some quotes....

I just want to tell you, I'm the one who was supposed to take care of everything. I'm the one who was supposed to make everything okay for everybody. It just didn't work out like that. And I left. I left you... And now, I'm an old broken down piece of meat... and I'm alone. And I deserve to be all alone. I just don't want you to hate me.

-Randy 'The Ram' Robinson, The Wrestler

mercredi 8 mai 2024

Trường An tam vạn lý (2023)


Thông thường tôi sẽ bình phim ngắn bằng tiếng Anh nhưng do phim này tôi xem với phụ đề tiếng Việt (thực sự cảm ơn các bạn nào đã làm bộ phụ đề tiếng Việt cho phim này quá xuất sắc) và nó gắn nhiều với tuổi thơ sách vở (tiếng Việt) của tôi nên tôi sẽ bình phim này bằng tiếng Việt. Trước hết có thể nói luôn là về chất lượng nghệ thuật phim này không xứng đáng 4 điểm, cùng lắm là 3.5 hoặc thậm chí là 3 điểm vì cách tạo hình nhân vật 3D trong phim này là không có gì mới, lộ rõ ảnh hưởng rất lớn (nếu không nói là sao chép) phong cách làm phim 3D của Hollywood (Pixar hoặc DreamWorks) và thậm chí là phần chi tiết nét mặt còn thiếu tinh tế hơn - điểm yếu này của phim đặc biệt lộ rõ trong những phân cảnh cuối khi Lý Bạch và Cao Thích đã về già. Đây là điều đáng tiếc vì phim có rất, rất nhiều nhân vật lịch sử, đặc biệt là các nhà thơ thời Nhà Đường, và hiếm khi khán giả có cơ hội được chứng kiến nhiều nhân vật như vậy cùng đứng chung một khung hình - vì phim lịch sử Trung Quốc thường chỉ tập trung vào chiến trận, triều đình, vì thế Dương Quý Phi, Đường Minh Hoàng, An Lộc Sơn, Quách Tử Nghi mới là những nhân vật thường được nhắc đến, và những nhà thơ như Lý Bạch, Đỗ Phủ, Vương Duy thường chỉ được sử dụng làm "nền" - hơn nữa phim lịch sử Trung Quốc về giai đoạn Hán - Đường thường tuân thủ rất triệt để theo ghi chép lịch sử và thường không "dám" tạo ra các cảnh "giả sử" để các nhân vật lịch sử có thật được ở cạnh nhau, tương tác với nhau (ngay đến phim "xuyên không" giờ cũng đã không còn được khuyến khích ở Trung Quốc, đừng nói là phim "giả sử"). Dù đây là phim lịch sử, lấy bối cảnh là các thành phố và quang cảnh nổi tiếng của Trung Quốc thời nhà Đường nhưng cách xây dựng và chất lượng nghệ thuật của các bối cảnh này dù đẹp, hoành tráng (đặc biệt với những cảnh tự nhiên rộng lớn như Động Đình hồ) cũng không thực sự mới mẻ, gây ấn tượng sâu sắc và vẫn có chút hơi hướng gì đó của phim hoạt hình 3D Hollywood. Đây là điểm theo tôi là khá đáng tiếng vì Trung Quốc có kho sử liệu và tranh vẽ đồ sộ từ thời nhà Hán, nhà Đường, nhà Tống vẫn còn tồn tại đến tận ngày nay - nếu các nhà làm phim tận dụng hơn các mô-típ của tranh thủy mặc thời Tống hay tượng đất nung thời Đường thì phần "nhìn" của phim trông sẽ đặc sắc hơn rất nhiều (ví dụ cách dựng hình ngựa trong phim là đẹp, sinh động, và khác biệt hơn hẳn so với phim Hollywood - lý do đơn giản vì chúng được lấy theo đúng mẫu các bức tượng ngựa thời nhà Đường - ai đã từng thấy các bức tượng này ở bảo tàng, triển lãm sẽ nhận ra ngay những con ngựa mà Cao Thích hay Lý Bạch cưỡi có ngoại hình giống hệt. Về mặt tiết tấu, phim có tiết tấu khá chậm, khiến khán giả đôi lúc sẽ có cảm giác phim "quá dài" - nhất là những phân đoạn đối thoại giữa Cao Thích và Trình giám quân - tất nhiên độ dài 168 phút của phim thực sự là "rất dài" cho một phim hoạt hình, nhưng vì kể câu chuyện trải dài suốt nhiều thập niên về giai đoạn Nhà Đường từ đỉnh cao rơi xuống vực sâu, nên độ dài này là cần thiết, nhưng rõ ràng các nhà làm phim có thể điều chỉnh tiết tấu để phim nhanh hơn, lôi cuốn hơn với nhiều trường đoạn tương tác giữa Lý Bạch và Cao Thích, và các nhân vật khác hơn. Cái kết hơi mang tính "dân tộc chủ nghĩa" (phong cách thời thượng của phim Trung Quốc thời điểm hiện tại) cũng làm mất đi phần nào giá trị của phim - một tác phẩm vốn nói về sự tương phản giữa một Lý Bạch phóng khoáng, sống hết mình, với một Cao Thích luôn tự cầm chân mình trong các giới hạn của đạo lý, luân thường trong bối cảnh xã hội tao loạn - chứ không phải là một tác phẩm nói về đề tài "chống ngoại xâm", "diệt Thổ cầm Hồ" thời Nhà Đường. Cũng phải nói thêm là nút thắt mở dẫn đến phần kết này khá thú vị khi nó giúp phim tạo được sự khác biệt đáng kể so với "Amadeus" của Miloš Forman - vốn có phần kịch bản đầu gần như tương đồng so với "Trường An tam vạn lý" - cũng nói về tình bạn/đối thủ giữa một thiên tài phóng khoáng (nhưng vì thế mà thất bại trong đường sự nghiệp) với một nghệ sĩ kém tài hơn nhưng luôn chịu khó cúi đầu đi về phía trước để cuối cùng trở thành người "sống sót"/thành công hơn để kể lại câu chuyện của cả hai.

Chê thì chê, nhưng tôi vẫn chấm phim này 4 điểm, vì xem phim này tôi thực sự xúc động khi thấy các nhà làm phim đã chuyển hóa được các bài thơ Đường (chủ yếu là của Lý Bạch) thành ngôn ngữ hình ảnh, âm thanh của điện ảnh. Đây là những bài thơ tôi đã đọc, và thích từ ngày còn bé, nhưng quả thực chưa bao giờ tưởng tượng và liên hệ những bài thơ đó một cách toàn diện, nhiều tầng ý nghĩa, nhiều tầng cảm xúc như ở bộ phim này. "Tĩnh dạ tư", "Tương tiến tửu", "Tảo phát Bạch Đế thành" là những đỉnh cao trong sự nghiệp thơ ca của Lý Bạch, và những phân đoạn về các bài thơ này trong phim cũng là những điểm nhấn đẹp đẽ, đáng nhớ vô cùng. Vì thế nên xem phim này tôi vừa thấy cảm động, nhớ lại cái tuổi niên thiếu của chính mình ngồi ngâm nga những bài thơ Đường ở cái thời còn chưa thể ngấm được hoàn toàn những tâm sự, suy tư của Lý Bạch khi làm những bài thơ này, hay cái mới, cái đột phá mà Lý Bạch đem đến cho thơ của ông, và tôi cũng thấy có phần "ghen tị" khi chẳng biết đến bao giờ Việt Nam mới có được những bộ phim hoạt hình lịch sử xuất sắc đến thế này.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire