Xã hội nước Mỹ những
năm đầu thập niên 1960 là bức tranh của những mảng màu đối nghịch – màu xanh hy
vọng từ một nền kinh tế tăng trưởng và khoa học-kỹ thuật tiến bộ không ngừng thời
hậu Chiến tranh thế giới thứ hai, màu vàng bệnh tật đến từ những tàn dư của tệ
phân biệt đối xử với những nhóm người thiểu số như người da màu, người đồng
tính, người khuyết tật, và màu đỏ từ nỗi lo sợ “hiểm hoạ Sô viết” của người dân
và chính phủ Mỹ. Với riêng Elisa Esposito (Sally Hawkins) đời có lẽ chỉ có một
màu xám xịt khi tài sản của cô gái câm chỉ là cuộc sống cô độc trong căn gác
mái đơn sơ trên một rạp phim cũ kĩ của thành phố Baltimore, và công việc lau dọn
đơn giản, nhàm chán cho một cơ sở nghiên cứu bí mật của chính phủ Mỹ. Điểm sáng
duy nhất trong cuộc đời cô có lẽ chỉ là tình bạn với ông hoạ sĩ láng giềng
Giles (Richard Jenkins) và cô đồng nghiệp da đen Zelda Fuller (Octavia Spencer),
nhưng bản thân họ cũng có những nỗi lo riêng – với Giles là những tháng ngày thất
nghiệp triền miên và sự hắt hủi của người đời dành cho ông-một người đồng tính,
và với Zelda là sự dè bỉu thường nhật của những kẻ phân biệt chủng tộc. Bởi thế,
dù an nhiên đến mấy, nhưng Elisa mãi chỉ như một cô cá bé nhỏ, câm lặng bơi giữa
biển người xa lạ, cam phận trong những lồng kính cuộc đời của cô – căn hộ bé nhỏ,
những chuyến buýt chật hẹp, và hành lang dài ngột ngạt của cơ sở nghiên cứu ngầm.
Nhưng rồi màu hồng của tình yêu, của niềm vui cuộc sống cũng đến với Elisa khi
cô gặp một người cá thực sự - chàng Người cá (Doug Jones) bị viên thượng tá Richard
Strickland (Michael Shannon) bắt về từ những dòng sông Nam Mỹ xa xôi chỉ bởi
chàng có khả năng sống lưỡng cư cả ở trên bờ và dưới nước. Ở chàng Người cá,
Elisa tìm thấy tất cả những gì cô mong muốn trong cuộc sống – một người bạn câm
lặng nhưng chân thành, một tấm lòng sẵn sàng chia sẻ với Elisa từ quả trứng luộc
tới tình yêu âm nhạc, và trên hết là một tâm hồn đồng điệu trong nỗi cô đơn đến
cùng cực. Vui sướng trước tia lửa hạnh phúc bất ngờ le lói, nhưng Elisa cũng lại
nhanh chóng nhận ra rằng cô chẳng có nhiều thời gian để nhen nhóm, và gìn giữ
ngọn lửa ấy khi mà viên sĩ quan tàn bạo Strickland thừa lệnh vị tướng năm sao Frank
Hoyt (Nick Searcy) nhất quyết ép tiến sĩ Robert Hoffstetler (Michael Stuhlbarg)
phải giết chàng Người cá để có tiêu bản nghiên cứu phục vụ cuộc chạy đua không
gian đang đến hồi quyết liệt giữa Hoa Kỳ và Liên Xô. Elisa chỉ có hai lựa chọn
– hoặc buông xuôi nhìn chàng Người cá héo tàn dưới bàn tay tàn bạo của cơ sở
nghiên cứu bí mật, hoặc tìm cách đưa chàng trở về với thiên nhiên bằng sức lực
yếu đuối trong câm lặng của cô.
Trước hết có thể
khẳng định rằng The Shape of Water không phải là một bộ phim hoàn hảo, đặc biệt
là về mặt kịch bản. Dưới ngòi bút biên kịch của Guillermo del Toro và Vanessa
Taylor, kịch bản của bộ phim, nhất là ở những phân cảnh hành động, vẫn còn một
số điểm chưa hợp lý và tiết tấu của phim cũng không thực sự nhịp nhàng với phần
giữa có nhiều chi tiết không tạo được ấn tượng mạnh về mặt cảm xúc đối với khán
giả. Thêm vào đó, việc xây dựng tuyến nhân vật của The Shape of Water cũng vẫn
còn thiếu sự cân bằng vì nhân vật chàng Người cá tương đối nhạt nhoà và thiếu
chiều sâu cần thiết nếu so sánh với các nhân vật khác của bộ phim. Với những
khuyết điểm như vậy về mặt kịch bản, bộ phim đã có thể trở thành một tác phẩm
thường thường bậc trung dưới bàn tay của một đạo diễn không mạnh về mặt hình ảnh
và cảm xúc. Nhưng rất may cho The Shape of Water, đạo diễn của tác phẩm này
không phải ai khác mà chính là Guillermo del Toro – tên tuổi gắn liền với những
bộ phim về “quái vật” vừa xuất sắc về mặt hình ảnh, vừa khơi gợi rất nhiều cảm
xúc trong lòng khán giả. Được biết tới nhiều nhất các tác phẩm hành động đậm chất
khoa học giả tưởng như Blade II (2002), Hellboy (2004), Hellboy II: The
Golden Army (2008), Pacific Rim (2013), đạo diễn người Mexico luôn đem tới cho
khán giả những chi tiết và nhân vật giả tưởng vừa hết sức sáng tạo, lại vừa gợi
nhớ tới những giấc mơ từ thủa thơ bé của mỗi chúng ta về những siêu quái vật và
siêu anh hùng. Mộ trong những nhân vật “quái vật” ấy – nhà bác học nửa người nửa
cá Abe Sapien trong Hellboy và Hellboy II chính là một trong những nguồn cảm
hứng để Guillermo del Toro tạo nên hình dáng kì dị của chàng Người cá của The
Shape of Water, nhân vật do chính Doug Jones – diễn viên của vai Abe Sapien
năm xưa thủ diễn. Nhưng một nguồn cảm hứng khác cho The Shape of Water là mối
tình người đẹp-quái thú trong bộ phim khoa học giả tưởng của đạo diễn Jack
Arnold Creature from the Black Lagoon (1954) – một trong những tác phẩm điện ảnh
gắn liền với tuổi thơ của Guillermo del Toro. Với The Shape of Water, del
Toro muốn viết lại mối tình dang dở trong Creature from the Black Lagoon thành câu truyện cổ tích thời hiện đại của riêng ông – một mô-típ ông đã từng rất
thành công với hai tác phẩm được đánh giá cao về mặt nghệ thuật là The Devil's
Backbone (2001) và Pan's Labyrinth. Bằng việc tập trung vào thế mạnh hình ảnh
của The Shape of Water vốn chứa đựng đầy những chi tiết nửa thực nửa mơ của một
tác phẩm cổ tích thời hiện đại, Guillermo del Toro đã phần nào khoả lấp được điểm
yếu trong kịch bản của bộ phim và khiến khán giả hoàn toàn bị lôi cuốn vào từng
giây, từng phút của mối tình lãng mạn, nên thơ giữa cô gái câm Elisa và chàng
Người cá.
Nổi lên từ vai cô
gái lý lắc trong Happy-Go-Lucky (2008) và từng được đề cử giải Oscar cho vai
nữ phụ xuất sắc nhất với vai diễn trong Blue Jasmine (2013) nhưng nữ diễn
viên người Anh Sally Hawkins chưa thực sự gây dựng được một sự nghiệp đáng kể ở
Hollywood, một phần có lẽ vì vẻ ngoài nhỏ bé, đượm chất yếu đuối của cô tỏ ra
phù hợp hơn với các tác phẩm hiện thực lấy đề tài xã hội của Mike Leigh (đạo diễn Happy-Go-Lucky) hơn là các bộ phim Hollywood vốn thường ưa chuộng các diễn
viên có vẻ đẹp hào nhoáng, cuốn hút khán giả ngay từ cái nhìn đầu tiên. Nhưng với
nhân vật cô gái câm Elisa, cái đạo diễn Guillermo del Toro cần không phải là ấn
tượng ban đầu có phần phù phiếm như vậy, mà là một nữ diễn viên với khả năng diễn
xuất nội tâm đủ xuất sắc để lột tả những cung bậc cảm xúc mạnh mẽ có, mong manh
có của một cô gái đơn côi mà không cần phải dùng tới bất cứ câu thoại nào. Bởi
vậy, ở cái tuổi tứ thập, cuối cùng Hawkins đã lại thực sự có một vai diễn “để đời”
để cô có thể bộc lộ toàn bộ tài năng diễn xuất nội tâm hiếm có ở Hollywood của
mình. Thay cho khẩu hình của lời nói là những cử chỉ lúc mềm mại, lúc dứt khoát
của ngôn ngữ kí hiệu, thay cho những câu thoại phải thốt ra nơi đầu môi là ánh
mắt như phơi bày cả tâm can của nhân vật, Sally Hawkins thực sự đã khiến The
Shape of Water trở thành một tác phẩm hết sức trọn vẹn về mặt cảm xúc. Tuy chiều
sâu về số phận và tính cách của Elisa tạo cho Sally Hawkins rất nhiều đất diễn
để thể hiện khả năng diễn xuất, nhưng chỉ có một tâm hồn đồng cảm sâu sắc với
nhân vật, và sự hy sinh hết mình vì vai diễn mới có thể giúp Hawkins thực sự
khiến khán giả cuốn theo cặp mắt và đôi tay hết sức tự nhiên của cô gái câm mà
quên đi những bước nhảy tương đối đột ngột về mặt cảm xúc của bộ phim cổ tích
thời hiện đại này. Sự mong manh và đơn độc của cô gái câm Elisa phần nào đó gợi
nhớ tới cô bé Ofelia (Ivana Baquero), nhân vật trung tâm của Pan's Labyrinth – một trong những tác phẩm đáng nhớ nhất trong sự nghiệp của Guillermo del
Toro, nhưng diễn xuất đầy xúc cảm của Hawkins, đặc biệt là trong những phân cảnh
thể hiện tình cảm với chàng Người cá, đã giúp Elisa không chỉ dừng lại ở sự yếu
đuối và cô đơn ấy mà còn vươn lên trở thành một nhân vật đại diện cho những tâm
hồn tinh tế, hoài cổ, nhưng dám yêu, dám sống, và dám mơ ước. Với những ai đã từng
dõi theo các bước đường sự nghiệp của Guillermo del Toro, từ The Devil's
Backbone tới Hellboy, từ Pan’s Labyrinth tới Crimson Peak, chắc chắn họ
sẽ nhận ra rằng hình tượng nhân vật Elisa Esposito chính là đại diện cho những
giá trị nghệ thuật mà del Toro đã theo đuổi bấy lâu nay. Chắc hẳn đạo diễn người
Mexico đã hết sức hài lòng với quyết định của ông trong việc lựa chọn Sally
Hawkins cho vai diễn này, bởi cô đã thể hiện một cách trọn vẹn tiếng lòng nghệ
thuật của del Toro, và chứng tỏ rằng vẫn còn đó rất nhiều những tâm hồn đồng điệu
và thấu hiểu những hy sinh bấy lâu nay của ông vì nghệ thuật, vì những mô-típ
điện ảnh mà ông theo đuổi.
Tất nhiên thành
công của Sally Hawkins đã đóng góp rất nhiều vào thành công chung của The
Shape of Water, nhưng không vì thế mà khán giả có thể quên những nhân vật xoay
quanh cuộc đời của Elisa như viên sĩ quan Strickland, ông hoạ sĩ hàng xóm
Giles, cô đồng nghiệp Zelda, hay vị tiến sĩ bí hiểm Hoffstetler qua diễn xuất của
những tên tuổi tài năng như Michael Shannon, Richard Jenkins, Octavia Spencer,
và Michael Stuhlbarg. Không có quá nhiều đất diễn, nhưng dàn diễn viên phụ của The Shape of Water đã đem đến cho khán giả rất nhiều những gương mặt, mảnh đời
hết sức khác nhau nhưng đều hết sức đáng nhớ và gợi lên nhiều suy ngẫm về tội
ác và hình phạt, về giá trị của tình người trong những góc khuất tăm tối của xã
hội và cuộc đời. Chứng kiến sự biến đổi về mặt tính cách và suy nghĩ của những
nhân vật phụ do Shannon, Jenkins, Spencer và Stuhlbarg thể hiện, có lẽ nhiều
người trong số chúng ta sẽ nhận ra rằng dù ở bất cứ hoàn cảnh nào, sự dũng cảm
hy sinh vì tình yêu con người, vì lẽ sống chân chính vẫn luôn có chỗ đứng, và cần
có chỗ đứng.
Câu truyện cổ
tích hiện đại về tình yêu giữa cô gái câm và chàng Người cá, cùng giá trị nhân
văn thấm đẫm trong sự hy sinh của các nhân vật dành cho nhau đã là quá đủ để
giúp The Shape of Water trở thành một tác phẩm đáng nhớ. Nhưng Guillermo del
Toro chưa bao giờ chỉ là một đạo diễn giới hạn mình với những kịch bản hay, ông
còn luôn cố gắng phát huy hết khả năng sáng tạo của mình với phần hình ảnh và
âm nhạc của phim. Quả thực với sự giúp đỡ của nhà quay phim người Đan Mạch Dan
Laustsen và nhạc sĩ lừng danh người Pháp Alexandre Desplat, del Toro đã đem lại
cho The Shape of Water một chỗ đứng riêng về phần nhìn và phần nghe trong số
các bộ phim xuất sắc nhất của Hollywood năm 2017. Màu sắc hoài cổ cùng những bản
nhạc cũ kĩ của tác phẩm này có lẽ sẽ giúp trái tim của khán giả dịu lại với những
cảm xúc về một thời kì đã qua – đó là những năm 1950, 1960 – những năm tháng của
tình yêu trong trắng, của giấc mơ vươn tới không gian, của niềm tin vào tương
lai tươi sáng bất chấp mâu thuẫn giữa các quốc gia, bất chấp những định kiến, bất
ổn đầy rẫy trong xã hội. Người yêu điện ảnh thập niên 1990 chắc khó ai có thể
quên những tác phẩm vừa giả tưởng vừa hiện thực của đạo diễn người Pháp Jean-Pierre
Jeunet như Delicatessen (1991), The City of Lost Children (1995) và đặc biệt
là Amélie (2001) – những bộ phim làm mê đắm người xem vì phần hình ảnh giàu
chất siêu thực và những câu truyện đáng suy ngẫm về tình người và xã hội. Đã rất
lâu rồi Jeunet không còn cho ra đời các tác phẩm đáng nhớ như vậy, nhưng nhờ có
Guillermo del Toro và The Shape of Water, một lần nữa khán giả đã có thể tìm
lại cảm giác ngạc nhiên trước những chi tiết và nhân vật siêu thực đặt trong một
xã hội hiện thực, và hơn thế nữa cô gái câm Elisa Esposito chắc chắn sẽ khiến
nhiều người nhớ tới một trong những nhân vật đáng nhớ nhất của điện ảnh thế giới
những năm đầu thiên niên kỉ mới – Amélie, cô nàng đơn côi năm nào vẫn luôn tìm
cách hàn gắn sự cô độc của những cuộc đời xung quanh cô.
Trong một năm mà
nhiều tên tuổi lớn của điện ảnh đã đứng lên kêu gọi rằng các tác phẩm điện ảnh
của thời đại mới này cần phải mang tinh thần nhập thế, cần phải giúp nền chính
trị-xã hội của nước Mỹ và thế giới trở nên bình đẳng, tốt đẹp hơn, cần phải
thúc đẩy làng điện ảnh Hollywood mang tính đại diện hơn cho những cộng đồng thiểu
số, những cộng đồng bị áp bức. Là một đạo diễn “của những bộ phim quái vật”,
nhưng Guillermo del Toro đã lặng lẽ làm cái điều cần phải làm này suốt hai thập
niên qua với The Devil's Backbone, với Pan's Labyrinth, và với The Shape
of Water. Đó là những tác phẩm cổ tích thời hiện đại với rất nhiều chất điện ảnh
siêu thực nhưng cũng lại chứa đựng những thông điệp nhân văn nhất về cái cách
con người cần đối xử với nhau, cái cách chúng ta cần sống sao cho có ý nghĩa,
cái cách chúng ta không bao giờ được lãng quên những số phận nhỏ bé, mong manh
và đơn côi trong xã hội như Elisa, như chàng Người cá. Trong bài diễn văn khi
nhận giải Quả cầu vàng cho đạo diễn xuất sắc nhất năm nay – một trong những giải
thưởng lớn đầu tiên Guillermo del Toro giành được trong nghiệp đạo diễn mấy chục
năm, vị đạo diễn phúc hậu người Mexico có chia sẻ vui rằng ông phải hy sinh ba
năm cuộc đời cho mỗi một tác phẩm điện ảnh mới – những tác phẩm thể hiện niềm
tin của ông vào những con quái vật – hiện thân cho niềm tin rằng chúng ta – những
cá thể nhỏ bé trong xã hội có thể không toàn vẹn, có thể gục ngã nhưng vẫn luôn
có thể đứng lên để bước tiếp, để yêu đời, để yêu người. “The Shape of Water”
chính là đại diện điện ảnh tiêu biểu nhất cho niềm tin đầy lãng mạn vào niềm
vui cuộc sống ấy của vị đạo diễn người Mexico, một niềm tin mỗi chúng ta luôn cần
có để vững bước trên đường đời.
=====
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire