some quotes....

I just want to tell you, I'm the one who was supposed to take care of everything. I'm the one who was supposed to make everything okay for everybody. It just didn't work out like that. And I left. I left you... And now, I'm an old broken down piece of meat... and I'm alone. And I deserve to be all alone. I just don't want you to hate me.

-Randy 'The Ram' Robinson, The Wrestler

mardi 22 décembre 2015

Brooklyn (2015)




Dựa trên tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Colm Toibin, Brooklyn của đạo diễn John Crowley là câu chuyện về Eilis Lacey (Saoirse Ronan), cô gái gốc Ireland cố gắng tìm cho mình một cuộc sống mới trên đất Mỹ. Sinh ra trong một gia đình neo người ở thị trấn nhỏ Enniscorthy xứ Ireland, Eilis được mẹ (Jane Brennan) và người chị gái Rose (Fiona Glascott) hết mực bao bọc thương yêu. Nhưng cô gái trẻ không thể ngồi yên trước cuộc sống tù đọng chẳng có tương lai ở cái thị trấn Công giáo toàn tòng này và cuối cùng quyết định vượt biển sang Mỹ để tìm cho mình một chân trời mới. Sau những ngày dài đằng đẵng trên con tàu vượt đại dương, cuối cùng Eilis cũng đặt chân lên thành phố hoa lệ New York và bắt đầu cuộc sống mới trong căn nhà trọ cổ kính quận Brooklyn của bà Kehoe (Julie Walters) dưới sự bảo trợ của linh mục Flood (Jim Broadbent). Cô đơn nơi đất mới, luôn quặn lòng vì nỗi nhớ mẹ, nhớ chị gái, nhưng Eilis rồi cũng dần quen với những con đường rợp bóng cây của Brooklyn, với cửa hàng bách hóa lộng lẫy nơi cô làm việc, với những giờ học kế toán buổi tối, và quan trọng hơn hết, với sự quan tâm của những người xung quanh, đặc biệt là anh chàng người Ý nhiệt thành Tony Fiorello (Emory Cohen). Liệu Brooklyn với tình người nồng ấm ấy có thể thay thế Enniscorthy để thực sự trở thành mái nhà mới của Eilis, khi mà mẹ, mà chị của cô gái trẻ vẫn ngóng chờ ở mảnh đất quê hương? Xem tới hết bộ phim, khán giả sẽ có câu trả lời cho câu hỏi này, từ chính Brooklyn, và từ chính cảm nhận của mỗi người.

Điểm sáng đầu tiên phải kể tới ở Brooklyn đó là diễn xuất tuyệt vời của Saoirse Ronan. Kể từ vai diễn đột phá trong Atonement (2007) – vai diễn đem lại cho cô đề cử Oscar đầu tiên khi mới 13 tuổi, Ronan đã được coi là một trong những nữ diễn viên xinh đẹp và có tiềm năng nhất của Hollywood. Sau Atonement, cô gái người Ireland vẫn tiếp tục hút hồn người xem với cặp mắt xanh sâu thẳm của mình, nhưng các vai diễn của cô thường không đủ sức nặng để giúp Ronan bật lên giữa các ngôi sao trẻ đồng lứa. Nhưng Brooklyn là một câu chuyện khác. Số phận thăng trầm, tính cách đa diện, và vẻ đẹp trẻ trung của nhân vật Eilis Lacey là những điều kiện không thể tốt hơn để Ronan tỏa sáng với tài năng của mình. Và thực sự Saoirse Ronan đã hết sức thành công trong việc dựng nên hình ảnh của cô gái nhập cư Eilis đa cảm, ngây thơ nhưng kiên cường trước mọi khó khăn, thử thách của cuộc sống mới nơi đất khách quê người. Vẻ đẹp ngời sáng của Ronan, nhất là với đôi mắt xanh nổi tiếng của cô, cũng giúp tăng hiệu quả cho hình ảnh tích cực, nhân văn của Eilis, khiến khán giả có thêm niềm tin vào cuộc sống, hoặc ít nhất là cũng có gần hai tiếng hết sức thanh thản, sảng khoái trong rạp chiếu. Hiệu quả tích cực này của bộ phim còn là bởi bên cạnh Eilis, các nhân vật khác trong Brooklyn cũng có phong thái sống hết sức lạc quan, giàu chất nhân văn khi họ luôn dành những tình cảm tốt đẹp nhất, những tình cảm không hề toan tính, cho những người xung quanh kể cả khi họ không phải người trong gia đình, thậm chí không phải là người có cùng quốc tịch, dân tộc.

Là một bộ phim sáng với kịch bản tính cực, nhưng Brooklyn không hẳn là một bộ phim hoàn hảo. Kịch bản của phim có cấu trúc rất truyền thống, không chứa đựng nhiều chi tiết bất ngờ hoặc các thức xử lý mới, bởi vậy mà khán giả khi xem phim có thể dễ dàng đoán biết được chiều hướng diễn biến của các câu chuyện trong phim. Hơn thế nữa, ngoại trừ nhân vật chính Eilis Lacey, tuyến nhân vật phụ của bộ phim được xây dựng chưa hẳn dày dặn, họ xuất hiện trên phim nhiều phần với tư cách trợ giúp cho Eilis tỏa sáng, hoặc giúp đẩy truyện phim diễn tiến, chứ bản thân mỗi nhân vật không có được số phận riêng, tính cách riêng của họ. Chất lượng sản xuất của Brooklyn cũng không hẳn vượt trội với phần dựng phim không mấy ấn tượng, nhất là khi hai bối cảnh Brooklyn và Enniscorthy được sử dụng xen kẽ nhau khiến mạch phim bị ngắt quãng. Ngoại trừ một số cảnh quay đẹp, đặc biệt là trong những phút cuối phim, phần quay phim của Brooklyn với nhiều nội cảnh và cận cảnh cũng không làm nổi bật được nét đẹp riêng của quận Brooklyn khi so sánh với các phần khác của thành phố New York, hay với vùng đồng quê xứ Ireland ở Enniscorthy, để cho thấy tại sao Eilis lại nhanh chóng cảm thấy gần gũi, thân thương với mảnh đất mới này đến vậy. 

Trong lịch sử có lẽ hiếm có quốc gia nào được xây dựng nên hoàn toàn bằng mồ hôi công sức của những người dân di cư từ khắp thế giới như Hoa Kỳ. Bởi vậy mà số phận người nhập cư và cuộc đấu tranh sinh tồn của họ ở xứ cờ hoa từ lâu đã trở thành đề tài yêu thích của điện ảnh Hollywood với nhiều bộ phim xuất sắc như The Godfather Part II (1974), Once Upon a Time in America (1984), Gangs of New York (2002), hay The Immigrant (2013). Tất cả những bộ phim vừa nêu, và rất nhiều các bộ phim về người nhập cư khác của Hollywood, đều lấy bối cảnh chính là New York – điểm đến chính của những người Ý, người Ireland, hay người Đông Âu khi họ tìm đường sang nước Mỹ. Và cũng không ngạc nhiên khi hầu hết các tác phẩm này đều lấy đề tài tội ác, bởi mặt trái thường thấy của mọi cuộc đấu tranh sinh tồn chính là tội ác, và cũng chính những giờ phút đối diện với tội ác mới làm nổi bật lên những nét đẹp đẽ nhất, nhân văn nhất của những người dân nhập cư khốn khó nhưng chưa bao giờ mất đi cái chân giá trị bên trong con người họ. Bởi vậy mà cái chất lạc quan, tích cực của Brooklyn thực sự đã giúp bộ phim trở nên khác biệt so với dòng phim chính kịch mang nhiều chất bi thương này. Có lẽ trong bối cảnh hiện nay, khi mà tư tưởng tiêu cực phản đối người nhập cư đang lên cao ở nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là tại Hoa Kỳ, một tác phẩm tích cực như Brooklyn là thực sự cần thiết. Không chỉ cần thiết trong việc nhắc nhở những người Mỹ đang có cái nhìn không thiện cảm với người nhập cư nhớ tới nguồn gốc đa dân tộc, đa tính cách của chính nước Mỹ, Brooklyn còn là lời động viên cần thiết cho những người di cư kiên cường thực sự muốn tìm kiếm cho mình một quê hương, một cuộc đời mới. Xét về khía cạnh này, có lẽ hiếm có bộ phim nào trong thời gian gần đây có thể so sánh được với Brooklyn – một trong những tác phẩm điện ảnh tích cực nhất của năm 2015.

====



Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire