Trong
những năm gần đây Hollywood đã cho ra đời một loạt tác phẩm về đề tài giải
phóng nô lệ và đòi quyền bình đẳng cho người Mỹ gốc Phi ở Hoa Kỳ với các tác phẩm
tiêu biểu như The Help năm 2011 của Tate Taylor, Lincoln năm 2012 của
Steven Spielberg, The Butler năm 2013 của Lee Daniels và đỉnh cao là 12
Years a Slave của Steve McQueen, bộ phim đã giành Giải Oscar cho phim hay nhất
năm 2013. Không hài lòng với những thành công đã có, đặc biệt là trong thời điểm
nước Mỹ một lần nữa lại sục sôi với với những cuộc biểu tình phản đối tình trạng
cảnh sát trấn áp quá mức cần thiết người Mỹ gốc Phi, năm nay Hollywood lại cho
ra đời tác phẩm đáng chú ý mới về đề tài này, bộ phim Selma của nữ đạo diễn
da màu Ava DuVernay.
Lấy bối
cảnh xã hội nước Mỹ thập niên 1960 khi tệ phân biệt chủng tộc vẫn còn ăn sâu bám
rễ ở các bang miền Nam Hoa Kỳ, nơi nhiều khách sạn thậm chí còn từ chối phục vụ
người da đen, Selma mô tả lại những sự kiện dẫn tới cuộc tuần hành lịch sử của
những người đấu tranh đòi quyền bình đẳng cho người Mỹ gốc Phi, đứng đầu là mục
sư Martin Luther King, từ Selma tới Montgomery, thủ phủ tiểu bang Alabama để
đòi quyền bầu cử chính đáng cho người Mỹ gốc Phi ở Selma, vốn khi đó chiếm 57%
dân số của thành phố nhưng chỉ chưa đầy 1% trong số đó có quyền được bầu cử. Bộ
phim bắt đầu với cảnh quay nhẹ nhàng, ấm cúng mô tả hình ảnh Martin Luther King
chuẩn bị nhận giải Nobel Hòa bình, giải thưởng mang tính biểu tượng cho sự ghi
nhận quốc tế và thắng lợi bước đầu của phong trào đấu tranh bất bạo động do mục
sư King dẫn dắt. Những thời khắc êm đềm đó sớm bị cắt ngang bởi vụ khủng bố dã
man nhằm vào những em bé da đen, và liên tiếp sau đó là những vụ đàn áp tàn bạo
của cảnh sát miền Nam nước Mỹ nhằm vào những người tham gia biểu tình bất bạo động
đòi quyền bình đẳng cho người gốc Phi. Trọng trách dẫn dắt phong trào chỉ là một
phần khó khăn của mục sư King, khi ông còn vướng vào những cuộc thương thuyết
chính trị bất tận với tổng thống Johnson, người quan tâm tới cuộc chiến Việt
Nam, ý tưởng về một xã hội dân sự, và vận mệnh chính trị của ông ta nhiều hơn
là số phận của những người gốc Phi ngay trên chính nước Mỹ. Không chỉ có như vậy,
Martin Luther King còn phải đối mặt với thực tế khắc nghiệt, khi vợ ông ngày một
trở nên xa cách vì những lo lắng cho tính mạng của chồng con, khi nhiều người
tham gia phong trào bất bạo động muốn đi ngược lại tinh thần của phong trào để
đáp trả đòn thù của lũ phân biệt chủng tộc, và đau đớn hơn cả là có những người
tham gia phong trào, những người tin tưởng vào mục sư King đã phải bỏ mạng vì
công cuộc đấu tranh bất bạo động. Nhưng với niềm tin vào quyền bình đẳng trước
Đấng Tạo hóa, trước Hiến pháp Hoa Kỳ, Martin Luther King đã đưa được cái khẩu
hiệu “hãy trả quyền bỏ phiếu cho chúng tôi” (“Give us the vote!”) tới từng người
Mỹ gốc Phi đã và đang phải chịu đựng tệ phân biệt chủng tộc ngay trên chính đất
nước mình. Hơn thế, mục sư còn truyền được niềm tin vào quyền bình đẳng, niềm
tin vào triết lý đấu tranh bất bạo động tới mọi người Mỹ có lương tri, bất kể
màu da, bất kể tôn giáo, để rồi tất cả họ đã làm nên cuộc tuần hành lịch sử năm
1965 từ Selma tới Montgomery.
Là một
bộ phim về người da màu của một nữ đạo diễn da màu, Selma mang đầy âm hưởng của
văn hóa người Mỹ gốc Phi với tiếng hát thánh ca da diết của huyền thoại Mahalia
Jackson, những bản nhạc jazz của Jason Moran, và cả sự xuất hiện của Oprah
Winfrey, ngôi sao da màu có ảnh hưởng bậc nhất nước Mỹ trong một vai nhỏ nhưng
hết sức ấn tượng. Nhưng vai quan trọng nhất của bộ phim, vai mục sư Martin
Luther King, lại được trao cho David Oyelowo, một diễn viên người Anh chưa được
biết tới nhiều ở Hoa Kỳ. May mắn cho Selma là David Oyelowo đã chứng tỏ rằng
lựa chọn của đạo diễn DuVernay là hoàn toàn chính xác. Anh không chỉ tương đồng
với mục sư King ở vẻ bề ngoài, mà những cử chỉ, ánh mắt, giọng nói của Oyelowo
trong phim còn truyền tải được cho người xem phần nào sức ảnh hưởng lớn lao của
mục sư King, niềm tin ánh lên trong đôi mắt của ông khi thuyết giảng trước đám
đông chăm chú, và cả những suy tư dằn vặt trong đầu mục sư trước vận mệnh của
cuộc đấu tranh và trước cả hạnh phúc riêng của chính ông. Thật ngạc nhiên khi
biết rằng Selma là bộ phim điện ảnh đầu tiên của Hollywood khắc họa hình ảnh
tranh đấu của mục sư Martin Luther King gần nửa thế kỷ sau khi mục sư bị ám sát
năm 1968. Nhưng nếu có cơ hội được xem bộ phim này thì hẳn mục sư King cũng sẽ
hài lòng vì khi chứng kiến Oyelowo thể hiện hết sức xuất sắc những bài hùng biện
đi vào lịch sử của ông. Tất nhiên chúng ta cũng phải ngả mũ trước nữ đạo diễn
Ava Duvernay, người sinh ra sau cái giai đoạn tranh đấu đòi quyền bình đẳng ở
Hoa Kỳ những năm 1960 (bà sinh năm 1972) nhưng vẫn mô tả hết sức tinh tế cuộc đấu
tranh của người da đen, đặc biệt là những giờ phút bi tráng của các cuộc tuần
hành bị đàn áp, để rồi qua đó truyền được cho người xem cái hơi thở của một thời
đại tranh đấu trong lịch sử hiện đai Hoa Kỳ.
Được
công chiếu trong lúc người Mỹ gốc Phi một lần nữa phải đứng lên phản đối nạn bạo
lực của cảnh sát, Selma trở nên có ý nghĩa hơn bao giờ hết. Bộ phim như một
thông điệp nhắn gửi của mục sư King tới những người biểu tình rằng cuộc đấu
tranh đòi quyền bình đẳng cho mọi màu da, mọi nguồn gốc là khó khăn, là gian
nan, nhưng nếu thay vì biểu tình vô tổ chức, thay vì đập phá, hôi của, những
người biểu tình biết đoàn kết, tổ chức lại với tinh thần đấu tranh bất bạo động
và niềm tin vững chắc vào lẽ phải, rồi một ngày kia họ sẽ chiến thắng bạo quyền
để đem lại bình đẳng thực sự.
====
Bản đã được biên tập trên Zing.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire