some quotes....

I just want to tell you, I'm the one who was supposed to take care of everything. I'm the one who was supposed to make everything okay for everybody. It just didn't work out like that. And I left. I left you... And now, I'm an old broken down piece of meat... and I'm alone. And I deserve to be all alone. I just don't want you to hate me.

-Randy 'The Ram' Robinson, The Wrestler

jeudi 29 octobre 2009

Que reste-t-til de nos amours? (50 ans de la Nouvelle Vague)


(Ảnh: Belmondo và Seberg trong A bout de souffle)

Tiêu đề ở trên có nghĩa là "Còn chút dư âm nào cho tình ta? (50 năm ngày ra đời Làn sóng mới)"

Que reste-t-il de nos amours là một ca khúc rất nổi tiếng của Charles Trenet, ca sĩ huyền thoại của Pháp cùng thời với chim én Edith Piaf. Tương tự như nhiều ca khúc nổi tiếng khác của Pháp giai đoạn thập niên 1940, 1950, Que reste-t-il de nos amours có nhịp điệu chậm rãi, ca từ rất lãng mạn (mà bây giờ gọi là "sến") và thoáng chút buồn bã. Bài hát là tâm sự của một người đàn ông (có lẽ đang ở tuổi trung niên) trong bóng tối của căn nhà vắng lặng, ông tiếc nuối tuổi trẻ đã qua, tiếc nuối những ngày đẹp trời và những lời đẹp đẽ mà cô gái của ông từng thì thầm bên tai. Giờ đây còn lại một mình, ông chỉ biết sống với những kỉ niệm quá khứ - dư âm duy nhất còn lại từ mối tình năm xưa. (Cùng thời với Que reste-t-il de nos amours còn có một ca khúc rất nổi tiếng khác cũng có nội dung gần tương tự, đó là Les feuilles mortes của Jacques Prévert mà Yves Montand biểu diễn rất thành công, sau được chuyển sang tiếng Anh với cái tên Autumn Leaves).



Que reste-t-il de nos amours được chọn làm bản nhạc nền của bộ phim Pháp Baisers volés (Những nụ hôn bị đánh cắp) của François Truffaut. Ý tưởng về "những nụ hôn bị đánh cắp" sau này đã được Giuseppe Tornatore sử dụng trong một trong những trường đoạn đẹp và xúc động nhất của điện ảnh mấy thập niên gần đây - trường đoạn Toto xem lại những thước phim bị cắt trong Cinéma Paradiso. Que reste-t-il de nos amours còn xuất hiện trong một bộ phim của Hollywood, đó là Something's Gotta Give, một phim tình cảm hài về những người đã ở buổi xế chiều của cuộc đời (Jack Nicholson và Diane Keaton) rất xuất sắc của Nancy Meyers.

Vậy giữa Que reste-t-il de nos amours và Nouvelle Vague có gì liên quan ngoại trừ việc nó được dùng trong một phim nouvelle vague của Truffaut, đạo diễn đi tiên phong của Nouvelle Vague? Tại sao cái cụm từ "Que reste-t-il?" ("Còn lại gì?") được rất nhiều báo Pháp dùng trong những bài viết kỉ niệm 50 năm Nouvelle Vague (Le Figaro, Evene.fr,...)? Và 50 năm sau ngày ra đời, Nouvelle Vague còn lại dư âm gì trong điện ảnh Pháp và thế giới? Người ta liệu còn nhớ đến những giấc mơ, niềm hy vọng của những Truffaut, Godard, Resnais không khi mà các bộ phim kinh phí lớn của Hollywood đang tràn ngập thế giới, ngay tại nước Pháp trang bìa của những tạp chí điện ảnh lớn như Studio CinéLive, Première, Brazil (và cả Cahiers du cinéma!) luôn là những gương mặt Mỹ xa lạ?

Bìa cuốn La Nouvelle Vague, portrait d'une jeunesse (Làn sóng mới, chân dung một thời tươi trẻ)

Cụm từ "Nouvelle Vague" ("Làn sóng mới") chính thức ra đời ngày 3 tháng 10 năm 1957 khi Françoise Giroud, trong một bài báo viết cho tờ L'Express, đã công bố kết quả một cuộc điều tra lớn về giới trẻ của Pháp, bài báo cho thấy một "làn sóng mới" đang thổi vào cuộc sống tẻ nhạt của giới trẻ Pháp trong thời gian phục hồi kinh tế (và cả vết thương tinh thần của một đất nước đầu hàng ê chê) sau chiến tranh. Giới trẻ Pháp đang thay đổi, về cả cách sống, phong cách ăn mặc, thay đổi cả về những mơ ước, mong đợi của họ với nước Pháp - sự thay đổi đã dẫn đến cuộc bạo loạn nổi tiếng năm 1968 (sự kiện Mai 68). Còn "Nouvelle Vague" trong điện ảnh xuất hiện lần đầu trong tạp chí Ciné 58 khi nhà báo Pierre Billard dùng nó để mô tả một nhóm đạo diễn mới, rất trẻ, rất nổi loạn của điện ảnh Pháp, đó là Jean-Luc Godard, François Truffaut, Alain Resnais, Jacques Rivette, Claude Chabrol,... . Nhóm đạo diễn trẻ nổi loạn này đã tuyên chiến với các bộ phim Pháp kiểu cổ điển bằng một loạt tác phẩm điện ảnh mới, mới cả về nội dung và cách thức thực hiện, đó là Jules et Jim, Bande à part, Le Beau Serge,...

Jules et Jim, tuổi trẻ bất diệt...

Nouvelle Vague bắt đầu làm nổ tung điện ảnh Pháp vào năm 1959 với hai bộ phim xuất sắc, Les 400 Coups của Truffat và A bout de souffle của Godard. Vứt bỏ những bối cảnh trường quay gò bó, các đạo diễn Nouvelle Vague cầm máy xuống thẳng những đường phố Paris, vốn đẹp nhất thế giới - và đương nhiên đẹp hơn ngàn lần bối cảnh trường quay. Lần đầu tiên người ta thấy những góc quay mới đầy trẻ trung, thấy hình ảnh của một Paris thực sự với nhạc jazz, những quán cà phê khu Montparnasse, thấy cô gái Jean Seberg (một người Mỹ nhưng còn Pháp hơn cả người Pháp!) với mái tóc ngắn và cách ứng xử lạ lùng (trong A bout de souffle), lần đầu tiên người ta thấy một trường đoạn chạy đua trong ... bảo tàng Louvre (trong Bande à part), lần đầu tiên người ta thấy tình yêu giữa một cô gái châu Âu và một chàng trai châu Á nảy nở trên cái nền hoang tàn chết chóc của Hiroshima (trong Hiroshima mon amour) và rất nhiều cái "lần đầu tiên" khác nữa. Tất cả những stéréotype (mô-típ lặp đi lặp lại) được các đạo diễn trẻ "tiêu diệt", họ khuyến khích diễn viên ứng khẩu (improviser), họ quay không hề dựa vào những kịch bản tuyến tính kiểu truyền thống, họ cắt cảnh đột ngột bất chấp quan niệm thông thường về sự liền mạch của phim, hạn chế về kinh phí cũng "giúp" các đạo diễn trẻ khai phá được những diễn viên chưa có tên tuổi như Belmondo, Moreau. Với các đạo diễn Nouvelle Vague, thực tại được họ đưa vào phim qua con mắt của trường phái ấn tượng, ở đó một ngọn cỏ trong nắng không cần thiết phải có màu xanh lá cây, nó có thể mang màu xanh nước biển, hoặc thậm chí là màu tím, miễn rằng đó là "ngọn cỏ thật", là những thứ nhỏ bé, bình dị nhưng gần gũi với cuộc sống. Tất cả những sự sáng tạo về kĩ thuật và cách biểu hiện ấy toát lên một điều - Tự do, chính sự khát khao tự do đã giúp các đạo diễn trẻ Pháp vươn tới được cái mới, cái thực tế, mới giúp điện ảnh Pháp có được một thế hệ diễn viên tài năng của Jean-Paul Belmondo, Jean Seberg, Jeanne Moreau.


Các phim tiêu biểu của Nouvelle Vague, lựa chọn của tờ Le Figaro

Cần phải nỏi thêm rằng Hollywood lúc này cũng đang trong giai đoạn vật vã chuyển mình, điện ảnh Mỹ sau giai đoạn hoàng kim thập niên 1940 và đầu 1950 đang suy sụp trước sự khủng hoảng về tài năng, về ý tưởng, mà phải mãi tới giữa thâp niên 1960 họ mới phục hồi được với thế hệ New Hollywood - thế hệ các nhà đạo diễn hướng tới xã hội hiện tại, tới cái có thực. Họ (các đạo diễn trẻ Mỹ) đã lặng lẽ tích lũy những tinh hoa điện ảnh của Nouvelle Vague, của điện ảnh Nhật (Kurosawa, Mizoguchi), của neorealismo Ý (De Sica, Rosellini, Fellini) để rồi trong thập niên 1970 quay trở lại "thống trị" điện ảnh thế giới với Scorsese, Coppola, Allen,... Còn nước Pháp? Có đợt sóng nào lại không tan khi đi tới bờ? Các đạo diễn trẻ Pháp, với cái tính nghệ sĩ "rất Pháp" của mình, mất dần sức sáng tạo, nhất là khi làn sóng mới trong giới trẻ Pháp bắt đầu tạm lắng sau cuộc biểu tình lớn năm 68. Khi mà "cái mới" do họ sáng tạo đã trở thành tiêu chuẩn thực sự cho điện ảnh thì phim của các đạo diễn Nouvelle Vague đã không còn "mới" nữa, họ tiếp tục làm phim, tất nhiên, nhưng kể từ thập niên 1970, đã chẳng ai còn nhắc đến cái gọi là "phim Nouvelle Vague" nữa. Hay như Agnès Varda, nữ đạo diễn duy nhất của Nouvelle Vague (dù bà không hề nhận như vậy) đã nói: "Nouvelle Vague ? Vieille Vague ? Vague à l’âme ? On divague." (Làn sóng mới? Làn sóng cũ? Làn sóng ưu phiền? Chỉ là vớ vẩn." - Vague à l'âme dịch từng từ thì là "làn sóng trong tâm hồn" nhưng nghĩa chuẩn là sự ưu phiền, buồn bã).

Vậy dư âm còn lại cho đến nay của Làn sóng mới là gì? Có lẽ đó là những thế hệ nhà làm điện ảnh (đạo diễn, nhà sản xuất, quay phim, diễn viên) đã làm trụ cột cho điện ảnh Pháp suốt mấy thập kỉ, đó là những tiêu chuẩn mới về kĩ thuật quay, kĩ thuật dựng phim, và trên hết, đó là lòng khao khát tự do trong sáng tạo nghệ thuật, đó là sự tươi trẻ bất diệt và cái nhìn mới mẻ, tươi tắn về cuộc sống.

Hiroshima mon amour (Hiroshima tình yêu của tôi), một bộ phim lãng mạn rất mới mẻ và cảm động

====
Trang allocine.fr có thống kê những bộ phim và diễn viên nổi bật nhất (incontournable) của Nouvelle Vague (các liên kết ở tên là video về những nhân vật được nhắc đến trong giai đoạn Nouvelle Vague - một thời rất trẻ!):

- Diễn viên...
* Jean-Paul Belmondo với vai chàng thanh niên nổi loạn trong A bout de souffle - phim đầu tay của Jean-Luc Godard. Vai diễn này đã đưa luôn Belmondo lên hàng ngôi sao sáng nhất của điện ảnh Pháp, anh đóng cặp với Jean Seberg, một nữ diễn viên Mỹ nhưng chỉ đạt được vinh quang khi sang Pháp, Seberg cũng là một nữ diễn viên có cuộc đời riêng bất hạnh, cô tử tự khi mới 40 tuổi - số phận của Seberg khá giống với nữ danh ca Dalida, một người Ý nhưng nổi danh ở Pháp và rồi cuối cùng cũng tự kết liễu đời mình vì "không thể tiếp tục sống".
* Anna Karina, vợ của Jean-Luc Godard giai đoạn 61-68, Karina nổi bật nhờ các vai diễn trong Une Femme est une femme, Le Petit SoldatPierrot le Fou.
* Jean-Claude Brialy, ngôi sao của Le Beau SergeLes Cousins.
* Bernadette Lafont, nữ diễn viên ruột (actrice fétiche) của Claude Chabrol.
* Jean-Pierre Léaud, acteur fétiche của François Truffaut, người nổi tiếng khi mới chỉ là một cậu thiếu niên trong Les 400 Coups.
* Và tất nhiên, Jeanne Moreau của Jules et Jim, chỉ với duy nhất một vai diễn này thôi, Moreau cũng đã đủ danh tiếng để bước lên hàng ngũ huyền thoại của điện ảnh Pháp.

- Phim...
* Le Beau Serge (11 tháng 2 năm 1959) của Claude Chabrol - bộ phim đánh dấu sự ra đời của Nouvelle Vague
* Les 400 Coups (1959) của François Truffaut
* Hiroshima mon amour (1959) của Alain Resnair
* Les Cousins (1959) của Claude Chabrol
* A bout de souffle (1960) của Jean-Luc Godard
* Les Bonnes femmes (1960) của Claude Chabrol
* Paris nous appartient (1961) của Jacques Rivette
* Cléo de 5 à 7 (1962) của Agnès Varda
* Le Signe du lion (1962) của Eric Rohmer
* Adieu Philippine (1963) của Jacques Rozier
* Pierrot le Fou (1965) của Jean-Luc Godard

An American in Paris - Jean Seberg

==
Ghi chú:

Năm nay (2009) cũng là tròn 50 năm ngày ra đời của hai hiện tượng văn hóa Pháp khác, hai niềm tự hào của người Pháp - Nhóc Nicholas (le petit Nicholas) và Astérix (Astérix le Gaulois), cả hai đều do René Goscinny, một nhà văn người Pháp gốc Ba Lan, sáng tác nội dung. Tuy "chỉ" là truyện thiếu nhi nhưng Nhóc NicholasAstérix có sức sống rất lâu bền, cho đến giờ cả hai vẫn là những tác phẩm yêu thích của trẻ em Pháp, cả hai đều đã được chuyển thể thành phim ăn khách.

Năm 2003 đạo diễn người Ý Bernardo Bertolucci có làm một phim gây nhiều tranh cãi là The Dreamers, phim bị nhiều người chỉ trích vì có nhiều pha sex trần trụi, riêng với tôi thì đây lại là một phim rất hay vì nó khắc họa lại cực kì sống động hình ảnh thanh niên và điện ảnh Pháp giai đoạn Nouvelle Vague.

3 commentaires:

  1. Bravo! :)) Merci beaucoup!!

    RépondreSupprimer
  2. Những ai yêu điện ảnh không thể không thích phim The Dreamers được vì nó được làm cho dân mê điện ảnh xem. Những cảnh trong The Dreamers cũng mô phỏng lại những bộ phim nổi tiếng thời Nouvelle Vague. Vì thế tui nghĩ bối cảnh của The Dreamers phải là cuối 60 đầu 70 chứ.

    RépondreSupprimer
  3. Bối cảnh của The Dreamers chính xác là tháng 5 năm 68 luôn :D. Xem bonus DVD thì thấy Bertolucci không chỉ phỏng theo phim Nouvelle Vague mà còn phỏng theo những phim tài liệu về các cuộc biểu tình của sinh viên và văn nghệ sĩ Pháp thời đấy. Phim hơi thiếu điểm nhấn nhưng còn khá hơn chính điện ảnh Pháp, giờ vẫn chưa có một phim nào thực sự hay về giai đoạn đó!

    RépondreSupprimer