Steve
Jobs có lẽ là một trong những nhân vật nổi tiếng nhất của làng công nghệ thông
tin Thế giới, người đã biến Apple trở thành công ty quyền lực hàng đầu với những
sản phẩm mang tính cách mạng như Macintosh, iPod, iPhone, hay iPad. Việc ông mất
sớm ở tuổi 58 vì căn bệnh ung thư quái ác khi vẫn còn rất nhiều dự định và kế
hoạch dang dở càng khiến cuộc đời ông trở thành mỏ vàng của các tác phẩm văn học
và điện ảnh. Tuy không phải bộ phim tiểu sử đầu tiên về Steve Jobs, nhưng với
những tên tuổi lớn như đạo diễn Danny Boyle hay các diễn viên Michael
Fassbender và Kate Winslet, Steve Jobs của hãng Universal được trông đợi là
tác phẩm đầu tiên của Hollywood thực sự khắc họa được hình ảnh huyền thoại của
người sáng lập Apple.
Tác
giả kịch bản của Steve Jobs là Aaron Sorkin, nhà biên kịch hàng đầu của cả điện
ảnh và sân khấu Mỹ với những tác phẩm nổi tiếng như A Few Good Men, Moneyball và A Social Network (bộ phim đã đem về cho Sorkin tượng vàng
Oscar cho kịch bản chuyển thể xuất sắc nhất). Tạo dựng tên tuổi cho mình từ sân
khấu kịch Broadway, kịch bản điện ảnh do Sorkin chấp bút mang nhiều chất kịch –
đậm đặc thoại với những cảnh quay dài mô tả các nhân vật đi lại và đối thoại
(“walk and talk”). Trung thành với phong cách của mình, Sorkin xây dựng kịch bản Steve Jobs với cấu trúc ba hồi tái hiện lại ba thời điểm quan trọng trong sự
nghiệp của Steve Jobs, khi ông giới thiệu ra công chúng ba sản phẩm mang tính
bước ngoặt của ngành công nghệ thông tin – Macintosh năm 1984, NeXT “Cube” năm
1988, và iMac năm 1998. Nhưng khác với bố cục “thiết lập-phát triển-hạ màn”
thông thường của một vở kịch ba hồi, ba hồi của Steve Jobs thoạt nhìn có
phong cách và nội dung không có nhiều điểm khác biệt – cùng là những cảnh quay
dài mô tả Jobs đi lại, nói chuyện trong không khí dồn dập căng thẳng và bối cảnh
ngổn ngang của những giờ phút cuối cùng trước khi công bố sản phẩm, cùng là những
cuộc đối thoại đầy kịch tính và bất đồng giữa Jobs và những người hết mực yêu
quý ông nhưng cũng không tài nào hiểu được khí chất bất khoan nhượng của Jobs. Nhưng
nếu nghiền ngẫm từng câu thoại của Jobs, người xem sẽ cảm nhận được sự thay đổi
của ông qua hai thập kỷ, từ một ngôi sao mới nổi, ngang tàng của làng công nghệ
tới một vị thủ lĩnh thâm trầm nhưng chưa bao giờ hết nhiệt huyết. Chính bởi thế,
tuy chỉ là ba lát cắt mỏng trong cuộc đời nhiều sóng gió của Steve Jobs, nhưng
bộ phim đã đem lại cho khán giả một bức tranh hết sức sống động về cuộc đời và
suy nghĩ của người đồng sáng lập Apple, điều mà bộ phim tiểu sử đầu tiên về ông
– Jobs (2013) đã không làm được.
Có lẽ
công chúng đã rất quen thuộc với những buổi giới thiệu Macbook, iPhone, iPad của
Steve Jobs hay bài nói chuyện “Stay Hungry, Stay Foolish” (Hãy mãi khát khao, hãy mãi dại khờ) của ông tại Đại học Stanford
năm 2005 khi Jobs thôi miên người tham dự bằng ánh mắt sắc sảo, phong thái tự
tin, và tầm nhìn vượt xa những đối thủ đương thời. Nhưng với Steve Jobs, khán
giả lại được thấy một Jobs khác – một Steve Jobs bảo thủ với niềm tin vô hạn
vào bản thân bất chấp mọi lời khuyên hợp lý của đồng nghiệp, một Steve Jobs
khôn ngoan sẵn sàng dùng mọi mưu mẹo để lôi kéo công chúng đến với sản phẩm của
mình, và quan trọng hơn cả, một Steve Jobs phải cúi đầu thất bại khi niềm tin của
ông không được công chúng đáp lại, khi những câu nói đầy cay nghiệt của ông
dành cho những người thân thiết gần gũi nhất khiến họ phải quay lưng lại với
Jobs. Một trong những bê bối lớn nhất trong cuộc đời Steve Jobs đó là việc ông
– một đứa trẻ lớn lên không biết mặt bố đẻ - chối bỏ trong nhiều năm người con
gái ruột Lisa. Không những không né tránh chi tiết này, trái lại “Steve Jobs” lại
dành rất nhiều thời gian cho những cuộc đối thoại giữa Jobs và Lisa – những thời
khắc có lẽ là cảm động nhất của cả bộ phim. Đó là những cuộc đối thoại của hai
nửa đối lập, một bên là Lisa ngây thơ nhưng cũng lại hết sức tinh tế, kín đáo
trong cách thể hiện tình cảm của mình với người bố vô tâm, còn bên kia là Jobs
lọc lõi, tính toán nhưng hoàn toàn “dại khờ” trong tư cách một người bố, hoàn
toàn không hiểu rằng sự quan tâm về mặt vật chất, lý trí mà ông dành cho Lisa
không thể thay thế được sự thiếu vắng tình cảm trong những năm cô bé phải sống
không cha. Nhờ những cuộc đối thoại với Lisa mà người xem được thấy một Steve
Jobs, dù xấu xí đi phần nào vì cái cách ông từ chối con gái, nhân văn hơn, “người”
hơn hình ảnh của một Jobs-thần tượng khi đối xử với đồng nghiệp, bạn bè. Có lẽ
lòng tin quá mức vào tầm nhìn vượt thời đại và sự ích kỷ dành cho giấc mơ lớn của
sự nghiệp đã đẩy Jobs xa rời khỏi những cảm xúc bình thường của tình bạn, đã
khiến ông trở nên xa lạ, tàn nhẫn ngay cả với những người bạn thân thiết như
“Woz” Wozniak (đồng sáng lập Apple với Steve Jobs), Sculley (người được chính
Jobs mời về làm tổng giám đốc Apple), hay Hertzfeld (người giúp Jobs phát triển
thế hệ đầu tiên của Macintosh).
Càng trên
đỉnh cao, càng cô đơn, đạo diễn Danny Boyle và biên kịch Aaron Sorkin đã rất
thành công trong việc làm nổi bật sự cô độc của “Mặt Trời” Jobs, người tự cho
mình là John Lennon, là nhạc trưởng, với những “hành tinh” xoay quanh ông, những
người ông cho là “Ringo Starr của John Lennon”, “nhạc công của dàn nhạc”. “Cầu
nối” duy nhất giữa Steve Jobs với thực tại có lẽ là Joanna Hoffman, trợ lý tin
cẩn của Jobs, người được đồng nghiệp ở Apple bình chọn là “người duy nhất đương
đầu được với Steve Jobs” và cũng là người phụ nữ duy nhất đủ bình tĩnh và sáng
suốt để kéo Jobs lại gần với Lisa. Chỉ có Hoffman mới có thể thốt lên được những
câu thoại có lẽ là đẹp nhất, chính xác nhất về Steve Jobs như: “I love that you
don't care how much money a person makes, you care what they make.” (“Tôi yêu quý anh bởi anh không quan tâm tới
việc người ta kiếm được bao nhiêu tiền, mà là người ta làm được ra cái gì.”).
Nhưng chính Hoffman cũng không thể hiểu những suy nghĩ trong đầu Steve Jobs,
không thể lý giải được tại sao Jobs lại theo đuổi những ý tưởng điên rồ bị dự
báo là sẽ chắc chắn thất bại. Và người xem sau khi chứng kiến cả ba hồi trong
cuộc đời Jobs hẳn cũng sẽ phải thừa nhận rằng họ chẳng hiểu thêm gì nhiều về con
người, về suy nghĩ Steve Jobs từ bộ phim. Theo cách đó, liệu một bộ phim tiểu sử
như Steve Jobs đã thất bại khi không thực hiện được sứ mệnh của mình là giúp
người xem hiểu thêm về nhân vật? Theo tôi là không, bởi cái cách Jobs có được tầm
nhìn cách mạng sẽ mãi là huyền thoại, bởi tính cách và suy nghĩ thực sự của
Jobs – vốn không ai nắm bắt được hoàn toàn kể cả khi ông còn sống sẽ mãi là một
câu hỏi bỏ ngỏ, nhưng ít nhất Steve Jobs đã đưa đến cho khán giả một Jobs-của-hiện-thực
với những cảm xúc, đam mê hết sức “con người”.
Một bộ
phim tiểu sử muốn thành công nhất định phải có một dàn diễn viên xuất sắc, rất
may mắn cho Steve Jobs là hầu như mọi diễn viên trong phim đều đã để lại dấu ấn
riêng cho mình. Vốn bị hoài nghi vì có bề ngoài khác khá xa so với Steve Jobs,
Michael Fassbender đã một lần nữa cho thấy rằng anh xứng đáng là một trong những
diễn viên thực lực nhất hiện nay ở Hollywood. Tuy tạo hình nhân vật của
Fassbender không thể khỏa lấp thực tế rằng anh không giống Steve Jobs (nhất là
khi so sánh với Ashton Kutcher – người thủ vai Steve Jobs trong Jobs), nhưng
ánh mắt lúc rực cháy, lúc lạnh lùng lucs tàn nhẫn, và phong thái tự tin như một
thủ lĩnh bẩm sinh toát lên từ diễn xuất của anh chắc chắn sẽ giúp khán giả cảm
nhận được rằng đó chính là Steve Jobs – người đã khiến cả thế giới phải ngả mũ
vì những sản phẩm công nghệ mang tính cách mạng của mình. Chia sẻ phần lớn thời
lượng phim với Fassbender là Kate Winslet trong vai Joanna Hoffman. Chỉ hơn
Fassbender hai tuổi nhưng Winslet đã được xếp vào hàng diễn viên già dặn ở
Hollywood với rất nhiều vai diễn đáng nhớ. Vai diễn lần này của cô trong Steve
Jobs cũng không phải ngoại lệ, khi tài năng của Winslet đã giúp nhân vật của
cô thực sự trở thành “nước” Joanna Hoffman của “lửa” Steve Jobs, người phụ nữ đủ
mạnh mẽ để không bị áp chế bởi cái bóng lạnh lùng của Jobs, nhưng cũng đủ mềm mại
để dành tình cảm cho Jobs, cho Lisa, và kéo hai người xích lại với nhau. Seth
Rogen trong vai Steve “Woz” Wozniak cũng xứng đáng được khen ngợi khi anh đã thoát
được khỏi phong cách hài “thô” thường thấy để khắc họa thành công hình ảnh của
một “Woz” tài năng, tình cảm, coi trọng công bằng, tự do, một hình ảnh hoàn
toàn trái ngược với Jobs của Fassbender. Để làm nổi bật kịch tính trong các cuộc
đối thoại và hình ảnh của Jobs cũng như của các “vệ tinh” xoay quanh, đạo diễn
Danny Boyle lựa chọn gần như toàn bộ bối cảnh của phim là nội cảnh với nhiều
góc quay dài, hẹp. Có lẽ chính vì lý do này mà Boyle đã lựa chọn nhà quay phim
Alwin Küchler cho Steve Jobs khi mà chính Kuchler đã giúp Danny Boyle thực hiện
một bộ phim “nhân vật” thành công trước đây cũng với bối cảnh hẹp là Sunshine
(2007). Việc mạch cảm xúc và không khí dồn dập của Steve Jobs được giữ trọn vẹn
từ đầu tới cuối bất chấp cấu trúc ba hồi riêng biệt của phim đã cho thấy lựa chọn
của Danny Boyle là hoàn toàn chính xác.
Có thể
khán giả sẽ cảm thấy đôi chút hẫng hụt khi họ đến với Steve Jobs với hy vọng
được hiểu rõ về tính cách, suy nghĩ của một huyền thoại trong làng công nghệ
thông tin. Nhưng với bất cứ ai thần tượng Steve Jobs và những sản phẩm Apple,
hoặc muốn tìm cảm hứng từ một huyền thoại của làng công nghệ, người đem lại một
cuộc cách mạng thực sự cho các sản phẩm điện tử dân dụng, hoặc đơn giản là yêu
thích điện ảnh và những bộ phim hay, thì chắc chắn Steve Jobs sẽ làm họ hài
lòng, bởi bộ phim đã thành công trong việc biến hình ảnh của một Steve Jobs-thần
tượng thành một Steve Jobs-con người với đủ mặt tốt, xấu, thành công, thất bại
nhưng luôn tràn đầy đam mê, nhiệt huyết.
Bản đã được biên tập trên Zing.