some quotes....

I just want to tell you, I'm the one who was supposed to take care of everything. I'm the one who was supposed to make everything okay for everybody. It just didn't work out like that. And I left. I left you... And now, I'm an old broken down piece of meat... and I'm alone. And I deserve to be all alone. I just don't want you to hate me.

-Randy 'The Ram' Robinson, The Wrestler

jeudi 24 décembre 2015

Carol (2015)









Lấy bối cảnh Hoa Kỳ những năm 1950 khi xã hội nước Mỹ vẫn còn mang nặng định kiến với những người đồng tính, Carol kể lại mối tình giữa cô gái trẻ Therese Belivet (Rooney Mara) và người phụ nữ trung niên Carol Aird (Cate Blanchett). Đó là hai số phận hoàn toàn khác biệt – Therese trẻ trung, ngây thơ đến mức vô phương hướng, Carol già dặn, từng trải đến mức lạnh lùng, Therese nghèo khó nhưng yêu nhiếp ảnh, yêu sáng tạo, Carol thượng lưu nhưng buồn chán với cuộc sống thừa mứa tiền bạc nhưng thiếu thốn tình yêu. Ở một khía cạnh khác, đó cũng lại là hai trái tim đồng điệu trong nỗi cô đơn, cô đơn vì cuộc sống thiếu vắng tình yêu, cô đơn vì những xúc cảm rất tự nhiên nhưng lại không thể bộc lộ vì không được xã hội đầy thủ cựu thừa nhận. Có lẽ bởi thế mà hai trái tim ấy đã chung một nhịp đập ngay từ lần đầu Therese và Carol nhìn thấy nhau trong những ngày Giáng Sinh cận kề. Tình cảm nhẹ nhàng nhưng sâu đậm ấy đã giúp cả hai tìm thấy sức sống mới, tìm thấy ánh sáng của niềm vui trên con đường du hành giữa trời Đông ảm đạm. Nhưng liệu hạnh phúc mới ấy có đủ giúp họ vượt qua những ràng buộc xã hội đã ghìm chặt tự do của họ, những ràng buộc đến từ thành kiến của người đời - những kẻ coi đồng tính là một thứ “bệnh” cần được “bác sĩ” chữa trị.

Tuy trượt giải thưởng Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất tại Liên hoan phim Cannes 2015 về tay chính người bạn diễn Rooney Mara, nhưng có thể khẳng định rằng Cate Blanchett là ngôi sao sáng nhất của Carol. Dường như vai Carol được viết ra là để dành riêng cho Blanchett, bởi nét đẹp cao sang, lạnh lùng và uy lực mạnh mẽ trên màn ảnh lớn kể cả trong những trường đoạn diễn tiết chế của cô chính là những phẩm chất cần có để phác họa một cách thành công nhân vật Carol đầy cảm xúc với nội tâm hết sức phức tạp. Thoạt nhìn bề ngoài lạnh lùng của Carol với những động tác đầy kiểu cách lặp đi lặp lại suốt bộ phim, chắc chắn người xem sẽ nghĩ tới một phụ nữ giàu có với phong cách sống cầu kì nhưng sở hữu một tâm hồn trống rỗng. Nhưng cái vẻ ngoài tượng sáp ấy thực tế lại chỉ là vỏ bọc để cô che giấu ngọn lửa cảm xúc trong lòng, ngọn lửa mà người ta chỉ có thể thấy qua ánh mắt long lanh của Carol hoặc qua những giờ phút hiếm hoi cô buộc lòng phải bùng cháy không để định kiến xã hội cướp đi niềm hạnh phúc nhỏ nhoi còn lại trong đời. Có thể ví diễn biến tâm trạng của Carol trong bộ phim này với một bản nhạc buồn rất nhiều nốt trầm nhưng cũng có những khúc ngân cao vút. Cate Blanchett – người ca sĩ được giao trọng trách thể hiện bài hát ấy đã hết sức thành công trong việc thể hiện xuất sắc trong từng nốt nhấn nhá, trong những trường đoạn bùng nổ, để rồi khiến khán giả phải nhớ mãi cái dư âm về bài hát buồn ấy, bài hát về một người phụ nữ chẳng mong muốn gì hơn ngoài hạnh phúc, hạnh phúc cho chính bản thân cô, hạnh phúc cho những người cô yêu quý. Dằn lòng để rồi bùng nổ, thương yêu chỉ để được yêu thương, Cate Blanchett trong vai Carol có lẽ một phần nào đó đã vượt qua cả vai diễn Jasmine French trong Blue Jasmine – vai diễn đem lại cho Blanchett Giải Oscar vai nữ chính đầu tiên để trở thành đỉnh cao diễn xuất mới của nữ diễn viên từng hai lần giành giải Oscar này. Con đường hướng tới kỷ lục 4 giải Oscar của huyền thoại Katherine Hepburn có lẽ còn rất xa, nhưng nếu giữ vững được phong độ như với Carol, đích đến của con đường ấy hẳn vẫn trong tầm với của Blanchett.

Tuy người xem luôn cảm nhận được hình bóng của Carol, và uy lực diễn xuất của Cate Blanchett, xuyên suốt bộ phim, nhưng không vì thế mà họ có thể quên đi Rooney Mara trong vai Therese Belivet, nhân vật trẻ trung với hình tượng đẹp đẽ không kém gì Carol. Nếu như ngay từ những giờ phút đầu bộ phim, nhân vật của Cate Blanchett đã được định hình là một người phụ nữ dày dặn với sóng gió cuộc đời, thì với Therese, khán giả lại được thấy sự biến đổi rõ rệt trong tính cách và suy nghĩ của một cô gái từ chỗ “chẳng biết mình muốn gì” ở đầu phim tới chỗ biết lựa chọn hạnh phúc cho bản thân và chiến đấu để giữ lấy hạnh phúc ấy. Cho tới trước Carol thì Rooney Mara được biết tới nhiều nhất qua vai diễn Lisbeth Salander trong bộ phim The Girl with the Dragon Tattoo (2011), một cô gái gai góc, mạnh mẽ, sẵn sàng làm mọi thứ để bảo vệ bản thân trước những bạo tàn lẩn khuất trong xã hội. Với Therese Belivet, Mara lại đem tới cho khán giả một hình ảnh gần như là trái ngược. Đó là một cô gái ngơ ngác giữa cuộc đời với tình yêu nghệ thuật, với tình cảm không chút tính toán dành cho Carol, với sự vô định của những bước chân ngập ngừng phải lựa chọn con đường đời cho chính mình. Nếu như bộ phim qua con mắt của Carol là một khúc bi ca về hạnh phúc mỏng manh giữa những bất công cuộc đời, thì với Therese, đó lại đơn giản là bài học vào đời,  bài học về tình yêu, về đam mê mà Carol truyền lại cho cô. Diễn xuất nhẹ nhàng, mỏng manh của Rooney Mara đã thực sự truyền tải được cái cách Therese học, và thấm thía, cái bài học vào đời ấy qua những thời khắc buồn vui xen kẽ suốt bộ phim. Bởi thế mà Mara không hề chìm nghỉm trong cái bóng của Cate Blanchett, trái lại cô còn đem tới cho Carol một tầng ý nghĩa khác – tầng ý nghĩa về cuộc sống giúp bộ phim không còn chỉ là một tác phẩm điện ảnh đơn thuần của dòng phim tình cảm lãng mạn. 

Thành công trong việc xây dựng nhân vật, và của dàn diễn viên trong Carol không chỉ giới hạn với Cate Blanchett và Rooney Mara, bởi Sarah Paulson (vai Abby Gerhard, bạn thân của Carol) và Kyle Chandler (vai Harge Aird, người chồng cố chấp của Carol) cũng đã tạo được chỗ đứng cho riêng mình với hai vai diễn tuy nhỏ nhưng vẫn hết sức ấn tượng và hiệu quả trong việc tạo nên một bức tranh tổng thể về cuộc đời nhiều mảng màu sáng tối của Carol. Điều này có được một phần là nhờ vào kịch bản hết sức dày dặn của bộ phim. Là chuyển thể điện ảnh đầu tiên của tiểu thuyết The Price of Salt, một tác phẩm mang tính đột phá với cái nhìn tích cực về người đồng tính nữ của nhà văn nữ Patricia High, kịch bản “Carol” của Phyllis Nagy đã phải trải qua trên mười năm chờ đợi và chỉnh sửa trước khi được trao vào tay đạo diễn người Anh Todd Haynes. Từng rất thành công trong việc xây dựng hình tượng các nhân vật nữ khát khao hạnh phúc để rồi qua đó nói lên khát vọng về bình đẳng xã hội, bình đẳng giới tính như trong Far from Heaven (2002) hay Mildred Pierce (2011), Haynes đã một lần nữa chứng tỏ sự mát tay của ông với tuyến nhân vật nữ. Dù đó là Carol, Therese hay Abby, các nhân vật nữ trong Carol đều được Todd Haynes, với sự trợ giúp của người cộng sự lâu năm – nhà quay phim Edward Lachman, chăm chút qua từng chi tiết, từng góc máy để họ có được cái nhìn gần gũi nhất, nhân văn nhất từ khán giả. Phần âm nhạc của phim cũng là một điểm nhấn khác của Carol, khi những nốt nhạc của Carter Burwell – nhạc sĩ lừng danh qua các bộ phim của anh em nhà Coen không chỉ giúp khán giả có thêm chất xúc tác để cảm nhận mọi khoảnh khắc cảm xúc của bộ phim, mà còn tạo được cho Carol một không khí hoài cổ của nước Mỹ những năm 1950 – thập niên đầu tiên sau chiến tranh với nhiều xáo động và hy vọng trong xã hội Hoa Kỳ nói chung, và giới nghệ thuật Mỹ nói riêng. 

Nếu bắt rễ tìm sâu, chắc chắn khán giả vẫn có thể tìm thấy thiếu sót ở Carol như phần khởi đầu chậm rãi hay một số chi tiết chưa được khai thác triệt để ở cuối phim. Tuy nhiên nếu xét riêng về mặt cảm xúc thì có thể nói Carol là một bộ phim trọn vẹn. Không chỉ là câu truyện kể về những số phận, những cuộc đời đi tìm kiếm hạnh phúc giữa những ràng buộc, định kiến của xã hội, Carol còn kết nối được dòng cảm xúc của Carol, của Therese đến với khán giả, giúp họ hiểu được những khao khát, những buồn vui của các nhân vật trong phim, bởi đó là những ước vọng, những cảm xúc mà đời người hẳn ai cũng từng trải nghiệm. Cách thức bộ phim tiếp cận một đề tài nóng trong thời điểm hiện nay như quyền bình đẳng giới cho những người đồng tính một cách hết sức nhẹ nhàng, nhân văn, không lên gân cốt, cũng là một điều đáng trân trọng, bởi đó là cách thức hiệu quả nhất để đưa thông điệp bình đẳng, thông điệp về sự cảm thông tới khán giả. 

Carol trong tiếng Anh có nghĩa là tiếng chim réo rắt hay bài hát mừng cho dịp lễ Giáng Sinh. Có lẽ khó lòng có thể coi Carol của đạo diễn Todd Haynes là một bài hát vui giống như cái định nghĩa này. Tuy nhiên, bộ phim hoàn toàn là một tác phẩm xứng đáng được thưởng thức trong dịp lễ Giáng Sinh, bởi tác phẩm này chính là một món quà cảm xúc mà ai cũng cần có để cảm thấy trân trọng hơn những hạnh phúc trong đời, và chú ý hơn tới việc đem lại hạnh phúc cho những người họ yêu quý. Đó chính là món quà Giáng Sinh Carol và Therese đem lại cho nhau trong những ngày cuối năm – hạnh phúc. 

====


Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire