Ngày 21 tháng 7 năm 1969, nhà du hành vũ trụ người Mỹ Neil Armstrong trở thành người đầu tiên đặt chân lên Mặt Trăng, một kỳ tích vĩ đại về khoa học và công nghệ của loài người trong thế kỷ 20. Chỉ một năm nữa thôi nước Mỹ và thế giới sẽ kỉ niệm tròn nửa thế kỷ chuyến bay không gian Apollo 11 đã đưa Neil Armstrong, Buzz Aldrin, và Michael Collins tới Mặt Trăng, nhưng có lẽ câu nói của Armstrong "Đây là bước đi nhỏ bé của một người, nhưng là bước tiến khổng lồ của nhân loại" khi đặt chiếc ủng vũ trụ của ông xuống bề mặt cằn cỗi, lạnh lẽo và hoang vắng đến siêu thực của Mặt Trăng vẫn còn nguồn cảm hứng cho những người ham muốn tìm tòi, khám phá những thử thách mới mẻ và khó khăn của loài người.
Hàng trăm triệu người xem truyền hình đã được chứng kiến những thước phim đen trắng quay lại cảnh Neil Armstrong và Buzz Aldrin cắm lá cờ sao vạch của Hoa Kỳ lên Mặt Trăng. Cũng đã rất nhiều học sinh có cơ hội được đọc những trang sách mô tả cuộc đua quyết liệt vào vũ trụ giữa Liên Xô và Hoa Kỳ những năm 1950, 1960 mà chuyến du hành Apollo 11 của Armstrong, Aldrin, và Collins được coi là một trong những điểm nhấn đáng nhớ nhất. Nhưng có lẽ không nhiều người biết rằng để có được thời khắc vươn tới Mặt Trăng, cá nhân Neil Armstrong và những thành viên của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Hoa Kỳ NASA đã phải vượt qua vô số thử thách về mặt kỹ thuật và thể chất, cũng như phải trải nghiệm rất nhiều những mất mát về mặt tinh thần khi chứng kiến sự hy sinh của chính những người đồng nghiệp, đồng đội trong các chuyến bay thất bại. Đây cũng chính là nội dung của First Man – bộ phim mới nhất của đạo diễn Damien Chazelle với kịch bản chuyển thể từ cuốn tiểu sử chính thức về Neil Armstrong First Man: The Life of Neil A. Armstrong của tác giả James R. Hansen. Trong First Man, người xem lần đầu tiên được chứng kiến một cách chi tiết trên màn ảnh lớn chuyến bay từ Trái Đất tới Mặt Trăng dài 8 ngày của Neil Armstrong (Ryan Gosling), Buzz Aldrin (Corey Stoll), và Michael Collins (Lukas Haas) trong phi vụ Apollo 11. Nhưng không chỉ dừng lại ở đó, First Man còn đưa tới cho khán giả cuộc hành trình gian nan, vất vả không kém mà Armstrong phải trải qua từ khi còn là một phi công lái thử nghiệm chiếc máy bay North American X-15 năm 1961 cho đến thành công “một nửa” của chuyến bay Gemini 8 năm 1966, và kết thúc là bước chân đầu tiên của loài người trên Mặt Trăng ngày 21 tháng 7 năm 1969. Là “người đầu tiên” không có nghĩa là “người đơn độc”, luôn sát cánh bên Neil Armstrong trong những năm thử thách đó là những người bạn phi hành gia như Ed White (Jason Clarke), như Elliot See (Patrick Fugit), những người đồng nghiệp nhiệt thành như Deke Slayton (Kyle Chandler), và tất nhiên là người vợ luôn hết mực ủng hộ chồng Janet Shearon (Claire Foy).
Vốn thường chứa đựng những câu truyện phiêu lưu mạo hiểm, đầy tính gợi mở dễ dàng lôi cuốn người xem, các cuộc du hành không gian đã trở thành đề tài quen thuộc ở Hollywood thậm chí từ trước khi Neil Armstrong đặt chân lên Mặt Trăng năm 1969 với tác phẩm kinh điển 2001: A Space Odyssey (1968) của đạo diễn Stanley Kubrick. Nhưng phải chờ tới khi kỹ nghệ đồ hoạ vi tính được các nhà làm phim Mỹ hoàn thiện trong thập niên 1980 và được khích lệ bởi thành công vang dội của hai thương hiệu Star Wars và Star Trek, đề tài thám hiểm vũ trụ mới thực sự cất cánh trên màn ảnh lớn với rất nhiều tác phẩm vừa ăn khách lại vừa được đánh giá cao về mặt nghệ thuật như Apollo 13 (1995) của Ron Howard, Gravity (2013) của Alfonso Cuarón, Interstellar (2014) của Christopher Nolan, và gần đây nhất là The Martian (2015) của Ridley Scott. Nếu xét trên khía cạnh này thì hẳn nhiều người đã cho rằng Damien Chazelle – đạo diễn trẻ hàng đầu của Hollywood ở thời điểm hiện tại sau liên tiếp hai thành công của Whiplash (2014) và La La Land (2016) sẽ rất dễ dàng chinh phục khán giả và giới phê bình với First Man – tác phẩm về một trong những sự kiện đáng nhớ nhất, kỳ vĩ nhất trong lịch sử nước Mỹ và lịch sử chinh phục không gian của loài người. Nhưng thực tế thì hoàn toàn không phải như vậy, bởi nếu nhìn kỹ thì người xem có thể thấy ngay rằng các bộ phim về không gian muốn thành công thường phải viện tới các đề tài hoàn toàn mang tính khoa học viễn tưởng như loạt phim Star Wars, Star Trek, hoặc nếu dựa trên sự kiện có thật thì đó phải là những sự kiện phải có cốt truyện cực kì kịch tính như chuyến bay thảm hoạ Apollo 13. Lựa chọn “ưu tiên” tối đa cho không gian giả tưởng này có một lý do rất đơn giản, đó là vì việc tạo ra các kỹ xảo điện ảnh về không gian “như thật” là hoàn toàn trong tầm tay của một nền điện ảnh vượt trội về mặt kỹ thuật và công nghệ như Hollywood, nhưng làm thế nào để truyền tải tới người xem cảm giác thật của những nhà du hành vũ trụ khi tiếp cận những chân trời mới lại là bài toán khó với bất cứ đạo diễn điện ảnh nào. Việc Chazelle lựa chọn cuốn tiểu sử chính thức về Neil Armstrong của James R. Hansen để chuyển thể lên màn ảnh lớn, và việc anh quyết định hợp tác với nhà biên kịch “chuyên trị” các sự kiện có thật trong lịch sử nước Mỹ là Josh Singer – tác giả kịch bản của các bộ phim đậm chất tài liệu gây tiếng vang như Spotlight (2015) và The Post (2017) cho thấy rằng Damien Chazelle đã quyết tâm chinh phục một mảng đề tài khó nhằn vốn chưa có nhiều tác phẩm đại diện của dòng phim khám phá không gian – các bộ phim về những cuộc thám hiểm vũ trụ “có thật”. Một thử thách khác của Damien Chazelle khi thực hiện First Man đó là việc khác với Apollo 13 – chuyến bay giông tố từng được Ron Howard chuyển thể rất thành công với sự thể hiện của Tom Hanks trong vai đội trưởng chuyến bay Jim Lovell, Apollo 11 của Neil Armstrong là một chuyến du hành vũ trụ tương đối suôn sẻ, không nhiều kịch tính. Hơn thế nữa là khác với nhiều nhà du hành vũ trụ vốn nổi tiếng hoạt ngôn, tích cực tham gia hoạt động xã hội như Buzz Aldrin thì Neil Armstrong lại nổi tiếng là người kín tiếng, không thích biểu lộ tâm trạng, hạn chế tiếp xúc với công chúng tới mức ông được gia đình đặt biệt danh là “người hùng miễn cưỡng của nước Mỹ” (“Reluctant American hero”). Chuyển thể một sự kiện nổi bật nhưng ít kịch tính, và khắc hoạ một nhân vật nổi tiếng nhưng ít cảm xúc như vậy trong một tác phẩm điện ảnh được công chúng đòi hỏi là phải chân thực nhưng vẫn hấp dẫn như First Man rõ ràng là một thử thách lớn kể cả với một đạo diễn từng giành giải Oscar như Damien Chazelle.
Vậy Damien Chazelle đã giải quyết thế nào bài toán chuyển tải cảm xúc khám phá không gian của những nhà du hành vũ trụ có thật, trong những chuyến bay có thật đến với khán giả? Câu trả lời nằm ở phần hình ảnh và âm nhạc tuyệt đỉnh của First Man. Chịu trách nhiệm cho phần hình ảnh của First Man là nhà quay phim người Thuỵ Điển Linus Sandgren – người từng giành giải Oscar cho quay phim xuất sắc nhất ngay trong lần hợp tác đầu tiên với Damien Chazelle qua bộ phim ca vũ La La Land. Nếu như nếu như La La Land tràn ngập những bối cảnh rực rỡ, đa dạng, và tươi vui của thành phố đông đúc, chật chội Los Angeles, thì phần hình ảnh của First Man lại là sự kết hợp một cách nhịp nhàng giữa các bối cảnh chật hẹp, rung lắc đến ngột thở của buồng lái tàu vũ trụ với không gian rộng lớn, bao la đến choáng ngợp từ tầng bình lưu của Trái Đất cho tới bề mặt Mặt Trăng. Chính sự tương phản về mặt không gian này đã giúp khán giả cảm nhận được phần nào cảm giác của chính những phi hành gia như Neil Armstrong trong khoảnh khắc vượt khỏi sự đeo bám của lực hấp dẫn Trái Đất để vươn tới những chân trời loài người chưa từng chạm tới. Chính cái cảm giác vươn cao, vươn xa để được thấy mình thực sự nhỏ bé trước sự vô tận của không gian, để được thấy mình chạm tới những thế giới mà qua hàng ngàn, hàng vạn năm con người mới chỉ có thể quan sát bằng mắt thường và kính viễn vọng đã giúp Neil Armstrong và các đồng đội của ông vượt qua những bài tập mệt mỏi đến nôn mửa với máy ly tâm, đã đem lại cho họ sức mạnh để “nhồi nhét” 600 trang sách động lực học tên lửa chỉ trong một tiết học, đã tạo cho họ niềm tin vào tương lai của các chuyến bay vũ trụ đầy bất trắc sau sự hy sinh của chính những người bạn đồng cam cộng khổ trong NASA. Dưới những góc máy xuất sắc của Sandgren, khán giả cũng đã có thể phần nào hiểu được cái cảm giác này qua First Man, đặc biệt là qua những cảnh quay đắt giá và có thể coi là xúc động nhất trong phim như khi Neil Armstrong lái chiếc X-15 vươn tới ranh giới giữa khí quyển Trái Đất và khoảng không vũ trụ, hay khi mô-đun mang tên đại bàng (“Eagle”) chở Neil Armstrong và Buzz Aldrin chạm xuống bề mặt trắng toát và bụi bặm của Mặt Trăng.
Nhắc tới dòng phim du hành vũ trụ không ai có thể quên được 2001: A Space Odyssey – tác phẩm đã khiến nhiều thế hệ khán giả trở nên mê đắm với không gian và những cuộc chinh phục vũ trụ nhờ vào vô số những đột phá về mặt kĩ xảo và hình ảnh của đạo diễn huyền thoại Stanley Kubrick. Bên cạnh phần hình ảnh thì một trong những khía cạnh thường được nhắc tới của 2001: A Space Odyssey là cách Kubrick sử dụng âm nhạc, và khoảng lặng, để giúp khán giả cảm thấy mình được là một phần của cuộc hành trình tới Mặt Trăng của các phi hành gia trong phim. Nếu như các bản nhạc cổ điển hùng tráng như Dòng Danube xanh của Johann Strauss II và đặc biệt là khúc mở đầu “Mặt Trời mọc” trong Also sprach Zarathustra của Richard Strauss được Kubrick vang lên trong phim để đem lại cho người xem cảm giác về sự bao la vô tận của vũ trụ, thì tại rất nhiều thời điểm trong 2001: A Space Odyssey, bao trùm lại là sự im lặng đến run người để nhắc nhớ họ một điều rằng những hình ảnh mà họ đang được chứng kiến thuộc về một thế giới khác, thuộc về một khoảng không khác nơi con người chỉ là những tạo vật xa lạ, nhỏ bé, và mỏng manh. Bởi vậy, hẳn những người từng yêu quý 2001: A Space Odyssey sẽ cảm thấy xúc động khi xem First Man của Damien Chazelle, bởi âm nhạc, và những khoảng lặng cũng chính là một điểm nhấn của bộ phim về một chuyến du hành có thực tới Mặt Trăng này. Vốn thành danh từ hai bộ phim về âm nhạc là Whiplash và La La Land, Damien Chazelle và người bạn lâu năm Justin Hurwitz – nhà soạn nhạc cho tất cả các tác phẩm của Chazelle kể từ ngày hai người còn ngồi chung giảng đường ở Đại học Harvard chắc hẳn đã đặt nhiều hy vọng vào việc tái hiện được cảm xúc mà 2001: A Space Odyssey đem lại cho khán giả qua cách sử dụng âm thanh. Và quả thực, dù có thể chê First Man vì thời lượng dài hay kịch bản thiếu điểm nhấn nhưng chắc chắn không khán giả nào không cảm thấy xúc động khi nghe những âm thanh hoài cổ của bản Lunar Rhapsody cất lên trong khoang tàu chật hẹp của Apollo 11, hay khi những nốt nhạc da diết của Justin Hurwitz cuốn theo những bước đi chậm rãi của Neil Armstrong trên bề mặt Mặt Trăng – một hình ảnh gợi nhớ tới phân đoạn nổi tiếng của 2001: A Space Odyssey khi các phi hành gia tiếp xúc với phiến đá đen bí ẩn lần đầu tiên trong một hố thiên thạch rộng lớn của vệ tinh duy nhất này của Trái Đất. Và cũng như 2001: A Space Odyssey, xen kẽ giữa các bản nhạc trong First Man cũng là vô số những khoảng tĩnh lặng cần thiết để người xem có thời gian bình tâm suy ngẫm về sự nhỏ bé của con người và Trái Đất giữa Vũ trụ bao la, suy ngẫm về khát khao chinh phục của những nhà du hành như Neil Armstrong, suy ngẫm về giá trị của những hy sinh về thời gian, về của cải, về cả tính mạng mà loài người đã bỏ ra để vươn được tới những địa điểm hoàn toàn xa lạ và chẳng có lấy một sự sống như Mặt Trăng.
Tất nhiên, dù là phim tiểu sử nhưng First Man không phải là một phim tài liệu, bởi vậy chỉ thành công về mặt hình ảnh và âm thanh chưa thể là đủ nếu tác phẩm mới nhất của Damien Chazelle không kể được một câu truyện lôi cuốn khán giả về Neil Armstrong. Về khía cạnh này, sự miễn cưỡng trong giao tiếp với công chúng và bộc lộ tâm tư, tình cảm của Neil Armstrong được Chazelle và nhà biên kịch Josh Singer bù đắp bằng một loạt các nhân vật phụ xoay quanh cuộc đời Armstrong, và những bi kịch đời tư và bi kịch trong công việc vốn không hẳn trung thành 100% với cuộc đời nhà du hành vũ trụ huyền thoại. Nếu so sánh với hiệu quả cảm xúc về phần nhìn và phần nghe của phim thì việc xây dựng nhân vật trong phim chưa hẳn đã là điểm thành công nhất của First Man khi thời lượng phim không thể đủ để từng nhân vật phụ tạo dựng được chỗ đứng trong lòng khán giả bởi vai trò của họ thường xuyên bị khoả lấp bởi các phân đoạn dài và kịch tính hơn nhiều về những trục trặc kĩ thuật mà NASA gặp phải khi hướng tới Mặt Trăng. Kể cả hình tượng Neil Armstrong trong First Man tuy đem lại cảm hứng cho người xem với lòng khao khát khám phá không gian cũng không hẳn là một nhân vật ấn tượng về chiều sâu cảm xúc, một phần vì sự cô độc trong im lặng vốn là đặc trưng cho một nhà du hành kinh nghiệm đã chai sạn vì vô số những tai nạn và mất mát, một phần vì mạch cảm xúc của phim thường xuyên bị ngắt quãng giữa những bi kịch đời tư và những thành công trong sự nghiệp của Armstrong, và một phần bởi diễn xuất không thực sự có nhiều đột phá của Ryan Gosling nếu so sánh với các vai diễn xuất sắc khác của anh trong Drive (2011) và La La Land. Bởi vậy mà kể cả khi bộ phim khép lại với một phân đoạn hết sức xúc động, hết sức riêng tư của Neil Armstrong trên Mặt Trăng, hiệu quả cảm xúc mà cảnh phim này mang lại có lẽ cũng không hẳn được như ý muốn của Chazelle và Singer bởi cảm giác thiếu tự nhiên, thiếu mạch cảm xúc của cảnh phim với cuộc hành trình dài đằng đẵng từ chiếc X-15 đến Mặt Trăng của Armstrong. Điểm sáng lớn nhất trong dàn diễn viên của First Man có lẽ là Claire Foy – nữ diễn viên thủ vai người vợ giàu sức chịu đựng nhưng cũng hết sức mạnh mẽ của Neil Armstrong. Vốn đã được coi là nữ diễn viên hàng đầu của màn ảnh nhỏ Anh-Mỹ trong vài năm trở lại đây với các vai diễn xuất sắc trong Wolf Hall và The Crown, Claire Foy mới chỉ thực sự “chào sân” Hollywood trong năm 2018 với một loạt vai diễn trong First Man, Unsane và sắp tới là vai diễn quan trọng Lisbeth Salander trong The Girl in the Spider's Web. Nhưng chỉ với riêng vai Janet Shearon trong First Man, Foy cũng đã khiến khán giả phải ngả mũ thán phục vì cô thậm chí còn toả sáng hơn cả bạn diễn Ryan Gosling bằng diễn xuất hết sức mạnh mẽ, đặc biệt là qua cặp mắt xanh ngắt giàu cảm xúc. Qua sự thể hiện của Claire Foy, người xem thực sự cảm nhận được những xung đột về mặt cảm xúc của một người vợ vừa muốn chồng mình làm nên lịch sử trong vai trò “Người đầu tiên”, vừa muốn người mình hết mực thương yêu ấy tránh khỏi những hiểm nguy rình rập của các cuộc du hành đầy chết chóc để mãi là “Người đàn ông của gia đình”. Chỉ nhìn vào ánh mắt sâu thẳm của Claire Foy thôi khán giả cũng phần nào có thể hiểu được rằng tại sao dù có cách xa Trái Đất hàng trăm nghìn cây số giữa khoảng không tĩnh lặng mênh mông của vũ trụ thì Neil Armstrong vẫn luôn cảm thấy bình yên nhất là khi được nghe những bản nhạc gắn liền với người vợ phương xa.
Ngay sau khi ra mắt công chúng, First Man đã vấp phải sự chỉ trích từ một số chính trị gia hoặc khán giả quá khích bởi họ cho rằng việc Damien Chazelle bỏ qua một trong những hình ảnh mang tính biểu tượng nhất của cuộc thám hiểm Mặt Trăng của Neil Armstrong và đồng đội là một hành động “không yêu nước”, không trân trọng thành quả nước Mỹ đạt được với chương trình Apollo trong bối cảnh ganh đua quyết liệt với Liên Xô. Ở chiều ngược lại, một số cũng lại cho rằng First Man là một bộ phim ca ngợi quá mức thành tựu khoa học kỹ thuật của nước Mỹ trong thập niên 1950, 1960 mà quên đi vô số những bi kịch mà nước Mỹ phải đối mặt trong cùng giai đoạn đó về mặt xung đột sắc tộc, xã hội, về những bước đầu sa lầy của nước Mỹ tại Việt Nam. Đó quả thực là những lời chỉ trích hết sức không cần thiết, bởi First Man đầu tiên và trên hết là bộ phim về Neil Armstrong, và về khát khao khám phá, chinh phục khoảng không của loài người chứ không phải một tác phẩm điện ảnh giới hạn về một thời điểm nhất định trong lịch sử của nước Mỹ. Có lẽ những người chỉ trích First Man đã quên rằng câu nói đầu tiên của Neil Armstrong – một người nổi tiếng dè dặt và ít phát biểu hoa mỹ khi đặt chân xuống bề mặt Mặt Trăng lại là "Đây là bước đi nhỏ bé của một người, nhưng là bước tiến khổng lồ của nhân loại". Chúng ta có thể cảm nhận được rằng Armstrong coi thành công của chuyến bay Apollo 11 và của cả chương trình không gian của NASA xứng đáng được coi là thành công chung của loài người sau nhiều thiên niên kỷ chỉ có thể ngắm nhìn “chị Hằng” từ một khoảng cách tưởng chừng chẳng bao giờ có thể khoả lấp. Chỉ khi coi thành công của Neil Armstrong là thành tựu chung như vậy, chúng ta mới có thể khuyến khích tất cả các quốc gia cùng chung tay trong công cuộc khám phá không gian nhiều vinh quanh nhưng cũng đầy rẫy nguy hiểm. Bởi đã hơn nửa thế kỷ sau những hy sinh lớn lao, thậm chí phải trả bằng máu và sinh mạng của Neil Armstrong và đồng đội, chỉ mới đây thôi chúng ta lại phải chứng kiến những cuộc chuyến bay vào vũ trụ thất bại như của tai nạn của cuộc phóng tên lửa Soyuz MS-10 ngày 11 tháng 10 năm 2018 vốn suýt chút nữa đã cướp đi sinh mạng của hai nhà phi hành một người Nga, một người Mỹ. Sau mỗi thất bại như thế, con người sẽ có thêm kinh nghiệm và bài học cần thiết để bay cao hơn, bay xa hơn vào trong vũ trụ. Nhưng điều đó chỉ có thể xảy ra nếu loài người vẫn mãi giữ trong mình khao khát chinh phục khoảng không, và tình yêu với những vẻ đẹp siêu thực ngoài không gian mà Neil Armstrong, mà Buzz Aldrin và đồng đội của họ luôn mang trong tim, và luôn sẵn sàng chia sẻ với cả thế giới. Tình yêu với không gian đó có lẽ cũng là thứ quan trọng nhất Damien Chazelle muốn truyền tải tới khán giả qua First Man. Và ở khía cạnh đó, chẳng ai có thể chỉ trích First Man, một bộ phim xứng đáng được coi là món quà kỉ niệm cho cả người yêu điện ảnh và không gian hướng tới dịp kỉ niệm nửa thế kỷ ngày Neil Armstrong đặt chân lên Mặt Trăng trong năm 2019.
========
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire