some quotes....

I just want to tell you, I'm the one who was supposed to take care of everything. I'm the one who was supposed to make everything okay for everybody. It just didn't work out like that. And I left. I left you... And now, I'm an old broken down piece of meat... and I'm alone. And I deserve to be all alone. I just don't want you to hate me.

-Randy 'The Ram' Robinson, The Wrestler

jeudi 28 décembre 2017

I, Tonya (2017)


Trong số các môn thể thao thuộc hệ thống Thế vận hội, trượt băng nghệ thuật luôn có chỗ đứng riêng trong lòng khán giả bởi chất thanh nhã pha chút quý tộc với các vận động viên ăn vận đẹp đẽ như các chàng hoàng tử, công chúa vừa bước ra từ truyện cổ tích cùng các bài biểu diễn vừa phức tạp, vừa duyên dáng trong tiếng nhạc cổ điển. Vì vậy mà năm 1994 những người yêu trượt băng nghệ thuật Hoa Kỳ đã thực sự choáng váng khi tất cả các hãng truyền thông và báo lớn của nước này đưa tin chồng cũ của Tonya Harding – một trong những nữ vận động viên trượt băng nghệ thuật sáng giá nhất nước Mỹ thời điểm đó đã thuê kẻ xấu đánh gẫy chân đối thủ của vợ cũ tại giải vô địch trượt băng Hoa Kỳ sắp diễn ra là Nancy Kerrigan, người đồng thời cũng là đồng đội của Harding tại đội tuyển quốc gia Mỹ tranh tài tại Thế vận hội mùa đông. Từ đỉnh cao khi được khán giả của bộ môn trượt băng khắp nước Mỹ hâm mộ cuồng nhiệt vì những cú nhảy xoay ba vòng trên không (“triple axel”) độc nhất vô nhị, Tonya Harding nhanh chóng rơi xuống vực sâu của búa rìu dư luận vì cô bị nghi là đồng loã tiếp tay cho người chồng cũ Jeff Gillooly, hoặc ít ra cũng là nhắm mắt làm ngơ trước âm mưu ghê tởm và phi thể thao nhằm loại bỏ đối thủ Nancy Kerrigan khỏi cuộc đua tới một chỗ dự tranh Thế vận hội mùa đông 1994 tại Lillehammer, Na Uy. Chính thức bị toà án kết tội bao che cho chồng phạm tội không lâu sau đó, Tonya Harding không chỉ phải nhận án tù treo và phạt tiền, cô còn bị loại bỏ vĩnh viễn khỏi làng trượt băng nghệ thuật chuyên nghiệp Hoa Kỳ, và có lẽ đau đớn hơn cả là cái tên Tonya Harding đối với người yêu thể thao từ thời điểm đó trở đi đã trở nên đồng nghĩa với những toan tính phi thể thao, với âm mưu làm vấy bẩn một trong những bộ môn thanh nhã, cao quý nhất của thể thao thế giới. 

Hơn hai thập niên sau ngày cái tên Tonya Harding mãi mãi đi vào sổ đen của bộ môn trượt băng nghệ thuật, đạo diễn người Úc Craig Gillespie đã đem đến cho khán giả một góc nhìn mới về cuộc đời Harding và những sự kiện đã dẫn đến hành động bạo lực vô tiền khoáng hậu đối với Nancy Kerrigan năm nào qua bộ phim I, Tonya. Có thể coi là một tác phẩm tiểu sử về Tonya Harding, I, Tonya khắc hoạ lại cuộc hành trình đầy gian nan đến với trượt băng nghệ thuật của Harding qua lời kể của chính Tonya (Margot Robbie) và những người có dính líu đến cuộc đời cô như bà mẹ khắc nghiệt LaVona (Allison Janney), anh chồng cũ với máu bạo lực Jeff (Sebastian Stan) và tay đồng loã ngớ ngẩn Shawn Eckhardt (Paul Walter Hauser), huấn luyện viên trượt băng Diane Rawlinson (Julianne Nicholson), và nhà sản xuất của kênh tin tức lá cải (Bobby Cannavale). Tuy I, Tonya tiếp cận cuộc đời của ngôi sao sân băng một thời theo phong cách hài chua cay (“black comedy”) với vô số những chi tiết mâu thuẫn qua lời kể không thực sự đáng tin của các nhân chứng của cuộc đời Tonya Harding và của chính cô, nhưng qua tác phẩm này, người xem cũng có thể phần nào hình dung được cuộc sống khổ đau và những nhân tố đã tạo nên tính cách và số phận của Tonya Harding. Có một tuổi thơ chẳng mấy êm đẹp bên bà mẹ sẵn sàng hy sinh từng xu cóp nhặt được qua nghề hầu bàn để con gái có thể theo học trượt băng nhưng kèm theo đó là sự hà khắc đến tàn nhẫn vì kì vọng vào tương lai của con, Tonya sớm hình thành trong mình một cá tính mạnh mẽ, nổi loạn, và bùng nổ trái ngược hẳn với những phẩm chất thường được coi trọng của môn trượt băng như sự đằm thắm, dịu dàng, quý phái. Cộng thêm ngoại hình chẳng lấy gì làm bắt mắt với mái tóc xoăn bù xù, căn bệnh hen suyễn kinh niên, và xuất thân nghèo khó tới mức chẳng phải biểu diễn trong những bộ quần áo tự may vá, Tonya Harding nghiễm nhiên trở thành đứa con ghẻ của làng trượt băng Hoa Kỳ bất chấp tài năng thiên phú và nỗ lực luyện tập không kể ngày đêm của cô gái trẻ. Chẳng giám khảo nào muốn một gương mặt “nhà quê” như Tonya trở thành đại diện cho cộng đồng trượt băng nghệ thuật đầy lịch lãm của nước Mỹ, bởi vậy sau nhiều thất bại, cô chỉ được đứng lên bục vinh quang trong giải vô địch trượt băng Hoa Kỳ khi thể hiện một động tác cực khó về mặt kỹ thuật mà trước đó chưa từng có nữ vận động viên nào thực hiện thành công trong các giải thi đấu chuyên nghiệp của Mỹ - cú nhảy xoay ba vòng trên không (“triple axel”). Vấp phải nhiều khó khăn trong việc chứng tỏ tên tuổi trên sân băng, Tonya còn có một cuộc sống riêng trắc trở hơn nhiều lần khi Jeff Gillooly - người chồng cô hết mực yêu thương và chung sống từ năm mới 19 tuổi lại mang trong mình dòng máu vũ phu. Những trận đòn triền miên của Jeff cuối cùng đã khiến Tonya phải đệ đơn ly dị ra toà nhưng rồi cũng chẳng thể thoát nổi vòng tay của gã đàn ông dẻo mồm mà cô đã chót trao tình yêu lớn đầu đời. Dù có khó khăn đến mấy trên sân băng hay đau đớn đến mấy dưới những cú tát như trời giáng của Jeff, nhưng Tonya Harding vẫn luôn cố gắng vượt qua bởi cuộc đời cô gắn liền với sân băng, gắn liền với những cuộc thi đấu và ước mơ về một tấm huy chương Thế vận hội mùa Đông. Như ngọn lửa mong manh giữa băng giá, giấc mơ đó của Tonya càng ngày càng trở nên xa vời với sự xuất hiện của những đối thủ như Nancy Kerrigan – nguyên cớ của âm mưu ngu ngốc của Jeff và gã bạn ngờ ngệch luôn tự xưng là “vệ sĩ của Tonya” Shawn Eckhardt.

Nếu chỉ dựa trên duy nhất nội dung của I, Tonya, khán giả cũng hoàn toàn có thể đánh giá rằng đây là một bộ phim hài chua cay hết sức sáng tạo với nhịp phim hấp dẫn, cốt truyện mạch lạc dễ hiểu bất chấp việc tác phẩm có nhiều tuyến nhân vật và lời kể xung đột lẫn nhau. Không chỉ giúp khán giả cười ra nước mắt vì vụ án hành hung hết sức ngớ ngẩn đối với Nancy Kerrigan của gã chồng cũ của Tonya, đạo diễn người Úc Craig Gillespie còn khiến người xem cảm thấy giật mình chua xót trước tuổi thơ chan chứa nỗi buồn của Tonya Harding và hết bất công này đến khó khăn khác mà cô vấp phải trên đường đời. Năm 2007, Gillespie từng gây dấu ấn với Lars and the Real Girl – một tác phẩm hết sức nhân văn mô tả tình cảm và nỗi cô đơn của anh chàng tỉnh lẻ kì dị Lars Lindstrom (Ryan Gosling). 10 năm sau đó, ông cùng nhà biên kịch Steven Rogers đã lại đem tới cho khán giả một nhân vật tỉnh lẻ cũng hết sức cô đơn và hết mực mong muốn được yêu thương khác – Tonya Harding. Tất nhiên nhiều khán giả có thể cho rằng vì bộ phim dựa trên các cuộc phỏng vấn của những người trong cuộc như Tonya, như Jeff, như LaVona, chẳng ai có thể chắc I, Tonya là một chân dung chân thật về nữ vận động viên tai tiếng bậc nhất trong lịch sử trượt băng nghệ thuật Hoa Kỳ, thậm chí họ có thể nghi ngờ rằng việc Gillespie khắc hoạ một Tonya Harding với vô số những tổn thương về thể chất và tinh thần như trên phim chỉ là cách để biện minh cho hành động bao che tội phạm của Tonya, hay giảm bớt tai tiếng về sự thiếu tinh thần thể thao mã thượng mà cô từng nhiều lần thể hiện trong và ngoài sân băng. Nhưng nếu xem qua những đoạn phim tư liệu về các cuộc thi đấu có sự xuất hiện của Tonya Harding – vốn được Craig Gillespie tái hiện lại chính xác đến từng khung hình, và tham khảo tiểu sử cuộc đời của Tonya – vốn chứa đựng những chi tiết còn gây sốc hơn nhiều lần về những khổ đau mà cô phải gánh chịu trước và sau vụ bê bối Tonya-Nancy, khán giả chắc chắn sẽ phải thừa nhận rằng I, Tonya quả thực là bộ phim quá xuất sắc trong việc dựng nên một chân dung nhiều chiều của một nhân vật bị nhìn nhận hoàn toàn một chiều suốt hai thập niên qua. Phải chăng chúng ta đã quá ngây thơ khi chỉ tin vào những chi tiết giật gân trên báo chí hay các kênh truyền hình lá cải để dựng nên bức chân dung một chiều đen tối đó của Tonya Harding? Phải chăng Tonya đã đúng khi kết tội một cách đau xót rằng chính người hâm mộ, chính những khán giả của các kênh tin tức lá cải chuyên khai thác những điểm tối, những chi tiết đời tư của Tonya bằng mọi giá cũng phải chịu trách nhiệm với bà LaVona, với Jeff, với Shawn về cuộc đời đen đủi của cô?

Sau khi xem xong I, Tonya, hẳn nhiều người sẽ phải ồ lên thán phục tài năng diễn xuất của Margot Robbie trong vai trung tâm của bộ phim – Tonya Harding. Nữ diễn viên đồng hương của đạo diễn Craig Gillespie không phải là cái tên xa lạ ở Hollywood khi vẻ gợi cảm, quyến rũ của cô được coi là một phần không thể thiếu của các bộ phim lớn như The Wolf of Wall Street (2013), The Legend of Tarzan (2016), và Suicide Squad (2016). Nhưng với I, Tonya, Robbie đã dũng cảm vứt bỏ hình tượng gợi cảm quen thuộc của cô để vào vai một cô gái trẻ quê mùa, cục mịch, tài năng trên sân băng nhưng cũng vô cùng xốc nổi trong quan hệ với những người xung quanh. Cuộc đời đầy biến động của Tonya Harding là mảnh đất màu mỡ cho bất cứ diễn viên nào muốn thể hiện năng lực diễn xuất thực sự, và Margot Robbie đã không phụ sự tin tưởng của đạo diễn Gillespie khi cô khắc hoạ hết sức thành công sự lạc lõng cả về bề ngoài và tính cách của Tonya nếu so với những vận động viên thanh nhã theo đúng truyền thống của môn trượt băng. Nhân vật Tonya Harding của Margot Robbie vừa có chất “điên” của một cô gái trẻ phải kiên cường lớn lên trong sự tàn nhẫn của người mẹ ruột và những buổi tập trên sân băng, vừa ngập tràn nỗi cô đơn trong sâu thẳm tâm hồn khi yêu thương mà chẳng mấy khi được đáp lại – một tình yêu nhiều lúc đơn phương với những người thân thiết và cả vẻ đẹp, vinh quanh trên sân đấu của bộ môn trượt băng nghệ thuật. Đặc biệt ở nửa cuối của bộ phim, khi gánh nặng từ những căng thẳng trên sân băng và bất đồng trong đời tư dần đè nặng lên đôi vai của Tonya, Margot Robbie đã thể hiện một cách xuất sắc từng nét mặt, từng cử chỉ, từng biến đổi về mặt tâm lý của nữ vận động viên người Mỹ đang trượt dần xuống vòng xoáy của vực thẳm thất bại. Sự ăn ý giữa Robbie và Sebastian Stan (người thủ vai anh chồng Jeff) và đặc biệt là Allison Janney trong vai bà LaVona cũng góp phần rất lớn vào sự sống động của bộ phim, và tạo cho I, Tonya một tuyến nhân vật phụ dày dặn với đời sống, tính cách riêng thay vì chỉ mang chức năng làm nền cho nhân vật chính Tonya Harding. Tất nhiên phần lớn những động tác trượt khó của Tonya Harding trong phim được các vận động viên trượt băng chuyên nghiệp thực hiện thay cho Margot Robbie, nhưng cô vẫn hoàn toàn xứng đáng với một lời khen ngợi vì những pha biểu diễn có phần ngắn ngủi nhưng rất thuyết phục với sự giúp đỡ của biên đạo nổi tiếng Sarah Kawahara – người từng hỗ trợ về mặt kỹ thuật trượt băng cho các bộ phim đáng chú ý về môn thể thao này như Blades of Glory (2007).

Phải khẳng định là dù có xuất sắc đến mấy thì I, Tonya cũng chẳng bao giờ có thể giúp Tonya Harding lấy lại những gì đã mất. Cô mãi mãi là đứa con ghẻ của làng trượt băng nghệ thuật Hoa Kỳ, không bao giờ còn có thể kiếm tìm vinh quang và tiền bạc bằng những cú nhảy xoay ba vòng trên không. Với nhiều người, Tonya cũng mãi mãi là cái tên gắn với những âm mưu hèn hạ, bỉ ổi, phi thể thao của những vận động viên hèn nhát không dám so tài trên sân đấu mà phải viện tới cách triệt hạ sau lưng đối thủ. Nhưng với sự trân trọng của đạo diễn Craig Gillespie và diễn xuất đáng ngợi khen của Margot Robbie, ít ra Tonya Harding cũng có thể an tâm rằng trong số các khán giả có cơ hội được xem bộ phim này, sẽ có nhiều người kiếm tìm lại những đoạn băng tư liệu cũ kỹ về những pha biểu diễn đẹp đẽ của cô, sẽ có những khán giả lên mạng đọc tiểu sử của Tonya để khám phá thêm về xuất thân phức tạp và cuộc đời đầy chông gai của nữ vận động viên một thời số một nước Mỹ này. Có thể họ sẽ vẫn không tha thứ cho những lầm lỗi năm xưa của Tonya Harding, nhưng ít nhất bằng cách ấy họ sẽ có được một hình ảnh đầy đủ hơn về Tonya nếu so với những chân dung hoàn toàn một chiều trên báo chí lá cải. Và có một điều Tonya Harding có thể chắc chắn, đó là chẳng khán giả nào sau khi xem xong phim sẽ quên được pha biểu diễn kì diệu xoay ba vòng trên không của cô – một động tác khó tới mức cho tới nay chỉ mới có tám nữ vận động viên trên thế giới từng thực hiện thành công cú xoay này trong các cuộc thi quốc tế. Có lẽ đó cũng có thể coi là một tấm huy chương an ủi cho giấc mơ dang dở với môn trượt băng nghệ thuật của Tonya Harding – một bi kịch hiện đại của thể thao thế giới.

====

mercredi 27 décembre 2017

Lady Bird (2017)


Tuy được chọn là thủ phủ của tiểu bang California, Sacramento lại chỉ là một thành phố nhỏ, xanh mướt và hiền hoà nếu so với những đại đô thị rộng lớn, đông đúc náo nhiệt khác ở Bờ Tây nước Mỹ như Los Angeles hay San Francisco. Cái chất trầm lắng, yên bình dưới ánh nắng Cali của Sacramento khiến nhiều người mê đắm, nhưng cũng lại làm không ít những cô nhóc cậu nhóc sinh ra và lớn lên ở thành phố nằm ở trái tim tiểu bang California này cảm thấy buồn chán và muốn chạy trốn khỏi sự tĩnh lặng nơi đây. Cô gái mười bảy tuổi Christine McPherson (Saoirse Ronan), hay “Lady Bird” (“Điểu cô nương”) McPherson như cái tên cô tự gọi mình, là một trong số ấy. Lady Bird chẳng may mắn được sinh ra trong nhung lụa khi mà bố mẹ của cô, bà y tá Marion (Laurie Metcalf) và ông Larry (Tracy Letts), luôn phải vật lộn với cuộc sống để nuôi lớn Lady Bird và người anh trai nuôi của cô Miguel (Jordan Rodrigues) trong căn nhà xập xệ thuộc khu phố nghèo của Sacramento, bản thân Lady Bird cũng phải theo học một trường trung học Công giáo với nhiều điều kiện ngặt nghèo để giảm bớt gánh nặng tài chính cho gia đình. Như để bù lại, mỗi ngày của Lady Bird luôn tràn đầy niềm vui và sự yêu thương từ bố mẹ cô, từ người bạn thân “quá khổ” Julie (Beanie Feldstein), hay từ cậu bạn trai rụt rè của những ngày cuối cấp Danny (Lucas Hedges). Nhưng sự bao bọc, che chở của ông bà Larry và Marion, hay những buổi tập kịch, đêm dạ vũ ở trường chỉ càng muốn Lady Bird tung cánh thoát khỏi mảnh đất Sacramento buồn chán, nhất là trong thời khắc lịch sử của một nước Mỹ đang chuyển mình thay đổi sau những biến cố như vụ khủng bố ngày 11 tháng 9 năm 2001 hay việc quân đội Hoa Kỳ bắt đầu tấn công Iraq năm 2003. Cô muốn được yêu, muốn trải nghiệm làm “người lớn” với Kyle (Timothée Chalamet) hay Jenna (Odeya Rush) - những người bạn “sành điệu” và thời thượng hơn Julie chất phác của cô, và hơn hết Lady Bird muốn được sống và học đại học ở những thành phố ngập tràn ánh sáng văn minh ở Bờ Đông nước Mỹ như New York. Liệu sự bình yên của Sacramento cùng tình cảm giản dị nhưng đậm sâu của những con người nơi đây có thể giữ được chân Lady Bird? Hay “Điểu cô nương” khi đã đủ lông đủ cánh ở cái tuổi 18 sẽ bay đi mãi mãi chẳng quay đầu trở lại?

Lady Bird là tác phẩm đầu tay của nữ đạo diễn trẻ Greta Gerwig, người đồng thời cũng là tác giả kịch bản của bộ phim này. Tuy đây mới là bộ phim đầu tiên Gerwig giới thiệu với khán giả trên vai trò đạo diễn, từ gần 10 năm trở lại đây cô đã trở thành một gương mặt quen thuộc trong giới làm phim độc lập Hoa Kỳ trong vai trò nàng thơ của đạo diễn phim độc lập nổi tiếng Noah Baumbach trong các bộ phim gây tiếng vang như Greenberg (2010), Frances Ha (2012), hay Mistress America (2015). Không chỉ dừng lại ở việc diễn xuất, Greta Gerwig cũng góp công rất lớn vào chất hài hước vừa đời thường, vừa độc đáo của Frances Ha và Mistress America trong vai trò đồng biên kịch của phim. Tuy vậy, Lady Bird có lẽ mới là dấu mốc quan trọng nhất trong sự nghiệp của Gerwig tính đến thời điểm hiện tại, không chỉ bởi cô lần đầu đứng sau máy quay chỉ đạo diễn xuất thay vì đứng trước máy quay trong vai trò diễn viên, không chỉ bởi cô bỏ hẳn ra một năm để viết bản thảo kịch bản của phim với cái tên ban đầu Mothers and Daughters (“Mẹ và con gái”), mà hơn hết là vì bộ phim phản ánh phần nào đó cuộc sống và suy tư của Greta Gerwig ở thời khắc cô chập chững bước vào đời. Cũng như Lady Bird, Gerwig sinh ra và lớn lên tại chính Sacramento trong tình thương yêu của một bà mẹ làm y tá và những năm tháng học phổ thông tại một trường trung học Công giáo chỉ dành cho nữ. Bối cảnh chính của truyện phim Lady Bird – nước Mỹ những năm 2002, 2003 cũng chính là thời điểm nữ nghệ sĩ sinh năm 1983 Gerwig trải qua những năm tháng đầu tiên của tuổi trưởng thành. Chính sự gần gũi giữa Lady Bird và tuổi trẻ của Greta Gerwig có lẽ đã giúp kịch bản bộ phim giữ được chất sống động từ đầu đến cuối với đủ mọi trạng thái cảm xúc được đặc tả một cách gần gũi, tự nhiên không hề khiên cưỡng. Với thời lượng chỉ 93 phút, sẽ có khán giả cho rằng việc giữ được sự nhịp nhàng, lúc sôi nổi với những cuộc vui tuổi trẻ, lúc trầm lắng trong những tâm sự gia đình của Lady Bird hoàn toàn nằm trong khả năng của một ngòi bút đã được khẳng định như Gerwig. Nhưng nữ đạo diễn-biên kịch 34 tuổi này còn khiến người xem phải thán phục trong việc đưa vào phim một mạng lưới dày đặc nhân vật và tình tiết sống động, trong đó không chỉ Lady Bird có được ước mơ, suy nghĩ và cuộc đời riêng, mà ngay cả những nhân vật phụ với thời lượng xuất hiện trên phim ít hơn cô bé 17 tuổi rất nhiều như ông bố Larry, cô bạn phúc hậu Julie, hay cậu bạn trai rắc rối Danny đều ít nhiều giành được tình cảm của khán giả với sự chân thật và suy nghĩ ấm áp của họ. Đặc biệt, “Lady Bird” đã vượt qua khuôn khổ của một bộ phim hài về lứa tuổi mới lớn thông thường bằng việc khắc hoạ hết sức thành công tình mẹ con sâu nặng, phức tạp, và đầy cảm động giữa Lady Bird và bà y tá Marion. Ai đã trải qua cái tuổi ẩm ương 17, 18 hẳn đều mang trong mình kỉ niệm về những lần hỗn hào, không nghe lời cha mẹ, về những thời khắc hiểu lầm, coi sự nghiêm khắc của cha mẹ là biểu hiện của sự thiếu vắng tình thương từ những người đã mang nặng đẻ đau để rồi chỉ nhận ra tình cảm thật sự của cha mẹ khi đã trưởng thành, khi đã trải nghiệm thất bại trong cuộc đời. Đó chính là hình ảnh của Lady Bird và mẹ cô trên phim – một đứa con sống nội tâm tới mức vô tâm và một bà mẹ cố lấy tấm màn nghiêm khắc để phủ lên tình yêu thương, quan tâm vô bờ bến bà dành cho con gái. Trong một năm của nhiều bộ phim hay về gia đình, có lẽ tình mẹ con giữa Lady Bird và mà Marion trong Lady Bird và tình cha con giữa Elio và ông Perlman trong Call Me by Your Name chính là những chân dung đẹp đẽ nhất về tình cảm, sự hy sinh của cha mẹ dành cho những đứa con thân yêu của họ. Thật tình cờ là người thủ vai Elio trong Call Me by Your Name - Timothée Chalamet cũng rất thành công trong vai Kyle – anh bạn lãng tử và ham triết lý của Lady Bird. 

Sau thành công vang dội với vai diễn Eilis Lacey trong Brooklyn năm 2015, nữ diễn viên trẻ người Ireland Saoirse Ronan được đánh giá là một trong những ngôi sao đang lên của điện ảnh Hollywood. Tuy vậy cô lại dành cả năm 2016 để tham gia sân khấu kịch và chỉ trở lại với màn ảnh lớn trong năm 2017 với một tác phẩm nhỏ thuộc dòng phim độc lập Lady Bird. Nhưng chỉ một vai diễn Lady Bird cũng đã là quá đủ để Saoirse Ronan chứng tỏ với khán giả rằng vô số đề cử và giải thưởng cô giành được cho vai diễn trong Brooklyn không phải là may mắn hay thành công nhất thời, mà là vì cô thực sự có tài năng với sự nhạy cảm tuyệt vời ẩn dưới một vẻ đẹp mong manh nhưng vẫn trẻ trung đầy sức sống. Có lẽ chính Greta Gerwig cũng phải hài lòng với việc “để” Ronan vào một vai diễn phần nào đó phản ánh tuổi trẻ của chính Gerwig, khi mà nữ diễn viên 23 tuổi đã thể hiện hoàn toàn thuyết phục không chỉ những nụ cười, giọt nước mắt, hay sự ngốc ngếch của một cô bé sắp tròn 18 tuổi, mà còn cả phút giây rung động đầu đời hay những thời khắc tuyệt vọng, cô đơn trong tâm hồn một thiếu nữ mà Gerwig đã dùng chính trải nghiệm đời mình để đưa vào kịch bản. Đối lập với sự ngây thơ, trẻ trung của Saoirse Ronan trong vai Lady Bird là sự chín chắn, ý nhị đậm màu thời gian của Tracy Letts trong vai ông Larry và đặc biệt là Laurie Metcalf trong vai bà Marion. Vốn được biết tới chủ yếu qua các vai diễn sân khấu và truyền hình, nữ diễn viên gạo cội Laurie Metcalf đã giúp nâng tầm Lady Bird với một vai diễn có chiều sâu không thua kém gì nhân vật chính do Ronan đảm nhiệm nếu không nói là có phần còn khó khăn hơn bởi Saoirse Ronan được vào vai một thiếu nữ sẵn sàng bộc lộ mọi suy nghĩ, tình cảm, trong khi vai Marion của Laurie Metcalf lại luôn phải kìm nén cảm xúc dưới vỏ ngoài tưởng chừng chai sạn, cứng rắn của một người phụ nữ phải bôn ba lo toan cho cả gia đình. Sự ăn ý giữa Lady Bird và bà Marion thực sự đã biến bộ phim của Greta Gerwig trở thành một bộ phim nữ quyền tiêu biểu cho Hollywood những năm gần đây, khi mà các nhân vật nữ trong phim luôn chủ động với ước muốn định đoạt tương lai, số phận của họ, nhưng cũng không vì thế mà mất đi những tình cảm sâu sắc, chân thành mà họ luôn lưu giữ trong tim cho những người yêu quý. 

Là một tác phẩm thuộc dòng độc lập với kinh phí chỉ khoảng 10 triệu đô la, Lady Bird có thể được xếp vào loại phim “nhỏ” với bối cảnh đơn giản, đời thường, nhiều màu xanh thiên nhiên cỏ cây, vắng bóng đại cảnh hay kĩ xảo. Nhưng dưới vẻ ngoài dung dị ấy, Lady Bird lại chứng đựng một truyện phim vô cùng đa dạng và cảm động về những trăn trở đầu đời của cô thiếu nữ Lady Bird đang tìm cho mình một chân trời mới, về sự vô giá của tình yêu thương giữa những người trong gia đình – thứ tình cảm duy nhất vĩnh viễn đi theo ta dù ở bất cứ nơi đâu, và về mối dây liên hệ vô hình giữa mỗi người và nơi chôn rau cắt rốn của họ. Bởi thế, Lady Bird hoàn toàn xứng đáng được coi là một tác phẩm “lớn”, nơi mỗi khán giả sau khi thưởng thức bộ phim đều có thể tìm cho mình một câu truyện, một chi tiết nào đó nhắc nhớ tới quá khứ của chính họ. Con chim chỉ có thể đủ lông đủ cánh để bay đi tìm chân trời mới từ một chiếc tổ vững chãi. Con người chỉ có thể thực sự vươn lên phía trước, thực sự hướng tới tương lai nếu họ biết trân trọng nguồn cội, trân trọng quá khứ. Đó có lẽ là một phần thông điệp Greta Gerwig muốn gửi đến khán giả. Một thông điệp đẹp đến từ một tác giả nữ tài năng, một người chắc chắn sẽ góp phần làm nên gương mặt của điện ảnh Hollywood trong những năm sắp tới.

======

dimanche 24 décembre 2017

Call Me by Your Name (2017)


Gia đình giáo sư khảo cổ gốc Do Thái Perlman (Michael Stuhlbarg) sở hữu một căn biệt thự tuyệt đẹp ở vùng đồng quê nước Ý, nơi ông nghiên cứu những di vật và phế tích của nền văn minh Hy Lạp-La Mã và tận hưởng cuộc sống an nhàn bên người vợ Annella (Amira Casar) và cậu con trai 17 tuổi Elio (Timothée Chalamet). Báu vật của ông bà Perlman – Elio là cậu nhóc mới lớn không chỉ được mọi người yêu quý vì tài năng âm nhạc, vì sở thích đọc sách đến mê mỏi, mà còn sở hữu vẻ đẹp mỏng manh, đầy chất nội tâm gợi nhớ đến những bức tượng thành hình dưới bàn tay của các nghệ nhân Hy Lạp thời cổ đại. Có lẽ tuổi mới lớn của Elio sẽ tiếp tục êm đềm và yên bình như những thị trấn cổ kính của nước Ý nếu không có sự xuất hiện giữa mùa hè Địa Trung Hải của Oliver (Armie Hammer), anh chàng sinh viên người Mỹ vạm vỡ, đẹp trai cũng mang trong mình dòng máu Do Thái. Được giáo sư Perlman mời tới biệt thự của ông để trợ giúp việc nghiên cứu, Oliver nhanh chóng gây ấn tượng và chiếm được tình cảm từ vợ chồng ông giáo sư, từ những cô bạn gái cũng đang tuổi mới lớn của Elio, và cuối cùng là từ chính Elio vì sự tự nhiên, chủ động đầy chất “Mỹ”. Một đang ở cái tuổi vô lo vô nghĩ, một đang đau đầu với những câu hỏi về sự nghiệp, về việc lập gia đình. Một sống nội tâm, khép kín, lãng đãng với những nốt nhạc, đoạn thơ, một trưởng thành, quảng giao, chủ động trong việc làm quen, thu hút cảm tình của mọi người. Một mang vẻ đẹp mềm mại có phần nữ tính của đàn ông Địa Trung Hải, một toát ra vẻ đàn ông mạnh mẽ gây ấn tượng từ cái nhìn đầu tiên đặc trưng cho xứ cờ hoa. Elio và Oliver dường như là hai mảnh ghép với hình dạng hoàn toàn khác nhau, nhưng trong mùa hè rực rỡ của nước Ý đầu thập niên 1980 ấy, họ lại chợt nhận ra rằng đó là hai mảnh ghép vừa khớp trong cuộc đời của mỗi người.

Người chắp bút chuyển thể tiểu thuyết Call Me by Your Name của nhà văn Mỹ André Aciman thành kịch bản điện ảnh là nhà làm phim 89 tuổi James Ivory – người đồng thời đảm nhiệm vai trò sản xuất của bộ phim. Với nhiều khán giả trẻ có lẽ cái tên James Ivory không thực sự gây nhiều ấn tượng, nhưng với người yêu điện ảnh giai đoạn thập niên 1980 và 1990 thì chắc chắn bộ ba Ismail Merchant - James Ivory - Ruth Prawer Jhabvala sẽ gợi nhớ cho họ nhiều kỉ niệm điện ảnh đáng nhớ. Là bởi bộ ba nhà sản xuất-đạo diễn-biên kịch này của hãng phim lừng danh một thủa Merchant Ivory Productions chính là tác giả của những bộ phim xuất sắc lấy đề tài tình cảm lãng mạn trong khung cảnh lịch sử như A Room with a View (1985), Howards End (1992), hay The Remains of the Day (1993). Lấy bối cảnh là miền đồng quê và những thị trấn châu Âu cổ kính, các sản phẩm điện ảnh của Merchant Ivory Productions thường lôi cuốn khán giả bằng truyện phim đầy cảm xúc, phảng phất hơi hướng hoài cổ, và các nhân vật dù hạnh phúc hay đau khổ vẫn luôn giữ được cốt cách thanh lịch. Merchant qua đời năm 2005, tám năm sau đó đến lượt nữ biên kịch Jhabvala, tưởng chừng chỉ một mình James Ivory vốn cũng đã ở cái tuổi gần đất xa trời sẽ chẳng thể tiếp tục phong cách rất đặc trưng của Merchant Ivory Productions. Bởi vậy, Call Me by Your Name quả thực là một bất ngờ thú vị cho giới mộ điệu điện ảnh nói chung, và cho những người từng yêu thích phim của hãng Merchant Ivory Productions nói riêng, khi tác phẩm do James Ivory chắp bút này đã lại một lần nữa khiến người xem phải mê đắm với không gian lãng mạn, hoài cổ của miền quê nước Ý đầu những năm 1980 và những nhân vật thanh lịch, phóng khoáng nhưng không kém phần sâu sắc. 

Gây ngạc nhiên trong việc lưu giữ hơi thở cổ kính, lịch lãm theo phong cách Merchant Ivory Productions, nhưng Call Me by Your Name vẫn giữ được sự tươi mới, đột phá trong cách xử lý đề tài truyền thống của điện ảnh – khao khát tình cảm trong tâm hồn mỗi người. Thành công này của Call Me by Your Name tất nhiên phần lớn xuất phát từ tài năng của đạo diễn bộ phim – nhà làm phim người Ý Luca Guadagnino. Đạo diễn Guadagnino coi Call Me by Your Name là tác phẩm mới nhất trong bộ ba phim mô tả mong muốn được yêu thương của mỗi người sau I Am Love (2010) và A Bigger Splash (2015). Tiếp nối thành công lớn về mặt nghệ thuật của I Am Love và A Bigger Splash trong việc đặc tả những con người đang mong mỏi được cho, và nhận tình cảm ẩn sâu trong tâm hồn họ, Call Me by Your Name đã đem đến cho người xem chân dung hết sức chân thật và cảm động của hai người trẻ đang ngập ngừng tìm đến với nhau với đầy khao khát tình yêu nhưng cũng ẩn giấu những lo sợ, rụt rè trước định kiến của xã hội, trước những hoài nghi có thể có từ chính những người thân thiết xung quanh họ. Không chỉ xuất sắc trong việc khắc hoạ cá tính, suy tư, tình cảm của Elio và Oliver, đạo diễn Guadagnino còn khiến người xem phải ngả mũ vì cách kể chuyện mộc mạc, hé lộ từng chi tiết trong tính cách nhân vật cùng tương tác giữa họ một cách chậm rãi nhưng vẫn đầy lôi cuốn và bất ngờ. Hơn thế nữa, tuy Call Me by Your Name là câu chuyện mối tình đầu của Elio với Oliver, nhưng đạo diễn người Ý không vì thế mà lãng quên những nhân vật phụ của phim – những người thân thiết của Elio và góp phần tạo nên tính cách, cuộc đời của chính cậu nhóc đang tuổi mới lớn này như ông bà Perlman hay cô bạn gái Marzia (Esther Garrel). Thậm chí nhân vật trung tâm của phân đoạn có lẽ là xuất sắc nhất, cảm động nhất, đi vào lòng người nhất của Call Me by Your Name – một bộ phim đầy ắp những phân đoạn cảm động lại được đạo diễn Guadagnino dành cho một trong số những nhân vật phụ ấy thay vì Elio hay Oliver. Góp phần vào hiệu quả cảm xúc của phim cũng phải kể tới sự đóng góp của nhà quay phim người Thái Lan Sayombhu Mukdeeprom – tác giả phần hình ảnh của bộ phim Thái từng giành giải Cành cọ vàng Uncle Boonmee Who Can Recall His Past Lives, và đặc biệt là của nhạc sĩ-ca sĩ Sufjan Stevens – người đã hỗ trợ Guadagnino thổi hơi thở hoài cổ, lãng đãng của thập niên 1970, 1980 vào Call Me by Your Name qua phần nhạc phim pha trộn giữa nhạc cổ điển và các bản nhạc đương đại. 

Sau thành công sớm qua vai diễn phụ trong The Social Network (2009), Armie Hammer được coi là một trong những tên tuổi triển vọng của điện ảnh Hollywood với tài năng diễn xuất được thừa nhận và vẻ ngoài đẹp trai hết sức ăn hình. Tuy vậy, suốt những năm sau đó Hammer luôn phải loay hoay tìm chỗ đứng cho mình với không nhiều vai diễn đáng nhớ và cả những thất bại lớn như vai diễn trong bộ phim thua lỗ kỉ lục The Lone Ranger (2013). Với vai diễn Oliver trong Call Me by Your Name, cuối cùng Armie Hammer đã lại có thể chinh phục khán giả và giới phê bình khó tính bằng diễn xuất đầy cảm xúc và đa diện, vừa mạnh mẽ, vừa rụt rè mong manh. Hammer xuất sắc, nhưng phát hiện mới Timothée Chalamet có lẽ còn gây ấn tượng nhiều hơn bằng một vai diễn với chiều sâu tâm hồn đáng nể với biến hoá cảm xúc khó lường đúng với hình tượng của một cậu nhóc 17 tuổi. Chứng kiến diễn xuất phóng khoáng nhưng cũng đầy ẩn ức của Chalamet trong vai Elio, chắc chắn nhiều khán giả sẽ tìm thấy một phần nào đó của chính họ khi ở vào độ tuổi ẩm ương như cậu thiếu niên đẹp trai giữa mùa hè nước Ý. Và tất nhiên, sau khi xem xong Call Me by Your Name, khán giả sẽ chẳng thể quên được hai gương mặt ấm áp, nồng hậu của Michael Stuhlbarg và Amira Casar trong vai bố mẹ của Elio. Với riêng diễn viên tài năng Stuhlbarg, có lẽ là không ngoa khi cho rằng đây là diễn xuất ấn tượng nhất của anh kể từ A Serious Man (2009) – vai diễn từng đem lại nhiều giải thưởng và đề cử cho nam diễn viên có đôi mắt hút hồn người xem này.

Việc khắc hoạ những mối tình đồng tính trên màn ảnh lớn luôn ít nhiều khiến khán giả phải xì xào, đặc biệt là khi một nửa của mối tình ấy lại chỉ là một cậu nhóc mới lớn còn chưa bước qua ngưỡng vị thành niên như Elio. Vì vậy, thật ngạc nhiên khi Call Me by Your Name lại chẳng khiến người xem cảm thấy phải băn khoăn, suy nghĩ vì những cung bậc cảm xúc của hai nhân vật nam chính được lột tả hết sức chân thực xuyên suốt bộ phim. Có lẽ thành công này xuất phát từ cách kể chuyện nhẹ nhàng, dung dị của đạo diễn Guadagnino và biên kịch Ivory, hoặc từ diễn xuất có hồn của Hammer và Chalamet. Nhưng có lẽ sự lôi cuốn của phim còn xuất phát từ một lý do đơn giản hơn thế, đó là vì thông điệp phổ quát nhưng cũng lại dễ đi vào lòng người của bộ phim – người ta chỉ sống một lần trên đời, bởi vậy hãy dành tuổi trẻ để yêu và sống hết mình trước khi thời khắc ấy trôi qua và mãi mãi không trở lại. Với thông điệp đầy ý nghĩa ấy, dù chưa chắc có thể chiến thắng tại các giải thưởng lớn, nhưng chắc chắn Call Me by Your Name sẽ được coi là một trong những tác phẩm điện ảnh đáng nhớ nhất của năm 2017.

===


mardi 12 décembre 2017

mother! (2017)


Giữa đống tro tàn của toà biệt thự bị thiêu rụi bởi một đám cháy không rõ nguyên cớ, Nhà thơ (Javier Bardem) chỉ lặng cười đặt báu vật của ông - viên đá pha lê góc cạnh lên giá, để rồi tro tàn lại tái sinh thành căn nhà còn thơm mùi vữa, và trên giường của Nhà thơ, người vợ xinh đẹp quyến rũ của ông (Jennifer Lawrence) lại hồi sinh trong ánh nắng buổi sớm để cất tiếng gọi chồng. Ngoại trừ việc dòng sáng tác vẫn đang tắc trong đầu Nhà thơ khiến ông chẳng thể viết ra một dòng thơ mới mẻ nào, cuộc sống của ông và người vợ trẻ dường như chẳng thể êm đềm hơn với toà biệt thự rộng rãi nhưng luôn vẫn ấm cúng giữa đồng cỏ xanh mướt, với nhất là với tình yêu đượm nồng hai người dành cho nhau. Nhưng mọi thứ bắt đầu đảo lộn khi một đêm khuya vắng, một người đàn ông lạ mặt (Ed Harris) tự xưng là bác sĩ gõ cửa toà biệt thự của Nhà thơ vì tưởng đây ngôi nhà của hai người là một quán trọ - giữa đồng không mông quạnh. Bất chấp sự phản đối của vợ, Nhà thơ vẫn quyết định mời người đàn ông lạ mặt kia ngủ lại qua đêm mà không ngờ rằng sự hiện diện của ông ta, và sau đó là bà vợ (Michelle Pfeiffer), hai đứa con của lão (Domhnall Gleeson và Brian Gleeson), và rất nhiều người khác nữa sẽ vĩnh viễn tước đi sự yên bình trong cuộc sống của Nhà thơ và vợ ông – người phụ nữ hoài thai đang chờ đón những năm tháng trở thành người mẹ của đứa con đầu lòng.

Phần mở đầu nói trên của mother!” hẳn sẽ khiến nhiều khán giả bất ngờ bởi nó chẳng hề mang màu sắc kinh dị, rùng rợn như đoạn quảng cáo trailer của phim được phát cách đây vài tháng. Quả thực, khó ai có thể gọi đây là một bộ phim kinh dị, khi mà tác phẩm mới nhất này của đạo diễn nổi tiếng Darren Aronofsky có thể coi là sự tiếp nối của dòng phim tác giả về sự cô đơn, về tôn giáo, và về ranh giới nhạt nhoà giữa hiện thực và mộng tưởng của ông với những tác phẩm gây nhiều tiếng vang như Pi (1998), Requiem for a Dream (2000), The Fountain (2006), và mới đây nhất là Black Swan (2010). Khác với các tác phẩm có cốt truyện tương đối tuyến tính và dễ nắm bắt khác của Aronofsky là The Wrestler (2008) và Noah (2014), những bộ phim thuộc dòng phim tác giả, đậm chất cá nhân kể trên của đạo diễn 48 tuổi lôi cuốn khán giả bởi kịch bản nhiều lớp lang và tuyến nhân vật đa dạng, phức tạp. Tác phẩm mới nhất của Aronofsky không nằm ngoài xu hướng này khi bộ phim có bối cảnh hết sức đơn giản – chỉ gói gọn bên trong toà biệt thự của Nhà thơ với chỉ hai nhân vật chính – Nhà thơ và người mẹ trẻ, nhưng lại chứa đựng vô số câu hỏi không dễ giải đáp đối với khán giả. Tại sao người mẹ trẻ luôn hết mực yêu thương, chăm sóc chồng nhưng Nhà thơ dường như chỉ hờ hững đáp lại tình cảm của vợ? Tại sao viên pha lê với hình thù kì dị lại được dùng để làm điểm khởi đầu cho cả bộ phim? Tại sao ngọn lửa đỏ dưới tầng hầm căn nhà lại chẳng bao giờ tắt? Liên tiếp những câu hỏi như vậy được đặt ra cho khán giả xuyên suốt bộ phim và chỉ một phần trong số đó thực sự được giải đáp bởi phần kết hết sức bất ngờ của mother!. Cô vàn chi tiết và bí ẩn như vậy có thể giúp bộ phim trở nên đa nghĩa, giàu tính biểu tượng, nhưng chúng cũng dễ dàng làm khán giả trở nên mất phương hướng, thậm chí là rối loạn khi theo dõi tác phẩm, nhất là khi cốt truyện chính của mother! có thể coi là tương đối rời rạc với nhiều nhân vật phụ và phân cảnh riêng rẽ, thiếu đi một mạch phim giúp dẫn dắt khán giản. Rất may cho mother! là tuy thiếu đi sự mạch lạc, dễ tiếp cận đối với số đông khán giả, bộ phim lại được biên tập hết sức chắc tay với nhịp phim được thay đổi rất uyển chuyển từ chậm rãi sang dồn dập, từ êm đềm sang bùng nổ khiến khán giả dù có thể không hiểu hết ý tứ của đạo diễn nhưng vẫn cảm thấy bị cuốn theo không khí ma mị của phim và số phận của những nhân vật bí ẩn trong phim.

Nếu xét về mặt bố cục và tuyến nhân vật chính thì mother! có phần nào đó giống với The Fountain – tác phẩm lãng mãn-khoa học giả tưởng của Darren Aronofsky ra đời năm 2006. Cũng xoay quanh tình yêu bất tận của hai nhân vật chính (do Hugh Jackman và Rachel Weisz thủ vai), The Fountain có lẽ đã khiến trái tim của nhiều người xem phải rung động bởi mối tình truyền kiếp được Jackman và Weisz thể hiện một cách tuyệt vời trong phim, nhưng chắc chắn cũng khiến nhiều người phải vò đầu bứt tai vì kịch bản phi tuyến tính hết sức rắc rối của tác phẩm này. Tuy cũng sở hữu một cặp đôi diễn viên thực lực như Jackman và Weisz là Javier Bardem và Jennifer Lawrence, nhưng có lẽ mother! không thực sự gây được ấn tượng lớn với khán giả về mặt diễn xuất của dàn diễn viên khi mà Bardem không có quá nhiều đất diễn còn ngôi sao nữ hàng đầu Hollywood Lawrence – nữ diễn viên được biết tới với qua những nhân vật mạnh mẽ, kiên cường lại phải đảm nhận một vai diễn tương đối bị động và một màu. Dù việc Aronofsky tước đi sự chủ động của các nhân vật bằng cách liên tiếp đặt họ vào những tình huống khó xử là hoàn toàn nằm trong chủ ý của đạo diễn người Mỹ, nhưng lựa chọn này cũng lại khiến Bardem và Lawrence không phát huy được sở trường diễn xuất của họ như cách bộ đôi Jackman-Weisz trong The Fountain, Mickey Rourke trong The Wrestler, hay Natalie Portman trong Black Swan đã làm được dưới sự chỉ đạo diễn xuất của Aronofsky. Một điểm đáng chú ý là tuy cùng được giới phê bình đánh giá tương đối tích cực như The Fountain, nhưng sau hơn một thập kỉ làm phim có lãi, Darren Aronofsky với mother! lại lập lại thất bại về mặt doanh thu của The Fountain, một phần vì bị hãng Paramount marketing “hỏng”, nhưng cũng một phần vì truyện phim khó hiểu không phù hợp thị hiếu khán giả của mother!.

Là một tác phẩm thuộc dòng phim tác giả, mother! là một bộ phim mở với nhiều chi tiết, bí ẩn để ngỏ cho khán giả có cách lý giải cho riêng mình. Nhiều người cho rằng đây là một bộ phim về đề tài môi trường-tôn giáo, trong đó nhân vật người mẹ là tượng trưng cho Trái Đất luôn mở rộng vòng tay yêu thương với những gì do Đấng tạo hoá mang lại như con người, nhưng cũng lại phải chịu đựng vô số những tổn thương do chính con người mang lại. Nếu nhìn vào sự ích kỷ của Nhà thơ vô cảm trong căn nhà trống bất chấp tình yêu của người mẹ trẻ, khán giả cũng lại có thể tìm thấy trong đó sự khốc liệt, thậm chí là tàn nhẫn trong quá trình thai nghén ra những tác phẩm để đời của các tác giả lớn – những người phải hy sinh cảm xúc, hy sinh những quan hệ gần gũi để có thể có được chất liệu viết nên những đoạn văn, câu thơ in dấu trong tâm hồn độc giả. Và nếu chỉ đơn giản là ngồi lặng nghe giọng ca của huyền thoại Patti Smith thể hiện ca khúc mộc mạc về tình yêu The End of the World ở đoạn kết của phim, chắc hẳn nhiều người xem cũng sẽ lại nhận ra rằng cũng như Requiem for a Dream, như The Fountain, như The Wrestler, mother! cũng lại là một lời trân trọng của Darren Aronofsky dành cho tình cảm giữa những người thân thiết, dành cho những người dám hy sinh vì những người họ yêu thương. Bởi những lớp ý nghĩa sâu sắc ấy, nên dù có khó hiểu và gây mất phương hướng ở nửa đầu phim, nhưng mother! vẫn hoàn toàn xứng đáng để khán giả ngồi xem cho đến những giây phút cuối cùng. 

=====


lundi 16 octobre 2017

The Big Sick (2017)


Không chỉ là một quốc gia Hồi giáo, Pakistan còn là đất nước với hàng nghìn năm lịch sử và bề dày truyền thống không thua kém bất cứ nền văn hóa lâu đời nào khác trên thế giới. Bởi vậy mà người Pakistan dù ở bất cứ nơi đâu cũng luôn mang trong mình tinh thần tự hào dân tộc, tình yêu gia đình, và lòng trân trọng những giá trị vững bền của tổ quốc mình. Không nằm ngoài truyền thống quý báu ấy của người Pakistan, gia đình ông bà Azmat (Anupam Kher) và Sharmeen (Zenobia Shroff) dù đã định cư và có một cuộc sống sung túc giữa lòng nước Mỹ nhưng vẫn gắng dạy dỗ hai cậu con trai Naveed (Adeel Akhtar) và Kumail (Kumail Nanjiani) không bao giờ được quên nguồn cội Pakistan của mình. Nhưng nếu như Naveed luôn là đứa con ngoan của gia đình khi để râu rậm (“như một người đàn ông Hồi giáo chân chính”), lấy một cô vợ người Pakistan, và luôn có mặt trong các bữa ăn tối của gia đình, thì anh chàng mày râu nhẵn nhụi Kumail lại luôn khiến bố mẹ phải phiền lòng khi chẳng chịu học hành theo đuổi nghề bác sĩ, luật sư, và tìm mọi cách né chánh các cô gái gốc Pakistan xinh đẹp mà bà Sharmeen đã mất công tìm kiếm để mai mối cho cậu con trai cưng. Chẳng có cả niềm tin vào tôn giáo, dường như Kumail đã trở thành một “người Mỹ” thực sự khi anh sẵn sàng sống trong một căn phòng chật hẹp giữa đô thành Chicago, nhặt nhạnh từng đồng bằng nghề lái Uber để theo đuổi giấc mơ thực sự - được tỏa sáng trên sân khấu trong vai trò một nghệ sĩ hài độc thoại và ngôi sao của những vở kịch-một người. 

Một tuần của Kumail có lẽ sẽ tiếp tục xoay quanh những cuốc xe Uber, năm phút xuất hiện ngắn ngủi trên sân khấu hài độc thoại, và những cuộc “xem mặt” đầy gượng gạo với các cô gái Pakistan, nếu như Emily Gardner (Zoe Kazan) không bước vào cuộc đời anh. Quen nhau sau một đêm diễn hài của Kumail, cô sinh viên tâm lý học da trắng đến từ miền Nam Hoa Kỳ và chàng nghệ sĩ da sạm nâu có gốc gác từ mảnh đất Nam Á xa xôi nhanh chóng nhận ra rằng họ đã tìm thấy nửa kia của cuộc đời mình. Dù vậy, truyền thống “trai Pakistan phải lấy gái Pakistan” ăn sâu bám rễ trong đầu ông bà Azmat và Sharmeen đã buộc Kumail phải lựa chọn chữ hiếu thay cho chữ tình và chứng kiến mối tình ngắn ngủi của anh với Emily tan vỡ trong nước mắt của cô gái ngây thơ. Nhưng dấu chấm hết cho câu chuyện tình của hai người vẫn chưa đến khi Emily đột nhiên đổ bệnh buộc các bác sĩ phải đặt cô vào trạng thái hôn mê sâu. Trong những tháng ngày chăm sóc cô người yêu cũ cùng bố mẹ của cô là ông bà Terry (Ray Romano) và Beth Gardner (Holly Hunter), Kumail dần nhận ra rằng cán cân giữa bên tình và bên hiếu hóa ra lại phức tạp hơn anh tưởng rất nhiều. 

Đọc qua phần tóm tắt nội dung kể trên của The Big Sick, chắc nhiều người sẽ cho rằng đây lại là một tác phẩm hài-tình cảm kiểu truyền thống của Hollywood. Nhưng khác với đa phần những bộ phim cùng thể loại, The Big Sick dựa trên câu truyện cuộc đời của chính Kumail Nanjani – cây hài có tiếng của sân khấu hài độc thoại Mỹ và là một trong những gương mặt làm nên thành công của loạt phim truyền hình Sillicon Valley. Người cùng chắp bút kịch bản cho The Big Sick với Kumail không phải ai khác ngoài Emily V. Gordon – vợ của anh và là nguyên mẫu của nhân vật Emily Gardner. Có lẽ chính vì viết ra từ chính những trải nghiệm trong hơn mười năm bên nhau mà Kumail và Emily đã cống hiến cho khán giả một kịch bản hết sức giản dị với những đoạn thoại gần gũi, đời thường nhưng không vì thế mà thiếu đi sự lãng mạn vốn có của tình yêu đôi lứa. Tuy The Big Sick cũng động chạm một cách tế nhị tới những đề tài nóng bỏng như xung đột giữa truyền thống và hiện đại, hay tàn dư của tệ phân biệt chủng tộc với người nhập cư như Kumail trong xã hội Mỹ thế kỷ 21, nhưng phần lớn thời lượng của phim vẫn được dành cho tình cảm đẹp đẽ giữa những người thân thiết – tình yêu đôi lứa, tình mẹ con, tình vợ chồng, tình anh em, và tình bạn bè. The Big Sick không chỉ mang đến tiếng cười sảng khoái thông qua những tình huống hài hước, mà bộ phim chắc chắn còn giúp khán giả cảm thấy thư giãn khi được dõi theo trên màn hình lớn những nhân vật hết sức đời thường, những nhân vật dù có xuất thân khác nhau, gốc gác khác nhau, quan niệm truyền thống và văn hóa khác nhau, nhưng đều hết mực yêu thương những người thân thiết, đều nâng niu giá trị của gia đình trong cuộc đời họ. 

Bên cạnh nội dung hài hước, lãng mạn, The Big Sick còn xứng đáng được ngợi khen khi bộ phim đã rất thành công trong việc khắc họa một vẻ đẹp rất riêng của xã hội Mỹ - vẻ đẹp đa văn hóa. Dù đó là một gia đình gốc Pakistan đậm chất tế nhị, truyền thống, luôn kìm nén cảm xúc như gia đình của Kumail, hay một cặp đôi đến từ miền Nam Hoa Kỳ bộc trực, sẵn sàng bùng nổ, sẵn sàng chia sẻ vui buồn với những người xung quanh như bố mẹ của Emily, hay chỉ đơn giản là sân khấu nhỏ của những nghệ sĩ hài độc thoại nghèo như Kumail, tất cả đều được đạo diễn Michael Showalter đưa lên màn ảnh lớn với sự nhấn nhá hài hước cần thiết để khán giả vừa thấy thú vị khi được khám phá những bộ mặt khác nhau của nước Mỹ, vừa có được cảm giác rằng tất cả đều được khắc họa một cách công bằng, không thiên lệnh trong The Big Sick. Chính sự cân bằng về mặt nội dung, về sự hài hước, và về ý nghĩa xã hội này của The Big Sick đã giúp bộ phim trở thành một tác phẩm nổi bật của mùa phim Hè 2017 của Hollywood với chỗ đứng riêng biệt so với những bộ phim bom tấn siêu anh hùng, hay những bộ phim tình cảm “toàn sao” của điện ảnh Mỹ hiện đại dù kịch bản phim không quá phức tạp, bất ngờ, gây sốc như nhiều tác phẩm ăn khách khác.

Làm nên thành công của một tác phẩm hết sức “dễ thương” như The Big Sick còn phải kể tới sự xuất sắc của dàn diễn viên trong phim. Nếu như “nhiệm vụ” của Kumail Nanjiani có phần đơn giản khi anh chỉ phải diễn lại chính cuộc đời mình, thì Zoe Kazan trong vai Emily Gardner quả thực là một bất ngờ của The Big Sick. Sinh năm 1983, thật khó có thể xếp Kazan vào hàng các diễn viên “trẻ” nhưng chắc chắn cô đã làm nhiều khán giả phải lòng qua vai diễn Emily xinh đẹp, ngây thơ, nông nổi trong tình cảm nhưng cũng hết mực sâu sắc trong tình yêu. Hầu như những câu thoại “đắt” nhất của The Big Sick đều được dành cho Emily, và chính nhờ thần thái nhẹ nhàng cùng diễn xuất tinh tế của Kazan mà phần thoại của The Big Sick chắn chắn sẽ còn được nhiều bạn trẻ học thuộc khi kiếm tìm cho mình một tình yêu đẹp như tình yêu của Kumail và Emily. Không hề thua kém Zoe Kazan là bộ đôi diễn viên gạo cội Ray Romano và Holly Hunter trong vai bố mẹ của Emily. Beth bùng nổ nhưng tinh tế, Terry hiểu biết nhưng vẫn có lúc khờ dại, diễn xuất ăn ý của Romano và Hunter đã khắc họa hết sức thành công hình ảnh một cặp vợ chồng yêu thương nhau hết mực nhưng cũng lại luôn phải gồng mình cân bằng những xung đột của lứa tuổi trung niên. 

Mấy tháng trở lại đây, báo chí Mỹ tràn ngập những tin tức và lời cảnh báo về sự trỗi dậy của tư tưởng cực đoan, bài ngoại, kì thị người da màu. Trong hoàn cảnh này, có lẽ cảm giác lo lắng và ý thức trách nhiệm với xã hội đã thúc đẩy giới văn nghệ Hoa Kỳ sáng tác các tác phẩm sân khấu, truyền hình, và điện ảnh kêu gọi một nước Mỹ khoan dung hơn, bình đẳng hơn, bác ái hơn đối với các sắc tộc thiểu số, với người dân nhập cư – những cộng đồng nhạy cảm nhất với các xung đột trong xã hội hiện đại. Cũng là một tác phẩm có liên quan tới mảng đề tài gai góc này, nhưng The Big Sick lại có cách tiếp cận hết sức dễ chịu, đi vào lòng người nhờ một kịch bản dung dị và diễn xuất tuyệt vời của dàn diễn viên. Đúng như Terry trong một phút mệt mỏi đã tâm sự với Kumail: “Tình yêu. Tình yêu chẳng đơn giản chút nào. Nhưng thế người ta mới gọi đó là tình yêu.” Sau cơn mưa trời lại sáng, sau một trận “ốm nặng” (“The Big Sick”) Emily và Kumail lại tìm thấy nhau. Trong cuộc sống cũng như xã hội luôn tồn tại rất nhiều xung đột, mâu thuẫn, nhưng nếu giữa người với người vẫn còn tình yêu là sợi dây gắn kết bất kể những khác biệt về văn hoá, màu da, và nếu chúng ta nỗ lực tìm kiếm và duy trì mối liên hệ tình cảm cao quý ấy thì cuộc sống sẽ đẹp hơn, và xã hội sẽ trở nên an bình, thanh thản.

=====

mardi 19 septembre 2017

First They Killed My Father (2017)


Một trong những bê bối lớn nhất của Hoa Kỳ thời kỳ chiến tranh Việt Nam là việc tổng thống Nixon bí mật ra lệnh cho không quân Mỹ ném bom rải thảm lãnh thổ Campuchia – quốc gia luôn cố gắng giữ vai trò trung lập trong suốt cuộc chiến. Không chỉ gây ra thiệt hại nặng nề về người và của cho nhân dân Campuchia, những trận ném bom phi pháp của Hoa Kỳ còn vô tình góp phần đưa tới sự lớn mạnh của Khmer Đỏ. Dưới sự lãnh đạo của “anh cả” Pol Pot, lực lượng Khmer Đỏ đã lật đổ thành công chính quyền quân sự của tướng Lon Nol năm 1975 và trở thành chế độ cầm quyền tại Campuchia từ đó đến năm 1979. Chỉ trong vỏn vẹn bốn năm Khmer Đỏ nắm quyền lực, một phần tư trong tổng số tám triệu người Campuchia đã phải bỏ mạng, trong đó binh lính Khmer Đỏ đã trực tiếp giết hại gần 1,4 triệu người, và gần một triệu người khác chết vì đói khát và bệnh tật trong các trại lao động tập trung của chế độ tàn bạo này.

Tuy được giới sử học đánh giá là một trong những trang đau buồn và tàn khốc nhất của lịch sử thế giới kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai đến nay, nhưng những gì người dân Campuchia đã phải trải qua dưới Chế độ diệt chủng Khmer Đỏ lại không phải là một đề tài được nhắc tới nhiều của điện ảnh thế giới. Ngoại trừ bộ phim từng giành giải Oscar The Killing Fields (Cánh đồng chết) được đạo diễn Roland Joffé thực hiện từ năm 1984, hầu như các tác phẩm đáng kể về đề tài nạn diệt chủng Khmer Đỏ đều thuộc dòng phim tài liệu như bộ phim The Missing Picture của đạo diễn người Campuchia Rithy Panh. Bởi vậy việc hãng Netflix mua và phân phối bộ phim mới nhất của Angelina Jolie First They Killed My Father trên trang web của hãng này vào ngày 15 tháng 9 năm 2017 vừa qua đã thu hút sự chú ý của cả người hâm mộ và điện ảnh.

Dựa trên cuốn hồi ký cùng tên của nhà hoạt động nhân quyền Loung Ung, bộ phim của Jolie khắc họa lại những năm tháng đầu tiên Campuchia phải gồng mình rên xiết dưới chế độ Khmer Đỏ qua con mắt của cô bé năm tuổi Loung Ung. Trước năm 1975, là một sĩ quan cấp cao trong chính quyền Lon Nol, ông Ung (Phoeung Kompheak) đủ điều kiện để chăm lo cho vợ (Sveng Socheata) và bảy đứa con Kim (Mun Kimhak), Meng (Heng Dara), Khouy (Khoun Sothea), Geak (Sarun Nika), Chaou (Run Malyna), Loung (Sareum Srey Moch), và Keav (Oun Srey Neang) một cuộc sống no đủ, phóng khoáng, và an bình. Nhưng cùng với việc Mỹ tháo chạy hoàn toàn khỏi Đông Dương và Khmer Đỏ chiến thắng trong cuộc nội chiến ở Campuchia năm 1975, ông Ung bắt đầu lo ngại cho sự an nguy của bản thân và gia đình của ông dưới chế độ mới. Quả thực ngay sau khi chính quyền “cách mạng” của Pol Pot tiến vào thủ đô Phnom Penh, tất cả người dân thành phố, trong đó có vợ chồng ông Ung và bảy đứa con, bị buộc phải di tản khỏi thủ đô về nông thôn trong ba ngày để “tránh bom Mỹ”. Ba ngày đã qua, bom Mỹ chẳng thấy đâu nhưng cũng không được quay lại Phnom Penh, tài sản đáng giá hoặc đã phải bỏ lại ở thủ đô, hoặc đã bị lính Khmer Đỏ tịch thu dọc đường, gia đình nhà Ung phải tạm tá túc tại nhà người bác của Loung trong một làng quê nghèo Campuchia. Nhưng ngay đến cả những người ruột thịt cũng chẳng dám chứa chấp một “kẻ thù của cách mạng” như ông Ung, cả gia đình nhà Ung lại phải khăn gói lên đường để rồi bị thu gom vào một trại tập trung lao động của Khmer Đỏ. Tại đây cô bé năm tuổi Loung mới bắt đầu thực sự được chứng kiến sự tàn khốc của chế độ diệt chủng Khmer Đỏ - chế độ đã buộc những người trí thức như bố mẹ cô bé và thậm chí là cả lũ trẻ con đang tuổi ăn tuổi ngủ như Loung phải ra đồng lao động để “phục vụ các chiến sĩ Khmer Đỏ ngoài chiến trường”. Cũng chính chế độ ấy đã chia rẽ gia đình bé Loung, và xóa sạch tuổi thơ trong trẻo của cô bé bằng những cơn ác mộng không thể phai nhòa về bạo lực, về cái chết, về sự vô nhân tính. 

Không chỉ là một ngôi sao điện ảnh, nữ diễn viên-đạo diễn người Mỹ Angelina Jolie còn được biết tới qua vô vàn những hoạt động nhân đạo mà cô đã thực hiện không ngừng nghỉ trong suốt nhiều năm. Có lẽ xuất phát từ tinh thần vị nhân sinh ấy mà nhiều bộ phim do cô chắp bút kịch bản và đạo diễn như A Place in Time (2007), In the Land of Blood and Honey (2011), hay Unbroken (2014) đều có nội dung gắn với những trang buồn của lịch sử thế giới hiện đại và đem tới cho khán giả nhiều bài học đáng giá về lịch sử, về quyền con người, và về tinh thần nhân đạo. Cũng là một tác phẩm đậm chất nhân văn như vậy, nhưng First They Killed My Father còn gần với trái tim của Jolie hơn bởi cậu bé đầu tiên được cô nhận nuôi từ chính đất nước Campuchia, và chính cậu bé ấy – Maddox Jolie-Pitt nay lại giúp mẹ trong vai trò trợ lý sản xuất của bộ phim này. Có lẽ vì vậy mà người xem có thể thấy sự trân trọng của Angelina dành cho đất nước và con người Campuchia qua từng thước phim của First They Killed My Father. Được chuyển thể từ một hồi ký của đứa trẻ-nạn nhân thực sự của chế độ diệt chủng Khmer Đỏ, bộ phim mới nhất của Jolie chỉ sử dụng bối cảnh Campuchia, diễn viên người Campuchia, và thoại tiếng Campuchia. Suốt chiều dài hai tiếng mười sáu phút của First They Killed My Father, Jolie và nhà quay phim Anthony Dod Mantle – người từng giành giải Oscar cho phần hình ảnh của Slumdog Millionaire (Triệu phú ổ chuột, 2008) mang đến cho người xem muôn mặt đối nghịch của đất nước Campuchia, từ những con người chất phác hết mực hồn hậu đến những tên “cán bộ” Khmer Đỏ máu lạnh mù quàng bởi tư tưởng giáo điều của Pol Pot, từ những cánh đồng lúa thẳng cánh cò bay đến những đền đài bỏ hoang trong các cánh rừng rậm rạp. Điều đáng tiếc nhất của phim có lẽ là công đoạn biên tập, bởi dù First They Killed My Father có rất nhiều cảnh quay hết sức đẹp đẽ, nhưng nhịp phim chậm rãi và sự thiếu kết nối giữa các phân đoạn và bối cảnh khiến tác phẩm có cảm giác rời rạc và làm giảm hiệu quả cảm xúc của kịch bản phim.

Là một tác phẩm về một giai đoạn bi thương trong lịch sử thế giới thế kỷ 20 nhưng lại ít được đề cập tới trong văn hóa đại chúng, First They Killed My Father của Angelina Jolie chắc chắn sẽ khiến nhiều người xem phải quặn lòng vì nỗi đau thể chất và tinh thần mà người dân Campuchia phải chịu đựng dưới chế độ Khmer Đỏ, đặc biệt là với những cảnh phim rất đắt xoay quanh cô bé Loung như cảnh cô bé cùng các bạn đồng lứa đi giữa những cánh đồng chết, hay cảnh Loung hoảng loạn kiếm tìm người thân giữa tro tàn của chiến tranh. Về khía cạnh này của bộ phim, Angelina xứng đáng được khen ngợi với lựa chọn nghệ thuật của cô trong việc xây dựng các cảnh phim qua con mắt trẻ thơ của cô bé năm tuổi Loung Ung, bao gồm cả những phân đoạn mô tả những giấc mơ hay những cơn mộng mị của Loung. Lựa chọn này của Jolie vừa giúp giảm bớt không khí ngột ngạt, đè nén của một tác phẩm điện ảnh về bi kịch của hàng triệu người Campuchia, lại vừa nhắc nhớ khán giả rằng trong số vô vàn những nạn nhân vô danh và xa lạ kia, có rất nhiều những cô bé ngây thơ, trong trắng như Loung, những cô bé có tuổi thơ, sự hồn nhiên, và thậm chí là chính tính mạng bị chế độ Khmer Đỏ nghiền nát nhân danh ý thức hệ. Ý nghĩa này của First They Killed My Father chắc chắn sẽ khiến nhiều khán giả nhớ tới một tác phẩm mới gây tiếng vang khác được chiếu trên Netflix – bộ phim Beasts of No Nation (2015) của đạo diễn Cary Joji Fukunaga. Cùng có nhân vật chính là những đứa trẻ có tuổi thơ đánh cắp bởi bạo tàn, cả hai bộ phim đều vẽ nên những chân dung đẹp đẽ nhưng cũng đầy đau đớn của những đứa trẻ trong chiến tranh. Tuy nhiên sự bạo liệt cùng nhịp phim dồn dập và phần biên tập gọn gàng giúp Beasts of No Nation để lại dấu ấn sâu sắc hơn trong lòng khán giả, nhất là khi First They Killed My Father có phần kết với quá nhiều thông điệp, từ tinh thần phản chiến, tình cảm mà đạo diễn Jolie dành cho trẻ thơ, cho tới lời cảnh tỉnh về tác hại khủng khiếp của mìn chống người – một trong những sứ mệnh mà tác giả kịch bản phim Loung Ung dành cả đời để theo đuổi. Dàn diễn viên người Campuchia trong First They Killed My Father cũng không thực sự gây được nhiều ấn tượng như bộ đôi Idris Elba và cậu bé Abraham Attah trong tác phẩm lấy bối cảnh Phi châu của đạo diễn Fukunaga.

First They Killed My Father là một tác phẩm đáng được khán giả xem, thưởng thức, và suy ngẫm. Đó là vì sự trân trọng của Angelina Jolie dành cho đất nước và con người Campuchia, dành cho một chủ đề không “ăn khách” như nạn diệt chủng của Khmer Đỏ cần có những lời động viên và cổ vũ, nhất là trong hoàn cảnh Hollywood đang lãng quên những đề tài lịch sử và mảnh đất không nhiều người biết tới, hoặc nếu có động đến những đề tài, mảnh đất ấy thì lại sử dụng cách nhìn và dàn diễn viên bị “Hollywood hóa”, bị thương mại hóa hết mức có thể. Lịch sử cần được tôn trọng, dù đó là lịch sử về bất cứ giai đoạn nào, về bất cứ đất nước nào, bởi chỉ có như vậy chúng ta mới có thể rút ra được những bài học đáng giá và không để những câu chuyện đau buồn của quá khứ lặp lại trong tương lai. First They Killed My Father là một nỗ lực như thế, và hy vọng rằng trong tương lai Angelina Jolie và các bạn đồng nghiệp của cô có thể tiếp tục đưa đến cho khán giả nhiều bộ phim có giá trị như vậy về những khúc quanh cần được soi sáng của lịch sử.
=====

mardi 4 juillet 2017

Okja (2017)






Quyết tâm rửa sạch di sản đầy tai tiếng của người cha tại Tập đoàn Mirando, năm 2007 nữ chủ tịch mới của tập đoàn Lucy Mirando (Tilda Swinton) công bố với khắp thế giới về việc tổ chức một cuộc thi dài hơn tới 10 năm giữa 26 chủ trại chăn nuôi trên khắp thế giới để chọn ra chú “siêu lợn" vừa cho loại thịt ngon nhất, nhưng cũng lại phải thân thiện nhất với môi trường. Một trong 26 “chủ lợn" được lựa chọn là hai ông cháu người Hàn Quốc Heebong (Byun Hee-bong) và Mija (Ahn Seo-hyun). Mồ côi cha mẹ từ nhỏ, lại phải sống trên núi cao chẳng có bóng người, Mija dành phần lớn thời gian của mình để chăm sóc và chơi đùa với chú “siêu lợn" được Tập đoàn Mirando cho mượn. Chẳng phụ tấm lòng của cô bé Mija đáng yêu, cô lợn Okja của hai ông cháu quả thực là một “siêu lợn" với thân hình béo tốt phổng phao dù chỉ được nuôi lớn bằng vài quả hồng dại. Nhưng không chỉ là đơn thuần là một con lợn-nuôi-để-lấy-thịt, Okja thông minh còn giúp Mija kiếm tìm thực phẩm trên núi, mưu mẹo giúp cô bé thoát khỏi những tình huống khó khăn, và thậm chí còn biết nhõng nhẽo với Mija như một người chị em thực sự. 

Nhưng ngày vui của đôi bạn Mija-Okja rồi cũng đến ngày tàn khi “nhà động vật học" Johnny Wilcox (Jake Gyllenhaal) nhận lệnh của bà chủ tịch Lucy đã leo lên tận ngôi nhà tuềnh toàng của ông cụ Heebong để công bố - Okja chính là cô lợn thắng giải cuộc thi 10 năm của Tập đoàn Mirando, đồng nghĩa với việc cô sẽ bị Mirando đòi lại để đưa xuống thủ đô Seoul, rồi từ đó mang về New York trao giải và làm giống cho dòng lợn ăn ít-thịt ngon mà Lucy Mirando đã ấp ủ từ nhiều năm. Coi Okja như người bạn, như cô em gái từ năm cô bé mới lên 4 tuổi, tất nhiên Mija không thể buông xuôi như cụ Heebong, cô quyết tâm khăn gói lên Seoul, rồi sang tận New York để đòi lại Okja. Từ miền ngược xuống nơi thành phố xa lạ, lại phải đơn độc đối đầu với cả một tập đoàn đa quốc gia vừa giàu có vừa thâm độc như Mirando, có lẽ Mija chẳng có lấy một phần trăm cơ hội đưa được cô lợn tốt bụng Okja về với núi rừng. Nhưng may mắn cho Mija là cô bé không đơn độc khi thật tình cờ là nhóm du kích Mặt trận Giải phóng Động vật ALF (“Animal Liberation Front") của Jay (Paul Dano), K (Steven Yeun), Red (Lily Collins), Blond (Daniel Henshall), và Silver (Devon Bostick) cũng đã lên kế hoạch phá hoại cuộc thi “siêu lợn" của Lucy Mirando. Dù bất đồng ngôn ngữ - khi Mija không biết nói tiếng Anh còn trong nhóm ALF chỉ có K là người biết tiếng Hàn, dù không cùng mục đích - khi Mija không muốn gì khác ngoài việc đưa Okja “về nhà" còn Jay lại muốn lật tẩy toàn bộ mưu đồ nham hiểm và độc ác của Lucy Mirando, nhưng với một phần nỗ lực và rất nhiều phần may mắn, Mija và ALF từng bước một đã đến gần được với Okja. Nhưng càng gần lại Okja bao nhiêu, cô bé kiên cường người Hàn và nhóm “kháng chiến" máu nóng đa quốc gia lại càng nhận ra Okja chẳng qua chỉ là điểm khởi đầu của một kế hoạch đầy tham vọng và máu lạnh của Tập đoàn Mirando. 

Đạo diễn, biên kịch, và nhà sản xuất của Okja là Bong Joon-ho - một trong những đạo diễn nổi danh nhất của Hàn Quốc trong vài năm thập niên trở lại đây với nhiều tác phẩm thành công cả về mặt nghệ thuật và thương mại như Memories of Murder (2003) hay The Host (2006). Từng giữ kỷ lục về doanh thu của điện ảnh Hàn Quốc trong nhiều năm, The Host có thể coi là một tác phẩm đặc trưng cho phong cách của Bong Joon-ho - vừa gần gũi với công chúng (và vì thế trở nên ăn khách) nhờ cách tiếp cận đề tài đương đại dễ hiểu, dễ cảm và tuyến nhân vật rất đời thường đặc trưng cho xã hội Hàn Quốc ngày nay, nhưng cũng lại giàu giá trị nghệ thuật nhờ sự phá cách trong xây dựng nhân vật, phong cách trộng lẫn nhiều thể loại phim khác nhau từ hành động, kinh dị, tới hài hước, và rất nhiều thông điệp sâu sắc về những góc khuất, những điều trái ngang còn đầy rẫy trên đất nước Hàn Quốc. Cũng có sự tham gia diễn xuất của Byun Hee-bong (vẫn trong vai một người ông tên Heebong), The Host xoay quanh một gia đình gồm toàn những nhân vật bất thường tìm cách giải cứu cô cháu gái cụ Heebong đang bị con quái vật sông Hán của Seoul bắt cóc. Cũng đầy ắp những nhân vật dị thường, Okja có thể coi là một phiên bản “ngược" của The Host khi đối tượng bị bắt cóc là cô “quái vật" đáng yêu Okja, còn người đi giải cứu cô lợn không phải ai khác lại chính là cô cháu gái Mija dũng cảm, kiên cường. Mở rộng bối cảnh từ Seoul (không gian chính của The Host) lên tới vùng rừng núi Hàn Quốc và sang cả nước Mỹ xa xôi, Okja cũng không chỉ là tác phẩm đầy châm biếm về sự phân cách giàu nghèo trong xã hội, về sự yếu kém của bộ máy hành chính quan liêu nước Hàn, mà bộ phim còn chỉ trích hầu như mọi thói xấu của xã hội hiện đại, từ lòng tham tột độ của chủ nghĩa tư bản với đại diện là các công ty đa quốc gia, đến bản chất phù phiếm của một xã hội “sống ảo" với “selfie", với mạng xã hội, và cả sự nông cản của những người trẻ muốn đấu tranh vì những lý tưởng cao đẹp như quyền lợi cho động vật nhưng lại sẵn sàng hy sinh những giá trị không kém phần quan trọng khác như tinh thần bất bạo lực, tình bạn, lòng tin giữa người với người, để đạt được mục đích của họ. Tuy mức độ dày đặc của các thông điệp xã hội trong Okja chưa thể sánh được với bộ phim “chào sân" điện ảnh thế giới của Bong Joon-ho là Snowpiercer (2013), nhưng màu sắc châm biếm nhiều tiếng cười của Okja lại làm cho bộ phim của hãng Netflix này có phần nào đó dễ xem và dễ cảm thụ hơn so với tác phẩm tương đối nặng ký Snowpiercer, đặc biệt là đối với khán giả quốc tế vốn chưa thực sự quen với phong cách không giới hạn theo một dòng phim nhất định nào của Bong Joon-ho. Tất nhiên với những khán giả đã quen và đã yêu phim của đạo diễn 47 tuổi thì sự ôm đồm về mặt thông điệp của Okja, đặc biệt là ở những phân đoạn cuối cũng sẽ phần nào cảm thấy thất vọng vì cái kết thiếu chặt chẽ của phim, nhất là so với những tác phẩm chắc tay hơn rất nhiều về mặt kịch bản cũng của Bong như Memories of Murder hay The Host

Tuy vẫn mang đậm tinh thần nhập thế như Memories of Murder, The Host, hay Snowpiercer nhưng với tư cách một bộ phim hành động-hài châm biếm, có thể nói Okja mới chỉ thành công một nửa. Nếu như nửa đầu của bộ phim thực sự thể hiện được phong cách quay và dựng phim của Bong Joon-ho với nhịp phim nhanh, dồn dập với các cảnh đuổi bắt được dàn dựng hết sức lôi cuốn thì nửa sau của phim (với bối cảnh chủ yếu là thành phố New York với chút hơi hướng của một xã hội phản-không tưởng “dystopia") lại không thực sự tạo ra được sự khác biệt với các bộ phim hành động hạng trung bình vốn được Hollywood và Netflix sản xuất hàng loạt mỗi năm. Tiêu tốn tới 50 triệu đô la, Okja là bộ phim đắt đỏ nhất trong sự nghiệp của Bong (thậm chí còn đắt hơn bộ phim “nhiều sao" trước đó của đạo diễn người Hàn là “Snowpiercer") và là bộ phim đắt giá nhất trong năm 2016 của điện ảnh Hàn Quốc. Sự đầu tư của phim được thể hiện rất rõ qua phần kĩ xảo hình ảnh, với một Okja được xây dựng theo phong cách hiện thực huyền ảo vừa đầy chất giả tưởng, nhưng cũng chân thật, gần gũi, với những cử chỉ đáng yêu dễ dàng gợi nhớ khán giả tới hình ảnh của Totoro - hình tượng quái vật đáng yêu của đạo diễn huyền thoại Hayao Miyazaki. Sự tương phản giữa nét dễ thương như bước ra từ một giấc mơ con trẻ của Okja ở đầu phim với những khung hình tàn bạo và chân thực ở đoạn cuối phim có lẽ là một trong những chi tiết đạt hiệu quả nhất của bộ phim cả về mặt thông điệp và cảm xúc. Tuy vậy, bối cảnh nhàn nhạt thiếu điểm nhấn của thành phố New York trong phim, cũng như cách dàn cảnh và biên tập hành động có phần lộn xộn, khó theo dõi ở trường đoạn cao trào thứ hai ở nửa sau của Okja lại gây thất vọng cho người yêu phim về viễn cảnh một tác phẩm của Netflix có thể hoàn toàn sánh ngang với các bộ phim hành động kinh phí cao chiếu rạp. 

Bên cạnh chất lượng dàn dựng và biên tập ở nửa sau của phim, dàn diễn viên của Okja cũng chưa thực sự thể hiện được thế mạnh thường thấy của Bong Joon-ho trong việc đo ni đóng giày nhân vật cho cho các diễn viên của ông. Điểm sáng hiếm hoi về mặt diễn xuất của Okja có lẽ là cô bé 13 tuổi Ahn Seo-hyun xuất thần trong vai Mija - một vai diễn gợi nhớ tới hình tượng mạnh mẽ, quyết đoán của Bae Doona (vai nữ cung thủ Park Nam-joo) trong The Host hơn mười năm trước. Gương mặt ngây thơ và cặp mắt trong sáng biểu cảm của Seo-hyun đã làm lu mờ ngay cả những diễn viên thực lực có tiếng của Hollywood trong Okja như Paul Dano, Jake Gyllenhaal, hay thậm chí là Tilda Swinton. Bên cạnh Dano, Swinton, hay Gyllenhaal, thì ngôi sao người Mỹ gốc Hàn của loạt phim truyền hình ăn khách The Walking Dead là Steven Yeun cũng không gây ấn tượng khi thủ vai một nhân vật có tính cách tương đối nhạt nhoà. Chắc chắn khi xem Okja nhiều người hâm mộ phim của Bong Joon-ho sẽ thấy nhớ Song Kang-ho, nam diễn viên có ngoại hình thường thường bậc trung nhưng luôn thể hiện được chất quái, và chiều sâu tính cách của các nhân vật mà anh được Bong Joon-ho tin tưởng giao vai. Không thể phủ nhận rằng Okja là một tác phẩm hành động-hài hấp dẫn, đặc biệt là ở nửa đầu của phim. Cái nhìn châm biếm, chua cay trong tác phẩm thứ 6 do Bong Joon-ho đạo diễn về xã hội hiện đại chắc chắn cũng sẽ nhận được sự đồng cảm của nhiều khán giả. Tuy nhiên nếu so với những tác phẩm hết sức chắc tay của Bong Joon-ho như Memories of Murder, Mother (2009), hay The Host thì quả thực Bong chưa bộc lộ được hết tài năng đạo diễn và sức sáng tạo đặc biệt trong Okja dù đạo diễn người Hàn lần này có được sự hậu thuẫn tài chính rất lớn từ Netflix. Có lẽ khán giản sẽ còn phải chờ thêm một thời gian để người khổng lồ truyền thông Netflix tích luỹ thêm kinh nghiệm trong việc sản xuất phim điện ảnh, còn đạo diễn người Hàn khôi phục lại bản sắc của riêng ông, bản sắc Bong Joon-ho.

====

samedi 17 juin 2017

One sentence reviews (11)

Phần 5
Phần 6
Phần 7
Phần 8
Phần 9
Phần 10

01. Magnificent Seven (2016): 3/5

A surprisingly okay action film with lazy script but decently-laid-out characters. Of course you can hardly go wrong with the tight structure and archetypical characters of "Seven Samurai", but bringing in a bunch of dependable or at least decent actors ("actors", as the only leading female Haley Bennett was unremarkable in her role, although partly due to the typically Hollywood and disappointing treatment of female characters in this film), and setting the film in the fresh environment of the Wild Wild West really help. The film would have been much better had its director and writers paid more attention to actual character development instead of cheesy and sometime annoying sequences full of banters or nonsense dialogues. The ending of the film also noticeably lacked the underlying message of the original "Seven Samurai", which is the "magnificence" of common people ("the villagers") with simple mind but stronger will than any "hero" of extreme prowess. Nevertheless, still a very enjoyable action film this one definitely is.

02. Silence (2017): 3/5

Supposed to be an inspiring cinematic experience, this film turned out to be very underwhelming with slow pace, uneventful script, and uninspiring acting. Of course the source material being a psychological novel with strong focus on theological thoughts must make it difficult for Martin Scorsese to translate its values into his language of cinema. But  such obstacle should not be considered an excuse for such beacon of world cinema like Scorsese, especially when the film still possesses the best technical characteristics of a Scorsese's work, from the cool palette of cinematography (Rodrigo Prieto really is a dependable DoP), to the smooth editing by none other than Thelma Schoonmaker, but the poor performance by Andrew Garfield, Adam Driver and ALL Japanese actors did not provide the audience with any chance to sympathize with the ordeal of the film's protagonists. The acting of the Japanese cast is really atrocious, the often-charismatic Tadanobu Asano included, which can be attributed to either poor casting, or lackluster direction of Scorses, or simply subpar talents, or all of them, but when even Liam Neeson could not impress the viewers (his way smaller role in "Gangs of New York" is much more impressive than his appearance in this film), one should question the quality of film-making here. Cinephiles all over the world can only hope that Scorsese will bounce back in his next film, because this one is really disappointing given his high standard and consistent turn-out.

03. The Brand New Testament (2015): 4/5

A surprisingly refreshing film. Although its script is not really sophisticated with a less-than-satisfactory ending, this film still warmed my heart with its humanistic approach to daily struggles of "normal" people under the religious disguise of a "rewritten Bible" with simple but charming characters, rough settings but full of superb visualizations that reminded me of Jean-Pierre Jeunet and Marc Caro at their peak twenty (!) years ago (with a bonus that is a frame-to-frame replica of the famous "nudes in supermarket" sequence from "Cashback"). Jaco Van Dormael really is a low-key excellent director.

04. The Bodyguard (2016): 1.5/5

The film synopsis reminded me of "Man on Fire" (how I miss Tony Scott!) but the actual film is just a mess, pure mess. Incoherent plot, extremely poor acting, lackluster choreography, such a forgettable flic.  

05. Logan (2017): 4/5

An okay superhero film but not as breakthrough as I thought. The R-rating of this film really is a bless for its choreography, as the film's action looks raw, realistic, and different from other tone-down superhero films. But the plot, which obviously borrows elements from Cormac McCarthy's "The Road" and Naughty Dog's "The Last of Us", seemed to be refreshing at first but grew to be repetitive and tiring as the film went on due to the lack of character development/revelation (especially regarding Professor X and Laura) as a sacrifice for the heavy focus on Wolverine, who is still as grumpy and aggressive as in any other X-Men film despite the newly-found resignation. The conventional ending is another disappointment, especially given the underuse of the young mutants during the climax (including the almighty Laura), and a very one-dimensional cast of villains. A 4-star is as generous as I can give for this film. 

06. The Accountant (2016): 3/5

The plot is incoherent at parts but the action is surprisingly solid, whereas the character "The Accountant" himself is well-built (despite all the mumbo jumbo about his past) with cool appearance (post-"Gone Girl" Ben Affleck seems to be much comfortable in his roles), John Wick-like abilities (a new trend these days), and the necessary absence of cliches about a troubled past or cheesy romances (the subplot about Anna Kendrick's Dana is totally unnecessary in this regard). The "revelation" in the end is another disappointment, but otherwise this film laid out the ground work that is promising enough for any decent sequel (and indeed it is under preparation).

07. Okja (2017): 3.5/5

The first half really reminded me of "The Host", only cuter and more focused. But the second half is just meh, except for an exhilarating sequence inside the slaughter house. An okay action film but not more than that.  

08. Proof of Innocence (2016): 2.5/5

An honest but silly attempt in "remaking" "Chinatown" with South Korean setting (slashed nose again, really?). The acting is actually not that bad, but the forced script with a ridiculous "villain" and ending really undermined the film's positive emphasis on human interaction. 

09. The Sense of an Ending (2016): 3.5/5

Way less impressive than the novel as various beautiful passages and the ending's nuance to the extreme were replaced with unimaginative first-person narrative and a closure that is satisfying but at the same time destroys the nostalgic and mystic cover that Julian Barnes put on his characters. Actually the film is okay with a solid cast and smooth direction and editing, but I of course expected much more from a cinematic adaptation of one of my favorite books.

10. Kong: Skull Island (2017): 3/5

Not as bad as I thought with a satisfying dose of monster and a total absence of cheesy romantic subplots (until the very end), which were the weakest link of the otherwise excellent "King Kong" by Peter Jackson. Paying homage to (or borrowing heavily from) "Apocalypse Now", the film really reminds the audience of the Vietnam War, not only because of its beautiful Vietnam-based settings, but also because of various subtle and overt references to the brutal War where the arrogant foreign invaders lost to the hand of the simple native community with much better understanding about and stronger attachment to the place they were born, raised, are living, and will return once their hearts stop beating. It is a pity that the film's script is not really good with poorly-defined characters and shallow treatment of key sequences about the interaction between "the humans" and "the monster". An entertaining film nonetheless. 

11. Cook Up a Storm (2017): 3/5

The "New Year" genre of Hong Kong cinema often pumps out films with mediocre quality but highly profitable. This film is still mediocre in many parts, from a lackluster cast (even Nicholas Tse proved to be a disappointing choice for the leading role), and a cheesy and nonsense plot. Surprisingly enough, this film still entertained me greatly during my 10-hour-plus flight from South Korea to Germany, mostly thanks to the excellent cinematography of food and the cooking process. As far as "New Year" films go, this is one of the better ones.

12. Sword Master (2016): 3/5

The obnoxious emphasis on 3D of this film made me really one to give up watching several times, but its sincere adherence to Gu Long's original characters and writing style helped me to stay until the end. The cheap 3D effects of this film only highlight Derek Yee's disappointing negligence about settings and cinematography. Thankfully, Gu Long's spirit of "jianghu", of Chinese-style unrequited love, of existentialist heroism was kept intact with beautifully-built characters, slow pace of choreography, and simple plot. Of course, this film is far from a decent adaptation of Gu Long's novels, but at least it is watchable - a feat that has become more and more difficult of the modern Hong Kong cinema.

13. Master (2016): 3/5

The extremely convoluted plot really lowered the film's quality despite a very solid cast (especially Lee Byung-hun who outshone his fellow actors by miles). 

14. The French Connection (1971): 4.5/5

The first (build-up) part of the film is pretty slow-paced in comparison with modern standard of action film, but once everything, and everyone are in their places, this film is simply irresistible with an iconic duo that totally deserves their accolades and praises (Gene Hackman was just phenomenal in the role of a desperate and somehow psychopathic policeman), and cunning villains that frustrated not only their hunters but also the audience as well. The exhilarating feeling about the Jimmy Doyle's hopeless quest to catch his suspects and regain his reputation is another major achievement of this film, partly thanks to an excellent script with tight plot and cultivated twist-and-turns, and partly thanks to William Friedkin's innovative direction with long takes, remarkable editing, and thrilling action sequences. The open ending full of nuance between hope and hopelessness really closed the film in a very high note.

15. The Prison (2017): 2.5/5

Except for its promising opening sequence, this film is just a mess, especially with an over-the-top yet disappointing ending. Han Suk-kyu is terrific (and terrifying) in his role, but his supporting cast (including "My Little Bride"'s Kim Rae-won) is uncharismatic and forgettable, partly due to a half-hearted script. 

16. Guardians of the Galaxy Vol. 2 (2017): 3/5

The film definitely takes off after a ridiculous beginning (with awful, awful acting) with a surprisingly heartfelt ending, but another one-sided supervillain, under-developed subplots, generic characters, and boring CGI make this one again a passable/serviceable but forgettable Disney/Marvel superhero film.

17. The Fate of the Furious (2017): 2.5/5

This series has become a gimmick since the last one, but at least "Furious 7" has the tragic death of Paul Walker as an anchor of emotion for the audience, this one has none. Entertaining with its tricks, but disappointing with everything else, from the plot to the cast (The Rock is on his way to be a "Fast-and-Furious of an actor" - ridiculously entertaining, but also growingly annoying, and ultimately forgettable). The most disappointing of them all, however, is Charlize Theron. she should not capitalize on "Fury Road" with an awful role in a forgettable film like this.

18. Stranger (TV series) (2017): 3/5

The first two episodes are entertaining, the next-to-last two episodes are thrilling, but other than that this series is pretty mediocre with fill-in episodes with lengthy yet meaningless shots and dialogues. Watching such series really cannot help to cure my allergy of television series in general.

19. Good Will Hunting (1997): 4/5

Watching this film again after a very long time, I felt it not really able to hold up as I expected with a kind-of simple and straightforward plot. Still, the dialogues and monologues are extraordinary (kudos to Damon and Affleck!), the treatments of all characters are delightfully heart-warming and humanistic (a specific trait of Gus Van Sant), and the settings just make me miss Boston and Cambridge deeply. 

20. Serendipity (2001): 2.5/5

Charming but ultimately forgettable film due to its formulaic script with too many forced "coincidences" - a major problem of the rom-com genre during the 1990s and early 2000s. 

21. Love in the Time of Cholera (2007): 3/5

Not a bad film by any mean, but its being a cinematic adaptation of such a beloved and excellent novel made the audience very difficult to ignore the apparent mismatch in term of quality between this film and Gabriel Garcia Marquez's marvelous work. Mike Newell should be commended for his faithful approach to the novel, but he should also be questioned for his decision to select Giovanna Mezzogiorno for the pivotal role of Fermina Daza instead of more charismatic and beautiful Latin actresses like Catalina Sandino Moreno (who easily outshone Mezzogiorno as just a supporting character). The decision to keep Mezzogiorno portraying Fermina throughout her life (despite the poor make-up that made the difference between Mezzogiorno's appearance and her character's age very obvious, especially in the "later years" of Fermina) while using Unax Ugalde (in a pretty disappointing performance) instead of the ever-dependable Javier Bardem for the young Florentino Ariza also made the film less engaging to the audience. The fact that "Love in the Time of Cholera" is one of the best-written novels with extremely poetic passages is another high barrier that this cinematic adaptation cannot surpass, as how a hundred pages of detailed character and situation descriptions can be condensed into just five minutes of screening time? For example, each of Florentino's lovers was almost always beautifully described in the novel but in this film they are purely "supporting characters" totally forgettable to the audience. The lack of attention to the settings, except for the surprisingly beautiful recreation of Lorenzo Daza's estate is also disappointing, as "the environment" was always an important "character" in Gabriel Garcia Marquez's works. Nevertheless, this is still an enjoyable, and charming, film that at least deserves a big applause for its being faithful to the original novel, one of my all-time favorite books that is (I have absolutely no idea why this film got such low score on Rotten Tomatoes, no idea at all, maybe my taste has been softened, but that is very unlikely).

22. No Reservations (2007): 2.5/5

A film where nothing rememberable happens whatsoever. Attractive cast? Checked! Lovely settings with famous tourist attractions in New York City throughout a year of different sceneries? Checked! Romantic comedy? Checked! Food, good food? Checked! This film has all the ingredients for at least a joyful rom-com, but the lackluster character development (with a very annoying child character played by Abigail Breslin), the absence of any true climax, and the boring treatment of emotional and situational conflicts made it a sub-par cinematic experience for the audience.

23. Inside Job (2010): 4/5

A fantastic documentary that excelled in explaining complicated financial jargons and the maze of connections between the government, the academia, and the financial sector in the United States in an easy-to-understand manner for the general audience. The interview sequences are probably be the best part of this film, where the famous and often cunning interviewees were cornered by the filmmakers into "confessing" their own greed and ignorance (too bad the most pivotal figures of the financial crises were not "brave" enough to appear here). However, the explanations of events that occurred during that period were at times forceful and in some cases shallow for such a complex issue like the financial crisis. The best and worst thing about this film is the fact that it was able to point out that "nothing changes!" even after such horrendous event, and that even its being a Oscar-winning film cannot change such status quo. Therefore, this film is in fact a harbinger of even more serious crises in the near future. Such a horrible future that is...

24. Like Crazy (2011): 3/5

The opening sequence of this film is great and would probably remind the audience of top-notch romantic films like "Eternal Sunshine of the Spotless Mind" or "Blue Valentine". Opening with a bang, yet the film slowly develops into a tedious experience of love, marriage, and unfaithfulness with low point after low point, emotionally. Of course a film can depict the ephemeral life of a premature love, or the other side of a marriage, but a certain rhythm, a concrete story with memorable moments of sacrifice, of "burning the whole world just for one person" are really needed in order to keep the focus of the audience. However, this film's two main characters are not only childish in their love for each other, but also extremely selfish in the view that no one to sacrifice anything for the other loved one, what a disappointing love that is. The nuanced ending with a complex sense of remorse, and of love being recalled, recreated is great, but it cannot help subdue the irritate feeling of the audience about the two protagonists (the cast is great though, rest in peace Anton Yelchin...). A good but not great romantic film.

25. The Good Dinosaur (2015): 3/5

Generic script, subpart animation given the high standard of Pixar (the characters are awfully uncreative even though the depiction of American wildness is breathtaking at parts), but totally not as bad as I thought it is. In other words, the animation part might be less impressive, but the plot is just as generic as any other Pixar film, and, surprisingly enough, way less pretentious than the others. The inventive "reverse of roles" between human and animals, and the small circle of characters did make the film repetitive (just as any other Pixar film was in its second half) but also helps the audience keep their focus on the main storyline with an irritating-at-first-but-gradually-enjoyable protagonist with well-developed characters and backing stories. An okay film, especially for the kids and the general audience.

26. Samurai Gourmet (2017): 2/5

A very repetitive series with 12 episodes that are basically the same - repetitive plot, boring characters, limited settings, just different foods. Even the foods, which are supposedly the focus of this series, are not really impressive with some episodes with very impressive presentation of food making but others with forgettable dishes and uninteresting stories in general.

27. Crazy, Stupid, Love (2011): 2.5/5

Pretty forgettable film saved for the brilliant cast, especially Steve Carrell, who was able to overcome the mediocre script to deliver a solid performance as a married man in the middle of his middle-age crisis of identity.

28. Young Adult (2011): 2.5/5

This is a fairly successful film in terms of both critical reception (including praises from my beloved critic Roger Ebert) and box office, yet I found it boring with a forgettable cast, including the protagonist. The "finding oneself" plot of this film is pretty formulaic without any true revelation or character development. I understand that such approach is the one the duo Reitman/Cody want to make to create down-to-earth characters in a setting that is familiar to any American so that they can actually portray the thoughts and feelings of ordinary people through witty conversation and subtle character evolution. Still, most of this film's dialogues sounded very uninspiring to me, and the characters were very loosely defined and just could not evoke any emotion from me until the very end.

29. T2 Trainspotting (2017): 4/5

I love this film! Although not as fresh as the original (the structure, motives, character arc, and many sequences of this film either reflected or simply repeated the ones from the original), this film still warmed my heart with its quirky characters of awful "qualities" but still retaining some tiny yet shiny pieces of beauty in the deep down of their souls. The contrast between these characters of their young, desperately poor but optimistically promising years in the original and of the later years (may I even say the autumn of their lives) in this film with nothing left but some hopeless dreams and broken relationships really made my heart sank a little bit thinking about losses along the long and winding road of my own. Thankfully, though, the film is never all about pessimism or just a cynical view of the lives of the "losers" (either due to addiction, cowardliness, or ignorance) and their obsession with the past (that is "glorious" in their mind but was actually just as heart-breaking as their present except for the existence of hope), but it is also a tale of lasting friendship, of the perverse love for "home" and the past (as Veronika answered when being asked "To go home with nothing, what's at home?": "You know, emotional attachment"), of the optimism that is needed even more when you are in an inescapable hole. This film really made me miss the original, in a good way, as the dialogues and monologues are still hilarious and witty at the same time (although not as effective, since many are just a replay with some modern touches of the sequences from the original - the modern touches on the negativity of social networks and such are pretty light-weight and pale in comparison with this film's critical portray of traditional vices like addiction), the cinematography is just marvellous (the reference to "The Shining" - a masterpiece of obsession and hallucination is amazing, and the camera angles were chosen in a really interesting way), and the bombastic soundtrack is just all I can ask for from a sequel of "Trainspotting". This film did okay from the financial perspective, but I feel sad that not many people talked about it despite the film's quality and the legacy of the original film. Still, to me this is a really entertaining film and another reminder of how good Danny Boyle (still) is. The only disappointment is that Kelly Macdonald only appeared in a cameo role even though she could have been entrusted with a much more fleshed-out character like in the original (the lack of a true heist-like plot is also a let-down).

30. The Big Sick (2017): 3.5/5

A charming and light-hearted romcom. The plot is thin, the male protagonist is not really convincing (even though he played himself!), but the female lead and her supporting cast are just terrific. The delicate treatment of the racial and cultural tensions is also very commendable.

31. First They Killed My Father (2017): 3/5

Not as pretentious as I was afraid (in watching a film directed and scripted by Angelina Jolie), but this honest film is nonetheless supremely boring with slow pace, messy editing, and confusing messaging.

32. My Neighbor Totoro (1988): 5/5

Every time I watch this film, I find something new to admire about it. This time it is all about Maestro Miyazaki's attention to details while portraying Mei. Having a pretty tiny niece now, I really appreciate the way Hayao Miyazaki drew and animated Mei, who is in this film not only adorable, pure, and kind-hearted, but also a little bit "annoying" and unpredictable as any little girl of her age should be. As a consequence, I even admire more the way Mei's father and Satsuki embrace Mei and her "imagined" stories, which would be easily ridiculed or ignored by a less attentive father or a distractive sister. This film has many underlying messages, but such lovely and meaningful interaction between the three protagonists really show that this film is above all about family, about "the good old days" when nothing was more precious than a little family full of loves.

33. Wonder Woman (2017): 3.5/5

An okay superheroine film with a much tighter script than any Marvel superhero film recently. The action is really entertaining with some Hong Kong-wuxia choreography at the beginning that has been rarely seen in Hollywood. The two leads are ... solid, the supporting cast is also distinguishable, whereas the villains are still the weakest link due to the lack of screen time and clearly-defined identities. The most disappointing thing about this film, however, is the crappy message "love above all/love prevails", which is not only cheesy but also unconvincing given the gritty war-oriented setting of the film, it seems that the filmmakers did not learn anything from the failure of Christopher Nolan's "Interstellar", where such crappy plot-line almost destroyed the whole film. Also, this film has been praised for its emphasis of feminism and the role of women (its director is also a lady). Yet, the best character of this film is a male (Chris Pine), who helped "guide" the whole legion of clueless Amazonian warrioresses, whereas most of the females in this film are simply stereotypical characters similar to any traditionally male-oriented Hollywood film, including the strong yet absurdly innocent Wonder Woman, or the disappointingly thin Doctor Poison - the sole female villain of this film. In comparison with such strong feminist films like "Leon the Professional", this film appears to be really pale.

34. Baby Driver (2017): 3.5/5

A very cool/stylish film but the characters are a little bit one-dimensional and the plot is somehow too simplified for such a heist-focused film. This downsize of the film might probably come from its stretched-out middle part and some not-so-smooth changes in character development, despite a very strong opening sequence. The film is nevertheless very entertaining, and feels intelligent, but not as memorable as Edgar Wright's famed "Cornetto Trilogy". 

35. Spider-Man: Homecoming (2017): 3/5

Not a bad film, but I feel really sad watching how such a distinctive franchise was "Marvelized" with nonsensical dialogues, thin-as-paper villains, shallow character development, and repetitive themes like this. "Spider-Man" has always been my favourite superhero franchise, but this McMarvel approach might probably one day force me to stop going to the cinema for the web-shooting guy. Also, I dare to say that the crappy coming-of-age story of this film is way worse than the emotional ones depicted in "The Amazing Spider-Man 2", which was widely regarded by many (not me) as one of the worst, if not the worst film of the Spider-Man franchise.

36. Battle of Memories (2017): 2/5

Very, very nice pretext (to the point that I was willing to watch the film right after reading the plot synopsis, without knowing anything else about it). But the film turned out to be mediocre, that's all I can say.

37. Blade of the Immortal (2017): 3.5/5

An extremely entertaining film but with questionable editing with way too many incomprehensible jump-cuts. The story is interesting, abeit convoluted at parts, the characters are pretty memorable (despite some sudden character developments that are probably due the inherent length difference between the original manga series and this cinematic adaptation), the acting is also A-okay, but I can't really get pass that horrible editing. Still an amazing action film, though.

38. Bad Genius (2017): 3/5

Really cool premise with interesting cast, innovative approach to the heist genre, and refreshing environment of a highschool. Yet, the development of such premise is pretty disappointing with a mediocre ending and monotonous characters. Maybe I just had too high of an expectation for this film, but it really does not offer much beyond an above-average coming-of-age comedy.

39. Dark (2017): 3.5/5

The first six episodes were really, really intriguing thanks to their mysterious settings, intertwined characters, and interesting twists. The last four, however, were much less impressive, especially with the sudden turn to a Terminator-like theme in the last episode, which made me endlessly disappointed. I really should not be tricked to watch TV series like this, even Netflix ones, anymore...

40. Blade Runner 2049 (2017): 3.5/5

The film is visually satisfying but its pace is so slow, especially in the middle part, that almost killed the joy of watching, no wonder why the director of the original "Blade Runner" Ridley Scott complained that this film is too long. Nothing really new is offered either, as the film continues the "Do Androids Dream of Electric Sheep?" theme of its predecessor with some minor twists and without any breakthrough in script or character development.