some quotes....

I just want to tell you, I'm the one who was supposed to take care of everything. I'm the one who was supposed to make everything okay for everybody. It just didn't work out like that. And I left. I left you... And now, I'm an old broken down piece of meat... and I'm alone. And I deserve to be all alone. I just don't want you to hate me.

-Randy 'The Ram' Robinson, The Wrestler

samedi 27 juin 2009

London to Brighton (2006)


Kể từ sau “Trainspotting” của Danny Boyle tôi tự dưng thích phim Anh (Great Britain nói chung). Bên cạnh chất giọng Anh đặc trưng nghe có âm điệu và hay hơn giọng Mỹ đều đều, phim Anh còn có nhiều nét đặc biệt về kịch bản khác hẳn phim Mỹ, tiết tấu phim Anh cũng dễ chịu và không “rề rà” như phim châu Âu lục địa. “London to Brighton” là một phim tập hợp được tất cả những đặc điểm này. Phim nói về Kelly, một gái điếm hết thời cùng Joanne, cô bé “sắp” 12 tuổi bị Kelly dắt mối cho một lão già có sở thích lạm dụng tình dục trẻ em, sau khi gây chuyện với lão già, hai người buộc phải chạy trốn khỏi sự truy đuổi của con trai lão cùng gã ma cô “quản lý” của Kelly. Cố truyện của phim và mối quan hệ giữa các nhân vật không hề phức tạp, tuy nhiên các tình tiết dồn dập cùng nội dung thông minh khiến “London to Brighton” trở thành một phim hình sự nghẹt thở - người xem không thể đoán nổi phim sẽ kết thúc theo chiều hướng nào cũng như Kelly và Joanne đã “gây chuyện” gì với lão già. Xen giữa các trường đoạn căng thẳng, “London to Brighton” cũng có những cảnh ngắn cảm động về sự quan tâm của Kelly-người đã ở cuối con đường đau khổ, tội lỗi với Joanne-người suýt bị chính Kelly dẫn vào con đường này. Hai diễn viên chính của “London to Brighton”, một già một trẻ, diễn rất “ngọt” để bộc lộ tình cảm đặc biệt giữa hai người, vừa có chút gì đó của tình mẹ con, một chút tình bạn và cả sự quan tâm của hai con người cùng cảnh ngộ. Tuy không thuộc dòng “hình sự thông minh” kiểu Guy Ritchie nhưng rõ ràng “London to Brighton” xứng đáng là đại diện tiêu biểu cho phim hình sự Anh.

mardi 23 juin 2009

Knowing (2009)


Vừa xem phim này xong thì sáng ra đọc tin tai nạn tàu điện ở Mỹ, sợ vật:

http://edition.cnn.com/2009/US/06/23/washington.metro.crash/index.html

Phim này có nửa đầu khá hứa hẹn, kinh dị pha lẫn khoa học giả tưởng cộng thêm phần kĩ xảo cực kì đẹp mắt. Mặc dù đã có nhiều phim đề cập tới tai nạn tàu điện, máy bay (thường theo type khủng bố) nhưng hiếm có phim nào xây dựng các cảnh tai nạn thật và hoành tráng được như "Knowing", công nhận công nghệ CGI khiến bất cứ ý tưởng nào bây giờ cũng có thể thực hiện được (miễn là có tiền). Tiếc là phần sau của phim này làm quá dở, vừa tầm thường (dẫn đến dễ đoán), vừa vô lý (ngược hẳn với lý luận rất "khoa học" ở phần đầu phim) làm cho "Knowing" thành "dở ông dở thằng", chẳng ra phim kinh dị mà cũng chả ra phim khoa học giả tưởng. Mọi người có vẻ rất chê bai diễn xuất của Nicolas Cage, tôi thấy rằng với những vai diễn thế này thì Cage hay bất cứ diễn viên giỏi nào cũng chỉ diễn được đến thế, chỉ trách là Cage ngày càng "sa đọa" với những kịch bản tồi, không hiểu đến bao giờ người ta mới thấy lại được một Cage ngơ ngẩn nhưng cuồng nhiệt của "Leaving Las Vegas" hay một Cage lập dị nhưng vẫn đời thường của "Matchstick Men".

Cái này hơi spoil nhưng cũng phải nhắc đến, đấy là Rose Byrne-diễn viên "chính" thứ hai sau Cage trước "Knowing" vừa đóng một phim cũng nhắc đến hiểm họa đến từ Mặt Trời nhưng theo hướng ngược lại, đó là "Sunshine" của Danny Boyle.

Traitor (2008)


Tưởng phim này có tiến bộ vì đọc qua wiki thấy cũng không tồi, hóa ra vẫn chả khác gì những bộ phim tuyên truyền của Hollywood cho "Cuộc chiến chống khủng bố" với đặc điểm tiêu biểu là khắc họa những người Hồi giáo như một bọn thô lậu, máu mê giết người và cuồng tín. Phim này thực tế chỉ là một phiên bản "Vô gian đạo phẩy" hoặc "The Departed phẩy" với cách xây dựng nhân vật rồi twist không khác gì, nhưng đương nhiên chất lượng ở mức thấp hơn nhiều. "Traitor" còn làm tôi khó chịu vì nó xây dựng hình ảnh những người Hồi giáo quá tệ, còn tệ hơn cả một phim chống khủng bố có chất lượng khá năm 2007 là "The Kingdom", từng tiếp xúc với người Hồi giáo (vốn rất nhiều ở Pháp), tôi không hiểu sao đạo diễn lại có thể để diễn viên của mình đóng những cảnh người theo đạo Hồi uống rượu, chửi ngay cả thánh Allah, một cách nhìn hết sức "ếch ngồi đáy giếng" và đặc trưng cho các bộ phim hoặc báo chí Mỹ. Phim này còn tiêu biểu cho một chính sách tồn tại từ thời Bush, đó là chính sách "ruling by fear", lúc nào cũng đặt dân Mỹ vào tình trạng sợ hãi vì hiểm họa khủng bố vô hình, để rồi từ đó đưa vào những đạo luật và chính sách hết sức agressive, mấy thứ này được nói rất rõ trong "Fahrenheit 9/11" của Michael Moore. Vì vậy, kết luận cuối cùng về cái "Traitor" này là "this film is full of s****!".

samedi 20 juin 2009

Push (2009)


Phim này thì chán, mọi người cũng chửi mãi rồi nên tôi cũng không có ý kiến gì xem. Chỉ buồn cười là phim có đoạn kết "mơi" theo đúng kiểu "sẽ có phần sau", phim kiểu này mà cũng có phần sau được thì đến chịu. Buồn cười số 2 là khổ thân em Camilla Belle xinh đẹp (họ của em ý-Belle, thực chất là tên đệm, trong tiếng Pháp cũng là "xinh đẹp") không hiểu nghĩ ngợi kiểu gì mà mấy năm gần đây chọn đóng toàn những phim "lởm", 3 phim nổi nổi mà em đóng từ năm 2006 có điểm lần lượt trên IMDb là 4.7, 4.9 và 6.2.

Dan in Real Life (2007)


"Dan in Real Life" thuộc dạng "feel-good-movie", nghĩa là nhiều tiếng cười, kết thúc có hậu và giúp người xem cảm thấy thoải mái trong và sau khi xem phim. Phim có nội dung khá giản dị về gia đình và tình yêu, tất cả các nhân vật trong phim đều là "người tốt", nghĩa là họ đều biết quan tâm tới những người thân thiết cũng như biết yêu đời. Steve Carell với diễn xuất tỉnh rụi nhưng vẫn đậm chất hài hước cùng Juliette Binoche xinh, thanh lịch đúng kiểu Pháp hợp thành một cặp đôi đẹp trên phim. Và "Dan in Real Life" cũng có những cảnh quay rất đẹp với ngôi nhà bên hồ thơ mộng, với ngọn hải đăng đứng trơ trọi trước biển, với những thảm lá vàng, lá đỏ của mùa Thu nước Mỹ. Không chứa những triết lý quá nặng nề, không bắt nhân vật phải đau khổ dằn vặt quá mức, "Dan in Real Life" là một bộ phim rất thích hợp cho những ai muốn tìm một khoảng lặng và bình yên trong cuộc sống.

Phim này có một vai phụ do Jessica Hecht thủ vai, nhìn mặt quen nhớ mãi không ra ai, hóa ra cô này đóng vai chồng/vợ của vợ cũ anh Ross.

Sunshine Cleaning (2009)


Phim này có cái tên rất "Little Miss Sunshine" - "Sunshine Cleaning". "Sunshine Cleaning" còn giống "Little Miss Sunshine" ở chỗ cùng là phim kinh phí thấp, được giới thiệu ở Liên hoan phim Sundance và có Alan Arkin. Thêm vào đó phim này còn có bộ đôi diễn viên nữ rất triển vọng của Hollywood là Amy Adams và Emily Blunt (mà vừa check lại thì thấy Adams thực ra cũng đã 34 tuổi, giờ mới "chín" đã là hơi muộn). Không hiểu có phải vì tình hình kinh tế thế giới không mà dạo này nhiều phim liên quan đến đề tài chết chóc thế, "Okuribito" ("Departures") vừa giành Oscar xong thì đã có "Sunshine Cleaning" cũng đề cập tới đề tài gần tương tự, đó là ... thu dọn hiện trường những nơi vừa có người chết vì án mạng, tai nạn, tự tử,... Tuy nhiên không được như "Okuribito", "Sunshine Cleaning" làm chưa "tới", phim có nhiều tứ hay như quan niệm, thái độ của người sống (mà cụ thể là 2 chị em Lorkowski của công ty thu dọn Sunshine Cleaning) với người chết, lựa chọn khó khăn của cô chị Rose Lorkowski (Amy Adams) trước ngưỡng cửa 30 của cuộc đời với hành trang chỉ là một đứa con không có bố và một mối tình vụng trộm với viên cảnh sát đã lập gia đình hay "kế hoạch giữ lời hứa" của ông bố Joe Lorkowski (Alan Arkin) với đứa cháu, tiếc là chẳng ý nào được khai thác triệt để hoặc đẩy lên cao trào (lý do vì sao mà trailer của phim rất đặc sắc còn phim thì dở). Vì thế mà phim bị "nhạt", không hề có điểm nhấn, phần thoại của "Sunshine Cleaning" cũng không xuất sắc, kết quả là bộ ba Arkin-Adams-Blunt cũng lờ nhờ, không phải vì họ diễn tồi mà vì họ không có đất để diễn xuất. Có lẽ người xem lại phải đợi thêm một thời gian nữa cho những "Little Miss Sunshine" và "Juno" mới.

vendredi 19 juin 2009

Caligula (1979)


Vừa xem xong một phim rất thú vị, đó là "Caligula" (1979). Phim này không chỉ "thú vị" (trong ngoặc kép) bởi nội dung và hình ảnh mà còn có rất nhiều chuyện ngoài lề đặc biệt liên quan đến nó. Trước hết nói về bối cảnh ra đời phim - năm 1979, tức là cuối thập niên 1970 khi mà đầu VHS chưa ra đời, người mê phim (bất cứ thể loại gì) muốn xem phim chỉ có cách duy nhất là ra rạp, người làm phim (bất cứ thể loại gì) cũng phải sử dụng phim nhựa, một loại phim đòi hỏi quá trình làm công phu hơn rất nhiều các phim video sau này. Cái "(bất cứ thể loại gì)" tôi muốn nhắc tới ở đây chính là phim sex. Thể loại điện ảnh này (nói là điện ảnh vì phim sex thời này bắt buộc phải mang ra chiếu rạp do chưa có đầu VHS) bắt đầu bùng nổ ở Mỹ vào năm 1972 sau thành công bất ngờ của bộ phim sex "Deep Throat". "Deep Throat" không chỉ thành công về mặt doanh thu (thu được trên 100 triệu USD - xem cụ thể nguồn dẫn trên wikipedia) mà còn là một nhân tố quan trọng đưa văn hóa sex ở Mỹ lên hàng mainstream, hai nhân tố khác phải kể tới là hai tờ tạp chí sex nổi tiếng "Playboy" và "Penthouse", vốn đạt đỉnh cao thành công cũng vào thập niên 1970. Ai muốn tham khảo thêm những thăng trầm của ngành công nghiệp phim sex giai đoạn này thì có thể xem một phim rất hay của P.T. Anderson (đạo diễn "Magnolia", "There Will Be Blood"), đó là "Boogie Nights".

Ông chủ của Penthouse khi đó là Bob Guccione có lẽ khi đó quá nhiều tiền và tự tin nên quyết định bỏ ra hơn 20 triệu USD để quyết tâm đưa explicit sex scene lên phim ảnh của dòng mainstream với dự án "Caligula" dựa theo kịch bản của Gore Vidal, một trong các tác giả của phim sử thi nổi tiếng "Ben Hur". Để xứng đáng với đồng tiền bỏ ra, Guccione và Vidal cho thiết kế một Roma cổ đại cực lớn ở Ý với những bối cảnh mà bất cứ bộ phim lịch sử nào của Hollywood cũng phải thèm muốn. Kịch bản chất lượng, bối cảnh chất lượng đương nhiên phải đi kèm với dàn diễn viên chất lượng, Guccione không hiểu bằng cách nào đã thuyết phục được 3 diễn viên vào loại hàng đầu (và sau này là vào loại huyền thoại) của Anh là Peter O'Toole, John Gielgud và Helen Mirren, vai quan trọng nhất-hoàng đế Caligula cùng do một "ngôi sao" mới của Anh là Malcolm McDowell đảm nhận. Nói qua một chút về bốn người này. O'Toole được người ta nhớ tới vì vai Lawrence of Arabia, nhưng ông còn một thành tích đáng nể khác đó là .... 8 lần liên tiếp trượt giải Oscar Vai nam chính, kỷ lục vô tiền khoáng hậu, ông trượt nhiều đến nỗi mà người ta phải trao vội cho ông giải Oscar thành tựu trọn đời vào năm 2003 kẻo ông qua đời mà chưa có tượng vàng đút túi (năm đó O'Toole 71 tuổi), ấy vậy mà ông già gân này còn định từ chối vì sợ rằng nhận giải này xong người ta sẽ không cho ông đề cử (và rất có thể là tiếp tục trượt) ở giải Oscar nữa. John Gielgud thì là một trong những diễn viên đáng kính trọng nhất của Anh thế kỉ 20, có lẽ chỉ thua kém Laurence Olivier, Gielgud là một trong số rất hiếm hoi các nghệ sĩ từng giành cả Oscar, Emmy, Tony và Grammy. Helen Mirren thì tuy chỉ mới giành Oscar năm 2006 nhưng bà đã là diễn viên được kính trọng bậc nhất ở Anh trong nhiều năm với vô số giải thưởng. Trong số 3 người này thì chỉ có Gielgud tuyên bố là bị "lừa" tham gia phim này, còn cả Mirren và O'Toole đều đóng rất nhiệt tình, và đương nhiên là rất đạt vai diễn của mình, một điều hoàn toàn dễ hiểu vì cả hai, đặc biệt là Mirren, chưa bao giờ "ngán" những vai đòi hỏi khoe thân xác hoặc những phim có nội dung gây tranh cãi-một phẩm chất chỉ thường thấy ở diễn viên châu Âu chứ ít khi gặp ở các diễn viên Mỹ. Riêng Malcolm McDowell thì là một trường hợp đặc biệt, với đôi mắt to, sáng và uy lực diễn xuất (charisma) khác thường, McDowell được giới yêu điện ảnh chú ý ngay từ năm 1971 (năm anh 28 tuổi) với "A Clockwork Orange" của Stanley Kubrick. Trong "Caligula" anh cũng đóng rất xuất sắc, đáng tiếc là sự nghiệp sau này của McDowell không được nổi bật, chắc các đạo diễn cũng hơi "sợ" khi chọn một diễn viên đã tham gia nhiều phim "tai tiếng" như McDowell.

Bên cạnh 4 ngôi sao chính, "Caligula" còn một "ngôi sao" thứ 5, một "trademark" của Bob Guccione, đó là ... 20 cô Penthouse Pet, hay là 20 cô từng được chọn chụp ảnh khỏa thân cho trang giữa của tạp chí Penthouse. Đây là lần đầu tiên, và có lẽ cũng sẽ là lần duy nhất trong lịch sử điện ảnh lại có một bộ phim tập trung được nhiều ngôi sao điện ảnh và ngôi sao khiêu dâm như "Caligula", riêng điểm này thôi cũng đã khiến bộ phim trở nên rất đặc biệt. Và với nội dung khiêu dâm nhưng vẫn phải đảm bảo chất nghệ thuật như vậy (hay nói theo như Gore Vidal thì là đảm bảo tính chân thực - realistic của lịch sử) thì Guccione cần một đạo diễn ... phim khiêu dâm có tài, và không ai khác phù hợp hơn với vai trò này ngoài Tinto Brass, bậc thầy (maestro) của thể loại phim khiêu dâm (erotic). "Erotic" ở đây mang nghĩa là những bộ phim nói công khai về tình dục (sex) và chứa những cảnh explicit sex (như nam nữ lộ phần dưới, oral sex, peeing, masturbate) để nói tới những đề tài hoàn toàn nghiêm túc và mang giá trị lịch sử cao. Tinto Brass được mời vào "Caligula" một phần vì trước đó ông đã thành công (và đương nhiên, cũng gây tranh cãi lớn) với bộ phim "Salon Kitty" nói về một nhà thổ của Đức Quốc xã. Một đặc điểm của Brass là phim của ông dù có nội dung gây tranh cãi như thế nào thì cũng không hề có các cảnh sexual intercourse, vì vậy toàn bộ những cảnh có sexual intercourse trong "Caligula" (dù không nhiều) cũng đều là do Guccione ... tự ý quay thêm với 20 cô "Pet" của mình sau khi Brass bỏ phim. Lý do Brass bỏ phim này là vì xung đột ý tưởng với Gore Vidal, một người bắt các đạo diễn phải nhất nhất tuân theo kịch bản do mình viết, đây có lẽ cũng là điều đáng tiếc vì các cảnh do Guccione quay thêm sau khi Brass bỏ đi làm vụn nội dung "Caligula" và làm bộ phim dính thêm nhiều lời chỉ trích vì tính "explicit" của chúng. Cũng nói thêm là erotic genre là một dòng phim hoàn toàn nghiêm túc và có giá trị nghệ thuật cao, được tôn trọng ở Ý, một trong những đạo diễn huyền thoại của điện ảnh Ý là Pier Paolo Pasolini có rất nhiều phim thuộc thể loại này, Bernardo Bertolucci của "Hoàng đế cuối cùng" cũng từng có vài phim xuất sắc có chứa rất nhiều sex explicit scene như "Last Tango in Paris" hay "The Dreamers".

Giờ mới nói tới nội dung, "Caligula" kể về cuộc đời vị hoàng đế thứ 3 của đế quốc La Mã - Caligula, một bạo chúa với nhiều hành động điên cuồng, dâm bạo chưa kể việc còn bất chấp đạo lý thông thường để yêu em gái ruột của mình là Drusilla. Lịch sử vốn đã biết tới văn hóa Hy Lạp-La Mã thời tiền Thiên chúa giáo vốn rất nổi tiếng với sự phóng khoáng về tình dục. Tuy nhiên lịch sử trên phim, vốn nằm trong tay các đạo diễn Mỹ-đất nước "In God we trust" chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của Cơ đốc giáo (mặc dù đa phần dân Mỹ theo tín ngưỡng Kháng cách-tức Cơ đốc giáo cải cách, chứ không theo Công giáo-Cơ đốc giáo truyền thống), vì vậy các chi tiết tình dục thường bị các đạo diễn Mỹ lờ tịt đi vì có đưa vào cũng chỉ tổ bị MPAA xếp hạng nhẹ thì R, nặng thì NC-17 và đồng nghĩa với thất bại về thương mại. "Caligula"-tác phẩm do một trùm xuất bản khiêu dâm đầu tư, hoàn toàn vượt ra ngoài khuôn khổ ấy. Toàn bộ những cảnh và nội dung mà phim thương mại thông thường cố gắng tránh như sex explicit scene, homosexuality, incest, horror & bloody scene đều được Vidal và Guccione đưa vào "Caligula". Bộ phim đề cập cực kì chân thật (chứ không hề bịa đặt) sự phóng túng trong văn hóa tình dục của La Mã dưới thời Caligula, và ... đó mới là vấn đề. Những bối cảnh hoành tráng cùng diễn xuất tuyệt vời của McDowell và Mirren bị lu mờ hoàn toàn trước những sex explicit scene đầy rẫy trong phim. Mặc dù đã biết trước về "notoriority" của phim nhưng tôi vẫn bị bất ngờ vì số lượng cảnh sex trong phim, quá nhiều tới mức thừa thãi không cần thiết. Không phải là người dị ứng với cảnh sex và cũng từng xem vài phim của Tinto Brass, nhưng tôi thấy các cảnh sex quá nhiều và thô thiển của "Caligula" chỉ làm khán giả thêm distaste (tôi không muốn dùng từ "ghê tởm") bộ phim, bất chấp nội dung có chiều sâu của nó và rất nhiều cảnh quay cảm động, đặc biệt là các cảnh quay của Caligula và Drusilla. Thật tiếc là Guccione đủ điên để bỏ tiền ra làm một bộ phim có tính chân thực cao nhưng lại quá điên khi tự đạo diễn thêm những cảnh quay ngoài ý muốn Tinto Brass. Nếu bỏ những cảnh này đi, tôi tin là "Caligula" sẽ dễ được đón nhận hơn với tư cách một bộ phim lịch sử tốt nói về quá trình sa ngã ("Legend of the Fall" - cách dịch đúng của tên phim này) của một vị hoàng đế từ chỗ minh mẫn (sane) trở thành điên loạn (insane) vì những mưu mô, toan tính luôn tràn ngập triều đình phong kiến.

Dù "xấu xí" đi nhiều vì những cảnh sex, tôi nghĩ "Caligula" vẫn là bộ phim đáng xem (đương nhiên, với những người trên 18 tuổi và nhất là "chịu" được những cảnh gây sốc của phim) vì nó thực sự là một bộ phim đặc biệt trong lịch sử điện ảnh, và cũng có lẽ là vì người ta sẽ còn phải rất lâu (hoặc chẳng bao giờ) được chứng kiến những bộ phim "chân thực tới bội thực" như phim này. Nói thêm là phim này là một trong số cực ít phim mainstream bị Pháp dán nhãn "Interdit aux moins 18 ans" ("Cấm người dưới 18") vì Pháp kiểm duyệt khá thoáng (nhưng chuẩn) và phim dù có explicit đến mấy thì cũng thường chỉ bị dán nhãn "Cấm người dưới 16", "Caligula" là phim đầu tiên tôi thấy dãn nhán "Cấm dưới 18".

jeudi 18 juin 2009

Night at the Museum: Battle of the Smithsonian (2009)


Theo cá nhân tôi thì phim này không hay bằng phần 1, vì mất đi tính bất ngờ về chuyện "bảo tàng sống dậy" trong khi chất lượng kịch bản thì vẫn không khá hơn và kỹ xảo thì cũng không có gì đặc sắc hơn so với phần 1. Đáng tiếc là phim thay vì tập trung khai thác bối cảnh National Air and Space Museum lại quanh quẩn với National Gallery of Art vốn cùng có tông hơi cổ như American Museum of Natural History ở phần 1. Việc khai thác các bức tranh nổi tiếng ở NGoA cũng không giúp phim mới lạ hơn vì thực tế thì NGoA không có mấy các tác phẩm nổi tiếng (nếu thay NGoA bằng Louvre hay Orsay thì vấn đề sẽ khác hẳn). Điểm cộng duy nhất cho phim này có lẽ là vai Amelia Earhart của Amy Adams. Earhart là một phụ nữ nổi tiếng trong lịch sử Hoa Kỳ, cô nổi tiếng vì lòng dũng cảm phi thường của một phi công thử nghiệm, và cô càng được yêu quý hơn khi mất tính trong một chuyến bay (die in active service). Amy Adams cũng là một diễn viên đang được yêu quý hàng đầu ở Hollywood với diễn xuất trong sáng và đôi mắt rất đẹp. Hai cái tên này khi kết hợp lại đã cống hiến cho khán giả một vai diễn hay, vừa thể hiện sự ngây thơ trước những thành tựu khoa học kỹ thuật, vừa thể hiện sự dũng cảm mạnh mẽ của một nữ phi công anh hùng, vừa ẩn chút gì đó buồn bã của một bức tượng sáp vốn chỉ "sống" khi màn đêm buông xuống. Tôi đọc qua wiki không thấy nói Earhart là người gốc Scotland hay gốc East Coast, vậy mà Adams vẫn sử dụng giọng cương y hệt như Katherine Hepburn, có lẽ cô muốn bắt chước chất giọng đặc trưng của Hepburn để làm nổi bật sự mạnh mẽ của Earhart, một thử nghiệm không tồi. Nhìn chung phim này đối với tôi thì vẫn đáng xem vì tôi ... thích những gì liên quan đến bảo tàng.

Remember the Titans (2000)


Phim này hay hơn là tôi nghĩ trước khi xem. Nội dung phim kể về một sự kiện có thật, đó là câu chuyện của đội bóng đá Mỹ (American football hay như người Mỹ gọi thì là football) đầu tiên trong lịch sử Mỹ có các cầu thủ da trắng và da đen thi đấu cùng nhau. Bất chấp những trở ngại đến từ chủ nghĩa phân biệt chủng tộc vẫn còn rất nặng nề ở Hoa Kỳ, đội bóng này đã đạt được kỉ lục thắng 13 trận và không thua trận nào trong suốt mùa giải. Phim được Disney sản xuất nên đương nhiên yếu tố giải trí được đặt lên hàng đầu, thay vì khai thác những xung đột màu da (bối cảnh phim là Virginia - nơi đặt thủ đô của Liên minh miền Nam ủng hộ chế độ nô lệ trong Nội chiến Mỹ) phim tập trung vào khai thác mối quan hệ giữa huấn luyện viên da đen Boone (Denzel Washington), huấn luyện viên phó da trắng Yoast (Will Patton, ông này trông hao hao giống Tom Hagen trong "Bố già") và đội bóng gồm toàn các "chú nhóc" cấp III. Mặc dù đề cập tới môn thể thao tôi không hề có tí khái niệm nào nhưng "Remember the Titans" rất dễ xem với những cảm xúc vui, buồn, những cuộc đua tranh đầy máu lửa vốn luôn xảy ra ở bất cứ cuộc thi đấu thể thao chân chính nào. Thành công của phim không nằm ở kịch bản, vốn đơn giản và không quá kịch tính, mà nằm ở diễn xuất của dàn diễn viên trẻ cùng phong cách ngoài lạnh, trong nóng nổi tiếng ở Denzel Washington. Quả thực trong những phim thuần túy về thể thao tôi đã xem thì khó phim nào qua được phim này. "Remember the Titans" còn một điều đặc biệt nữa là có một số diễn viên đảm nhận những vai rất nhỏ (cả nghĩa đen và nghĩa bóng) trong phim sau này lại nổi tiếng hơn những diễn viên thủ vai chính, có thể kể tới Hayden Panettiere trong vai cô bé con gái "coach" Yoast (sau nổi với loạt "Heroes"), Kate Bosworth trong vai người yêu đội trưởng đội bóng (sau nổi với "Superman Return") và nhất là Ryan Gosling trong vai anh chàng Bosley yếu đuối (sau nổi với vô số phim như "The Notebook", "Lars and the Real Girl", "Half Nelson").

mardi 16 juin 2009

Eternal Sunshine of the Spotless Mind (2004)


Clementine: This is it, Joel. It's going to be gone soon.
Joel: I know.
Clementine: What do we do?
Joel: Enjoy it.

Joel: I can't see anything that I don't like about you.
Clementine: But you will! But you will. You know, you will think of things. And I'll get bored with you and feel trapped because that's what happens with me.
Joel: Okay.
Clementine: [pauses] Okay.

What should we need for a romantic movie? Love, just love.

Marley & Me (2008)


Marley không phải là một con chó bình thường, nó là con chó tồi tệ nhất thế giới. Chó mà ăn ... như lợn (và ăn bao nhiêu thì đương nhiên cũng sẽ thải ra bấy nhiêu), nhưng không chỉ ăn thức ăn cho chó, nó còn gặm tất cả những cái gì có thể ... đụng răng tới đươc, bàn ghê, giường, điện thoại,... Đống năng lượng khổng lồ được Marley (đặt theo tên Bob Marley) tiêu thụ bằng cách ... chạy như điên trên đường hay dùng cả cái thân xác to vĩ đại của một con labrador của nó để nhảy xổ lên mọi người. Nhưng ông chủ của nó, một nhà báo, vẫn yêu thương và đề cập tới nó thường xuyên trên mục Bài viết tuần của mình. Còn bà chủ, người phải bỏ công việc làm báo để chăm lo cho ba đứa con nhỏ, cũng phải thừa nhận rằng mình không thể sống thiếu cái con Marley ác thú này dù chỉ ngay trước đó nó khiến cô phát điên vì dọn dẹp. Lý do tại sao mời các bạn yêu chó và không yêu chó theo dõi bộ phim Tôi và Mạc Liên aka. Marley & Me của điện ảnh Hoa Kỳ !

Mean Girls (2004)

Chuyển thể loại xem phim teen phát . Đùa chứ tại tò mò vì phim này có mấy người bây giờ rất nổi như Amanda Seyfried, Rachel McAdams và Tina Fey. Phim thì nói chung không có gì đáng nói , không thấy hay bằng một phim teen khác là 10 Things I Hate about You. Nhưng Mean Girls có đoạn nhảy Jingle Bell Rock phải nói là ... hot, cool nữa ! Bài rap do Tina Fey viết lời cũng buồn cười . Nói chung phim giải trí thì thế này là được rồi, mà lại còn là bàn đạp cho mấy em trẻ trẻ. Lohan xinh, hát hay, diễn không tệ, hy vọng là em này còn trồi lên được, chứ không chìm mãi mãi như Winona Ryder thì tiếc lắm.

Taken (2008)


Nội dung phim khá đơn giản, một ông bố cựu nhân viên CIA từ Mỹ bay sang Paris để tìm con gái bị bắt cóc với manh mối duy nhất là những lời hoảng loạn của cô trước khi bị bọn bắt cóc lôi đi. 4 ngày, đó là tất cả thời gian Bryan Mills có để giành lại con gái trước khi cô bị bọn buôn người bán cho một nhà chứa nào đó trên đất châu Âu. Phim làm người xem bất ngờ vì kịch tích được đẩy lên cao từ đầu đến cuối phim, hay nói cách khác là người xem "không còn thời gian để thở" vì các cảnh hành động và những nút thắt của phim diễn ra liên tục, không hề có những phút lặng hay những đoạn "sến" không cần thiết. Cũng vì thế mà tuy kịch bản đơn giản nhưng vẫn có những cảnh phim khiến người xem phải "giật mình" vì quyết định táo bạo của Mills - do Liam Neeson, một diễn viên trước đó "chuyên trị" các vai hiền lành phúc hậu. Ai là fan của loạt phim Bourne hẳn cũng sẽ hài lòng với những cảnh hành động và rượt đuổi của phim này, nó gợi nhớ rất nhiều đến The Bourne Identity vốn cũng có nhiều cảnh phim diễn ra tại Paris. Nói chung đây là một phim giải trí đáng xem.

Cold Mountain (2003)


Nhạc hay, phong cảnh hữu tình, trường đoạn chiến tranh khá ấn tượng, nhưng nội dung và diễn xuất thì ... không đỡ được ! Sau phim này mình chính thức chấm dứt mối tình với Nicole Kidman

Bạn nào muốn xem phim này thì mình recommend cho 1 phim kiểu kiểu tương tự, cùng đạo diễn, nhưng hay gấp n lần, đấy là The English Patient.

lundi 15 juin 2009

Last Chance Harvey (2008)


Tôi mong đợi "Last Chance Harvey" kể từ khi xem trích đoạn vài cảnh ngắn của phim này được lồng trong lễ trao giải Oscar đầu năm 2009. Phim có hai cái tên bảo đảm cho chất lượng diễn xuất là Dustin Hoffman và Emma Thompson, đã từ khá lâu hai diễn viên mà tôi rất yêu thích này mới lại đóng vai chính, chứng tỏ kịch bản mà họ nhận chắc chắn không hề tồi. Không hiểu vô tình hay hữu ý mà áp phích chính thức của "Last Chance Harvey" có bố cục rất giống với áp phích một bộ kinh xuất sắc của Emma Thompson là "The Remains of the Day" nhưng với tông màu và sắc thái hoàn toàn trái ngược.

Ngoài cái áp phích và Emma Thompson, hai bộ phim còn khá nhiều điểm chung về nội dung, đều nói về những con người ở tuổi trung niên, sau vô số thất bại trong cuộc sống riêng và công việc, phải đối mặt với lựa chọn khó khăn của số phận để tìm thấy hạnh phúc đích thực mà họ đã bỏ lỡ quá nửa cuộc đời (còn một điểm tình cờ khác là đạo diễn kiêm biên kịch của "Last Chance Harvey" là Joel Hopkins lại trùng họ với Anthony Hopkins, người đóng cặp với Emma Thompson trong "The Remains of the Day"). Tuy nhiên thì "Last Chance Harvey" không phải là một phiên bản làm lại của "The Remains of the Day" hay một "The Remains of the Day" "phẩy", thay vì xã hội nước Anh trước Thế chiến thứ hai cùng những tòa lâu đài cổ kính trong "The Remains of the Day", "Last Chance Harvey" lấy bối cảnh là thành phố London hiện đại với sân bay Heathrow, cầu Thiên niên kỷ và những tòa nhà cao tầng cùng phần thoại rất "Mỹ"-gọn, thẳng thắn không văn hoa và bộc lộ trực tiếp tình cảm của nhân vật. Tiếc là "mới" chưa hẳn đã đồng nghĩa với "hay", những mảng vuông vắn hiện đại của London dường như là nhạt đi chất lãng mạn cần có của bộ phim, và nội dung hay phần thoại của "Last Chance Harvey" cũng không thực sự hay (chứ đừng nói là xuất sắc như "The Remains of the Day"), đáng tiếc nhất là những xung đột về tinh thần, tình cảm của cái tuổi trung niên chưa được đẩy lên ở mức cần thiết, khiến cho phim có cái tông nhàn nhạt và khó lôi cuốn khán giả. Thật may là Emma Thompson và Dustin Hoffman với diễn xuất rất tốt (như thường lệ) của hai người đã kéo lại chất lượng cho phim, Thompson vẫn tỏ ra xuất sắc với những trường đoạn kìm nén hay bộc lộ tình cảm của một phụ nữ trung niên Anh "chính hiệu", còn đôi mắt của Hoffman vẫn luôn biết nói như ngày nào, thậm chí cảnh phim Hoffman xuống sân bay Heathrow với bộ dạng mệt mỏi còn làm tôi hơi giật mình vì liên tưởng đến cảnh phim nổi tiếng ở sân bay của Hoffman trong "The Graduate" với tiếng nhạc của Simon & Garfunkel, hơn 40 năm đã qua, chàng thanh niên Hoffman nay đã trở thành một ông già mệt mỏi, tuy nhiên những nét tinh tế trong diễn xuất thì vẫn còn đó. Hy vọng sau "Last Chance Harvey", Hoffman và Thompson sẽ còn đóng chính nhiều phim khác, dù sao tôi vẫn thích nhìn hay người trong những vai diễn lớn đòi hỏi diễn xuất thế này hơn là những vai nhỏ mang nhiều tính comic như "cô Trelawney" của Thompson trong "Harry Potter" hay "ông Magorium" của Hoffman trong "Mr. Magorium's Wonder Emporium".

He's Just Not That into You (2009)

Chừng 20 phút đầu của "He's Just Not That Into You" làm tôi khá "hoảng sợ" vì nghĩ rằng phim này được làm ăn theo thành công bất ngờ của "Sex and the City", tức là một bộ phim hướng tới đối tượng khán giả là nữ giới với những nữ diễn viên "lắm lời" và những cuộc "buôn chuyện" không đầu không cuối. Phần mở đầu của phim được làm theo kiểu "dating movie" thông thường với việc giới thiệu các (rất nhiều) nhân vật chính, một cặp vợ chồng lý tưởng, một cặp tình nhân sống 7 năm với nhau nhưng không có ý định cưới, một cô gái yêu thầm một "cool guy" đã có vợ, một cô gái khác cuống cuồng trên con đường tìm cho mình một anh chàng để ý tới cô, một anh chàng am hiểu về "dating stuffs" nhưng không muốn gắn bó lâu dài với bất cứ cô gái nào, và một anh chàng cực kì thân thiết với một "sexy girl" nhưng không làm thế nào để cưa đổ cô. Thủ vai các nhân vật này là một dàn diễn viên khá "sáng giá" và quen thuộc với thể loại phim tình cảm hài như Jennifer Aniston, Drew Barrymore, Ben Affleck hay Scarlett Johansson (aka. the dumbest, or the only dumb, Jewish in the actual big screen, no matter how hot she is). Nhưng càng xem, "He's Just Not That Into You" lại chứng tỏ rằng nó "is just not another dating movie" với tuyến nhân vật đa dạng về tính cách và rất nhiều chi tiết cảm động về quan hệ yêu đương, bạn bè và gia đình. Cặp vợ chồng lý tưởng hóa ra không lý tưởng khi mà người vợ luôn bị ám ảnh bởi những mối đe dọa với tổ ấm mong manh của mình, cô nàng ngờ ngệch trên tình trường hóa ra cũng có những điểm đáng yêu rất phụ nữ, bộ phim đem lại cho khán giả những bất ngờ nhỏ nhưng rất thú vị và đời thường về cuộc sống, đặc biệt là về tình cảm nam nữ. Một bất ngờ khác của "He's Just Not That Into You" là dàn diễn viên, hóa ra hai người diễn đạt nhất lại là hai cái tên xa lạ với phim hài tình cảm, Ginnifer Goodwin trong vai cô nàng tìm người yêu và Justin Long trong vai anh chàng am hiểu về "dating stuffs". Long làm tôi khá bất ngờ với phong cách diễn chững chạc và rất hợp với không khí tình cảm hài của phim vì cả "Live Free or Die Hard" và "Pineapple Express" đều là những phim Justin Long đóng với phong cách và típ nhân vật khác hẳn. Phần nhạc của "He's Just Not That Into You" cũng tương đối hay với những bản pop-rock hiện đại mà điểm nhấn có lẽ là "Somewhere Only We Know" (Keane). Công chiếu trước lễ Valentine một tuần, "He's Just Not That Into You" quả thực đã không làm khán giả thất vọng, bộ phim thực sự là món quà đáng yêu không chỉ cho những đôi tình nhân mà còn cho cả những người đang đi tìm một nửa của đời mình, và cả những người đang cố gắng giữ lấy nửa kia của cuộc đời.

samedi 13 juin 2009

L'un reste, l'autre part (2005)


Phim này quảng cáo trên bìa DVD rất "bố láo", toàn 4 sao, trong khi mình xem xong thấy thường, search allocine thấy 2 sao (nghĩa là khá tệ), IMDb Français thậm chí chấm có 5.6 (nghĩa là rất tệ). Thực ra thì phim cũng không đến nỗi quá tồi, nội dung phim khá dung dị và gần gũi, dễ xem, có điều là tiết tấu phim quá chậm, một nhược điểm mà cực kì nhiều phim Pháp mắc phải.

Phim này có cái tựa đề khá sến "L'un reste, l'autre part", dịch ra tiếng Việt có nghĩa là "Người ở kẻ đi", buồn cười là bài hát chủ đề của phim, rất hay, do Charlotte Gainsbourg hát, thì lại có tựa là "L'un part, l'autre reste" nghĩa là "Người đi kẻ ở". Phim kể về hai ông bạn tóc đã bắt đầu điểm bạc, công việc thành đạt, vợ con đề huề thì bắt đầu gặp "tình yêu mới". Cả bộ phim xoay quanh những dằn vặn về tâm lý của hai ông trung niên này cùng những người phụ nữ vì họ mà phải đau khổ. Một trong hai ông trung niên do Daniel Auteuil thủ vai, thật ngạc nhiên khi 3 phim gần đây nhất có ông này đóng vai chính mình xem ("Le huitième jour", "Je l'aimais" và phim này) thì Auteuil đều khóc, mà khóc thật ra nước mắt, điều hiếm gặp ở các diễn viên nam, giờ có lẽ phải gắn cho Auteuil biệt danh "Người đàn ông khóc" - "l'homme qui pleure" (bắt chước "L'homme qui rit" của Hugo - dịch ra tiếng Việt hơi khác thành "Người đàn ông có bộ mặt cười"). Đóng tốt nhất phim có lẽ là Charlotte Gainsbourg, con gái của huyền thoại văn hóa Pháp Serge Gainsbourg và diễn viên nổi tiếng (nhưng rất xấu) của Anh là Jane Birkin. Thừa hưởng vẻ phong trần của bố và nét đàn ông của mẹ, Charlotte có một vẻ đẹp rất lạ, không hề đẹp theo kiểu nữ tính thông thường vì nét mặt của cô rất cứng và khắc khổ kiểu con trai, ấy vậy mà nhìn toàn diện trông Charlotte lại rất cuốn hút và ... dịu dàng, có lẽ vì cô có đôi mắt buồn thừa hưởng từ ông bố qua đời khá sớm. Không chỉ đóng hay nhất phim, Charlotte còn thể hiện cực kì tình cảm bài hát chủ đề của phim "L'un part, l'autre reste":


vendredi 12 juin 2009

The International (2009)


Phim này của Tom Tykwer, đạo diễn từng gây ấn tượng với "Lola rennt" ("Run Lola Run"), một bộ phim có cách kể chuyện "kiểu Rashomon" hết sức đặc sắc và "Das Parfüm" ("Perfume: The Story of a Murderer"), một phim sử thi cực đẹp về mặt mỹ học, tóm lại là một đạo diễn có tài. Nhưng với dàn diễn viên "chỉ" cỡ Clive Owen và Naomi Watts thì chất lượng của "The International" đã bị đặt dấu hỏi. Và đúng là nội dung của phim này chẳng có gì thật, mang tiếng là phim hành động điều tra nhưng các đoạn cao trào (climax) và nút thắt mở (twist) của "The International" chỉ ở mức thường, cộng thêm diễn xuất cũng thường thường bậc chung (như thường lệ) của Owen và Watts, kết quả là bộ phim sau khi kết thúc chẳng còn đọng lại tí nào trong khán giả.

Tuy có vài điểm dở nhưng "The International" cũng không đến nỗi là một phim tồi, đặc biệt là nếu xét về bối cảnh phim. Tykwer chọn cho "The International" rất nhiều bối cảnh đẹp và đa dạng, từ cổ kính như Istanbul với những nhà thờ, hầm mộ Hồi giáo (tôi không rõ là nhà thờ nào vì Hagia Sophia, Blue Mosque hay Süleymaniye Mosque đều có bề ngoài ... tựa tựa nhau) hay Milano với quảng trường Piazza del Duomo hay khu thương mại Galleria Vittorio Emanuele II, sang hiện đại của New York với Bảo tàng Guggenheim-kiệt tác của kiến trúc sư huyền thoại Frank Lloyd Wright (điểm nhấn của phim) và ... siêu hiện đại với khu Autostadt ở Wolfsburg, Đức. Có lẽ chừng ấy cũng là đủ để khiến khán giả ngồi nán lại gần 2 tiếng.

Les poupées russes (2005)


Đây là phần tiếp theo của "L'Auberge espagnole" do Cédric Klapisch tiếp tục đạo diễn, toàn bộ dàn diễn viên cũ của "L'Auberge espagnole" cũng xuất hiện trong phần này tuy nhiên Soledad, Alessandro, Tobias và Lars chỉ là những vai rất nhỏ dạng "khách mời". Tựa đề của phim - "Les poupées russes", trong tiếng Pháp có nghĩa là "Búp bê Nga" hay búp bê Matryoshka, loại búp bê mà bên trong 1 con búp bê lại là 1 con búp bê khác với vẻ ngoài giống hệt.

Nếu như phần đầu xoay quanh cuộc tìm kiếm "ý nghĩa cuộc sống" của Xavier (Romain Duris) thì phần này tập trung vào sự lựa chọn "tình yêu đích thực" của anh chàng ngốc ngếch này. Xavier, lúc này đã là một biên kịch điện ảnh khá "thành đạt" với đề tài phim truyền hình nhiều (vô số) tập ướt át, phải đứng trước lựa chọn khó khăn trong cuộc sống tình cảm khi mà xung quanh anh có tới vài cô gái, cô nào cũng đáng (để) yêu, cô nào cũng xinh đẹp và đương nhiên, cô nào cũng yêu anh. Đó là Martine (Audrey Tautou), người yêu cũ của Xavier nay đã là phụ nữ một con và ly dị chồng. Đó là Neus (Irene Montalà), cô chủ quán Tây Ban Nha đáng yêu mà Xavier quen ở Barcelona. Đó là Wendy (Kelly Reilly), cô gái London xinh đẹp và nhạy cảm, người từng khiến cả "auberge espagnole" phải náo loạn vì vụ "trốn người yêu đi ăn phở". Đó còn là cô người mẫu nổi tiếng Celia Shelburn (Lucy Gordon, cô diễn viên này từng tham gia "Spider-Man 3" và vừa tự tử hồi cuối tháng 5 năm 2009 ở Paris). Xavier sẽ chọn ai, và lựa chọn của anh liệu có phù hợp với cuộc đời và tính cách hơi ngơ ngẩn của anh không? Câu trả lời của đạo diễn Klapisch không thực sự bất ngờ (và cũng chẳng bất ngờ để làm gì với một phim gắn mác "hài" như thế này) nhưng cách ông trả lời nó thì rất dễ chịu, lãng mạn và hợp lý: Không có tình yêu lý tưởng (l'amour idéal), nhưng người ta vẫn có thể tìm cho mình một người yêu hoàn hảo (perfect lover) khi biết yêu quý cả những điểm không hoàn hảo (imperfect) của người ấy.

Giống như 'L'auberge espagnole", "Les poupées russes" có phần nhạc rất hay, hiện đại, sống động nhưng vẫn phù hợp với tâm trạng. Tuy nhiên bối cảnh phim của "Les poupées russes" không còn thu hẹp ở một phòng trọ mà trải rộng qua ba thành phố Paris - London - Sankt-Peterburg với vô số ngoại cảnh đẹp và lãng mạn. Tuy có đề tài "nghiêm túc" hơn so với "L'auberge espagnole" nhưng không vì thế mà "Les poupées russes" thiếu đi những pha hài hước dễ chịu, tinh tế. Hiếm thấy có phần tiếp theo nào của phim Pháp mà được làm chắc tay như phim này, xem xong mà mình chỉ hy vọng Klapisch có thêm ý tưởng để cho ra phần 3 của loạt phim "La vie de Xavier" ("Cuộc đời anh chàng Xavier") này.

lundi 8 juin 2009

L'Auberge espagnole (2002)


Ở dưới có nhắc tới "De battre mon coeur s'est arrêté", diễn viên chính của phim này là Romain Duris. Năm 2002 Duris tham gia một phim rất đặc sắc của điện ảnh Pháp có tên "L'Auberge espagnole". Trong tiếng Pháp "auberge espagnole" vừa có thể là Quán trọ Tây Ban Nha, vừa có thể là "Bữa tiệc nơi mỗi người mang đến món ăn của riêng mình để chia sẻ với người khác". "L'Auberge espagnole" đề cập tới cả hai định nghĩa này theo một cách rất hài hước và độc đáo. Để nhận được một "chân" làm việc trong Bộ Tài chính Pháp, Xavier đành phải bỏ lại người yêu ở Paris để tới Barcelona học một năm theo chương trình trao đổi Erasmus để luyện nói tiếng Tây Ban Nha, thứ tiếng mà anh gần như mù tịt. Tới Barcelona (nơi người ta lại chỉ giảng dạy bằng tiếng ... Catalan), Xavier phải ăn ngủ nhờ một cặp vợ chồng Pháp mà anh tình cờ quen ở sân bay do không thể tìm nổi nhà trọ ở một thành phố lúc nào cũng chật kín sinh viên và khách du lịch. Cuối cùng thì anh cũng tìm được chỗ trọ cho mình, đó là một căn hộ lớn-một Quán trọ Tây Ban Nha chính hiệu, nơi anh chia sẻ nhà trọ cùng 6 người bạn sinh viên đến từ 6 quốc gia khác nhau gồm ba cô gái Isabelle, một cô nàng lesbian cá tính người Bỉ, Wendy, cô gái sống nghiêm túc và ngăn nắp như "nun" người Anh, Soledad, người Tây Ban Nha duy nhất của phòng trọ (soledad trong tiếng TBN là sự cô đơn), cùng ba anh chàng Alessandro, người Ý và sống lãng tử bừa bộn đúng kiểu Ý, Lars, người Đan Mạch và là người yêu của Soledad, Tobias, "trưởng phòng trọ" người Đức và đương nhiên lúc nào cũng ngăn nắp, nghiêm túc và làm việc theo kế hoạch kiểu Đức. Mỗi thành viên phòng trọ chính là đại diện cho tính cách dân tộc của họ, và cũng như lịch sử xáo trộn của châu Âu, phòng trọ Tây Ban Nha cũng tràn ngập những rắc rối, vui buồn mà 7 thành viên của nó chia sẻ với nhau trong 1 năm sống chung ngắn ngủi.

"L'Auberge espagnole" tuy mang mác phim hài nhưng các tình huống hài thực sự không có nhiều trong phim, thay vào đó là những câu chuyện nhỏ (subplot) cảm động về từng thành viên phòng trọ Tây Ban Nha, về con đường hòa nhập khó khăn, nhưng đáng nhớ của họ với các thành viên khác và với cuộc sống, văn hóa, con người Barcelona. Với riêng Xavier, những ngày tháng ở "auberge espagnole" đã giúp anh nhận ra rằng cuộc đời có nhiều thứ thú vị hơn là một chỗ ở Bộ Tài chính cùng cô người yêu (do Audrey Tautou đóng) nhõng nhẽo đang chờ anh ở Paris. Đạo diễn Cédric Klapisch đã rất thành công khi chọn được cho phòng trọ 7 diễn viên có phong cách khác nhau nhưng đều thể hiện rất tốt vai diễn của mình, xuất sắc nhất có lẽ vẫn là Romain Duris với vai anh chàng Xavier hơi ngố cùng Cécile de France với vai cô gái Isabelle cá tính người Bỉ. Một điểm cộng khác của phim là phần nhạc cũng đa dạng như "auberge espagnole", cổ điển đương đại, rock techno đủ cả nhưng đều rất hợp với các cảnh phim mà nó lồng vào. Với nhiều điểm cộng vốn hiếm khi cùng tập trung trong một bộ phim Pháp như thế, đương nhiên "L'Auberge espagnole" là một phim hay cho những người yêu phim và cả những người muốn tìm hiểu về văn hóa châu Âu.

De battre mon coeur s'est arrêté (2005)


Phim này có cái tên rất hay nhưng chẳng biết phải dịch ra tiếng Việt thế nào cho xuôi, đành tạm dịch là "Nhịp đập cuối cùng của con tim". Phim nói về Tom, một thanh niên làm nghề môi giới địa ốc, một nghề khắc nghiệt, độc ác khi mà người ta phải dùng đủ mọi thủ đoạn, mánh khóe, từ lừa đảo đến đánh đập, hành hung vì một mục đích duy nhất là lợi nhuận. Oái oăm hơn là Tom lại có tình yêu sâu sắc với nhạc cổ điển, anh từng luyện từ khi còn rất nhỏ với hi vọng trở thành một nghệ sĩ độc tấu piano như mẹ của mình, và theo như các giáo sư thì anh thực sự có tài. Tiếc thay mẹ Tom qua đời, giấc mơ thủa nhỏ của anh cũng tan biến, thay vào đó là thứ nghề nghiệp hoàn toàn trái ngược Tom được thừa hưởng từ người bố. Một ngày nọ Tom bất ngờ gặp lại người giáo sư dạy đàn trước kia, và bất ngờ hơn khi Tom được đề nghị diễn thử vì ông vẫn cho rằng anh là một người có tài. Liệu đôi tay Tom sau bao năm chỉ cầm bút kí hợp đồng, cầm gậy hành hung người, còn đủ điêu luyện để đánh lên những nốt nhạc tinh tế? Liệu tâm hồn Tom sau từng ấy thời gian lăn lộn với mặt trái cuộc đời còn chỗ cho những cảm thụ về âm nhạc?

"De battre mon coeur s'est arrêté" có một cái tứ hay về cuộc đời, kèm vào đó là nền nhạc cổ điển nhẹ nhàng, dễ đi vào lòng người vì vậy không khó hiểu khi nó được trao giải César cho phim Pháp hay nhất năm - giải mà ban giám khảo vốn chuyên trị ưu ái các phim tâm lý nói về số phận con người. Tuy nhiên theo mình thì phim này vẫn có một cái gì đó chưa "tới", hay nói cách khác là chưa khai thác được hết cái tứ hay đặt ra ở đầu phim. Trong phim có sự xuất hiện của Phạm Linh Đan trong một vai khá quan trọng, cô gái Trung Quốc dạy Tom lấy lại cảm thụ âm nhạc. Hơi khó hiểu cho quyết định của đạo diễn với nhân vật này vì thoại của Linh Đan hoàn toàn là ... tiếng Việt, vậy phải biến cô thành người Trung Quốc Miao Lin để làm gì? Linh Đan diễn hay, cô có đôi mắt đen láy rất đẹp, đây là điểm nhấn của các cảnh phim có sự xuất hiện của cô, chất giọng nhẹ nhàng của cô cũng rất hợp với vai diễn, chỉ tiếc là phần thoại tiếng Việt chưa được trau chuốt lắm nên một số câu nghe vẫn hơi gượng (hay là tai mình gượng vì đã quá lâu không xem phim tiếng Việt nào?). Điện ảnh Pháp vốn có đặc điểm là diễn viên, dù có nổi tiếng đến mấy cũng không quá kén chọn kịch bản và dự án, vì vậy các tên tuổi nổi tiếng thường đóng rất nhiều phim và nhận cả những vai phụ vốn không đòi hỏi đến tên tuổi và trình độ của họ, trong phim này có một vai như thế là vai bạn gái của bố Tom do Emmanuelle Devos đóng. Devos là một nữ diễn viên có tiếng, từng giành giải César cho vai nữ chính (vượt qua đối thủ cực kì nặng kí năm đó là Audrey Tautou với Amélie). Vai của Devos trong phim này rất nhỏ và ít đất diễn, tuy vậy cô vẫn để lại ấn tượng cho khán giả với đôi mắt buồn biết nói. Phim này còn một vai rất nhỏ nữa nhưng gây ấn tượng cho mình, đó là vai bạn gái của gã trùm mafia người Nga, một cô gái có vẻ đẹp rất thánh thiện do Mélanie Laurent thủ vai. Đến năm nay (2009) thì chắc mọi người cũng đã đều biết Laurent là ai, cô được Quentin Tarantino chọn vào dàn diễn viên của "Inglourious Basterds". Kết luận là phim này tuy chưa phải xuất sắc nhưng hay và cảm động, đặc biệt là đối với người yêu nhạc cổ điển.

dimanche 7 juin 2009

Malèna (2001)


Thực ra biết tiếng phim này đã từ lâu, một phần vì content "full of nude scenes", một phần vì đạo diễn nhưng mình chưa từng có ý định xem phim này vì cứ tưởng tượng ra một phim rất buồn bã với cái style quen thuộc: thiếu phụ chờ chồng. Nhưng sau khi bạn Gà ca ngợi mình mới quyết định mượn thư viện vì xem vì có lẽ nó không buồn như mình tưởng. Đúng thế thật, phim quá buồn bã không có đất trong phim của Tonatore. Nội dung phim thì vẫn đúng như mình đã từng đọc qua, một thiếu phụ trẻ, đẹp, quyến rũ, chồng chết ngay từ những ngày đầu cuộc chiến nơi châu Phi xa xôi, ngày ngày phải sống giữa hai làn nước dữ: Sự thèm muốn khao khát xác thịt của lũ đàn ông và sự ghen tị pha lẫn ghen tuông của lũ đàn bà nơi thành phố nhỏ. Cuộc sống tưởng chừng ép cho Malèna tan nát với những nỗi đau ập đến liên tiếp, với sự tàn khốc của cuộc sống, với cảm giác cô độc khi ngay đến người thân yêu nhất của cô là ông bố nhà giáo cũng từ mặt cô vì những lời đồn đại ác nghiệt, vậy mà cô vẫn sống, vẫn đẹp, vẫn quyến rũ, chẳng ai rõ vì sao cô có thể nuốt nỗi đau vào mà sống như thế, khi mà mỗi ngày của cuộc sống nước Ý thời chiến, nỗi đau của cô lại càng dày hơn. Có lẽ Tonatore muốn giữ mãi cái màn sương mờ ấy khi để Malèna hiện ra trước người xem qua con mắt của một cậu bé mới lớn, người thầm yêu trộm nhớ Malèna mà chỉ dám biểu lộ tình cảm ấy qua việc ... nhổ nước bọt vào cốc rượu hoặc ... đái vào cái ví của những kẻ dèm pha cô. Motif của Malèna có nhiều cái giống với tác phẩm hay và xúc động nhất của Tonatore - cuộc đời qua con mắt một đứa trẻ, xã hội Sicilia đầy mâu thuẫn thu nhỏ trong một cái quảng trường, nơi hiện diện tất cả những niềm vui, nỗi buồn của cuộc sống, và tất nhiên, mọi thứ được lồng trong tiếng nhạc thánh thót, có chút gì đó hoài cổ và tràn đầy tình cảm lãng mạn của Ennio Morricone. Nếu xét về cốt truyện thì Malèna buồn hơn Cinema Paradiso, nhưng người xem vẫn không cảm thấy quá nặng nề vì Malèna có rất nhiều chi tiết hài hước phồn thực kiểu Ý, và trên hết là cái kết của phim không buồn hay thậm chí là làm người xem hơi hẫng so với kết cấu cả bộ phim. Dù sao đây vẫn là một bộ phim hay, đẹp và lạ so với motif chung về phim "mối tình đầu".

Mà lần này xem rất bực mình vì lần đầu tiên xem phim ở Pháp mà vớ phải bản bị cắt xén, toàn bộ cảnh hở hang bị cắt sạch, bất chấp việc nó làm hỏng mạch phim và cắt đứt mạch cảm xúc của người xem, ngạc nhiên cái là cảnh hở public hair bị cắt đã đành, đằng này cứ cảnh nào hở hang, bất kể "trên" hay "dưới" đều bị cắt không thương tiếc.

samedi 6 juin 2009

Sad Movies


Vốn "chuyên trị" xem phim buồn (sad ending), nhất là phim tình cảm buồn, càng buồn càng sướng, nay giới thiệu cho các bạn nào có cùng sở thích theo dõi, vì toàn phim hay nên xếp không có thứ tự đâu, chỉ chia thành 2 nhóm là phim tình cảm buồn và phim không tình cảm nhưng cũng buồn.

Phim tình cảm buồn:
01. Nouvo cinema Paradiso (bản cắt chiếu rạp, không phải bản đủ)

02. Chinatown
03. The Remains of the Day
04. The Constant Gardener
05. The English Patient
06. Vertigo
07. Revolutionary Road
08. Failan
09. Leaving Las Vegas
10. Out of Africa
11. Bá Vương biệt cơ (Farewell My Concubine)
12. The Fountain
13. Cyrano de Bergerac
14. 204615. The Reader




16. A Brighter Summer Day 
Phim không tình cảm nhưng cũng buồn
01. American History X

02. Das Boot
03. Hotaru no haka (Grave of the Fireflies)
04. Vô gian đạo (Infernal Affairs)
05. The Departed
06. Midnight Cowboy
07. Dog Day Afternoon
08. One Flew over the Cuckcoo's Nest
09. The Elephant Man
10. Amadeus
11. Artificial Intelligence: AI

12. Sunset Blvd.
13.
Idi i smotri (Come and See)14. Apocalypse Now15. Seven

Tạm thế đã.

mercredi 3 juin 2009

20 films cho ngày 14-2 (phần 2)


Còn đây là list các phim ... không phải Hàn xẻng .

1. Love Actually (Yêu thực sự) - 2003 (Anh)
Trailer - Review - IMDB rating : 7.8
Image

2. Nouvo Cinema Paradiso (Rạp chiếu bóng thiên đường) - 1989 (Ý)
Trailer - Review - IMDB rating : 8.3

Image

3. 50 first dates (50 lần hẹn hò đầu tiên) - 2004
Trailer - Review - IMDB rating : 6.8

Image

4. Love Story (Câu chuyện tình yêu) - 1970
Trailer - Review - IMDB rating : 6.4

Image

5. The Notebook (Quyển nhật ký) - 2004
Trailer - Review - IMDB rating : 8.0

Image

6. Legend of The Fall (Huyền thoại mùa thu) - 1994
Trailer - Review - IMDB rating : 6.8

Image

7. About Love (Tình yêu) - 2005 (TQ, Nhật, Đài Loan)
Trailer - Review - IMDB rating : 7.3

Image

8. When Harry Met Sally (Khi Harry gặp Sally) - 1989
Trailer - Review - IMDB rating : 7.6

Image

9. You've Got Mail (Bạn có thư) - 1998
Trailer - Review - IMDB rating : 6.1

Image

10. Before Sunset (Trước lúc hoàng hôn) - 2004
Trailer - Review - IMDB rating : 8.1

Image

20 films cho ngày 14-2 (phần 1)


Fan phim Hàn Xẻng nên trước hết là list 9 phim Hàn Xẻng đã. Hic nhiều phim quá nên chỉ dám giới thiệu qua nội dung các phim tâm đắc thôi, bạn nào muốn tìm hiểu kĩ mời vào link sẵn, hoặc hỏi gì thì tớ đáp nấy vậy. Đây đều là những phim tớ thích.

1. The Classic (Cổ điển) - 2003
Trailer - Review - IMDB rating : 7.6


Phim tình cảm đáng xem và đáng nghe nhất của Hàn Xẻng. Cổ điển dễ xem vì có lẽ ai cũng thấy một phần tuổi trẻ của mình trong đó, với tình bạn trong sáng, những rung động đầu đời, hạnh phúc, đau khổ, hoài bão, tất cả đều nhẹ nhàng, giản dị. Những cảnh quay và âm nhạc tuyệt vời (bộ phim này có bản phối cho Canon in D rất hay) càng làm cho người xem đồng cảm hơn với mối tình đầu của Ji-hae (Son Ye-jin) và Jun-ho (Cho Seung-woo), tình bạn của Jun-ho với Sang-min (Jo In-seong) và những suy tư của tuổi 18 - lứa tuổi đẹp nhất, nhiều biến động nhất. Tôi không tin là có ai xem xong Cổ điển lại không muốn mình được ở trong những khung cảnh lãng mạn trong phim - thế mạnh của các phim tình cảm Hàn xẻng vốn rất gần gũi với tâm lý giới trẻ, tôi cũng không tin là khán giả xem xong lại không mong muốn mình có một người yêu tuyệt vời như Ji-hae hay Jun-ho. Cổ điển - tuổi trẻ và ước mơ của mỗi người.

Bonus :
Canon in D bản phối cho phim - Download
Theme song cho cảnh con của Ju-hae và con của Jun-ho chạy dưới mưa - Download

2. Lovers' Concerto (Bản giao hưởng của những cặp tình nhân) - 2002
Trailer - Review - IMDB rating : 7.5


Một trong số những vai diễn hiếm hoi của Lee Eun-ju (vai Kyeong-hee), nữ diễn viên tài năng nhưng đã sớm từ giã cõi đời ở tuổi 25. Câu chuyện của Lovers' Concerto ngược hẳn với Cổ điển, khi mà tuyến nhân vật lại gồm đôi bạn gái thân Kyeong-hee và Su-in (lại Son Ye-jin) và anh chàng khờ khạo nhưng tốt bụng, dễ mến Ji-hwan (Cha Tae-hyun). Đôi khi người ta không cần phải ở gần nhau mới có thể nghĩ về nhau và yêu thương nhau, miễn là trong trái tim mỗi người đều giành một phần cho người kia. Chẳng ai đủ khả năng quay ngược lại thời gian, nhưng với một tình bạn chân thành, những kỉ niệm sẽ luôn còn mãi.

Bonus : Bài hát do chính Son Ye-jin hát trong phim - Download

3. Windstruck (Ngọn gió yêu thương) - 2004
Trailer - Review - IMDB rating : 7.1

Image

Ấn tượng đầu tiên của tôi về phim này là có phần nhạc tuyệt vời, kết hợp cả Pop, Rock và Rap với những tác phẩm rất hay, phù hợp với bối cảnh như Knocking on Heaven's Door, Tears (của X-Japan, tôi rất thích bài này), BK Love (bài Rap cho cảnh quay ấn tượng nhất phim). Sau bộ phim Cô nàng ngổ ngáo, Jun Ji-huyn trong vai Kyung-jin tiếp tục chứng tỏ khả năng diễn xuất cũng như vẻ đẹp của mình qua vai một cô cảnh sát bề ngoài cứng rắn nhưng tâm hồn lại yếu ớt do những mất mát trong cuộc sống. Lại một mối tình buồn, nhưng hình như chính những gì không hoàn hảo mới là hoàn hảo nhất.

Bonus : Bài Rap của phân cảnh Kyung-jin bắt tội phạm - Download

4. My Sassy Girl (Cô nàng ngổ ngáo) - 2001
Trailer - Review - IMDB rating : 8.0

Image

Sản phẩm văn hoá xuất khẩu hàng đầu của Hàn Quốc trong những năm đầu thế kỉ mới, bộ phim được đón nhận trên khắp châu Á nhờ cái chất "lạ" của các nhân vật trong phim (phim được dịch sát nghĩa sang tiếng Anh là Bizzare Girl - Cô nàng quái chiêu). Đưa người xem từ thái cực này sang thái cực khác, từ vui vẻ, nhí nhố sang lãng mạn, buồn bã, Cô nàng ngổ ngáo đã khắc hoạ rõ nhất suy nghĩ, cuộc sống của những người trẻ, những tâm hồn trẻ.

Bonus : Theme song của phim - Download

5. Sad Movie (Bộ phim buồn) - 2005
Trailer - Review - IMDB rating : 7.7


Phim này là inverse version của Love Actually (không hiểu ý đồ đạo diễn có như vậy không), một bộ phim của nhiều gương mặt, nhiều cảnh đời, họ ít nhiều có quan hệ với nhau, nhưng trên hết tất cả đều có một điểm chung, đều muốn yêu thương và cần tình yêu thương. Motif của Yêu thật sự được đạo diễn xử lý theo chiều hướng khác hẳn - khi số phận không đưa họ đến được với nhau thì mỗi nhân vật sẽ hành động, sẽ suy nghĩ thế nào? Bộ phim còn đáng xem nhờ dàn diễn viên trẻ, tài năng với những Cha Tae-hyun (vai Ha-suk, một anh chàng với công việc đặc biệt - Nhân viên chuyển lời chia tay), Jung Woo-sung (vai Jin-wu, anh cứu hoả luôn bỏ lỡ cơ hội tỏ tình với người mình yêu) hay Lim Su-jeong (vai Soo-jung, cô phát thanh viên dùng ngôn ngữ cử chỉ nhiều quá đến ngại nói ra những điều mình nghĩ bằng lời). Điểm số 7.7 của IMDB chấm cho bộ phim này cũng đủ để chứng minh đây là một bộ phim hay, dù là buồn (lại buồn!).

6. Il Mare (Ngôi nhà bên bờ biển) - 2000
Trailer - Review - IMDB rating : 7.9

Image

Phiên bản gốc của bộ phim The Lake House (Ngôi nhà bên hồ - Keanu Reeves và Sandra Bullock), vai diễn nổi bật đầu tiên của Jun Ji-hyun (vai Eun-ju) đưa cô đến với Cô nàng ngổ ngáo một năm sau đó.

7. Ditto (Lời hứa) - 2000
Trailer - Review - IMDB rating : 7.4

Image

Phim nhựa đầu tay của Kim Ha-neul (vai So-eun), người nổi tiếng với vai chính trong các phim hài như Người đẹp nói dối, Cô bạn gia sư, Gần như yêu,... Bộ phim này cũng đánh dấu sự ra mắt của một diễn viên nổi tiếng khác, đó là Ha Ji-won (vai Hyeon-ji).

8. Over the Rainbow (Đi tìm cầu vồng) - 2002
Trailer - Review - IMDB rating : 7.4


Image

Tựa phim lấy từ tên bài hát chính trong phim, bài Just Over the Rainbow do Judy Garland hát, được bầu chọn là bài hát hay nhất thế kỉ 20 của nước Mỹ. Phim này có vai nữ chính có mặt rất giống một người bạn tớ, nên xem xong phim rồi mà cứ ấn tượng mãi khuôn mặt đấy đó.

Bonus : Bản gốc Just Over the Rainbow do Judy Garland hát trong phim The Wizard of Oz năm 1939 - Download

9. A Moment to Remember (Ký ức) - 2004
Trailer - Review - IMDB rating : 7.9

Image

Bộ phim yêu thích của một con ma phim Hàn Xẻng khác là Hạnh cú, bạn tớ , bộ phim quy tụ đôi trai tài gái sắc nổi tiếng của điện ảnh là Jung Woo-sung (vai Cheol-su) và Son Ye-jin (vai Su-jin).