some quotes....

I just want to tell you, I'm the one who was supposed to take care of everything. I'm the one who was supposed to make everything okay for everybody. It just didn't work out like that. And I left. I left you... And now, I'm an old broken down piece of meat... and I'm alone. And I deserve to be all alone. I just don't want you to hate me.

-Randy 'The Ram' Robinson, The Wrestler

vendredi 4 janvier 2013

Les Misérables (2012)




Les Misérables có cái poster quá đẹp.

Thú thực mà nói thì tôi ít khi được xem phim HAY ở rạp, phim mình thích thì toàn phim cũ, down "trộm" về ngồi xem một mình trên máy tính, còn đâu ra rạp thì thể nào cũng đi với bạn bè (trừ thời kỳ tôi ở nước ngoài) đâm toàn phải "chiều theo ý đám đông" mà chọn phim đa phần không vừa lòng lắm. Thế nên hôm nay tôi cảm thấy thật sự thỏa mãn khi được xem một bộ phim hay đến thế ở ngoài rạp, với đủ âm thanh vòm và màn ảnh rộng - Les Misérables.

Trước tiên phải nói luôn là tôi không thích phim nhạc kịch (musical) hoặc phim lồng rất nhiều ca hát nhảy múa vào như phim Ấn Độ Bollywood, lại cũng chẳng hâm mộ gì Tom Hooper (đạo diễn Les Misérables) mặc dù từng đánh giá cao The Damned United của ông này với lý do khá buồn cười là Hooper không xứng đáng với Oscar cho The King's Speech, nhất là khi so với một ứng viên khác năm đó là David Fincher, đạo diễn tôi rất yêu thích. Nhưng tôi rất chờ đợi Les Misérables, đơn giản vì phim có một trailer cực hay, và một cái poster không kém phần ấn tượng. Tất nhiên tôi từng bị lừa nhiều lần bởi những phim dở nhưng trailer lại rất hay kiểu Law Abiding Citizen, nhưng lại vẫn hy vọng là Tom Hooper sẽ "chuộc lỗi" với khán giả bằng Les Misérables, thật may là tôi đã đặt hy vọng đúng chỗ, phim hay, thậm chí hay hơn cả cái trailer.

Nội dung của Les Misérables thì hẳn nhiều người đã biết, dù sao Những người khốn khổ cũng từng là một trong những tiểu thuyết phổ biến nhất ở Việt Nam ("từng" cùng với cái thời của Tam quốc diễn nghĩa, Thủy hử, chứ giờ chắc thua Chạng vạng hay Đấu trường sinh tử các kiểu rồi). Câu chuyện của Les Misérables xoay quanh nhân vật Jean Valjean (Hugh Jackman), một cựu tù khổ sai 19 năm, cố gắng làm lại cuộc đời và cứu giúp người đời theo tiếng gọi của Thiên Chúa, nhưng lại chẳng thể thoát khỏi sự truy đuổi của Thanh tra Javert (Russell Crowe), một viên cảnh sát mẫn cán quá mức luôn bị ám ảnh bởi "nhiệm vụ" phải tìm và bắt bằng được gã "cặn bã" Jean Valjean (cuối phim Javert có giải thích với Jean Valjean lý do vì sao ông ta luôn có nỗi ám ảnh như vậy - Javert sinh ra giữa chốn cặn bã, và vì thế ghét đến cũng cực nhưng kẻ mà Javert coi là loại cặn bã, như Jean Valjean). Trên con đường gập ghềnh và dài đằng đẵng tìm lại cuộc đời tưởng chừng đã mất, Jean Valjean gặp rất nhiều mảnh đời khác nhau, có người trở thành cứu tinh và mở ra cho anh một con đường sống cho ra sống, đó là Cha Myriel (Colm Wilkinson, người đầu tiên thủ vai Jean Valjean trong chuỗi nhạc kịch Les Misérables), có người lại cho anh thấy rằng cuộc đời còn có những số phận bất hạnh hơn mình rất nhiều, đó là Fantine (Anne Hathaway, Anne xứng đáng có ít nhất là một đề cử Oscar cho vai diễn này, dù thời gian xuất hiện trên màn ảnh của cô rất ngắn), và có người lại trở thành niềm hy vọng, niềm vui cho cuộc đời cằn cỗi của Jean Valjean - Cosette (Isabelle Allen - cô bé trên poster, và Amanda Seyfried, hơi tiếc cho Amanda vì nhân vật của cô thuộc loại "nhạt" nhất Les Misérables nên cô cũng chẳng có chỗ để thể hiện khả năng diễn xuất hay khoe giọng hát rất tốt của mình). Tất nhiên cuộc đời, nhất là cuộc đời trong một xã hội đang rên xiết trong những giờ phút hấp hối của chế độ phong kiến Pháp, cũng chẳng thiếu kẻ xấu, vợ chồng nhà Thénardier (Sacha Baron Cohen và Helena Bonham Carter) là hai đại diện tiêu biểu cho "đội ngũ" này, độc ác, thủ đoạn, tham lam, lật lọng và giả dối, những "phẩm chất" đáng buồn thay lại tiêu biểu cho cái xã hội ngập ngụa trong bùn đen của Les Misérables.

Lý do đầu tiên khiến tôi không thích phim nhạc kịch là vì những bài hát, điệu nhảy được xen kẽ trong phim tưởng như đem lại cho phim thêm màu sắc, nhịp điệu nhưng thực tế lại ngắt đứt mạch cảm xúc của người xem và giết chết tình cảm của người xem đối với nhân vật bị kịch hóa. Theo cá nhân tôi, nhược điểm thứ hai của phim nhạc kịch chính là việc phải hy sinh những cảnh close-up quay cận miêu tả tâm trạng nhân vật qua ánh mắt, đôi môi cho những cảnh diễn xuất nhảy múa, ca hát của nhân vật. Tom Hooper tránh được cả hai điều đó, vì Les Misérables của ông xét cho cùng, lại là một sung-through film, trong đó không có nhảy múa, không có diễn cương kiểu nhạc kịch, những bài hát trải dài từ đầu đến cuối phim được sử dụng như toàn bộ phần thoại của Les Misérables, và vì thế đạo diễn tận dụng được tối đa các cảnh close-up với DOP rất sâu làm mờ toàn bộ bối cảnh, chỉ còn người diễn viên với khuôn mặt, dáng đứng, và giọng hát truyền cảm xúc tới người xem. Les Misérables có rất nhiều trường đoạn quay close-up như vậy, trong đó xuất sắc nhất phải kể tới trường đoạn Fantine hát I Dreamed a Dream, một trong những cảnh quay xúc động nhất mà tôi được xem trong năm nay (2012), hay các trường đoạn của Éponine (Samantha Barks, một lựa chọn tuyệt vời của Tom Hooper), diễn viên phụ có nhiều đất diễn nhất Les Misérables. Việc tận dụng cảnh close-up đòi hỏi đạo diễn phải chọn được những diễn viên thực sự tài năng, không chỉ hát hay mà còn phải diễn giỏi, đặc biệt là phần cơ mặt và đôi mắt, đây có lẽ là phần thành công nhất của Tom Hooper, ông chọn được dàn diễn viên rất đều, từ diễn viên chính như Hugh Jackman, Russell Crowe cho đến những vai nhỏ nhỏ như vai cậu bé Gavroche (Daniel Huttlestone) hay anh chàng thủ lĩnh Enjolras (Aaron Tveit), tất cả đều để lại ấn tượng và tạo được dấu ấn riêng cho riêng mình (tất nhiên cũng phải nhờ công của tiểu thuyết và kịch bản phim Les Misérables đã tạo được màu sắc riêng cho từng nhân vật, kể cả nhân vật phụ, đây là điều mà The Hobbit: An Unexpected Journey - bộ phim tôi cũng vừa xem, tiếc thay lại không làm được). Tất nhiên Les Misérables chưa hẳn đã hoàn hảo về mặt diễn xuất, tôi cảm giác Russell Crowe không thực sự thoải mái lắm với việc phải vừa diễn vừa ... hát, mặc dù bản thân là ca sĩ chuyên nghiệp (!) nhưng Crowe chưa bao giờ đóng phim musical và tính cách trầm lắng của anh có lẽ cũng thích hợp hơn với việc biểu lộ tâm trạng qua cặp mắt xanh thẳm thay vì ... đi lại trên thành tường và hát dưới mưa như trong Les Misérables

Dù rất rất thích Les Misérables nhưng tôi cũng phải nói là phim còn vài hạt sạn. Như đã nói ở trên, Tom Hooper dùng rất nhiều, và rất thành công, các cảnh close-up, có lẽ một phần để ... che bớt hạn chế của ông trong việc đạo diễn đại cảnh (long shot - distance shot). Hai phim trước của ông mà tôi xem (The Damned UnitedThe King's Speech) gần như không có đại cảnh nên tôi không nhận ra điều này, nhưng gần như toàn bộ đại cảnh trong Les Misérables đều dở hơn nhiều nếu so với các cảnh quay close-up. Trường đoạn đầu tiên ở âu tàu trông hoành tráng bao nhiêu thì càng về sau các đại cảnh (ở chiến lũy của những người trẻ, ở đám tang Lamarque) trông lại càng lộn xộn và ... tủn mủn (như sân khấu nhạc kịch thật!) bấy nhiêu, bối cảnh của phim cũng không đa dạng (khung hình với mái vòm Điện Panthéon và Quảng trường Panthéon xuất hiện đi xuất hiện lại ở phần cuối của phim) đã làm giảm đi ít nhiều tầm vóc của Les Misérables, phần đáng lẽ được coi là cao trào của phim - Cách mạng 1848 và Chiến lũy phố Valette, cũng ... khá qua loa khiến Les Misérables khó lòng có thể được xếp vào hàng phim lịch sử-sử thi đúng với tầm cỡ của Những người khốn khổ của Victor Hugo. Trước khi xem tôi hy vọng là sẽ được chứng kiến Tom Hooper phục dựng bức tranh nổi tiếng của Eugène Delacroix Nữ thần tự do dẫn dắt nhân dân (La Liberté guidant le peuple) với hình ảnh cậu bé cầm súng dẫn đầu đoàn người - lấy cảm hứng từ Gavroche, rất tiếc bộ phim này đã không tận dụng được hình ảnh đẹp đó, tuy rằng Gavroche trong phim vẫn rất đẹp và mang nhiều tính biểu tượng. Tất nhiên cũng có thể hiểu là Tom Hooper muốn tập trung vào nhóm nhân vật của mình (với kết quả theo tôi là mỹ mãn) và lược bớt tính chất sử thi của Les Misérables, nhưng quả thực với chất liệu giàu có như vậy mà Tom Hooper không tận dụng thì cũng là điều đáng tiếc. Điểm yếu khác của phim là phần mở đầu giới thiệu Jean Valjean khá rời rạc, cảnh phim bị vụn, ngay cả về sau thì các phần chuyển cảnh, chuyển đoạn của Les Misérables cũng rời rạc, thiếu sự kết nối cần thiết cho cảm xúc của khán giả, rất may phim càng về cuối càng mượt, và chỉ riêng phần nhạc phim tuyệt vời cũng đã đủ phần nào thay thế cho cái cầu nối về cốt truyện này.

Kể tội Les Misérables là thế nhưng tôi vẫn chấm phim này 5/5 sao, vì Tom Hooper thực sự đã thành công trong một nhiệm vụ cực kì khó khăn - đem lại cảm xúc thật sự cho các nhân vật của một phim nhạc kịch, thứ cảm xúc mà khán giả có thể cảm nhận được, và vì thế có thể khóc, có thể cười cùng nhân vật. Các nhân vật của Les Misérables được kịch bản và dàn diễn viên khắc họa quá tốt, sự tương tác giữa họ (các nhân vật) chỉ được thể hiện qua các câu hát (cả phim gần như không có một câu thoại nào) nhưng là tương tác rất thật, rất con người và vì thế dễ dàng chạm tới cảm xúc của khán giả, có lẽ nhiều người sẽ không thể kiềm chế được nước mắt trong những trường đoạn có những tương tác rất-người như thế giữa Fantine và Jean Valjean, giữa Éponine và Marius, giữa Gavroche và Javert. Suy cho cùng, mục tiêu của điện ảnh là tạo ra thứ ngôn ngữ có thể chạm tới cảm xúc của khán giả (hay gọi nôm na là "đi vào lòng khán giả"), và Les Misérables đã rất thành công trong nhiệm vụ khó khăn ấy, nhất là khi bộ phim phải mang một hình hài rất khó lấy-cảm-xúc là nhạc kịch. Cảm ơn Tom Hooper về một bộ phim hay, có lẽ giờ tôi đã có thể "tha thứ" cho ông vì đã "cướp" Oscar của David Fincher.

======

On a second thought

- Thực ra nghĩ lại thì đại cảnh cuối cùng ở chiến lũy phố Valette được Tom Hooper dựng tốt, hoành tráng và ngùn ngụt khí thế, nhưng tựu trung đại cảnh có lẽ vẫn chưa phải sở trường của Tom Hooper.
- Sau khi tìm hiểu về vở nhạc kịch tôi mới biết là Tom Hooper (hoặc biên kịch của Les Misérables) đã tráo vị trí của một số ca khúc đinh (như I Dreamed a Dream), đây là một động tác rất tinh tế để vun đắp cảm xúc cho các cảnh quay đinh đó được trọn vẹn hơn, vì xét cho cùng trên phim người xem cần cả diễn xuất và giọng hát chứ không chỉ tập trung vào giọng hát và bối cảnh như ở nhạc kịch. Có thể thấy rõ sự khác biệt này qua hai phiên bản phim và nhạc kịch của trường đoạn Éponine cất tiếng hát đau đớn On My Own, Samantha Barks thực sự đã rất xuất sắc trong việc chuyển hóa từ sân khấu lên màn ảnh:





- Anne Hathaway thực sự diễn rất tốt và xứng đáng với ít nhất là một đề cử Oscar cho vai diễn của cô. Vai diễn này của cô tuy ngắn nhưng cũng đủ để làm tôi nhớ đến vai diễn để đời Edith Piaf của Marion Cotillard trong La Môme.
- Cách Tom Hooper khắc họa nhóm cách mạng trẻ tuổi ABC khiến tôi rất thích thú. Tuy mang trong mình hoài bão rất tốt đẹp nhưng sự nông nổi của tuổi trẻ đã khiến cuộc "cách mạng" đỏ-đen của nhóm ABC chỉ như một đốm lửa vụt sáng giữa đêm đen trước khi tắt phụt vì sự sợ hãi hèn nhát của cả xã hội và cái kế hoạch bồng bột, chủ yếu dựa trên "lòng tin" của mấy anh chàng nhóm ABC. 
- Sau một hồi đọc ... Wikipedia, tôi thật sự không ngờ Les Misérables lại chính là một sản phẩm khác của nền nhạc kịch Pháp. Tôi thích nhiều vở nhạc kịch Pháp vì nhạc rất hay, lời ý nghĩa và ... diễn viên đẹp, từ Notre-Dame de Paris, Roméo et Juliette, de la haine à l'amour đến gần đây là Mozart, l'opéra rock. Rất tiếc tôi chưa tìm được bản gốc tiếng Pháp của Les Misérables vì thực sự muốn nghe âm nhạc này, trong một ngôn ngữ "nghệ thuật" hơn tiếng Anh, và lại là ngôn ngữ gốc của tác phẩm, nó sẽ thế nào (xem phim cứ đến đoạn Gavroche cất tiếng là tôi lại thấy hơi ... nhột vì hình ảnh cậu nhóc người Pháp này đã quá nổi tiếng ở Việt Nam rồi, vậy mà giờ cậu cất lên toàn thứ ... tiếng Anh Manchester - hoặc đâu đó mạn miền Bắc gần Ireland, Scotland, tôi không dám chắc, thì quả thực hơi ... ngoài sức tưởng tượng).

7 commentaires:

  1. Phim này chưa chiếu ở chỗ em nên đang háo hức :D

    Casts phim dòm qua thì chuẩn quá rồi. Hugh Jackman, Anne Hathaway đều có giọng hát tốt, diễn xuất cũng tốt (dù em không thích Anne lắm, còn bạn Hugh sau quả "Australia" không đỡ được thì cho tạnh hẳn)

    Russell Crowe đáng lý phải cực kỳ ăn vai Javert chứ nhỉ? Tuyến nhân vật có tâm lý dằn vặt dò bị trauma trong quá khứ đè nặng quá hợp với phong cách của Crowe (bề ngoài chán phèo nhưng nội lực diễn xuất rất mạnh mẽ, y hệt Al Pacino).

    Nói chung là một phim xứng đáng để chờ đợi và mua vé vào rạp, so với cái mớ ba láp bom tấn thường thấy.

    RépondreSupprimer
  2. Mà bác cẩn thận thế, lại còn cài chế độ kiểm duyệt cả comment nữa :D

    RépondreSupprimer
  3. Cảm ơn bạn :D, mình phải cài chế độ đấy để xóa mấy cái spam comment, giờ dạng comment đấy đầy rẫy trên blogspot, mình không cài cứ phải đi xóa ngại ghê :)

    Russell Crowe rất hợp với vai kiểu Javert - nhưng là Javert của phim drama, phim musical kiểu này phải vừa hát vừa diễn nên cảm giác Crowe không được thoải mái lắm, có vài trường đoạn xem cũng xuất sắc nhưng tổng thể là diễn chưa tới. Mà Russell Crowe trông bề ngoài không đẹp kiểu long lanh nhưng mắt đẹp, xanh, sâu, nên chính ra lại có nhiều lợi thế trong những vai đòi hỏi nội tâm sâu sắc. Ở HK có anh Lương Triều Vỹ cũng là kiểu này. Al Pacino theo mình thì ngoại hình còn thuộc hạng kém nữa nhưng mà charisma quá mạnh mẽ, chiếm lĩnh được màn hình, người như vậy giờ bới chẳng thấy ai (có anh Ryan Gosling thì lại ... đẹp giai quá :)) ).

    Nói chung phim này hay lắm, rất đáng tiền mua vé ra rạp xem. Mình còn đang định đi xem lại lần nữa cho đã, nhưng vẫn đang feel guilty vì dạo này đi xem phim nhiều quá, đầu năm mà đã cống cho rạp cả đống tiền =))

    RépondreSupprimer
  4. Thế chắc gout của anh khác em. Em lại không thấy Ryan Gosling đẹp giai, ngược lại Al Pacino cực kỳ hấp dẫn dù chiều cao khiêm tốn, lúc già râu ria xồm xoàm, mặt mũi nhăn nhúm như quả táo tàu trông mới như thằng dở hơi:D

    RépondreSupprimer
  5. Hehe em nói tự dưng anh nhớ ra hồi trc review Serpico anh cũng so sánh Al Pacino với Russell Crowe :D

    http://grenouille-vert.blogspot.kr/2009/09/serpico-1973.html

    RépondreSupprimer
  6. bạn có 1 chỗ nhầm lẫn nhỏ là quay xóa phông thì DOF mỏng chứ ko sâu (sâu là thấy hết), ngoài ra kĩ thuật quay cận cảnh chưa tới mức close-up (những vật thể gần dưới 5cm mới gọi là close-up)

    ngoài những lỗi lặt vặt đó ra thì bài viết của bạn rất hay.

    RépondreSupprimer
  7. Cảm ơn bạn đã đọc và góp ý :), tiếng Việt mình dùng chắc cũng còn nhiều chỗ không chuẩn (vì lười đọc sách/báo tiếng Việt :p) ví dụ như cái mỏng/sâu bạn vừa chỉ ra. Viết dài thế này mà có người đọc hết rồi chỉ ra lỗi là hơi bị mừng đấy :D. Cảm ơn bạn nhiều nhé!

    RépondreSupprimer