Đạo diễn người Hà Lan Michaël Dudok de Wit
là một hiện tượng đặc biệt của dòng phim hoạt hình thế giới. Sinh năm 1953, vị
đạo diễn 63 tuổi này cho đến trước năm nay mới chỉ cho ra đời đúng bốn phim hoạt
hình ngắn với tổng thời lượng vỏn vẹn 21 phút. Tuy nhiên khi nhắc tới một trong
số bốn tác phẩm đó – bộ phim Father and Daughter thì hẳn bất cứ người yêu điện
ảnh nào cũng sẽ phải ồ lên thán phục dù tác phẩm này đã được công chiếu từ 16
năm trước. Giành tới 21 giải thưởng điện ảnh của năm 2000, trong đó có cả hai
giải thưởng cao quý bậc nhất cho dòng phim him hoạt hình ngắn là Giải Oscar và
Giải BAFTA, Father and Daughter mang đến cho khán giả những gì tinh túy nhất
của Dudok de Wit, đó là phần hình họa tối giản, hạn chế chi tiết thừa, gam màu
trầm, nội dung cực kì tinh tế, xúc động dù không hề sử dụng thoại, và nhạc phim
sâu lắng với những nốt nhạc đi vào lòng người của tuyệt khúc The Danube Waves.
Kể từ khi công chiếu năm 2000, thông điệp
mang tính phổ quát về tình phụ tử của Father and Daughter không chỉ chinh phục
các giải thưởng điện ảnh mà còn chiếm được tình cảm của khán giả quốc tế, trong
số đó có một cái tên quen thuộc – đạo diễn huyền thoại Hayao Miyazaki. Sau khi
xem tác phẩm của đạo diễn người Hà Lan, Miyazaki đã tuyên bố rằng nếu hãng hoạt
hình Studio Ghibli của ông có sản xuất phim cho đạo diễn bên ngoài, người đó phải
là Dudok de Wit. Từng bày tỏ rằng mình không thực sự muốn làm phim hoạt hình
dài, nhưng có lẽ tên tuổi của Hayao Miyazaki và Studio Ghibli là quá đủ để
Dudok de Wit đổi ý. Sau một thời gian dài sản xuất, thành quả của mối lương
duyên giữa đạo diễn người Hà Lan, hãng phim Nhật Bản, và một loạt tên tuổi của
dòng phim nghệ thuật Pháp như hãng Wild Bunch và Why Not Production cuối cùng
cũng được ra mắt khán giả tại Liên hoan phim Cannes 2016. Dài đúng 80 phút, The Red Turtle là bộ phim hoạt hình dài đầu tiên Michaël Dudok de Wit viết kịch
bản và đạo diễn.
The Red Turtle mở đầu với cảnh một người
đàn ông vô danh bị bão tạp đánh dạt lên một hoang đảo, với duy nhất một bộ quần
áo trên người và niềm tin tìm về với đất liền trong tâm trí. Có lẽ bối cảnh này
của bộ phim sẽ khiến nhiều khán giả nghĩ ngay tới tác phẩm của Robert Zemeckis
do Tom Hanks thủ vai chính – Cast Away. Cũng ra mắt công chúng năm 2000 như Father and Daughter, Cast Away là câu truyện sinh tồn của Chuck Noland (Tom
Hanks) và người “bạn” của anh – Wilson-quả-bóng-chuyền. Nửa đầu của The Red
Turtle gần như đi theo đúng mô típ của Cast Away, khi bộ phim tập trung mô tả
sự tuyệt vọng của người đàn ông vô danh trên hòn đảo hoang vắng chỉ có thiên
nhiên, cua cá, hải cẩu, và sự yên tĩnh trống trải đến lặng người. Với chút sức
lực có được nhờ quả dại và nước ngọt trên đảo, người đàn ông quyết vượt biển
khơi bao la bằng cách dựng bè từ những thân tre nhặt được trong cánh rừng bên bờ
biển. Theo gió ra khơi mang theo niềm hy vọng trở về với thế giới, nhưng những
chiếc bè tre của người đàn ông vô danh nhanh chóng vỡ vụn giữa biển cả bởi một
thế lực bí ẩn nào đó dưới đáy sâu. Gắng sức bơi trở lại đảo, đóng những tấm bè
mới lớn hơn, vững chắc hơn để rồi lại bị đánh chìm khi chưa ra được bao xa, người
đàn ông dồn cả nghi ngờ con rùa đỏ to lớn, trầm mặc luôn có mặt trong các chuyến
ra khơi thất bại của mình. Uất ức đến cùng cực, người đàn ông đánh rồi lật ngửa
con rùa với hy vọng nó sẽ không thể phá hoại hành trình của ông ta một lần nào
nữa. Nhưng sợi dây trói chặt ông với hòn đảo hoang không vì thế mà nới lỏng, bởi
con rùa định mệnh lại biến mình thành một người phụ nữ xinh đẹp làm đảo lộn mọi
quyết tâm và dự định của người đàn ông vô danh.
Với khán giả đã từng phải lòng phong cách
nghệ thuật duyên dáng của Father and Daughter thì The Red Turtle chắn chắn
sẽ không làm họ thất vọng bởi Dudok de Wit trong tác phẩm dài đầu tay này vẫn
trung thành với sự tối giản đầy tính biểu tượng với những khung hình sử dụng ít
màu sắc, đường nét thừa nhưng lại hết sức chăm chút vào từng chi tiết, nét vẽ
mô tả thiên nhiên và nhân vật. Rất hiếm khi sử dụng những góc quay cận cảnh,
con người trong các tác phẩm của Dudok de Wit luôn hiện ra nhỏ bé, mỏng manh
như chính số phận của họ, bởi vậy với đạo diễn người Hà Lan thiên nhiên với sự
vĩnh hằng vốn có của nó cũng trở thành một “nhân vật” với tầm quan trọng không
hề thua kém trong The Red Turtle. Từ biển xanh sâu thẳm đầy bí ẩn, rừng tre
xào xạc hiền hoà, cho tới những cơn sóng thần phẫn nộ và huỷ diệt, thiên nhiên
trong The Red Turtle được mô tả không chỉ với nhiều góc cạnh, “tính cách”, mà
còn đầy tính biểu tượng khi chính sự hùng vĩ, bao la, và biến đổi không lường của
nó đã nói lên được sự ngắn ngủi, cô độc, phù du của mỗi kiếp người. Được cộng
hưởng bởi phần nhạc phim sâu lắng của Laurent Perez del Mar, sự tương phản này
giữa thiên nhiên và con người trong The Red Turtle chắc chắn sẽ để lại dư âm
lâu dài trong lòng nhiều khán giả. Đây có lẽ là nét mới mẻ nhất trong tác phẩm
dài đầu tay này của Dudok de Wit khi so sánh với các bộ phim ngắn trước đây của
ông, bởi chỉ có thời lượng và kinh phí thoả đáng của một bộ phim điện ảnh mới
là sân chơi sáng tạo đủ lớn để đạo diễn người Hà Lan bộc lộ hết tài năng của
ông.
Tại thời điểm The Red Turtle mới công chiếu
trong Liên hoan phim Cannes, giới báo chí đã đề cập rất nhiều tới mối liên hệ
giữa tác phẩm này và hãng phim Studio Ghibli, một phần vì danh tiếng của Ghibli
với tư cách ngọn cờ đầu của phim hoạt hình Nhật Bản, một phần vì sự tương đồng
giữa tính nhân văn thấm đẫm trong các tác phẩm của Studio Ghibli và thông điệp
ý nhị về đời người trong những bộ phim ngắn của Dudok de Wit. Quả thực cố vấn
nghệ thuật của The Red Turtle không phải ai khác ngoài Isao Takahata, đạo diễn
đồng sáng lập Studio Ghibli với Hayao Miyazaki, và là người vừa cho ra đời The
Tale of the Princess Kaguya (2013) - một tuyệt phẩm hoạt hình về gia đình, về
tình yêu cuộc sống ẩn sau những nét vẽ đơn giản trừ tượng. Tuy nhiên sẽ là
không công bằng cho cả Studio Ghibli và Michaël Dudok de Wit nếu các bài bình
phim luôn tập chung nhấn mạnh vào “chất Ghibli” của The Red Turtle, bởi thực
tế người xem khó lòng có thể tìm đấy khí chất Nhật Bản đó từ bộ phim được làm
chủ yếu tại Pháp và Bỉ của đạo diễn người Hà Lan. Bởi các bộ phim của Studio
Ghibli, bất kể là do Miyazaki hay Takahata đạo diễn, luôn được xây dựng trên
khung kịch bản hết sức rõ ràng với cốt truyện và tuyến nhân vật thống nhất,
giúp khán giả dễ hiểu, dễ cảm nhận thông điệp của các nhà làm phim Nhật Bản.
Trái ngược với sự nghiêm cẩn rất Á Đông này, The Red Turtle lại có một kịch bản
hết sức trừu tượng với hai câu truyện tương đối tách biệt về sự sinh tồn giữa
thiên nhiên và tầm quan trọng của gia đình, của tình yêu đối với số phận mỗi
con người. Có cảm giác với hai nửa truyện phim riêng rẽ của The Red Turtle được
ngăn cách bởi người phụ nữ hoá thân từ con rùa đỏ kỳ lạ, Dudok de Wit đã mời gọi
chính khán giả cùng ông suy ngẫm về giá trị của cuộc sống, về lựa chọn của mỗi
con người hãy tiếp tục đương đầu với sóng gió để tìm lấy những mảnh đất mới, những
khúc quanh mới cho số phận, hay bằng lòng với hạnh phúc giản đơn vốn có như chú
rùa đỏ tận hưởng sự yên bình của biển xanh.
Tương tự như chiếc mai rùa vỡ làm người đàn
ông vô danh phải bối rối khó hiểu, điều đáng tiếc nhất của The Red Turtle có
lẽ là bộ phim thiếu vắng sự kết nối giữa nửa đầu vừa nửa sau của truyện phim,
khiến khán giả có cảm giác hẫng hụt sau khi họ đã dành rất nhiều tình cảm, suy
nghĩ, và lo lắng cho số phận người đàn ông ở nửa đầu phim để rồi được chứng kiến
những bối cảnh hoàn toàn mới không hề có chút liên hệ nhân quả nào với cuộc đấu
tranh sinh tồn ở phần đầu phim. Có lẽ vì lý do này mà một số nhà phê bình phim
đã cho rằng The Red Turtle là “quá dài” cho Michaël Dudok de Wit bởi những
suy nghĩ trừu tượng và hiện sinh của ông thích hợp hơn với khuôn khổ ngắn, gọn
của các bộ phim hoạt hình ngắn. Tuy nhiên, nhận xét này cũng chưa hoàn toàn thoả
đáng khi qua suốt 80 phút của The Red Turtle, Dudok de Wit đã hoàn toàn chứng
tỏ được tài năng của mình qua phần hình ảnh, tạo hình của phim. Có lẽ điều tốt
nhất khán giả có thể mong đợi lúc này cho Dudok de Wit đó là thời gian, và cảm
hứng, bởi với một kịch bản tốt, đạo diễn người Hà Lan chắc chắn sẽ không làm
khán giả thất vọng trong tương lai, dù là ở thể loại phim dài hay phim ngắn.
====
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire