some quotes....

I just want to tell you, I'm the one who was supposed to take care of everything. I'm the one who was supposed to make everything okay for everybody. It just didn't work out like that. And I left. I left you... And now, I'm an old broken down piece of meat... and I'm alone. And I deserve to be all alone. I just don't want you to hate me.

-Randy 'The Ram' Robinson, The Wrestler

samedi 26 décembre 2015

Steve Jobs (2015)









Steve Jobs có lẽ là một trong những nhân vật nổi tiếng nhất của làng công nghệ thông tin Thế giới, người đã biến Apple trở thành công ty quyền lực hàng đầu với những sản phẩm mang tính cách mạng như Macintosh, iPod, iPhone, hay iPad. Việc ông mất sớm ở tuổi 58 vì căn bệnh ung thư quái ác khi vẫn còn rất nhiều dự định và kế hoạch dang dở càng khiến cuộc đời ông trở thành mỏ vàng của các tác phẩm văn học và điện ảnh. Tuy không phải bộ phim tiểu sử đầu tiên về Steve Jobs, nhưng với những tên tuổi lớn như đạo diễn Danny Boyle hay các diễn viên Michael Fassbender và Kate Winslet, Steve Jobs của hãng Universal được trông đợi là tác phẩm đầu tiên của Hollywood thực sự khắc họa được hình ảnh huyền thoại của người sáng lập Apple. 

Tác giả kịch bản của Steve Jobs là Aaron Sorkin, nhà biên kịch hàng đầu của cả điện ảnh và sân khấu Mỹ với những tác phẩm nổi tiếng như A Few Good Men, MoneyballA Social Network (bộ phim đã đem về cho Sorkin tượng vàng Oscar cho kịch bản chuyển thể xuất sắc nhất). Tạo dựng tên tuổi cho mình từ sân khấu kịch Broadway, kịch bản điện ảnh do Sorkin chấp bút mang nhiều chất kịch – đậm đặc thoại với những cảnh quay dài mô tả các nhân vật đi lại và đối thoại (“walk and talk”). Trung thành với phong cách của mình, Sorkin xây dựng kịch bản Steve Jobs với cấu trúc ba hồi tái hiện lại ba thời điểm quan trọng trong sự nghiệp của Steve Jobs, khi ông giới thiệu ra công chúng ba sản phẩm mang tính bước ngoặt của ngành công nghệ thông tin – Macintosh năm 1984, NeXT “Cube” năm 1988, và iMac năm 1998. Nhưng khác với bố cục “thiết lập-phát triển-hạ màn” thông thường của một vở kịch ba hồi, ba hồi của Steve Jobs thoạt nhìn có phong cách và nội dung không có nhiều điểm khác biệt – cùng là những cảnh quay dài mô tả Jobs đi lại, nói chuyện trong không khí dồn dập căng thẳng và bối cảnh ngổn ngang của những giờ phút cuối cùng trước khi công bố sản phẩm, cùng là những cuộc đối thoại đầy kịch tính và bất đồng giữa Jobs và những người hết mực yêu quý ông nhưng cũng không tài nào hiểu được khí chất bất khoan nhượng của Jobs. Nhưng nếu nghiền ngẫm từng câu thoại của Jobs, người xem sẽ cảm nhận được sự thay đổi của ông qua hai thập kỷ, từ một ngôi sao mới nổi, ngang tàng của làng công nghệ tới một vị thủ lĩnh thâm trầm nhưng chưa bao giờ hết nhiệt huyết. Chính bởi thế, tuy chỉ là ba lát cắt mỏng trong cuộc đời nhiều sóng gió của Steve Jobs, nhưng bộ phim đã đem lại cho khán giả một bức tranh hết sức sống động về cuộc đời và suy nghĩ của người đồng sáng lập Apple, điều mà bộ phim tiểu sử đầu tiên về ông – Jobs (2013) đã không làm được. 

Có lẽ công chúng đã rất quen thuộc với những buổi giới thiệu Macbook, iPhone, iPad của Steve Jobs hay bài nói chuyện “Stay Hungry, Stay Foolish” (Hãy mãi khát khao, hãy mãi dại khờ) của ông tại Đại học Stanford năm 2005 khi Jobs thôi miên người tham dự bằng ánh mắt sắc sảo, phong thái tự tin, và tầm nhìn vượt xa những đối thủ đương thời. Nhưng với Steve Jobs, khán giả lại được thấy một Jobs khác – một Steve Jobs bảo thủ với niềm tin vô hạn vào bản thân bất chấp mọi lời khuyên hợp lý của đồng nghiệp, một Steve Jobs khôn ngoan sẵn sàng dùng mọi mưu mẹo để lôi kéo công chúng đến với sản phẩm của mình, và quan trọng hơn cả, một Steve Jobs phải cúi đầu thất bại khi niềm tin của ông không được công chúng đáp lại, khi những câu nói đầy cay nghiệt của ông dành cho những người thân thiết gần gũi nhất khiến họ phải quay lưng lại với Jobs. Một trong những bê bối lớn nhất trong cuộc đời Steve Jobs đó là việc ông – một đứa trẻ lớn lên không biết mặt bố đẻ - chối bỏ trong nhiều năm người con gái ruột Lisa. Không những không né tránh chi tiết này, trái lại “Steve Jobs” lại dành rất nhiều thời gian cho những cuộc đối thoại giữa Jobs và Lisa – những thời khắc có lẽ là cảm động nhất của cả bộ phim. Đó là những cuộc đối thoại của hai nửa đối lập, một bên là Lisa ngây thơ nhưng cũng lại hết sức tinh tế, kín đáo trong cách thể hiện tình cảm của mình với người bố vô tâm, còn bên kia là Jobs lọc lõi, tính toán nhưng hoàn toàn “dại khờ” trong tư cách một người bố, hoàn toàn không hiểu rằng sự quan tâm về mặt vật chất, lý trí mà ông dành cho Lisa không thể thay thế được sự thiếu vắng tình cảm trong những năm cô bé phải sống không cha. Nhờ những cuộc đối thoại với Lisa mà người xem được thấy một Steve Jobs, dù xấu xí đi phần nào vì cái cách ông từ chối con gái, nhân văn hơn, “người” hơn hình ảnh của một Jobs-thần tượng khi đối xử với đồng nghiệp, bạn bè. Có lẽ lòng tin quá mức vào tầm nhìn vượt thời đại và sự ích kỷ dành cho giấc mơ lớn của sự nghiệp đã đẩy Jobs xa rời khỏi những cảm xúc bình thường của tình bạn, đã khiến ông trở nên xa lạ, tàn nhẫn ngay cả với những người bạn thân thiết như “Woz” Wozniak (đồng sáng lập Apple với Steve Jobs), Sculley (người được chính Jobs mời về làm tổng giám đốc Apple), hay Hertzfeld (người giúp Jobs phát triển thế hệ đầu tiên của Macintosh). 

Càng trên đỉnh cao, càng cô đơn, đạo diễn Danny Boyle và biên kịch Aaron Sorkin đã rất thành công trong việc làm nổi bật sự cô độc của “Mặt Trời” Jobs, người tự cho mình là John Lennon, là nhạc trưởng, với những “hành tinh” xoay quanh ông, những người ông cho là “Ringo Starr của John Lennon”, “nhạc công của dàn nhạc”. “Cầu nối” duy nhất giữa Steve Jobs với thực tại có lẽ là Joanna Hoffman, trợ lý tin cẩn của Jobs, người được đồng nghiệp ở Apple bình chọn là “người duy nhất đương đầu được với Steve Jobs” và cũng là người phụ nữ duy nhất đủ bình tĩnh và sáng suốt để kéo Jobs lại gần với Lisa. Chỉ có Hoffman mới có thể thốt lên được những câu thoại có lẽ là đẹp nhất, chính xác nhất về Steve Jobs như: “I love that you don't care how much money a person makes, you care what they make.” (“Tôi yêu quý anh bởi anh không quan tâm tới việc người ta kiếm được bao nhiêu tiền, mà là người ta làm được ra cái gì.”). Nhưng chính Hoffman cũng không thể hiểu những suy nghĩ trong đầu Steve Jobs, không thể lý giải được tại sao Jobs lại theo đuổi những ý tưởng điên rồ bị dự báo là sẽ chắc chắn thất bại. Và người xem sau khi chứng kiến cả ba hồi trong cuộc đời Jobs hẳn cũng sẽ phải thừa nhận rằng họ chẳng hiểu thêm gì nhiều về con người, về suy nghĩ Steve Jobs từ bộ phim. Theo cách đó, liệu một bộ phim tiểu sử như Steve Jobs đã thất bại khi không thực hiện được sứ mệnh của mình là giúp người xem hiểu thêm về nhân vật? Theo tôi là không, bởi cái cách Jobs có được tầm nhìn cách mạng sẽ mãi là huyền thoại, bởi tính cách và suy nghĩ thực sự của Jobs – vốn không ai nắm bắt được hoàn toàn kể cả khi ông còn sống sẽ mãi là một câu hỏi bỏ ngỏ, nhưng ít nhất Steve Jobs đã đưa đến cho khán giả một Jobs-của-hiện-thực với những cảm xúc, đam mê hết sức “con người”.    

Một bộ phim tiểu sử muốn thành công nhất định phải có một dàn diễn viên xuất sắc, rất may mắn cho Steve Jobs là hầu như mọi diễn viên trong phim đều đã để lại dấu ấn riêng cho mình. Vốn bị hoài nghi vì có bề ngoài khác khá xa so với Steve Jobs, Michael Fassbender đã một lần nữa cho thấy rằng anh xứng đáng là một trong những diễn viên thực lực nhất hiện nay ở Hollywood. Tuy tạo hình nhân vật của Fassbender không thể khỏa lấp thực tế rằng anh không giống Steve Jobs (nhất là khi so sánh với Ashton Kutcher – người thủ vai Steve Jobs trong Jobs), nhưng ánh mắt lúc rực cháy, lúc lạnh lùng lucs tàn nhẫn, và phong thái tự tin như một thủ lĩnh bẩm sinh toát lên từ diễn xuất của anh chắc chắn sẽ giúp khán giả cảm nhận được rằng đó chính là Steve Jobs – người đã khiến cả thế giới phải ngả mũ vì những sản phẩm công nghệ mang tính cách mạng của mình. Chia sẻ phần lớn thời lượng phim với Fassbender là Kate Winslet trong vai Joanna Hoffman. Chỉ hơn Fassbender hai tuổi nhưng Winslet đã được xếp vào hàng diễn viên già dặn ở Hollywood với rất nhiều vai diễn đáng nhớ. Vai diễn lần này của cô trong Steve Jobs cũng không phải ngoại lệ, khi tài năng của Winslet đã giúp nhân vật của cô thực sự trở thành “nước” Joanna Hoffman của “lửa” Steve Jobs, người phụ nữ đủ mạnh mẽ để không bị áp chế bởi cái bóng lạnh lùng của Jobs, nhưng cũng đủ mềm mại để dành tình cảm cho Jobs, cho Lisa, và kéo hai người xích lại với nhau. Seth Rogen trong vai Steve “Woz” Wozniak cũng xứng đáng được khen ngợi khi anh đã thoát được khỏi phong cách hài “thô” thường thấy để khắc họa thành công hình ảnh của một “Woz” tài năng, tình cảm, coi trọng công bằng, tự do, một hình ảnh hoàn toàn trái ngược với Jobs của Fassbender. Để làm nổi bật kịch tính trong các cuộc đối thoại và hình ảnh của Jobs cũng như của các “vệ tinh” xoay quanh, đạo diễn Danny Boyle lựa chọn gần như toàn bộ bối cảnh của phim là nội cảnh với nhiều góc quay dài, hẹp. Có lẽ chính vì lý do này mà Boyle đã lựa chọn nhà quay phim Alwin Küchler cho Steve Jobs khi mà chính Kuchler đã giúp Danny Boyle thực hiện một bộ phim “nhân vật” thành công trước đây cũng với bối cảnh hẹp là Sunshine (2007). Việc mạch cảm xúc và không khí dồn dập của Steve Jobs được giữ trọn vẹn từ đầu tới cuối bất chấp cấu trúc ba hồi riêng biệt của phim đã cho thấy lựa chọn của Danny Boyle là hoàn toàn chính xác.

Có thể khán giả sẽ cảm thấy đôi chút hẫng hụt khi họ đến với Steve Jobs với hy vọng được hiểu rõ về tính cách, suy nghĩ của một huyền thoại trong làng công nghệ thông tin. Nhưng với bất cứ ai thần tượng Steve Jobs và những sản phẩm Apple, hoặc muốn tìm cảm hứng từ một huyền thoại của làng công nghệ, người đem lại một cuộc cách mạng thực sự cho các sản phẩm điện tử dân dụng, hoặc đơn giản là yêu thích điện ảnh và những bộ phim hay, thì chắc chắn Steve Jobs sẽ làm họ hài lòng, bởi bộ phim đã thành công trong việc biến hình ảnh của một Steve Jobs-thần tượng thành một Steve Jobs-con người với đủ mặt tốt, xấu, thành công, thất bại nhưng luôn tràn đầy đam mê, nhiệt huyết.  



=====

Bản đã được biên tập trên Zing.

jeudi 24 décembre 2015

Carol (2015)









Lấy bối cảnh Hoa Kỳ những năm 1950 khi xã hội nước Mỹ vẫn còn mang nặng định kiến với những người đồng tính, Carol kể lại mối tình giữa cô gái trẻ Therese Belivet (Rooney Mara) và người phụ nữ trung niên Carol Aird (Cate Blanchett). Đó là hai số phận hoàn toàn khác biệt – Therese trẻ trung, ngây thơ đến mức vô phương hướng, Carol già dặn, từng trải đến mức lạnh lùng, Therese nghèo khó nhưng yêu nhiếp ảnh, yêu sáng tạo, Carol thượng lưu nhưng buồn chán với cuộc sống thừa mứa tiền bạc nhưng thiếu thốn tình yêu. Ở một khía cạnh khác, đó cũng lại là hai trái tim đồng điệu trong nỗi cô đơn, cô đơn vì cuộc sống thiếu vắng tình yêu, cô đơn vì những xúc cảm rất tự nhiên nhưng lại không thể bộc lộ vì không được xã hội đầy thủ cựu thừa nhận. Có lẽ bởi thế mà hai trái tim ấy đã chung một nhịp đập ngay từ lần đầu Therese và Carol nhìn thấy nhau trong những ngày Giáng Sinh cận kề. Tình cảm nhẹ nhàng nhưng sâu đậm ấy đã giúp cả hai tìm thấy sức sống mới, tìm thấy ánh sáng của niềm vui trên con đường du hành giữa trời Đông ảm đạm. Nhưng liệu hạnh phúc mới ấy có đủ giúp họ vượt qua những ràng buộc xã hội đã ghìm chặt tự do của họ, những ràng buộc đến từ thành kiến của người đời - những kẻ coi đồng tính là một thứ “bệnh” cần được “bác sĩ” chữa trị.

Tuy trượt giải thưởng Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất tại Liên hoan phim Cannes 2015 về tay chính người bạn diễn Rooney Mara, nhưng có thể khẳng định rằng Cate Blanchett là ngôi sao sáng nhất của Carol. Dường như vai Carol được viết ra là để dành riêng cho Blanchett, bởi nét đẹp cao sang, lạnh lùng và uy lực mạnh mẽ trên màn ảnh lớn kể cả trong những trường đoạn diễn tiết chế của cô chính là những phẩm chất cần có để phác họa một cách thành công nhân vật Carol đầy cảm xúc với nội tâm hết sức phức tạp. Thoạt nhìn bề ngoài lạnh lùng của Carol với những động tác đầy kiểu cách lặp đi lặp lại suốt bộ phim, chắc chắn người xem sẽ nghĩ tới một phụ nữ giàu có với phong cách sống cầu kì nhưng sở hữu một tâm hồn trống rỗng. Nhưng cái vẻ ngoài tượng sáp ấy thực tế lại chỉ là vỏ bọc để cô che giấu ngọn lửa cảm xúc trong lòng, ngọn lửa mà người ta chỉ có thể thấy qua ánh mắt long lanh của Carol hoặc qua những giờ phút hiếm hoi cô buộc lòng phải bùng cháy không để định kiến xã hội cướp đi niềm hạnh phúc nhỏ nhoi còn lại trong đời. Có thể ví diễn biến tâm trạng của Carol trong bộ phim này với một bản nhạc buồn rất nhiều nốt trầm nhưng cũng có những khúc ngân cao vút. Cate Blanchett – người ca sĩ được giao trọng trách thể hiện bài hát ấy đã hết sức thành công trong việc thể hiện xuất sắc trong từng nốt nhấn nhá, trong những trường đoạn bùng nổ, để rồi khiến khán giả phải nhớ mãi cái dư âm về bài hát buồn ấy, bài hát về một người phụ nữ chẳng mong muốn gì hơn ngoài hạnh phúc, hạnh phúc cho chính bản thân cô, hạnh phúc cho những người cô yêu quý. Dằn lòng để rồi bùng nổ, thương yêu chỉ để được yêu thương, Cate Blanchett trong vai Carol có lẽ một phần nào đó đã vượt qua cả vai diễn Jasmine French trong Blue Jasmine – vai diễn đem lại cho Blanchett Giải Oscar vai nữ chính đầu tiên để trở thành đỉnh cao diễn xuất mới của nữ diễn viên từng hai lần giành giải Oscar này. Con đường hướng tới kỷ lục 4 giải Oscar của huyền thoại Katherine Hepburn có lẽ còn rất xa, nhưng nếu giữ vững được phong độ như với Carol, đích đến của con đường ấy hẳn vẫn trong tầm với của Blanchett.

Tuy người xem luôn cảm nhận được hình bóng của Carol, và uy lực diễn xuất của Cate Blanchett, xuyên suốt bộ phim, nhưng không vì thế mà họ có thể quên đi Rooney Mara trong vai Therese Belivet, nhân vật trẻ trung với hình tượng đẹp đẽ không kém gì Carol. Nếu như ngay từ những giờ phút đầu bộ phim, nhân vật của Cate Blanchett đã được định hình là một người phụ nữ dày dặn với sóng gió cuộc đời, thì với Therese, khán giả lại được thấy sự biến đổi rõ rệt trong tính cách và suy nghĩ của một cô gái từ chỗ “chẳng biết mình muốn gì” ở đầu phim tới chỗ biết lựa chọn hạnh phúc cho bản thân và chiến đấu để giữ lấy hạnh phúc ấy. Cho tới trước Carol thì Rooney Mara được biết tới nhiều nhất qua vai diễn Lisbeth Salander trong bộ phim The Girl with the Dragon Tattoo (2011), một cô gái gai góc, mạnh mẽ, sẵn sàng làm mọi thứ để bảo vệ bản thân trước những bạo tàn lẩn khuất trong xã hội. Với Therese Belivet, Mara lại đem tới cho khán giả một hình ảnh gần như là trái ngược. Đó là một cô gái ngơ ngác giữa cuộc đời với tình yêu nghệ thuật, với tình cảm không chút tính toán dành cho Carol, với sự vô định của những bước chân ngập ngừng phải lựa chọn con đường đời cho chính mình. Nếu như bộ phim qua con mắt của Carol là một khúc bi ca về hạnh phúc mỏng manh giữa những bất công cuộc đời, thì với Therese, đó lại đơn giản là bài học vào đời,  bài học về tình yêu, về đam mê mà Carol truyền lại cho cô. Diễn xuất nhẹ nhàng, mỏng manh của Rooney Mara đã thực sự truyền tải được cái cách Therese học, và thấm thía, cái bài học vào đời ấy qua những thời khắc buồn vui xen kẽ suốt bộ phim. Bởi thế mà Mara không hề chìm nghỉm trong cái bóng của Cate Blanchett, trái lại cô còn đem tới cho Carol một tầng ý nghĩa khác – tầng ý nghĩa về cuộc sống giúp bộ phim không còn chỉ là một tác phẩm điện ảnh đơn thuần của dòng phim tình cảm lãng mạn. 

Thành công trong việc xây dựng nhân vật, và của dàn diễn viên trong Carol không chỉ giới hạn với Cate Blanchett và Rooney Mara, bởi Sarah Paulson (vai Abby Gerhard, bạn thân của Carol) và Kyle Chandler (vai Harge Aird, người chồng cố chấp của Carol) cũng đã tạo được chỗ đứng cho riêng mình với hai vai diễn tuy nhỏ nhưng vẫn hết sức ấn tượng và hiệu quả trong việc tạo nên một bức tranh tổng thể về cuộc đời nhiều mảng màu sáng tối của Carol. Điều này có được một phần là nhờ vào kịch bản hết sức dày dặn của bộ phim. Là chuyển thể điện ảnh đầu tiên của tiểu thuyết The Price of Salt, một tác phẩm mang tính đột phá với cái nhìn tích cực về người đồng tính nữ của nhà văn nữ Patricia High, kịch bản “Carol” của Phyllis Nagy đã phải trải qua trên mười năm chờ đợi và chỉnh sửa trước khi được trao vào tay đạo diễn người Anh Todd Haynes. Từng rất thành công trong việc xây dựng hình tượng các nhân vật nữ khát khao hạnh phúc để rồi qua đó nói lên khát vọng về bình đẳng xã hội, bình đẳng giới tính như trong Far from Heaven (2002) hay Mildred Pierce (2011), Haynes đã một lần nữa chứng tỏ sự mát tay của ông với tuyến nhân vật nữ. Dù đó là Carol, Therese hay Abby, các nhân vật nữ trong Carol đều được Todd Haynes, với sự trợ giúp của người cộng sự lâu năm – nhà quay phim Edward Lachman, chăm chút qua từng chi tiết, từng góc máy để họ có được cái nhìn gần gũi nhất, nhân văn nhất từ khán giả. Phần âm nhạc của phim cũng là một điểm nhấn khác của Carol, khi những nốt nhạc của Carter Burwell – nhạc sĩ lừng danh qua các bộ phim của anh em nhà Coen không chỉ giúp khán giả có thêm chất xúc tác để cảm nhận mọi khoảnh khắc cảm xúc của bộ phim, mà còn tạo được cho Carol một không khí hoài cổ của nước Mỹ những năm 1950 – thập niên đầu tiên sau chiến tranh với nhiều xáo động và hy vọng trong xã hội Hoa Kỳ nói chung, và giới nghệ thuật Mỹ nói riêng. 

Nếu bắt rễ tìm sâu, chắc chắn khán giả vẫn có thể tìm thấy thiếu sót ở Carol như phần khởi đầu chậm rãi hay một số chi tiết chưa được khai thác triệt để ở cuối phim. Tuy nhiên nếu xét riêng về mặt cảm xúc thì có thể nói Carol là một bộ phim trọn vẹn. Không chỉ là câu truyện kể về những số phận, những cuộc đời đi tìm kiếm hạnh phúc giữa những ràng buộc, định kiến của xã hội, Carol còn kết nối được dòng cảm xúc của Carol, của Therese đến với khán giả, giúp họ hiểu được những khao khát, những buồn vui của các nhân vật trong phim, bởi đó là những ước vọng, những cảm xúc mà đời người hẳn ai cũng từng trải nghiệm. Cách thức bộ phim tiếp cận một đề tài nóng trong thời điểm hiện nay như quyền bình đẳng giới cho những người đồng tính một cách hết sức nhẹ nhàng, nhân văn, không lên gân cốt, cũng là một điều đáng trân trọng, bởi đó là cách thức hiệu quả nhất để đưa thông điệp bình đẳng, thông điệp về sự cảm thông tới khán giả. 

Carol trong tiếng Anh có nghĩa là tiếng chim réo rắt hay bài hát mừng cho dịp lễ Giáng Sinh. Có lẽ khó lòng có thể coi Carol của đạo diễn Todd Haynes là một bài hát vui giống như cái định nghĩa này. Tuy nhiên, bộ phim hoàn toàn là một tác phẩm xứng đáng được thưởng thức trong dịp lễ Giáng Sinh, bởi tác phẩm này chính là một món quà cảm xúc mà ai cũng cần có để cảm thấy trân trọng hơn những hạnh phúc trong đời, và chú ý hơn tới việc đem lại hạnh phúc cho những người họ yêu quý. Đó chính là món quà Giáng Sinh Carol và Therese đem lại cho nhau trong những ngày cuối năm – hạnh phúc. 

====


mardi 22 décembre 2015

Brooklyn (2015)




Dựa trên tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Colm Toibin, Brooklyn của đạo diễn John Crowley là câu chuyện về Eilis Lacey (Saoirse Ronan), cô gái gốc Ireland cố gắng tìm cho mình một cuộc sống mới trên đất Mỹ. Sinh ra trong một gia đình neo người ở thị trấn nhỏ Enniscorthy xứ Ireland, Eilis được mẹ (Jane Brennan) và người chị gái Rose (Fiona Glascott) hết mực bao bọc thương yêu. Nhưng cô gái trẻ không thể ngồi yên trước cuộc sống tù đọng chẳng có tương lai ở cái thị trấn Công giáo toàn tòng này và cuối cùng quyết định vượt biển sang Mỹ để tìm cho mình một chân trời mới. Sau những ngày dài đằng đẵng trên con tàu vượt đại dương, cuối cùng Eilis cũng đặt chân lên thành phố hoa lệ New York và bắt đầu cuộc sống mới trong căn nhà trọ cổ kính quận Brooklyn của bà Kehoe (Julie Walters) dưới sự bảo trợ của linh mục Flood (Jim Broadbent). Cô đơn nơi đất mới, luôn quặn lòng vì nỗi nhớ mẹ, nhớ chị gái, nhưng Eilis rồi cũng dần quen với những con đường rợp bóng cây của Brooklyn, với cửa hàng bách hóa lộng lẫy nơi cô làm việc, với những giờ học kế toán buổi tối, và quan trọng hơn hết, với sự quan tâm của những người xung quanh, đặc biệt là anh chàng người Ý nhiệt thành Tony Fiorello (Emory Cohen). Liệu Brooklyn với tình người nồng ấm ấy có thể thay thế Enniscorthy để thực sự trở thành mái nhà mới của Eilis, khi mà mẹ, mà chị của cô gái trẻ vẫn ngóng chờ ở mảnh đất quê hương? Xem tới hết bộ phim, khán giả sẽ có câu trả lời cho câu hỏi này, từ chính Brooklyn, và từ chính cảm nhận của mỗi người.

Điểm sáng đầu tiên phải kể tới ở Brooklyn đó là diễn xuất tuyệt vời của Saoirse Ronan. Kể từ vai diễn đột phá trong Atonement (2007) – vai diễn đem lại cho cô đề cử Oscar đầu tiên khi mới 13 tuổi, Ronan đã được coi là một trong những nữ diễn viên xinh đẹp và có tiềm năng nhất của Hollywood. Sau Atonement, cô gái người Ireland vẫn tiếp tục hút hồn người xem với cặp mắt xanh sâu thẳm của mình, nhưng các vai diễn của cô thường không đủ sức nặng để giúp Ronan bật lên giữa các ngôi sao trẻ đồng lứa. Nhưng Brooklyn là một câu chuyện khác. Số phận thăng trầm, tính cách đa diện, và vẻ đẹp trẻ trung của nhân vật Eilis Lacey là những điều kiện không thể tốt hơn để Ronan tỏa sáng với tài năng của mình. Và thực sự Saoirse Ronan đã hết sức thành công trong việc dựng nên hình ảnh của cô gái nhập cư Eilis đa cảm, ngây thơ nhưng kiên cường trước mọi khó khăn, thử thách của cuộc sống mới nơi đất khách quê người. Vẻ đẹp ngời sáng của Ronan, nhất là với đôi mắt xanh nổi tiếng của cô, cũng giúp tăng hiệu quả cho hình ảnh tích cực, nhân văn của Eilis, khiến khán giả có thêm niềm tin vào cuộc sống, hoặc ít nhất là cũng có gần hai tiếng hết sức thanh thản, sảng khoái trong rạp chiếu. Hiệu quả tích cực này của bộ phim còn là bởi bên cạnh Eilis, các nhân vật khác trong Brooklyn cũng có phong thái sống hết sức lạc quan, giàu chất nhân văn khi họ luôn dành những tình cảm tốt đẹp nhất, những tình cảm không hề toan tính, cho những người xung quanh kể cả khi họ không phải người trong gia đình, thậm chí không phải là người có cùng quốc tịch, dân tộc.

Là một bộ phim sáng với kịch bản tính cực, nhưng Brooklyn không hẳn là một bộ phim hoàn hảo. Kịch bản của phim có cấu trúc rất truyền thống, không chứa đựng nhiều chi tiết bất ngờ hoặc các thức xử lý mới, bởi vậy mà khán giả khi xem phim có thể dễ dàng đoán biết được chiều hướng diễn biến của các câu chuyện trong phim. Hơn thế nữa, ngoại trừ nhân vật chính Eilis Lacey, tuyến nhân vật phụ của bộ phim được xây dựng chưa hẳn dày dặn, họ xuất hiện trên phim nhiều phần với tư cách trợ giúp cho Eilis tỏa sáng, hoặc giúp đẩy truyện phim diễn tiến, chứ bản thân mỗi nhân vật không có được số phận riêng, tính cách riêng của họ. Chất lượng sản xuất của Brooklyn cũng không hẳn vượt trội với phần dựng phim không mấy ấn tượng, nhất là khi hai bối cảnh Brooklyn và Enniscorthy được sử dụng xen kẽ nhau khiến mạch phim bị ngắt quãng. Ngoại trừ một số cảnh quay đẹp, đặc biệt là trong những phút cuối phim, phần quay phim của Brooklyn với nhiều nội cảnh và cận cảnh cũng không làm nổi bật được nét đẹp riêng của quận Brooklyn khi so sánh với các phần khác của thành phố New York, hay với vùng đồng quê xứ Ireland ở Enniscorthy, để cho thấy tại sao Eilis lại nhanh chóng cảm thấy gần gũi, thân thương với mảnh đất mới này đến vậy. 

Trong lịch sử có lẽ hiếm có quốc gia nào được xây dựng nên hoàn toàn bằng mồ hôi công sức của những người dân di cư từ khắp thế giới như Hoa Kỳ. Bởi vậy mà số phận người nhập cư và cuộc đấu tranh sinh tồn của họ ở xứ cờ hoa từ lâu đã trở thành đề tài yêu thích của điện ảnh Hollywood với nhiều bộ phim xuất sắc như The Godfather Part II (1974), Once Upon a Time in America (1984), Gangs of New York (2002), hay The Immigrant (2013). Tất cả những bộ phim vừa nêu, và rất nhiều các bộ phim về người nhập cư khác của Hollywood, đều lấy bối cảnh chính là New York – điểm đến chính của những người Ý, người Ireland, hay người Đông Âu khi họ tìm đường sang nước Mỹ. Và cũng không ngạc nhiên khi hầu hết các tác phẩm này đều lấy đề tài tội ác, bởi mặt trái thường thấy của mọi cuộc đấu tranh sinh tồn chính là tội ác, và cũng chính những giờ phút đối diện với tội ác mới làm nổi bật lên những nét đẹp đẽ nhất, nhân văn nhất của những người dân nhập cư khốn khó nhưng chưa bao giờ mất đi cái chân giá trị bên trong con người họ. Bởi vậy mà cái chất lạc quan, tích cực của Brooklyn thực sự đã giúp bộ phim trở nên khác biệt so với dòng phim chính kịch mang nhiều chất bi thương này. Có lẽ trong bối cảnh hiện nay, khi mà tư tưởng tiêu cực phản đối người nhập cư đang lên cao ở nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là tại Hoa Kỳ, một tác phẩm tích cực như Brooklyn là thực sự cần thiết. Không chỉ cần thiết trong việc nhắc nhở những người Mỹ đang có cái nhìn không thiện cảm với người nhập cư nhớ tới nguồn gốc đa dân tộc, đa tính cách của chính nước Mỹ, Brooklyn còn là lời động viên cần thiết cho những người di cư kiên cường thực sự muốn tìm kiếm cho mình một quê hương, một cuộc đời mới. Xét về khía cạnh này, có lẽ hiếm có bộ phim nào trong thời gian gần đây có thể so sánh được với Brooklyn – một trong những tác phẩm điện ảnh tích cực nhất của năm 2015.

====