Năm 1958 đánh dấu bước ngoặt
trong cuộc đời của cặp tình nhân trẻ tuổi Richard Loving (Joel Edgerton) và
Mildred Jeter (Ruth Negga) khi hai người quyết định tiến tới hôn nhau sau khi
Mildred mang thai đứa con đầu lòng của hai người. Sinh ra và lớn lên ở vùng đồng
quê yên bình bang Virginia nước Mỹ, được bạn bè, gia đình ủng hộ và động viên,
tưởng như chẳng gì có thể ngăn cản anh thợ xây 25 tuổi Richard gây dựng tổ ấm với
cô gái của đời anh, ngoại trừ một rắc rối – Richard da trắng còn Mildred da
màu. Chỉ cách thủ đô của mảnh đất tự do chưa đầy 200 cây số, nhưng bang
Virginia – thành lũy năm xưa của phe Liên minh miền Nam ủng hộ chế độ nô lệ
trong cuộc Nội chiến Hoa Kỳ vẫn duy trì đạo luật cấm người da trắng kết hôn với
người da màu. Tin rằng đạo luật lỗi thời từ năm 1924 kia thực sự chỉ là một trở
ngại “nhỏ“, Richard và Mildred lái xe lên thủ đô Washington, D.C. làm lễ kết
hôn rồi quay lại vùng quê xanh ngắt xứ Virginia với mảnh giấy giá thú lồng
trang trọng trong khung kính. Nhưng ở nơi chủ nghĩa phân biệt chủng tộc vẫn được
coi là “Ý Chúa” như Virginia, tấm giấy giá thú đó chỉ là mảnh giấy lộn. Vợ chồng
nhà Loving lập tức bị bắt giữ giữa đêm khuya vì tội “phá hoại sự bình yên và phẩm
giá của Virginia” và bị tống vào tù bất chấp việc Mildred đang bụng mang dạ chửa
ở cái tuổi 19. Để tránh cảnh tù tội và tiếp tục được sống bên nhau, Richard và
Mildred buộc phải “nhận tội” trước tòa và nhận hình phạt cấm quay trở lại quê
hương trong vòng 25 năm. Không còn lựa chọn nào khác, vợ chồng nhà Loving buộc
phải chuyển tới đô thành Washington, D.C. sống mà trong lòng luôn nặng trĩu nỗi
thương nhớ những đồng cỏ xanh, những cánh đồng bông, những trang trại thơ mộng
nơi quê nhà. Như nhánh cây xanh chẳng thể sống thiếu đất, gia cảnh êm ấm ở thủ
đô chẳng thể khiến Mildred yên lòng, dù thấp cổ bé họng nhưng cô quyết tâm đứng
lên phản kháng lại quyết định bất công của tòa án Virginia để giành lại quyền
được sống ở quê hương.
Loving là tác phẩm mới nhất
của một trong những tên tuổi đáng chú ý nhất của Hollywood thời điểm hiện tại –
đạo diễn 37 tuổi Jeff Nichols. Chỉ trong vòng năm năm trở lại đây, Nichols đã
cho ra đời bốn tác phẩm đáng chú ý là Take Shelter (2011), Mud (2012), và
hai tác phẩm cùng trong năm 2016 là Midnight Special và Loving. Cùng lấy bối
cảnh chính là đồng quê và thiên nhiên Hoa Kỳ, các tác phẩm đậm chất nhân văn của
Nichols thường tập trung mô tả vẻ đẹp tâm hồn và xung đột nội tâm của những người
dân thuộc tầng lớp lao động trong xã hội nước Mỹ. Không nằm ngoài khuôn khổ
này, nhưng Loving có lẽ là bộ phim mang tinh thần nhập thế hơn cả khi tác phẩm
đề cập tới đề tài nóng bỏng nhất của nước Mỹ thời điểm hiện tại – nạn phân biệt
chủng tộc. Với những người không am hiểu lịch sử nước Mỹ, có lẽ khó ai có thể
tượng tưởng được rằng đến tận giữa thế kỷ 20 ở một nơi được coi là ngoại vi của
thủ đô của cường quốc số 1 thế giới, nam nữ lại không thể đến được với nhau chỉ
vì khác biệt màu da. Phải chờ đến khi lời oán thán đơn giản nhưng xuất phát từ
sâu thẳm tâm can của Richard Loving – “Tôi yêu vợ tôi, và thật bất công khi tôi
không được sống cùng cô ấy ở Virginia” được Tòa án Tối cao Hoa Kỳ xem xét năm
1964, tình trạng này mới được chính thức xóa bỏ.
Với bối cảnh là một trong những
thời khắc quan trọng nhất của cuộc đấu tranh đòi quyền bình đẳng cho người da
màu tại Hoa Kỳ thế kỷ 20, nhưng trung thành với cái tên của mình – Loving (vừa
là họ của vợ chồng nhà Loving, vừa mang nghĩa “Yêu thương” trong tiếng Anh), bộ
phim mới nhất của đạo diễn Nichols chủ yếu tập trung khắc họa tình yêu thương của
Richard và Mildred dành cho nhau, và dành cho quê hương xứ sở, dành cho giá trị
tự do thay vì những xung đột sắc tộc, kịch tính, thậm chí là bạo lực, chết chóc
vốn rất phổ biến tại Hoa Kỳ giai đoạn những năm 1950, 1960. Kịch bản chú trọng
tính nhân văn, đặt nặng vào tình yêu thương giữa người với người giúp Loving
tạo được nét khác biệt so với những bộ phim Hollywood có cùng đề tài trong những
năm gần đây như 12 Years a Slave (2013) hay Selma (2014) đồng thời một lần
nữa chứng tỏ tài năng của Jeff Nichols trong việc truyền tải vẻ đẹp nội tâm của
nhân vật đến với khán giả. Quan trọng hơn thế, chất nhân văn thấm đẫm của Loving còn giúp Jeff Nichols nói lên được một thông điệp hết sức tích cực về
niềm tin vào công lý, vào sức mạnh của lý trí, vào phương thức đấu tranh bất bạo
động – thứ niềm tin nước Mỹ, người dân Mỹ đang rất cần ở thời điểm hiện tại.
Trong thành công của Loving, bên cạnh bàn tay đạo diễn của Jeff Nichols, tất nhiên người ta không
thể không kể tới tài năng diễn xuất và sự ăn ý của bộ đôi Joel Edgerton và Ruth
Negga. Nếu như nam diễn viên người Úc Edgerton đã có được vị trí nhất định tại
Hollywood với những vai diễn gai góc trong Animal Kingdom (2010), Zero Dark
Thirty (2012), hay Black Mass (2015), thì nữ diễn viên người Ireland gốc
Ethiopia Ruth Negga thực sự là một bất ngờ của Loving khi cô thể hiện một
cách xuất sắc hình ảnh Mildred Loving đẹp đẽ với tâm hồn phản kháng rực lửa. Một
bên là Richard thô mộc, kiệm lời nhưng đặc biệt nhạy cảm, một bên là Mildred
mong manh, dịu dàng nhưng không kém phần dứt khoát, Edgerton và Negga là hai mảnh
ghép hoàn hảo cho bức tranh “yêu thương” của Loving. Khi so sánh những khung
hình mô tả tình yêu ngập tràn của Richard và Mildred dành cho nhau trong bộ
phim với bộ ảnh của nhiếp ảnh gia Grey Villet thực hiện cho tạp chí Life năm
1966 về nhà Loving của đời thực (Michael Shannon – diễn viên thân thiết của đạo
diễn Jeff Nichols là người thủ vai Villet trong phim), người xem chắc chắn sẽ cảm
nhận được sự thành công của Edgerton và Negga trong việc tái hiện sự yêu thương
qua nụ cười, ánh mắt, cử chỉ của vợ chồng nhà Loving. Bổ sung cho diễn xuất ăn
ý của bộ đôi Edgerton-Negga là phần hình ảnh và nhạc phim mang đậm hơi thở của
một nước Mỹ đa dạng những năm giữa thế kỷ 20. Thành công tương đối trọn vẹn về
mặt nghệ thuật của Loving cho thấy rằng khán giả hoàn toàn có thể hy vọng vào
những bộ phim xuất sắc trong tương lai của bộ tứ đạo diễn Jeff Nichols, biên tập
phim Julie Monroe, quay phim Adam Stone, và soạn nhạc David Wingo.
Tuy là một tác phẩm hết sức
xuất sắc về một đề tài khó và hiếm phim hay như nạn phân biệt chủng tộc tại Mỹ,
nhưng Loving chưa hẳn là một tác phẩm hoàn hảo. Điểm yếu lớn nhất của Loving có lẽ là việc tác phẩm có nhịp phim chậm, thiếu kịch tính và cao trào.
Dù biết rằng lựa chọn nghệ thuật này của đạo diễn Nichols trong việc trung
thành với câu truyện “người thật, việc thật” là một lựa chọn đáng trân trọng trong
bối cảnh nhiều tác phẩm Hollywood thường xuyên cường điệu, thập chí là bóp méo,
xuyên tạc sự thật để tạo dựng kịch tính, thu hút người xem, nhưng kịch bản thiếu
vắng điểm nhấn cùng thời lượng phim dài tới 120 phút đã khiến “Loving” mất đi
phần nào sự hấp dẫn tương xứng với tầm vóc lịch sử của cuộc đấu tranh đòi quyền
được sống của gia đình Loving.
Gần nửa thế kỷ đã trôi qua kể
từ ngày Chánh án Tòa án Tối cao Hoa Kỳ Earl Warren trao lại quyền được sống
trên quê hương Virginia cho Richard và Mildred với phán quyết lịch sử: “Hôn
nhân là một trong những quyền công dân cơ bản của con người, là quyền lợi cơ bản
nhất cho sự tồn tại và sống còn của chúng ta”. Nhưng mãi tới năm 2000, bang miền
Nam Alabama mới chính thức loại bỏ luật phân biệt chủng tộc trong kết hôn, và
cho đến ngày hôm nay những người đồng giới Hoa Kỳ vẫn còn phải tiếp tục chiến đấu
để giữ lấy cái quyền vô cùng cơ bản ấy cho họ. Trong bối cảnh này, Loving là
một tác phẩm xứng đáng được xem, được suy ngẫm, được trân trọng khi bộ phim
không chỉ nhắc nhớ khán giả về một thời khắc lịch sử trong cuộc đấu tranh bình
quyền tại nước Mỹ, mà còn truyền tới họ thông điệp rằng chúng ta cần tiếp tục
yêu thương lẫn nhau, và tiếp tục làm hết sức mình để bảo vệ cái quyền cơ bản ấy
cho tất cả mọi người trong xã hội.
==========
Bản đã biên tập trên Zing.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire