đã dẫn đến hành động bạo lực vô tiền khoáng hậu đối với Nancy Kerrigan năm nào qua bộ phim I, Tonya. Có thể coi là một tác phẩm tiểu sử về Tonya Harding, I, Tonya khắc hoạ lại cuộc hành trình đầy gian nan đến với trượt băng nghệ thuật của Harding qua lời kể của chính Tonya (Margot Robbie) và những người có dính líu đến cuộc đời cô như bà mẹ khắc nghiệt LaVona (Allison Janney), anh chồng cũ với máu bạo lực Jeff (Sebastian Stan) và tay đồng loã ngớ ngẩn Shawn Eckhardt (Paul Walter Hauser), huấn luyện viên trượt băng Diane Rawlinson (Julianne Nicholson), và nhà sản xuất của kênh tin tức lá cải (Bobby Cannavale). Tuy I, Tonya tiếp cận cuộc đời của ngôi sao sân băng một thời theo phong cách hài chua cay (“black comedy”) với vô số những chi tiết mâu thuẫn qua lời kể không thực sự đáng tin của các nhân chứng của cuộc đời Tonya Harding và của chính cô, nhưng qua tác phẩm này, người xem cũng có thể phần nào hình dung được cuộc sống khổ đau và những nhân tố đã tạo nên tính cách và số phận của Tonya Harding. Có một tuổi thơ chẳng mấy êm đẹp bên bà mẹ sẵn sàng hy sinh từng xu cóp nhặt được qua nghề hầu bàn để con gái có thể theo học trượt băng nhưng kèm theo đó là sự hà khắc đến tàn nhẫn vì kì vọng vào tương lai của con, Tonya sớm hình thành trong mình một cá tính mạnh mẽ, nổi loạn, và bùng nổ trái ngược hẳn với những phẩm chất thường được coi trọng của môn trượt băng như sự đằm thắm, dịu dàng, quý phái. Cộng thêm ngoại hình chẳng lấy gì làm bắt mắt với mái tóc xoăn bù xù, căn bệnh hen suyễn kinh niên, và xuất thân nghèo khó tới mức chẳng phải biểu diễn trong những bộ quần áo tự may vá, Tonya Harding nghiễm nhiên trở thành đứa con ghẻ của làng trượt băng Hoa Kỳ bất chấp tài năng thiên phú và nỗ lực luyện tập không kể ngày đêm của cô gái trẻ. Chẳng giám khảo nào muốn một gương mặt “nhà quê” như Tonya trở thành đại diện cho cộng đồng trượt băng nghệ thuật đầy lịch lãm của nước Mỹ, bởi vậy sau nhiều thất bại, cô chỉ được đứng lên bục vinh quang trong giải vô địch trượt băng Hoa Kỳ khi thể hiện một động tác cực khó về mặt kỹ thuật mà trước đó chưa từng có nữ vận động viên nào thực hiện thành công trong các giải thi đấu chuyên nghiệp của Mỹ - cú nhảy xoay ba vòng trên không (“triple axel”). Vấp phải nhiều khó khăn trong việc chứng tỏ tên tuổi trên sân băng, Tonya còn có một cuộc sống riêng trắc trở hơn nhiều lần khi Jeff Gillooly - người chồng cô hết mực yêu thương và chung sống từ năm mới 19 tuổi lại mang trong mình dòng máu vũ phu. Những trận đòn triền miên của Jeff cuối cùng đã khiến Tonya phải đệ đơn ly dị ra toà nhưng rồi cũng chẳng thể thoát nổi vòng tay của gã đàn ông dẻo mồm mà cô đã chót trao tình yêu lớn đầu đời. Dù có khó khăn đến mấy trên sân băng hay đau đớn đến mấy dưới những cú tát như trời giáng của Jeff, nhưng Tonya Harding vẫn luôn cố gắng vượt qua bởi cuộc đời cô gắn liền với sân băng, gắn liền với những cuộc thi đấu và ước mơ về một tấm huy chương Thế vận hội mùa Đông. Như ngọn lửa mong manh giữa băng giá, giấc mơ đó của Tonya càng ngày càng trở nên xa vời với sự xuất hiện của những đối thủ như Nancy Kerrigan – nguyên cớ của âm mưu ngu ngốc của Jeff và gã bạn ngờ ngệch luôn tự xưng là “vệ sĩ của Tonya” Shawn Eckhardt.

Nếu chỉ dựa trên duy nhất nội dung của I, Tonya, khán giả cũng hoàn toàn có thể đánh giá rằng đây là một bộ phim hài chua cay hết sức sáng tạo với nhịp phim hấp dẫn, cốt truyện mạch lạc dễ hiểu bất chấp việc tác phẩm có nhiều tuyến nhân vật và lời kể xung đột lẫn nhau. Không chỉ giúp khán giả cười ra nước mắt vì vụ án hành hung hết sức ngớ ngẩn đối với Nancy Kerrigan của gã chồng cũ của Tonya, đạo diễn người Úc Craig Gillespie còn khiến người xem cảm thấy giật mình chua xót trước tuổi thơ chan chứa nỗi buồn của Tonya Harding và hết bất công này đến khó khăn khác mà cô vấp phải trên đường đời. Năm 2007, Gillespie từng gây dấu ấn với Lars and the Real Girl – một tác phẩm hết sức nhân văn mô tả tình cảm và nỗi cô đơn của anh chàng tỉnh lẻ kì dị Lars Lindstrom (Ryan Gosling). 10 năm sau đó, ông cùng nhà biên kịch Steven Rogers đã lại đem tới cho khán giả một nhân vật tỉnh lẻ cũng hết sức cô đơn và hết mực mong muốn được yêu thương khác – Tonya Harding. Tất nhiên nhiều khán giả có thể cho rằng vì bộ phim dựa trên các cuộc phỏng vấn của những người trong cuộc như Tonya, như Jeff, như LaVona, chẳng ai có thể chắc I, Tonya là một chân dung chân thật về nữ vận động viên tai tiếng bậc nhất trong lịch sử trượt băng nghệ thuật Hoa Kỳ, thậm chí họ có thể nghi ngờ rằng việc Gillespie khắc hoạ một Tonya Harding với vô số những tổn thương về thể chất và tinh thần như trên phim chỉ là cách để biện minh cho hành động bao che tội phạm của Tonya, hay giảm bớt tai tiếng về sự thiếu tinh thần thể thao mã thượng mà cô từng nhiều lần thể hiện trong và ngoài sân băng. Nhưng nếu xem qua những đoạn phim tư liệu về các cuộc thi đấu có sự xuất hiện của Tonya Harding – vốn được Craig Gillespie tái hiện lại chính xác đến từng khung hình, và tham khảo tiểu sử cuộc đời của Tonya – vốn chứa đựng những chi tiết còn gây sốc hơn nhiều lần về những khổ đau mà cô phải gánh chịu trước và sau vụ bê bối Tonya-Nancy, khán giả chắc chắn sẽ phải thừa nhận rằng I, Tonya quả thực là bộ phim quá xuất sắc trong việc dựng nên một chân dung nhiều chiều của một nhân vật bị nhìn nhận hoàn toàn một chiều suốt hai thập niên qua. Phải chăng chúng ta đã quá ngây thơ khi chỉ tin vào những chi tiết giật gân trên báo chí hay các kênh truyền hình lá cải để dựng nên bức chân dung một chiều đen tối đó của Tonya Harding? Phải chăng Tonya đã đúng khi kết tội một cách đau xót rằng chính người hâm mộ, chính những khán giả của các kênh tin tức lá cải chuyên khai thác những điểm tối, những chi tiết đời tư của Tonya bằng mọi giá cũng phải chịu trách nhiệm với bà LaVona, với Jeff, với Shawn về cuộc đời đen đủi của cô?

Sau khi xem xong I, Tonya, hẳn nhiều người sẽ phải ồ lên thán phục tài năng diễn xuất của Margot Robbie trong vai trung tâm của bộ phim – Tonya Harding. Nữ diễn viên đồng hương của đạo diễn Craig Gillespie không phải là cái tên xa lạ ở Hollywood khi vẻ gợi cảm, quyến rũ của cô được coi là một phần không thể thiếu của các bộ phim lớn như The Wolf of Wall Street (2013), The Legend of Tarzan (2016), và Suicide Squad (2016). Nhưng với I, Tonya, Robbie đã dũng cảm vứt bỏ hình tượng gợi cảm quen thuộc của cô để vào vai một cô gái trẻ quê mùa, cục mịch, tài năng trên sân băng nhưng cũng vô cùng xốc nổi trong quan hệ với những người xung quanh. Cuộc đời đầy biến động của Tonya Harding là mảnh đất màu mỡ cho bất cứ diễn viên nào muốn thể hiện năng lực diễn xuất thực sự, và Margot Robbie đã không phụ sự tin tưởng của đạo diễn Gillespie khi cô khắc hoạ hết sức thành công sự lạc lõng cả về bề ngoài và tính cách của Tonya nếu so với những vận động viên thanh nhã theo đúng truyền thống của môn trượt băng. Nhân vật Tonya Harding của Margot Robbie vừa có chất “điên” của một cô gái trẻ phải kiên cường lớn lên trong sự tàn nhẫn của người mẹ ruột và những buổi tập trên sân băng, vừa ngập tràn nỗi cô đơn trong sâu thẳm tâm hồn khi yêu thương mà chẳng mấy khi được đáp lại – một tình yêu nhiều lúc đơn phương với những người thân thiết và cả vẻ đẹp, vinh quanh trên sân đấu của bộ môn trượt băng nghệ thuật. Đặc biệt ở nửa cuối của bộ phim, khi gánh nặng từ những căng thẳng trên sân băng và bất đồng trong đời tư dần đè nặng lên đôi vai của Tonya, Margot Robbie đã thể hiện một cách xuất sắc từng nét mặt, từng cử chỉ, từng biến đổi về mặt tâm lý của nữ vận động viên người Mỹ đang trượt dần xuống vòng xoáy của vực thẳm thất bại. Sự ăn ý giữa Robbie và Sebastian Stan (người thủ vai anh chồng Jeff) và đặc biệt là Allison Janney trong vai bà LaVona cũng góp phần rất lớn vào sự sống động của bộ phim, và tạo cho I, Tonya một tuyến nhân vật phụ dày dặn với đời sống, tính cách riêng thay vì chỉ mang chức năng làm nền cho nhân vật chính Tonya Harding. Tất nhiên phần lớn những động tác trượt khó của Tonya Harding trong phim được các vận động viên trượt băng chuyên nghiệp thực hiện thay cho Margot Robbie, nhưng cô vẫn hoàn toàn xứng đáng với một lời khen ngợi vì những pha biểu diễn có phần ngắn ngủi nhưng rất thuyết phục với sự giúp đỡ của biên đạo nổi tiếng Sarah Kawahara – người từng hỗ trợ về mặt kỹ thuật trượt băng cho các bộ phim đáng chú ý về môn thể thao này như Blades of Glory (2007).

Phải khẳng định là dù có xuất sắc đến mấy thì I, Tonya cũng chẳng bao giờ có thể giúp Tonya Harding lấy lại những gì đã mất. Cô mãi mãi là đứa con ghẻ của làng trượt băng nghệ thuật Hoa Kỳ, không bao giờ còn có thể kiếm tìm vinh quang và tiền bạc bằng những cú nhảy xoay ba vòng trên không. Với nhiều người, Tonya cũng mãi mãi là cái tên gắn với những âm mưu hèn hạ, bỉ ổi, phi thể thao của những vận động viên hèn nhát không dám so tài trên sân đấu mà phải viện tới cách triệt hạ sau lưng đối thủ. Nhưng với sự trân trọng của đạo diễn Craig Gillespie và diễn xuất đáng ngợi khen của Margot Robbie, ít ra Tonya Harding cũng có thể an tâm rằng trong số các khán giả có cơ hội được xem bộ phim này, sẽ có nhiều người kiếm tìm lại những đoạn băng tư liệu cũ kỹ về những pha biểu diễn đẹp đẽ của cô, sẽ có những khán giả lên mạng đọc tiểu sử của Tonya để khám phá thêm về xuất thân phức tạp và cuộc đời đầy chông gai của nữ vận động viên một thời số một nước Mỹ này. Có thể họ sẽ vẫn không tha thứ cho những lầm lỗi năm xưa của Tonya Harding, nhưng ít nhất bằng cách ấy họ sẽ có được một hình ảnh đầy đủ hơn về Tonya nếu so với những chân dung hoàn toàn một chiều trên báo chí lá cải. Và có một điều Tonya Harding có thể chắc chắn, đó là chẳng khán giả nào sau khi xem xong phim sẽ quên được pha biểu diễn kì diệu xoay ba vòng trên không của cô – một động tác khó tới mức cho tới nay chỉ mới có tám nữ vận động viên trên thế giới từng thực hiện thành công cú xoay này trong các cuộc thi quốc tế. Có lẽ đó cũng có thể coi là một tấm huy chương an ủi cho giấc mơ dang dở với môn trượt băng nghệ thuật của Tonya Harding – một bi kịch hiện đại của thể thao thế giới.

====

mercredi 27 décembre 2017

Lady Bird (2017)


Tuy được chọn là thủ phủ của tiểu bang California, Sacramento lại chỉ là một thành phố nhỏ, xanh mướt và hiền hoà nếu so với những đại đô thị rộng lớn, đông đúc náo nhiệt khác ở Bờ Tây nước Mỹ như Los Angeles hay San Francisco. Cái chất trầm lắng, yên bình dưới ánh nắng Cali của Sacramento khiến nhiều người mê đắm, nhưng cũng lại làm không ít những cô nhóc cậu nhóc sinh ra và lớn lên ở thành phố nằm ở trái tim tiểu bang California này cảm thấy buồn chán và muốn chạy trốn khỏi sự tĩnh lặng nơi đây. Cô gái mười bảy tuổi Christine McPherson (Saoirse Ronan), hay “Lady Bird” (“Điểu cô nương”) McPherson như cái tên cô tự gọi mình, là một trong số ấy. Lady Bird chẳng may mắn được sinh ra trong nhung lụa khi mà bố mẹ của cô, bà y tá Marion (Laurie Metcalf) và ông Larry (Tracy Letts), luôn phải vật lộn với cuộc sống để nuôi lớn Lady Bird và người anh trai nuôi của cô Miguel (Jordan Rodrigues) trong căn nhà xập xệ thuộc khu phố nghèo của Sacramento, bản thân Lady Bird cũng phải theo học một trường trung học Công giáo với nhiều điều kiện ngặt nghèo để giảm bớt gánh nặng tài chính cho gia đình. Như để bù lại, mỗi ngày của Lady Bird luôn tràn đầy niềm vui và sự yêu thương từ bố mẹ cô, từ người bạn thân “quá khổ” Julie (Beanie Feldstein), hay từ cậu bạn trai rụt rè của những ngày cuối cấp Danny (Lucas Hedges). Nhưng sự bao bọc, che chở của ông bà Larry và Marion, hay những buổi tập kịch, đêm dạ vũ ở trường chỉ càng muốn Lady Bird tung cánh thoát khỏi mảnh đất Sacramento buồn chán, nhất là trong thời khắc lịch sử của một nước Mỹ đang chuyển mình thay đổi sau những biến cố như vụ khủng bố ngày 11 tháng 9 năm 2001 hay việc quân đội Hoa Kỳ bắt đầu tấn công Iraq năm 2003. Cô muốn được yêu, muốn trải nghiệm làm “người lớn” với Kyle (Timothée Chalamet) hay Jenna (Odeya Rush) - những người bạn “sành điệu” và thời thượng hơn Julie chất phác của cô, và hơn hết Lady Bird muốn được sống và học đại học ở những thành phố ngập tràn ánh sáng văn minh ở Bờ Đông nước Mỹ như New York. Liệu sự bình yên của Sacramento cùng tình cảm giản dị nhưng đậm sâu của những con người nơi đây có thể giữ được chân Lady Bird? Hay “Điểu cô nương” khi đã đủ lông đủ cánh ở cái tuổi 18 sẽ bay đi mãi mãi chẳng quay đầu trở lại?

Lady Bird là tác phẩm đầu tay của nữ đạo diễn trẻ Greta Gerwig, người đồng thời cũng là tác giả kịch bản của bộ phim này. Tuy đây mới là bộ phim đầu tiên Gerwig giới thiệu với khán giả trên vai trò đạo diễn, từ gần 10 năm trở lại đây cô đã trở thành một gương mặt quen thuộc trong giới làm phim độc lập Hoa Kỳ trong vai trò nàng thơ của đạo diễn phim độc lập nổi tiếng Noah Baumbach trong các bộ phim gây tiếng vang như Greenberg (2010), Frances Ha (2012), hay Mistress America (2015). Không chỉ dừng lại ở việc diễn xuất, Greta Gerwig cũng góp công rất lớn vào chất hài hước vừa đời thường, vừa độc đáo của Frances Ha và Mistress America trong vai trò đồng biên kịch của phim. Tuy vậy, Lady Bird có lẽ mới là dấu mốc quan trọng nhất trong sự nghiệp của Gerwig tính đến thời điểm hiện tại, không chỉ bởi cô lần đầu đứng sau máy quay chỉ đạo diễn xuất thay vì đứng trước máy quay trong vai trò diễn viên, không chỉ bởi cô bỏ hẳn ra một năm để viết bản thảo kịch bản của phim với cái tên ban đầu Mothers and Daughters (“Mẹ và con gái”), mà hơn hết là vì bộ phim phản ánh phần nào đó cuộc sống và suy tư của Greta Gerwig ở thời khắc cô chập chững bước vào đời. Cũng như Lady Bird, Gerwig sinh ra và lớn lên tại chính Sacramento trong tình thương yêu của một bà mẹ làm y tá và những năm tháng học phổ thông tại một trường trung học Công giáo chỉ dành cho nữ. Bối cảnh chính của truyện phim Lady Bird – nước Mỹ những năm 2002, 2003 cũng chính là thời điểm nữ nghệ sĩ sinh năm 1983 Gerwig trải qua những năm tháng đầu tiên của tuổi trưởng thành. Chính sự gần gũi giữa Lady Bird và tuổi trẻ của Greta Gerwig có lẽ đã giúp kịch bản bộ phim giữ được chất sống động từ đầu đến cuối với đủ mọi trạng thái cảm xúc được đặc tả một cách gần gũi, tự nhiên không hề khiên cưỡng. Với thời lượng chỉ 93 phút, sẽ có khán giả cho rằng việc giữ được sự nhịp nhàng, lúc sôi nổi với những cuộc vui tuổi trẻ, lúc trầm lắng trong những tâm sự gia đình của Lady Bird hoàn toàn nằm trong khả năng của một ngòi bút đã được khẳng định như Gerwig. Nhưng nữ đạo diễn-biên kịch 34 tuổi này còn khiến người xem phải thán phục trong việc đưa vào phim một mạng lưới dày đặc nhân vật và tình tiết sống động, trong đó không chỉ Lady Bird có được ước mơ, suy nghĩ và cuộc đời riêng, mà ngay cả những nhân vật phụ với thời lượng xuất hiện trên phim ít hơn cô bé 17 tuổi rất nhiều như ông bố Larry, cô bạn phúc hậu Julie, hay cậu bạn trai rắc rối Danny đều ít nhiều giành được tình cảm của khán giả với sự chân thật và suy nghĩ ấm áp của họ. Đặc biệt, “Lady Bird” đã vượt qua khuôn khổ của một bộ phim hài về lứa tuổi mới lớn thông thường bằng việc khắc hoạ hết sức thành công tình mẹ con sâu nặng, phức tạp, và đầy cảm động giữa Lady Bird và bà y tá Marion. Ai đã trải qua cái tuổi ẩm ương 17, 18 hẳn đều mang trong mình kỉ niệm về những lần hỗn hào, không nghe lời cha mẹ, về những thời khắc hiểu lầm, coi sự nghiêm khắc của cha mẹ là biểu hiện của sự thiếu vắng tình thương từ những người đã mang nặng đẻ đau để rồi chỉ nhận ra tình cảm thật sự của cha mẹ khi đã trưởng thành, khi đã trải nghiệm thất bại trong cuộc đời. Đó chính là hình ảnh của Lady Bird và mẹ cô trên phim – một đứa con sống nội tâm tới mức vô tâm và một bà mẹ cố lấy tấm màn nghiêm khắc để phủ lên tình yêu thương, quan tâm vô bờ bến bà dành cho con gái. Trong một năm của nhiều bộ phim hay về gia đình, có lẽ tình mẹ con giữa Lady Bird và mà Marion trong Lady Bird và tình cha con giữa Elio và ông Perlman trong Call Me by Your Name chính là những chân dung đẹp đẽ nhất về tình cảm, sự hy sinh của cha mẹ dành cho những đứa con thân yêu của họ. Thật tình cờ là người thủ vai Elio trong Call Me by Your Name - Timothée Chalamet cũng rất thành công trong vai Kyle – anh bạn lãng tử và ham triết lý của Lady Bird. 

Sau thành công vang dội với vai diễn Eilis Lacey trong Brooklyn năm 2015, nữ diễn viên trẻ người Ireland Saoirse Ronan được đánh giá là một trong những ngôi sao đang lên của điện ảnh Hollywood. Tuy vậy cô lại dành cả năm 2016 để tham gia sân khấu kịch và chỉ trở lại với màn ảnh lớn trong năm 2017 với một tác phẩm nhỏ thuộc dòng phim độc lập Lady Bird. Nhưng chỉ một vai diễn Lady Bird cũng đã là quá đủ để Saoirse Ronan chứng tỏ với khán giả rằng vô số đề cử và giải thưởng cô giành được cho vai diễn trong Brooklyn không phải là may mắn hay thành công nhất thời, mà là vì cô thực sự có tài năng với sự nhạy cảm tuyệt vời ẩn dưới một vẻ đẹp mong manh nhưng vẫn trẻ trung đầy sức sống. Có lẽ chính Greta Gerwig cũng phải hài lòng với việc “để” Ronan vào một vai diễn phần nào đó phản ánh tuổi trẻ của chính Gerwig, khi mà nữ diễn viên 23 tuổi đã thể hiện hoàn toàn thuyết phục không chỉ những nụ cười, giọt nước mắt, hay sự ngốc ngếch của một cô bé sắp tròn 18 tuổi, mà còn cả phút giây rung động đầu đời hay những thời khắc tuyệt vọng, cô đơn trong tâm hồn một thiếu nữ mà Gerwig đã dùng chính trải nghiệm đời mình để đưa vào kịch bản. Đối lập với sự ngây thơ, trẻ trung của Saoirse Ronan trong vai Lady Bird là sự chín chắn, ý nhị đậm màu thời gian của Tracy Letts trong vai ông Larry và đặc biệt là Laurie Metcalf trong vai bà Marion. Vốn được biết tới chủ yếu qua các vai diễn sân khấu và truyền hình, nữ diễn viên gạo cội Laurie Metcalf đã giúp nâng tầm Lady Bird với một vai diễn có chiều sâu không thua kém gì nhân vật chính do Ronan đảm nhiệm nếu không nói là có phần còn khó khăn hơn bởi Saoirse Ronan được vào vai một thiếu nữ sẵn sàng bộc lộ mọi suy nghĩ, tình cảm, trong khi vai Marion của Laurie Metcalf lại luôn phải kìm nén cảm xúc dưới vỏ ngoài tưởng chừng chai sạn, cứng rắn của một người phụ nữ phải bôn ba lo toan cho cả gia đình. Sự ăn ý giữa Lady Bird và bà Marion thực sự đã biến bộ phim của Greta Gerwig trở thành một bộ phim nữ quyền tiêu biểu cho Hollywood những năm gần đây, khi mà các nhân vật nữ trong phim luôn chủ động với ước muốn định đoạt tương lai, số phận của họ, nhưng cũng không vì thế mà mất đi những tình cảm sâu sắc, chân thành mà họ luôn lưu giữ trong tim cho những người yêu quý. 

Là một tác phẩm thuộc dòng độc lập với kinh phí chỉ khoảng 10 triệu đô la, Lady Bird có thể được xếp vào loại phim “nhỏ” với bối cảnh đơn giản, đời thường, nhiều màu xanh thiên nhiên cỏ cây, vắng bóng đại cảnh hay kĩ xảo. Nhưng dưới vẻ ngoài dung dị ấy, Lady Bird lại chứng đựng một truyện phim vô cùng đa dạng và cảm động về những trăn trở đầu đời của cô thiếu nữ Lady Bird đang tìm cho mình một chân trời mới, về sự vô giá của tình yêu thương giữa những người trong gia đình – thứ tình cảm duy nhất vĩnh viễn đi theo ta dù ở bất cứ nơi đâu, và về mối dây liên hệ vô hình giữa mỗi người và nơi chôn rau cắt rốn của họ. Bởi thế, Lady Bird hoàn toàn xứng đáng được coi là một tác phẩm “lớn”, nơi mỗi khán giả sau khi thưởng thức bộ phim đều có thể tìm cho mình một câu truyện, một chi tiết nào đó nhắc nhớ tới quá khứ của chính họ. Con chim chỉ có thể đủ lông đủ cánh để bay đi tìm chân trời mới từ một chiếc tổ vững chãi. Con người chỉ có thể thực sự vươn lên phía trước, thực sự hướng tới tương lai nếu họ biết trân trọng nguồn cội, trân trọng quá khứ. Đó có lẽ là một phần thông điệp Greta Gerwig muốn gửi đến khán giả. Một thông điệp đẹp đến từ một tác giả nữ tài năng, một người chắc chắn sẽ góp phần làm nên gương mặt của điện ảnh Hollywood trong những năm sắp tới.

======

dimanche 24 décembre 2017

Call Me by Your Name (2017)


Gia đình giáo sư khảo cổ gốc Do Thái Perlman (Michael Stuhlbarg) sở hữu một căn biệt thự tuyệt đẹp ở vùng đồng quê nước Ý, nơi ông nghiên cứu những di vật và phế tích của nền văn minh Hy Lạp-La Mã và tận hưởng cuộc sống an nhàn bên người vợ Annella (Amira Casar) và cậu con trai 17 tuổi Elio (Timothée Chalamet). Báu vật của ông bà Perlman – Elio là cậu nhóc mới lớn không chỉ được mọi người yêu quý vì tài năng âm nhạc, vì sở thích đọc sách đến mê mỏi, mà còn sở hữu vẻ đẹp mỏng manh, đầy chất nội tâm gợi nhớ đến những bức tượng thành hình dưới bàn tay của các nghệ nhân Hy Lạp thời cổ đại. Có lẽ tuổi mới lớn của Elio sẽ tiếp tục êm đềm và yên bình như những thị trấn cổ kính của nước Ý nếu không có sự xuất hiện giữa mùa hè Địa Trung Hải của Oliver (Armie Hammer), anh chàng sinh viên người Mỹ vạm vỡ, đẹp trai cũng mang trong mình dòng máu Do Thái. Được giáo sư Perlman mời tới biệt thự của ông để trợ giúp việc nghiên cứu, Oliver nhanh chóng gây ấn tượng và chiếm được tình cảm từ vợ chồng ông giáo sư, từ những cô bạn gái cũng đang tuổi mới lớn của Elio, và cuối cùng là từ chính Elio vì sự tự nhiên, chủ động đầy chất “Mỹ”. Một đang ở cái tuổi vô lo vô nghĩ, một đang đau đầu với những câu hỏi về sự nghiệp, về việc lập gia đình. Một sống nội tâm, khép kín, lãng đãng với những nốt nhạc, đoạn thơ, một trưởng thành, quảng giao, chủ động trong việc làm quen, thu hút cảm tình của mọi người. Một mang vẻ đẹp mềm mại có phần nữ tính của đàn ông Địa Trung Hải, một toát ra vẻ đàn ông mạnh mẽ gây ấn tượng từ cái nhìn đầu tiên đặc trưng cho xứ cờ hoa. Elio và Oliver dường như là hai mảnh ghép với hình dạng hoàn toàn khác nhau, nhưng trong mùa hè rực rỡ của nước Ý đầu thập niên 1980 ấy, họ lại chợt nhận ra rằng đó là hai mảnh ghép vừa khớp trong cuộc đời của mỗi người.

Người chắp bút chuyển thể tiểu thuyết Call Me by Your Name của nhà văn Mỹ André Aciman thành kịch bản điện ảnh là nhà làm phim 89 tuổi James Ivory – người đồng thời đảm nhiệm vai trò sản xuất của bộ phim. Với nhiều khán giả trẻ có lẽ cái tên James Ivory không thực sự gây nhiều ấn tượng, nhưng với người yêu điện ảnh giai đoạn thập niên 1980 và 1990 thì chắc chắn bộ ba Ismail Merchant - James Ivory - Ruth Prawer Jhabvala sẽ gợi nhớ cho họ nhiều kỉ niệm điện ảnh đáng nhớ. Là bởi bộ ba nhà sản xuất-đạo diễn-biên kịch này của hãng phim lừng danh một thủa Merchant Ivory Productions chính là tác giả của những bộ phim xuất sắc lấy đề tài tình cảm lãng mạn trong khung cảnh lịch sử như A Room with a View (1985), Howards End (1992), hay The Remains of the Day (1993). Lấy bối cảnh là miền đồng quê và những thị trấn châu Âu cổ kính, các sản phẩm điện ảnh của Merchant Ivory Productions thường lôi cuốn khán giả bằng truyện phim đầy cảm xúc, phảng phất hơi hướng hoài cổ, và các nhân vật dù hạnh phúc hay đau khổ vẫn luôn giữ được cốt cách thanh lịch. Merchant qua đời năm 2005, tám năm sau đó đến lượt nữ biên kịch Jhabvala, tưởng chừng chỉ một mình James Ivory vốn cũng đã ở cái tuổi gần đất xa trời sẽ chẳng thể tiếp tục phong cách rất đặc trưng của Merchant Ivory Productions. Bởi vậy, Call Me by Your Name quả thực là một bất ngờ thú vị cho giới mộ điệu điện ảnh nói chung, và cho những người từng yêu thích phim của hãng Merchant Ivory Productions nói riêng, khi tác phẩm do James Ivory chắp bút này đã lại một lần nữa khiến người xem phải mê đắm với không gian lãng mạn, hoài cổ của miền quê nước Ý đầu những năm 1980 và những nhân vật thanh lịch, phóng khoáng nhưng không kém phần sâu sắc. 

Gây ngạc nhiên trong việc lưu giữ hơi thở cổ kính, lịch lãm theo phong cách Merchant Ivory Productions, nhưng Call Me by Your Name vẫn giữ được sự tươi mới, đột phá trong cách xử lý đề tài truyền thống của điện ảnh – khao khát tình cảm trong tâm hồn mỗi người. Thành công này của Call Me by Your Name tất nhiên phần lớn xuất phát từ tài năng của đạo diễn bộ phim – nhà làm phim người Ý Luca Guadagnino. Đạo diễn Guadagnino coi Call Me by Your Name là tác phẩm mới nhất trong bộ ba phim mô tả mong muốn được yêu thương của mỗi người sau I Am Love (2010) và A Bigger Splash (2015). Tiếp nối thành công lớn về mặt nghệ thuật của I Am Love và A Bigger Splash trong việc đặc tả những con người đang mong mỏi được cho, và nhận tình cảm ẩn sâu trong tâm hồn họ, Call Me by Your Name đã đem đến cho người xem chân dung hết sức chân thật và cảm động của hai người trẻ đang ngập ngừng tìm đến với nhau với đầy khao khát tình yêu nhưng cũng ẩn giấu những lo sợ, rụt rè trước định kiến của xã hội, trước những hoài nghi có thể có từ chính những người thân thiết xung quanh họ. Không chỉ xuất sắc trong việc khắc hoạ cá tính, suy tư, tình cảm của Elio và Oliver, đạo diễn Guadagnino còn khiến người xem phải ngả mũ vì cách kể chuyện mộc mạc, hé lộ từng chi tiết trong tính cách nhân vật cùng tương tác giữa họ một cách chậm rãi nhưng vẫn đầy lôi cuốn và bất ngờ. Hơn thế nữa, tuy Call Me by Your Name là câu chuyện mối tình đầu của Elio với Oliver, nhưng đạo diễn người Ý không vì thế mà lãng quên những nhân vật phụ của phim – những người thân thiết của Elio và góp phần tạo nên tính cách, cuộc đời của chính cậu nhóc đang tuổi mới lớn này như ông bà Perlman hay cô bạn gái Marzia (Esther Garrel). Thậm chí nhân vật trung tâm của phân đoạn có lẽ là xuất sắc nhất, cảm động nhất, đi vào lòng người nhất của Call Me by Your Name – một bộ phim đầy ắp những phân đoạn cảm động lại được đạo diễn Guadagnino dành cho một trong số những nhân vật phụ ấy thay vì Elio hay Oliver. Góp phần vào hiệu quả cảm xúc của phim cũng phải kể tới sự đóng góp của nhà quay phim người Thái Lan Sayombhu Mukdeeprom – tác giả phần hình ảnh của bộ phim Thái từng giành giải Cành cọ vàng Uncle Boonmee Who Can Recall His Past Lives, và đặc biệt là của nhạc sĩ-ca sĩ Sufjan Stevens – người đã hỗ trợ Guadagnino thổi hơi thở hoài cổ, lãng đãng của thập niên 1970, 1980 vào Call Me by Your Name qua phần nhạc phim pha trộn giữa nhạc cổ điển và các bản nhạc đương đại. 

Sau thành công sớm qua vai diễn phụ trong The Social Network (2009), Armie Hammer được coi là một trong những tên tuổi triển vọng của điện ảnh Hollywood với tài năng diễn xuất được thừa nhận và vẻ ngoài đẹp trai hết sức ăn hình. Tuy vậy, suốt những năm sau đó Hammer luôn phải loay hoay tìm chỗ đứng cho mình với không nhiều vai diễn đáng nhớ và cả những thất bại lớn như vai diễn trong bộ phim thua lỗ kỉ lục The Lone Ranger (2013). Với vai diễn Oliver trong Call Me by Your Name, cuối cùng Armie Hammer đã lại có thể chinh phục khán giả và giới phê bình khó tính bằng diễn xuất đầy cảm xúc và đa diện, vừa mạnh mẽ, vừa rụt rè mong manh. Hammer xuất sắc, nhưng phát hiện mới Timothée Chalamet có lẽ còn gây ấn tượng nhiều hơn bằng một vai diễn với chiều sâu tâm hồn đáng nể với biến hoá cảm xúc khó lường đúng với hình tượng của một cậu nhóc 17 tuổi. Chứng kiến diễn xuất phóng khoáng nhưng cũng đầy ẩn ức của Chalamet trong vai Elio, chắc chắn nhiều khán giả sẽ tìm thấy một phần nào đó của chính họ khi ở vào độ tuổi ẩm ương như cậu thiếu niên đẹp trai giữa mùa hè nước Ý. Và tất nhiên, sau khi xem xong Call Me by Your Name, khán giả sẽ chẳng thể quên được hai gương mặt ấm áp, nồng hậu của Michael Stuhlbarg và Amira Casar trong vai bố mẹ của Elio. Với riêng diễn viên tài năng Stuhlbarg, có lẽ là không ngoa khi cho rằng đây là diễn xuất ấn tượng nhất của anh kể từ A Serious Man (2009) – vai diễn từng đem lại nhiều giải thưởng và đề cử cho nam diễn viên có đôi mắt hút hồn người xem này.

Việc khắc hoạ những mối tình đồng tính trên màn ảnh lớn luôn ít nhiều khiến khán giả phải xì xào, đặc biệt là khi một nửa của mối tình ấy lại chỉ là một cậu nhóc mới lớn còn chưa bước qua ngưỡng vị thành niên như Elio. Vì vậy, thật ngạc nhiên khi Call Me by Your Name lại chẳng khiến người xem cảm thấy phải băn khoăn, suy nghĩ vì những cung bậc cảm xúc của hai nhân vật nam chính được lột tả hết sức chân thực xuyên suốt bộ phim. Có lẽ thành công này xuất phát từ cách kể chuyện nhẹ nhàng, dung dị của đạo diễn Guadagnino và biên kịch Ivory, hoặc từ diễn xuất có hồn của Hammer và Chalamet. Nhưng có lẽ sự lôi cuốn của phim còn xuất phát từ một lý do đơn giản hơn thế, đó là vì thông điệp phổ quát nhưng cũng lại dễ đi vào lòng người của bộ phim – người ta chỉ sống một lần trên đời, bởi vậy hãy dành tuổi trẻ để yêu và sống hết mình trước khi thời khắc ấy trôi qua và mãi mãi không trở lại. Với thông điệp đầy ý nghĩa ấy, dù chưa chắc có thể chiến thắng tại các giải thưởng lớn, nhưng chắc chắn Call Me by Your Name sẽ được coi là một trong những tác phẩm điện ảnh đáng nhớ nhất của năm 2017.

===


mardi 12 décembre 2017

mother! (2017)


Giữa đống tro tàn của toà biệt thự bị thiêu rụi bởi một đám cháy không rõ nguyên cớ, Nhà thơ (Javier Bardem) chỉ lặng cười đặt báu vật của ông - viên đá pha lê góc cạnh lên giá, để rồi tro tàn lại tái sinh thành căn nhà còn thơm mùi vữa, và trên giường của Nhà thơ, người vợ xinh đẹp quyến rũ của ông (Jennifer Lawrence) lại hồi sinh trong ánh nắng buổi sớm để cất tiếng gọi chồng. Ngoại trừ việc dòng sáng tác vẫn đang tắc trong đầu Nhà thơ khiến ông chẳng thể viết ra một dòng thơ mới mẻ nào, cuộc sống của ông và người vợ trẻ dường như chẳng thể êm đềm hơn với toà biệt thự rộng rãi nhưng luôn vẫn ấm cúng giữa đồng cỏ xanh mướt, với nhất là với tình yêu đượm nồng hai người dành cho nhau. Nhưng mọi thứ bắt đầu đảo lộn khi một đêm khuya vắng, một người đàn ông lạ mặt (Ed Harris) tự xưng là bác sĩ gõ cửa toà biệt thự của Nhà thơ vì tưởng đây ngôi nhà của hai người là một quán trọ - giữa đồng không mông quạnh. Bất chấp sự phản đối của vợ, Nhà thơ vẫn quyết định mời người đàn ông lạ mặt kia ngủ lại qua đêm mà không ngờ rằng sự hiện diện của ông ta, và sau đó là bà vợ (Michelle Pfeiffer), hai đứa con của lão (Domhnall Gleeson và Brian Gleeson), và rất nhiều người khác nữa sẽ vĩnh viễn tước đi sự yên bình trong cuộc sống của Nhà thơ và vợ ông – người phụ nữ hoài thai đang chờ đón những năm tháng trở thành người mẹ của đứa con đầu lòng.

Phần mở đầu nói trên của mother!” hẳn sẽ khiến nhiều khán giả bất ngờ bởi nó chẳng hề mang màu sắc kinh dị, rùng rợn như đoạn quảng cáo trailer của phim được phát cách đây vài tháng. Quả thực, khó ai có thể gọi đây là một bộ phim kinh dị, khi mà tác phẩm mới nhất này của đạo diễn nổi tiếng Darren Aronofsky có thể coi là sự tiếp nối của dòng phim tác giả về sự cô đơn, về tôn giáo, và về ranh giới nhạt nhoà giữa hiện thực và mộng tưởng của ông với những tác phẩm gây nhiều tiếng vang như Pi (1998), Requiem for a Dream (2000), The Fountain (2006), và mới đây nhất là Black Swan (2010). Khác với các tác phẩm có cốt truyện tương đối tuyến tính và dễ nắm bắt khác của Aronofsky là The Wrestler (2008) và Noah (2014), những bộ phim thuộc dòng phim tác giả, đậm chất cá nhân kể trên của đạo diễn 48 tuổi lôi cuốn khán giả bởi kịch bản nhiều lớp lang và tuyến nhân vật đa dạng, phức tạp. Tác phẩm mới nhất của Aronofsky không nằm ngoài xu hướng này khi bộ phim có bối cảnh hết sức đơn giản – chỉ gói gọn bên trong toà biệt thự của Nhà thơ với chỉ hai nhân vật chính – Nhà thơ và người mẹ trẻ, nhưng lại chứa đựng vô số câu hỏi không dễ giải đáp đối với khán giả. Tại sao người mẹ trẻ luôn hết mực yêu thương, chăm sóc chồng nhưng Nhà thơ dường như chỉ hờ hững đáp lại tình cảm của vợ? Tại sao viên pha lê với hình thù kì dị lại được dùng để làm điểm khởi đầu cho cả bộ phim? Tại sao ngọn lửa đỏ dưới tầng hầm căn nhà lại chẳng bao giờ tắt? Liên tiếp những câu hỏi như vậy được đặt ra cho khán giả xuyên suốt bộ phim và chỉ một phần trong số đó thực sự được giải đáp bởi phần kết hết sức bất ngờ của mother!. Cô vàn chi tiết và bí ẩn như vậy có thể giúp bộ phim trở nên đa nghĩa, giàu tính biểu tượng, nhưng chúng cũng dễ dàng làm khán giả trở nên mất phương hướng, thậm chí là rối loạn khi theo dõi tác phẩm, nhất là khi cốt truyện chính của mother! có thể coi là tương đối rời rạc với nhiều nhân vật phụ và phân cảnh riêng rẽ, thiếu đi một mạch phim giúp dẫn dắt khán giản. Rất may cho mother! là tuy thiếu đi sự mạch lạc, dễ tiếp cận đối với số đông khán giả, bộ phim lại được biên tập hết sức chắc tay với nhịp phim được thay đổi rất uyển chuyển từ chậm rãi sang dồn dập, từ êm đềm sang bùng nổ khiến khán giả dù có thể không hiểu hết ý tứ của đạo diễn nhưng vẫn cảm thấy bị cuốn theo không khí ma mị của phim và số phận của những nhân vật bí ẩn trong phim.

Nếu xét về mặt bố cục và tuyến nhân vật chính thì mother! có phần nào đó giống với The Fountain – tác phẩm lãng mãn-khoa học giả tưởng của Darren Aronofsky ra đời năm 2006. Cũng xoay quanh tình yêu bất tận của hai nhân vật chính (do Hugh Jackman và Rachel Weisz thủ vai), The Fountain có lẽ đã khiến trái tim của nhiều người xem phải rung động bởi mối tình truyền kiếp được Jackman và Weisz thể hiện một cách tuyệt vời trong phim, nhưng chắc chắn cũng khiến nhiều người phải vò đầu bứt tai vì kịch bản phi tuyến tính hết sức rắc rối của tác phẩm này. Tuy cũng sở hữu một cặp đôi diễn viên thực lực như Jackman và Weisz là Javier Bardem và Jennifer Lawrence, nhưng có lẽ mother! không thực sự gây được ấn tượng lớn với khán giả về mặt diễn xuất của dàn diễn viên khi mà Bardem không có quá nhiều đất diễn còn ngôi sao nữ hàng đầu Hollywood Lawrence – nữ diễn viên được biết tới với qua những nhân vật mạnh mẽ, kiên cường lại phải đảm nhận một vai diễn tương đối bị động và một màu. Dù việc Aronofsky tước đi sự chủ động của các nhân vật bằng cách liên tiếp đặt họ vào những tình huống khó xử là hoàn toàn nằm trong chủ ý của đạo diễn người Mỹ, nhưng lựa chọn này cũng lại khiến Bardem và Lawrence không phát huy được sở trường diễn xuất của họ như cách bộ đôi Jackman-Weisz trong The Fountain, Mickey Rourke trong The Wrestler, hay Natalie Portman trong Black Swan đã làm được dưới sự chỉ đạo diễn xuất của Aronofsky. Một điểm đáng chú ý là tuy cùng được giới phê bình đánh giá tương đối tích cực như The Fountain, nhưng sau hơn một thập kỉ làm phim có lãi, Darren Aronofsky với mother! lại lập lại thất bại về mặt doanh thu của The Fountain, một phần vì bị hãng Paramount marketing “hỏng”, nhưng cũng một phần vì truyện phim khó hiểu không phù hợp thị hiếu khán giả của mother!.

Là một tác phẩm thuộc dòng phim tác giả, mother! là một bộ phim mở với nhiều chi tiết, bí ẩn để ngỏ cho khán giả có cách lý giải cho riêng mình. Nhiều người cho rằng đây là một bộ phim về đề tài môi trường-tôn giáo, trong đó nhân vật người mẹ là tượng trưng cho Trái Đất luôn mở rộng vòng tay yêu thương với những gì do Đấng tạo hoá mang lại như con người, nhưng cũng lại phải chịu đựng vô số những tổn thương do chính con người mang lại. Nếu nhìn vào sự ích kỷ của Nhà thơ vô cảm trong căn nhà trống bất chấp tình yêu của người mẹ trẻ, khán giả cũng lại có thể tìm thấy trong đó sự khốc liệt, thậm chí là tàn nhẫn trong quá trình thai nghén ra những tác phẩm để đời của các tác giả lớn – những người phải hy sinh cảm xúc, hy sinh những quan hệ gần gũi để có thể có được chất liệu viết nên những đoạn văn, câu thơ in dấu trong tâm hồn độc giả. Và nếu chỉ đơn giản là ngồi lặng nghe giọng ca của huyền thoại Patti Smith thể hiện ca khúc mộc mạc về tình yêu The End of the World ở đoạn kết của phim, chắc hẳn nhiều người xem cũng sẽ lại nhận ra rằng cũng như Requiem for a Dream, như The Fountain, như The Wrestler, mother! cũng lại là một lời trân trọng của Darren Aronofsky dành cho tình cảm giữa những người thân thiết, dành cho những người dám hy sinh vì những người họ yêu thương. Bởi những lớp ý nghĩa sâu sắc ấy, nên dù có khó hiểu và gây mất phương hướng ở nửa đầu phim, nhưng mother! vẫn hoàn toàn xứng đáng để khán giả ngồi xem cho đến những giây phút cuối cùng. 

=====